Sau khi nghỉ trưa, anh Nhật và tôi lên văn phòng bàn luận riêng một vài chi tiết. Tôi nói qua tình hình các giáo viên, chương trình xoá nạn mù chữ trong các làng và nguyện vọng của chúng tôi. Anh Nhật muốn thăng chức tôi lên coi toàn bộ các giáo viên chuyên trách và các giaó viên xóa nạn mù chữ. Tôi lắc đầu: -- Em không kham nổi gánh nặng đó đâu. Hãy cứ để thầy Bưu là giáo viên cấp III của em là trưởng đoàn giữ chức vụ đó. Em tuổi còn nhỏ, kinh nghiệm cũng chưa nhiều, nên anh cứ để em làm giáo viên chuyên trách như xưa nay. Em sẽ phụ với thầy Bưu trong các việc cần thiết. Em lo khóa huấn luyện giáo viên Jrai này cũng nhức đầu và mất giờ lắm rồi. Cũng may là có anh Ít và các anh phụ sức vào! Tôi cũng vui khi anh Nhật hứa với tôi là khi có dịp anh Nhật sẽ đưa cô Mai vào biên chế, có thể chỉ dạy bổ túc văn hoá trong các làng chứ không cần phải chuyển qua bên giáo viên phổ thông. Anh đập vai tôi cười: -- Sao cậu lo cho người khác không mà không xin cho mình? Cậu muốn vào biên chế ngay không, anh cho đơn liền. -- Cám ơn anh, thực sự em chỉ muốn phục vụ hai năm trên đây thôi, rồi sau đó xin đi thi đại học. Sau khi học xong rồi em trở lại cũng được mà. -- Lúc đó không chừng tình hình đã thay đổi. Cơ hội của cậu vào biên chế là bây giờ đó, khi anh còn nắm chức trưởng phòng. Hiệp rất thích cậu và anh cũng rất tin tưởng vào sự nhiệt thành công tác của cậu. Sau khi bàn thảo thêm với anh Nhật buổi chiều đó, tôi liền vào làng Kờ Mông để thăm Du và định trình bày hết mọi chuyện để chúng tôi có thể hiểu và thông cảm nhau hơn. Tôi đi thẳng tới chỗ Du ở, nhưng chỉ gặp thầy Phong. -- Quang tới trễ rồi. Cô Du vừa soạn đồ về thị xã trưa nay! Tôi hỏi vắn tắt: -- Chừng nào cô Du trở lại.? -- Tôi không biết nữa. Du nói chừng năm mười ngày vì mẹ Du bị bệnh nặng. Có em trai Du lên đây hôm qua và ở lại đây đến trưa nay mới cùng về. -- Thế Du có nhắn gì cho Quang không? Thầy Phong nhún vai nói: -- Không, nhưng Quang hỏi thầy Đoàn xem sao vì cô Du và tôi ít khi nói chuyện với nhau lắm. Hai chúng tôi cùng dạy với nhau, nhưng không ăn rơ nhau lắm. -- Mỗi người có một sở thích mà. Hợp gu thì tốt mà không hợp ở trong làng Thượng thì cũng ráng sống vui vẻ với nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó/. Thầy Phong nhìn tôi chăm chú rồi chìa tay ra nói: -- Quang à, lần trước mình xử với Quang không được tốt lắm. Quang bỏ qua giùm ha! Trong lòng tôi do dự vì bao nhiêu chuyện hiểu lầm giữa Du và tôi xảy ra vì lời nói không ý tứ của thầy Phong, và tôi cũng không biết thầy Phong có thật lòng không nữa. Lời nói có thể ngon ngọt như táo chín trên cành nhưng biết đâu chẳng là con rắn độc cắn chết mình lúc nào không hay đang nằm chờ ở trên cây. Tôi im lặng chìa tay ra bắt, không nói lời nào. Có lẽ tôi ghét thầy Phong, hận thầy không phải vì thầy là tình địch, hay có ác cảm với thầy Phong vì tình cảm lung tung với cô này cô kia không quân tử lắm, nhưng chỉ vì thầy đã làm Du giận tôi bỏ đi mấy lần khiến tôi không thể phân trần. Đời sống của thầy Phong là chuyện riêng của thầy nếu thầy không đụng chạm gì tới