Tuy xa cách đã lâu nhưng nó vẫn chưa quên đường đi nước bước. Nó đi qua trước cổng tâm lý chiến nơi đó có cây trứng cá có rất nhiều trái chín. Lúc bé chị nó vẫn thường dắt nó đến để hái. Người lính hiền lành đã nhiều lần cho nó mượn chiếc ghế để hái những trái trên cao. Phía bên kia đường là cổng sau sở thú có cây đa già đến trăm tuổi. Dưới tàn cây ẩn náu một mái lá lúc nào cũng nghe tiếng xèo xèo và mùi mở hành thơm bát ngát bay ra. Ðó là quán thịt chó của một thương binh từ trận Tchépone giải ngũ về hậu phương. Chính anh ta là người thích thịt chó thì nay có cơ hội biểu diễn những món thịt chó với cái bếp của anh, phục vụ khách. Chính ở quãng đường này Nam đã có một kỷ niệm không quên. Ngày đó quân Bắc Việt mới vào. Không biết xe nhà binh ở đâu mà chúng có sẵn, chúng chạy hàng đàn trên đường Hồng Thập Tự về phía dinh Ðộc Lập. Bỗng nhiên một chiếc dừng lại trên dốc cầu Thị Nghè. Cả bầy phía sau dồn cục. Chẳng có gì lạ. Ðó là do một anh lính mặc sắc phục TQLC phạch ngực, nghênh ngang bước ra chận đầu xe. Tên lái xe nhảy xuống đất quát nạt và xô anh ta vô lề đường: Thằng Ngụy này tránh vô cho xe chạy! Anh lính cười sằng sặc, tay dơ chai rượu lên ực mấy hớp rồi nhìn thẳng mặt tên lái xe: Mày là thằng Ngụy ăn cướp nước tao! Phản động! Chính mày là tên phản động! Tên lái xe giơ tay định tát anh lính nhưng anh này đã nhanh như chớp đập chai rượu lên đầu hắn vỡ toang. Hắn lảo đảo rồi lùi lại gục đầu vào vè xe. Lập tức hai tên đồng đội của hắn xông tới, định bắt lấy anh lính, nhưng anh này đã đâm cái cổ chai còn lại trên tay vào bụng mình như võ sĩ đạo mổ bụng bằng gươm trước mặt kẻ thù để khỏi sa vào tay chúng. Rồi thọc tay vào bụng móc ruột ra quật vào mặt tên giặc. Cả bọn ở phía sau chạy ào tới. Vài ba đứa bị khúc ruột quật, ôm mặt chạy lùi...Lúc đó Nam vừa đến quán thịt chó đã vắng chủ hoang tàn, núp vào gốc đa, hí mắt dòm. Người lính TQLC ngã xuống đường và đoàn xe chạy qua...Mấy tuần lễ liền Nam không dám đi ngang đây. Nam tìm lối khác mà đi. Nhưng bỗng một bất ngờ Nam vô tình đi ngang qua đó. Nam giật mình: giữa đường một hình ngươì giăng tay giăng chân ra in trên mặt đường. Và bên gốc đa mấy cọng chân nhang ngả nghiêng xiêu vẹo. Có lẽ một người nào vừa cắm vừa run, cắm xong bỏ chạy. Nam rùng mình đi thẳng một quảng xa mới ngó lại và vẫn thấy cái bóng anh lính TQLC sừng sững trước đầu xe. Bây giờ trở lại đây Nam vẫn còn nhớ. Cái rễ cây đa bọng làm lư hương năm xưa đã nổi vồng lên như con rắn lớn, còn cây đa thì tàng lá rợp che cả mặt đường. Mới thời còn cắp sách đến trường. Chốc đây mà đã 1/4 thế kỷ. Nam giật mình nhớ tới bộ râu quái gở của mình. Thực vậy, trong lúc vui điên, Nam quên tất cả, cả mình. Bây giờ Nam mới nhớ ra tại sao thiên hạ cứ dòm mình bằng cặp mắt kỳ cục. À, thì ra vì cái bộ râu. Nam đã có bộ râu của ông già Noel. Nam vén nó lên và dấu trong áo để khỏi bị chú ý nữa, nhưng bộ râu bồm xôm nên nó làm phình ngực áo lên suýt đụng mũi. Không còn cách nào khác, Nam cứ để như thế mà đi trong đám người trên đường, cố ý đi nghiêng nghiêng để