Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 11

XXII.
Thứ năm, 13 tháng 7 1922
Cụ V. hôm nay đưa đến chơi ông De Nalèche, chủ nhà báo Journal des Débats, ở đường Saint Germain l'auxerrois. Nhà báo này là một nhà báo cũ nhất ở Paris, lập ra tới hơn một trăm năm nay. Báo này chủ nghĩa ôn hoà, hơi có ý thủ cựu một tí, nên những bọn tân tiến không ưa, nhưng các phái lão thành lại thích lắm. Báo này tức là cái báo của các nhà quan lại to, các ông giáo đại học, các văn sĩ đã thành danh, các nhà tư bản có nền nếp, v.v., nghĩa là những người yên ổn, đứng đắn cả. Ai đọc báo này tất là những người không có cái tư tưởng "cách mệnh" được. Les Débats, hồi xưa có tiếng lắm, khi mới lập ra, những tay trợ bút toàn là những bậc danh sĩ nhất thời, như Chateaubriand, như Sainte Beuve. Bây giờ tuy vẫn giữ được cái giá trị văn chương - báo vẫn có tiếng là một tờ báo viết kỹ, có văn hơn cả, - nhưng cái thế lực về đường ngôn luận có kém trước, vì đời này là đời cấp tiến, một cái báo lấy chủ nghĩa duy trì, bảo thủ, chắc là hơi có ý trái lại với những phong trào đương thịnh hành ngày nay, thiên hạ không đậm lắm. - Ông De Nalèche là chủ báo này, lại vừa là hội trưởng Hội "Liên hiệp các báo quán thành Paris" (Syndicat de la Press parisienne), cũng là một nhân vật có thế lực ở kinh đô. Cụ V. muốn giới thiệu cho mình được biết một ông "đồng nghiệp" có danh giá ở Paris thế nào. Nhân ông chủ còn có khách, cụ đưa đi xem khắp trong toà soạn, đến một cái phòng lớn có một bức hoạ treo khắp cả tường, vẽ cái cảnh tượng toà soạn báo Débats, vào khoảng năm 1830-1840 gì đó. Cụ chỉ cho các người vẽ ở trong tranh đó, thì phần nhiều là những bậc đại danh trong văn chương nước Pháp cả. Báo quán đây là một cái nhà cổ, có ý chật hẹp lúc xúc, không được nguy nga rực rỡ như các nhà báo Le Journal hay Le Matin, nhưng trong nhà chỗ nào cũng có cái kỷ niệm về cổ thời. Cụ V. trong ba bốn mươi năm vẫn có chân biên tập ở báo này, nay đã già nghỉ việc làm báo, vào đến đây trông thấy chỗ ăn làm cũ, xem ra có ý cảm động. Mỗi lần nói đến nhà báo này thời cụ nói: "Cette chère maison des Débats" (cái nhà báo quý báu kia). Cụ cũng biết rằng báo giữ cái chủ nghĩa bảo thủ là không được hợp thời lắm, nhưng cụ nói nhà nào có kỷ cương ấy, một nhà báo có đã hơn trăm năm tất đã thành nền nếp bất dịch, khó lòng mà miễn cưỡng thay đổi được, vả dữ kỳ a dua theo thời thà rằng giữ lấy bản sắc còn hơn. Mình nghĩ bụng cũng cho lời nói ấy là phải. Ông chủ vẫn chưa tiếp khách xong, Cụ lại đưa vào chơi ông thư ký riêng của ông chủ báo. Nói đến tiếng "thư ký riêng", mình tưởng là một bậc thanh niên nhanh nhảu nào. Vào đến nơi thì ra một ông lão nho, mà một ông lão nho trước thuật đã có tiếng: tức là ông Antoine Albalat. Ai học tiếng Pháp chắc đã từng biết tên và biết tiếng ông Albalat, làm những sách về phép làm văn, phép đọc sách rất có giá trị (L'art d'écrire; Comment lire les vieux auteurs, v.v...), mỗi quyển trùng bản [1] tới mấy chục lần. Người lễ độ và khiêm tốn lắm, nghe mình nói rằng sách của ông đến bên An Nam cũng có người đọc, có ý lấy làm lạ. - Ông chủ báo thời ra dáng một tay giao thiệp. Tiếp chuyện đến hai mươi phút đồng hồ, ông có ý hỏi han về tình hình kinh tế chính trị bên ta. - Đến gần trưa mới ra về. Ra đến ngoài trông lại thì nhà báo này thật là một cái nhà cổ cũ kỹ, mà xóm này cũng là một xóm cũ kỹ ở thành Paris. Cái hoàn cảnh bề ngoài cũ kỹ như thế, không trách cái tôn chỉ ở trong cũng là cái tôn chỉ duy trì bảo thủ. Nhưng duy trì những cái nên duy trì, bảo thủ những cái nên bảo thủ, thì duy trì bảo thủ cũng không phải là không hay. Vả lại thành Paris này như một cái thế giới: Về đường hình thức thời vừa có những kiểu nhà mới lạ, những đường phố rất khang trang, lại vừa có những ngõ hẻm đường cong, tường rêu đá mốc, đi tự bên hữu ngạn sông Seine sang bên tả ngạn thấy hai cái cảnh mới cũ rất là khác nhau, mà nhiều khi cảnh mới chưa ắt đã là đẹp, cảnh cũ không phải không hứng thú; về đường tinh thần thời biết bao nhiêu những phong trào tư tưởng cũ mới giao tập nhau, xung đột nhau, có khi điều hoà nhau mà cũng nhiều khi công kích nhau, như nói riêng về một mặt ngôn luận, một khoản báo quán thì còn gì trái nhau, ngược nhau bằng báo Humanité là cơ quan của đảng cộng sản với báo Action française là cơ quan của đảng quân chủ chuyên chế nữa không? Vậy mà các báo ấy vẫn đồng sinh cộng tồn ở dưới cái cảnh trời xanh nước biếc chốn danh đô cả, khác nào như các phương diện khác nhau của một cái văn minh phồn tạp, phương diện nào có lẽ cũng là cần cả; vì họp cả lại mới gây ra cái văn minh kia, và bấy nhiêu phương diện đều là chế lại lẫn nhau, rút lại cũng không hại gì đến cái thế quân bình của toàn thể. Người nào quan sát không tới nơi, chỉ xem một cái phương diện thời xét đoán tất sai lầm. Duy cái văn minh của Tây phương nó phồn tạp quá, các "phương diện" nhiều quá, muốn bao quát cho được hết mà thu gồm lấy các toàn thể, toàn bức, thật là khó. Phải có một cái sức học, một cái trí khôn, một con mắt sáng khác thường, mới có thể xét không sai mà đoán không lầm được. Cho nên còn lâu năm nữa, cái văn minh Tây phương vẫn còn ngộ hoặc [2] người đời nhiều lắm. Hiện nay thời nó làm vạ cho người đời cũng đã nhiều; vẫn biết rằng không phải lỗi tại nó, lỗi tại người đời hiểu lầm mà thôi, nhưng cớ chi nó can thiệp đến người đời làm chi, mà làm cho lôi thôi đa sự như thế, khiến cho khách thế giới muốn phẩm bình cho đích đáng, thật không biết luận công luận tội ra thế nào. Âu cũng là cái trò chơi oan nghiệt của ông Hoá công bày ra để ghẹo cợt loài người, mà ghẹo cợt ngay người Tây phương trước nhất, - vì chính họ sản ra cái báu ma quái ấy mà tự họ xem ra cũng chẳng sung sướng gì, - rồi mới lan dần ra các phương cầu khác. Ta nay là đương giữa lúc làm cái trò đùa cho ông Hoá công đây, cho nên đảo điên điên đảo như cái quay búng giữa trên đời vậy. Nhưng ông đùa lắm rồi ông cũng chán, ta đã là một giống "già sóc", nay ta cứ "gan lì", cũng không đến vỡ đầu sứt tai đâu mà sợ...
Chiều hôm nay ăn cơm An Nam với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ, vào hạng bị hiềm nghi, nên bọn mình đến chơi, không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi; nhưng họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu nay không được ăn cơm ta ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ thoả thích. Ăn no uống say, cười cười nói nói, không ngờ buồng bên cạnh có người đương hấp hối chết, đến lúc xuống thang mở cửa ra đi chơi mới thấy lão quản gia nói, các ông có ý trách sao lão không bảo trước để cho bọn mình khi ngồi bàn ăn biết mà tĩnh túc hơn một chút; lão giơ hai tay lên, tựa hồ như cho việc đó là không quan hệ gì. Trong một nơi đô hội ba bốn triệu con người này, một người chết đi có lẽ cũng không quan hệ gì thật. Nhưng mà cái lòng trắc ẩn, cái bụng bất nhẫn của người ta, biết rằng giữa đương khi mình vui vẻ thích chí, ở ngay cạnh mình có kẻ đương quằn quại sắp chết, thật cũng áy náy không yên một chút nào. Tuy vậy mà cứ như cách sinh hoạt đời nay, còn có dung được cái lòng trắc ẩn, cái bụng bất nhẫn nữa không? Tưởng cũng khó lắm. Trong cuộc sinh tồn cạnh tranh rất kịch liệt như bây giờ, mỗi người chỉ khu khu biết một thân mình, trì trục [3] mưu lấy sự sống cho mình, còn rảnh đâu nghĩ đến cái khổ của người mà sẵn lòng thương thay cho người. Ở thành Paris này, trong một ngày biết bao nhiêu đám như đám chúng mình lúc nãy: ở bên buồng này thì kẻ ăn uống say sưa, cười đùa vui vẻ, ở bên kia thì người đương ngắc ngoải, đánh nhau với cái chết một trận sau cùng sắp phải thua, mà chẳng ai biết đến ai, một vách tường cách nhau bằng mấy nghìn dặm!...
Mai là ngày hội kỷ niệm Dân quốc, chiều hôm nay phố phường đã thấy tấp nập kẻ đi người lại. Nhất là ở xóm Gobelins này, là nơi kẻ bình dân làm lụng ở nhiều, trông lại càng vui vẻ lắm. Cái vui ngày hội trong dân gian, dễ ở đâu cũng vậy. Chiều hôm nay, ở Hà Nội ta, đương lũ lượt trẻ con người lớn, kẻ chợ nhà quê, kéo nhau đi quanh Bờ Hồ xem rước đèn đây. Chỗ này bập bung, chỗ kia cập kè, tiếng hát, tiếng thướng [4] om xòm; mấy chị nhà quê yếm đỏ, mấy chú khố đỏ nón nghiêng, lả lơi cười nói. Đây tuy không có cái cảnh ấy, nhưng lại có cái cảnh khác cũng tương tự. Cảnh này là cảnh nhẩy đầm giữa đường phố. Ở các đầu phố, hay trước cửa nhà cà phê, thường chăng đèn điện lên trên cây, đặt một cái bục bằng gỗ, trên để một bộ dương cầm, có ghế cho người ngồi đánh, khi nào công chúng đã thấy đông đông thời vặn đèn sáng lên, dạo mấy khúc đàn, các anh các chị khoác tay nhau vào, nhảy như choi choi, coi ra khoái lạc lắm. Những người vui chơi như thế này, phần nhiều là kẻ bình dân, ti tiện, thằng quýt, con nhài, cậu bồi, chú bếp, nhân được ngày nghỉ, phỉ chí đua chơi, nhưng cũng có người thuộc vào bậc cao hơn như bà chủ hàng bánh, ông chủ thợ cạo, v.v., coi nhau bình đẳng, không phân biệt gì cả.
Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội ở Paris thế nào. Những đường phố sang trọng xem ra lại không vui bằng những xóm bình dân thuyền thợ. Hội này thật là hội của bình dân, mà phàm cuộc vui của bình dân, người thượng lưu vẫn không muốn dự; cho mới biết dẫu ở nước dân chủ bình đẳng, các giai cấp vẫn có ý muốn đặc biệt nhau, và sự bình đẳng hoàn toàn, có lẽ không bao giờ có được.

