Sớm nhìn hoa nở Tối mơ thấy người Mỗi đóa hoa tươiMột vời vợi nhớĐến như hoa có mặt suốt cuộc tình của Lăng Sương Hoa, với ý nghĩa và vị trí đặc biệt "thăng hoa" trong tiểu thuyết Liên thành quyết, ngay từ buổi "khai hoa" của mối tình giữa nàng với giang hồ khách Đinh Điển.Ở đó, hoa đã thay mặt nói lên tiếng nói nhớ thương của người tình ngoài cửa ngục, gửi đến người yêu bị xiềng xích bên trong. Rồi hoa lặng lẽ thở dài bên tro xương tàn tạ của hai người trong đoạn cuối. Mở đầu, họ gặp nhau trong một hội hoa. Đinh Điển trao hoa cho Lăng Sương Hoa và bảo hoa đó rất lâu tàn: "mỗi lần ngắm hoa hãy kể như có Đinh Điển trước mặt". Tuy muốn mãi gần người tặng hoa, như màu hoa và cánh hoa không tách rời nhau, nhưng tri phủ Kinh Châu Lăng Thoái Chi, cha của Lăng Sương Hoa, ngăn cấm, chia cách họ. Vì dưới mắt ông, Đinh Điển thuộc hàng giang hồ trôi giạt như mây, không xứng với Lăng Sương Hoa là tiểu thư, hoa khôi vùng Vũ Hán. Nghe tin Đinh Điển nắm bí mật của kho tàng mà mình đang ham muốn, tìm kiếm, tri phủ họ Lăng mời Đinh Điển đến để bàn chuyện tác hợp mối duyên với con gái mình, nhưng thật ra ông ta đã dùng hoa độc làm thuốc mê bắt giam Đinh Điển, tra tấn hòng chiếm đoạt Liên thành quyết để giải mã bí ẩn về kho tàng và môn Thần chiếu công. Đinh Điển nhìn qua cửa ngục thường ngày thấy hoa trên cửa phòng của tiểu thư Lăng Sương Hoa vẫn tươi, biết là hoa ấy tươi vì mình, nở cho mình, là tín hiệu tình yêu không tàn của nàng. Đoạn này, Huỳnh Ngọc Chiến liên tưởng khá thú vị: "Cảnh đưa tin của Đinh Điển và Lăng Sương Hoa giống như anh chàng Hời trong chuyện Tô Hoài. Một người ngồi dệt vải, khi nghe mùi hương thoang thoảng lan trong cảnh đêm thanh tĩnh của cánh hoa lài ném qua cửa sổ, là biết đã đến giờ hẹn với người yêu" và "chỉ có một sự hòa điệu của cung bậc tri âm trong tình yêu chân chính mới có thể giúp người con gái xinh đẹp (Lăng Sương Hoa) làm một điều mà cả thượng đế cũng phải bàng hoàng", đó là hủy hoại nhan sắc, trở nên xấu xí, để không ai muốn cầu hôn nữa và giữ chung thủy với Đinh Điển đến chết trong sầu muộn. Đinh Điển được thả khỏi nhà giam đến bên quan tài của nàng vốn đã bị tri phủ họ Lăng dùng chất độc của hoa kim ba tuần rải lên. Đinh Điển chết, tro tàn được hợp táng cùng mộ nàng Hoa. Có thể nói, chuyện tình này là một trong những chuyện lãng mạn đậm đà mà Kim Dung đã viết và đem vào thế giới võ hiệp của ông mùi hương của một loài "hoa tình yêu" mới, nhưng vẫn mang cái tên khai sinh thanh khiết và quen thuộc đặt cho người là: Hoa.Những chuyện tình như vậy trong thế giới võ hiệp Kim Dung đến với bạn đọc Việt Nam khá sớm. Cuối những năm của thập niên 1960, đã có một số tác giả như Đỗ Long Vân, Bửu Ý hoặc Bùi Giáng viết về Kim Dung qua các bài phê bình, sáng tác của mình. Trong đó, nhận định về chữ Tình (và các đề tài triết học, văn học khác) trong tác phẩm Kim Dung đến nay vẫn được nhiều bạn đọc tâm đắc, là của nhà nghiên cứu Đỗ Long Vân với Vô Kỵ giữa chúng ta (viết cách đây hơn 38 năm, NXB Trình Bày 1967). Theo đó, các nhân vật của Kim Dung đã thường xuyên tự tra vấn, xét lại những thành kiến và những quyết định mà họ trót bị cột chặt vào đó, cho nên "người nào cũng có một đời sống bên trong sôi động". Và bên ngoài cái phong cách tàn bạo giang hồ thì "nhân vật nào trong Kim Dung lại không đa sầu, đa cảm và đa tình?". Như Hoàng Dược Sư thủy chung với người vợ sớm qua đời đã "cất tiếng sáo trên nước biếc, một mình một chiếc thuyền, ông đi khắp bốn bể tìm con".Từ đề dẫn trên, Đỗ Long