Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Hôm ấy vào khoảng 9 giờ tối tôi đang ngồi vất vưởng ở góc chợ Hôm để nghĩ về ngày mai đi đâu làm gì, bỗng có tiếng súng nổ ở phía thành Hà Nội (nay là nơi làm việc của các cơ quan Bộ Quốc phòng) vọng lại, mỗi lúc một dữ dội, liên hồi, đèn điện vụt tắt súng tiếp tục nổ, khoảng hơn một tiếng sau thì im hẳn. Thành phố chìm trong đêm, các cửa hiệu đóng cửa, đường phố không còn người và xe cộ qua lại. Sáng sớm hôm sau tin truyền đi - Pháp đã đầu hàng Nhật. Mặc dầu hôm nay không có việc làm có nghĩa là nhịn ăn, nhưng tôi vẫn thất thểu đi lậu xe điện (trốn vé) để xem ngắm sự tình, xem những nơi xảy ra trận đánh giữa Nhật và Pháp đêm qua. Thành cũ, Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện 108), Dinh Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch trên đường Hùng Vương) đều có lính Nhật bồng súng gác. Lá cờ trắng giữa khoanh một hình tròn đỏ như màu máu cắm la liệt các công sở, trại lính của Pháp. Xác lính Pháp và lính khố đỏ (lính người Việt trong quân đội Pháp) còn rải rác để quanh đồn trại, như muốn khoe khoang thắng lợi của Nhật. Thỉnh thoảng một toán lính Nhật cầm súng cắm lưỡi lê dong bọn Tây đầm mặt mày tái mét ngơ ngác đầy vẻ sợ hãi qua các đường phố đến nơi tập trung giam giữ. Biết rằng Nhật cũng chẳng tốt gì, chính do chúng vơ vét thóc gạo, bắt dân ta phá ruộng đang trồng lúa để trồng đay phục vụ chiến tranh đã làm dân ta chết đói tới hai triệu người, nhưng nhìn thấy cảnh Pháp thua, tôi thấy hả dạ, thoả nỗi những ngày nhẫn nhục làm lính cho chúng, bị chúng khinh rẻ. Phần do nhận thức còn nông cạn, phần do đời sống lúc này thật khó khăn, tìm được việc làm đủ tiền cho một lon gạo trong lúe giao thời đâu có dễ khiến tôi chỉ dừng lại cái hả dạ đó. Lúc ấy tôi không hiểu rằng tôi đang đứng trước một thời cơ chuyển mình lớn lao của dân tộc, của đất nước. Vài tháng sau tin tức từ quê tôi từ các vùng lân cận do người nhà ra kể lại thôn xã nào cũng có cán bộ Việt Minh về hô hào chuẩn bị đánh Pháp đuổi Nhật giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Và ở Hà Nội, ngay phố Huế, chợ Hôm, Hàng Bài này cũng vậy. Hai tiếng: "Cách mạng" được truyền lan, đi đến đâu tôi cũng được nghe, được nhắc với tình cảm trân trọng. Hà Nội những ngày tháng 8 sôi sục khí thế đấu tranh, đi đến đâu cũng bắt gặp khẩu hiệu, truyền đơn, cũng nghe mọi người bàn tán về Cách mạng. Một hôm tôi cố chen vào chợ để nghe cán bộ diễn thuyết. Anh còn rất trẻ, dáng thư sinh, nói năng hoạt bát, dễ nghe. Cuối buổi diễn thuyết anh nêu câu hỏi và giải thích liền; ngắn gọn mà dễ hiểu: - Cách mạng là gì? - Là đổi đời. - Đổi đời là gì? - Là thợ thuyền, dân nghèo cùng nhau nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật đánh đổ chế độ vua quan, giành lại quyền sống cho mình. Giành lại quyền sống. Ôi! Sao mà hợp với nguyện vọng của mình đến thế. Không chút nghi ngờ do dự tôi đi tìm Cách mạng mong được đổi đời. Đúng là có tìm thấy, Cách mạng không phải đâu xa, ngay quanh tôi, vẫn là những người thường gặp. Đầu tháng 8 tôi được tổ Thanh niên Cứu quốc do anh Lê Thám phụ trách kết nạp đoàn viên. Bước ngoặt của cuộc đời tôi bắt đầu từ đây. Cái đêm đầu tiên được đứng trong đội ngũ Thanh niên Cứu quốc tôi không sao ngủ được vì vui sướng, từ nay hết bị người đời khinh rẻ. Trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc lúc đó còn có các anh Lê Quân, Quang Liêm, Văn Xì, Hữu Thưởng, tất cả còn trẻ, đều là thanh niên, học sinh Hà Nội. Tuy gia cảnh, học vấn có khác nhau nhưng cùng chung chí hướng, thương yêu nhau như anh em một nhà, mà Lê Thám được xem như người anh cả. Từ căng dán khẩu hiệu, rải truyền đơn, diễn thuyết, chúng tôi được trang bị vũ khí chuyển thành lực lượng tự vệ chiến đấu của thành phố. Lúc này lực lượng Cách mạng phát triển ngày càng đông nhưng thiếu thốn đủ thứ, thiếu lương thực, thuốc men, thiếu chăn màn quần áo và nhất là thiếu súng đạn, rất cần cho cuộc chiến đấu sắp đến gần. Một hôm chúng tôi có việc qua khu vực Hoả Lò, phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm, thấy từ khu kho quân nhu của Pháp, nay Nhật cai quản có một đoàn xe nhà binh đi ra chở đầy ắp những thứ mà Cách mạng đang cấn, anh Lê Thám nảy ý định - ta phải tìm cách đột nhập vào trong đó. - Để làm gì - Tôi ngây thơ hