Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Đi trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vỏng cung Đông Sơn, trông thì gần nhưng từ làng tôi đến đấy phải năm mười cây số. Làng tôi gần biển, mùa hè vẫn có gió biển thổi về.Tháng Năm âm lịch là mùa gặt. Mẹ tôi, chị Ngữ, chú Phụng với tôi ra đồng từ mờ sáng. Ba người gặt, còn tôi gánh lúa. Tôi gánh lúa về nhà, đi men theo đường mương. Nắng gắt lắm, ngoài trời có lẽ phải bốn mươi độ. Bùn non bên vệ mương nứt nẻ, bong cong lên như bánh đa.Tôi mơ mộng lắm, hay nghĩ. Bố tôi là thiếu tá, cán bộ trung cấp kỹ thuật hải quân, vẫn đi ra các đảo lắp ra đa với máy thông tin, mỗi năm về phép một lần. Bố tôi thuộc hết tên các đảo. Mẹ tôi chẳng bao giờ đi xa khỏi làng. Mẹ tôi bảo: ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người. Chú Phụng thì khác, Chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái. Nhà chú Phụng toàn phụ nữ: mẹ vợ, vợ, bốn đứa con gái. Chú Phụng đùa: Chú đẹp giai nhất nhà.Chị Ngữ là chị dâu tôi,lấy anh Kỷ. Anh Kỷ đang làm công nhân trên mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. Chị Ngữ là con ông giáo Quỳ. ông giáo Quỳ có nhiều sách. Mọi người vẫn bảo ông là đồ gàn, lại bảo ông là lão dê già, Quỳ dê. ông giáo Quỳ có hai vợ, vợ cả sinh ra chị Ngữ, chị dâu tôi. Vợ hai là thím Nhung, vừa là thợ may, vừa bán quán, sinh ra thằng Văn bạn tôi. Thím Nhung trước kia là gái giang hồ ở Hải Phòng. ông giáo Quỳ lấy về làm vợ nên uy tín chẳng còn gì.Tôi gánh được chục gánh lúa thì đầy ùn cả sân. Tôi gọi cái Minh dọn rơm để có chỗ xếp lúa. Cái Minh em gái tôi người nhỏ quắt, đen đúa nhưng mắt sáng, lại dai sức. Cái Minh chui ở bếp ra, mặt đỏ gay, mồ hôi ướt đầm hai bên vạt áo. Tôi ra bể nước mưa múc đầy cả một gáo dừa uống ừng ực. Nước mát lịm. Mẹ tôi vẫn hay chan cơm nước mưa ăn với cà muối. Mẹ tôi không ăn được thịt mỡ.Sân nóng hừng hực, hơi nóng mờ mờ bốc lên ngây ngất. Mùi lúa ngột ngạt. Đường làng đầy rơm rạ phơi ngổn ngang. Tôi đi qua cổng nhà dì Lưu thấy có đám người xúm đông. Cái Mị con dì Lưu gọi tôi: Anh Nhâm! Tôi vào thấy ông Ba Vện bưu điện xã đang nhét thư báo vào túi bạt sau yên xe đạp. Cái Mị bảo tôi: Có điện của chị Quyên ngoài Hà Nội.Dì Lưu là em mẹ tôi, bị liệt mấy năm nay. Chú Sang chồng dì Lưu đang công tác bên. Lào, chú là kỹ sư cầu đường. Anh trai chú Sang ngoài Hà Nội có con gái là Quyên đi học Dại học bên Mỹ. Hồi bé Quyên đã có lần về thăm quê.Tôi cầm bức điện đọc: Cô Lưu cho người ra ga đón cháu Quyên 14 giờ ngày... Tôi hỏi cái Mị: Chiều nay à? Cái Mị gật đầu. Dì Lưu nằm nghiêng tựa lưng vào tường. Lúc nào dì Lưu cũng nằm như thế đã sáu năm nay. Dì Lưu bảo tôi: Nhâm giúp dì ra đón em Quyên nhé. Tôi bảo: Nhà cháu đang gặt. Dì Lưu bảo: Để đấy đã. Gặt ở khoảnh nào? Tôi bảo: Gặt ở khoảnh gieo bào thai hồng. Cái Mị cầm bức điện ra đồng để nói với mẹ tôi. Cái Mị cùng tuổi cái Minh em tôi nhưng cái Mị trắng hơn. Nó hay nói, hay làm nũng. Cái Mị bảo: Anh Nhân ơi, hôm nào anh làm cho em cái lồng lấy ổi. Lồng lấy ổi làm bằng cây nứa tươi, đầu lồng hơi giống hom giỏ, có hàm răng mở ra. Tôi bảo: Em kiếm nứa đi. Cái Mị bảo: Em có rồi. Mai anh làm