Cuộc hành trình đơn độc

    
hời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn đã qua, Yến phải trở về nhiệm sở của mình thôi, và thế là hành trình lại bắt đầu, và lần này là một cuộc hành trình đơn độc. Ngồi trên xe, Yến miên man suy nghĩ, Yến nhớ lại cảnh tượng ngày nào hai chị em ngồi bên nhau trong tâm trạng hoang mang hồi hộp, nếu mẹ Ly cố chấp không bằng lòng và rồi một năm, hai năm hai đứa sống với nhau, Yến phải nói câu”
“Em ơi nhẹ vén bức rèm thưa,
Nhìn thử chân mấy khỏi tỏa mờ,
Có bóng tình quân muôn dặm ruỗi
Ngựa hồng tuôn đuổi cõi xa mơ..
Thì bây giờ Yến lại phải ngâm câu:
“Kẻ vui duyên ước bên thềm cũ,
Kẻ lội nghìn xa bỏ bến bờ..."
° °
°
Sau chuyến trở lại miền thùy dương đó, Yến đã bắt gặp một gương mặt mới, một hình ảnh mới, đó là Sa. Sa mới đổi về và cả hai lại làm chung một bộ phận. Và cũng trong những ngày đó, Yến thấy tâm hồn mình thật xao xuyến. Sa người gốc Huế, nhưng lại mất cái giọng trọ trẹ của dân Huế vì gia đình đã dời về Đà Lạt từ lâu, Sa yêu cái quê hương thứ hai này và cứ đòi dời cái sở này về Đà Lạt. Không biết từ trong tiền kiếp họ có quen biết nhau không, nhưng Yến cứ thấy như là rất gần gủi. Yến biết rằng mình thích Sa, nhưng Sa thì sao? Nhìn qua cách cư xử cách đối đãi, Yến ngầm hiểu rằng Sa cũng giành những tình cảm ưu ái cho mình. Nhưng nói với nhau những lời gì đó thì hình như chưa! Có một lần Yến kéo hộc tủ bàn của Sa để mượn cây viết, Yến thấy một mãnh giấy trong đó có ghi mấy giòng:
- Anh đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi, anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.
Yến lặng người đi và suy nghĩ, như vậy là Sa đã có người yêu rồi ư! Và tình yêu này thật là một tình yêu đầm ấm, lãng mạn...Mấy ngày sau, trong đầu Yến cứ lởn vởn những câu thơ trong trang giấy, và Yến cương quyết giữ ý tứ hơn để không lộ ra những tình cảm mà mình giành cho Sa.
Một cô gái từ Qui Nhơn đến thăm Sa, Yến nghe trong lòng mình rối tung lên, và một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn. Vậy đúng là Sa đã có người yêu rồi. Ngày hôm đó, gặp Sa, Yến không nói nửa lời, Yến cũng không biết tại sao mình lại như thế. Và gương mặt của Yến lúc đó chắc khó coi lắm. Nhưng biết sao khi con tim nó luôn làm chủ cảm giác, làm chủ thái độ trong những hòan cảnh như thế đó. Sa đâu có làm gì Yến giận đâu, nên Sa cũng tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì. Yến yên lặng, Yến chờ đợi một câu nói xác định của Sa, nhưng chờ mãi chẳng nghe Sa nói gì cả. Thế là Yến không yên lặng được nữa, Yến hỏi:
- Mấy nay có người yêu đến thăm vui quá hén!
Sa cười rất tỉnh:
- Cô gái bữa đó hả? Không phải người yêu, cô ấy là em của người bạn, có dịp qua đây ghé thăm thôi!
Yến nghe như trút được cả khối đá ở trong lòng. Mặt Yến tươi lại lúc nào không biết, và bắt đầu vui vẻ nói chuyện lại với Sa.
Thế nhưng còn người con gái anh đến thăm đêm 30 thì sao? Và Yến đã tìm cách dọ hỏi Kha bạn của Sa về cô gái Qui Nhơn, về bạn bè khác của Sa. Kha bảo, đúng lá cô gái đó rất thích Sa nhưng Sa lại không thích...Kha, Sa và Yến như là một bộ ba thường tan sở đi chung với nhau, không biết họ có tâm sự gì với nhau không nên Yến rất giữ ý không để lộ những suy nghĩ riêng tư của mình cho họ biết. Yến đối xử với cả hai như nhau, như hai người bạn.
