Quảng Giao cưới vợ xong rồi gởi đơn xin quan trên cấp bằng làm giáo sư dạy tại Long Xuyên cho gần gũi mẹ già đặng thần hôn trọn đạo. Quan trả lời rằng tại trường Long Xuyên không có khuyết giáo sư, nếu muốn cấp bằng thì phải chịu bổ đi dạy đỡ trên Sài Gòn, chừng nào ở Long Xuyên có khuyết thì sẽ đổi về. Quảng Giao tuy không muốn lìa mẹ già đi làm ăn xa, song nghĩ nhà mình không phải là nhà giàu, mình đã học thành công rồi mà chẳng lo làm ăn thì chắc chẳng khỏi thế tình dị nghị, nên bàn tính với vợ và thưa với mẹ rồi chịu đi, gởi vợ ở nhà thế cho mình phục sự mẹ già. Quảng Giao đi dạy học, Xuân Hoa ở nhà làm dâu hàng ngày đều lo coi trong coi ngoài, vui vẻ luôn luôn. Tuy vậy bà chủ thấy con dâu còn nhỏ, để phân lìa nhau tội nghiệp cho trẻ thơ, nên Quảng Giao vừa đi dạy học được vài tháng thì bà gởi thơ biểu mướn phố dọn nhà đặng rước Xuân Hoa lên cho vợ chồng sum hiệp. Quảng Giao tiếp được thơ lấy làm áy náy lắm: tưởng vợ ở nhà sầu não nên mẹ mới tính cho theo hoặc là vợ cứng cổ cứng đầu nên mẹ mới giận lẫy khuyên như vậy. May lúc ấy có lễ được nghỉ ba ngày,Quảng Giao lật đật về nhà đặng hỏi lại coi vì sao mẹ lại biểu dọn phố. Quảng Giao về nhà thấy vợ vui vẻ như thường, mà mẹ cũng thương yêu như cũ, chớ chẳng có chi lạ, mới năn nỉ xin để vợ nhà hủ hỉ với mẹ già. Bà chủ không chịu nói rằng: “Vợ chồng con còn nhỏ lắm, ở một đứa một nơi như vậy mẹ không yên lòng. Vậy con phải nghe lời mẹ mướn phố rồi đem vợ con theo đặng nó nấu cơm nấu nước và may áo may quần cho con, phận mẹ ở nhà đã có tôi tớ đủ dùng, con chẳng nên lo làm chi cho cực”. Quảng Giao không dám cãi lời mẹ, song cũng chưa nhứt định. Vợ chồng dắt nhau qua Long Kiến thăm bà Hương sư, thuật chuyện mẹ biểu dọn nhà cho bà nghe, thì bà cũng vui lòng, lại mở tủ lấy 200 đồng bạc đưa cho con gái biểu nó về đưa lại cho chồng đặng lên sắm đồ đạc dọn nhà cho tử tế. Quảng Giao thấy hai mẹ quyết ý cả hai, nên cực chẳng đã phải chìu lòng, trở lên Sài Gòn kiếm mướn được một căn phố ở đường Hàng Sao, có nước có đèn, lại cao ráo sạch sẽ nữa. Anh ta mua bàn ghế, sắm tủ giường xong rồi mới gởi thơ về cho hai mẹ hay. Bà sui trai được thơ liền ngồi ghe qua nhà bà sui gái, rồi hẹn ngày hiệp nhau đưa Xuân Hoa lên Sài Gòn. Xuân Hoa có gởi thơ cho chồng hay trước, nên ba người vừa xuống xe lửa thì đã có Quảng Giao chực trước. Hai bà sui thấy nhà cửa dọn tử tế thì trong bụng mừng thầm, ở chơi ít bữa rồi dắt nhau về xứ, để lại cho vợ chồng Quảng Giao một đứa đầy tớ tên là thằng Tự, đặng phục sự trong nhà. Chúa nhựt Xuân Hoa cậy chồng dắt đi xuống chợ Bến Thành mua tô, mua chén, lại mua vải về may màn để treo mấy cửa buồng và treo mấy cửa sổ, vợ chồng ở với nhau như bát nước đầy không xao không dợn, vợ có làm chi