°

Thứ sáu, 14 tháng 7 1922
Sáng sớm đi xem điểm binh ở trường thi ngựa Longchamp. Hôm nay có Hoàng thượng ta cùng với quan Giám quốc đến dự cuộc. Giá mình đánh cái áo gấm thì được vào ngồi trên nhà sàn, chỗ các quan khách. Nhưng các ngài áo gấm hôm nay xem ra cũng nhiều, đủ đại biểu cho nước Nam ở trước công chúng rồi, ta là bình dân, ta đứng dưới bãi cỏ cũng được. Đứng dưới bãi cỏ, thế mà thú: nghiệm xét được cái tính tình của kẻ bình dân ở thành Paris này. Người dân ở đây kể cũng không khác gì người dân bên mình, mà có lẽ người dân ở đâu đại suất [5] cũng thế, cũng thích hội hè đình đám. Như điểm binh hôm nay, từ tờ mờ sáng, vợ chồng con cái đã kéo nhau đến chật cả chung quanh trường thi ngựa này rồi, có người đứng chờ mỏi chân nằm dài ra ở trên bãi cỏ, ăn bánh uống sữa cả ở đây; mà vòng trong vòng ngoài, nhiều khi có trông thấy gì đâu, chẳng qua người lại xem người mà thôi, thế mà vẫn hăm hở háo hức, lắm khi đứng mãi cũng chán, giở chuyện khôi hài cho vui. Có bác ra mặt sành sỏi tỏ tường, chỉ chỉ trỏ trỏ: "Kìa ông đại tướng nọ, nọ ông nguyên soái kia! Ông tướng này trẻ nhỉ! Ông tướng kia chững phạm [6]!" Thế mà có lẽ lầm người nọ ra người kia cũng có! Lại len lỏi trong đám đông cũng có các trạng ăn cắp, chực lần lưng móc túi. Thật dưới gầm trời, người ta đâu cũng như đâu. Kẻ bình dân vẫn có tính háo hức mà bọn láu cá thì khéo lợi dụng; trò đời chỉ có thế mà thôi.
Điểm binh xong, vua quan trẩy về, đi đến gần cửa Khải Hoàn, có một người Tây chừng về đảng cách mệnh chạy xổ ra, chìa súng định bắn vào xe quan Giám quốc, nhưng lại chạy lầm vào xe quan Chánh Cảnh sát đi trước. Cảnh binh đi xe đạp ở tứ phía chạy xô lại, bắt ngay được đem đi. Ở bên này những chuyện mưu sát như thế là chuyện cơm bữa hằng ngày, không lấy gì làm lạ.
Chiều tối đi dạo đường Saint Michel. Cái cảnh vui đây lại ra một cảnh khác. Vui đây không phải là cái vui của kẻ bình dân, chính là cái vui của bọn học trò. Nhưng cũng là biểu lộ ra cuộc khiêu vũ cả, duy nhảy ở trong nhà, không phải nhảy ở giữa đường. Các hàng cà phê, hàng nào hàng nấy đông chật những người, bàn nào cũng bên thì mấy ả mày ngài, bên thì mấy chàng thanh niên, khuya khuya đều khoác tay nhau nhảy lên như choi choi cả. Hai bên bờ hè thì những hàng tạp hoá và những hàng bán bánh bán kẹo bày ra la liệt. Kiều hàng này như hình những cái nhà con bằng gỗ, đem đi đem lại được, khác nào như những hàng tạp hoá và hàng đồ ăn của Chệc [7] ở trên bờ hè mấy đường phố Sài Gòn vậy. Nhưng chỉ những ngày hội hè mới được bày ra, xong rồi lại phải triệt đi.