tôi hay các bạn tôi. Xã giao qua loa với thầy thì được, chứ còn chơi thân với nhau tôi chẳng hề nghĩ đến. Trong nhóm giáo viên phổ thông trong huyện, có lẽ tôi thích thầy Khuynh, thầy Tuyên, cô Hương, cô Huệ... nhưng hợp tính tôi nhất dĩ nhiên là Du rồi. Tôi hy vọng tỉnh chuyển thầy Tình từ huyện Ayunpa về đây cộng tác với anh Ít và tôi. Chúng tôi quen nhau lâu lắm rồi, từ ngày còn mặc quần đùi, cởi trần chạy long tong nghịch nước ngày mưa vì chúng tôi cùng làng, cùng tỉnh và cùng trang lứa với tôi mặc dù thầy Tình có vẽ chững chạc hơn tôi nhiều. Thầy hiền lành, ít nói, lúc nào cũng suy nghĩ đắn đo. Có đôi khi tôi chọc thầy là ông cụ non. -- A thầy Quang mới tới hở Cô Du có gởi thầy ít đồ còn để bên nhà tôi kìa! Làm gì mà bần thần thộn người ra vậy? Tiếng thầy Phú râu làm tôi giật mình. Tôi chào hỏi qua loa rồi theo thầy Phú đi lấy thùng giấy cỡ mấy kí lô mà Du dặn thầy Phú đưa trả lại cho tôi khi tôi ghé lại làng vì Du không biết bao lâu nữa Du mới trở lên. Du nói, "Mẹ Du đau nặng, Du là con gái lớn phải chăm sóc Mẹ!" -- Du có gởi thư gì cho Quang không, anh Phú? -- Không thấy, tất cả trong hộp giấy đó! Tôi không mở ra nên không biết. Tôi nóng lòng muốn mở thùng giấy ra coi Du gởi gì trong đó cho tôi. Tôi đâu có cho Du mượn gì đâu mà Du nói trả lại. Tôi muốn coi Du có gởi thư gì cho tôi trong đó không ngay, nhưng lại ngại phải nói này nói kia với thầy Phú nên tôi nói chuyện qua loa một chút rồi về ngay. Đúng ra đêm ấy tôi sẽ ngủ tại làng Ea Blang với thầy Phú sau khi nói chuyện với Du nhưng sự vắng mặt của nàng khiến tôi thất vọng ghê gớm và thùng giấy nàng gởi làm tôi hồi hộp muốn biết ngay trong đó Du nói gì và chừng nào Du mới trở lại. Khi tôi rời làng Ea Blang thì trời đã nhá nhem tối rồi nên chẳng mở thùng ra đọc thư được nên tôi cứ một mạch vai đeo ba-lô cố hữu và ôm thùng giấy trước bụng đi vội về phòng Giáo Dục. Tôi có thể ghé lại ngủ ở làng Kờ Mông với thầy Đoàn, nhưng ở đó chẳng có điện nên tôi nghĩ tôi phải về Phòng Giáo Dục là tốt nhất mặc dù tôi phải đi xa hơn một chút. Tôi cũng buồn là tại sao Du không ghé lại Phòng Giáo Dục tìm tôi, vì đường nào nàng cũng phải đi ngang mới tới bến xe. Gọi là bến xe cho to tát và vì quen miệng chứ thực ra chỉ là chỗ xe đậu để chuyên chở người đi lại, mỗi ngày chỉ một xe, và chỉ một chuyến thì có thể nào gọi là bến xe được. Không lẽ nàng vẫn còn bực mình, giận ghét tôi. Nếu còn giận ghét thì tại sao còn gởi lại thùng giấy cho tôi chứ? Tôi miên man đi trên đường mòn lúc trời xâm xẩm tối khi về tới Phòng Giáo Dục chắc mọi người cũng đã chuẩn bị đi ngủ hay ngủ rồi. Chắc là phải xục cơm nguội với cá khô hay trứng gà luộc rồi cắt nhỏ ra dầm với nước mắm ăn cho đỡ đói thôi. Lúc vội về để mở thùng đọc thư của Du, tôi đã quên không ở lại ăn rồi mới về, bây giờ đi đường bụng đoi đói cồn cào khó chịu, nhưng cũng phải ráng đi cho mau về tới nhà càng sớm càng tốt. Tự nhiên tôi lại nghĩ đi đêm trong đường mòn lỡ rắn rết bò ra cũng phát mệt và tôi lại nghĩ tới anh Trung, anh Tiến, cô Hồng... Không biết họ ra sao rồi và Du thì bao giờ mới trở lại?