Một buỗi chiều, gió biển nhè nhẹ thổi, cả ba thả bộ trên con đường rời sở, Yến có cảm giác như Sa muốn chòang tay qua vai mình, nhưng rồi lại thôi. Và cả ba lại nói chuyện vu vơ.
Có lần Sa hỏi Yến:
- Yến là người Thiên Chúa giáo, thông thường lấy chồng thì phải người cùng đạo hoặc là chồng phải theo, nhưng nếu gia đình chồng khó khăn không cho con trai theo đạo vợ thì sao?
Yến cười nhẹ và trả lời một cách hờ hửng:
- Thì thôi!
Sa nói:
- Gia đình anh là người gốc Huế, cha mẹ theo xưa rất khó khăn, anh nghĩ nếu anh mà xin theo đạo để cưới vợ, chắc là ba má anh không cho!
Yến lại cười vu vơ, vì chẳng ăn nhập đâu vào đâu cả? Có ai nói thương ai đâu! Có ai nói sẽ cưới ai đâu để có một câu trả lời xác đáng.
Bẳng đi một lúc, Sa lại nói với Yến:
- Ông bà già kêu về nhà hỏi vợ, Yến thấy sao?
Yến cũng không biết lấy tư cách gì để trả lời câu hỏi đó của Sa, và Yến lại lờ vờ:
- Ừ thì ba má kêu về cưới vợ thì về coi được cưới đi. Yến vẫn giữ vẽ thản nhiên, nhưng trong lòng Yến, nhịp thở như dừng lại một chút. Nếu nói theo nhà thơ Nguyễn Du thì: “tình trong như đã mặt ngòai còn e”
Ngày tháng lại trôi đi, những tình cảm nhẹ nhàng ấy cứ quấn quít bên Yến, và Yến không hiểu mình phải làm gì, phải cư xử ra sao để xác định một tình yêu mà cứ như mơ như thật.
Một Chúa Nhật đẹp trời, cả bọn 6 người rủ nhau đi ăn ăn tiệc ở nhà một người bạn. Sáng hôm đó, Yến thấy trời cao hơn, trong xanh hơn. Cả bọn đi về Thành một thị trấn nhỏ cách Nha Trang khỏang 15 cây số, trong đó có Kim Phụng bạn Yến, Hải, Sa, Kha và Thi. Trong buỗi tiệc, cả bọn cười nói huyên thuyên, Yến thì lúc nào cũng cười trong yên lặng. Bọn con trai uống mấy cốc bia, thế là ì xèo lốp đốp hơn, Yến nghe họ nói chuyện qua lại cứ như là Yến là gì của Sa vậy, mặc dù cả hai chẳng bao giờ có một cử chỉ nào thân mật hơn là hai người bạn. Thi là một công tử bột, nước da trắng trẻo, người thì lại liêu khiêu như mấy anh chàng trong chuyện cao bồi Lucky Lucke, bình thường Thi cũng rất hiền lành. Sau khi ly ly, chén chén ngà ngà, Thi cởi chiếc khăn mù xoa chòang trên cổ mình (như cao bồi) rồi chòang lên cổ Yến. Thi nói:
- Khăn của tôi, tôi quàng cho bà, bà muốn nghĩ sao thì nghĩ! Đấy là lối xưng hô mà Yến và Thi thường hay giởn nói chuyện với nhau. Yến hay làm khó Thi vì biết Thi luôn nhường nhịn mình. Và Yến luôn coi Thi như một người anh, chung sở.
Thi lại nói xa nói gần về mối quan hệ của Yến và Sa. Chắc có lẽ mọi người chỉ suy đóan, vì đâu có điều gì thật sự chứng tỏ hai người có quan hệ tình cảm với nhau.
Thi rũ cả bọn xuống Cam Lâm, một nông trại của ba Thi để đi săn. Lúc đó Yến nhận thấy trong Thi có một cái gì khác lạ, và hình như Thi có một chút cảm tình đặc biệt giành cho Yến. Yến nhớ lại những cư xử của Thi đối với mình trước đây, và Yến mơ hồ được một phần nào cái tình cảm ấy.
