Cách đây gần ba phần tư thế kỷ, một cô giáo bạt tai một em nhỏ vì em đó không chịu ngồi yên trong lớp, cựa quậy, vặn vẹo người hoài. Cô bạt tai em trước mặt những em khác, làm em bị nhục đến nỗi em la khóc trên suốt con đường về nhà. Lúc đó em mới năm tuổi mà đã thấy rằng cô giáo đối với em quá tàn nhẫn và bất công, em sinh oán ghét sự tàn nhẫn và bất công, sau này chiến đấu suốt đời để diệt hai cái đó. Tên em nhỏ đó là Clarence Darrow, nhà cố vấn về hình luật danh tiếng nhất đương thời ở châu Mỹ. Tên ông thường chiếu rực rỡ bằng chữ lớn trên hàng đầu trang một của mọi tờ nhật báo trong xứ. Ông là một chiến sĩ bênh vực cho những kẻ bị ức hiếp. Các ông già bà cả ở Ashtabula, xứ Ohio, hiện nay còn nhắc lại vụ kiện thứ nhất ông đã cãi. Việc rất tầm thường, chỉ là bênh vực người làm chủ một bộ yên ngựa cũ có giá trị một Anh kim. Nhưng đối với Clarence Darrow, đó là một vấn đề nguyên tắc phải theo đúng. Con rắn độc bất công đã ngóc đầu lên thì ông phải tấn công nó, như tấn công con hổ ở Ấn Độ vậy. Thân chủ ông chỉ trả ông có một Anh kim, ông bỏ thêm tiền túi ra để bênh vực người đó tại bảy tòa án trong bảy năm trời và thắng kiện. Darrow nói rằng không bao giờ ông ham tiền bạc hay danh vọng. Ông tự cho mình là một thằng tướng đại lãn. Mới ra đời, ông dạy học. Một hôm một việc xảy ra, thay đổi hẳn đời ông. Trong châu thành có một người thợ rèn lúc nào rảnh việc đóng móng ngựa thì học luật. Clarence Darrow nghe người đó biện hộ trong một vụ tranh chấp tại một tiệm thợ thiếc, bị lời lẽ hoạt bát và hùng hồn của người nhà quê đó làm cho mê mẩn. Ông cũng muốn tranh biện được như họ nên ông hỏi mượn những sách luật của người thợ rèn và bắt đầu học luật. Mỗi sáng thứ hai ông thường mang sách luật lại trường để học trong khi học trò ông học địa lý và toán. Ông nhận rằng nếu không có một chuyện kích thích ông hoạt động thì suốt đời ông chỉ là một nhà cố vấn pháp luật ở làng. Hai vợ chồng ông tính mua một căn nhà nhỏ ở Ahstabula, xứ Ohio của một nha y. Giá tiền là bảy trăm Anh kim. Ông rút hết số tiền gởi ngân hàng ra, được một trăm Anh kim, trả cho chủ nhà, còn bao nhiêu xin góp lần làm nhiều năm. Việc thu xếp đã gần xong thì vợ người nha y đó không chịu ký văn tự. Mụ tỏ vẻ khinh bỉ, bỉu môi nói: -Này chú, tôi tin rằng suốt đời, chú cũng không kiếm ra được bảy trăm Anh kim đâu. Darrow nổi dóa, nhất định không chịu ở một tỉnh có hạng người như vậy nữa. Và ông phủi chân cho hết đất bụi ở Ashatabula, mà lại Chicago. Năm đầu ở Chicago ông kiếm được có sáu chục Anh kim, không đủ trả tiền mướn phòng. Nhưng năm sau ông kiếm được gấp mười số đó, sáu trăm Anh kim nhờ làm luật sư đặc biệt cho châu thành. Ông nói: Khi đời tôi bắt đầu thay đổi thì tôi thấy mọi sự may mắn tới dễ dàng và nhanh chóng quá. Không bao lâu ông làm phó Chưởng lý cho công ty xe lửa Chicago and North Western, và tiền vô như nước. Lúc đó một vụ đình công bùng nổ. Oán thù! Rối loạn! Đổ máu. Cảm tình của Darrow về phía người đình công. Khi Eugene Debs người cầm đầu công ty xe lửa bị đem ra xử, Darrow bỏ việc một cái một, và đáng lẻ bênh vực công ty thì ông bênh vực thợ thuyền. Đó là vụ cãi sôi nổi nhất của Darrow mà mỗi vụ cãi của ông đều là trụ đá ghi con đường trong lịch sử tòa án. Chẳng hạn vụ Leopold và Loed tự thú đã giết em bé Bobby Franks. Dư luận bất bình vô cùng, ghê tởm vì sự tàn nhẫn của kẻ sát nhân đến nỗi khi Clarence Darrow đứng bênh vực hai tên đó, ông bị công chúng chửi rủa, hành hạ gọi là thằng giết người. Mà tại sao ông lại làm như vậy? Ông nói "Dù quần chúng oán ghét tôi, tôi cũng làm. Tôi không muốn cho một thân chủ nào của tôi bị tội xử tử hình, và nếu họ bị xử tử hình thì tôi có cảm tưởng rằng tôi cũng gần như chết vậy. Không bao giờ tôi có thể đọc được một tin tử hình. Tôi luôn luôn đi khỏi châu thành trước ngày xử tử. Tôi kịch liệt chống lại sự tử hình". Ông nói rằng xã hội sinh ra tội nhân và bất kỳ người nào cũng có thể mắc tội này hay tội khác. Chính ông đã từng trãi, biết cảnh bị tòa xử mình rồi. Có lần ông bị buộc tội là hối lộ quan tòa, và ông phải đem hết tài hùng biện ra tự bênh vực. Nhưng lần đó ông thấy được một tấm lòng biết ơn cảm động nhất trong đời ông. Một thân chủ cũ của ông gặp ông, nói:" Khi tôi mắc nạn, ông cứu cho tôi khỏi bị thắt cổ, mà nay ông mắc nạn, tôi không giúp lại ông được gì. Làm sao giết được đứa đã làm chứng gian để vu oan cho ông?" Mấy năm trước, ông đã xuất bản một cuốn kể đời ông, và tôi còn nhớ đã thức rất khuya để đọc chương trong đó ông vạch nhân sinh quan của ông. Ông viết: "Tôi không biết chắc tôi đã làm được nhiều hay ít. Tôi đã lầm lỗi trên con đường của tôi, và tôi đã cướp được của định mạng bủn xỉn càng nhiều nỗi vui càng tốt. Công việc ngày nào đủ cho ngày ấy, miễn là ta không quên hướng đi và cái đích trên đường đời. Tôi không thấy được rằng tôi đã già. Tôi mới bắt đầu đi trên đường đời đây mà, với tất cả thế giới và thời gian vô biên ở trước mặt; mà bây giờ cuộc hành trình đã gần xong và ngày đã gần tàn. Nhưng quãng đường tôi đã giẫm chân lên ngắn biết bao so với quãng đường vô cùng tôi chưa bước tới".