coi trái ý thì chồng lấy lời ngọt dịu khuyên lơn, chồng có tiếng chi không vui lòng thì vợ cũng dùng cách ôn hòa mà dứt bẩn. Quảng Giao đi dạy học thì ở nhà vợ coi cơm nước, có rảnh thì may vá cho chồng, còn Quảng Giao đi dạy học thì thôi, chớ hễ về nhà thì cứ đọc sách hoặc coi nhựt trình, ít hay đi chơi lắm. Một hai khi nhơn ngày rảnh và trời tốt, vợ chồng dắt nhau vô vườn thú hóng mát, hoặc xuống chợ mua đồ, chớ chẳng hề khi nào thấy hai vợ chồng đi coi hát hay là đi ăn cơm trong mấy nhà hàng bao giờ. Ban đêm ai đi ngang qua nhà Quảng Giao, nếu liếc mắt dòm thử vô cửa thì thường thấy chồng nằm trên ghế đọc sách, vợ ngồi trên ván may, chẳng hề chuyện vãn chi hết. Vợ chồng Quảng Giao ở với nhau bề ngoài coi thật lạt lẽo, chẳng hề khi nào giỡn trững, chẳng hề khi nào lả lơi, nhưng hễ bữa nào vợ nóng lạnh nhức đầu thì chồng lo mua thuốc rước thầy, săn sóc dưỡng nuôi kỹ lưỡng lắm. Còn vợ thì lo từng miếng ăn vật uống, coi từ đôi vớ cái khăn cho chồng, chẳng chịu để cho chồng phải nhọc lòng về mấy việc ấy. Quảng Giao muốn về gần gũi mẹ, nên thường làm đơn xin đổi về Long Xuyên, mà lần nào quan trên cũng trả lời nói Long Xuyên không có khuyết thầy giáo. Có khi anh ta nhớ đến tình xưa nghĩa cũ viết thơ gởi thăm Bác Ái, và chỉ nhà rồi mời nếu bãi trường có về thì xin ghé lại nhà đàm đạo chơi kẻo nhớ nhau. Hễ Bác Ái được thơ thì hồi âm liền, song trong thơ thì thăm chung quanh anh chị mà thôi chớ chẳng hề khi nào hỏi riêng việc Xuân Hoa, mà cũng chẳng hề hỏi thăm coi đã có con hay chưa. Lần lựa ngày lụn tháng qua. Vợ chồng Quảng Giao nấn ná ở Sài Gòn trót 4 năm, chưa xin đổi được về Long Xuyên, mà cũng chưa sanh được một đứa con nào, còn Bác Ái đã thi đậu, được cấp bằng làm thừa biện, bổ đi tùng sự tại phủ Toàn Quyền ngoài Hà Nội mà cũng chưa ghé thăm Quảng Giao lần nào. Ngày nọ Quảng Giao nghe nói quan Toàn Quyền ngoài Hà Nội vào Sài Gòn, có năm sáu thầy theo tùng sự, trong số ấy có Bác Ái nữa. Quảng Giao về nhà nói lại cho vợ nghe, thì Xuân Hoa nói rằng: “Dữ hôn! Bốn năm nay tôi không gặp mặt ảnh, phải chi ảnh ghé nhà mình để tôi thăm ảnh một chút”. Quảng Giao có lòng thương nhớ Bác Ái, trông cho gặp mặt nhau, nay lại nghe vợ ước như vậy nữa nên tính đi kiếm Bác Ái đặng mời về nhà ăn cơm nói chuyện chơi. Anh ta đi hỏi thăm mấy bữa mà không biết Bác Ái ở tại đâu, muốn vào phủ Toàn Quyền kiếm, ngặt vì lúc Bác Ái có tại văn phòng thì anh ta mắc dạy học, mà hễ dạy mãn giờ rồi thì Bác Ái đã đi mất nên kiếm không gặp được. Chiều bữa nọ, trời trong gió mát, những người làm việc cả ngày, mãn giờ ai cũng chầm chậm đi bộ về nhà, hứng chút thanh phong. Tan học rồi Quảng Giao thấy trời tốt và lại còn sớm, nên lần bước đi xuống đường Catinat dạo chơi một hồi rồi lần