hành tên là cu Lặc, chính bởi cái bụng của hắn.
Thực ở trên đời này, có thể nói rằng không có cái gì vĩ đại hơn cái bụng phì nhiêu của thằng cu Lặc vậy. Nó trương phình ra; nó nhẵn thín; nó tròn múp míp; nó choáng lấp cả ngực thằng Lặc và khum khum vồng từ cổ xuống tận háng. Trên đường cong ấy, xẽ một chút về phía dưới, nổi lên như cục thịt. Nom như cái nút ở lưng vò rượu. Đó cũng gọi cái nút, nhưng là cái nút rốn; nó mọc thây lẩy ra, đứng trơ trẽn và lơ láo giữa sa mạc bụng. Nếu mới nhác thấy, người khéo tưởng tượng, có thể ví như một gã ma lanh nào tinh nghịch, lại đi thò đầu ngón tay... từ trong bụng thằng bé ra.
Cu Lặc đeo cái bụng tầy đình, phưỡn phệ, đi lặc lè... lặc lè...
Bao nhiêu người ngắm nghía nó đi, và đều cười mũm mĩm, phê bình nhỏ với nhau. Những lời phê bình của cái quần chúng táp nham đó đúc lại, tạo nên một câu chắc chắn như thế này:
- Chà! Ta gọi nó là thằng cu Lặc Lè!
Rồi người ta gọi bớt đi một chữ đằng sau. Thế là thành tên.
Hắn không có quê quán gì. Một người đàn bà ở phương mô tê nào chẳng ai biết, đến Nghĩa Đô làm nghề quay tơ mướn, rồi chẳng may ốm mà chết, bỏ lại cho thiên hạ một đứa con. Thằng bé được người ta nuôi làm phúc, nó vào ở gia đình nhà tôi từ một ngày xưa lắm, tôi cũng không được rõ gốc tích nguyên do ra sao. Ngày còn bé cỏn con, thoạt mới biết nhìn và biết nhận thì tôi đã nhìn và nhận thấy cái bụng cùng cái rốn gớm ghê của cu Lặc. Và hắn đã lớn hơn tôi nhiều.
Người trong làng tả cu Lặc bằng mấy nét thực đơn sơ:
Bụng nó to hơn bụng ông phỗng. Rốn nó vừa bằng cái bát mộc. Nó ăn như đánh trống.
Quả thật là cu Lặc ăn khỏe vừa ngoai ngạch mà vừa vô địch. Hình như chẳng bao giờ hắn no miệng. Ăn lắm vào, cái bụng tích trữ bị phềnh ra quá đỗi, thì phải thôi đấy, chứ cu Lặc chẳng hề biết thế nào là no đâu. Lúc ngồi ăn, hai chân hắn soạc ra, để chỗ cái bụng được tự do thở và chứa. Rồi thì hắn múa đũa lên để và để húp soàn soạt. Cơm quyện với nước canh cứ trôi xuống cuống họng òng ọc như nước chảy xuống lỗ cống. Hắn ăn lấy ăn để, ăn ăn thở thở, như ăn cướp.
Nhưng thực tính hắn lại mụ mị, hiền hiền. Mà dường như lại đá lẩm cẫm. Bởi vì, có một ngày tết, đương ngồi đông đủ cả nhà, u tôi xẻ vào bát cho một ít canh miến gọi là ai cũng có chút của thơm ngày tết. Hắn húp sụp một cái, rồi há hoác mồm ra, tru lên:
- Úi chà!
Tơn tơn quá. Chưa
luốt đã tụt vào
củ tỉ!
Từ ấy, ngày tết mà ai xe món canh miến cho cu Lặc, cu Lặc cũng lắc đầu. Hắn sợ những sợi miến trơn và lạnh, chưa kịp nuốt, đã dám trôi tuột xuống tận cuống họng!
Trẻ con trong nhà thân với cu Lặc lắm. Bởi vì cu Lặc vừa là con bò, cu Lặc lại là con voi. Hắn cúi khom khom, đứa nào cũng có thể tự do trèo lên lưng và bíu lấy hai tai hắn. Cu Lặc lại vui tính, và có nhiều trò chơi kỳ lạ.
Tôi hãy kể đại khái một trò: hắn nằm thẳng xuống đất thì cái bụng của hắn vồng cao hơn mặt. Hắn bảo một kẻ cưỡi lên. Hắn liền trợn mắt mím môi, thót lúm bụng xuống rồi thở phè ra một hơi dài. Thằng bé ở trên bụng cứ theo nhịp thở mà nhảy lên nhấp nhổm, nhấp nhô.
