Phạm Thu Giang dịch
Chương 1
Thời thơ ấu

Nền giáo dục Nho gia
Cần nói thêm rằng cha tôi vốn là một người theo nghiệp đèn sách. Tất nhiên là ông theo Hán học. Khi ở Ōsaka, công việc của cha tôi là tiếp xúc với những gia đình giàu có ở Ōsaka như Kazimaya (Gia-Đảo-Ốc), Kō-no-ike (Công-Trì) [1] để thỏa hiệp về các khoản nợ, nhưng cha tôi không hề thích thú chút nào. Ông muốn trở thành một trí thức chuyên việc đèn sách, hơn là làm việc tiếp xúc với tiền bạc. Vậy mà không ngờ lại phải cầm lấy bàn tính, đếm tiền hay thỏa hiệp xin hoãn các khoản nợ. Trí thức thời xưa khác xa trí thức Tây học thời nay. Thời xưa, một trí thức thuần khiết là người chỉ nhìn tiền bạc đã thấy đó là điều dơ bẩn. Một người như vậy mà phải làm công việc hoàn toàn trần tục, thì chuyện có tỏ ra bất bình cũng không phải là không có lý. Bởi vậy, khi dạy dỗ con cái ông cũng theo những giáo điều Nho học. Tôi xin đơn cử một chuyện thế này.
Hồi đó, tôi vẫn còn nhỏ, chưa thể nói đến chuyện học chữ nghĩa gì được, nhưng anh trai mười tuổi và chị gái lên bảy, lên tám của tôi thì đã có thầy chuyên dạy viết chữ đến nhà kèm cặp. Cả trẻ con hàng phố cũng đến học cùng. Thầy dạy chữ I, ro, ha, ni, ho, he, to [2] thì được, nhưng vì là Ōsaka nên thầy dạy luôn cả phép tính nhân như 2 nhân 2 bằng 4, 2 nhân 3 bằng 6. Đó là chuyện đương nhiên, nhưng thấy thế cha tôi bảo: “Thầy dạy những điều không ra sao cả! Lại dạy trẻ cả thói tính toán con buôn thì tôi không thể tưởng tượng được! Tôi xin cho các con thôi học!”. Cha tôi nói rồi lôi anh chị tôi đi ra khỏi lớp.
Sau này, tôi được biết chuyện đó qua lời kể của mẹ. Qua đó, có thể hình dung cha tôi là một người nghiêm khắc trong mọi chuyện. Chỉ xem những ghi chép còn lại cũng có thể thấy cha tôi là một người thuần Nho. Sinh thời, ông rất tin tưởng thầy Itō Tōgai (Y-Đằng Đông-Nhai) [3] của vùng Horikawa (Quật-Hà) và tâm đắc với câu: “Sống phải thành tâm thành ý, giữ mình ở cả những nơi không ai để mắt tới, không làm gì để phải xấu hổ”. Câu nói đó đã trở thành gia phong của gia đình tôi.
Sau khi cha tôi mất, mẹ và năm anh em chúng tôi không hòa nhập với người khác, cũng ít kết giao với người ngoài, từ sớm đến chiều chỉ sống với những câu chuyện kể của mẹ và hình bóng của người cha đã khuất mà như vẫn còn hiện hữu đâu đó.
Anh em quần tụ, tách biệt với bên ngoài
Ở Nakatsu, anh em tôi khác mọi người xung quanh cả về áo Kimono và lời ăn tiếng nói, nên tự nhiên đoàn kết với nhau, ngầm thấy mình cao quý hơn, coi người xung quanh là trần tục. Ngay cả với anh chị em họ, chúng tôi cũng nhìn dưới tầm mắt và không bao giờ đả động đến những việc họ làm. Số ít chọi với đám đông nên chúng tôi từ bỏ ý định khuyên can họ, vì dù có nói, họ cũng không thấu. Trong thâm tâm, chúng tôi không coi đó là chuyện mình cần quan tâm. Tựu trung lại là coi thường người khác.
Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in là mặc dù ở trong nhà tôi nói cười, đùa nghịch rất hoạt bát, nhưng không biết trèo cây và cũng không biết bơi. Điều đó không phải do một nguyên nhân nào khác, mà chỉ vì không ra ngoài chơi hòa đồng với trẻ con cùng lãnh địa mà thôi.
Gia phong đúng mực, nhưng không hà khắc
Như đã nói ở trên, anh em tôi từ nhỏ đã khác với những người xung quanh cả về lời ăn tiếng nói lẫn lối sống. Bị tách biệt, nên nhiều khi cảm thấy buồn mà người ngoài không biết. Nhưng ngay cả những lúc ấy, chúng tôi cũng vẫn giữ gìn nền nếp, gia phong. Trong nhà chúng tôi không còn người cha nghiêm nghị, nhưng mẹ tôi sống mẫu mực, nên anh em tôi không những không một lần to tiếng với nhau, mà khi trưởng thành lên cũng không biết đến những chuyện xấu bên ngoài. Mặc dù không có ai dạy dỗ, mẹ tôi lại không phải là người nghiêm khắc, hay trách mắng, nhưng tự nhiên gia đình tôi trở nên như thế là nhờ vào nền nếp mà cha tôi để lại cùng với tình mẫu tử sâu sắc của mẹ đã cảm hoá anh em chúng tôi.
Tôi xin kể lại một chuyện có thực. Về đàn nhạc thì tôi chưa bao giờ có ý định nghe đàn Shamisen (Tam-vị-tuyến) [4] hay một loại nhạc cụ nào khác. Tôi luôn mang trong mình một ý nghĩ cho rằng, đó là thứ mình không việc gì phải nghe, phải chơi và từ đó trong đầu cũng không nảy ra ý định đi xem các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Chẳng hạn, cứ vào mùa hè, ở Nakatsu có diễn ca kịch. Vào dịp này, người ta diễn rộn rã suốt bảy ngày liền. Khi các diễn viên người vùng quê công diễn thì chức dịch lãnh địa sẽ ra một thông báo rất nghiêm quy định rằng: Các võ sĩ không được lại gần, không được quanh quẩn bên ngoài tường đá của đền thờ Sumiyoshi (Trú-Cát). Nhưng dù sao đó cũng chỉ là một tờ lệnh. Các võ sĩ thô tục đeo kiếm, che mặt nạ và phá hàng rào đi vào. Nếu nhắc nhở thì ngược lại sẽ bị họ mắng té tát, nên ai cũng sợ. Người hàng phố trả tiền mới được vào xem, còn võ sĩ đã lén lút vào xem không mà lại còn tỏ vẻ ra oai.
Trong số rất nhiều võ sĩ như thế thì chỉ gia đình tôi là không đi xem. Nhất định không đi! Đã có lệnh cấm không được vào phạm vi này thì không bén mảng đến dù chỉ một bước chân! Mặc cho bên ngoài có chuyện gì đi nữa thì mẹ tôi, dù là phụ nữ mà cũng không hề nói một câu về ca kịch, anh trai tôi cũng không rủ các em đi, trong nhà hoàn toàn không ai đả động gì đến. Mùa hè trời nóng, người ta thường ra ngoài hóng mát. Nhưng ngay gần nhà có diễn ca kịch mà chúng tôi dường như không bao giờ có ý định ra xem. Dù có vở hay đến thế nào, chúng tôi cũng không bàn tán và thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Lớn lên thành nhà sư - ước vọng của cha tôi
Như trên đã nói, sinh thời cha tôi chắc hẳn không mấy hứng thú với công việc quá ư tầm thường mà ông phải làm. Nếu như vậy thì tìm cách thoát ra khỏi Nakatsu cho xong, nhưng dường như ông không hề có ý định đó. Dù có chuyện gì ông cũng ngậm đắng nuốt cay và yên phận với chút bổng lộc nhận từ lãnh địa. Điều này có lẽ là do thời thế lúc bấy giờ, con người ta không thể tự do tiến thoái. Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy thương cha vô cùng.