qua chợ Bến Thành cũ. Anh ta thấy chệt bán trái cây tươi tốt mới mua một cân sá lỵ với một cân hồng tươi. Trả tiền rồi vừa xách hai gói trái cây đi, Quảng Giao chợt thấy Bác Ái ngồi xe kéo chạy ngang qua mặt. Quảng Giao mừng quýnh kêu lên om sòm. Bác Ái dừng xe lại, anh em bắt tay nhau mừng rỡ hết sức. Quảng Giao vỗ vai Bác Ái, trách: - Anh thiệt tệ quá, mấy năm nay tôi mời anh hoài, mà sao kỳ bãi trường nào anh cũng không chịu ghé nhà tôi chơi vậy. - Xin lỗi anh, không phải là tôi quên anh em ngặt vì lần nào tôi về tới Sài Gòn thì cũng lật đật về riết dưới nhà đặng thăm cha mẹ tôi, rồi chừng khai trường hễ lên Sài Gòn thì tàu gần chạy, bởi vậy nên không rảnh đi thăm anh em được. - Hổm nay tôi nghe anh về tôi kiếm anh dữ quá, mà không gặp. Nay may gặp anh tôi xin mời anh lên nhà tôi ăn cơm rồi nói chuyện chơi. Đi, đi với tôi, lên cho biết nhà. Nầy, vợ tôi nó nhắc nhở anh hoài, hổm nay nó cứ biểu tôi đi kiếm anh mời về nhà đặng nó thăm, kẻo bốn năm năm nay nó không gặp mặt. Đi anh. Ê xe kéo, kêu dùm một cái xe nữa. - Xin anh đừng phiền, bữa nay tôi chưa đi được. - Sao vậy? - Bởi vì tôi mắc hẹn lỡ với mấy anh em, nhà anh ở đường Hàng Sao phải không? - Phải. - Số mấy? Tôi quên rồi! - Số 36. - Tôi biết nhà rồi, thôi để bữa nào rảnh rồi tôi sẽ lên thăm anh chị. - Í? Được đâu nào! Anh phải đi với tôi bây giờ. Đi mà, lên ăn cơm nói chuyện chơi. Mấy năm nay không gặp anh, vợ chồng tôi nhắc nhở anh hoài. - Thiệt tôi mắc hẹn lỡ với người ta rồi. - Ối! Có hẹn với họ thì để bữa khác, bữa nay anh phải đi với tôi. Quảng Giao nắm tay kéo riết Bác Ái lên xe, rồi anh ta cũng lên ngồi một cái, dắt nhau về nhà. Xe vừa ngừng ngay cửa anh ta kêu vợ nói rằng: “Mình a, mình! Tôi kiếm được anh Ái tôi dắt ảnh về đây nè”. Xuân Hoa đương nằm coi truyện, nghe chồng kêu lạt đật chay ra bới đầu, miệng chúm chím cười, mắt ngó Bác Ái mà chào rằng: “Thưa anh Tư mới lại. Hổm nay tôi nghe thầy nó nói anh về tôi có lòng trông quá. Mấy năm nay anh mạnh há”. Bác Ái gật đầu đáp rằng: “Thưa tôi mạnh”, rồi day lại lấy bạc cắc trả tiền xe. Quảng Giao không cho, đưa hai gói trái cây cho vợ cầm, dành trả tiền luôn hai cái xe hết, rồi mới dắt nhau vô nhà. Xuân Hoa lau bàn, quét ghế, mời ngồi và hỏi lăng xăng: - Mấy năm nay lần nào thầy nó viết thơ thăm anh, tôi cũng căn dặn mời anh hễ có về Sài Gòn thì ghé nhà chơi, mà anh không có ghé lần nào hết, bộ anh phiền hai vợ chồng tôi sao vậy? À, nghe nói bây giờ anh làm Thừa Biện trên phủ Toàn Quyền phải không? Hổm nay anh về trong nầy vậy mà anh có về thăm cô dượng dưới nhà hay không? Xuân Hoa hỏi câu nào, Bác Ái trả lời xuôi theo câu nấy, song trả lời mà chẳng hề ngó mặt Xuân Hoa. Quảng Giao cất nón xong rồi nói với vợ: - Nè, thôi mình coi biểu