Dòng nước xiết thu mình uốn éo qua các trũng, vực méo mó để buông mình vào không khí tạo thành âm thanh xì xầm. Có lần núi đá hỏi thác: - Ngươi chảy qua thân ta đã nhiều niên kỷ, nhưng chưa lần nào ngươi lên tiếng? Thác nhẹ nhàng; - Ta với ngươi đều là con của tạo hóa, tại sao cần phải lên tiếng? Và ta đã chảy qua thân ngươi từ lâu lắm rồi, ta cần nói gì với ngươi? Núi buồn bã: - Ta sừng sững giữa trời mấy ngàn năm vẫn chưa gặp kẻ tương đồng. Thác hỏi: - Thế người nào mới đáng là tri kỷ của ngươi? Núi cười lớn vang vọng không trung: - Cao, mạnh, lì lợm như ta. Thác phân vân: - Thế chỉ có ngươi là cao và mạnh thôi sao? Núi đáp: - Hãy nhìn xem, trên trần gian này loài người chiêm ngưỡng ta, xem sự hùng vĩ của ta như ý chí để vượt qua khắc nghiệt cuộc đời. Biết bao thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ dùng ta làm đề tài nghệ thuật. Ngay cả thiền sư, triết gia cũng mượn ta trú ẩn. Ta là biểu tượng của sức mạnh, và cả ngươi cũng chảy qua thân ta mà hình thành. Thác tung cao lên chót đỉnh núi, đáp: - Ta đâu khác ngươi. Ta cũng là đề tài của văn học và thi ca, của hội họa và nhiếp ảnh. Thiền sư, triết gia cũng từng mượn hình ảnh ta để giảng dạy. Ta là biểu tượng của đạo. Nếu có khác là ta di động, còn ngươi đứng một chỗ. Ta phiêu lưu nhiều hơn ngươi. Ta đã đi qua rất nhiều nơi, chẳng ai theo kịp ta cả, nhưng ta vẫn hiện diện ở đây hàng giây để leo qua thân ngươi. Đối với núi dường như “kỷ nguyên mấy lượt trơ không vẫn mình” đã có câu giải đáp. Và rồi cả thác và núi đều không lên tiếng đàm luận nữa. ° lấy ý từ bài "Núi": Lừng lững giữa trời trêu mưa, gió Ngạo nghễ chọc thiên đọ bão, giông Tâm nguyện gặp kẻ tương đồng Kỷ nguyên mấy lượt, trơ không, vẫn mình (trích Thiên Nhiên Thi Cảm - Đức Trí Quế Anh)