Thế là cả bọn kéo nhau xuống Cam Lâm, ngôi nhà của gia đình Thi là một ngôi nhà sàn kiểu Pháp, sơn màu trắng, bước lên những bậc thang bằng đá mới đến sàn nhà, mọi sinh họat ở tầng trên và ở dưới thì trống để phòng thú dử, rắn rết. Xa xa phía sau nhà là một cánh rừng. Khung cảnh thật yên tỉnh, thật thóang mát, và Yến liên tưởng đến cảnh trong tác phẩm “Trôi theo giòng đời” của Quỳnh Dao mà Yến vừa đọc xong cách đó mấy ngày.
Cả bọn ngồi quây quần trên những chiếc ghế bành bằng mây, và lại chuyện gẩu. Thi vào trong lấy mấy cây súng săn ra để chuẩn bị cho cuộc đi săn.
Yến bổng nhớ lại đọan viết về một cuộc đi săn trong tác phẩm trên, với Văn, một người bị trúng đạn vì bị bạn bắn nhằm! và một cuộc tình tay ba...bổng nhiên Yến lo lắng, và không biết việc gì sẽ xảy ra khi mọi người hơi có hơi men...Trong khi mọi người ngồi tán chuyện, Yến cảm thấy đầu mình căng thẳng và gọi mấy người đi về...cuộc chơi chấm dứt, và mọi người cùng ra về. Về đến chợ Nha Trang, Thi bảo mọi người ghé qua nhà Thi ở đó ăn cơm nghỉ ngơi rồi hãy về, thế là cả bọn lại kéo đến nhà Thi. Yến cáo bệnh vào phòng em gái Thi nhắm mắt như ngủ, Thi bước nhẹ vào, và sụyt khẻ em mình không cho lớn tiếng để Yến có một giấc ngủ yên. Yến nghe trong lòng ray rứt và vờ như đang ngủ say không biết gì cả. Buổi đi chơi rồi cũng chấm dứt, nhưng Yến nghe như nó không được bình thường, nó làm sao đó mà Yến không thể diễn tả.
Ngày hôm sau, gặp lại Thi, Yến thấy không thể hồn nhiên như trứơc được. Yến trầm lắng hơn.
Gia đình Sa lại điện tính gọi Sa xin nghĩ phép về thăm gia đình. Sa lại nói với Yến,
- Ông bà già kêu về hỏi vợ?
Yến cũng không biết nói gì hơn là:
- Ừ thì anh về coi mắt thấy được thì cưới vợ đi.
Đúng là ngu ngơ, đúng là những con nai tơ trong cuộc sống tình cảm thời trung cổ.
Và Sa đã đi phép, đã về Đà Lạt bỏ Yến ở lại ngẩn ngơ trông ngóng...
Yến cùng Kim Phụng lên chợ, hai đứa đi rảo một vòng cho thư thái rồi vào nghỉ chân trong một quán kem. Đã lâu lắm, kể từ khi rời Sài gòn, Yến không vào những quán xá để ăn kem hay uống cà phê nghe nhạc. Giọng ca trầm ấm của Khánh Ly từ trong máy hát vọng ra:
-“ Tôi đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi, tôi nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...
Yến bổng bật cười vì sự ngu ngơ lạc hậu của mình trong âm nhạc...đây là lời một bài nhạc của Vũ Thành An phổ từ thơ Nguyễn Đình Toàn do Khánh Ly trình bày. Vậy mà mình cứ ngỡ.., và Yến cứ cười, cười mãi một mình khiến Kim Phụng phải giương đôi mắt to ngơ ngác nhìn Yến. Ở đó Yến chơi thân với Kim Phụng, hai đứa làm chung nhau, nhưng mọi suy nghĩ tình cảm Yến đều không thố lộ. Và trước mắt Kim Phụng, Yến là một người bạn cởi mở, vui tính, hồn nhiên thế thôi. Nhà Kim Phụng ở tại thị trấn, nhưng thỉnh thỏang Kim Phụng lại xuống nhà Yến và ở lại với Yến cho có bạn.