Phải như không gập Carlos F., một nhà văn tên tuổi người Mễ, có lẽ chẳng bao giờ tôi nghĩ đến viết lại một câu chuyện có thật. Là cameraman cho đài truyền hình, tôi có nhiều dịp trao đổi với loại người kiểu Carlos. Tóc bạc, nói tiếng Anh với cái giọng Tây ban Nha nghe như vừa hát vừa chạy, ông ta lại hay la lớn mỗi khi không bằng lòng. Carlos nói gần như quát " Hư cấu có huyền diệu cách mấy cũng chẳng thể so được với đời thật...". Ðám người ngồi cạnh chúng tôi trong cái Pub ở Passadena quay lại nhìn. Tôi ngượng, nói khe khẽ "OKâ, OK".Vào đầu năm 1995, hãng truyền hình cử tôi theo một đoàn sang Việt Nam thu hình những nơi ngờ là có thể tìm ra dấu vết của bọn MIA[1] đến nay vẫn chưa tìm ra xương cốt. Washington bắt tội Hà Nội là thiếu thiện chí, ngược lại Hà Nội chần chừ cho là việc bình thường hóa quan hệ quá chậm. Dĩ nhiên, bọn chúng tôi thì mặc những chuyện nói ra nói vào của bọn chính trị khó tin, sửa soạn chuyến vừa đi làm vừa du lịch. Một người mới được thu nhận vào hãng lân la đến gặp tôi. Anh ta có cặp mắt mơ màng nhưng buồn bã. Nhìn tôi cười thân thiện, anh ta bảo "tao biết Việt Nam!". Rủ anh ta cùng đi ăn trưa, tôi định moi ít thông tin nhưng anh ta cứ lắc đầu, vẻ đăm chiêu, rồi cuối cùng bảo " tao nhờ mày chuyển cho tao một bức thư, có thế tao mới kể ". Tôi lên cơn bực mình, vừa định sẵng giọng thì anh ta thở dài "...tao lại chưa có địa chỉ chính xác, nhưng tao biết đoàn bọn mày lên Sapa, thế nào mày cũng tìm ra. Mày nhận lời, tao sẽ chỉ cho mày một nơi có đầy xương...". Tôi tò mò, gật đầu. Khoảng một tuần sau, anh ta mời tôi đến dùng cơm tối ở nhà anh, làm món ăn Việt Nam, rồi đưa tôi bức thư có đề tên một người đàn bà và địa chỉ một khách sạn. Anh ta kể, và dĩ nhiên là câu chuyện tình. Chuyện tình thành tựu đẹp đẽ, dẫn đến hôn nhân, và sau là con cái chắc ít ai kể. Chuyện tình éo le trắc trở, loại này nhiều, là loại người ta có thể tâm sự với ngay kẻ mới quen. Nhìn mặt anh ta méo mó, tôi thầm nhủ, lãng mạn thật, sống thế thì rồi chỉ có chết. Anh ta dặn dò "...mày cứ hỏi khách sạn, thế nào cũng có địa chỉ mới của nàng!". Một tháng sau tôi đến Sapa. Tôi hỏi, và người ta cho tôi một mảnh giấy trên ghi số nhà, tên phố, thị trấn Ðà Lạt, một nơi cách Saigon khoảng đâu bốn trăm cây số. Saigon khá nóng nên dăm đứa trong đoàn rủ tôi là khi quay lại để lấy máy bay về L.A, nếu có được mấy ngày thì cùng nhau lên Ðà Lạt, chỗ mát mẻ và có nhiều thắng cảnh. Tôi giữ bức thư, định trao tận tay, một phần vì Bưu Ðiện ở xứ này không bảo đảm, một phần vì tò mò muốn nghe thêm từ chính miệng nhân vật nữ. Bởi câu chuyện anh bạn nhờ cầm thư kể còn nhiều lỗ hổng đen ngòm. Giống loại black-holes trong vũ trụ, những lỗ hổng khó tin này mang cái mê lực hút hồn phách con người vào một không gian đầy những bí ẩn. Và hệt