Tại đất Sơn Tây, phủ Giáng Châu, huyện Long Môn, có một người là Tiết Hằng, nhà giàu có sanh đặng hai trai, là Tiết Hùng và Tiết Anh. Khi hai gã chừng 30 tuổi thì cha mẹ qua đời, anh em mới cùng nhau phân chia gia tài. Tiết Anh cưới vợ là Phan Thị, đến 35 tuổi một đêm chiêm bao thấy sao sa xuống bụng, rồi thọ thai sanh đặng một trai, đặt tên là Tiết Lê, tên chữ là Nhơn Quí. Từ sanh ra cho đến 15 tuổi mà không biết nói, vợ chồng Tiết Anh cho là con câm, nên buồn rầu chẳng xiết. - Đêm qua tôi coi thiên tượng, thấy phía Đông có một đạo hồng quang, tự dưới đất xung lên, giây lâu có đạo hắc quang tự trên trời sa xuống, thiệt là điềm rất xấu! Tôi sợ phía đông có sự can qua. Thái Tông nói: - Đêm nay cũng có sự chiêm bao thấy một sự lạ, không hay lành dữ ra sao? Từ Mậu Công tâu: - Chẳng hay Bệ hạ chiêm bao thấy chi? Thái Tông nói: - Trẫm chiêm bao thấy mình cỡi ngựa ra khỏi dinh, đến một chỗ lạ, bỗng phía sau có một người chạy đến, đội mão đỏ, giáp đỏ, mặt xanh miệng có nanh vuốt, tay cầm Xích đồng đao, cỡi ngựa rượt theo, y muốn giết trẫm. Trẫm kêu cứu giá, chẳng thấy ai, mới giục ngực chạy đại, thấy trước mặt có biển lớn, sóng dậy tứ bề, không đường nào chạy nữa. Lúc đó trẫm kình hãi chạy vòng theo bãi biển, rủi con ngựa bị sa lầy, cất giò không nổi. Đương khi hoảng hốt, xảy có một người đội mão trắng, mặc giáp trắng, tay cầm Phương thiên họa kích chạy đến kêu rằng: "Bệ hạ chớ lo, có tôi cứu giá đây!" Nói rồi đánh với tướng mặt xanh chừng bốn năm hiệp, đâm tướng mặt xanh một kích té nhào, chừng đó trẫm mới an lòng, liền biểu người ấy theo về dinh để phong thưởng quyền tước. Người ấy từ chối rằng: "Tôi còn có việc, chưa thể theo Bệ hạ, để sau này đến sẽ bảo giá!" Nói rồi muốn bỏ đi, trẫm cản lại hỏi thăm tên họ và quê quán thì người ấy đáp rằng: "Tôi có bốn câu thơ, xin đọc Bệ hạ nghe, sẽ biết rõ tên họ và quê quán của tôi." Nói rồi đọc rằng: Gia trụ diêu diêu nhứt điểm hồng, Phiêu phiêu tử hạ ảnh vô tông. Tam tuế hài đồng thiên tượng giá, Bảo vương khóa hãi khứ chinh Đông. - Khi đọc xong bài thơ đó rồi liền thấy dưới biển bay lên một con rồng xanh, há mịêng hút luôn người và ngựa người ấy rồi bay mất. Trẫm thấy sự lạ, kinh hãi giật mình thức dậy, mới hay là giấc chiêm bao. Không biết kiết hung thế nào, xin quân sư đoán thử? Mậu Công tâu: - Cứ như tôi coi điềm trời, có đạo quang như vậy, ắt có một kỳ chinh chiến gớm ghê, mà do tướng mặt xanh ấy, từ phía đông nổi loạn, trong tướng tá của ta, không có ai địch lại. Vì thế nên sanh khí mới xung lên đến thế, ấy là