Truyện gã Chuột Bạch

     óng nghe có tiếng rộn nho nhỏ.
Lóc cóc... Lóc cóc...
Như tiếng một cái guồng tơ quay khẽ khẽ. Nhưng không đã đúng hẳn. Âm thanh đó bé quá, chỉ vời vợi như tiếng tích tắc của một quả đồng hồ trong đêm khuya.
Chẳng phải là guồng tơ đụng đậy. Vậy thì tiếng chi đằm đằm và ồn ã ở một góc nhà, phía bên cửa sổ, dưới một giàn thiên lý? Ánh sáng, qua những kẽ lá thiên lý xanh rờn, ùa vào, đóng thành vũng, như một thứ ánh sáng, hư huyền, lơ mơ, chỉ hửng gợn lên mà không có thực. Tiếng gì vui vui trong ấy?
À, ra một gã Chuột Bạch đương quay tơ. Không phải là người. Chuột quay tơ? Phải! Gã quay cái kiểu riêng của gã.
Gã chỉ bé bằng một quả nhót và cũng mũm mĩm như thế. Gã ở trong một cái lồng nhỏ, hình vuông, đan bằng tre. Giữa lồng, người ta treo hai cái vòng tròn bằng thép nhỏ, sát sát từng cánh, như hai chiếc đu tiên tí hon. Chuột ta chui vào đấy. Bốn chân dạo thoăn thoắt trên những sợi thép. Thế là chiếc vòng quay tít theo từng bước đẩy. Con Chuột loay hoay chạy tròn mãi mãi trong cái vòng tròn mà không bao giờ hết được đường. Cái đu tiên xoay xung quanh một chiếc chốt. Chính ở chiếc chốt đó nảy ra những tiếng lóc cóc đều đều như tiếng guồng tơ quay.
Gã Chuột Bạch đánh vòng luôn luôn. Chán chân thì gã lại chui ra, vơ vẩn, tìm những hạt gạo tẻ mà người ta rắc vào một cái đĩa để ở đáy ống, cho chuột ăn. Gã rung hai hàng râu tơ, gật gù cái đầu, nhấm gạo. Đôi mắt gã đỏ thậm, như hai hạt gạo đỏ đính lên trên một nền bông nõn trắng. Bốn cẳng chân loắt choắt, ngắn củn, và trơ da đỏ hỏn. Bời nỗi đánh vòng nhiều quá, bắp chân đã kệp cứng thành chai. Ăn xong, gã nhìn quanh quẩn, ngước cái mũi bé xíu đỏ hoe hoe lên ngửi bên phải, ngửi bên trái. Rồi gã lại làm cái công việc đánh vòng liền liền.
Nếu không thể, gã đi ngủ. Gã đứng vào một góc lồng, dựng hai chân trước lên, đầu chụm vào chân. Hai mắt nhắm lại. Ấy vậy là gã ngủ. Ngủ đứng như cái hộp diêm. Cứ cái kiểu đó, suốt đời.

 