như chuyện ma quỉ nghe hồi còn thơ, càng lạ lùng khó tin, lại càng hấp dẫn.Tôi đến tìm người đàn bà đó vào một buổi sáng. Ngạc nhiên, tôi không ngờ gặp một đứa con gái bề ngoài trông chỉ độ mười bốn mười lăm tuổi. Nhưng như mọi người không ở xứ này, tôi ngợ là tôi lại đoán sai. Mặc dầu rất muốn biết, vì lịch sự tôi ghìm lại không hỏi tuổi cô ta. Nói tiếng Anh tương đối khá, cô hỏi tôi bao giờ trở lại Mỹ. Tôi đáp, cô xin tôi địa chỉ, miệng cười rất tươi, mắt mở tròn như hai hòn bi mầu nâu thẫm nhìn tôi khiến thật khó mà chối từ. Hai ngày sau, cô ta đến tìm tôi ở khách sạn, tay đưa tôi một bức thư dầy. Ban đầu, tôi nghĩ là thư đáp cho anh chàng si tình làm cùng hãng với tôi. Nhưng không phải vậy. Trên phong bì có tên người nhận nhưng lại không ghi địa chỉ. Cái tên lại lạ hoắc, không phải tên anh bạn cùng chỗ làm tôi mới quen. Tôi ngỡ ngàng. Ðịnh chối từ, tôi nói cho có cớ " Tôi có thể giúp, nhưng cô biết, ra vào Việt Nam khó khăn khác hẳn với những nước khác. Thư này liệu có gây ra phiền toái với chính quyền không?". Cô gái ngượng nghịu, cố gắng kể cho tôi nội dung bức thư. Nó khá lạ lẫm, lấp một phần những cái black holes cũ nhưng cũng lại tạo ra những cái mới. Tôi nói rõ " Tôi chỉ giúp nếu cô nhận lời đi ăn tối nay và kể thêm cho tôi nghe...". Nói xong tôi xấu hổ vì đã trâng tráo đặt diều kiện như một sự trao đổi gả bán. Trước vẻ mặt đau xót của cô, tôi định biến câu vừa nói thành chuyện đùa thì cô đã gật đầu.Về lại Cali, tôi bị câu chuyện ám ảnh, mặc dầu đã xếp mọi black-holes theo một trật tự có thể hiều được, dẫu rằng, tôi thú thật, chưa chắc có thể hiểu hết. Tôi tìm Carlos nói lại. Ông ấy trừng mắt quát " Mừng cho mày! Mày viết đi. Nếu không, suốt đời mày sẽ bị ám ảnh! Nghiệp nhà văn là thế ". Tôi trợn mắt " Tôi mà là nhà văn à?". Carlos phá lên cười, khà khà bảo "Why not? [2] ".Tôi bỏ sáu tháng mới viết xong, mang lại nhờ ông đọc, lòng lo ngại. Hai tuần trôi qua. Tôi mất hết kiên nhẫn, điện thoại hỏi. Ông lại quát "Shit[3]! Cái gì thật, cái gì là hư cấu, sao lộn tầm bậy tầm bạ thế này. Và mày kể chuyện cứ như người ta đi té de, tuồn tuột ra một lèo. Viết lại!". Ba tháng sau, tôi đưa ông bản thảo thứ nhì. Ông gườm tôi, nhưng ánh mắt có chút dịu dàng, nói lớn"...Vẫn phải viết lại, kể chỉ chuyện thật, bỏ hết hư cấu. Còn bức thư của con bé con, mày cắt nó ra thành hai. Phần đầu, để độc giả đọc ngay, nhưng đừng có bàn tán với cảm tưởng cảm tiếc gì cả. Phần hai, giữ lại cho vào một đoạn sau...