bày trẻ dọn cơm ăn, gần 7 giờ rồi, dọn đi rồi vừa ăn vừa nói chuyện cũng được mà. Xuân Hoa nói: - Lâu ngày mới gặp, mắc mừng nên hỏi thăm lăng xăng rồi quên lửng không nhớ ăn uống gì hết chớ. Xuân Hoa nói rồi liền quày quã xuống nhà bếp, hối đứa ở chạy đi mua vài cặp lạp xưởng, vài trứng vịt và mua một chai rượu chát trắng với hai xu nước đá nữa. Nấu nướng xong rồi mới dọn lên bàn, Quảng Giao mời Bác Ái ngồi một bên, còn vợ chồng anh ta ngồi một bên. Quảng Giao rót rượu mời Bác Ái uống rồi hỏi rằng: - Sao? Mấy năm nay anh đi học ngoài Hà Nội có việc chi lạ nói nghe chơi anh. - Có việc chi lạ đâu. - Học một lớp với anh đó có người nào giỏi lung hay không? - Có chớ. - Chắc họ giỏi thì giỏi vậy chớ đời nào hơn anh được? - Ý! Có hai ba người giỏi lắm, tôi học không lại họ. - Anh nói chơi sao chớ? Tôi biết sức anh, làm nghề gì thì thôi tôi không dám chắc, chớ đi học thì anh dễ thua ai đâu. - Tôi buồn nên tôi học cầm chừng, miễn thi đậu thì thôi, tôi không thèm lo như hồi ở Chasseloup vậy nữa. - Tại sao anh buồn? - Tại việc nhà lộn xộn nên tôi buồn quá. - À, mà tôi nhớ hồi hai đứa còn ở trong trường anh có nói anh đi học nữa thì anh sẽ đi Tây, bằng không thì ở nhà làm ruộng rồi sao anh lại xin đi học ở Hà Nội? - Hồi ra trường rồi tôi về nhà xin cha mẹ cho tôi đi Tây. Cha mẹ tôi không chịu, tôi tính không thèm làm thông ngôn, ký lục, để ở nhà làm ruộng. Chẳng dè ở nhà buồn quá, chịu không được, nên tôi phải xin đi Hà Nội học, ấy là bất đắc dĩ đó mà thôi chớ bụng tôi không muốn chút nào hết. - Ờ, có lẽ anh không đắc chí nên mới học thua người ta chớ! Mà hôm thi lấy bằng tốt nghiệp đó anh đậu số mấy? - Đậu 10 người tôi đứng số 4. Xuân Hoa nghe nói, ngó Bác Ái cười, nói xen vô rằng: - Anh thứ Tư mà đậu số bốn thì phải rồi. Hai người nghe mấy lời thật thà như vậy thì cười ngất. Xuân Hoa cũng cười theo, rồi bưng dĩa cá thu để ngay trước mặt Bác Ái mà mời ăn, Bác Ái ăn vừa hết chén cơm. Xuân Hoa thò tay lấy chén sớt thêm, rồi hỏi Bác Ái rằng: “Mấy năm nay anh Tư đã có tính xe tơ kết tóc nơi nào hay chưa?” Bác Ái nghe hỏi, ngó Xuân Hoa thấy mặc áo bà ba lụa trắng, cổ trịch, nên bày cái cổ trắng trong, mặt không dồi phấn mà nước da trắng, gò má ửng đỏ, lại đeo bông tai hột thủy xoàn chớp nhoáng nên gương mặt sáng rỡ như hoa sen trăng dọi, cườm tay tròn, ngón tay nhỏ lại dài, cầm đũa gắp đồ ăn coi thật đẹp đẽ. Bác Ái nghe tiếng hỏi như vậy rồi thấy sắc người như vậy nữa, nên chau mày ủ mặt, mắt ngó xuống bàn đáp rằng: - Việc vợ chồng tôi chưa tính tới. - Sao vậy? Xưa nay anh mắc lo học nên không cưới vợ nghĩ cũng phải, bởi vì có vợ rồi thì đi học bỏ vợ ở nhà bơ vơ tôi nghiệp thân người ta. Nay anh học xong rồi, phải lo đôi bạn làm ăn chớ. - Chuyện đó không gấp gì