Tôi luôn luôn ngạc nhiên về điều này, nhiều việc xảy ra nghe chẳng có gì quan trọng cả mà sau lại làm thay đổi cả lịch sử. Chẳng hạn, bốn năm trước khi Nội chiến bộc phát, trong năm kinh khủng 1857, một người tên là Leonarl Jerome đầu cơ ở Wall Street mà kiếm được một trăm ngàn Anh kim. Việc đó trừ Leonard Jerome, có ai cho là quan trọng đâu. Vậy mà bây giờ nhớ lại, ta thấy nó ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử hiện đại. Vì nếu người đó Leonard Jerome không đầu cơ được số tiền lớn đó, thì có lẽ Winston Churchill không sinh ra đời: Leonard Jerome chính là ông nội của Churchill. Được số tiền một triệu hai trăm ngàn Anh kim, Loenard Jerome mua một phần hùn lớn trong tờ Times ở Nữu Ước, lập hai trường đua lớn ở Mỹ, du lịch khắp thế giới, giao du với hạng quí tộc Anh. Và kết quả là người con gái mỹ miều, có duyên của cụ, cô Jenny Jerome cưới nhà quí phái Randolph Churchill. Và do cuộc hôn nhân đó mà Churchill ra đời vào ngày 30 tháng mười một năm 1874, trong một lâu đ ài nổi danh nhất ở Anh, lâu đ ài Benheim. Đời của Winston Churchill mới hoạt động, kỳ dị làm sao! Trên hoàn vũ tôi không thấy một người nào khác mà cuộc đời gồm được nhiều kích thích, nhiều mạo hiểm, nhiều nỗi vui và hứng thú như đời ông. Trên một phần ba thế kỷ, ông nắm quyền hành ghê gớm trong tay, ảnh hưởng lớn vô cùng. Năm 1911, ông là quan văn đứng đầu Hải quân Anh. Trên một phần ba thế kỷ, ông tạo nên anh hùng và thời thế. Ngay từ hồi bé, Winston Churchill đã muốn là một quân nhân, suốt ngày bày trận. Sau ông tốt nghiệp trường võ bị Sandhurt. Trong mấy năm ông đăng lính, chiến đấu với kỵ binh cầm thương của Bengale (Ấn Độ), chiến đấu với Kitchener ở sa mạc Soudan, chiến đấu với quân FuzzWuzzies. Từ năm 1900, ông đã nổi danh vì liều lĩnh, can đảm, nổi danh tới nỗi mới hai mươi sáu tuổi đã được bầu vào nghị viện. Việc xảy ra như vầy: Năm 1899, ông xung phong qua Nam Phi, làm thông tin viên lấy tin tức về chiến tranh Boer cho tờ Morning port, lương hai trăm rưỡi Anh kim mỗi tháng. Lương đó cao, nhưng ông lãnh nó cũng đáng, vì ông là một thông tin viên nổi danh nhất trong lịch sử Anh. Không những ông chép tin gởi về, mà ông còn tạo ra tin tức nữa, nghĩa là tiến sâu vào khu vực của địch, trong một toa xe võ trang bị tấn công bằng đại bác, rồi bị quân Boer bắt, nhốt khám, rồi ông vượt ngục, làm cho quân Boer phát điên lên, vì để một tù binh trong hàng quí phái Anh trốn thoát. Ra khỏi ngục, ông còn phải vượt mấy trăm cây số trên địa phận của địch có lính Boer gác các đường xe lửa và cầu, ông đi bộ hoặc trốn trong các toa chở hàng, ngủ trong rừng, trong đồng lúa hoặc mỏ than, ngụp trong đồng lầy, qua sông. Ông đi qua những cánh đồng Châu Phi, trong bầy kên kên bay lượn trên đầu chỉ đợi ông mệt quá, gục xuống là chúng tha hồ mổ, rỉa. Truyện vượt ngục của ông đã là tuyệt hay rồi. Mà ông lại còn viết cho độc giả mê nữa. Bài ông đăng trên tờ Morning post năm 1900 có tiếng vang dữ dội, người Anh nào cũng hăm hở, thành kính đọc. Ông được họ coi là vị anh hùng của dân tộc. Có người đem truyện ông đặt thành lời ca: hàng vạn người bu lại nghe ông diễn thuyết, và ông được nhiệt liệt bầu vào Nghị viện vì hoạt động và danh tiếng của ông. Châm ngôn của ông là: "Không bao giờ chạy trốn nguy hiểm". Năm 1921, ông qua Mỹ để diễn thuyết bốn mươi lăm lần, mỗi lần được hai trăm hai mươi Anh kim. Nhưng công ty Công an Scotland Yard thấy có thể nguy tới tính mệnh ông, cho ông hay có một bọn người bất mãn ở nhiều nơi trong đế quốc Anh đã họp nhau ở Mỹ thành một hội mà ty Công an gọi là Hội Ám Sát, ông tượng trưng cho các nhà cầm quyền Anh, rất có thể bị chúng bắn trong khi đi khắp nơi diễn thuyết ở Mỹ. Mặc dầu được ty Công an cho hay như vậy, ông cũng cứ đi. Khi tới một