nhé Tôi nhẩm việc, thấy kín hết chỗ từ sớm đến khuya. Cái Mị bảo: Mai đấy. Tôi bảo: ừ. Nhà cái Mị có ba cây ổi, nó trèo ổi gãy cành có lần suýt ngã.Chú Phụng đọc tờ điện báo nói: Sao lại bưu cục S. N. N? Thế là nghĩa lý gì? Bọn ở thành phố nhiều mưu kế lắm. Mẹ tôi bảo: Dì Lưu đã nhờ đi thì Nhâm đi đi. Cái áo mới mẹ để ở hòm, lấy mà mặc. Tôi bảo cái Mị: Em về đi. Anh phải gặt đến trưa, ăn cơm rồi đi luôn.Cái Mị về một mình. Bóng nó cứ ngụp dần trên cánh đồng xa tít tắp đang gặt nham nhở. Tôi cầm liềm. Quơ một vòng sát chân rạ. Giật mạnh. Bước sang trái. Quơ liềm. Giật mạnh. Lại bước sang trái. Lại quơ liềm. Lại giật mạnh. Cứ thế. Cứ thế mãi. Đất trên mặt ruộng ẩm ướt. Những con châu chấu nhỏ xíu nhảy lách tách.Đến giữa trưa thì đồng vắng lắm. Nhìn ra chỉ có bốn người nhà tôi giữa đồng. Mẹ tôi ngồi bên vệ cỏ nhể gai ở chân. Chị Ngữ đội nón, khăn trùm mặt, quấn xà cạp đến tận mắt cá chân, ngơ ngẩn nhìn về dãy núi xa phía vòng cung Đông Sơn. Chú Phụng xếp lúa để gánh về. Chú Phụng hỏi: Mày về luôn chứ? Tôi khô khốc miệng, không nói được, chỉ gật đầu. Hai chú cháu tôi mỗi người một gánh đi về. Chú Phụng đi trước, tôi đi sau. Gánh lúa rất nặng, tôi thấy chân mình run lắm cố bước. 100 bước. 200 bước. 1000 bước. 2000 bước. Cứ thế. Cứ thế mãi. Rồi cũng đến nhà. Cái Minh dọn cơm cho tôi ăn rồi vội vàng mang cơm ra đồng cho mẹ tôi và chị Ngữ.Tôi ăn cơm. Cơm có rau khoai lang luộc, cà muối, cá tép kho khế. Tôi ăn một lèo sáu bát cơm. Bây giờ đang mệt, nếu không mệt tôi đánh thông đấu gạo.Tôi ra giếng tắm, thay quần áo. Tôi lấy chiếc áo mới ra mặc, nhưng thấy ngượng nên thôi. Tôi mặc chiếc áo bộ đội bạc màu của bố tôi. Tôi sang nhà dì Lưu lấy xe đạp. Dì Lưu bảo: Cháu cầm lấy ít tiền. Dì Lưu đưa tôi năm nghìn nhưng tôi chỉ lấy hai nghìn. Hai nghìn là hai cân thóc. Dì Lưu hỏi: Nhâm còn nhớ mặt em Quyên không? Tôi gật đầu, thực ra tôi không nhớ lắm, nhưng gặp tôi cũng nhận ra.Tôi đạp xe ra ga. Từ làng tôi đến ga tám chín cây số. Lâu lắm tôi mới đi xa thế này.Con đường đất men theo rìa làng, qua đình làng, qua đầm sen rồi theo bờ mương ngược về huyện lỵ. Tôi nghĩ. Những ý nghĩa của tôi mung lung. Tôi nghĩTôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từSự bất lực của hình thức biểu đạtMà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đấtNhững số phận hưu hắt đầy mặt đấtBao tháng ngày trôi điBao kiếp người trôi điSự khéo léo của ngôn từ nào kể lại đượcAi nhặt cho tôi buổi sáng mai nàyNhặt được ánh hoang vắngtrong mắt em gái tôiNhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôiNhặt được niềm hy vọng hão huyềntrong lòng chị dâu tôiVà nhặt được mùi vị nghèo nàn trêncánh đồng quê Tôi rốt ráo bắt tỉa tùng ý nghĩTìm cách săn đuổi cho nó vào chuồngVà tôi hú gọi trên cánh đồng lòngTru lên như con sói hoangTôi gắng gặt một lượm sốngBó buộc lỏng lẻo bởi dải băng ngôn từTôi hú gọi trên cánh đồng ngườiTôi nhặt những ánh mắt đờiHòng dõi theo ánh mắt tôiDõi vào cõi ý thứcCõi ý thức mênh mông xa vờiDầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩamà thôi. Ga chiều huyện lỵ vắng vẻ. Mấy con gà rã cánh đi trên sân ga. Có khoảng chục người chờ ở cổng. Vẳng