Gã Chuột Bạch ăn; gã Chuột Bạch đánh vòng; và gã Chuột Bạch ngủ đứng. Đó là tóm tắt tất cả những công việc của một cuộc sống của Chuột ở trong lồng.
Nhưng không phải là gã ở một mình. Bên cạnh cái vòng sắt đu tiên của gã, còn có một cái vòng sắt đu tiên khác, như hệt cái này. Và ở bên góc lồng kia, cũng có một con Chuột Bạch khác đương ngủ dựng đứng lên. Vợ gã đấy, Cậu và mợ Chuột. Cũng rất có thể gọi được thế, chứ sao.
Dường như cậu mợ ấy cũng khá yêu nhau. Họ yêu nhau thần tình và tài ghê. Hai người cùng bé bỏng, cứ luẩn quẩn chạy ngang chạy dọc xung quanh. Cậu gầy hơn mợ. Bộ lông xù lên và phờ phạc. Mà cậu lại có tính mơ mộng. Thỉnh thoảng, gã thường đứng ngẩn ngơ nhìn lên trên nóc lồng. Qua những chiếc lá thiên lý mỏng mảnh, ngoài kia là trời xanh bao la. Tưởng như chiếc hình hài nhỏ bé chỉ điểm một chút sống cỏn con này đương giương cặp mắt đỏ, ngùi trông ra cái khoảng không bờ bến để mơ một giấc mơ sông núi chi đó. Chao ôi! Ai mà biết được lòng gã.
Cả hai vợ chồng cùng ưa đêm tối. Bởi ban ngày họ thường ngủ. Bốn cái chân trước sát vào nhau; bốn con mắt cùng khép. Chiều đến đã đem bóng về dần dà trong cửa sổ. Ở chênh chếch ngoài khung cửa, vì sao Hôm từ từ lên cao, lấp lánh như một giọt ánh sáng lớn. Bấy giờ vợ chồng Chuột mới bừng mắt. Họ ngơ ngác nhìn hoàng hôn. Gã Chuột đực mò mẫm tìm cái đĩa đựng gạo. Chị vợ cũng nhẹ nhàng đi theo. Họ gậm nhấm mấy hạt. Những tiếng răng nghiến trên hạt gạo, nghe ken két, sàn sạt như tiếng một con mọt nhỏ cựa mình trong thớ gỗ.
Rồi gã Chuột mon men ra leo lên cây đu, chui đầu vào, đánh một vòng chơi. Chị ả cũng bắt chước, chạy về cây đu của mình. Hai cái vòng quay tít. Rộn lên những tiếng đằm đằm.
Những tiếng đằm đằm trong đêm khuya! Những âm thanh chỉ be bé, mơ hồ gần như hư không. Lúc chậm, nghe rỉ rích như tiếng nước giọt tranh. Lúc mau thì bồn bồn như tiếng vầy tơ quay lọc cọc như tiếng bánh xe sắt chạy trên con đường đá trắng dài hun hút, vào một buổi chiều vàng ngây ngất.
Riêng những đứa trẻ ở nhà, đêm nằm trong màn mà chợt thức giấc nghe tiếng guồng đu của chuột chạy thì sợ lắm. Chúng giương mắt thao láo mà cũng không thể nhìn thấy gì. Chỉ nghe lóc cóc... lóc cóc... như tiếng của ông Ba Bị hoặc của một con ma nào chưa biết tên, rất thường hay ghét giống trẻ con. Chúng hãi hùng, rúm ró, ôm chặt lấy nhau. Đôi mắt khép kín lại. Thế là giấc ngủ cũ của mỗi trẻ lại tới để tiếp theo cho đến lúc mặt trời lên, chiếu ánh sáng qua khe liếp, vào tận trong đình màn.
Còn vợ chồng Chuột chán đánh vòng thì tan ra ăn gạo. Ăn xong, lẩn thẩn thế nào, lại giở trò đánh vòng. Cứ như thế, luẩn quẩn cả đêm. Cũng có đến khi trời đã tang tảng sáng, có tiếng chim chích chòe hót véo von dưới bờ ao, hai vợ chồng lại chúi về một góc buồng, dựng đứng lên mà ngủ.