Vân viết: "Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu xa nhất trong mỗi người", tuy cái tình đó khó biểu lộ và khá lạnh lùng giữa quan hệ của "các vai trò xã hội" nhưng nó lại bùng phát tự nhiên, ấm áp, hoặc nóng bỏng một khi "hai nhân vật khám phá ra nhau". Ví dụ khi Trương Thúy Sơn thuộc danh môn chánh phái Võ Đang thấy rằng Hân Tố Tố "không giống hẳn cái ảnh tượng mà ba tiếng nữ ma đầu gợi ra trong đầu chàng thì cái tình giữa hai người đã bắt đầu". Điều khác nơi các nhân vật của Kim Dung so với chuyện võ hiệp cổ điển là họ dám phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp của các quan niệm cũ. Trước họ, chữ Tình "chỉ định một tương quan ngoại tại, ước lệ và trừu tượng, quy định bởi thứ bậc xã hội và những tiêu chuẩn đạo lý" nên khó có mối tình nào nảy nở đơm bông giữa hai người Tà môn và Chính giáo. Đến Kim Dung "cái tình là tinh hoa của năng tính" có sức mạnh chuyển hóa các mâu thuẫn nội tại cũng như những "giới hạn giả tạo" do con người đặt ra ngoài xã hội. Cái tinh hoa đó tự phát tiết mang lại những sắc thái của tình yêu mà Đỗ Long Vân đúc kết như sau: "Tri kỷ như giữa Hoàng Dung và Quách Tĩnh, thần tiên như giữa Dương Qua và Tiểu Long Nữ, ác độc như giữa Du Thản Chi và A Tỷ. Có những mối tình trưởng thành trong sự chia sẻ những nguy hiểm và gian khổ chung, và những mối tình như của Hân Ly với Vô Kỵ kết tinh từ một kỷ niệm nhỏ thuở thiếu thời. Lại có những mối tình sét đánh, như Đoàn Dự vừa trông thấy Vương Ngọc Yến là tưởng như tất cả những nhan sắc khác đều bị xóa nhòa. Những người yêu thì có kẻ đào hoa như Đoàn Chính Thuần, phụng hiến như Đoàn Dự, ngây thơ như Hân Ly, đau khổ như Chu Chỉ Nhược, dịu dàng như A Chu, nhưng người nào cũng yêu đắm đuối như đã gặp trong người mình yêu một cái gì không thể gặp được lần thứ hai ở trên đời". Tới đây chúng ta hãy đến với mối tình nở hoa giữa Dương Qua và Tiểu Long Nữ. Kết quả của mối tình này khác hoàn toàn với mối tình sầu muộn của Lăng Sương Hoa viết ở đầu bài. Tiểu Long Nữ là người dạy võ nghệ cho Dương Qua nên đứng về vai vế là sư phụ của Dương Qua. Vì thế trong khuôn khổ trật tự truyền thống, hai người không thể "yêu nhau" được... Nhưng họ đã vượt qua rào cản đó để đến với nhau. Tình yêu của họ nảy mầm từ một thế giới cách biệt với người đời - hồn nhiên như mây gặp gió trên trời. Như Tiểu Long Nữ từ trong cổ mộ bước ra và Dương Qua từ cõi mồ côi vắng vẻ đến gặp nàng. Khi Tiểu Long Nữ bị kẻ khác chiếm đoạt trinh tiết, Dương Qua không coi đó là hố sâu ngăn cách. Khi Dương Qua bị chém cụt cánh tay, thành tàn tật, Tiểu Long Nữ không bị ám ảnh bởi "khiếm khuyết" đó của người yêu. Họ sẵn sàng đổi sinh mạng của người này cho sự sống người kia. Suốt 16 năm xa cách, lúc nào họ cũng nghĩ đến nhau. Gặp lại bên bàn tiệc của Cái bang, trước mặt đông đảo giới giang hồ, họ vẫn ngồi kề bên nhau chuyện trò, thắm thiết. Vượt qua những cái nhìn khắt khe, không ám ảnh bởi sự thất tiết, tật nguyền, được thử thách bởi sự phân ly, sinh tử, để cuối cùng họ sống bên nhau, thiết lập "một cõi riêng" bềnh bồng trong thế giới đầy định kiến của con người. Chuyện tình của họ đến nay vẫn được nhắc đến bởi nhiều cây bút Việt Nam. Những năm gần đây, đã xuất hiện thêm các chuyên luận, bài viết và bản dịch của các tác giả: Ông Văn Tùng, Cao Tự Thanh, Phạm Tú Châu. Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Thị Bích Hải... Trong đó Ngoài trời lại có trời của Vương Trí Nhàn gợi mở "một cách nhìn khác xưa" như thế nào về tiểu thuyết Kim Dung?