điềm trời cho biết trước. Nhưng bệ hạ đã tìm đặng vị hiền thần mang giáp trắng đó, thì trừ tướng mặt xanh đó có khó gì! Thái Tôn nói: - Đó là điềm chiêm bao, chỉ thấy bóng mà không thấy hình, thì làm sao tìm thấy đặng? Từ Mậu Công tâu: - Bệ hạ chiêm bao, chắc có ứng nghiệm, và tôi xem ý trong bốn câu thơ đó thì tên họ quê quán của người ấy có thể rõ đặng. Thái Tôn hỏi: - Quân sư đoán ra sao? Từ Mậu Công tâu rằng: - Theo câu thơ thứ nhất: Gia trụ diêu diêu nhứt điểm hồng. Chỉ nghĩa là: Mặt trời lặn về hướng Tây, còn một chút điểm đỏ. Chắc người ấy ở đất Sơn Tây. Còn Bệ hạ thấy con rồng há miệng hút người ấy thì chắc quê ở huyện Long Môn. Câu thơ thứ hai: Phiêu phiêu tử hạ ảnh vô tông. Nghĩa là: Trong khi tuyết xuống, mịt mù không biết tông tích nơi đâu. Cứ lấy ý mà suy, thì người ấy chắc họ Tiết. Câu thơ thứ ba: Tam tuế hài đồng thiên tượng giá. Nghĩa là: Đứt con nít ba tuổi, mà giá đáng ngàn lượng. Lấy lý mà đoán, thì người ấy tên Nhơn Quí. Còn câu thứ tư: Bảo vương khóa hãi khứ chinh Đông. Nghĩa là: Người ấy sẽ bảo giá vượt biển qua đánh phía Đông. Việc mộng ứng chẳng sai, xin bệ hạ xét lấy. Thái Tôn nói: - Tuy quân sư đoán là hiền thần Tiết Nhơn Quí quê ở huyện Long Môn, song dùng cách gì mà kiếm ra đặng? Từ Mậu Công tâu: - Cái đó cũng không khó, xin bệ hạ sai người ra Long Môn tuyển lấy mười muôn binh sĩ, nếu Nhơn Quí đã là người anh hùng, chắc phải đến đầu quân, chừng ấy bệ hạ sẽ phong quan tước, cho đi bảo giá. Thái Tôn nói: - Quân sư luận trúng ý trẫm lắm. Vậy các khanh ai khứng lãnh chỉ, ra huyện Long Môn mà chiêu binh? Phán vừa dứt lời, có Tam thập lục bộ Đô tổng quản, Thất thập nhị lộ Đại tiên phong là Trương Sĩ Quí bước ra tâu rằng: - Hạ thần xin phụng chỉ. Thái Tôn dặng: - Khanh ra đó, nếu có biết Tiết Nhơn Quí thì dâng sớ cho trẫm hay, công ngươi rất trọng. Trương Sĩ Quí tâu: - Tôi tưởng Tiết Nhơn Quí là người trong mộng, khó thể tin đặng, chuyện ứng mộng, hiền thần đây có lẽ là rể tôi tên Hà Tôn Hiến chăng? Thái Tôn hỏi: - Sao khanh lại biết? Sĩ Quí tâu: - Tôi nghe bệ hạ nói hiền thần ấy thì thấy giống in như rể tôi, rể tôi ưa đồ trắng, cũng dùng Phương thiên họa kích, thao lược tinh thông, võ nghệ không ai địch nổi. Thái Tôn hỏi: - Rể khanh ở gần đây chăng, hãy dẫn vào cho quả nhơn kiến diện. Sĩ Quí vâng lệnh, ra dẫn Hà Tôn Hiến vào làm lễ. Nguyên diện mạo Hà Tôn Hiến cũng hơi giống Tiết Nhơn Quí, nên Thái Tôn tưởng là phải. Từ Mậu Công tâu rằng: - Không phải! Người ấy tên là Hà Tôn Hiến, còn ứng mộng hiền thần là Tiết Nhơn Quí kia, xin