Cuộc đời chung ấy không có ai làm nhộn. Ý như họ mến những ngày tháng đó lắm. Đã một lần, có một đứa trẻ nghịch tinh mở cửa lồng xem chuột rồi quên không đóng lại. Đôi vợ chồng nối đuôi nhau, tha thẩn bò ra ngoài. Hai cái bóng đi lồm cồm hếch chiếc mõm nhọn hoắt lên, ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ chẳng quen bò giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào, cũng như lúc bò ra.
Từ đấy, dù mở cửa, cậu mợ Chuột cũng không buồn đi ra. Họ yếu đuối, ở ngoài làm chi có gạo để ăn!
Trời đã trở về mùa lạnh. Những cụm lá bánh khúc thấp lè tè, nở hoa vàng khắp cánh đồng làng Nghĩa Đô. Đã không có nắng lớn. Những đứa trẻ nghèo cũng hồng đôi má còm cõi. Môi chúng khô còng lên, ăn cơm có nước mắm thấy xon xót. Chúng gãi vào da, da nổi lên những lần bụi trắng. Buổi chiều, cậu nào rửa chân cũng ngần ngại, không yêu nước. Và đêm đã phải ngủ chung với chăn bông cùng ổ rạ rồi.
Đôi vợ chồng Chuột cũng lạnh. Phong cảnh trong cái cửa sổ lại buồn nữa. Giàn thiên lý đã rụng hết lá xanh. Chỉ còn trơ lại những dây già đen đủi, còng queo trên ngách cửa. Từng nắm lá khô, rúm vào nhau, nẳm co ro trong giàn, để mỗi buổi chiều đỏ hoe, hễ chớm hơi một gợn mây nhỏ, cũng tới tấp rơi lạt xạt xuống mặt đất. Đêm đêm, vẫn có tiếng đánh vòng của Chuột. Những tiếng khô và ròn, cũng như trời khô và hanh. Nhưng ít bữa nay, gã Chuột Bạch không được vui. Ta cứ thí dụ như việc đánh vòng đu là một sự vui làm mực thước, thì thấy gã thưa trèo vào vòng đu. Chỉ hay thấy chị vợ đạp vòng. Anh chồng đứng bần thần, mõm vêu ra. Người gã chừng như gầy và bé hơn giạo mùa hạ. Gã đi đứng ra lối lử khử. Và chỉ ngủ là ngủ nhiều. Đêm ngủ quên cả đánh đu. Mùa rét vào rồi. Tại sao gã Chuột lại buồn? Ý như buồn vì tiết trời sang đông? Ý như buồn vì heo may hiu hắt? Không, gã chẳng có thể là một nhà thơ ưa những điều sầu muộn.
Mà chính chỉ vì những ngày lạnh lẽo tới, gã phải thương yêu vợ gã nhiều quá nên lờ phờ cả người ra. Biết rằng nên buồn, hay nên vui!
Thì gã buồn như một kẻ ốm. Nhiều lần cũng hứng tí đánh đu, nhưng gã lại lười lĩnh chui vào vòng đu của vợ để cho vợ đẩy vòng, mà gã cũng được hí hửng đẩy theo. Hai con Chuột lồng chung vào một vòng. Tiếng lạch cạch đi chậm, nặng và rền ra.
Vự hắn vẫn như thường và như thường. Đôi mắt nàng đỏ mà sáng. Bộ lông của nàng trắng nuột, óng ả. Dạo này trở rét, lũ trẻ bỏ vào lồng cho vợ chồng Chuột một rúm tơ rối để làm chăn. Lúc nào đánh vòng đã chán chân, chị ả ra rúc vào những sợi tơ vàng nõn, dựng đứng hai chân lên ngủ với chồng.