lắm. - Có lẽ anh chê nước Việt Nam nầy không có con gái, nên anh không chịu cưới vợ chớ gì, phải vậy không. Quảng Giao ngó vợ cười mà nói rằng: - Mình không hiểu tánh anh Tư. Không phải ảnh chê nước Việt Nam mình không có con gái nào đáng làm vợ ảnh, bởi vì, con gái Việt Nam bây giờ tuy ham dồi phấn thoa son, ưa câu tôm câu cá mặc dầu, song trong đồng ruộng con nhà lễ nghĩa cũng nhiều lắm chớ. Mà cũng không phải con gái Việt Nam chê ảnh, nên ảnh đi nói vợ không được bởi vì cô với dượng nhà là bực cự phú mà ngày nay ảnh ăn học công thành danh toại rồi, con gái nào thấy ảnh lại không ưng lòng. Tôi hiểu lắm, ảnh chưa chịu cưới vợ, là vì ảnh còn đợi kiếm cho được người nào mà ảnh dọ ý đã thương ảnh rồi ảnh cũng thương trước rồi nữa, ảnh mới chịu cưới. Phải vậy hay không anh Tư? Hồi đó đến bây giờ anh chưa gặp người nào thương anh hay sao? Bác Ái nghe nói mấy lời như khêu chuyện cũ, nên trong lòng đã buồn thầm mà lại cũng thẹn thầm. Anh ta gượng gạo cười bưng ly rượu uống, không trả lời. Quảng Giao nói tiếp: - Tôi đã nói với anh hoài, mình là người Việt Nam phải nói theo phong tục Việt Nam. Muốn kiếm vợ mà đợi thương nhau trước rồi sẽ đi nói sau, làm như vậy sao được. Anh nói người mình cưới vợ hễ đi coi thấp thố rồi về cậy mai đến nói nhầu như vậy thì vợ chồng không thương nhau. Anh coi hai vợ chồng tôi đây, có thương trước với nhau đâu, mà kết tóc với nhau mấy năm nay, có xích mích với nhau bao giờ đâu. Bác Ái lắc đầu rồi ngó Xuân Hoa mà cười, chớ không nói chi hết. Xuân Hoa nói rằng: “Ý anh Tư tuy sái phong tục Việt Nam thiệt, song tôi nghĩ cũng có chỗ phải lắm chớ”. Quảng Giao ngó vợ rồi đáp rằng: - Cha chả! Mình cũng muốn làm theo Tây nữa sao? Không được đâu, theo ý tôi người Việt Nam ta có muốn tập làm theo người Tây, thì tập tài nghệ, tập trí thức, hay là tập việc gì nữa cũng được hết, duy gia đình phong tục của mình thì không nên đổi. Bác Ái ngồi lặng tinh không cãi lẫy chi hết, còn Xuân Hoa thấy ý chồng như vậy cũng chẳng nghịch luận, nên Quảng Giao bỏ qua việc đó nói qua việc khác. Ăn cơm rồi Bác Ái muốn từ giã ra về song vợ chồng Quảng Giao theo cầm hoài nên phải ráng ở nói chuyện chơi tới 11 giờ khuya mới về được. Lúc đưa ra cửa, Xuân Hoa hỏi Bác Ái: - Từ hồi hôm đến bây giờ mà tôi quên hỏi thăm nữa chớ! Anh Tư về trong nầy ở nhà nào đâu? - Tôi ở sau dinh Toàn Quyền. - Anh về trong nầy rồi ở luôn hay trở ra Hà Nội nữa? - Dưới nhà biểu tôi nhơn dịp nầy xin trở về ngạch Nam kỳ, song tôi không muốn nên ở chừng một tháng rồi tôi trở ra Bắc. Quảng Giao tiếp nói: - Anh ở sau dinh coi bộ bất tiện quá. Thôi anh dọn đồ ra ở đậu với tôi đây. - Cám ơn, tôi ở trỏng cũng tiện lắm. - Tự ý anh. Ban đêm hay là chúa nhựt anh có rảnh ra ăn cơm và nói chuyện