Ðoạn này, cũng chỉ ít lời thôi, nên mặc độc giả hiểu thế nào thì hiểu. Ðó là trách nhiệm của họ...". Nói xong, Carlos đánh một câu chửi tục kiểu Mễ rồi ngửa cổ uống bia ừng ực.Bản thảo lần thứ ba, tôi thề là lần cuối cùng, tôi làm theo lời khuyên của Carlos, nhưng không hoàn toàn như ý ông, và đôi khi tôi đi ngược hẳn lại một số mỹ quan của ông về tiểu thuyết. Tưởng ông sẽ nhẩy nhổm khi đọc, tôi đã sẵn sàng một số lý luận mang ra phòng thủ khi ông tấn công. Bất ngờ, ông lại nói "...gần được!". Lẩm nhẩm, ông ta nói một mình "...cái ý cắt bức thư thành hai chưa hẳn là chỉnh lắm!" rồi lại ngửa cổ nốc một hơi cả cái vại bia chứa vừa vặn 600 mililít.Trước khi vào chuyện, một câu chuyện khá nhiều black-holes, có lẽ tôi phải cắm một số mốc để chúng ta khỏi lạc đường. Ðầu tiên, chúng ta phải nắm một số dữ kiện văn hóa nhân chủng. Cư dân ở Việt Nam tin mình là con Rồng cháu Tiên. Niềm tin đó bắt rễ từ một thời tít tắp huyền thoại Lạc Long - Âu Cơ tôi xin kể vắn tắt. Lạc Long là rồng biển, sau khi chiến thắng những thế lực tác quái, lên làm vua phương nam. Vua phương bắc là Ðế Lai mang quân vào xâm chiếm. Âu Cơ, con gái Ðế Lai, lại phải lòng và trốn theo Lạc Long, kết cuộc Ðế Lai đành rút quân về. Ở với chồng, Âu Cơ rất hạnh phúc, sau đẻ ra một cái bọc có trăm trứng, rồi trứng nở thành một trăm người con. Một hôm, Lạc Long bảo: "Ta là rồng, nàng là tiên, khó mà ở với nhau lâu được! Nay ta mang năm mươi đứa con xuống biển, nàng ở lại núi này với năm mươi đứa kia, khi nào khốn khó thì tìm cách đỡ nhau... ". Ðám con theo cha sau là thủy tổ của dân tộc Kinh, lập ra đời Hùng Vương. Ðám ở lại với mẹ thành thủy tổ của những dân tộc Tày, Mường... ở rải rác trên miệt thượng du bán đảo Ðông Dương. Ðến đời vua Hùng thứ mười tám, có công chúa Mỵ Nương sắc đẹp tuyệt trần. Nhà vua kén rể, cuối cùng lưỡng lự giữa hai người. Một người ở trên núi, có tài chỉ tay là cây cối mọc ra, vườn tược ruộng đồng màu mỡ, là Sơn Tinh, chúa non cao. Người kia ở biển, chỉ vẫy tay là mưa rơi, kêu nhẹ là gió thổi, tên gọi Thủy Tinh, chúa biển thẳm. Vua phải chọn một, đành bảo kẻ nào mang lễ vật tới trước vua sẽ gả cho công chúa. Sơn Tinh thắng cuộc, nhưng Thủy Tinh không chịu, chạy theo đuổi đánh, làm mưa to gió lớn, nước lũ dâng lên ngập lụt khắp nơi. Sơn Tinh vẫy tay làm đồng ruộng núi non cao lên chống lại...Tiện đây, tôi xin phép mở một dấu ngoặc. Ði ngược thời gian tìm quá khứ, ngược mãi cho đến tận huyền thoại, theo tôi, thường là tỷ lệ thuận với khả năng hiểu ra hiện tại và từ đó dự báo tương lai. Như thế, huyền thoại là một phương tiện tiếp cận với hiện thực của xã hội, vừa ở mức độ ý thức, vừa ở ngay cả ở hạ tầng của ý thức con người. Nối được huyền thoại vào thực thể và hành vi ứng xử trong một nền văn hóa có khả năng tạo ra một hệ thống lý giải hẳn là thú vị. Ở đây, nói thêm là tôi không có ý cho rằng chuyện chia cắt Lạc Long-Âu Cơ hay sự tương tranh giữa Ðất và Nước qua Sơn Tinh-Thủy Tinh là hai mô típ "định nghiệp" của người Việt nói theo chữ nhà Phật. Thường, xã hội nào cũng mang sẵn những yếu tố đề kháng. Nếu huyền thoại dẫn đến hủy diệt, con