 

Chiều ấy, Chuột vợ thức dậy, bò ra ăn gạo. Gã chồng vẫn say sưa ngủ một giấc ngủ mệt mỏi. Nàng đứng bên vành đĩa, hướng nhìn ra ngoài lồng. Nàng chưa nhìn ra ngoài như thế bao giờ. Nàng vốn không hay có tính vẩn vơ như chồng. Mặt trời đã gác núi, nhưng ráng vàng còn lên đỏ xuộm cả lũy tre. Thực chẳng phải vì bóng hoàng hôn u uất mùa đông mà nàng nhìn ra. Mà vì một cớ mọn khác. Chỉ tại nàng nghe thấy tiếng sột soạt ở bên khung lồng. Thì ra, có một con Bọ Ngựa nhỏ ở đâu lạc lõng tới đậu vào thành lồng. Hình như gió đánh con Bọ Ngựa nhỏ này rơi từ trên cây xoan xuống và bám được vào đây. Bọ Ngựa mới ra nắng được ít lâu. Cánh chưa mọc dài đủ và màu người chưa xanh thẫm. Đôi gươm hãy còn mềm, chưa có vuốt đen cứng và nhọn. Cái đầu bẹp của nó lồi ngang hai mắt sang hai bên, đu đưa nhanh nhẹn trên hai khấc cổ dài nghêu. Nó đứng dúm dó bốn chân, nghếch nhìn, như để ngắm xem nơi này là nơi nào?
Nàng Chuột bỗng được trông thấy một con vật nhỏ mà xinh. Cái màu xanh mơn mởn ở mình Bọ Ngựa nom đến là ngon. Không ngần ngại, chị rón rén tiến đến mép lồng, thò mõm ra, ngoặp luôn chú Bọ Ngựa. Chú Bọ Ngựa xấu số chưa kịp giơ hai càng lên thủ thế thì cái cổ đã bị gẫy gục. Và trong khoảnh khắc cả người nó đã trôi vào họng Chuột.
Một mạng lớn giết đi một mạng nhỏ, ôm nhẹ như hơi chiều lặng lờ sang.
Đêm ấy, không có tiếng rộn lóc cóc của cây đu. Cả hai cây đu cùng im ắng. Thiếu những tiếng động quen thuộc, canh khuya mới tẻ làm sao!
Sớm hôm sau, người ta ngó thấy nàng Chuột cái béo tốt, nằm chết còng queo ở bên tụm rác tơ. Bốn chân nàng rụt rúm lại. Cái lưng nhỏ cong khum lên. Và mõm nhọn của nàng thì há hoác. Dòm vào trong: còn cái đuôi Bọ Ngựa xanh xanh thò lò ra. Ôi! Cổ họng của nàng Chuột bé quá, không đủ lối nuốt thoát được anh Bọ Ngựa. Nó tắc tị lại. Thế là nàng chết. Nàng chết nhẹ như một người chán cõi đời này, bước lên một chiếc ghế, cho đầu vào một cái tròng lọng bằng cái thừng đay rồi rún chân đạp đổ ghế, cứ vậy mà đu đưa lửng lơ cho đến lúc tắt thở, thè dài lưỡi ra. Để sang tìm ở bên kia (?) một quãng đời vui vẻ nào đó.
Nàng chết từ bao giờ, không ai hay. Gã chồng nàng cũng không biết chi cả. Bởi vì gã còn đương mải ngủ. Dạo này gã yếu thì gã càng ngủ say tợn. Chim Chích Chòe hót sáng dưới bờ ao, gã cũng không nghe tiếng. Cho mãi tới khi ông mặt trời đỏ gay nhô lên, xua ánh sáng vào nhà, đánh thức lũ trẻ dậy thì gã cũng mới bừng mắt. Ở trong mớ rác tơ vàng, gã uể oải thò đầu ra. Gã liền nhìn thấy vợ gã nằm chết ngay dưới chân. Gã nhìn, bằng đôi mắt đỏ thường ngày, lạnh lùng và rất tự nhiên.
Rồi gã chui ra khỏi mớ rác. Gã bất thần bò đến bên đĩa gạo. Gã nhấm một hạt. Gã chạy quanh lồng vài vòng. Cuối cùng, gã lại men đến, chúi đầu vào mớ rác tơ, dựng đứng hai chân lên, lim dim hai mắt, làm một giấc ngủ khác.
Như là chẳng có sự gì là thay đổi ở quanh mình. Tối đến người ta cũng lại nghe tiếng gã đánh vòng đu lóc cóc.

 

Từ đó, gã ở trên đời một mình. Ở trên đời để ăn gạo, để đánh vòng và để đi ngủ dựng đứng hai chân lên. Gã đã khỏi ốm. Không có đàn bà thì chừng như gã khỏe khoắn lắm lắm. Lông đã mượt bóng và trắng nuỗn. Một mình đánh cả hai cái vòng - lúc chạy bên này, lúc chạy bên kia - nghe rộn ràng, cũng vui. Mỗi buổi chiều, trước khi xuống ăn gạo, gã vẫn có thói quen nhìn và nghe ngóng ra ngoài lồng. Như là xem và đợi hoàng hôn bâng khuâng lắng đến.
Chính gã cũng không biết mình đã góa vợ. Tôi thì tôi chỉ rõ được rằng bây giờ gã đã khỏe, đã mạnh và hoạt động hơn khi gã có đàn bà ở chung. Gã thậm thọt chạy đi chạy lại, nhanh thoăn thoắt.
Thằng này là một thằng bạc tình chăng?
Cũng chẳng có lẽ!