Phần I - Phải chăng công cuộc đổi mới là do Ðảng khởi xướng? 1- Bức tranh đất nước sau đổi mới: Ðại hội 6 ÐCS Việt Nam được tiến hành tại Hà Nội tháng 12.1986 đã thông qua đường lối đổi mới kinh tế. Mục đích của nó là nhằm tạo ra một cơ chế kinh tế mới, thay thế cho cơ chế chỉ huy tập trung, quan liêu, bao cấp cũ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đường lối mới đi vào cuộc sống thì ai cũng thấy rõ là đã có một sức sống mới bừng lên thật mạnh mẽ trên khắp mọi miền đất nước. Thậm chí nó còn gây ngỡ ngàng với chính những người đã từng biểu quyết thông qua nó. Nhìn chung dư luận cả trong, ngoài nước đều đánh giá cao và hết sức ca ngợi bước chuyển biến đầy tích cực này của Việt Nam. Mọi tầng lớp nhân dân hết thảy đều vui mừng, vì kể từ nay tuy vẫn còn những khó khăn, ràng buộc của cơ chế cũ. Nhưng về cơ bản thì cơ chế mới đã xác lập được quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và cá nhân người lao động. Ðiều này tạo nên một xung lực lớn, làm cho năng suất lao động trong tất cả các ngành vốn bị tụt dốc thảm hại trước đó, nay đã được phục hồi và tăng dần lên. Nhiều ngành nghề truyền thống của cha ông những tưởng rồi sẽ bị thất truyền theo năm tháng cũng đã được hồi sinh. Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới ra đời, nhiều thị trường mới được khai mở, v.v. Ngành lương thực có thể được coi là một ví dụ điển hình chứng minh cho bước chuyển biến này: - Sản xuất lương thực: từ chỗ lương thực bị thiếu thường xuyên, có khi là rất nghiêm trọng thì nay đã có đủ và bắt đầu có tích lũy. Chẳng những đồng bằng sông Cửu Long - khu vực thường sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực quốc gia có tích lũy, mà cả miền Bắc và miền Trung cũng có tích lũy. Cuộc họp của bộ chính trị ÐCS Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh chiều ngày 7.5.1989 đã có một quyết định mang ý nghĩa chiến lược: cho phép Việt Nam xuất khẩu gạo, và ngay trong năm ấy cả nước đã xuất được 1,4 triệu tấn. - Kinh doanh lương thực: khi phần lớn những trạm kiểm soát hàng hóa được lệnh dẹp bỏ thì hạt gạo Việt Nam như được chắp cánh bay. Gạo đi về những bản làng xa xôi, tới tận những hang cùng ngõ hẻm, gạo leo lên những tầng lầu cao và gạo ra nước ngoài. Tất cả những biến đổi kỳ diệu ấy là do sự vận động tự nhiên của các quy luật trong kinh tế như: quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, v.v... chứ không cần phải nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng cho ai như đã làm trước đó. Ở trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội tình hình cũng rất đáng mừng: nhân dân đã được phép đi lại, cư trú, nói năng, hành đạo,... tự do hơn trước. Nhiều sinh hoạt văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc vốn không được khuyến khích trước đó cũng đã được phép xuất hiện trở lại. Chẳng hạn như hội Lim - Hà Bắc: năm 1987 đã có quyết định của Bộ Văn Hóa - Thông Tin cho phép được chính thức mở lại. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời trong thời kỳ này được công chúng đón nhận nồng nhiệt, vì chúng đã bắt đầu nói lên được những tâm tư sâu lắng của thân phận con người, v.v... Với một bức tranh xã hội rõ ràng là đã sáng sủa hơn trước. Có rất nhiều bài viết, tổng kết, báo cáo của những người có trách nhiệm trong ÐCS Việt Nam, các nhà nghiên cứu, v.v... được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, phần lớn thường có chung một kết luận: "Công cuộc đổi mới là do Ðảng khởi xướng mà công đầu thuộc về trí tuệ tập thể của Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương ÐCS Việt Nam". Trong bài nhan đề: Ðôi Ðiều Suy Nghĩ Về Vận Mệnh Của Chủ Nghĩa Xã Hội, ra tháng 7 năm 2000, ủy viên Bộ chính trị ÐCS Việt Nam khoá 8, chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ Nguyễn Ðức Bình cũng đã viết: "… Việc thực hiện NEP ở Nga, công cuộc đổi mới ở Việt Nam, công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc, đều do ÐCS khởi xướng và lãnh đạo, đều nhằm mục tiêu xây dựng CNXH…". (xem website www.nhandan.org.vn - mục Diễn Ðàn). Theo tôi, không ai có thể phủ nhận được vai trò của rất nhiều người trong Ðảng mang tinh thần đổi mới từ các cấp ủy ở cơ sở lên tới trung ương, trong đó kể cả vai trò quan trọng của hai cố tổng bí thư Trường Chinh (giai đoạn từ tháng 7 - 12.1986) thay cho cố tổng bí thư Lê Duẩn từ trần, và Nguyễn Văn Linh (từ 12.1986 - 1991) đã thúc đẩy cho đường lối mới được thông qua. Nhưng để có một cái nhìn khách quan và thực tiễn hơn, chúng ta cần quay lại với bối cảnh lịch sử lúc ấy. 2 - Bối cảnh lịch sử trước đổi mới: a) Bối cảnh quốc tế: Tháng 3 năm 1985, khi M.Goóc-ba-chốp (Mikhail Gorbachev) nhậm chức tổng bí thư ÐCS Liên Xô, thì một năm sau đó ông đã đề ra hai chính sách lớn là: Công Khai và Xây Dựng Lại (Glasnost và Perestroika). Chúng bao gồm cả những vấn đề đối nội và đối ngoại của Liên Xô. Một trong những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại ấy là: đã đến lúc Liên Xô không thể chịu đựng được mãi những gánh nặng quá sức cho các nước đàn em trong phe XHCN được nữa. Vì Liên Xô cũng có biết bao khó khăn nội bộ cần phải giải quyết, nhân dân Liên Xô cũng thiếu thốn trăm bề và cái chính là sự bao cấp kia quá ư vô lý, không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Không cần phải trình bày dài dòng, chúng ta cũng thấy được ngay là Việt Nam đã bị hụt hẫng lớn như thế nào cả về vật chất lẫn tinh thần từ sự thay đổi này. Kể cả mất chỗ dựa duy nhất về mặt quân sự lúc bấy giờ. Trong khi sự cấm vận của Mỹ vẫn còn, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, mãi đến năm 1991 mới bắt đầu có những cuộc đàm phán cấp chính phủ để bình thường hóa. Việc quan hệ buôn bán với các nước ngoài phe XHCN tuy đã có nhưng chưa đáng kể,... (những viện trợ theo các hiệp định cũ - coi việc hợp tác toàn diện với Liên Xô là hòn đá tảng trong toàn bộ chính sách đối ngoại của Ðảng thì vẫn còn hiệu lực thi hành, nhưng những hiệp định mới thì giảm hẳn. Và trong một thời gian dài trước đó 70-80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là đến từ Liên Xô và Ðông Âu - số liệu của nhà báo Hữu Thọ, UVTƯ Ðảng khoá 8, trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương - Bản Lĩnh Việt Nam, NXB Ðại Học Quốc Gia Hà Nội 1997, Tr.193). b) Bối cảnh trong nước: Trong báo cáo chính trị của đại hội đảng 6 cũng đã thừa nhận một cách tóm lược như sau: "...Sai lầm về cuộc tổng điều chỉnh giá- lương - tiền cuối năm 1985 đã làm cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam lún sâu vào khủng hoảng, phân phối càng thêm rối ren căng thẳng, vật giá tăng nhanh, ngân sách thâm hụt lớn, lạm phát phi mã; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp, những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt còn gay gắt hơn;... ; chủ quan nóng vội, bảo thủ trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, trong