chơi, nghe hôn anh. Anh đừng ngại gì hết, tôi với anh chớ phải ai đó sao mà ngại. Nhớ ra chơi nhé. Bác Ái ừ rồi từ giã vợ chồng Quảng Giao lên xe kéo mà đi. Xuân Hoa trở vô nhà vừa nói với chồng rằng: “Anh đó, tôi không gặp ảnh đã bốn năm nay rồi, mà coi ảnh cũng vậy, không khác hơn hồi trước lúc nào hết”. Quảng Giao nói: “Ảnh ốm hơn hồi trước chớ!”, rồi đóng cửa tắt đèn đi ngủ. Từ ngày Lê Bác Ái bị uất ức vì tình, nhắm ở nhà khó khuây lảng được, nên phải ép mình đi Bắc học, anh ta thường dặn lòng đừng có nhớ đến Xuân Hoa nữa, mà anh làm lảng chừng nào trong trí lại càng nhớ chừng nấy. Đôi lần anh ta được thơ của Quảng Giao gởi thăm, anh ta ăn ngủ không được cho đến năm bảy ngày, vào ra thơ thẩn, nằm ngồi xốn xang hoài. Anh tưởng tượng trong trí có lẽ lúc nầy Quảng Giao với Xuân Hoa đang ngồi nói chuyện với nhau, người yêu vì nết, kẻ say vì tình, rồi anh ta bắt lạnh lòng, xót dạ. Bác Ái thấy khối tình Xuân Hoa đã gây trong lòng mình dầu làm thế nào cũng khó tan rã được, mà ngày nay Xuân Hoa đã có chồng rồi, lại chồng là một người bạn thiết của mình, nếu mình còn lưu luyến tơ tưởng nữa, thì mình phải mang lỗi với anh em, bởi vậy anh ta nhứt định không chịu gặp vợ chồng Quảng Giao, thà mình đành chịu đau đớn riêng một mình, chớ không muốn để cho nhơ danh phạm nghĩa. Bởi anh ta nghĩ như vậy nên trong ba năm học, mỗi lần bãi trường, hễ về Sài Gòn thì vội vã về riết Long Xuyên, chớ không dám trì hưỡn ở kinh thành, mà chừng thi đậu rồi lại cũng xin cấp bằng ở giúp việc luôn ngoài Hà Nội đặng khỏi gặp mặt Xuân Hoa. Tính như vậy nghĩ rất phải, mà làm được như vậy thiệt là hay. Nào dè trời đã gây cho Bác Ái một mối tình, rồi lại còn muốn cho Bác Ái phải lụy về mối tình ấy nữa, nên mới khiến cho quan trên bổ Bác Ái vào Sài Gòn. Bác Ái sợ gặp Quảng Giao, nên đến Sài Gòn đã trót tuần mà không dám đi thăm anh em, lại cũng không muốn đi chơi. Chiều bữa nọ thấy trời tốt nên mới ngồi xe kéo tính chạy một vòng hứng gió rồi về ngủ nào dè vừa xuống tới chợ Bến Thành cũ rủi gặp Quảng Giao, từ chối hết sức mà không được, nên phải theo Quảng Giao về nhà ăn cơm. Trong lúc ăn cơm nói chuyện, Bác Ái chẳng hề dám ngó mặt Xuân Hoa, đến chừng từ giã vợ chồng Quảng Giao về, đi dọc đường Bác Ái lại nói thầm trong bụng rằng sự bất đắc dĩ mình phải đến một lần mà thôi, từ rày sắp lên mình chẳng nên trở lại đó nữa. Đêm ấy Bác Ái về nằm thao thức ngủ không được, ban đầu xét cảnh gia đình Quảng Giao, thấy vợ chồng hòa thuận thì mừng dùm cho thân phận Xuân Hoa, rồi lần lần lại nhớ đến cườm tay, nét mặt của Xuân Hoa, thì bếp lửa tình ngày xưa đã nguội lạnh mấy năm rồi, nay coi dường như muốn nhen nhúm đặng cháy phừng lên lại. Anh ta lại nhớ mấy lời Xuân Hoa nói nhứt là nhớ Xuân Hoa