Khi cha tôi còn sống đã có một câu chuyện thế này. Trong thâm tâm, cha tôi tính sẽ trao cả quyền thừa kế tài sản của gia đình Fukuzawa cho anh tôi. Nhưng đứa con thứ năm là tôi lại sinh ra. Khi mới lọt lòng tôi đã là đứa trẻ khá khoẻ mạnh. Nghe bà đỡ bảo: “Đứa trẻ này chỉ cần cho ăn đủ sữa là sẽ lớn nhanh như thổi thôi!”, cha tôi rất mừng. Ông nói đi nói lại với mẹ tôi rằng: “Nó có vẻ là đứa trẻ ngoan đấy. Lớn lên chừng 10 hay 11 tuổi thì cho nó vào chùa làm sư”. Sau này, mẹ kể cho tôi như vậy. Thỉnh thoảng bên lề câu chuyện mẹ tôi còn bảo: “Ngày trước, không hiểu sao cha con hay nói sẽ cho con vào chùa học kinh Phật. Nếu cha con còn sống thế nào con cũng vào chùa làm sư rồi đấy!”.
Sau này, khi lớn lên và nghĩ lại lời cha nói, tôi nghĩ có lẽ ông nghĩ như vậy là vì dưới thời phong kiến, ở Nakatsu tồn tại một trật tự xã hội ví như chiếc hộp bị chèn cứng đồ, hàng trăm năm cũng cứ y nguyên như thế, không hề nhúc nhích! Cũng như: “Con vua thì lại làm vua, con vãi ở chùa thì quét lá đa”, ở Nakatsu con Karō (Gia-lão) [5] lại làm Karō, con Ashigaru [6] lại trở về với kiếp Ashigaru. Những thứ bị chèn chặt trong đó có qua bao nhiêu năm cũng không hề biến chuyển gì. Thử ở vào địa vị của cha tôi mà nghĩ, dù cố gắng thế nào cũng không thể làm nên danh tiếng. Nhìn ra bên ngoài thấy chỉ có đi tu là giải pháp tốt nhất. Bao nhiêu người vốn chỉ là con người hàng cá cũng có thể trở thành chức sắc trong nhà chùa. Tôi đoán việc cha muốn tôi trở thành nhà sư có thể là vì lý do như vậy.
Chế độ đẳng cấp là kẻ thù kìm kẹp cha tôi
Nghĩ như vậy thì việc trong suốt 45 năm cuộc đời, cha tôi bị bó buộc bởi lề lối phong kiến, không thực hiện được ý nguyện của mình, đành ngậm đắng nuốt cay từ giã cõi đời mà thấy buồn thương thay cho ông. Mỗi lần nhớ đến nỗi dằn vặt trong thâm tâm cha tôi vì lo cho tương lai của đứa con mới lọt lòng đã phải quyết tâm cho đi tu và tình phụ tử sâu sắc của cha làm tôi càng thêm căm phẫn chế độ đẳng cấp phong kiến. Tôi như được tâm sự với cha và khóc thầm một mình vì thương ông. Với tôi, chế độ đẳng cấp chính là kẻ thù kìm hãm cha tôi.
Chương 4: Nếp sống của trường Ogata
Sự học của các học trò trường Ogata
Như vậy, kể cả ở trong trường hay bên ngoài chúng tôi cũng vẫn khi thì nghịch ngợm, khi lại tranh luận nghiêm túc. Trong câu chuyện của tôi kể từ đầu đến giờ, nếu nhìn qua có thể có người cho rằng, dù thế nào chúng tôi cũng không phải là những học trò chuyên chú chuyện học hành, mà chỉ đua nhau nghịch ngợm mà thôi, nhưng tuyệt nhiên không phải như vậy. Về chuyện học hành, có thể nói thời đó không ai vượt qua được các học trò trường Ogata.