cải tạo và quản lý. Những sai lầm nói trên là rất nghiêm trọng về chủ trương chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện,...". Với những khó khăn to lớn ấy, nhất là sự thay đổi từ phía Liên Xô, đã buộc những người lãnh đạo cao nhất trong ÐCS Việt Nam đứng trước một trong hai sự lựa chọn: Ðổi mới hay là sụp đổ. Và nghị quyết đại hội 6 đã ra đời trong bối cảnh lịch sử như vậy. Nó thực sự là giải pháp cho một tình thế nguy kịch, chứ không phải xuất phát từ một cái nhìn viễn kiến, có cơ sở khoa học. 3 - Ðộng lực nào đã thúc đẩy ÐCS Việt Nam chấp nhận đổi mới? Nhiều người trong Ðảng sau đó đã có ý kiến: " Thôi thì cứ cho rằng tình hình khó khăn đã buộc đảng ta phải đổi mới đi, nhưng nói gì thì nói công cuộc đổi mới vẫn cứ là do Ðảng khởi xướng. Ðiều đó thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao của ÐCS Việt Nam trước nhân dân"! Theo tôi ý kiến trên là không có cơ sở để đứng vững. Bởi vì nếu nói về giai đoạn cuộc sống nhân dân chịu nhiều khó khăn nhất, thì phải là trước đó. Cụ thể là trong các năm từ 1976 đến 1981 - Ðó là những năm tháng của mì, khoai, sắn, nui, bo bo. Của cải tạo và kinh tế mới, của quốc hữu hóa, hợp tác hóa, tập đoàn hóa, thủy lợi hóa, công tư hợp doanh hóa một cách tràn lan và của ngăn sông, cấm chợ gắt gao. Ðó cũng là những năm tháng mà lợn, gà, cá trê Phi, chim Cút, v.v "chung sống hòa bình" với người trong những căn hộ chật chội. Ở đó những người chủ gầy gò của chúng chẳng ai ra lệnh, nhưng đã phải tự hạ quyết tâm cho mình: chúng tao có thể bị đói nhưng chúng mày thì nhất định phải được ăn no! Trong bài Ðánh Thức Tiềm Lực, nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã có những đoạn viết về giai đoạn ấy như sau: …Lúc này ta làm thơ cho nhau đưa đẩy làm chi mấy lời ngọt lạt ta ca hát quá nhiều về tiềm lực tiềm lực còn ngủ yên... Xin em nhìn kìa - người cuốc đất (tôi cũng từng chai tay cuốc đất) cái cuốc theo ta đời này, đời khác lưỡi cuốc nhỏ nhoi liếm sạch cánh đồng rồi dướn mình cao chĩa cuốc lên trời bổ xuống đánh phập đẹp lắm chứ cái tạo hình cuốc đất! xin em nhìn - người gánh phân, gánh thóc (tôi cũng từng mòn vai gánh phân, gánh thóc) kẽo kẹt hai vai một nhịp cầu vồng đẹp lắm chứ cái tạo hình gồng gánh những cái đẹp thế kia em có chạnh lòng không? cái đẹp gợi về thuở ngày xửa, ngày xưa nhịp theo tiết điệu chậm buồn cái đẹp ấy lẽ ra không nên tồn tại nữa! em có chạnh lòng chăng? giữa thành phố huy hoàng bạt ngàn quán nhậu bỗng hiện lù lù chiếc xe hơi chạy than vệt than rơi tóe lửa mặt đường em có chạnh lòng chăng? xích lô đạp càng ngày càng nghênh ngang xích lô máy và xe lam chạy dầu vừa nã đại liên vừa phun khói độc người đi bộ vừa đi vừa nghĩ về tiềm lực tiềm lực còn ngủ yên,... Thầy giáo giảng rằng nước ta giàu lắm!… lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài... bài thơ dài gần 200 câu, được sáng tác trong các năm từ 1980 - 1982, nhưng bị cấm mãi đến năm 1987 mới được in trong tập Mẹ Và Em). Tình hình nghiêm trọng đến mức mà các cô gái đang tìm chọn người yêu cho mình đã phải tự động "hạ điểm chuẩn tuyển sinh" xuống chỉ còn: Một yêu anh có... may ô! hai yêu anh có cá khô ăn dần ba yêu rửa mặt bằng khăn bốn yêu có thuốc đánh răng hàng ngày!