người ta ít trông thấy cái bộ ngực kỳ lạ của Nam. May quá, Nam đi qua đầu cầu Thị Nghè chỗ tam cấp bước xuống chợ, thì thấy một hiệu thợ cạo. Cái tấm kiếng bên trong to lớn lấp loé ánh mặt trời làm Nam dừng lại, nhảy hai nấc một và bước vào ngay. Người thợ cạo có vẻ sửng sốt khựng lại giây lâu rồi mới chậm rãi hỏi Nam bằng một cái hất hàm. Nam nói không ngập ngừng: Xin ông cứ đẩy láng hết cho tôi! Người thợ cạo trỏ chiếc ghế. Nam ngồi lên. Nam trông thấy rõ mình hơn dưới trũng nước. Chẳng những râu trông quái gở mà tóc trông cũng quái gở lạ lùng. Nó vừa như một mớ râu của một trái bắp khổng lồ, nó lại vừa như cái bờm của con sư tử, trong lúc đôi chân mày thì dựng ngược cả lên như hai cái hàng rào sẵn sàng bảo vệ đôi mắt trủng sâu có thể là hang rắn lẫn hang cọp, còn mớ tóc thì có thể che kín một trung đoàn. Nhưng chỉ trong chốc lát, người thợ cạo đã biến khu rừng rậm thành một cái đồi trọc không có lấy một ngọn lau. Và Nam sực nhớ ra rằng trong túi mình không có xu nào hết. Ðọc thấy sự bối rối trên mặt khách, người thợ cạo thân ái hỏi: Sao ông về trễ vậy? Ơ...ơ...trễ là sao ạ Xin lỗi, có phải ông đi cải tạo mới về không ạ? Tôi chỉ ở rừng chớ không bị cải tạo ạ! Thảo nào! Những người cải tạo thì đã về hết từ lâu. Như ông thấy đó, làng xóm, thành thị đã giải phóng hết rồi. Ma quỉ đâu còn ở đây nữa. Nam thành thật kể lại chuyện của mình rồi nói: Tôi nhờ bà Chúa Xứ Núi Sam báo mộng và dắt tôi ra khỏi rừng, nếu không thì giờ này tôi còn nằm ở trong rừng chưa bết đến ngày nào mới về được - Nam thọc tay vào túi định móc tiền nhưng lại nhớ ra...Ðã lâu quá qúa lâu rồi mình đâu có biết tiền bạc gì! Anh thợ cạo lại nói cho lấp qua: Ông bỏ lỗi cho nhé. Ông ở trong rừng như thế thì ở với ai? Tôi không ở với ai ngoài lũ chim, khỉ và các loại thú rừng. Rồi ông không có thứ gì cạo râu cắt tóc à? Không có gì hết. Mỗi khi nó ra quá dài thì tôi dùng một que nứa cặp nó lại như cặp gắp nướng cá rồi lấy lửa đốt nó cháy tới đó thì ngưng. Nhưng mà ở rừng ban đêm lạnh lắm, có râu tóc dài cũng bớt lạnh. Nam đứng dậy. Anh thợ cạo nói: Tôi biếu không anh mẽ cạo này đấy. Tôi cảm thấy anh đã chịu gian khổ thay cho chúng tôi. Chúc mừng anh nhé và mong anh sum họp gia đình. Bỗng nhiên nước mắt chảy tràn, Nam nghẹn ngào: Gia đình tôi tan nát từ lúc chúng nó đến, còn đâu nữa mà sum họp, nhưng cũng gượng:- xin cảm ơn ông! Nam lặng lẽ nó mớ râu tóc của mình nằm phơi ngùn ngụn như một đống rơm dưới chân ghế. Anh thợ cạo bảo: Tôi sẽ đem nộp mớ râu tóc này cho nhà bảo tàng! Nó làm tôi nhớ lại hồi xưa, họ có chiếu cho dân Sài Gòn xem phim Bạch Mao Nữ của Trung Cộng. Phim đó như thế nào vậy hả ông? Anh thợ cạo nói: Nếu anh không vội về, thì hãy ngồi đây tôi sẽ kể tóm tắt cho ông nghe. Rồi ông sẽ thấy rằng người ta cũng có thể quay một bộ phim về ông để đối lại với phim Bạch Mao Nữ được lắm. Nghe câu chuyện có vẻ hấp dẫn, vã lại biết nhà của mình bây giờ không còn, và gia đình cũng không còn ai, Nam bèn ngồi lại. Anh thợ cạo mời Nam một ly nước đá lạnh và kể: Phim như thế này. Một cô gái tên