Tôi xin kể lại một câu chuyện làm ví dụ. Tháng 3 năm Ansei thứ ba (1856-ND), tôi bị sốt, nhưng cũng may là sau đó hồi phục lại được. Trong thời gian điều trị, tôi đã dùng chiếc gối quấn tròn bằng đệm, nhưng khi hơi đỡ một chút lại muốn chuyển sang gối bình thường. Lúc đó, tôi sống cùng với anh ở Kurayashiki của lãnh địa. Anh tôi có một người hầu và tôi nhờ họ lấy cho. Nhưng lục tìm trong nhà mãi mà không thể nào thấy được một chiếc gối. Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra rằng trong suốt một năm ở Kurayashiki của lãnh địa chưa một lần dùng gối để ngủ. Mùa nào cũng thế, hầu như không phân biệt giữa ngày và đêm. Đêm xuống cũng không nghĩ đến chuyện ngủ, vẫn chong đèn đọc sách. Đọc sách cho đến khi buồn ngủ thì hoặc là gục lên bàn, hoặc tỳ lên mép Tokonoma (sàng-gian) [7] mà ngủ.
Chưa một lần nào tôi trải đệm, đắp chăn và dùng gối ngủ một cách đàng hoàng. Lúc đó, lần đầu tiên, tôi mới vỡ lẽ ra rằng: “Ừ đúng, nhà mình chắc không có gối thật. Vì cho đến nay mình đã ngủ bằng gối bao giờ đâu”. Chỉ qua câu chuyện này chắc bạn đọc cũng có thể hiểu được sự tình thế nào. Đấy không phải là riêng mình tôi chăm chú học, mà bạn bè cùng trường tất cả đều như vậy. Chúng tôi học say mê đến mức trên thực tế chắc không thể làm gì hơn thế.
Chăm chú học không để ý đến chuyện vệ sinh
Từ sau khi vào trường Ogata tôi có nhớ một vài điều mà chính mình đã trải qua. Trong bữa tối, nếu có rượu thì uống và đi ngủ ngay từ canh một. Ngủ một giấc, tỉnh mắt dậy là vào khoảng mười giờ đêm hay hơn gì đó theo cách tính hiện nay. Từ lúc đó là thức thâu đêm để đọc sách. Đọc đến rạng sáng, khi nghe thấy tiếng cơm sôi lục bục ở nhà bếp thì theo dấu hiệu ấy mà đi ngủ. Đến khi cơm chín dậy đi tắm sáng. Sau đó trở về trường ăn cơm và ăn xong lại vào đọc sách. Nhịp sống của học trò trường Ogata đại khái là theo chu kỳ như thế.
Tất nhiên, chuyện vệ sinh thì không hề chú ý. Vì là trường chuyên về ngành y, nên đáng lẽ sẽ phải nói nghiêm khắc về chuyện vệ sinh, nhưng không có ai để ý cả. Hoặc là do không nhớ ra hay sao đó mà không hề có sự nhắc nhở nào. Thế nhưng, mọi người vẫn sống bình thường. Không hiểu đó là do chúng tôi đều khỏe mạnh hay do những học trò ngành y cho rằng, giữ vệ sinh quá, ngược lại, làm người ta yếu hơn?
Sao sách và cách tiến hành giờ đọc hiểu
Đến đây tôi xin được kể về cách học trong trường Ogata. Thường những người mới đến học đều chưa biết gì. Với những người đó thì phải dạy như thế nào? Thời Edo, người ta có tiến hành in hai cuốn sách tiếng Hà Lan là cuốn về ngữ pháp và về cú pháp. Với những người mới vào học thì sẽ dạy cho họ cuốn ngữ pháp, dạy đọc đánh vần và giải nghĩa cho họ nghe. Xong phần đó thì chuyển sang cuốn cú pháp cũng theo đúng trình tự như vậy. Đọc được xong hai cuốn này sẽ chuyển sang giờ đọc. Trong giờ học này, nếu học sinh có mười người thì mười, mà mười lăm người thì mười lăm, sẽ lập thành một lớp, trong đó có một người sẽ đóng vai trò như lớp trưởng, nghe xem những thành viên trong lớp có đọc hiểu được hay không, để đánh các dấu chấm tròn trắng hoặc đen.
