Dù trộm vặt thì lão Ứng vẫn là kẻ ăn trộm. Và trong quãng đời dài chinh chiến với việc chôm chỉa, lão cũng bị bắt dăm lần. Nhẹ thì phạt vi cảnh, đền tiền. Nặng thì lên huyện, bị giam mấy ngày rồi về. Chưa khi nào lão phải đi tù cả. Người ta chẳng thương gì lão mà thương bà Hinh. Nhìn những giọt nước mắt chứa chan trên mặt cùng dáng vẻ lập cập cam chịu của bà, ai cũng mủi lòng. Có lẽ tính thích cầm nhầm đồ nhà người khác của lão Ứng là một thứ bệnh trầm kha, một cái tật quái gở vô phương cứu chữa dù lão đã cố gắng. Chính tôi nhiều lần, ngồi thừ một chỗ ở góc nhà, nhìn lão Ứng uống say rồi khóc hu hu như đứa trẻ và hứa rất chắc chắn với vợ rằng mình sẽ chừa. Xong, chứng nào lão vẫn giữ tật ấy. Hôm trước hứa hẹn đủ điều, vài bữa sau lại thấy lão lỉnh vào góc buồng, nhìn vợ xin lỗi người ta... Tật trộm cắp của lão Ứng đột ngột chấm dứt sau cái chết của bà Hinh, vợ lão. Đêm cuối cùng trước khi từ biệt cõi trần, dưới ánh điện vàng vọt ảm đạm và trước mặt rất đông bà con trong xóm, bà Hinh bỗng tỉnh táo hẳn. Bà bắt tôi đỡ dậy rồi run run yêu cầu lão Ứng hứa một lời. Lão cuống quýt hứa rất trịnh trọng và thành khẩn... Nước mắt bà ứa ra, lão Ứng hốt hoảng vì hiểu rằng, có lẽ vợ chưa tin tưởng mình. Liếc thấy con dao ở góc nhà, lão bèn bước tới, nhanh như cắt chặt phăng ngón tay út của bàn tay trái rồi gắng gượng cười: "Bà thấy chưa! Tôi thề mà!". Máu túa ra đỏ cả bàn tay khiến mọi người lặng đi. Đập mạnh vào ký ức tôi là hình ảnh lão Ứng mặt tái nhợt, mồ hôi lấm tấm rịn bên thái dương cố nén cơn đau với nụ cười méo xệch. Bà Hinh, vẻ thanh thản hiện rõ trong cặp mắt đã dại dần. Có lẽ bà đã hoàn toàn yên tâm để ra đi. Còn ngón tay út của lão Ứng thì văng ra giữa nhà, nhỏ nhoi, cựa quậy và thấm đầy máu. Rùng mình, tôi nhắm chặt mắt quay đi, lòng trào lên nỗi xót xa với vợ chồng lão Ứng. Cũng từ đó, xóm thôn lặng lẽ hẳn. Chuyện trộm vặt không còn xảy ra nữa. Lời thề với người chết như một sự bảo lãnh đáng giá cho việc cải đổi, sửa chữa của lão Ứng trước thiên hạ. Ngày tháng trôi đi với bao bộn bề của cuộc mưu sinh. Tôi cũng lớn lên, học đại học rồi ra trường. Suốt cả thời thiếu nữ trẻ trung cho đến giờ, hơn mười năm, tôi như chiếc đèn cù, ngoay ngoáy, xoay tít với những vấn đề của riêng mình cùng bao toan tính. Thực tế có, lãng mạn có, yêu đời có mà chán đời cũng có. Tôi đã yêu rồi bỏ. Lại yêu. Rồi lại bỏ. Vĩnh là người thứ ba. Ba người đàn ông ngốn đứt của tôi mười năm có lẻ... Khi người ta nghĩ cho mình nhiều quá, lòng trắc ẩn cũng dễ mất đi. Từ ngày bà Hinh mất, tôi hầu như không sang thăm lão Ứng nữa... Cho đến tận đêm nay, tôi buồn, trống trải, run rẩy vì mệt mỏi, vì cay đắng. Còn lão Ứng, lão đang nghĩ gì? oOo - Mày làm một ngụm cho ấm bụng? Rượu nếp cẩm nhà Tư béo bên xóm Đoài đấy! - Lão Ứng đưa cho tôi bi-đông rượu đã cạn gần hết. - Cảm ơn lão, cháu không uống! - Say sao được mà lo... Thôi, về đi! Tao vào lều ngủ đây! - Giọng lão đã nhừa nhựa, líu ríu va đập vào nhau. Có cảm giác đến