Cái kén đỏ

Lời người dịch: “Cái kén đỏ” gồm có 4 truyện ngắn. Abe Kobo cho in 3 truyện đầu (truyện thứ 4 được viết thêm về sau) trong tạp chí Con người (Ningen) số tháng 12 năm 1950. Tác phẩm đã nhận được Giải thưởng Văn học Hậu chiến (Sengo Bungaku Sho) của Nhật Bản.
Abe Kobo (1924-1993), nhà văn có tiếng tăm trên thế giới, là một trong những nhà văn ở đỉnh cao nhất trong văn chương Nhật Bản hiện đại. Ngoài viết văn, ông còn là kịch tác gia, đạo diễn phim và nhà ngôn ngữ học. Sinh ra ở Tokyo, lớn lên ở Mãn Châu, sau đó về Nhật theo học và tốt nghiệp y khoa, đại học Tokyo.
Abe Kobo bắt đầu nghiệp văn với tác phẩm Bảng hướng dẫn của con đường cùng (Owarishi michi no shirube ni, 1948). Năm 1951, Abe Kobo nhận giải thưởng Akutagawa (giải thưởng văn chương có giá trị nhất ở Nhật Bản) với tác phẩm Bức tường - Tội của S. Karuma (Kabe S. Karuma shi no hanzai). Năm 1962 với tác phẩm Người đàn bà trong lũng cát (Suna no onna) ông lại nhận được giải thưởng “văn học ngoại quốc ưu tú nhất” ở Pháp. Tác phẩm này đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng (Anh, Pháp, Nga... ể cả tiếng Việt) và đã làm Abe Kobo nổi danh trên thế giới.
Văn của Abe Kobo độc đáo, không nằm trong dòng chảy văn học truyền thống nên đôi lúc có vẻ khó hiểu nhưng lại có giá trị cao về mặt nghệ thuật. Những tác phẩm kiểu Abe có lẽ còn lạ đối với Việt Nam ta. Vì thế lâu nay, dịch giả vẫn hằng mong ước có dịp giới thiệu cùng bạn đọc VN dòng nghệ thuật này.
Tác phẩm được dịch dưới đây là một trong những tác phẩm đầu tay của Abe, thường được giới thiệu trong sách giáo khoa ở trung học phổ thông Nhật Bản.
___________________
Trời sắp tối. Tuy đây là lúc người ta nhanh chân về tổ ngủ, nhưng lại không có nhà để cho tôi đi về. Tôi tiếp tục chầm chậm bước đi trong những kẽ hở hẹp giữa nhà này với nhà kia. Giữa thành phố, nhà cửa san sát như thế này nhưng tại sao không có một ngôi nhà nào là nhà của tôi?.. Tôi cứ lặp đi lặp lại cái nghi vấn này cả vạn lần.
Đứng dựa cột điện đái, thấy ở đó lâu lâu lại có đầu đứt của sợi dây thừng rớt xuống, tôi muốn quấn nó vào cổ tôi cho rồi. Dây thừng liếc nhìn chòng chọc vào cổ tôi, thôi anh bạn ơi, đi nghỉ đi. Tôi cũng muốn nghỉ, hoàn toàn muốn nghỉ. Nhưng không thể nào nghỉ được. Tôi không phải là anh bạn của dây thừng, đã vậy tôi lại không thể biết được lý do thỏa đáng của việc tại sao không có cái nhà nào là nhà của tôi.
Tối mỗi ngày mỗi đến. Tối đến thì phải nghỉ chớ. Để nghỉ, cần phải có nhà. Thế thì không có một lý do nào không có cái nhà nào là nhà của tôi.