… (khuyết danh) Mà không hạ sao được khi "cánh thí sinh" cũng rất "hoàn cảnh": Bắt cởi trần phải cởi trần cho may ô mới được phần may ô! May sao nhờ sự linh hoạt trong việc xử lý tình huống ấy đã cứu vãn được tình hình, chứ nếu không thì cánh kia cũng đành chịu "thất học", còn các cô thì cũng không có "học trò"! Chẳng những là khó khăn về vật chất, mà đời sống tinh thần của nhân dân cũng rất nghèo nàn và bị o ép nặng nề. Người dân không được phép nói công khai về những nỗi buồn của chiến tranh cũng như những nỗi đau trong hòa bình. Bao năm trời đa số họ chỉ dám giữ kín ở trong đầu. Cố nhà văn - đại tá quân đội Nguyễn Minh Châu trong bài viết Hãy Ðọc Lời Ai Ðiếu Cho Một Giai Ðoạn Văn Học Minh Họa đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 5.12.1987, đã phần nào nói lên được nỗi sợ hãi ấy của giới văn nghệ sỹ nói riêng và cũng là của nhân dân nói chung: " Rất thảm đối với nhân cách của một người văn nghệ sỹ là hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó..." và "văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? hèn, hèn chứ, nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? cái sợ nó làm mình hèn.". Ðời sống của nhân dân bị khó khăn o ép là vậy, nhưng có lẽ lúc đó những người lãnh đạo cao nhất trong ÐCS Việt Nam đều cho rằng: phe XHCN đang mạnh, Liên Xô dưới thời của cố tổng bí thư Brêgiơnép (L.Brezhnev 1906 - 1982) là rất "hào hiệp". ÐCS Việt Nam chưa thấy có dấu hiệu nào của sự đe dọa mất quyền lực và do vậy nhu cầu đổi mới cũng… không có cơ sở để phát sinh! Mọi nỗ lực của đảng lúc ấy được dồn hết vào việc lãnh đạo đất nước thực hiện cho kỳ được đường lối do Ðại hội 4 đề ra năm 1976: "…Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng...". Chỉ có điều là cứ càng nắm vững chuyên chính vô sản bao nhiêu thì cuộc sống của nhân dân lại càng khó khăn, điêu đứng bấy nhiêu. (tất nhiên việc nắm chắc tay súng bảo vệ bờ cõi là cần thiết, nhưng đó là chuyện hoàn toàn khác). Nhân dân miền Nam chỉ một thời gian ngắn sau ngày 30.4.1975 "được" chia lửa chuyên chính vô sản cùng với đồng bào miền Bắc của mình, đã chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời: "Mấy ổng cái gì cũng muốn bắc (bắt), chỉ có cây cầu là hổng có thấy bắc."! (trong báo cáo chính trị của đại hội ÐCS Việt Nam lần thứ 5 họp tháng 3.1982 cũng vẫn nhấn mạnh: "Ðại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng XHCN và đường lối xây dựng nền kinh tế XHCN của đại hội 4..." - Xem website http://www.org.cpv.vn, mục ÐH ÐCS VN). Từ những trình bày trên ta có thể rút ra kết luận: chính nguy cơ đe dọa mất quyền lãnh đạo đất nước mới vừa là nguyên nhân sâu xa, vừa là động lực chính thúc đẩy những người nắm thực quyền trong ÐCS VN buộc phải chấp nhận đường lối đổi mới kinh tế vào năm 1986. Nó tuyệt đối không phải là do "tinh thần trách nhiệm cao của ÐCS VN trước nhân dân" như có người đã nêu ý kiến. 4 - Ai là người đã thực sự khởi xướng công cuộc đổi mới? Theo tôi đúng là có nhiều ÐVCS mang tinh thần đổi mới nhất là ở cơ sở, nhưng xét trên toàn bộ Hệ thống đảng là chống đổi mới, càng lên cao ở cấp trung ương càng chống mạnh. Bởi vì chính chủ nghĩa Mác - Lê Nin đã mách bảo họ rằng: nếu từ bỏ cơ chế kinh tế chỉ huy tập trung, thì việc mất quyền duy nhất lãnh đạo đất nước của ÐCS Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Chính nhân dân ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam mới là những người thực sự khởi xướng công cuộc đổi mới. Họ đã làm điều này khi âm thầm, lúc công khai nhưng rất bền bỉ và quyết liệt từ nhiều năm trước đó. Bởi vì họ đã không thể chịu đựng được mãi cái đói, cái