Ðược thầy khen, Quý ròm như nở từng khúc ruột. Mặt mày nó rạng rỡ suốt cả ngày hôm đó. Trưa, Quý ròm không tài nào ngủ được. Nó cứ nằm trằn trọc, lăm qua lăn lại trên giường, đầu óc lúc nào cũng lởn vởn những hình ảnh huy hoàng ở lớp học ban sáng. Ðầu giờ chiều, rửa mặt xong, không nén đựơc Quý ròm khều nhỏ Diệp: - Nè! - Gì? - Mày biết gì chưa? - Biết gì là biết gì? - Tao ấy mà! - Anh sao? Quý ròm ưỡn ngực: - Hồi sáng tao được thầy khen. Nhỏ Diệp chớp mắt: - Khen về chuyện gì? - Chuyện tao kèm cho Tiểu Long học ấy! Hồi sáng Tiểu Long làm toán được điểm mười! – Quý ròm nói với giọng tự hào. Nhỏ Diệp hít vào một hơi: - Anh Tiểu Long được điểm mười thật hả? - Thì thật chứ sao! Quý ròm đáp, nó có vẻ phật ý về câu hỏi lại của nhỏ Diệp. Rồi như để chứng minh là mình không bịa chuyện, nó hào hứng “tường thuật”: - Thầy kêu Tiểu Long lên kiểm tra, hỏi câu nào nó đáp vanh vách câu đó khiến cả lớp cứ giương mắt ếch lên dòm. Rồi thầy ra một đề toán lên bảng, bắt Tiểu Long giải. Mà đề toán thì khó ơi là khó, đến tao cũng phải nghĩ nát óc, thế mà Tiểu Long nó chỉ phẩy tay một cái là xong... - Nếu vậy thì thầy khen anh Tiểu Long chứ mắc gì khen anh? Nhỏ Diệp hỏi chen ngang làm Quý ròm mất hứng. Nó quắc mắt: - Cái con ngốc tử này, tao đã kể xong đâu! – Rồi nó chép miệng tiếp – Thấy vậy, thầy Hiếu sửng sốt kêu lên “Ôi, phép màu nào đã giúp em thành một học sinh giỏi toán như thế?”. Tiểu Long liền chỉ ngay tao “Thưa thầy, bạn Quý chính là phép màu của em đấy ạ! Chính bạn ấy đã kèm cho em học bấy lâu nay!”. Thế là thầy Hiếu bèn khen tao nức nở. Thầy còn bắt cả lớp vỗ tay hoan hô tao nữa. Tụi nó vỗ tay lớn đến mức học trò các lớp khác phải đổ xô qua xem, tưởng có... Thủ tướng tới thăm lớp tao! Quý ròm chuyên nghề “thêm mắm dặm muối” vào câu chuyện. Nhỏ Diệp thừa biết điều đó. Nhưng lần này nó tin ông anh mình nói thật, ít ra là về chuyện Tiểu Long được điểm mười, mặc dù cái đề toán thầy Hiếu cho chắn chắn không khó đến mức Quý ròm mô tả. Thời gian gần đây, để ý theo dõi, nhỏ Diệp thấy Tiểu Long học khá lên thấy rõ. Tuy không rành các chương trình toán lớp tám nhưng những lần lảng vảng lại gần “lớp học” của hai bậc đàn anh, nhỏ Diệp thấy Tiểu Long không còn nhăn mày nhíu mặt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại như những buổi học đầu nữa. Bây giờ, Quý ròm giảng tới đâu, Tiểu Long gật đầu lia lịa tới đó, hệt như trên đời này chẳng có gì dễ bằng môn toán! Mà cũng chẳng cần phải lại gần. Ngồi dưới bếp vểnh tay cả buổi vẫn thấy lớp học im ru bà rù, không hề nghe một lời quát tháo dội xuống, nhỏ Diệp biết tỏng trình độ của Tiểu Long bây giờ đã khác. Quả thật, đã khá lâu nhỏ Diệp không nghe anh mình to tiếng với Tiểu Long. Ðang nghĩ lan man, sực nhớ đến bài toán mới ra ở lớp, nhỏ Diệp lập tức níu áo Quý ròm, lém lỉnh: - À, vậy bữa nay anh ban cho em một ít “phép màu” đi! Quý ròm trừng mắt: - Chọc quê tao hả mày? - Chọc quê gì đâu! - Nhỏ Diệp cười nịnh – Em nhờ anh giảng toán giùm chứ bộ! - Toán gì vậy? – Quý ròm nhún vai – Cũng “bán trứng” nữa hả? - Bài này khác! Bài này khó hơn nhiều! Vừa đáp nhỏ Diệp vừa lật đật chạy đi lấp tập. - Ðể em đọc anh nghe hén! - Rồi không đợi Quý ròm có ý kiến, nó lật tập loạt