Bất chợt tôi thoáng nghĩ: Có lẽ tôi đã nhầm lẫn một điều gì đó thật quan trọng. Không phải là không có nhà mà chỉ vì quên mất đi rồi. Ừ. Có thể có chuyện đó chứ. Tỉ dụ như là… Bỗng tôi dừng chân trước một căn nhà vừa mới đi qua, đây là ngôi nhà của tôi cũng chẳng biết chừng. Dĩ nhiên so với những ngôi nhà khác thì không có một đặc điểm nào cho thấy có thể như vậy, nhưng điều đó cũng có thể đúng cho bất cứ ngôi nhà nào, vả lại đó cũng không phải là bằng chứng để phủ định ngôi nhà đó là của tôi. Lấy hết can đảm, ờ, gõ cửa đi.
May mắn quá, nụ cười có vẻ tử tế của một người đàn bà ló ra từ cánh cửa sổ nửa mở nửa khép. Làn gió hi vọng thổi sát trái tim, cho nên tim tôi dãn rộng bằng phẳng ra thành lá cờ bay phất phới. Tôi cũng cười rồi nhẹ chào như một người lịch thiệp.
- Xin lỗi cho tôi hỏi thăm. Có phải đây là nhà của tôi không?
Gương mặt của người đàn bà bỗng đanh lại.
- Hả. Ông là ai vậy?
Tôi định cắt nghĩa nhưng bỗng nhiên nghẹn lời. Không biết phải cắt nghĩa như thế nào đây. Tôi là ai chuyện đó không thành vấn đề ở đây, nhưng làm sao cho bà ta hiểu được. Tôi hơi gắt.
- Sao cũng được. Nếu bà nghĩ đây không phải là nhà của tôi, xin chứng minh điều đó cho tôi.
- Hư…ừ.
Mặt của người đàn bà tỏ vẻ sợ sệt. Điều đó làm cho tôi bực mình.
- Nếu không có bằng chứng, tôi nghĩ đây là nhà của tôi cũng được chứ.
- Nhưng đây là nhà của tôi.
- Sao lại nói như vậy. Nó là nhà của bà, nhưng không nhất thiết không phải là nhà của tôi. Đúng không?
Thay vì trả lời, gương mặt của người đàn bà biến ra thành bức tường, chận kín cửa lại. Ô...i, đây là thực thể của cái gọi là nụ cười của đàn bà đấy à. Là đồ của ai đó sẽ là lý do không phải là đồ của tôi. Cái biến hình hằng ngày này đã giúp cho cái lý luận chẳng ra gì đó trở thành một thực thể.
Nhưng, tại sao… tất cả đều là đồ của ai đó, mà không phải là đồ của tôi? Không, dẫu không phải là đồ của tôi đi nữa, ít nhất cũng có một cái không phải là đồ của bất cứ ai, chuyện này cũng có được chứ. Đôi lúc tôi có ảo tưởng. Tưởng rằng ống cống ở chỗ thi công hoặc ở nhà kho là nhà của tôi. Nhưng những vật này dần dần trở thành đồ vật của ai đó rồi, cuối cùng để trở thành đồ vật của người ta, những thứ này biến mất đi từ những nơi đó, như không có liên quan gì đến ý chí và quan tâm của tôi. Hoặc là, rõ ràng nó đã biến thành thứ không phải là nhà của tôi mất rồi.
Vậy, băng ghế ở công viên thì sao? Dĩ nhiên được lắm chứ. Nếu nó thật sự là nhà của tôi, chỉ cần không có cái thằng đem gậy đến đuổi tôi đi… đúng ở đây là chỗ của mọi người, không phải là chỗ của riêng ai. Nhưng thằng đó sẽ nói.
- Nè. Thức dậy. Đây là chỗ của mọi người, không phải là chỗ của riêng ai. Tỉ dụ như đây là chỗ của ai đó đi nữa, nhất định cũng không phải là chỗ của mày. Nè, mau đi chỗ khác đi. Nếu mày không chịu, tao sẽ bắt mày chui qua cửa pháp luật đến cái phòng dưới hầm kia. Nếu mày dừng chân ở bất cứ chỗ nào ngoài chỗ đó, mày sẽ bị coi là phạm tội.
Chuyện người Do Thái phiêu bạt, biết đâu chẳng là chuyện của tôi?
Chiều tối dần. Tôi vẫn tiếp tục đi.
Căn nhà… không biến mất, không biến hình, những ngôi nhà im lìm dựng trên mặt đất. Kẽ hở ở giữa tiếp tục thay đổi, không một cái nào có một gương mặt nhất định… con đường. Con đường lượn như dây thắt lưng trong những ngày có gió, con đường chỉ còn bề ngang của lằn xe mòn trong những ngày có tuyết, con đường sổ lông như bút chữ tàu trong những ngày có mưa. Tôi tiếp tục đi. Không hiểu được lý do tại sao không có cái nhà nào là nhà của tôi, cho nên con đường cũng thờ ơ lãnh đạm.
Hả, ai vậy. Ai quấn lấy chân tôi vậy? Nếu là vòng dây thắt cổ, sao mà hấp tấp quá vậy, sao mà thúc giục quá vậy. Không, không phải vậy. Đây là sợi chỉ lụa dễ dính. Bốc lên, kéo ra, đầu chỉ ở trong chỗ lủng của chiếc giày, dãn dài ra bao nhiêu cũng được. Cái này kỳ thật. Vì lòng hiếu kỳ, hai tay tôi cứ tiếp tục luân phiên kéo sợi chỉ, một chuyện kỳ dị hơn nữa đã xảy ra. Lần lần thân thể tôi nghiêng ra, tôi không thể giữ thân mình thẳng góc với mặt đất được nữa. Trục của trái đất bị nghiêng, hướng của sức hút bị thay đổi rồi sao?
Sợi chỉ và chiếc giày rời khỏi chân tôi, rớt xuống đất, tôi hiểu được sự thể. Không phải trục của trái đất bị cong quẹo, chân của tôi bị ngắn lại kia mà. Hai tay càng kéo sợi chỉ, chân tôi càng ngắn dần đi. Giống như góc áo nịt bị rách cứ sút chỉ dần ra, chân tôi cũng bị sút chỉ. Những sợi chỉ đó là đồ phân tán của bàn chân tôi, giống như những sợi chỉ mướp.
Thôi, không còn bước thêm được một bước nào nữa. Đứng một hồi lâu không biết phải làm sao, giống như vậy, trong bàn tay cũng không biết phải làm sao của tôi, cái chân đã biến thành chỉ lụa, một mình nó bắt đầu rục rịch. Nó bò ra trơn tuột, rồi từ đó nó không cần mượn lấy tay tôi, tự nó tháo ra, nó bắt đầu quấn chung quanh thân tôi như con rắn. Tháo hết chân trái, sợi chỉ tự nhiên đổi sang chân phải. Sau cùng sợi chỉ đã bọc toàn thân tôi như một cái bao, nhưng dẫu vậy nó cũng vẫn không ngừng tháo, từ lưng đến ngực, từ ngực lên vai và cứ tiếp tục tháo, tháo rồi đắp lên bên trong cái bao. Như thế, rốt cuộc tôi đã biến mất.
Sau đó chỉ còn lại một cái kén to lớn trống không.
Ờ, như vầy, mãi mới được nghỉ ngơi. Mặt trời chiều nhuộm đỏ cái kén. Đây đúng nó là cái nhà của tôi, không còn ai ngăn cản tôi được nữa. Có được cái nhà, nhưng lần này không còn có tôi để đi về nhà.
Trong cái kén, thời gian không còn nữa. Ngoài trời tối nhưng trong cái kén lúc nào cũng là hoàng hôn, màu hoàng hôn từ bên trong chiếu lên đỏ rực. Đặc điểm nổi bật này chắc chắn đã đập vào mắt ai đó. Hắn sẽ tìm thấy tôi, bây giờ đã trở thành cái kén, ở kẽ hở giữa cổng xe lửa và đường rầy. Ban đầu hắn thấy bực mình nhưng liền nghĩ lại rằng đã lượm được một đồ lạ, hắn bỏ vô túi. Lục xục trong túi một hồi lâu, hắn về nhà bỏ vô hộp đồ chơi của con mình.