là gì đó yêu một cậu trai tên là gì đó tôi không còn nhớ. Cả hai đều ở đợ cho một địa chủ. À quên, cô gái con của một ông già tên là Dương Bạch Lao. Sở dĩ tôi nhớ tên ông ta là vì tên ông ta gần giới người bị bịnh ho lao. Mà cộng sản vô đây thì không đem gì khác hơn bệnh ho lao. Ăn uống không đủ chất bổ lại bị bắt đi lao động quần quật nên sanh bịnh ho lao. Dương Bạch Lao gán đứa con gái cho địa chủ để trừ nợ. Vô nhà địa chủ, cô gái gặp cậu trai. Cùng hoàn cảnh nên hai đứa yêu nhau. Cô bé giống như mấy con sẩm tơ, tóc thắt biém, buông thòng trên cái lưng nhỏ thon thon ở trong Chợ Lớn ấy mà. Một hôm ông địa chủ gọi cô bé lên nhà để đấm bóp....Cô bé tủi nhục với người yêu nên bỏ nhà chui trốn lên rừng ở luôn trong đó không dám về xóm nữa. Ở lâu cho đến đỗi quên tiếng nói và không biết đường về. Bỗng một ngày kia một toán giải phóng quân đến vùng này một đêm nọ tham dự Cải cách ruộng đất, đấu tố ông địa chủ và nghe người dân địa phương kể lại câu chuyện thương tâm đó. Ngờ đâu trong số giải phóng quân laị có người yêu của cô bé. Nghe xong, cậu ta bèn chạy lên đống đất cao hò:"đả đảo cường hào ác bá và Mao chủ tịch muôn năm!" Xong rồi toán giải phóng quân bèn kéo nhau vào rừng lùng tìm cô bé đáng thương kia. Họ gặp cô ta đang ở trong hang núi, tóc bạc trắng như tóc bà già, mặt mũi như con khỉ cái. Họ đem cô ta về tắm rửa, thay áo hoa quần lãnh trông đẹp ra phết và dạy cho cô nói lại tiếng xưa. Xong rồi cho thành hôn với cậu trai nọ. Cả làng nhảy múa liên hoan mừng cho đôi tân hôn. Cuốn phim muốn "giáo dục" nhân dân rằng:"chế độ cũ biến con người thành con vật. Chế độ cộng sản biến con vật thành con người. Nam hỏi: Còn cái mớ tóc bạc của cô ta thì sao? Chỗ này phim không có quay, chỉ thấy tóc cô ta đen nhánh như xưa. Tôi chắc là họ phải mua thuốc nhuộm cho cô ta chớ nếu cạo như tôi làm đối với ông vừa rồi thì làm sao tóc ra cho kịp để thành hôn? Phim Bạch Mao Nữ đại khái như thế đó. Nam ngẩn người ra một lúc rồi chép miệng: Như vậy cũng có ý nghĩa chớ nhỉ? Ông nhỉ! Ờ có ý nghĩa quá chớ lỵ, nhưng mà nếu chuyện của ông đem quay thành phim thì mỗi lần chiếu chắc người xem chật rạp. Nhưng tôi đâu phải là cô gái! Thì đổi lại. Vai chánh là đàn ông cũng được chớ sao! Tôi đâu có người yêu và cũng đâu có ai vô rừng tìm tôi. Nhưng tóc râu của ông còn hấp dẫn mấy mái tóc BẠCH MAO. Tôi tạm đặt cho tên phim là Bạch mao Nam nhé! Nam cười. Một chút, nói: Tôi nghĩ là chuyện của tôi cũng hay, nhưng không hay bằng chuyện các chú các bác đi cải tạo. Biết bao chú bác đi không về. Ông không bị cải tạo sao ông biết là hay? Tôi đã sống với họ ở nhiều trại trong dịp đi tìm ba tôi. Rồi ông có tìm được ông già hay không? Có. Tôi đã gặp lại ba tôi rồi! Nam nó cho qua truông. Thôi ông về nhanh đi, để ông cụ ở nhà trông. Nam nói: Ba tôi không có ở nhà. Lúc thì đứng ở vườn hoa, khi lại đến trước nhà Quốc Hội. Ông cứ đứng ở đó, không chịu đi đâu hết. Ủa sao kỳ vậy? Hình như ổng muốn đứng canh! Ông ít nhất cũng 40, thì ông cụ phải ngoài 60. 60 tuổi đâu có phải là lính mà đứng gác được! Nam tự nhiên nghe mắt nóng lên. Nam quyệt ngang rồi tiện tay trỏ vào gương nói: Ông thợ xem kìa, đầu tôi trọc lóc như trái dừa khô. Há há! Ðem ra chợ bán được một cắc bạc mua được nải chuối sống...Chuối sống là chống suối là trèo non, băng rừng lội suối. Há há á - Nam vừa cười vừa chạy ra khỏi tiệm. Nam vọt luôn qua cầu. Dòng nước đen ngòm chảy qua như cầu Nại Hà đầy rắn rết hùm beo dưới âm phủ mà Nam đã đến mấy lần để tìm ba. A đây là sở thú của tuổi thơ! Bị cho thôi học thì nó không còn dịp trở lại nơi này. Ở đây có những con vật mang tên Hồ, Ðồng, Giáp, Duẫn. Chúng sút chuồng chạy loạn không ai bắt lại được. Có con chạy ra tới đại lộ Thống Nhất. Có người gặp một con lọ nồi xuống tới Phú L6m. Chúng lạc bầy chắc chết hết. Bây giờ chuồng thú trống hoác không còn một con chim, con thú nào. Chúng cũng đã cải tạo xong, tốt cả. Chứ không mà được ra cái trại này à? Nam định quay ra thì có tiếng kêu thống thiết: Cứu tôi với! Ðó là chuồng cọp. Một con cọp già chỉ còn xương với da nằm trong chuồng, cặp mắt còn tinh anh quắc thẳng về phía Nam. Nam xúc động, hỏi khẻ: Ông "nhớ rừng" à ông Hổ? Cọp gật đầu rồi đứng phắc dậy "vươn tấm thân như sóng lượn nhịp nhàng" rồi chen ra cánh cửa Nam vừa mở khoá giải thoát cho nó. Chỉ có mấy con cá vàng lội nhởn nhơ dưới nước. Bên mé áo một thằng bé đang say mê nhìn. Chợt Nam thấy bé reo mừng: Em tưởng không gặp lại anh chứ! Em ở đâu, định gặp anh làm gì? Em ở ngoài chợ Sài Gòn. Vậy em ở đâu hiện giờ? Em có nhà nhưng bị chiếm mất. Hôm đó có một ông già đến xưng là bác. Bác yêu nhi đồng lắm. Rồi ẳm em lên tay, cho em ngồi chung ghế bành với ổng. Em khóc em đòi về. Ổng bảo ở với ổng, ổng cho đi học rồi ôm cứng em, ngồi mãi đó. Rồi ổng cho em đi học không? Ổng chỉ dạy cho em một chữ. Chữ gì? Em cũng không nhớ chữ gì nữa chỉ thấy cuốn sách bìa đỏ lòm. Trang nào cũng đỏ. Ổng bảo cố học sẽ khá! Từ đó đến nay ổng ôm em chặt quá làm em không lớn được. Anh xem từ đò đến nay đã ngón 1/4 thế kỷ mà em cứ như trẻ mới biết đi. Ổng ở đâu rồi, lão già đó? Ổng nằm lăn ngoài vườn hoa bùng binh chợ Bến Thành. Hôm nọ mấy chú mấy bác vác xà beng xeo ổng lật xuống, nên em mới chạy thoát tay ổng. Nam hiểu ra ông già nào rồi. Súyt chút nữa Nam cũng bị lão ta ôm. Thằng bé kể tiếp: Ổng kêu là bài hải. Tao cũng cải tạo tốt rồi. Sao bây xeo lật tao xuống đất, không dựng tao dậy chút? Ổng còn ôm đứa nào nữa không? Nam hỏi. Trên tay ổng chỉ có cuốn sách. Ai đi qua ổng cũng chìa ra cho, nhưng không ai nhận. Ðể lão ta nằm đấy, nếu không rã thành đất thì lão sẽ bò lết. Còn em bây giờ, hãy lớn lên đi. Bắt cho kịp thời gian đã mất. Hãy vươn vai như Phù Ðổng ngày xưa. Ðấy thấy chưa, em đã lớn lên rồi. Ði cứu nước mau lên. Anh thấy đó, trời xanh mây trắng! Ðâu còn vết bẩn nào nữa đâu? Vậy em mơ gì? Em mong dựng lại nhà! Em muốn tìm ba em! Ði theo anh! Nam trỏ lên trời phía có ánh hào quang. Cánh tay Nam dài ra như một nhánh cây cổ thụ. Tỉnh dậy, Nam thấy mình vẫn nằm trong hang đá. ...Thì ra chỉ là một giấc mơ, giấc mơ dài một đời người. Từ tóc xanh chí ư bạch phát.