soạt tìm đề toán và hắng giọng đọc – Ba bạn Hồng, Mai, Phượng trồng ba cây: hồng, mai, phượng. Bạn trồng cây mai nói với Hồng: “Trong chúng ta không có ai trồng cây trùng với tên mình cả”. Hỏi bạn nào đã trồng cây gì? Nhỏ Diệp vừa đọc dứt đề toán, chưa kịp mở miệng hỏi, Quý ròm đã cười toe: - Dễ ợt! Bạn Hồng trồng phượng, bạn Phượng trồng mai còn bạn Mai trồng hồng! Thấy ông anh mình đáp ngay không cần nghĩ ngợi, nhỏ Diệp ngẩn mặt ra: - Sao anh biết? - Sao không biết! – Quý ròm gật gù – Này nhé! Bạn Hồng tất nhiên không thể trồng hồng, đúng không? - Ðúng. Vì trùng tên! - Nhỏ Diệp mau mắn. - Bạn Hồng cũng không thể trồng mai, đúng không? – Quý ròm tiếp. Khác với lần trước, lần này nhỏ Diệp lộ vẻ ngập ngừng: - Không thể trồng mai hả? Sao lại không thể trồng mai? - Sao mày ngốc thế! – Quý ròm nhăn mặt - Ðề bài đã viết “Bạn trồng cây mai nói với Hồng” thì có nghĩa bạn Hồng không phải là người trồng mai chứ sao! - Ờ há! - Nhỏ Diệp mừng rỡ buột miệng, quên béng mất chuyện vừa bị mắng “đồ ngốc”. Quý ròm lừ mắt: - Vậy mày đã biết bạn Hồng trồng cây gì chưa? Mắt nhỏ Diệp sáng lên: - Cây phượng. Quý ròm hừ mũi: - Mấy cây còn lại cũng thế! Cứ từ đó suy ra! Nghe ông anh nói vậy, nhỏ Diệp nhíu mày cố tự mình “suy ra”. Nhưng nó “suy” tới “suy” lui một hồi vẫn chẳng “ra” được tí tẹo nào, liền hỏi: - Khi nãy anh bảo bạn Phượng trồng cây gì vậy? Quý ròm lạnh lùng: - Cây roi. Tưởng mình nghe nhầm, nhỏ Diệp vội vã hỏi lại: - Anh bảo cây gì? - Cây roi chứ cây gì! – Quý ròm khịt mũi – Cây roi để đét đít mông mày ấy! Câu trả lời “hắc ám” của ông anh khiến nhỏ Diệp xịu mặt: - Em hỏi đàng hoàng mà anh cứ nói gì đâu không! Lời trách móc của nhỏ Diệp khiến Quý ròm nổi dóa. - Bộ mày bảo tao là người không đàng hoàng hả? – Nó gầm lên. Rồi không để nhỏ Diệp kịp thanh minh, nó hùng hổ tiếp – Chính mày không đàng hoàng thì có! Làm toán làm tiếc gì mà cứ toàn hỏi đáp số trước! Học như mày mai mốt chỉ có đi... lượm bao ni-lông! Quý ròm làm một tràng khiến nhỏ Diệp tối tăm mặt mũi. Nó mím môi uất ức: - Tại khi nãy anh nói đáp số trước chứ bộ! Quý ròm phẩy tay: - Tao có miệng tao muốn nói gì tao nói! Còn mày chỉ được phép làm, không được phép hỏi! Trước một ông anh ăn nói ngang như cua, nhỏ Diệp chẳng biết làm gì khác hơn là lặng lẽ cúi nhìn vào tập và cứ mỗi lần nghĩ đến việc mình bị mắng oan, mũi nó lại sụt sà sụt sịt. Cái cảnh nhỏ Diệp vừa ngồi học vừa thỉnh thoảng đưa tay quệt nước mắt làm Quý ròm ngứa mắt. Nó cau mặt: - Mày có thôi cái trò “mít ướt” đó đi không! Mày cứ “hức, hức” lên như thế, bà thấy bà lại mắng tao bây giờ! - Ai bảo anh quát em chi! - Nhỏ Diệp dẩu môi. - Bộ tao quát mày không được hả? – Quý ròm sừng sộ - Mày có thấy gương Tiểu Long không? Chính nhờ tao quát tháo suốt cả tháng đầu, nó mới cố học và khác lên như thế! Bây giờ nó đã sắp sửa học qua vật lý và hóa học rồi đấy! Quý ròm lôi cái gương to tổ bố là Tiểu Lương ra mong trấn áp cô em nhưng nhỏ Diệp chẳng có vẻ bị lung lạc. Nó vẫn tiếp tục phụng phịu: - Nhưng em khác anh Tiểu Long! Anh Tiểu Long là con trai, em là con gái! Quý ròm vung tay: - Trai gái gì tao cũng quát tuốt! Dạy học mà không quát mắng thì chẳng bao giờ... có kết quả được! Chính thầy Hiếu còn