hiệp ý với mình, muốn cho trai gái phải thương trước với nhau rồi sẽ cưới thì anh ta phát nghi trong lòng, không biết Xuân Hoa nói như vậy là tại vợ chồng không thuận nhau nên ngày nay ăn năn hay là tại ngày trước cô ta cũng có tình với mình mà vì mình không chịu bước tới nên mới dở dang duyên nợ. Anh ta nghĩ kỹ lại thì không lẽ Xuân Hoa ăn năn, bởi vì Quảng Giao có nói vợ chồng anh ta nào có thương trước đâu mà mấy năm nay chẳng hề xích mích, thế thì Xuân Hoa có cớ chi để phiền hà. Chắc cô nói như vậy là có ý tiếc vì ngày trước cô cũng có tình với mình nếu mình bước tới thì ngày nay cô lại còn vui vẻ hơn là gặp Quảng Giao nữa. Bác Ái nghĩ như vậy thì tức giận lắm, nhưng việc đã lỡ rồi, dầu có tiếc cũng không ích gì, nên tính làm lảng cho xong. Mấy bữa sau Bác Ái cũng cứ dặn thầm trong trí đừng có ra nhà Quảng Giao nữa. Mà dặn thì dặn chớ trong lòng khoan khoái muốn đi hoài. Đến chúa nhật anh nghĩ mình ra nhà Quảng Giao chẳng hại gì, miễn mình đừng tính chuyện chi quấy thì thôi, nên thay đổi áo quần rồi kêu xe kéo lên đường Hàng Sao. Bác Ái bước vô, vợ chồng Quảng Giao tiếp chào vui vẻ lắm, nhứt là Xuân Hoa lăng xăng lích xích, sai trẻ chạy đi mua thuốc vấn sẵn, rồi lại biểu đi mua đồ ăn thêm mà đãi khách, ngoài mặt vui cười, trong lòng hớn hở, coi khác hơn ngày thường bội phần. Lối 4 giờ chiều Quảng Giao rủ Bác Ái đi vô vườn thú hứng mát. Bác Ái chịu đi, Quảng Giao biểu vợ thay đổi áo quần rồi ba người dắt nhau đi bộ vô vườn thú. Vừa vô tới vườn thì thấy nam thanh nữ tú dập dều, người dắt vợ con đứng coi chim rỉa lông, kẻ cùng với bậu bạn ngồi trên băng ngắm cảnh. Xuân Hoa khoan thai đi trước, còn Quảng Giao và Bác Ái thủng thẳng theo sau: Trên đầu nhành gió đánh lá lung lay, dưới mặt đất cỏ nhuộm màu xanh mướt. Xuân Hoa lần lần đi từ bước, khi chỉ cây mà hỏi, khi ngó thú mà cười, khi đứng tựa bờ hồ mà so sắc với hoa sen, khi ngồi trong nhà mát mà suy tình cùng cảnh vật. Bác Ái đi theo, ngoài mặt tuy vui cười mà trong lòng như dao cắt, khổ là vì niềm riêng của mình thì mình biết chớ không được tỏ cùng ai. Đi chơi tới năm giờ rưỡi, mặt trời đã chen lặn, mới dắt nhau trở về. Lúc đi ngang qua một tòa nhà cao, trước cửa có xây thang để bước lên và tứ bề cửa đóng kín mít, Xuân Hoa hỏi thăm coi nhà ấy là nhà của ai. Quảng Giao đáp rằng: - Nhà đó là nhà kín đa. - Sao kêu là nhà kín? - Bởi vì hễ đàn bà vào đó rồi thì người thế gian không được thấy mặt nữa. - Đàn bà vô đó làm chi. - Đàn bà người nào hoặc thất chí về việc vợ chồng, hoặc não nề thế cuộc, muốn đi tu đặng không biết đến việc thế gian nữa, thì họ vào đó mà ở. Hễ họ vào đó rồi thì không ra được mà cũng không ai đến thăm viếng được. Xuân Hoa nghe nói thì chúm chím cười rồi thì nói rằng: - Đàn bà