Sau khi đã học đánh vần qua hai cuốn sách kể trên và được nghe giải nghĩa xong thì đến giai đoạn tự học tập, nghiên cứu. Có chỗ nào không hiểu cũng không được hỏi người khác, dù chỉ là một chữ hay nửa câu. Nhưng nói chung học sinh trường Ogata không ai dốt nát và hèn đến mức như vậy. Trong trường chỉ có sách về ngành vật lý và ngành y, nhưng tập trung lại cũng chỉ được vẻn vẹn 10 bộ. Những sách đó vốn là do người ta chở bằng tàu từ Hà Lan về, nên mỗi đầu sách chỉ có một bộ. Những học sinh đã qua giai đoạn học ngữ pháp sơ cấp thì thế nào cũng phải sao lại sách. Mọi người đều phải tự sao. Mỗi tháng có 6 lần đọc bằng sách đó. Nhưng giả sử lớp học có mười người thì không thể mười người cùng chép mà phải chia nhau bằng cách bốc thăm.
Về cách sao sách thì thời đó không có giấy kiểu Âu, tất cả đều phải dùng giấy Nhật, trải thẳng giấy ra và chép bằng lối Chân thư [8], nên rất khó. Vì vậy, thường phải gột hồ lên giấy và dùng bút lông ngỗng để chép. Loại bút này hồi đó ở các hiệu thuốc của Ōsaka thường có bán rất nhiều những sống lông dài chừng 3 Shun (khoảng 9.09cm-ND) của chim nhạn hay chim hạc gì đó, mà tôi không rõ. Tôi còn nghe nói người ta thường dùng nó để câu cá thu. Giá bút đó tính ra rất rẻ. Chúng tôi mua lông chim về và dùng kiếm nhọn gọt như hình bút, dùng rất tiện. Mực cũng không thể có mực kiểu Âu được. Lọ mực của người Nhật thường là thấm mực đã mài vào một mảnh bông hoặc dạ, nhưng mực mà chúng tôi dùng để sao lại sách nguyên bản lại là mực mài và để nguyên như thế trong bình mực.
Học trò trường Ogata ai cũng phải sao sách, nên kỹ năng sao chép rất giỏi. Đơn cử một ví dụ: Nếu có ai đó đang sao sách nguyên bản ở bên cạnh, nghe được giọng đọc của họ thì chúng tôi có thể chép nhoay nhoáy mà không hề sai vần. Cứ như thế, hai người phân chia nhau, người đọc người chép, hoặc cũng có thể tự mình nhìn sách chép. Khi nào xong thì chuyển sách nguyên văn cho người khác. Chép xong lại chuyển cho người tiếp theo. Cứ như thế theo tuần tự. Một giờ đọc hiểu được chừng ba hoặc không nhiều hơn bốn, năm trang giấy Hanshi (bán-chỉ) [9].
Tự thân, tự lực học tập, nghiên cứu
Giờ đọc hiểu sách chuyên ngành vật lý hay y học thì không có người giải nghĩa cũng chẳng có ai đọc cho nghe. Cả chuyện bí mật nhờ người khác chỉ giúp, cũng không ai vi phạm, vì đó bị coi là một điều đáng hổ nhục. Chỉ còn cách là phải tự mình đọc và hiểu mà thôi.
Để đọc hiểu, ngoài việc dựa trên cơ sở kiến thức về ngữ pháp đã học và từ điển thì không còn cách nào khác nữa. Từ điển mà tôi nói ở đây là cuốn Doeff, mà cả trường mới có một bản sao. Cuốn này khá dày, khoảng 3000 trang giấy Nhật. Việc sao chép cuốn này là một việc lớn, không phải chuyện dễ. Cuốn từ điển này do một người Hà Lan tên là Hendrik Doeff, sống ở đảo Dejima, Nagasaki, dịch cuốn từ điển song ngữ Đức-Hà Lan ra tiếng Nhật. Cuốn sách này là niềm mơ ước của mọi người, được coi như bảo bối duy nhất trong giới những người theo Hà Lan học. Từ cuốn đó, người Nhật sao ra và trường Ogata chỉ có duy nhất một bản, nên hầu như lúc nào cũng có ba, bốn người quay quanh cuốn Doeff.