lời nói của lão cũng gà gật buồn ngủ. Vừa nói, lão vừa vứt cái nghiền xuống bờ ruộng rồi chui vào lều. Đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy một bóng người lúi húi ở đằng xa. Hoảng hốt, tôi thì thào gọi lão Ứng: - Kìa, lão Ứng! Hình như có ai ở đằng kia? - Đâu, mày bảo chỗ nào? Tao chẳng nhìn thấy gì cả? Già rồi, mắt mũi kèm nhèm tợn! - Lão Ứng thoắt trở dậy, tỉnh táo hẳn. - Kia kìa! - Tôi túm vào vạt áo lão, tự dưng lạnh cả người - Lão nhìn thấy chưa? Thẳng tay cháu chỉ đây này! Gần đường cái cơ mà? - Chỗ vườn chuối nhà Hạ ấy à? - Vâng... Nó chui vào đó rồi lão ạ! Đấy... nó lại chui ra kìa... - Hừm! Thằng nào láo toét thế? Lại định chặt trộm chuối đây mà! Để tao xem sao? - Lão cho cháu đi với! - Tôi hốt hoảng. - Mày run như cầy sấy thế kia, đứng còn không vững nữa là... - Lão khẽ cười thành tiếng - Thôi, ngồi đấy! Tao về ngay! - Không... Cháu sợ lắm, cháu đi cùng lão cơ! - Tôi nài nỉ. - Thôi được rồi, rõ là... Khẽ thôi nhé! Nào, thở sâu vào! Thế, đừng run lập cập nữa! Bước đằng sau tao, được chưa? Tôi và lão Ứng khom người khẽ khàng tiến dần về vườn chuối nhà cô Hạ. Mặc cho tôi vất vả bò như hụt hơi, lão Ứng tay cầm nghiền, nhanh như mèo và không một tiếng động, chăm chú quan sát phía trước... Năm buồng chuối rất to đã được chặt xuống để ở đầu bờ. Mùa này, chuối tây rất đắt. Chợ chuối - đêm nào cũng họp lúc gần sáng, cách đây chưa đến hai cây số... Kia rồi, thằng trộm đã hiện ra lù lù. Tôi trợn mắt ngạc nhiên. Bên cạnh, lão Ứng cũng ngẩn người. Tưởng ai, hóa ra thằng Khánh, con cô Tân xóm Đông - cô giáo dạy tôi hồi tiểu học. Nhà cô Tân nghèo lắm. Chú Nam, chồng cô hy sinh ở chiến dịch biên giới năm bảy chín khi thằng Khánh mới lọt lòng. Cô Tân bị thấp khớp mãn tính, người gầy guộc ốm yếu và phải dùng thuốc quanh năm. Thằng Khánh hai mươi tuổi, nó học rất khá mà chẳng dám thi đại học. Bây giờ, cô Tân đã về hưu. Lương tháng không đáng là bao so với tiền chữa bệnh. Vì cô đau yếu luôn nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều dồn vào tay thằng Khánh. Gia cảnh khó khăn, túng bấn nên nó tính chuyện làm liều chăng? Học trò cũ, rời khỏi vòng tay ấm áp của cô là bay đi một mạch, mấy ai ngoái đầu lại? Vậy là nhiều khi xao lãng, chúng tôi quên cả đến thăm cô. Biết cô bệnh, thằng Khánh vất vả mà tôi - đứa học trò cô rất yêu - nào làm được gì?... Nhìn thằng Khánh lấm lét, hớt hải khuân từng buồng chuối lên bờ ruộng, tôi chết điếng người... Lúc này, tôi như hóa thành đá. Người cứng lại, cổ mỏi nhừ còn mắt thì lồi hẳn ra, nóng rực. Tôi thầm mong thằng Khánh chỉ chặt vài buồng thôi rồi phải tìm cách mang ngay đến chợ. Trời sáng đến nơi rồi... Loay hoay nghĩ ngợi, tôi không để ý lão Ứng đã lùi lũi luồn ra sau từ lúc nào đang khua khua tay ra hiệu cho tôi. Tôi nhẹ cả người, quay ngoắt lại bò dần về phía lão. Hồi hộp, tôi vô ý giẫm cả chân xuống cái hố trên đường, suýt ngã bổ chửng... Chạy được một quãng xa, thấy thằng Khánh đã chui ra khỏi vườn chuối, hì hục khuân