thất chí thì chỉ có chỗ nầy để tỵ thế, còn như đàn ông thất chí không biết có chỗ nào cho họ tu hay không há? Quảng Giao lắc đầu đáp rằng: - Không có, đàn ông muốn đi tu thì hoặc về chùa phật, hoặc vô nhà dòng, mà trong hai cách ấy dầu tu theo cách nào người người thế gian cũng còn thấy mặt được hết. Xuân Hoa cười rồi nói rằng: - Té ra đàn ông chừng chán đời rồi muốn lánh thiên hạ cũng khó hơn đàn bà lắm. Bác Ái vùng nói nhỏ một mình rằng: - Vậy chớ người ta tự vận không được hay sao? Xuân Hoa nghe nói liền day lại ngó Bác Ái, thấy anh ta mặt buồn xo nên hỏi rằng: - Anh nói chi đó, anh Tư? - Không, tôi có nói chi đâu. Ba người dắt nhau về nhà, Quảng Giao cầm Bác Ái ở lại ăn cơm nói chuyện tới 10 giờ tối mới chịu để cho Bác Ái về. Từ ấy về sau Bác Ái hễ nằm nhà thì dàu dàu hoài, mà dầu đi chơi chỗ nào vui cho mấy đi nữa anh ta cũng không biết hứng, duy có lên nhà Quảng Giao thì anh ta mới vui mà thôi. Anh em gần gũi nhau được vài tuần, Bác Ái dọ coi vợ chồng Quảng Giao ở với nhau tuy không dan díu, song thiệt hòa thuận lắm. Anh ta thấy vậy càng mừng dùm cho thân phận Xuân Hoa. Anh ta nghĩ rằng mình yêu mến Xuân Hoa là yêu trộm mến thầm, Xuân Hoa không biết, Quảng Giao cũng không dè, nay Xuân Hoa với Quảng Giao đã kết nghĩa trăm năm với nhau, mình chẳng nên mơ ước điều chi nữa. Song sự não nề của mình duy có mặt Xuân Hoa thì mình mới giải khuây được, vậy thì cũng nên lân la đến chơi đặng chữa cái tâm bịnh của mình lần lần, miễn là mình đừng để phạm nghĩa thì thôi, chớ tới lui chơi, đãi nhau như anh em, có chi đâu mà ngại. Bác Ái nghĩ như vậy, mà bữa sau ra chơi Quảng Giao lại khuyên hãy xin trở về ngạch Nam Kỳ đặng gần gũi cha mẹ anh em nữa, nên Bác Ái xiêu lòng rồi làm đơn xin thuyên bổ về Nam Kỳ. Bác Ái được giấy bổ về giúp việc tại dinh quan Thượng thơ. Quảng Giao mừng rỡ hết sức, xúi mướn phố ở gần đặng anh em tới lui chơi cho tiện. Bác Ái nghe lời mướn một căn phố ở đường Legrand de la Liraye, chưng dọn hực hở. Từ ấy về sau hai người không rời nhau, đêm nào Bác Ái không tới nhà Quảng Giao thì Quảng Giao đi lại. Còn Xuân Hoa coi bộ vui vẻ hơn xưa bội phần. Hễ thấy Bác Ái tới nhà thì niềm nở hết sức, lại mỗi đêm thường sắm sẵn đồ ăn, hoặc nấu chè thưng, hoặc nấu cháo gà, đặng anh em nói chuyện chơi khuya rồi giải lao. Có khi Xuân Hoa lãnh may áo mát dùm cho Bác Ái, có khi Bác Ái ra nhà hàng mua đồ dùm cho Xuân Hoa, có khi Bác Ái đến chơi, Quảng Giao không có ở nhà, song cũng chà lết ngồi chơi giây lát, có khi Quảng Giao nằm đọc sách, để cho Bác Ái thuật chuyện Tây cho Xuân Hoa nghe. Ba người đãi nhau tình rất nặng, nghĩa rất dầy. Tuy Bác Ái hết buồn, hết thảm trong lòng, song chẳng hề khi nào có tỏ lời chi chẳng ngay, hoặc có lập ý chi chẳng tốt.