Sau này, thêm một bước nữa là có thêm bộ từ điển Hà Lan do Weiland soạn. Bộ này gồm 6 tập, có chú thích bằng tiếng Hà Lan. Nếu đọc Doeff không hiểu thì lại xem Weiland. Nhưng trong thời gian học sơ cấp, có xem Weiland cũng không hiểu được. Bởi vậy, chỉ có thể dựa vào Doeff mà thôi.
Giờ học đọc thường quy định vào các ngày một và ngày sáu (tức ngày 1, 11, 21, 31 và 6, 16, 26 -ND) hay các ngày ba và tám (tức là 3, 13, 23, và 8, 18, 28-ND). Nếu ngày mai có giờ đọc thì đêm hôm trước đó kể cả những cậu lười biếng nhất cũng không ngủ. Trong phòng để từ điển Doeff thế nào cũng có năm, mười người túm lại, im lặng ngồi học và tra cứu từ điển. Sáng hôm sau là giờ đọc hiểu. Đọc hiểu thì cũng sẽ bốc thăm xem ai phải đọc từ đâu đến đâu. Lớp trưởng, tất nhiên, được giữ cuốn nguyên bản. Năm người thì năm mà mười người thì mười, cứ lần lượt đọc và giảng nghĩa những chỗ mình đã bốc thăm trúng. Nếu người đó không đọc được, sẽ quay vòng sang người khác. Trong đó, người nào đọc được thì ký hiệu bằng chấm trắng, người không đọc được thì đánh chấm đen và người đọc lưu loát không vấp thì đánh dấu tam giác trắng. Đây là dấu của điểm ưu, gấp ba lần dấu chấm trắng tròn.
Trường chia thành bảy, tám cấp học khác nhau. Theo nguyên tắc, người đứng đầu một cấp trong suốt ba tháng sẽ được lên cấp trên. Ngoài giờ đọc hiểu, lớp đàn anh có thể giải nghĩa hay chỉ bảo những chỗ không hiểu cho những người học lớp dưới thân mật như anh em một nhà. Nhưng một khi đã vào giờ đọc hiểu thì hoàn toàn phó mặc cho mỗi người. Không ai giúp cả, nên đối với các học sinh trường Ogata sáu giờ đọc trong tháng không khác gì sáu lần thi.
Cứ như thế dần dần lên những lớp trên và đọc hết sách có ở trường, không còn gì để đọc nữa. Khi đó, phải đi tìm những gì khó hơn và chúng tôi đã thu thập những lời giới thiệu hay lời tựa sách, những thứ có tác dụng tham khảo, chỉ để cho những học trò lớp trên đọc. Có khi lại nhờ thầy xuống giảng cho. Tôi cũng chỉ là một học trò ngồi nghe giảng, nhưng trong khi được nghe các diễn giải khác nhau của thầy, lần nào tôi cũng thấy khâm phục sự uyên thâm của thầy, vừa cặn kẽ ngọn nguồn, vừa vĩ đại cao siêu. Thầy là một đại gia trong giới những nhà Hà Lan học, một nhân vật lớn vừa có danh, vừa có thực. Sau giờ học, về lại trường tôi vẫn nhớ là đã nói với các bạn đồng môn: “Hôm nay cậu thấy bài thuyết giảng của thầy thế nào? Tự nhiên tớ thấy bọn mình vẫn còn dốt quá!”.