Ăn cơm no rồi, cu Lặc phanh áo, để lòi bụng. Hai tay hắn vỗ vào bụng, mồm hắn làm điệu trống cơm
bung bung bập bùng, bung bung bập bùng. Ấy là cái hiệu cho lũ trẻ gọi nhau:
- Anh em ơi! Lại xem cu Lặc hát.
Cu Lặc sắp hát thực. Mặt hắn méo nhăn như cái bị nát. Nhưng lại hát một câu rất là hữu tình. Trăm lần cũng như một, hắn chỉ hát độc có mỗi một câu ấy, đến nỗi lũ trẻ chúng tôi cũng sắp thuộc và bắt chước được điệu gần bằng. Hắn hát rằng:
Đào niễu, em ơi! Buông mành,Con oanh học lói trên cành mai mỉa mai.Em nghĩ mình em cái cúc bạc nưu tai,Cúc bạc tình chung thời có, cái trâm cài vốn không.Một duyên, hai lợ, ba tình;Ấy cái tang tình, ngày hai tình mười một,Cái tình mong xong hỡi tình!À nên một, nên hai, nên ba, nên bốn.Nàm con mẹ cha nên chín, nên mười,Soi gương tình chung nà đánh phấn,Tang tích tịch! Tang tình tang!Cho ló đẹp, em sắp ra nấy chồng.Ò ý e... ò e ý ò...Trẻ con thích nhất đoạn này. Chúng reo lên để tán thưởng. Và cu Lặc cũng góp một hồi cười hề hề.
Cu Lặc là người như trẻ con... Bởi vì, ngoài những thì giờ phải lảm, hắn chỉ đùa với trẻ con. Nhưng giá hai đứa trẻ trong nhà có công kênh nhau lên, chắc cũng chỉ mới mó đến mũi cu Lặc. Trẻ con yêu nhất cái bụng trống của hắn. Rồi yêu đến câu hát
ò ý e kia.
Nhưng bỗng một hôm, không nhớ có việc gì, một đứa trẻ gọi:
- Cu Lặc! Cu Lặc!
Hắn trừng mắt.
-
Lầy tôi bảo. Từ giờ cấm không được gọi tôi
nà cu
Nặc.
Hắn nói câu ấy với một giọng khá nghiêm nghị. Mặt hắn sầm lại, làm ra lối đứng đắn. Hắn tiếp:
- Phải gọi tôi
nà... anh
Nặc nghe không?
Lũ trẻ chẳng nói gì. Và cũng không dám cười. Song thốt nhiên thấy hắn trở nên đứng đắn thế, chúng nhìn cu Lặc bằng những đôi mắt là lạ, ngẩn ngơ.
Một ngày kia, lại có một sự lạ hơn thế nữa.
Ấy là một buổi chiều, tôi nghe u tôi nói chuyện với thầy tôi rằng:
- Thằng cu Lặc lấy vợ rồi đấy.
Thầy tôi sửng sốt:
- Thế hử?
- Nó lại xin ra ở riêng...
Từ hôm sau ấy, mỗi chiều chiều, lũ trẻ thấy Lặc xách guốc xuống ao, rửa chân xong, lạch cạch đi lên, chào cả nhà rồi bước ra ngõ. Lặc đi về nhà của Lặc. Hắn ở với vợ của hắn. Việc đó là một việc hết sức mới mẻ và lạ lùng, khiến chúng tôi phải bàn tán với nhau dữ lắm, trong nhiều buổi sáng và buổi chiều.
Và từ khi nghe nói Lặc có vợ thì bọn trẻ trong nhà thường hó háy nhìn trộm Lặc. Lặc truồng long ngong ra để lội xuống ao vớt bèo hộ cô ả.
Thế mà đã có một ngày tốt lành, hai con người đó lấy nhau, về với nhau. Họ mướn của làng một mảnh đất ở ngoài đầu xóm, làm nên một túp nhà nhỏ. Chỗ ấy chỉ có cỏ dại tự do mọc hoang. Nhưng Lặc ta cũng chịu khó dọn được ở trước cửa một khu cỏ để làm sân và hắn lại rào giậu bằng nứa đan chéo, như kiểu của những nếp nhà ngăn nắp. Trong sân, hắn trồng mười cây đu đủ. Cái thứ cây xốc nổi, chóng được ăn quả nhất.
Bây giờ Lặc không ăn cơm ở nhà tôi nữa. Cuối tháng hắn xin hai đồng rưỡi tiền công. Hắn mang tiền về đong gạo ăn chung với vợ. Vợ chồng ăn cùng một mâm. Cu Lặc, lần thứ nhất đã gặp một địch thủ thật là lợi hại. Cô ả cũng ăn khỏe không kém gì chàng. Cái nghĩa là cho đến khi vét cồn cột cũng chẳng còn sót lấy một hạt cơm thì phải đứng dậy dô. Mỗi lần xong bữa cô vợ khệ nệ đứng dậy, vươn vai. Nếu cái bụng của nàng phưỡn ra to phềnh thì cái bụng của chàng cũng thế, không kém. Có phần lại hơn nữa. Cặp vợ chồng mới liền nhìn nhau mà cười. Chàng cù nàng một cái. Ôi! hạnh phúc thay!