°

Thứ bảy, 15 tháng 7 1922
Hôm nay hẹn với cụ V. đến thăm ông bác sĩ Lyon - Caen là vĩnh viễn thư ký Hội Hàn lâm, ban Chính trị Luân lý học, tại nhà riêng ông đường Soufflot, trước cửa đền Panthéon.
Mấy lần nói chuyện với cụ V., cụ vẫn khuyên nên vào diễn thuyết ở Hội Hàn lâm. Nhưng làm thế nào vào nói được ở một chốn tôn nghiêm như thế? Cụ nói rằng cụ có quen biết nhiều ở Viện Hàn lâm, để cụ sẽ giới thiệu cho ông vĩnh viễn thư ký là người chủ trương các việc đó. Bởi thế nên hôm nay cùng nhau đến thăm ông Lyon Caen. Ông dạy pháp luật ở trường Đại học Paris, tuổi đã cao, thật ra thái độ một nhà bác học thâm nho. Tiếp ân cần tử tế lắm; nói chuyện hồi lâu, rồi cụ V. mới ngỏ ý muốn có dịp cho mình được vào diễn thuyết ở Hội Hàn lâm, để trước là các ngài Hàn lâm biết được một người Việt Nam có học thức, sau là cho mình được bày tỏ ý kiến tư tưởng của người Nam ở một nơi cao nghiêm danh giá. Bác sĩ cũng hiểu các lẽ đó, nhưng có ý ngần ngại nói rằng: "Hội Hàn lâm còn có một kỳ hội đồng cuối tuần lễ này nữa thời giải tán để nghỉ hè, mà kỳ hội đồng này nhiều việc quá. Vả trừ các thông tín hội viên (membres correspondants) của Hội ở các nơi, còn người ngoài vào đây nói cũng ít. Người Đông phương thời năm trước có một ông bác sĩ Ấn Độ cũng vào diễn thuyết ở Hàn lâm, nhưng ông thuộc tiếng Anh hơn tiếng Pháp, nên nói khó nghe lắm. Tôi xem ông đây nói tiếng Pháp được, song xin để tôi liệu thu xếp xem có đủ thì giờ để ông nói ngay kỳ hội đồng sau này không." - Bác sĩ hỏi định diễn thuyết về vấn đề gì; mình cũng đột ngột chưa định gì cả, nói sẽ chọn một đề về giáo dục hay văn hoá. Bác sĩ hẹn vài ba hôm sẽ trả lời cho cụ V. biết.
Vào diễn thuyết ở Hàn lâm, thật mình không bao giờ dám mơ tưởng đến sự đó. Việc này mà khởi ra thật là tại cụ V.; việc này mà thành được cũng nhờ cụ V.

°

Chủ nhật, 16 tháng 7 1922
Hôm nay không đi chơi đâu, ngồi hầm trong buồng, viết mấy cái thư về nhà.
Trưa, mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại chơi ở trọ, nói chuyện giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có bọn trinh tử theo sau, chắc bọn đó đứng đâu ngoài cửa cả. Người đồng bang ở nơi khách địa không thể không gặp nhau, gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà, lòng người ai chẳng thế, tưởng cũng chẳng phải là sự phi phạm gì. Vả chính phủ Pháp vẫn có tiếng là khoan dung đại độ, xem như mấy ông ở đây bấy lâu vẫn được yên ổn ở dưới quyền bảo hộ của pháp luật, vẫn được tự do như người Pháp, thì đủ biết. Còn sự trinh sát là phận sự của các Chính phủ, dẫu nước nào cũng vậy, chẳng lấy gì làm lạ.

°

Thứ hai, 17 tháng 7.
Sáng sớm tiễn ông huyện V. xuống Marseille. Ông định về chuyến tàu sau này, nên xuống Marseille trước để nghe xem đích tàu chạy vào bao giờ và lấy giấy má sẵn. Mình cũng phân vân chửa định về ở thế nào. Cứ kể ở bên này thì ở mãi cũng được. Cảnh Paris là một cái cảnh rất mến người. Ai đã đến đây không nỡ dứt tình mà đi cho được. Vả mình đến đây đã được quen thân một vài nơi, giao tiếp với nhiều người, càng ở thời lại càng thêm biết rộng ra, có ích lợi cho sự kiến văn nhiều lắm. Tưởng học nhà mấy năm, không bằng qua ở đây một tháng. Cái không khí Paris là cái không khí rất bổ cho tinh thần trí não. Ở đây tựa hồ như thấy trong óc thêm sáng suốt, trong lòng thêm rộng rãi ra. Thật thế, không phải nói ngoa. Tưởng giá mình được ở đây vài ba năm thì tính tình tư tưởng nở nang ra hơn bây giờ nhiều. Không phải một mình mình, bao nhiêu người ở qua Paris, đều có cái cảm giác như thế cả, mà cái cảm giác ấy không bao lâu biến thành ra một cái cảm tình rất đằm thắm. Có nhà làm sách đã nói: "Các nơi đô thành khác, có người sùng thượng, có người cảm phục. Duy thành Paris mới có người ham mê như ham mê kẻ tình nhân." (G.Le Nôtre). Xét những người ham mê thành Paris xưa nay biết bao nhiêu mà kể, mà phần nhiều là những bậc danh nhân đại trí trong thiên hạ cả. Không nói người các nước, nói ngay nước Đức là nước xưa nay ít có cảm tình với Pháp: văn sĩ Đức Henri Heine mê Paris đến nỗi ở đấy suốt năm không trở về nước mình nữa; ông thường nói rằng: "Nước Pháp là một cái vườn hoa lớn trồng đủ các thứ danh hoa dị thảo để kết thành một bó hoa tuyệt phẩm: bó hoa ấy tức là thành Paris vậy." Bác sĩ Humboltd cũng nói rằng: "Tôi đến Paris mới thật là thấy sinh hoạt được thảnh thơi". Lại bá tước Rostopchin là người công nhiên coi nước Pháp như cừu thù, khi chưa đến Paris thì gọi kinh đô nước Pháp là cái "nhà chứa người điên", thế mà sau khi đến ở được ít lâu rồi, thì phải chịu lỗi là xét lầm, nói rằng: "Tôi xét ra chốn kinh đô này thật là chúa tể cả toàn Âu: bao giờ người lịch sự trong thiên hạ còn nói tiếng Pháp, đàn bà còn thích "mốt" đẹp, người ta còn lấy ăn ngon là một cái thú ở đời, thời thành Paris còn ảnh hưởng đến các xứ khác mãi. Chắc là không có tỉnh thành nào trong thế giới gồm được nhiều người giỏi giang, thông minh, nho nhã phong lưu bằng ở đây." - Nhưng mà cực tả được hết cái văn vẻ thanh tú, phát biểu được hết cái giá trị thâm trầm của Paris thì tưởng không ai bằng ông Goethe, là nhà đại văn hào, đại tư tưởng nước Đức về thế kỷ trước, ông nói rằng: "Muốn biết Paris là gì, phải tưởng tượng ra một cái đô thành kia, bao nhiêu những kẻ giỏi người tài trong một nước lớn học tập cả đấy, hằng ngày giao tiếp với nhau, đua tranh với nhau mà càng ngày lại thêm tài thêm giỏi hơn lên; bao nhiêu những của báu vật lạ của Tạo hoá, những kỳ công kiệt tác của mĩ thuật, sưu la thu thập ở khắp các xứ trên mặt đất, đều tụ họp cả đấy để làm tư liệu cho nhà khảo cứu; mỗi một bước đường, mỗi một nhịp cầu là có kỷ niệm một việc to về đời trước; mỗi một toà nhà, mỗi một góc phố là có di tích một đoạn lịch sử đã xẩy qua; lại tưởng tượng ở đấy, trong một khoảng trăm năm xuất hiện những người như bọn ông Molière, ông Voltaire, ông Diderot, v.v., mỗi người một tay phát minh ra biết bao nhiêu là những tư tưởng lạ, lý thuyết mới, suốt hoàn cầu không có đâu gồm được đủ như thế... Ấy Paris là thế đó." [8]
Nay ba anh em cùng lên đây, một người đi trước, mình ở lại cũng phân vân chửa biết lâu chóng thế nào, ngồi nghĩ mới biết rằng mình đã ăn phải bùa mê thành Paris rồi. Cả ngày ngẩn ngơ ngơ ngẩn, chửa đi mà đã tiếc, chửa dứt mà đã đau, bâng khuâng như người sắp mất lạng vàng. Không muốn đi xem đi chơi đâu nữa. Ra hiệu sách ở đầu phố, mua mấy quyển sách về Paris, nằm hầm đọc suốt từ đầu chí cuối, càng đọc lại càng thấy rõ những cái vẻ kín duyên thầm của Paris, càng thêm yêu mến Paris bội phần. Mà trông ra ngoài đường phố, cái cảnh Paris hôm nay lại sáng sủa tốt đẹp hơn mọi ngày, dường như muốn đem phô bày những vẻ mĩ miều khả ái cho khách hữu tình càng xiêu lòng đắm đuối. Trời 6 giờ chiều mà còn như giữa ngày; mặt trời chiếu dọi vào mái đền Panthéon, như rắc vàng trên tường đá. Một mình lủi thủi đi trước cửa đền, gót giầy nện xuống đường đá, tiếng vang như động đến trong đền. Trông quanh mình như người quen cảnh cũ cả: kìa nhà sách Sainte Geneviève, nọ nhà thờ Saint Etienne, kìa là nhà thị sảnh khu thứ 5, nọ là trường học Luật, lại tượng này là tượng ông Rousseau, tượng kia là tượng ông Corneille; ngày khác đi qua thì chỉ thấy những đống đá lù lù, mà làm sao ngày nay như đá có sinh hoạt, đá đều biết nói, đá bảo mình rằng: "ớ, anh con trai Nam Việt kia! Anh chớ có tự phụ mang cái quốc gia chủ nghĩa của anh mà mong tránh khỏi cái cám dỗ của chốn danh đô này. Những tay khôn ngoan tài giỏi hơn anh nhiều cũng còn không tránh được nổi, huống nữa là anh. Anh chớ nên đem bụng hẹp hòi. Anh thương yêu nước anh là phải, nhưng anh yêu mến chốn này cũng nên. Cái quả tim thế giới, cái khối óc văn minh là đây. Người Pháp tuy có công gây dựng ra chốn này, nhưng ngày nay là của chung thiên hạ rồi, khách Đông phương, khách Tây phương, ai ai đến đây cũng phải cảm. Dẫu Đông Kinh, Yên Kinh, Kim Lăng, Thuận Hoá của á Đông anh, cũng không đâu thu gồm được lắm cái vẻ tinh hoa của văn hoá bằng ở đây. Anh không phải giữ gìn, anh không phải e lệ, anh không phải ngượng ngập, anh không phải thẹn thùng; anh cứ để cho cái tinh thần lãng mạn của anh nó bay bổng, anh cứ để cho cái thiên tính hiếu kỳ của anh nó tiêu dao, anh không sợ cái phóng tâm của anh không thu về được, vì dầu anh có thả rông nó ở trong cái vườn hoa thế giới này, nó lại càng được ngửi nhiều hoa thơm cỏ lạ, càng được thêm nở nang khoát đạt ra, có ngại gì..." - Đến trước cửa hàng cơm đường Soufflot, tuy trời hãy còn sớm, cũng vào ăn cho xong việc. Nhưng hôm nay trong dạ bâng khuâng, ăn không thấy ngon. Qua quýt rồi đứng lên, đi vào vườn Luxembourg. Vào đến giữa vườn, trông cái cảnh mới đẹp sao! Như một bức tranh trước sắc [9], mà mầu sơn nét bút tươi sáng biết dường nào! Lầu cao, tượng đá, bể nước, bụi cây, cho chí cánh hoa xanh đỏ, rào sắt vàng đen, rõ mồn một, như tay thợ vẽ mới tô. Nhưng đẹp nhất là cái cảnh trời về mặt Tây, bóng dương đã xế, mây vàng vẩn vơ, thật là: Trời tây bảng lảng bóng vàng.
Không gì đẹp bằng góc trời đó, mà cũng không gì buồn bằng đám mây đó. Vì trông mây sực nhớ đến nhà: Lòng quê gửi đám mây Hàng xa xa.
Mến cảnh mà nhớ nhà, nhớ nhà mà mến cảnh, trong lòng lại càng ngổn ngang thêm nữa. Trời vừa sập tối, lính canh vườn đã nổi trống để giục khách tháo lui. Lủi thủi bước ra, đi thẳng về trọ, qua đền Panthéon, cũng gót giầy nện xuống đường đá, tiếng vang động tới trong đền, nhưng đá tựa im hơi, không nói gì nữa; hay là vẫn nói mà lòng đã bị đám mây lúc nãy mang đi xa rồi, không để tai nghe nữa.
Về trọ nghỉ, mãi canh khuya vẫn trằn trọc chưa ngủ được. Từ ngày sang đây đến giờ, đêm hôm nay mới thấy buồn là một, thật là: Lạnh lùng thay giấc cô miên!...

°

Thứ ba, 18 tháng 7 1922
Hôm nay nhận được thư của ông Vĩnh Viễn thư ký Hội Hàn lâm bảo cho biết rằng Hội Hàn lâm sẽ vui lòng nghe mình diễn thuyết kỳ hội đồng ngày thứ bảy 22 tháng 7 này, xin đúng 2 giờ ngày ấy tựu [10] tại Hội sở. - Thế là cái mơ tưởng hoang mang nay sắp thành sự thực đây. Nửa mừng mà nửa sợ, mừng là thật là một cái hạnh ngộ ít có, một sự vẻ vang không gì bằng; sợ là không biết nói làm sao cho nghe được, để khỏi phụ lòng các ngài có bụng chiếu cố đến, khỏi gây ra cái cảm giác xấu về người An Nam. Các ngài trong Hội Hàn lâm chắc là chưa từng biết người An Nam bao giờ; nếu mình nói năng không ra gì thì các ngài sẽ xét người nước mình ra thế nào? Bây giờ mới biết rằng kẻ sất phu cũng có trách [11] với nước là thế. Mình chẳng có danh vị gì mà cũng phải lo đến quốc thể đây: Chà! chà! ghê quá! Không biết các ngài quyền cao chức trọng, đại biểu cho cả quốc gia, thì lo đến đâu; có lẽ đến không ăn không ngủ được chắc?!
Ông S. nguyên làm thầy kiện ở Nam kỳ, nay có tư bản về ở Paris, mời đến ăn cơm tối ở nhà riêng ông, Rue de l'Université. Ông là người thích chơi sách cổ, sưu tập được nhiều sách lạ. Bà vợ có nhan sắc và người nhã nhặn lắm. Nhà coi ra cách sang trọng lịch sự. Khách ăn cơm có một nhà làm báo, một nhà kiến trúc (nghe đâu đã vẽ kiểu nhà đấu xảo của thuộc địa Tây Phi châu ở Marseille), quan Thanh tra thuộc địa hưu trí Salles là người đã có công lập ra nhiều Hội Trí Tri và Hội khuyến học ở bên ta, và mấy ông nữa không nhớ tên. Tiệc xong, phần nhiều nói chuyện về bên ta. Khi ra về cùng đi với ông làm báo, – tức là một "bạn đồng nghiệp" đó, – nói chuyện về cách làm sách làm báo ở bên này. Ông giữ mục "Phê bình văn học" ở một tờ báo lớn, nên ông tường về các phong trào văn học ngày nay lắm. Đi đến đường Saint Michel hãy còn dắt nhau vào nhà cà phê nói chuyện, mãi đến khuya mới về.
XXIII.
Tháng tư, 19 tháng 7.
Hôm nay ở nhà soạn diễn thuyết.
Nghĩ trong các vấn đề thiết yếu cho người mình không gì bằng vấn đề giáo dục. Bèn khởi thảo một bài tỏ rõ cái tình trạng sự giáo dục ở nước ta, phân trần những điều lợi hại, những sự khó khăn, và hỏi ý toà Hàn lâm nên giải quyết thế nào cho hợp lẽ. Đại khái nói rằng nước Việt Nam là một nước cổ, vốn đã có một cái văn hoá cũ, nhưng cái văn hoá cũ ấy ngày nay không thích hợp với thời thế nữa, cần phải có cái văn hoá mới đời nay thì mới có thể sinh tồn được trong thế giới bây giờ. Hồi đầu quý chính phủ dạy người An Nam chẳng qua là dạy lấy ít tiếng tây để sai khiến các công việc cho dễ, chưa phải là truyền bá văn minh học thuật gì. Gần đây mới gọi là bắt đầu ban bố một cái học cao hơn trước một chút. Nhưng trong sự truyền bá cái học mới ấy, có nhiều nông nỗi khó khăn, quý chính phủ vẫn chưa giải quyết được ổn thoả. Nếu dân Việt Nam là một dân mới có, chưa có nền nếp, chưa có lịch sử gì, thì quý quốc cứ việc hoá theo tây cả, dạy cho học chữ tây hết cả, đồng hoá được đến đâu hay đến đó. Nhưng ngặt thay, dân Việt Nam không phải là một tờ trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi. Nếu bây giờ viết đè thêm một chữ mới nữa lên trên, thì e thành giấy lộn mất. Cho nên bây giờ dạy khắp chữ tây cho người An Nam từ tuổi nhỏ đến tuổi lớn, như ở các trường Pháp Việt ngày nay, kết quả chỉ đủ làm cho người An Nam mất tính cách An Nam mà chửa chắc đã hoá được theo tây hẳn, thành ra một giống lửng lơ thật là nguy hiểm. Muốn tránh sự nguy hiểm ấy, chỉ có một cách: là dạy cho trẻ con An Nam bằng tiếng An Nam cho hết bậc tiểu học, lấy cái phổ thông giáo dục bằng quốc văn làm gốc, như thế vừa tiện và vừa mau, vì không mất thì giờ học một thứ tiếng ngoại quốc dở dang không đến nơi và không dùng được việc gì. Học trò đã được bằng tiểu học tốt nghiệp bằng tiếng An Nam rồi, bấy giờ mới kén chọn người nào có sức được học lên các bậc trên nữa, như trung học, đại học, thời cho vào một trường dự bị chỉ chuyên học tiếng Pháp, nhưng học theo cách tấn tốc, như người Pháp học tiếng Anh tiếng Đức, nghĩa là học như học tiếng ngoại quốc vậy. Học thế chỉ vài ba năm có thể thông chữ Pháp đủ theo được các lớp trung học như bây giờ. Như thế mới khỏi được cái nguy hiểm thành một hạng người dở dang, tốt nghiệp ở trường tiểu học ra, chữ tây không đủ dùng được việc gì mà cái phổ thông thường thức học bằng chữ tây cũng còn mập mờ chưa lĩnh hội được hết, còn tiếng của nước nhà thì hầu như quên cả, v.v... - ấy bài diễn thuyết định đại cương như thế, nhưng còn phải phô diễn thế nào cho nghe được.

