Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân
Bàn về cuốn sách của V. Ê. Pô-xtơ-ni-cốp:
"Kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga"
V

Pô-xtơ-ni-cốp không phải chỉ xác nhận là trong nông dân có mối bất hoà về kinh tế, mà còn chỉ rõ là hiện tượng đó ngày càng trở nên trầm trọng.Ông nói: "Bất cứ ở nơi nào trong nước ta, và từ xưa tới nay, đều có tình trạng là mức độ giàu có của các loại nông dân đều chênh lệch nhau; nhưng trong mấy chục năm gần đây, sự chênh lệch đó trong dân cư nông thôn bắt đầu biểu hiện rất rõ và hình như ngày càng tăng lên mãi"
(tr. 130). Theo tác giả thì những điều kiện kinh tế khó khăn năm 189116 nhất định phải thúc đẩy quá trình đó tiến thêm một bước nữa.
Do đó, một câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân của hiện tượng đó, cái hiện tượng đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nông dân, là gì?
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Tỉnh Ta-vrích là một trong những tỉnh có nhiều ruộng đất nhất trong phần nước Nga thuộc châu Âu; là một trong những tỉnh ở đó nông dân được chia nhiều ruộng đất nhất, ở đó chế độ sở hữu ruộng đất công xã là chế độ phổ biến và phần đất chia cho một đầu dân thì tương đối đồng đều, ở đó nông nghiệp hầu như là một nghề độc nhất của dân cư nông thôn; thế mà khi điều tra từng hộ thì thấy rằng 15% dân số nông thôn không có lấy một súc vật cày kéo nào cả, và chừng 1/3 dân số không có đủ nông cụ để canh tác phần đất được chia của mình" (tr. 106). Tác giả tự hỏi: "Do đâu mà có tình trạng các loại hộ lại khác nhau đến như vậy, và nói riêng thì trong điều kiện một nền nông nghiệp thuần tuý, cái gì quyết định hiện tượng  hiện đang tồn tại trong vùng chúng ta đang mô tả  những chủ hộ không có ruộng đất gieo trồng và không có súc vật cày kéo lại chiếm một tỷ lệ cao đến như thế?" (tr. 130).
Khi tìm nguyên nhân của hiện tượng đó, Pô-xtơ-ni-cốp đã hoàn toàn đi lạc đường (cũng may là không lâu) và lao vào việc lập luận dài dòng về "bệnh lười" và "bệnh nghiện rượu", và thậm chí về cả những vụ hoả hoạn và ăn cắp ngựa. Tuy nhiên, ông vẫn kết luận rằng những nguyên nhân đó không phải "là mặt quan trọng nhất của vấn đề". Tình trạng côi cút của các gia đình, nghĩa là tình trạng các gia đình không có lao động thành niên, cũng không giải thích được điều đó: trong tổng số những hộ không canh tác ở các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích (nghĩa là không có diện tích gieo trồng) thì con số những gia đình côi cút chỉ là 18% thôi.
Tác giả kết luận: "Phải thấy rằng những nguyên nhân chính của tình trạng nông dân không canh tác, là những nhân tố khác trong đời sống kinh tế của họ" (tr. 134). Cụ thể, Pô-xtơ-ni-cốp cho rằng "trong số những nguyên nhân làm cho kinh tế nông dân của một số hộ bị suy sụp thì có một nguyên nhân mà người ta có thể coi là căn bản nhất và tiếc thay, từ trước đến nay, chỉ được cơ quan thống kê của các hội đồng địa phương trong nước ta nghiên cứu ít thôi,? nguyên nhân ấy là ở chỗ các phần ruộng được chia bị chia manh mún ra và diện tích ruộng đất sử dụng của nông dân thì nhỏ; là ở chỗ diện tích trung bình của doanh nghiệp nông dân bị giảm đi" (tr. 141). Tác giả nói: "Nguyên nhân căn bản của tình trạng kinh tế nghèo nàn của nước Nga là ở chỗ diện tích ruộng đất sở hữu và quy mô doanh nghiệp của nông dân không lớn, thành thử không tận dụng được hết khả năng lao động của gia đình nông dân" (tr. 341).