Nhưng ở đời, hạnh phúc vốn là một sự chẳng bao giờ có; người ta chỉ đặt ra hai chữ ấy để nói cho hoa mỹ mà thôi. Cho nên họ ở với nhau được hơn một tháng thì cả hai người cùng khám phá ra được một điều sâu lắm: là họ cùng ăn khỏe đến bậc nhất nhì trong thiên hạ cả.
Tuy sức chứa của bụng Lặc vào hạng nặng tấn, nhưng chưa khi nào Lặc biết rõ mình ăn nhiều đến độ nào. Bởi hắn chưa hề phải đong gạo. Làm cho nhà người, hắn chỉ có việc ngày đánh ba bữa no kềnh. Bây giờ tiền túi bỏ ra thì hắn thấy rằng một tháng công của cả hai người, cộng lại, không đủ cung cho miệng hai người ăn đủ. Thực là một nỗi buồn rầu. Nếu họ cùng không ăn khỏe, thì họ yêu nhau biết bao nhiêu!
Bởi cũng ăn khỏe nên họ không thể yêu nhau. Một hôm, người vợ hơi cáu một mảy vì phải ăn đói. Người chồng không nói gì, nhưng mà cũng không cười. Một hôm nữa, người vợ vét gạo để đi thổi cơm, thấy ít quá, văng ra một câu không được hay. Anh chồng nghe tiếng, cũng văng ra một câu không được hay. Thế là họ xông vào đấm đá, cào cấu nhau liền. Hăng quá. Con mụ vừa cào vừa kêu làng. Nhưng chẳng một ai đến can. Ở đây không có tứ bề hàng xóm. Họ đánh nhau chân tay, rồi thôi. Người đàn bà ngồi ôm mặt khóc bu bu. Người đàn ông bỏ đi. Nhưng đến chiều họ lại ăn cơm với nhau như thường. Và họ lại cùng cười hề hề.
Song không thể còn yêu được nữa. Cái thói đánh nhau như đã thành tính và thành lệ. Không mấy ngày là họ không réo năm đời mười đời nhau, cho ông bà ông vãi của nhau ăn toàn những của ngon vật hiếm và, để kết liễu cuộc đấu khẩu, họ thụi nhau từng trận cật lực. Sức vóc cùng tương đương cả, nên không ai hề gì.
Một buổi chiều nọ, vợ Lặc ở nhà chủ về nhà. Buổi sáng, hai vợ chồng đã đánh nhau to lắm. Mụ về nhà gói ghém quần áo, đội nón và bỏ cả đôi guốc mộc vào bọc cẩn thận. Rồi mụ đánh lên một que diêm. Que diêm xòe lên thì mụ tiếp vào một bó đóm. Cái mặt rỗ của mụ quặm lại, nom đến ghê, Mụ châm liền bó đóm ấy vào mái bếp, về phía trong. Lửa đỏ bùng bén và cháy lên.
Mụ cắp nón, đi mất.
Lúc ngọn lửa bốc cao gần bằng ngọn tre mới có người biết. Người ta chạy dồn cả đến. Nhưng khi trông thấy lửa đang hoành hành ở một cái nhà chơ vơ giữa bãi hoang thì không ai xô vào chữa. Người ta lại nhăn răng ra cười.
Mãi sau cu Lặc mới hay tin. Hắn hộc tốc chạy về. Thì nhà của hắn chỉ còn là một đống than hãy còn hồng rực và còn ba cây đu đủ cháy đỏ hắt, chong chỏng giữa sân. Hắn đứng chắp hai tay ra sau lưng, tần ngần nhìn đám khói đen.
Rồi Lặc huỳnh huỵch chạy đến nhà bà hương Khoai tìm vợ. (Tội nghiệp, hắn chẳng biết gì hết!) Người ta bảo vợ hắn về từ lâu. Hắn liền cầm một cái gậy tre lớn, đi lùng vợ khắp xóm trong làng Nghĩa Đô. Nhưng không thấy con mụ đâu cả. Đến tận sáng hôm sau cũng vẫn bặt âm tín con người nội trợ không được tốt ấy.
Bây giờ Lặc lại trở về cuộc đời xưa.