Nuôi dưỡng thực lực
Chúng tôi chỉ xuống phố uống rượu, đùa nghịch vào những buổi tối ngay sau giờ đọc hiểu hoặc ngày hôm sau, vì còn rảnh những bốn, năm ngày nữa mới đến giờ học tiếp theo. Sau mỗi giờ học, chúng tôi chơi thoải mái như vậy và gần đến ngày đọc hiểu lại lao vào học. Một tháng có 6 kỳ thi, nên phải học rất nhiều. Việc đọc được sách hay không là tùy thuộc vào sự có tài hay bất tài của từng người, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không có chuyện trí trá hình thức, chỉ cần lấy danh là đã học bao nhiêu năm, lên bao nhiêu bậc và tốt nghiệp, mà thực sự đã nuôi dưỡng được thực lực của bản thân mình. Vì vậy, hầu hết các học sinh đều đọc sách nguyên văn bằng tiếng Hà Lan rất giỏi.
Hoạt động sao chép sách
Nhân nói về cuốn từ điển của Hendrik Doeff, tôi xin được kể một câu chuyện có liên quan. Thời đó, thỉnh thoảng lại có ông lãnh chúa đến đặt trường sao giúp cuốn từ điển này. Vì vậy, việc sao chép sách vở, từ điển trở thành một nguồn thu nhập của các học sinh trường Ogata. Thời đó, giá sao sách tính là một trang Hanshi chừng 10 dòng, mỗi dòng 20 chữ thì một trang được vài Mon tiền. Nhưng một trang từ điển Doeff viết theo chiều ngang, gồm 30 dòng, nên sao hết trang đó thì được những 16 Mon. Sau đó, nếu sao cả phần chú thích bằng tiếng Nhật, còn được cộng thêm 8 Mon nữa.
Đem so với việc sao chép những cuốn sách thường khác thì quả thực tiền công sao cuốn này rất hậu. Một trang được 16 Mon thì 10 trang đã được những 164 Mon [10]. Nếu thêm phần chú thích bằng tiếng Nhật nữa còn được thêm một nửa số tiền ấy, tức là 80 Mon. Có người chuyên chép chú thích, cũng có người chỉ chép phần chữ ngang. Cuốn từ điển Doeff dày 3000 trang, nên nhân tiền công lên sẽ thành một khoản khá lớn, có thể giúp ích cho cuộc sống của các học trò. Bây giờ nghĩ lại khoản tiền này không đáng là bao, chứ hồi đó, tuyệt nhiên không phải như thế.
Thời ấy, một Koku (Thạch) [11] thóc giá 1 Bu 2 Shu, 1 Shō [12] rượu giá từ 160 Mon đến 200 Mon. Chi phí ăn học tại trường một tháng chỉ cần khoảng từ 1 Bu 2 Shu đến 1 Bu 3 Shu là đủ. 1 Bu 2 Shu tiền vàng theo tỷ giá lúc ấy khoảng 2 Kan 400 Mon tiền bạc, nên một ngày chỉ mất chưa đến 100 Mon. Một ngày mà chép mười trang cuốn từ điển Doeff là đã được những 164 Mon, có thể để dư ra.
Tất nhiên, không phải ai cũng sao chép sách là đủ tiền đi học, mà đây có thể nói là một cách kiếm tiền của riêng những người theo Hà Lan học. Tôi xin đơn cử một chuyện thế này. Edo quả đúng là nơi tập trung các lãnh chúa, nên không chỉ từ điển Doeff mà những đơn đặt hàng chép sách cho các học sinh theo ngành Hà Lan học cũng rất nhiều. Tự điều đó làm cho giá sao sách cao lên. So với Ōsaka thì cao hơn nhiều.
Cậu Suzuki Giroku vốn người vùng Kanazawa, lãnh địa Kaga, là cậu học trò đã từ Edo xuống Ōsaka học. Lúc đầu, cậu ta không có một Mon nào trong túi, ở Edo và đã chịu khổ sở, nhưng sau đó nhờ công việc sao sách mà lập được thân và còn tích lũy tiền nữa. Chỉ một, hai năm mà cậu ta góp được những 20 Ryō tiền vàng, sau đó dùng tiền này vào trường Ogata học và trở về quê Kanazawa. Sở dĩ cậu ta có thể làm được như vậy là nhờ vào Hà Lan học. Trong suy nghĩ của Suzuki, Edo là mảnh đất thuận lợi cho việc sao sách để kiếm tiền, nhưng riêng việc học nếu không phải là Ōsaka sẽ không thể học tập đến nơi đến chốn. Cậu ta bảo quyết định theo mục tiêu đó và mang tiền kiếm được ở Edo để về Ōsaka học.