người - là nạn nhân - sẽ vùng vẫy với phản ứng sống còn. Có những người đi ngược lại huyền thoại một cách ý thức. Có những người đi ngược lại huyền thoại từ một bề sâu ta không hiểu để rồi dễ dãi gọi nó là vô thức. Những người loại này thường nhớ quên lẫn lộn, thay đổi nhân cách, xoay hướng tiến hóa, thậm chí đôi khi bắt những nhân vật huyền thoại chết yểu. Nhưng thôi, cho phép tôi ngừng ở đây, để tôi trở lại câu chuyện tôi định kể. Vâng, tôi xin tiếp, tôi cắt bức thư ra làm hai... "...Nếu như chưa bao giờ anh đặt bước đến nơi đây, có lẽ em, đứa em bé nhỏ này, suốt một đời sẽ không biết mơ mộng. Không biết ước vọng. Không biết rằng ngày mai có thể khác với hôm nay. Không biết những đám mây tụ trên đỉnh Hoàng Liên Sơn có thể đi một vòng trái đất này, để anh thấy ở bên kia rồi lộn lại thăm em ở bên này, mang theo hơi thở anh trong từng phân tử nước bốc hơi có đèo vào chút vị mặn của đại dương. Nếu như anh hứa hẹn gì, chắc em điên lên vì đợi chờ. Nhưng không, anh chỉ lắc đầu. Khi người ta lắc đầu từ chối sự dâng hiến của một trinh nữ, lẽ ra, em thơ ngây nghĩ, người ta phải làm một cử động gì đó để bày tỏ sự luyến tiếc, nỗi ngậm ngùi. Thậm chí, nếu là một dâng hiến không có điều kiện như em dâng hiến cho anh, lẽ ra, anh phải làm ít nhất là một cử động bày tỏ sự thương hại. Hay khinh bỉ. Hay yếu đuối, không dám nhận và cũng không dám cho. Nhưng không. Anh chỉ lắc đầu. Rồi anh lại nhìn đám mây mù đỉnh núi, thẫn thờ hỏi "... em có nghe thấy cái tiếng huyền diệu ấy vọng lại không?". Câu hỏi chẳng dính líu gì đến em, đứa con gái ngây thơ, hồi hộp đợi anh nhìn em cách nhìn của giống đực nhìn giống cái vào mùa ái tình. Câu hỏi rơi xuống, như thân lá mục, hững hờ rơi, không để làm gì, không để cho ai, và chẳng cần lý lẽ. Không, em không nghe thấy tiếng gì ngoài tiếng tim mình đập như tiếng trống người Hmông vỗ theo nhịp câu hát lượn ở Chợ Tình.Anh hỏi, nhưng đâu cần em đáp. Em ứa nước mắt, quay người giấu sự bẽ bàng, một mình đi xuống dốc. Có lẽ anh đứng nhìn theo? Hay có lẽ anh lại thả mắt vào đám mây mù trên cao? Em nào có biết. Em cắm đầu đi xuống. Ði xuống như đi vào địa ngục.Nhưng lạ chưa, em bắt đầu mơ mộng. Em khám phá ra rằng chỉ ở những con dốc người ta mới biết kìm chân lại, biết trọng tâm thân thể ở đâu, và biết làm những động tác để cân bằng với sức xô đẩy có thể ném một con người xuống vực sâu. Nhưng lạ chưa, em bắt đầu biết ước vọng. Em ước là ngày mai khác hôm nay. Anh sẽ giơ tay vuốt ve mái tóc huyền của em mà anh ví là những sợi tơ thần thoại buộc cái đẹp vào trần thế. Anh sẽ áp mặt vào mái tóc, hôn lên nó. Lúc đó, em bỗng thành mẹ, mẹ anh, mẹ cả nhân loại. Em sẽ ôm lấy anh, bảo "...đừng khóc. Nín đi. Ngoan nào!". "Anh ơi! Hãy lắng nghe !"...[1] Mất tích trong chiến tranh[2] Tại sao không?[3] Cứt