nghèo mà lúc này cũng đồng nghĩa với cái nhục nữa. Và họ đã vùng lên, quyết "xé rào" để bung ra làm ăn sinh sống, bất chấp cái giá mà họ có thể phải trả. Ai không tin điều này xin hãy tìm hiểu thêm câu chuyện của những người nông dân Vĩnh Phú, mà ngay từ năm 1966, khi còn chiến tranh đã đề xuất với ông Kim Ngọc - Bí thư tỉnh ủy lúc ấy một cách làm mới: cho phép khoán sản phẩm cuối cùng trong nông nghiệp tới từng hộ nông dân (gọi tắt là khoán hộ), nhằm thay thế cho lề lối đi làm theo tiếng kẻng của Hợp tác xã hoàn toàn thiếu sức sống trước đó. Nghị quyết hội nghị thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phú được ra đời sau đó đã phân tích rõ 8 điều lợi của khoán hộ. Toàn bộ hệ thống Ðảng khi biết chuyện đã la hoảng lên và cái "cỗ máy nghiền" kia lập tức vận hành. Những quyết định kỷ luật được tung ra cho những người "dám cả gan" ấy, với các "tội danh" đại loại như: " Phủ định đường lối hợp tác hóa nông nghiệp, mưu toan phục hồi lại con đường tư hữu của người nông dân."! v.v…Thế nhưng chân lý cuối cùng lại thuộc về những người bị kỷ luật, chứ không thuộc về những người đã ra quyết định kỷ luật họ. (cũng cần lưu ý là cấp ra quyết định kỷ luật Bí thư tỉnh ủy tất nhiên phải là cấp trung ương). Chính vì có những người nông dân bình thường và những ÐVCS can đảm ấy, cùng biết bao người khác trên khắp đất nước, dám đương đầu với cỗ máy nghiền kia, thì nhiều năm sau mới có chỉ thị 100 của ban bí thư T.Ư mùa xuân 1981 - cho phép khoán sản phẩm cuối cùng trong nông nghiệp đến nhóm và người lao động (nhưng vẫn duy trì hệ thống hợp tác xã). Nghị quyết 10 của bộ chính trị tháng 4.1988 - cho phép giao đất canh tác đã hợp tác hóa để xã viên được trực tiếp sử dụng, v.v… Kết quả là sản lượng thóc cả nước tăng từ 12 triệu tấn năm 1981 lên 15 triệu tấn năm 1987, rồi 32 triệu tấn năm 2000 và nông nghiệp Việt Nam 15 năm qua liên tiếp được mùa, dù có những năm đất nước gặp thiên tai rất nặng. Ở trong các ngành và lĩnh vực khác, nhân dân cũng phải gánh chịu muôn vàn khó khăn không kém. Nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ nay đã mất, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống đã viết nên vở kịch Tôi Và Chúng Ta (đạo diễn Nguyễn Ðình Nghi - đoàn kịch nói Hà Nội trình diễn), được công chúng cả nước đón nhận nồng nhiệt vào những năm giữa của thập niên 80. Năm tháng đã trôi qua, nhưng những ai đã từng xem nó đều như còn nghe văng vẳng đâu đây những lời của giám đốc một xí nghiệp công nghiệp - Hoàng Việt, chúng vừa uất ức nghẹn ngào, vừa như muốn thét vào mặt những đại diện của cơ chế cũ: "… Các anh quẳng chúng tôi xuống nước bảo chúng tôi bơi nhưng lại trói chân, trói tay chúng tôi lại thì làm sao chúng tôi bơi được?…" và "…Những nguyên tắc được sinh ra là để phục vụ cho cuộc sống, chứ không phải cuộc sống phục vụ cho những nguyên tắc!…". Thế nhưng cỗ máy ấy vẫn lạnh lùng quay, nhằm cố bảo vệ cho kỳ được "những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội."! Mọi biến đổi tích cực của đất nước những năm qua một mặt chứng tỏ rằng: sự cần cù, thông minh và khả năng hòa nhập của con người Việt Nam vào một thế giới đang biến đổi hàng ngày là rất đáng khâm phục và tự hào. Nhưng mặt khác nó cũng cho người ta thấy rõ sự kìm hãm và mức độ tàn phá của cơ chế cũ đối với đất nước là khủng khiếp đến chừng nào. (nếu đem so sánh những thiên tai với những hậu quả mà những "thiên tài" đã trút xuống cho đất nước bao năm trời thì quả vẫn là…chuyện nhỏ! ). Bằng chứng là chỉ cần khi ÐCS Việt Nam trả lại cho nhân dân một phần quyền tự do mà họ đã bị tước đoạt trước đó thôi (thông qua cái gọi là:" Cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa"!), thì họ hoàn toàn có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Cho dù nguồn viện trợ đến từ các nước XHCN đã giảm dần, rồi sau đó là gần như mất hẳn. Từ những trình bày trên ta cũng có thể rút ra kết luận: nếu nói ÐCS Việt Nam đã lãnh đạo công cuộc đổi mới thì đúng (vì có chịu buông ra đâu!). Nhưng nếu lại nói rằng ÐCS Việt Nam đã khởi xướng công cuộc đổi mới là hoàn toàn sai. 5 - Một vấn đề lớn cần làm rõ: Tuy nhiên trong thực tế lại nảy sinh một điều trớ trêu và rất phổ biến là: có nhiều người trong Ðảng hôm qua đã từng không từ một thủ đoạn nào để chống lại đổi mới, thì hôm nay đùng một cái lại nghiễm nhiên trở thành "những chiến sỹ đi đầu trong công cuộc đổi mới"! Ðề cập đến "tính tiền phong" này trong bài CHIA TAY Ý THỨC HỆ, anh Hà Sỹ Phu cũng đã viết: "…Bản chất lạc hậu, không tiền phong nhưng muốn giành vị trí tiền phong thì quy trình giành lấy tiền phong phải diễn ra theo 4 bước tuần tự: Bước 1: thấy cái "tiền phong thật" ngược với mình, nên coi là phản động. Bước 2: không chống được, đành buông lỏng, để cái "tiền phong thật" tồn tại không chính thức. Bước 3: thấy cái "tiền phong thật" hữu hiệu, hợp lý nên phải làm theo. Bước 4: tuyên bố cái "tiền phong thật" ấy là do mình khởi xướng. Trong thực tiễn "cách mạng" Việt Nam, từ việc to, việc nhỏ đều có thể dẫn ra vô số sự kiện đã diễn ra theo kiểu ấy, tức là lếch thếch chạy theo thực tiễn để đoạt lấy tiền phong...". Tiến trình 4 bước trên làm cho người đọc không khỏi không liên tưởng đến câu chuyện cổ tích Thạch Sanh - Lý Thông của dân tộc! Một câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm cho người ta có thể vơ vào cho mình một chiến công lớn của nhân dân như vậy? Theo tôi câu trả lời thật giản dị: chính thể chế chính trị chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo đất nước đã là "nhân tố chủ yếu quyết định cho thắng lợi ấy’’! Những chuyện tương tự nếu là ở các nước có nền dân chủ thực sự, thì dù họ thuộc những đảng đang ở vị trí đối lập hay đảng đang nắm quyền, dẫu có rất muốn cũng không thể làm được. Có lẽ chính vì thế mà ở một đoạn khác trong bài trên, anh Hà Sỹ Phu cũng đã viết đại ý: "Người cộng sản rất thích chơi trò "đạo đức" nhưng không dám chơi trò "quân tử", dùng đạo đức con người có thể lừa cả mình, nhưng khi lòng đã cất lên tiếng quân tử thì con người phải đối diện với chính lương tâm mình không trốn vào đâu được, bởi nó cụ thể như thế nên đạo đức giả thì dễ nhưng quân tử giả thì không dễ chút nào, thiệt đến quyền lợi sát sườn ngay.". (xem tuyển tập Hà Sỹ Phu - website http://members.aol.com/vietnamgo/hasphu.htm ). Nhưng tôi tin rằng lịch sử rồi sẽ rất công bằng: Thạch Sanh là Thạch Sanh mà Lý Thông là Lý Thông, chứ không lẽ nào những gã Lý Thông hôm qua đã từng thả đá lấp hang hại người, lại hết loạt hóa thành những chàng Thạch Sanh vào hang cứu người hôm nay được. Bởi vì như thế thì quá bất công, những bất công đã kéo dài từ suốt nửa sau của thế kỷ 20, rồi nay sang luôn cả thế kỷ 21 này dứt mãi chưa ra. Họ - những gã Lý Thông thời đại ấy đã nêu thêm một gương rất xấu cho dân tộc nói chung và nhất là cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay nói riêng.