°

Thứ năm, 20 tháng 7.
Chiều hôm nay lại ăn cơm ở nhà cụ ông cụ bà V. Hai cụ vẫn định một buổi mời ông nghị viên Marcel Sembat và phu nhân để giới thiệu cho mình nói chuyện. Nguyên bà nghị viên là chị em thân thích với bà cụ V., nên hai nhà thường đi lại với nhau thân lắm. Ông Sembat thì ai hơi thuộc lịch sử chính trị nước Pháp ngày nay, chắc cũng đã biết tên và biết tiếng cả. Ông là một tay lãnh tụ trong đảng xã hội, trong khi chiến tranh đã từng làm Công chính bộ Tổng trưởng (1914-1915). Học thức rộng rãi, có tài làm văn, tài diễn thuyết; lại có tiếng là người dĩnh ngộ khoái hoạt [12]. Bà vợ cũng là người tài tình, sở trường về nghề hội hoạ. Nghe đâu hai vợ chồng tương tri tương đắc và cảm phục nhau lắm, thật là kiêm được cả tình cầm sắt lẫn nghĩa cầm kỳ. Hai cụ mỗi khi nói chuyện đến vẫn thường khen ngợi. Hôm nay nhân ông nghị bà nghị sắp đi nghỉ hè ở núi Alpes, hai cụ mời đến ăn cơm tối, để thừa dịp giới thiệu cho mình được biết. Hai ông bà thật là người linh lợi và nói chuyện vui vẻ lắm. Cả nhà chỉ ngồi mà nghe chuyện, không phải nói nữa. Sau bàn đến vấn đề giáo dục ở bên ta. Đề này chính là cái đề mình định diễn ở Hội Hàn lâm nay mai; lại là cái đề vẫn thường thảo luận với cụ V., cụ rất đồng ý với mình: phàm tiểu học cần phải dạy bằng quốc ngữ, không thể dạy bằng ngoại ngữ được, đó là một lẽ tất nhiên. Một đứa con trẻ tiếng nước mình không thuộc thì học tiếng nước nào rồi cũng khó; trước hết phải dùng quốc ngữ để vỡ vạc trí khôn của con trẻ đã, nhiên hậu học tiếng ngoại quốc mới mau hiểu. Ông Sembat thời lại xét cái vấn đề ra một phương diện khác, ra phương diện chính trị. Ông là một nhà chính trị, lại là một nhà chính trị ý kiến rất rộng rãi, vì thuộc về đảng xã hội. Đối với ông thì việc khai thuộc địa là cái sự nghiệp của bọn tư bản, ông không ưa gì bọn tư bản và sẵn lòng đề huề với kẻ lao động, tức là dân thuộc địa. Vậy trong vấn đề này là ông vị dân thuộc địa, - tức là vị người An Nam mình, - mà nói. Vẫn biết rằng trân trọng quốc âm, bảo tồn quốc ngữ là một sự thiết tha cho lòng người, ai cũng nghĩ thế. Nhưng xét việc đời không thể nhất thiết lấy tình, lấy nghĩa mà xét được, cũng có khi phải lấy lợi, nhất là khi cái lợi ấy là lợi chung cho cả đoàn thể. Người An Nam muốn cho có ngày được khai phóng, tất phải vận động với người Pháp, hoặc là vận động ở các nơi hội nghị, nghị viện, hoặc là vận động ở trước chỗ công chúng dư luận, muốn vận động tất phải dùng tiếng Pháp, vì không thể bắt người Pháp học tiếng Nam được. Như thế thời há chẳng nên học tiếng Pháp cho nhiều, dân càng nhiều người biết tiếng Pháp thì đối với người Pháp lại càng dễ, cái vấn đề chính trị có ngày mong giải quyết được như lòng dân sở nguyện. - Lẽ đó mình cũng phải chịu là phải. Người An Nam ở dưới quyền chính trị nước Pháp, muốn vận động về đường chính trị tất phải biết tiếng Pháp, đó là một điều cố nhiên rồi. Nhưng có phải là nhất ban [13] quốc dân An Nam đều có thể vận động về chính trị được không? Chẳng qua chỉ là một bộ phận gồm những người tai mắt, kẻ thức giả trong nước, mới có tư cách vận động mà thôi; bọn đó thời phải biết tiếng Pháp cho thật thông, dẫu tốn công phu đến đâu cũng phải học cho kỳ được. Còn phần nhiều người thì cần nhất bây giờ là học lấy cho mau biết những điều thường thức cần cho người ta ở đời này. Những điều ấy dạy bằng cách nào mau hơn, dạy bằng tiếng Pháp hay dạy bằng tiếng Nam? Nếu dạy bằng tiếng Pháp mà dễ hiểu, mà mau biết, thì cả dân An Nam chỉ nên học tiếng Pháp mà thôi. Nhưng ngặt thay, chữ Pháp là một thứ văn tự rất hay mà cũng rất khó, muốn cho tiềm tiệm thông cũng phải đến mười năm học tập, người An Nam không phải ai cũng có tài có sức mà theo đuổi được như thế. Nay lại đem cái văn tự khó ấy mà dạy những điều thường thức cần dùng thời chẳng phải là uổng công vô ích mà "xôi hỏng bỏng không" ư? Vì là kết quả tất đến rằng những điều thường thức ấy không học cho đến nơi đến chốn được, vì có học mà không có hiểu, mà tiếng Pháp tiếng Nam đều cũng dở dang không sõi cả. Người mà không biết sõi một thứ tiếng nào, kể ngay từ tiếng tổ quốc mình, thì người ấy không bao giờ có nhân cách hoàn toàn được. Nay hoặc nói rằng học tiếng ngoại quốc bao giờ cũng khó, nhưng nếu học ngay từ thuở nhỏ mà thường tập nói luôn thì cũng chóng nhập diệu được. Vẫn biết thế, nhưng một đứa con trẻ An Nam học tiếng Tây, ngoài giờ học, khi ở gia đình, khi ra xã hội, giao tiếp với người nhà người nước đều dùng tiếng Nam cả, không thể sao lấy tiếng Pháp mà thay vào tiếng nước nhà được, trừ đem sang ở biệt bên Pháp thì không kể. Muốn học một thứ tiếng ngoại quốc cho có thể thế vào tiếng mẫu quốc mình, phải có một cái "hoàn cảnh" riêng, mà cái "hoàn cảnh" ấy trừ phi đi ở ngoại quốc, còn ở nước nhà không bao giờ có được. Cho nên dù thế nào mặc lòng, số người An Nam học được tiếng Pháp vẫn là số ít, còn phần nhiều phải học bằng tiếng nước nhà mới mau biết những điều thường thức. Số ít người trên là số thông minh lọc lõi, về đường chính trị phải thay quốc dân mà vận động với nước cầm quyền, về đường giáo dục phải vì quốc dân mà truyền bá học thức mới. Cái quan niệm ấy có lẽ không được bình đẳng cho lắm, nhưng mà sự thế như thế, không thể sao được. Nếu có phép tiên gì mà dạy cho cả dân An Nam biết tiếng Pháp cho có thể thế vào tiếng nước mình được, thì người An Nam cũng cam tâm tự nguyện theo tiếng Pháp hết. Nhưng phép tiên ấy không có, thời dữ kỳ dở dang mập mờ, Tây không thông, Nam không sõi, thà rằng trước hết hẵng học lấy những điều thường thức bằng tiếng An Nam cho mau hiểu đã, nhiên hậu có thì giờ sẽ học đến tiếng ngoài. - Ông nghị viên cũng cho lẽ đó là phải và nói rằng ý ông chỉ xét về cái phương tiện chính trị cho người An Nam cũng như người các thuộc địa khác, còn đối với tình thế riêng bên An Nam có điều không tiện thì ông không biết. Ông ở nghị viện Pháp là một tay tai mắt trong đảng xã hội, mà chủ nghĩa của đảng xã hội là muốn mau khai phóng cho các thuộc địa, nên ông mới chủ trương sự học tiếng Pháp là một cách khai phóng cho dân An Nam. Cái tư tưởng ấy dẫu không thể thi hành được, nhưng thật là một cái tư tưởng rộng rãi, cao thượng, không giống với cái tư tưởng những kẻ phản đối tiếng An Nam vậy.
Cơm xong, chuyện mãi đến khuya mới tan. Sáng sớm mai, ông nghị bà nghị cùng với cô con gái cụ V. sẽ đi Chamontix để nghỉ mát mùa hè này [14].

°

Thứ sáu, 21 tháng 7.
Hôm nay đã thảo xong bài diễn thuyết ở Hội Hàn lâm. Mai đã phải dùng đến rồi, không kịp mượn người đánh máy. Thôi cứ thế này đem đọc cũng được.
Nhưng trước khi ra đọc ở Hội Hàn lâm, phải nên diễn tập trước một lần. Không gì bằng đem đọc thử cho hai cụ nghe, được chăng thế nào hai cụ sẽ bảo. Vả cụ ông đã cho biết rằng có lẽ mai cũng không ra nghe ở Hội Hàn lâm được, vì cụ hiện đương có giấy ứng cử vào chân Hội, không muốn đi lại vội. Như thế thời đọc trước cho cụ nghe, tưởng cũng là một cái nhã ý đối với cụ. Vậy ngâm nga riêng một mình rồi, liền đem cả bản thảo lại đường Saint Germain. May hai cụ đều có nhà cả. Tỏ ý đọc trước để hai cụ nghe, hoặc có chỗ nào sai suyễn hay sơ suất xin hai cụ chỉ giáo cho, hai cụ lấy làm cảm động lắm. Để đồng hồ bên cạnh, đọc thong thả rõ ràng, vừa đúng hai mươi phút, thế là hợp với cái thời hạn đã định. Còn nội dung thế nào, lời lẽ có nghe được không, hay là rườm tai khó hiểu? Xin cụ cứ thực tình dạy cho. Hai cụ chỉ chữa cho vài cái "phốt" chữ tây vô ý không biết, còn thời nhất định quyết rằng nghe được, không những nghe được mà lại có cái giọng nhiệt thành bạo dạn, chắc sẽ có ảnh hưởng, không đến nỗi là những lời không ngôn [15]. Hai cụ đã phán đoán như thế, dù là bởi bụng khoan dung muốn khuyến lệ cho kẻ tuổi trẻ lòng thành, hay là vì cách lễ nhượng [16] không muốn kích thích cái thói "tự đắc của con nhà văn" mà chỉ trích cho hết những chỗ khuyết điểm, dù thế nào mặc lòng, mình cũng tạm yên tâm, để ngày mai có thể vững vàng mà ra đối diện với các quan Hàn lâm Đại Pháp. - Hai cụ cũng mừng cho và nói rằng nghe bài diễn thuyết mới biết cái vấn đề giáo dục ở nước Nam phiền phức là dường nào, và lòng nguyện vọng của người Nam cũng chánh đáng là dường nào.