chúng lên đường lớn, tôi nhẹ nhàng dịch sát vào phía lão Ứng: - Này, tao bảo! - Lão thì thào. - Gì cơ ạ? - Coi như chưa thấy gì cả! Mày về nhà đi! - Vâng! - Tôi do dự nhìn lão - Nhưng... - Thằng Khánh hỏng thật, tao không nghĩ con nhà giáo Tân lại đi ăn cắp. Chắc mẹ nó ốm quá... Tha cho nó lần này con ạ. Nhưng, nếu không sửa được là xong đời đấy. Tao đã như vậy nên tao biết. Quen tay quen nết rồi, thấy người ta có gì hay hay, hở ra là xoáy luôn... Mà thôi, biết thế nào mà tính, đời nó, nó khắc phải lo. Vả lại, thằng này không phải thứ hư hỏng. Nhìn nó lóng ngóng, bê buồng chuối mà ngã dúi dụi thì biết, chắc cu cậu mới ăn trộm lần đầu. Nhà Hạ giàu nhất xã, mất vài buồng chuối cũng chẳng sao. Chỉ có điều sớm mai, con mụ vợ lại tru tréo, um tỏi cả đồng lên cho mà xem... Thôi, về! Lão Ứng cứ nói. Còn tôi thì im lặng nghe. Vừa lẩm bẩm lão vừa chùi chân vào đám rơm khô người ta đánh đống gần cửa lều. Hoàn hồn, tôi thở một hơi thật dài, thật sâu và thấy trong lòng vui buồn lẫn lộn. Phải công nhận cách giải quyết của lão Ứng là hay hơn cả. Tôi chỉ lo, liệu thằng Khánh có dừng lại ở đây được không vì nó còn trẻ quá. Còn cô Tân nữa chứ? Nói với cô sự thật này, cô chịu đựng được chăng? Tôi bỗng thấy chán nản vô cùng, đành ngồi bó gối im lặng. - Sáng đến nơi rồi! Về nhà ngủ đi! Con gái con đứa... - Vâng! Lão cũng về thôi chứ? - Hừm, kệ tao... Ơ kìa! Cái bi-đông rượu đâu rồi hả? - Cháu không biết ạ! - Thôi chết! Ban nãy tao vẫn đeo bên người cơ mà! Được rồi, cứ về đi. Chắc rơi đâu đó thôi, lát nữa tao đi tìm... - Vâng! Chào lão cháu về trước! - Tôi nói rồi quay đi. oOo Tinh mơ hôm sau, tôi đến cơ quan. Chuyện đêm trước, giật mình tưởng như một giấc mơ. Một tuần chậm chạp trôi qua, vẫn không thấy tăm hơi của Vĩnh. Lúc ấy, tôi mới thất vọng tràn trề. Tâm trạng hụt hẫng, đau đớn dù vẫn biết đó là kết cục tất yếu. Công việc, sự vui vẻ của đồng nghiệp chỉ làm tôi nhẹ nhõm phần nào... Chiều thứ bảy, tôi lại khăn gói về nhà. Vừa nhô đầu vào ngõ, mẹ tôi đã sốt sắng: - Lại về hả con! Sao muộn vậy! Nắng tắt lâu rồi mà! Ăn mặc phong phanh thế này, cảm lạnh thì khổ?... Này, tưởng lão Ứng đã chừa hẳn. Ai dè... Hay lão ấy đoái tính, gở chết nhỉ? Lão vẫn khỏe thế kia cơ mà! Mấy hôm trước, lão lại chặt trộm chuối nhà Hạ - những sáu buồng tất cả đấy! Người ta thương tình lão già cả, chỉ nhốt một ngày ở ủy ban xã, phạt vi cảnh bắt lao động công ích ba ngày, rẫy cỏ ở sân hội trường và dọn vệ sinh khu nhà trẻ... À, tiền đền cho nhà Hạ là năm trăm ngàn. Nhà Hạ cũng chẳng ra gì. Giàu nứt đố đổ vách ra còn ki bo. Lấy của lão Ứng năm trăm mà vẫn kì kèo nọ kia... - Mẹ bảo sao? - Tôi dựng vội cái xe vào góc sân hỏi vội vàng - Lão Ứng lại ăn trộm ư? Sao người ta bắt được lão nhỉ? Con... - Ôi dào! Giá lão không say bí tỉ có lẽ cũng chẳng bắt nổi. Sáng bạch ra ngày, mọi người đi làm đồng thấy lão rúc đầu vào cây rơm nhà Thu Nhị cạnh bờ mương, cách vườn chuối chẳng đáng là bao ngáy khò khò, chân thò ra ngoài nhem nhuốc