tỉnh miền Tây Hoa Kỳ, có người báo cho ông rằng vài hội viên trong Hội Ám Sát đã mua giấy vào nghe. Trưởng ty Công an đó hoảng, ra lệnh bãi bỏ cuộc diễn thuyết, nhưng người tổ chức cuộc diễn thuyết không chịu. Churchill bảo người này:"hành động như ông là phải. Thấy nguy hiểm, không bao giờ được quay lưng chạy. Nếu chạy thì nguy hiểm tăng lên gấp đôi, còn nếu như mạnh bạo xông lại nó, thì nó giảm đi được một nữa. Đừng bao giờ trốn cái gì. Bất kỳ cái gì!" Đã không trốn nguy hiểm, Churchill còn thường tìm nó. Khi ông đứng đầu Hải quân Anh, ông có được khoảng mười hai chiếc máy bay vừa lớn vừa nhỏ. Hồi đó vào năm 1911, máy bay mới xuất hiện được tám năm, cho nên lái phi cơ không khác gì giỡn với tử thần, vậy mà Churchill cũng nhất định đòi lái lấy, mấy lần bị tai nạn suýt chết. Chính phủ phải ra lệnh cấm, ông không nghe. Ông thích cái nguy hiểm đó và muốn biết rõ về phi cơ vì ông tiên đoán rằng phi cơ sẽ cách mệnh chiến thuật. Hải quân Anh có không lực mạnh mẽ là nhờ công của ông. Một đức tính siêu phàm của ông nữa là tính quả quyết gang thép, nhờ vào giáo dục của ông. Hồi trẻ ông là một sinh viên rất tầm thường. Ông ghét tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, ghét Toán học, và Pháp văn. Ông tin chắc rằng trước hết phải thông tiếng Anh đã rồi mới học ngoại ngữ, và tất nhiên là ông có lý. Nhưng vì ông khinh Ngoại ngữ, và toán pháp, nên ông ngồi gần cuối lớp trong ban dự bị vào đại học. Và đây mới là điều lạ: con người ghét toán sau làm giám đốc ngân khố quốc gia, giữ nền tài chánh của Anh trong bốn năm. Ba lần thi vô trường võ bị Sandhurst rớt cả ba. Lần thứ tư mới đậu. Rồi một hôm, sau khi tốt nghiệp hai trường Harrow và Sandhurst - hai trường lớn nhất ở Anh, ông thấy một điều - mà nhiều sinh viên tốt nghiệp ở đại học ra đã thấy - là mình thực ra chẳng biết chút gì cả. Lúc đó ông hai mươi hai tuổi, làm sĩ quan trong quân đội Anh ở Ấn Độ, tức thì ông quả quyết tự học, viết thư về cho thân mẫu ở Anh, xin người gởi qua những sách về tiểu sử danh nhân, lịch sử triết lý và kinh tế. Trong khi các bạn sĩ quan ngủ để tránh cái nóng nung người ban trưa, thì ông nghiến ngấu đọc đủ các sách từ Platon tới Gibbon và Shakespeare. Ông bỏ mấy năm luyện lối văn sáng sủa và bóng bẩy mà ta thấy trong các diễn văn và tác phẩm của ông, một lối văn hùng hồn và du dương. Vốn ăn nói vụng về, ông đã tự luyện cho thành một nhà hùng biện hạng nhất cổ kim. Khi giữ chức thủ tướng, ông làm việc từ mười bốn tới mười bảy giờ mỗi ngày, mỗi tuần ông thường việc cả bảy ngày. Ngay bây giờ ông còn làm việc hăng hái, và các thư ký của ông không được nghỉ tay. Ông làm việc được như vậy nhờ vừa làm vừa nghỉ, và nghỉ trước khi mệt. Mười giờ rưỡi sáng ông mới dậy, nhưng ba giờ trước khi dậy, ông ngồi dựa lưng ở giường, miệng ngậm một điếu xì gà lớn, kêu điện thoại, đọc thư cho thư ký chép, đọc báo, các bản phúc trình và điện tín. Rồi ông mới đứng dậy đi cạo râu bằng một con dao cạo kiểu cũ. Một giờ trưa ông ăn cơm, ngủ một giờ, rồi làm việc. Năm giờ lại leo lên giường, ngủ nữa giờ. Ăn bữa tối xong, ông thường làm việc tới nữa đ êm. Một loạt diễn văn của ông đã gom vào một cuốn nhan đề là Trong khi nước Anh ngủ. Trong mấy năm, khi mà phần nhiều chính khách Anh ngủ, hoàn toàn quên đại chiến nó sắp chìm đắm thế giới, thì ông cảm thấy nguy cơ Hitler. Trong sáu năm, từ 1933 đến 1939, gần như ngày nào ông cũng la rằng Đức quốc đương tái võ trang, rằng Hitler đương đóng xe tăng, chế đại bác, phi cơ, dự định thả bom xuống nước Anh, đánh đắm tàu Anh và chiếm thế giới. Ông đã thấy trước tất cả những điều đó: nếu nước Anh nghe lời tiên đoán của ông mà tăng binh bị để sẵn sàng đương đầu với nguy cơ thì đại chiến thứ nhì có lẽ chỉ là một ảo mộng của một kẻ điên.