Lặc làm rồi Lặc ăn cơm và lại đi ngủ ở nhà tôi. Còn có nghĩa nữa là Lặc ta lại về đánh bạn với lũ trẻ. Mọi khi, ở với vợ, hắn chỉ lầm lỳ cuốc vườn cả ngày, đợi đến lúc mặt trời tà tà, hắn cung cúc về nhà ngay, quên cả các bạn tí nhau. Lũ trẻ cũng lảng đi chơi với nhau, lờ cái anh cu có vợ ấy đi.
Giờ lại chơi với nhau như thường rồi. Và hắn lại dễ dàng như trước. Anh nào muốn gọi hắn là Lặc, là cu Lặc cũng được, không hề giận dỗi chi. Ai hỏi gì về vợ hắn, hắn chỉ mỉm cười vu vơ rồi lúc lắc cái đầu. Nếu có vui chuyện lắm, Lặc mới nói:
-
Ló gớm
nám.
Ló vừa đánh,
ló vừa bóp. Tôi phải thua đấy.
Một hôm, lũ trẻ nghe có tiếng
bập bùng bung ở trong vườn. Chúng vội chạy vào thì thấy Lặc ta đương giơ hai tay vỗ bụng và gân cổ lên hát cái bài “ò ý e” quen thuộc ngày trước. Đã lâu mới lại được nghe hắn hát, vui lạ. Hát xong, hắn nheo mắt, cười. Và hắn lại làm cái trò phập phồng bụng.
Cu Lặc lại còn có thêm nhiều trò mới nữa. Hắn có một câu đố rằng:
-
Cái thúng mà thủng hai đầu. Bên ta thời có, bên Tàu thời không. Đố
nà cái gì?
- Không biết.
- Chịu.
Có thằng hóm hỉnh.
- Là cái bụng anh Lặc.
Cả bọn cũng cười. Nhưng Lặc nói:
- Không phải.
Ló nà cái váy.
Hắn giảng tỉ mỉ nhưng tại làm sao mà lại là cái váy. Chúng tôi nghe, lấy làm phục lắm. Hẳn hắn mới học mót được của vợ. Tôi hỏi. Hắn nhìn tôi, mặt bỗng xịu lại. Tôi gặng:
- Có phải anh Lặc học của vợ anh không?
Buồn buồn, hắn nói:
- Không phải. Tôi
nại hát câu thế
lày cho cậu nghe nhé. Mà hát trống quân cẩn thận cơ!
- Anh Lặc hát đi...
Lặc phồng bụng, xòe hai bàn tay ra vỗ:
Thình thùng thình... yêu nhau thời lém bỏ giầu, ghét nhau thời chứ lém đá vỡ đầu nhau ra... Thính thùng thình...Tiếng reo hoan hò vang động cả khu vườn.
Mấy anh chích chòe đương vểnh đuổi, cong cánh lên hót véo von, chẳng biết cà kê ra sao, vỗ cánh bay mất.
Cái câu hát lạ này, ý hẳn Lặc cũng mới học được của vợ. Đàn bà tài thực!
Một năm, đói kém quá. Hàng lụa ế đến nỗi ai đặt chân vào làng Nghĩa Đô đều thấy vắng tanh không nghe tiếng một con thoi chạy. Nhà tôi cũng phải nghỉ dệt lụa.
Lặc không còn việc gì để làm. Ngày kia hắn bỏ đi đâu mất. Không có ai biết. Được ít lâu, có kẻ nói là nghe phong thanh thấy người ta đồn cu Lặc đã nhập với bọn phu mộ đi sang Tân-Thế-Giới làm ăn.
Ba năm sau. Vào khoảng tháng Hai, gia đình tôi nhận được một lá thư xa. Ngoài bì thư có đóng dấu ở Thủ Dầu Một, Nam Kỳ. Thư như sau này:
Dầu Tiếng le 8 tháng Giêng.Tên con là Lặc. Hôm nay là tháng Giêng năm mới, con có lời về mừng hai cụ, ông bà cùng là các cậu, năm mới đều được phát tài bằng năm mười năm ngoái. Con ở bên này lấy đều làm mừng lắm lắm. Từ ngày con ra đi làm ăn xa xôi, nhờ ơn thiên địa trời đất cũng vẫn được như thường.Thư bất tận ngônBấy nhiêu chữ viết bằng mực tím nhòe nhoẹt bò cao thấp, lổm ngổm vừa kín cả một mặt mảnh giấy con, dính đen xạm những chất nhờn của mồ hôi tay. Không thấy đề rõ chỗ ở. Dáng hẳn Lặc ta nhờ mãi, nói khó mãi mới có được một ông bạn tốt bụng viết cho ngần ấy chữ quý hóa.
Nghĩa Đô năm 1941HẾT