Say mê với kỹ thuật, công nghệ
Hồi đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ còn chưa như bây giờ. Những thứ như máy hơi nước có muốn xem cũng không thể có được. Ngay cả những dụng cụ thí nghiệm hóa học cũng không ở đâu có một bộ hoàn chỉnh. Bộ hoàn chỉnh thì không thể có được, mà những thứ chắp vá cũng không. Trong hoàn cảnh đó, cả về máy móc hay hóa học, chúng tôi đều biết nguyên lý hoạt động, nên dù thế nào cũng muốn tự mình thí nghiệm xem sao. Vì vậy, chúng tôi phải khổ công xem sách nguyên văn, sao lại sơ đồ để làm giống hệt như trong sách.
Phạm Thu Giang dịch
Chú thích:
[1]Tên tuổi của các thương gia lớn hồi bấy giờ. Họ thực hiện việc lưu thông tiền tệ giữa các lãnh chúa.
[2]Trước đây, để cho dễ nhớ người ta ghép các chữ cái Hiragana làm thành một bài hát gần như đồng dao (gồm 47 chữ cái). I, ro, ha, ni, ho, he, to là phần đầu của bài hát đó. Nhưng hiện nay người Nhật học chữ theo bảng chữ cái gồm 54 chữ, bắt đầu bằng a, i, u, e, o.
[3]Itō Tōgai (1670-1736), nhà Nho sống ở Horikawa, Kyōto. Cha ông là Itō Jinsai, người đã mở ra một học phái mới trong Nho học. Itō Tōgai là người thừa kế và phát triển học phái đó, gọi là Phái cổ học.
[4]Kiểu đàn ba dây, gần giống đàn tranh ở Việt Nam. Đây được coi là nhạc cụ quan trọng trong âm nhạc truyền thống của Nhật Bản.
[5]Ở đây, từ này được dùng với nghĩa chỉ người chuyên cố vấn công việc của lãnh địa cho lãnh chúa, có chức vị cao nhất trong số những gia thần của lãnh chúa.
[6]Ashigaru là những người thuộc đẳng cấp dưới võ sĩ. Thời bình họ có nhiệm vụ canh giữ thành, còn thời chiến thì làm việc hậu cần, tạp vụ.
[7]Là một khoảnh nhỏ trong nhà, thường được làm cao hơn nền nhà, rộng chừng một tấm chiếu truyền thống của Nhật. Ở mỗi vùng khác nhau thì tấm chiếu này được làm theo kích cỡ khác nhau, nhưng thường chiều dài khoảng từ 170cm đến 191cm và chiều rộng khoảng từ 75cm đến 95 cm. Trong Tokonoma có đặt những đồ trang trí như tranh vẽ, bình hoa, bức thư pháp... Đây có thể coi là nơi trang trọng nhất trong căn nhà của người Nhật.
[8]Lối viết bằng bút lông nhỏ với nét thanh mảnh.
[9]Trước đây, từ Hanshi là để chỉ loại giấy có kích thước bằng nửa kích thước của loại giấy có chiều dài 8 Shun (khoảng 24.24cm) và chiều rộng 1 Shaku 1 Shun (khoảng 33.03cm), nhưng sau này, Hanshi là để chỉ luôn loại giấy này.
[10]Cuối thời Mạc phủ, người ta tính 1 Kan bằng 960 Mon, chứ không phải 1000 Mon như trước. Vì vậy, cứ 96 Mon thì được tính là 100 Mon, tức là sẽ dôi ra 4 Mon.
[11]1 Koku bằng khoảng 180kg thóc.
[12]1 Shō bằng 1,8 lít.