khen ngợi... phương pháp của tao mà lại! Thấy ông anh đem thầy ra làm bằng chứng, nhỏ Diệp cứng họng, mặc dù trong lòng đầy rẫy những nghi ngờ. Nó không buồn cãi nhau với Quý ròm nữa, mà lẳng lặng đưa tay gấp cuốn tập trước mặt lại và thong thả đứng dậy. - Mày làm gì thế? – Quý ròm trố mắt. - Em không học nữa! – Nhỏ Diệp thản nhiên – Phương pháp của thầy không hợp với em! - Trời ơi là trời! Rõ là đồ ngốc tử! Quý ròm tức tối kêu lên. Nhưng mặc cho ông anh lồng lộn, nhỏ Diệp vẫn kiên quyết: - Em ngốc kệ em! Ngốc còn hơn là đưa đầu cho anh mắng! Thái độ tẩy chay của nhỏ Diệp khiến Quý ròm giận run người. Nó nghiến răng chồm dậy định chạy tới cốc cho nhỏ em một phát nhưng cuối cùng sợ “bứt dây động rừng”, nó đành buông phịch người xuống ghế, thở hắt ra, giọng chán nản: - Mặc xác mày! Cho mày học dốt suốt đời luôn! Rồi vẫn chưa nguôi, nó lại làu bàu “triết lý” như một kẻ từng trải, ngán ngẩm nhân tình thết thái: - Ðời là thế! Bụt nhà chẳng bao giờ gọi là thiêng! Quý ròm buồn lắm. Càng ngẫm nghĩ nó càng buồn. Nó không ngờ sau một thành tích tuyệt vời như thế, đến thầy Hiếu còn phải khen lấy khen để, nhỏ Diệp lại cả gan trở mặt với nó. Con nhỏ này đúng là chẳng biết trời cao đất dày là gì! Thái Sơn trước mặt mà nó chẳng nhìn ra, ngốc ơi là ngốc! Lòng đầy tổn thương, Quý ròm lủi thủi bước ra khỏi nhà. Nó chẳng định đi đâu, chỉ lang thang nhắm mắt đưa chân cốt cho vơi ấm ức. Thơ thẩn một hồi, Quý ròm sực nhớ tới Tiểu Long. Ừ nhỉ, tại sao mình không tâm sự với Tiểu Long để cho nguôi bực dọc? Chính Tiểu Long, kẻ đã đạt được sự tiến bộ khả quan trong học tập nhờ vào “phương pháp quát tháo” của mình, sẽ là người thông cảm hơn ai hết sự hậm hực trong lòng “sư phụ” nó! Khi nghe mình kể, chắn chắn nó sẽ lên án thái độ của nhỏ Diệp tơi tả! Nó sẽ san sẻ và an ủi nỗi phiền muộn của mình. Nó sẽ nói “Người tốt bao giờ cũng lận đận...” Quý ròm tiến về phía con hẻm dẫn vô nhà Tiểu Long với bước chân hăng hái. Mẹ của Tiểu Long ngồi bán hàng đằng trước, nhác thấy Quý ròm liền mỉm cười niềm nở: - Cháu vào nhà chơi đi! Tiểu Long có nhà đấy! Có cả Hạnh nữa! Quý ròm “dạ” một tiếng rồi hăm hở tiến vào hẻm. Khi bước vào gần tới cửa nhà Tiểu Long, nghe thấy tiếng rù rì vọng ra, Quý ròm nảy ra một ý nghĩ nghịch ngợm, bèn rón rén bước lại áp tai vào vách. Nó định nghe thử Tiểu Long và nhỏ Hạnh kháo với nhau những gì, lát nữa tìm cách trêu chọc chơi. Nhưng dỏng tai một hồi, Quý ròm cảm thấy lạ quá. Hình như hai đứa bạn nó đang bàn tán về chuyện gì chứ không phải trò chuyện bình thường. Chẳng ai lại trò chuyện với giọng điệu đều đều như thầy giáo giảng bài thế cả. Quý ròm lại tò mò lắng tai nghe. Lần này thì nó sửng sốt nhận ra đó là tiếng giảng bài thực sự. Nhỏ Hạnh đang giảng toán cho Tiểu Long học. Ðiều vừa phát hiện khiến Quý ròm không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Sao lại có chuyện lạ lùng thế được? Tại sao nhỏ Hạnh lại đến đây giảng bài cho Tiểu Long? Tiểu Long đang học với mình kia mà? Nhỏ Hạnh chỉ mới kèm cho Tiểu Long học hôm nay hay đã lâu rồi? Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu Quý ròm. Và câu hỏi cuối cùng khiến nó giật bắn người như chạm phải dây điện. Nhón trên đầu ngón chân, Quý ròm nín thở rón rén lùi xa khỏi bức vách. Và thay vì bước vào nhà, nó lẳng lặng quay trở ra đầu hẻm. - Cháu đã gặp Tiểu Long chưa? Thấy Quý ròm nhoáng một cái đã quay ra, mẹ Tiểu Long tỏ vẻ thắc mắc. - Thấy Tiểu Long đang học nên cháu không vào! – Quý ròm lễ phép – Ðể hôm khác cháu tới! Rồi làm như tình cờ, Quý ròm buột miệng hỏi: - Bạn Hạnh kèm cho Tiểu Long học lâu chưa vậy hở bác? Mẹ Tiểu Long nhíu mày: - Cũng lâu rồi! Ðâu khoảng tháng rưỡi nay! - Rồi bà chép miệng - Tội nghiệp con bé, nó siêng lắm! Chiều thứ hai thứ tư thứ sáu nào nó cũng tới! Tiểu Long vừa học với cháu vừa học với Hạnh hèn gì nó chẳng khá! Hôm nó lần đầu tiên được điểm mười môn toán, cả nhà bác cứ y như là ngày hội ấy! Khi nói những điều đó, mẹ Tiểu Long không giấu được niềm hoan hỉ long lanh trong đôi mắt và Quý ròm cảm nhận ngay sự cảm kích trong mắt bà khi bà âu yếm nhìn nó. Nhưng Quý ròm lại chẳng thấy hân hoan tí tẹo nào cả. Thậm chí nó còn đỏ mặt khi đón nhận vẻ biết ơn của mẹ Tiểu Long. Bây giờ thì nó đã bàng hoàng hiểu ra chính nhỏ Hạnh là người đem lại kết quả học tập cho Tiểu Long chứ không phải nó. Bây giờ ngẫm lại nó mới nhớ ra Tiểu Long chỉ “thông minh sáng dạ” chừng khoảng một tháng rưỡi nay thôi, đúng vào thời điểm nhỏ Hạnh quỉ quái kia bắt đầu “nhúng tay” vào chuyện học tập của Tiểu Long. Cái thằng to xác này đã học trước với nhỏ Hạnh ở nhà hèn gì hôm sau mình giảng đâu nó hiểu đó! Vậy mà mình ngu ngốc chẳng mảy may ngờ vực, cứ tưởng nó giỏi giang là nhờ mình, thật là xấu hổ. Xấu hổ nhất là khi được thầy Hiếu khen về thành tích “giúp bạn học tập” mặt mình cứ nhơn nhơn như như một người hùng thực sự, thật chả ra làm sao! Nhớ về hình ảnh hôm đó trên lớp, mặt Quý ròm nóng bừng và đỏ gay như tôm luộc may mà những người đi đường không ai để ý. Nhưng Quý ròm không giận Tiểu Long. Nó hiểu mọi chuyện là do nó. Chính nó quát tháo ỏm tỏi khiến Tiểu Long không học hành gì được, lại còn bắt tên học trò khốn khổ này “không được nghỉ ngang dù xảy ra bất cứ chuyện gì” nên Tiểu Long đành phải đóng kịch với nó. Nhưng không thể kéo dài chuyện hiểu lầm này được! – Quý ròm bâng khuâng nhủ bụng - Tới tiết sinh hoạt lớp đầu tuần, mình sẽ nói rõ sự thật về sự tiến bộ của Tiểu Long cho cả lớp biết! Mình chẳng làm nên công trạng gì, chỉ giỏi tài nạt nộ, lại đi nhận vơ thành tích của nhỏ Hạnh thì mình đâu còn xứng đáng là nhà ảo thuật lừng danh Elvis Quý nữa! Nhớ tới chuyện nạt nộ, Quý ròm bất giác nghĩ tới nhỏ Diệp, và lòng nó bỗng nhiên chùng xuống. Tội nghiệp em mình, có một ông anh được xưng tụng là “thần đồng toán” mà nó học toán lại chẳng ra sao! Chẳng qua là do “phương pháp quát tháo” của mình mà ra! Về chuyện này, có lẽ từ nay mình phải cố học tập “cô giáo Hạnh” của thằng Tiểu Long mới được! Nhỏ Diệp không hay biết gì những chuyển biến trong lòng ông anh nên nó kinh ngạc đến há hốc miệng khi thấy Quý ròm ở đâu bên ngoài chạy vù vào, vừa thở hổn hển vừa nói với nó bằng giọng ngọt ngào mà từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ nó chưa từng có “hân hạnh” nghe qua: - Em đem bài toán khi nãy ra đây anh giảng lại cho! Lần này mà anh còn nói nặng em một tiếng, anh sẽ tôn em lên làm chị còn anh tụt xuống làm em ngay!
Hết