°

Thứ bảy, 22 tháng 7.
Sáng nay không đi chơi đâu, chỉ bữa ăn đi một lát, rồi về nghỉ ngơi để sửa soạn ra Hội Hàn lâm. Phân vân không biết mặc tây phục hay mặc quốc phục. Đã có bộ jaquette, nếu mặc tây thì cũng tùng tiệm được. Nhưng nghĩ lại, gặp những cơ hội như lúc này mà nỡ bỏ quốc phục đeo tây phục, thì cũng tủi cái áo cái khăn anh đồ quá; thôi thì cứ mặc An Nam, chỉ dẫu đi ngoài phố thiên hạ chỉ trỏ nữa cũng chẳng hề gì. Trước hãy đến đón cụ V. để cụ hướng đạo và giới thiệu cho các ông phần việc, kẻo lạ lùng không biết đường nào mà dò. Nhà Hội Hàn lâm này cũng là một cái lâu đài cổ ở thành Paris, mặt tiền trông ra sông Seine, trước có cái cầu gọi là "Cầu Văn nghệ" (Pont des Arts). Phong cảnh có vẻ cổ thời. Ngoài đường vắng vẻ, vào trong tịch mịch, như có cái khí vị lặng lẽ trang nghiêm. Chỗ này thật là cái "điện Tinh thần" của nước Pháp, bước vào phía bên tả, có cái sân rộng hình bát giác, mỗi bên có một cái cửa lớn: cửa bên hữu bước lên nhà đại diễn đường, trên có cái mái tròn lớn, là nơi cả năm ban bác sĩ họp đại hội đồng hằng năm và ban Văn học (Académie française) nghênh tiếp các ông hàn lâm mới ở đấy; nhà văn nước Pháp, người nào đã hơi nổi danh giá, không ai là không mơ mộng được vào Hàn lâm, được diễn thuyết ở dưới mái tròn (parles sous la Coupole), cho sự đó làm cái tuyệt phẩm vinh hoa ở đời; những ngày thường thì nhà đại diễn đường này vẫn đóng cửa luôn, các ban họp hội đồng thường đã có những phòng riêng ở bên trong; - cửa bên tả thì vào nhà Thư viện của Hội Hàn lâm, gọi là Bibliothèque Mazarine (có 25 vạn quyển sách). Lại vào một lượt sân trong rộng hơn nữa, và cũng lặng lẽ nghiêm trang như thế, tiếng giầy nện xuống sân đá, nghe rõ mồn một, như vào cái chùa cổ am xưa nào. Rẽ vào cái cửa thứ nhất ở bên tả, đi qua một dải hành lang, rồi lên từng gác, có phòng thư ký ở đấy. Vào hỏi ở phòng thư ký, rồi có người đưa đến phòng hội đồng. Ban Luân lý Chính trị thường họp hội đồng cùng một phòng với ban Văn học duy khác ngày mà thôi: phòng này gọi là phòng Tự điển, vì ban Văn học thường họp để làm Tự điển ở đấy. Phòng rộng rãi, hai bên tường đều có tượng đá các danh nhân; ở trong cùng có tượng toàn thân của đại tư giáo Richelieu là tể tướng vua Louis XIV đã có công sáng lập ra Hội Hàn lâm (ban Văn học) từ năm 1635, rồi đến tượng Guizot, Cousin, Delavigne, Lamartine, Thiers, Mignet, v.v. - Đến nơi đã thấy vài ba nhà biên tập báo và bốn năm cụ Hàn. Ông vĩnh viễn thư ký Lyon Caen giới thiệu mình cho ông trưởng ban Lacour Gayet là một nhà sử học có tiếng chuyên trị về lịch sử vua Nã Phá Luân. Mình vẫn tưởng rằng hôm nay chẳng được đông lắm, nhưng cũng được vài ba chục ngài (toàn ban chỉ có bốn chục ngài cả thảy). Không ngờ lác đác chỉ có vài ba cụ nữa đến, thế mà thôi, cả thảy được mươi mười hai người, kể cả các nhà báo. Lúc bấy giờ cũng hơi lấy làm thất vọng. Cái thói con nhà văn vẫn hay tự đắc: có lẽ nào các cụ Hàn được tin ông P. Q. diễn thuyết mà lại không hăm hở kéo nhau đến nghe cho thật đông! Đáng lẽ cả bốn chục ngài phải có mặt ở đấy, không thiếu một ngài nào mới phải! Sau hỏi ra mới biết rằng những khi hội đồng thường chỉ có thế thôi, không mấy khi được đến mười lăm ngài có mặt. Vả lại nay đã đến đầu hè, phần nhiều các ngài đi ra bể lên núi nghỉ mát cả, đến được thế này đã là đông rồi đó. Khi đã ngồi đâu vào đấy, thấy một ông cụ đầu râu bạc phơ, lưng khom khom chống cái ô đi vào; các cụ đều đứng lên chào một cách kính trọng lắm. Cụ mới vào đó chính là cụ Alexandre Ribot, nguyên thủ tướng Đại Pháp, hiện có chân ban Chính trị và ban Văn học Hội Hàn lâm. Năm nay tuổi đã cao lắm, - nghe đâu ngoài 80, - thường đau yếu, ít khi đến họp hội đồng được, hôm nay thấy đến, cử ban đều lấy làm mừng rỡ lắm. Cụ ngồi vào ghế, rồi ngài ban trưởng khai hội đồng. Chương trình kỳ hội đồng hôm nay có hai bài "thông cảo" (communications), tức là bài diễn thuyết cho các cụ Hàn nghe, rồi xét có nên thì sẽ đăng vào sách "Biên tập" của Hội Hàn lâm: một bài của ông giáo trường Đại học thành Rennes có chân thông tín của Hội, một bài của mình; rồi đến các công việc Hội, kỳ này có nhiều, vì là kỳ cuối cùng, rồi đến nghỉ hè. Ông ban trưởng khai hội đồng, liền mời ông giáo Đại học diễn thuyết trước. Ông này người đã có tuổi, nhưng đọc cũng rõ ràng mạnh bạo lắm. Bài "thông cảo" của ông là nói về cái văn hoá Pháp ở Gia Nã Đại (Canada), xứ này trước là đất thực dân của Pháp, sau thành thuộc địa của Anh, nhưng người dân vẫn còn nói tiếng Pháp, giữ phong tục Pháp, bảo tồn được cái văn hoá thuần túy của Pháp, có khi sản xuất ra văn chương đặc biệt. Ông bàn về cách làm thế nào mà bồi thực [17], phát triển cho cái văn hoá ấy ngày một thêm thịnh lên, khiến cho đất Gia Nã Đại tuy đã lìa với Pháp về đường chính trị mà còn liền với Pháp về đường tinh thần. Bài của ông đọc cũng chừng mười lăm hai mươi phút. Khi đọc xong thì ông ban trưởng cám ơn ông giáo đã cho đồng nhân nghe một bài diễn thuyết có giá trị. Đoạn rồi đến lượt mình; ai đọc cứ ngồi chỗ nấy, không phải đứng dậy. Mình cố đọc cho to tát dõng dạc để các cụ nghe cho dễ; xem dáng các cụ cũng chú ý nghe. Đọc hết bài dừng lại thì thấy các cụ đều vỗ tay một hồi. Có ý nhận lúc ông giáo Đại học đọc lúc nãy thì không có vỗ tay. Sau về nhà nói chuyện với cụ V. mới biết rằng lệ thường ở Hội Hàn lâm nghe đọc những bài "thông cảo" không có vỗ tay bao giờ, hôm nay các cụ đặc cách vỗ như thế là có ý biệt đãi vậy. Trong bài "thông cảo" của mình có kể rõ về cái vấn đề giáo dục ở nước ta khó khăn là dường nào và hỏi ý các ngài Hàn lâm nên giải quyết thế nào; lại có trích dẫn mấy câu trong một bài đăng ở tạp chí Revue de Paris nói về cái phong trào tự do độc lập ở các dân tộc Đông phương, bài không đề tên tác giả, nhưng chính là của ông giáo Đại học Lévy Bruhl, cũng có chân ban Chính trị Hội Hàn lâm này, viết từ sau khi ông đi du lịch á Đông về (ông có qua cả bên ta nữa). Ông ban trưởng bèn hỏi rằng những lời dẫn đó là của ai, mình trả lời như trên, ông nói rằng ông giáo Lévy - Bruhl chính là người trong ban Hàn lâm này, tiếc hôm nay mắc bận không lại dự hội đồng để nghe diễn thuyết đó. Ông lại nói trong bài diễn thuyết sở dĩ dẫn chứng lời của một vị Hàn lâm như thế thật là đủ tỏ rằng ý kiến của Hàn lâm cũng không khác gì ý kiến của diễn giả. Diễn giả sợ cách giáo dục của chính phủ Pháp ở nước Nam không phải đường, kết quả đến làm mất hết cái cốt cách tinh thần của dân tộc An Nam, làm "mất giống" An Nam đi. Cái hiểm tượng đó cũng đáng lo thật; diễn giả muốn hỏi toà Hàn lâm nên làm thế nào cho tránh khỏi. Vấn đề phiền phức, không thể trong một buổi thảo luận mà giải quyết ngay. Nhưng toà Hàn lâm xin chú ý; vấn đề đã trình bày ra như thế, hoặc có ngài nào trong ban muốn nghiên cứu, sẽ có thư từ bàn bạc với diễn giả, và thử nghĩ xem có cách nào giải quyết được ổn thoả cả mọi đường; nếu quyết định được một cái chương trình thoả đáng, mà cả ban thuận nhận thời lâm thời Hội Hàn lâm sẽ sẵn lòng vận động với chính phủ Đại Pháp cho có thể thi hành được. Hiện nay hẵng xin cám ơn diễn giả đã có lòng tin cậy toà Hàn lâm mà đem một vấn đề quan trọng như thế trình bày cho biết một cách rõ ràng mà thâm thiết như vậy. - Nghe diễn thuyết xong thì các người ngoài lùi về và hội đồng vào họp trong buồng trong, để bàn việc kín.
ở Hội Hàn lâm ra, về thẳng đường Saint Germain để nói chuyện cho hai cụ biết. Hai cụ lấy làm mừng lắm. Lại nghe nói khi đọc xong cử tọa có vỗ tay, hai cụ lấy làm lạ, nói xưa nay ít khi như thế, lần này thế là các cụ Hàn có ý biệt đãi khách phương xa lắm đó. Hai cụ lại nói rằng các ngài Hàn lâm thường không hay đến hội đồng đông bao giờ, ngay như ở ban Văn học phải làm Tự điển mà mỗi lần cũng chỉ mươi lăm vị là cùng. Song các bài “thông cảo” đều có đăng vào sách “Biên tập”, tức cũng như quyển tạp chí của Hội, như thế thì người không đến nghe rồi cũng được đọc, tất có ảnh hưởng to. Cụ ông hứa rằng nếu không ở Paris được lâu thì khi nào in bài vào sách “Biên tập” của Hàn lâm, cụ sẽ thương thuyết với nhà in lấy riêng ra mấy trăm bản, rồi gửi sang An Nam cho.
Về trọ nghỉ một lát, thay áo ta mặc áo tây, rồi ra nhà Hội Association Mutuelle des Indochinois (Đông Pháp Hỗ trợ Hội), ở đường Sommerard. Hội này là của học sinh An Nam ta ở bên này lập ra đã mấy năm nay, bây giờ mới thuê được nhà, làm chỗ học tập cho người đồng bang, hôm nay khánh thành hội sở mới, có mời Hoàng thượng và quan Thượng thư Sarraut đến chủ lễ. Hội sở còn chật hẹp lắm, được có một phòng lớn và vài ba cái buồng nhỏ, tân khách đứng chật cả. Chủ Hội là ông Cao Văn Sen, người Lục tỉnh, sang bên này đã lâu, hiện làm kỹ sư và đã lấy vợ đầm ở đây. Khi vua quan đã đến đông đủ cả, ông Cao đọc một bài diễn văn chúc mừng, Hoàng thượng nói mấy câu trả lời, nhưng nhỏ quá, không nghe thấy tiếng gì cả, rồi ông ngự tiền thông sự dịch ra tiếng Pháp. Đoạn tân chủ [18] chuyện vãn ít lâu, rồi ông chủ Hội đem quyển “Kim thư” [19] của Hội ra xin chữ ký Hoàng thượng và các quan khách. Lệ thường các ngài danh giá ký vào sách “Kim thư” của các Hội hay phê mấy câu, hoặc để khen lao, hoặc để khuyến miễn [20], và cũng để lưu chút tự tích trong sách kỷ niệm của hội. Khi dâng Hoàng thượng ta ngự phê thì thấy ngài cầm quản bút ra dáng nghĩ ngợi, các quan Tây có ý chờ đợi ngóng trông, bọn mình thì tưởng rằng chắc ngài nghĩ một bài thơ nôm hay thơ chữ Đường luật hay tứ tuyệt gì, nên mới lâu như thế. Lúc bấy giờ cử hội im phăng phắc, ai cũng để mắt vào nhìn, có cái vẻ oai nghiêm vô cùng. Tưởng chừng đức Chí tôn ta, đương khi mấy trăm con mắt ném ánh sáng vào bàn tay ngọc đó, - ngọc thật, vì ngài thường đeo nhẫn kim cương quý giá lắm, - thời:
Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu
ngay tức thì. Nhưng mà không! Cứ thấy cái quản bút quằn quại trên tay, mà không thấy viết chữ gì. Năm phút, mười phút, mười lăm phút, người đứng chung quanh đã thấy thì thào động đậy, kẻ nói nhỏ, người đưa mắt, anh em đồng bang mình thì vừa nóng ruột, vừa động lòng. Sau mới thấy ngòi bút chuyển động; ai nấy thở dài! Hỏi ra thì không phải thơ ngũ ngôn tứ tuyệt gì, chỉ có một câu chữ Hán rằng: năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà Hội, thế mà thôi - ấy đức Chí tôn ngài viết một chữ một câu cũng thận trọng như thế…