những bùn cùng đất. Còn cái bi-đông rượu của lão, nó rơi ngay cạnh vườn chuối... Bị dựng dậy, lão mắt nhắm mắt mở chui ra khỏi cái ổ rơm ấm áp nhận ngay tắp lự cái bi-đông ấy là của mình. Người ta điệu lão đến trụ sở xã. Nhưng đúng là chưa lần nào mẹ thấy lão Ứng như lần này. Dân quân hỏi, lão cứ lúng ba lúng búng, mặt mũi bần thần, một mực kêu oan không nhận là mình ăn cắp. Lão còn lấy cả vong hồn bà vợ già đã mất của mình ra đảm bảo. Người ta không thèm nghe. Thế là lão nói tên con. Lão bảo, đêm hôm ấy, con đã cùng đi bắt chuột với lão... - Rồi sao nữa hả mẹ? - Tôi sốt ruột, nóng nảy cắt ngang - Mẹ nói nhanh lên nào? - Người ta bắt đầu nghi hoặc... Đùng một cái, đến chiều, lão nhận tuốt. Lão kể rành mạch việc chặt sáu buồng chuối thế nào, khuân lên bờ rồi mang bán ra sao. Lão cũng xin lỗi mẹ vì đã bịa ra việc con đi bắt chuột với lão. Thế là xong chuyện! Chán thật, lão cũng đã già rồi... Nghe đến đó, tôi chẳng nói chẳng rằng, chạy bổ sang nhà lão Ứng. Lão đang ngồi thu lu ở góc chiếu với bi-đông rượu - vẫn cái bi-đông ấy - và mấy củ lạc rang. - Mày đã về đấy à? - Lão hỏi vọng ra khi thấy tôi. - Chào lão Ứng! Cháu... - Ngồi xuống đây! Mẹ mày kể rồi hả? - Vâng!... Tại sao lão lại nhận là mình đã chặt trộm chuối? Thằng Khánh nó... - Đêm qua, tao đi bắt chuột ở đồng Tám Mẫu. Thằng Khánh mò ra tìm và đưa tao gói này - Vừa nói lão vừa lần lần trong người, đưa một cái bọc nhỏ, hơi nhàu nát ra trước mặt tôi - Sáu trăm ngàn mày ạ! Nó cảm ơn và xin trả lại tao số tiền đã nộp phạt. - Thế ạ! - Tôi cất giọng rời rạc. - Tao chỉ phải nộp có năm trăm ngàn thôi. Nhưng làm gì có tiền nên đi vay lãi ngày nhà Minh Thục xóm ngoài, bảy phân đấy! Nhà ấy bao giờ cũng thế! Khiếp thật... Còn mấy chục, mai mày đến nhà giáo Tân đưa cho thằng Khánh hộ tao, bảo là chỉ hết chừng ấy! Giá tao dư dả thì lấy của nó năm trăm thôi. Nhưng... mày thấy đấy!... - Dạ, cháu hiểu lão. Nhưng sao lão lại làm thế? - Ôi dào! Chẳng sao cả! Thằng Khánh sau lần này chắc sợ vãi tè ra rồi. Đố dám ăn cắp nữa! Đêm qua tao cũng bảo với nó rằng, nếu nó còn dại dột đi chôm của người ta nữa, tao sẽ kể lại chuyện trộm chuối này cho cả làng nghe. Lúc đó thì... Nó khóc và hứa rồi! Còn tao, thêm một chuyện này nữa thì có làm sao! Tao đã thề không đi ăn trộm nữa thì chắc từ giờ sẽ hết tai bay vạ gió thôi... Lần này, coi như tao giúp giáo Tân một chút thôi mà! - Vâng ạ! oOo Sáng hôm sau, tôi mua hoa quả, một ít thuốc bổ đến thăm cô Tân. "Còn vài chục này, cháu biếu lão. Ngày mai thằng Khánh sẽ nhận lại một trăm ngàn". Mặc tôi năn nỉ thuyết phục, lão Ứng vẫn nhất quyết đưa cho tôi số tiền thừa. Bù thêm cho đủ, trước khi về tôi dúi vào tay thằng Khánh một trăm. Khi cầm tiền, tôi thấy nó run run. Nhìn vào mắt nó, tôi thấy yên lòng lạ... Buổi chiều hôm ấy, định bụng sang thăm lão Ứng một lát rồi mới đến cơ quan. Lề mề thế nào, tôi lại muộn. Vội vàng gói ghém đồ đạc mang ra xe, tôi hớt hải phóng vụt đi, chẳng kụp chào lão Ứng...
--------o0o--------