đến huyện Long Môn thì gặp. Thái Tôn nói với Trương Sĩ Quí rằng: - Hiền thần trong mộng không phải rể khanh, vậy khanh hãy mau đến Long Môn mà chiêu binh. Sĩ Quí vâng lệnh cùng Hà Tôn Hiến lạy tạ lui ra. Nguyên Sĩ Quí này, quê ở Lưu Vô Châu, kêu tên là Trương Hướng, tự là Sĩ Quí, cùng Huất Trì Cung về đầu Đường một lượt, Sĩ Quí vốn là người hiểm ác, hay ghen ghét hiền tài. Có sáu người con, bốn trai là: Chí Long, Chí Hổ, Chí Bưu và Chí Bảo, đều võ nghệ bình thường. Còn con gái lớn gả cho Hà Tôn Hiến, con gái thứ dâng cho Hà Thúc Lý đạo tông làm thiếp. Lúc ấy Chí Long thưa với cha rằng: - Bệ hạ mộng hiền thần giống in em rể con, nếu ra Long Môn, không có ai là Nhơn Quí, thì công ấy về em rể con, bằng quả có thiệt, chắc công cha con ta bỏ hết. Sĩ Quí nói: - Cha cũng nghĩ vậy, nên mới vâng chỉ chiêu binh, bằng thiệt có Nhơn Quí, ta sẽ lén giết đi, rồi dâng sớ nói là không có Nhơn Quí đầu quân thì chắc công ấy về em rể con. Chí Long khen phải. Rồi đó cha con cùng kéo nhau thẳng ra Sơn Tây. Nói về Trình Giảo Kim bữa kia đi chầu về qua phủ Sử Đại Nại. Đại Nại mời Giảo Kim vào chơi, dắt vào thơ phòng uống rượu trò chuyện. Xảy nghe tiếng người nói: - Trình lão đầu, sao dám đến trước mặt ta mà uống rượu? Giảo Kim nghe nói thất kinh day lên lầu thấy có một người mặt mũi đen sì, gò má bên tả lồi lên, bên hữu lại lõm xuống, mỏ nhọn, mắt dài, mày thô, mắt lộ, tóc rối như tơ vò, mình mặc áo đỏ, tay cầm quạt, với xuống mà đánh Giảo Kim. Giảo Kim đứng dậy hỏi: - Người này là ai, mà vô lễ như vậy, hiền đệ? Đại Nại ngó lên lầu nạt rằng: - Có Trình bá phụ uống rượu với ta, sao mi chẳng lui đi! Người ấy nghe quở liền đi vào. Giảo Kim hỏi: - Vậy chớ người nào đó? Đại Nại thở ra mà đáp rằng: - Cũng bởi gia môn tôi bất hạnh, mới sanh đặng đồ quái dị như vậy. Giảo Kim hỏi: - Người đó là con trai của hiền đệ chăng? Đại Nại nói: - Không, nó là con gái nhỏ tôi đó! Bởi mắc bệnh phong điên, nên mới ra thể ấy. Giảo Kim hỏi: - Sao chẳng gả chồng đi cho nó? Đại Nại đáp: - Đồ yêu quái ấy, ai thèm cưới mà gả, em cũng muốn nó chết đi, cho khỏi oan gia tội báo! Giảo Kim nói: - Hiền đệ chớ phiền, để ta làm mai cho một chỗ. Đại Nại nói: - Xin đại ca chớ cười, như nhà bần tiện thì không ai dám sánh, còn những nơi phú quí, còn ai muốn rước lấy con quỉ sống ấy làm chi? Giảo Kim nói: - Ta làm mai cho chỗ này, không phải bần tiện đâu, mà chính là giàu sang tập ấm công tử kia đó. Đại Nại cười mà rằng: - Anh nói thiệt hay nói chơi? Giảo Kim nói: - Ta nói thiệt đó, ngày mai sẽ biết. Nói rồi kiếu về.