[1]In đi in lại.
[2]Lừa dối.
[3]Có lẽ ở đây phải ghi là trì tục: tiếp tục không ngừng, liên tục (?!)
[4]Khen hay.
[5]Đại khái.
[6]Chưa tra cứu được.
[7]Chỉ người Tàu.
[8]Lược bỏ câu nguyên văn tiếng Pháp. (Trong đoạn này, những lời được Phạm Quỳnh trích dẫn đều có chú thích như vậy của Vương Trí Nhàn - talawas.)
[9]Được vẽ ra.
[10]Đến.
[11]Phần việc phải làm.
[12]Thông minh vui vẻ.
[13]Tất cả.
[14]Khi ở Pháp về đến Sài Gòn, xem điện báo mới biết tin rằng ông Sembat đã bị nạn chết ở Chamonix, mà bà cũng tuẫn tử theo. Các báo đều cảm phục cái cách vợ chồng yêu thương nhau đến cùng nhau sống chết như thế, thật là có cái khí vị tiết liệt như cổ phong, đời nay ít thấy. Về đến Hà Nội, liền viết giấy chia buồn với hai cụ V. Ông Sembat chết là nước Pháp thiệt mất một tay chính trị lỗi lạc.
[15]Lời lẽ vu vơ.
[16]Lịch thiệp.
[17]Chăm sóc.
[18]Chủ và khách.
[19]Sổ vàng.
[20]Khen công lao vất vả và khuyên gắng sức hơn.