Muốn giải thích luận điểm đó của Pô-xtơ-ni-cốp  luận điểm được diễn đạt một cách hết sức không chính xác, vì bản thân tác giả đã khẳng định rằng diện tích trung bình của một doanh nghiệp nông dân (17-18 đê-xi-a-tin đất gieo trồng) là đủ để cho một gia đình sống không thiếu thốn, rằng về mặt quy mô doanh nghiệp thì không thể có được một nhận định chung, sơ lược về toàn bộ nông dân,? cần nhắc lại là trên kia, ông ta đã xác định cái quy luật chung này: diện tích canh tác mà càng tăng thì năng suất lao động của nông dân cũng càng tăng lên. Theo ông tính toán thì chỉ có những loại hộ hạng trên mới tận dụng được những lực lượng lao động của gia đình (và của súc vật cày kéo) thôi: chẳng hạn, trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích chỉ những nông dân khá giả mới tận dụng được như vậy; còn tuyệt đại đa số dân cư "gãi đất với một năng suất rất thấp" (tr. 340), nên đã làm phí phạm một số lượng lao động rất lớn mà không đem lại kết quả gì.
Dù tác giả đã hoàn toàn chứng minh được rằng hiệu suất lao động là do diện tích canh tác quyết định và trong những loại hộ hạng dưới thì năng suất hết sức thấp, nhưng như thế cũng không thể coi quy luật đó (Pô-xtơ-ni-cốp gọi là tình trạng nhân khẩu thừa trong nông nghiệp ở Nga, là tình trạng nông nghiệp có quá thừa lao động) là nguyên nhân gây ra sự phân hoá trong nông dân: vấn đề lại chính là xét xem tại sao nông dân lại phân hoá thành những loại khác nhau đến như vậy. Tiền đề của tình trạng nhân khẩu thừa trong nông nghiệp là sự phân hoá đó; chính khái niệm tình trạng nhân khẩu thừa đã được tác giả xây dựng lên, khi tác giả so sánh những nông hộ lớn và nhỏ với nhau và so sánh thu nhập của các nông hộ đó với nhau. Chính vì thế mà ta không có thể trả lời câu hỏi: "do đâu mà các loại hộ lại khác nhau đến thế?", bằng cách nêu ra tình trạng nhân khẩu thừa trong nông nghiệp. Rõ ràng là bản thân Pô-xtơ-ni-cốp cũng thấy như thế, nhưng ông đã không tự đề ra một cách rõ rệt cho mình nhiệm vụ là phải tìm cho ra những nguyên nhân sinh ra hiện tượng đó, thành thử những ý kiến của ông có phần nào rời rạc: bên cạnh những luận điểm không được phát triển đầy đủ, không được chính xác, người ta cũng thấy có cả những ý kiến đúng. Chẳng hạn ông nói:
"Không thể hy vọng rằng trong tương lai, cuộc đấu tranh quyết liệt  hiện đang diễn ra trong đời sống nông thôn xung quanh việc chiếm hữu ruộng đất? sẽ góp phần làm cho những nguyên tắc công xã và những nguyên tắc hòa hợp sẽ phát triển trong dân cư. Mà cuộc đấu tranh
đó không phải là một cuộc đấu tranh tạm thời do những nhân tố ngẫu nhiên gây ra... Đối với chúng ta, nó không phải là một cuộc đấu tranh giữa những truyền thống của công xã và chủ nghĩa cá nhân đang phát triển trong đời sống nông thôn, mà là một cuộc đấu tranh đơn thuần về lợi ích kinh tế, một cuộc đấu tranh nhất định sẽ mang lại kết cục tai hại cho một bộ phận dân cư, vì tình trạng thiếu ruộng đất" (tr. XXXII).
ở một đoạn khác, Pô-xtơ-ni-cốp lại nói: "Sự thật đã mười phần rõ ràng là: do thiếu ruộng đất và diện tích canh tác nhỏ bé, do không có những nghề phụ đủ sống nên không thể có được tình trạng no đủ trong nông dân, và tất cả những hộ yếu về kinh tế thì sớm muộn cũng sẽ bị loại ra khỏi nghề nông của nông dân, bằng cách này hay cách khác" (tr. 368).
Những nhận xét đó bao hàm một câu trả lời rất đúng hơn cho câu hỏi được đặt ra, và hơn nữa còn là một câu trả lời hoàn toàn phù hợp với hiện tượng phân hoá trong nông dân đã nêu ra trên kia. Câu trả lời đó là: sự xuất hiện của một số lớn những hộ không canh tác và sự tăng thêm số lượng những hộ đó là do cuộc đấu tranh về lợi ích kinh tế trong nông dân quyết định. Cuộc đấu tranh đó diễn ra trên miếng đất nào và tiến hành bằng những thủ đoạn nào? Về thủ đoạn đấu tranh thì không phải chỉ là và cũng không phải chủ yếu là việc giành giật ruộng đất (căn cứ vào những lời nhận xét vừa được dẫn của ông Pô-xtơ-ni-cốp thì người ta có thể tưởng là như vậy) mà chủ yếu là việc giảm bớt chi phí sản xuất do mở rộng quy mô của doanh nghiệp mà đạt được, đó là điều đã được nói đến đầy đủ trên đây. Còn về miếng đất làm nảy sinh ra cuộc đấu tranh, thì điều nhận xét sau đây của Pô-xtơ-ni-cốp nói lên khá rõ:
"Doanh nghiệp của nông dân không thể ở dưới mức diện tích canh tác minimum nào đó, nếu không thì doanh nghiệp đó trở thành bất lợi và thậm chí không thể duy trì được. Để nuôi sống gia đình và súc vật (?), thì trong doanh nghiệp phải có một diện tích lương thực nào đó; nông hộ nào mà không có hay hầu như không có nghề phụ thì lại còn phải có một diện tích thị trường nào đó sản xuất sản phẩm nhằm đem bán ra thị trường để cho gia đình nông dân có tiền nộp thuế, mua quần áo và giày dép, sắm sửa dụng cụ cần thiết cho sản xuất, chi phí vào xây dựng, v. v.. Nếu diện tích doanh nghiệp của nông dân thấp hơn mức tối thiểu đó, thì không thể duy trì doanh nghiệp được. Trong trường hợp đó, nông dân sẽ thấy rằng lợi hơn hết là bỏ kinh doanh và đi làm công nhân nông nghiệp, vì số chi phí của công nhân nông nghiệp sẽ ít hơn và nhu cầu của công nhân nông nghiệp có thể được thoả mãn đầy đủ hơn ngay cả bằng một số tổng thu nhập nhỏ hơn" (tr. 141).
Nếu một mặt, người nông dân thấy rằng mở rộng diện tích gieo trồng của mình vượt quá nhu cầu của bản thân về lúa mì, là có lợi hơn, thì như thế chính là vì anh ta có thể bán được sản phẩm của anh ta. Nếu mặt khác, người nông dân thấy rằng bỏ doanh nghiệp và đi làm công nhân nông nghiệp là có lợi hơn, thì như thế chính là vì muốn thoả mãn đại bộ phận những nhu cầu của mình, anh ta phải có tiền để chi tiêu, có nghĩa là phải bán°; nhưng khi bán sản phẩm do mình sản xuất thì trên thị trường anh ta chạm trán phải một kẻ cạnh tranh mà anh ta không đủ sức đương đầu nổi, thành thử anh ta chỉ còn có cách là bán sức lao động của mình đi thôi. Tóm lại, miếng đất làm xuất hiện những hiện tượng nói trên, chính là việc sản xuất ra sản phẩm nhằm đem bán. Nguyên nhân căn bản gây ra trong nông dân một cuộc đấu tranh giành quyền lợi kinh tế là sự tồn tại của cái chế độ trong đó nhân tố điều tiết nền sản xuất xã hội là thị trường.
Sau khi đã mô tả "những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân" và đã thử giải thích những biến đổi ấy, Pô-xtơ-ni-cốp chuyển sang trình bày những biện pháp thực tiễn nhằm giải quyết "vấn đề ruộng đất". Chúng ta không đi theo tác giả vào trong lĩnh vực đó: trước hết là vì điều đó không nằm trong đề cương bài này; sau nữa, đó là phần yếu nhất trong tác phẩm của Pô-xtơ-ni-cốp. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, nếu ta nhớ lại rằng chính khi tác giả thử giải thích các quá trình kinh tế thì tác giả lại nói nhiều điều mâu thuẫn và nói lấp lửng nhất, thế mà nếu không giải thích đầy đủ và chính xác những quá trình đó thì đừng nói gì đến chuyện đưa ra được những biện pháp thực tiễn nào đó.

Xem Tiếp: ----