lại tiếng nhạc ở băng cát xét nhà nào đang mở. Tiếng hát của ca sĩ Nhã Phương chậm rãi: Người đi qua đời tôi, có nhớ gì không người? Em đi qua đời tôi, có nhớ gì không em? Hàng phở, hàng giải khát. La liệt là những sạp hàng quần áo, giày dép, đường sữa, thuốc lá. ô tô chạy xuôi chạy ngược. Trời rất trong. Nắng bừng bừng. Cả phố huyện say nắng.Tiếng còi tàu hú từ xa dè dặt, vui mừng. Có ai nói to: Tàu về. Cả phố huyện vẫn mơ màng. Lại có ai gắt lên: Tàu về. Tiếng còi tàu hăm dọa, chói óc. Mọi người bỗng nhiên rối rít, cuống cuồng. Những bà, những chị, những đứa trẻ bán hàng rong chạy xuôi chạy ngược. Tiếng rao hàng chen nhau: Nước đây! Ai bánh nào! Ai nước nào! Ai bánh nào! Ai nước nào!Tôi dắt xe đứng một chỗ nhìn. Người trên tàu ra đứng ngồi ngổn ngang ở ngay bậc cửa. Đây là ga lẻ. Đồng quê tôi vô danh. Nơi tôi đứng đây vô danh. Khoảng hơn chục người lần lượt qua cổng soát vé Tôi nhận ra mấy thầy cô giáo cấp ba trường huyện. Bộ đội. Mấy người buôn chuyến. Mấy người thợ sắt. Một ông to béo, đeo kính râm, mắt kính vẫn còn dán tem. Một thanh niên cao, gầy tóc rễ tre, đôi mắt tư lự. Tôi biết người này, đấy là nhà thơ Văn Ngọc. Sau anh Ngọc là một cặp vợ chồng già. Quyên.Quyên xõa tóc, mặc áo pun, quần gin, đeo kính, khoác túi. Quyên trông khác hẳn mọi người bởi toàn bộ thần thái toát ra. Quyên qua cửa soát vé, nhìn quanh. Nhận ra tôi ngay. Quyên bảo: Tôi là Quyên. Có phải cô Lưu dặn anh đón tôi không? Tôi bảo: Vâng. Quyên cười: Cám ơn anh. Anh là thế nào với cô Lưu. Anh tên gì? Tôi bảo: Tôi là Nhâm, tôi là con ông Hùng. Quyên hỏi: Thế anh có họ hàng gì với tôi không? Tôi bảo: Không. Quyên gật đầu: Tốt. Cô Lưu thuê anh à? Tôi nhìn cái bóng tối sẫm trên nền xi măng. Tôi, thân phận tôi, ở đâu người ta cũng nhận là kẻ làm thuê, làm mướn.Chiều xuống chậm. Những bóng râm chạy đuổi nhau lướt trên mặt đất. Chiều đánh rỗng nội tâm của ai hy vọng lý giải điều gì có nghĩa. Quyên hỏi: Nhà anh cấy bao nhiêu sào? Mỗi sào bao nhiêu thóc? Được bao nhiêu tiền? Tôi bảo: Mỗi sào được hơn ba nồi, khoảng gần tạ, mỗi cân thóc một nghìn tư. Quyên nhẩm: Hai mươi triệu tấn thóc cho sáu mươi triệu người . Tôi bảo: Có ai chỉ nghĩ đến ăn.Qua đầm sen gập sư Thiều. Sư Thiều chào. Tôi chào lại. Sư Thiều bảo: Tôi vẫn nhớ dành cho cậu cây hồng tú cầu. Tôi bảo: Để lúc nào qua chùa con xin. Tôi thú chơi hoa. ông giáo Quỳ bảo: Đấy là thú của kẻ biết đời chó lắm. Sư Thiều bảo: Có lấy ít sen về cắm lọ không? Đầm sen của chùa mùa này nhiều hoa.Tôi dựng xe đẩy thuyền cho sư Thiều. Chiếc thuyền thúng chỉ vừa người ngồi. Chèo khua nước. Quyên bảo: Tôi muốn đi thuyền. Tôi gọi sư Thiều. Sư Thiều ghé thuyền vào.Sư Thiều ôm bó hoa sen đặt lên bờ. Quyên trèo lên thuyền. Tôi đẩy thuyền ra.Sư Thiều bảo: Chiều người lụy ta. Tôi cười.Tôi và sư Thiều ngồi ở trên bờ. Chiều vẫn xuống chậm. Nắng hoe vàng. Trong lòng tôi rỗng hoác, rỗng lắm, một khoảng rỗng không. Quyên lên bờ. Sư Thiều mời ăn ngó sen. Sư Thiều hỏi: Ngon không? Quyên bảo: Ngon.Nấn ná một lát rồi về. Sư Thiều chào. Quyên chào lại. Quyên ôm bó hoa sen. Sư Thiều tần ngần đứng trông theo.Tôi đi trước. Quyên đi sau. Quyên hỏi tôi về sư Thiều.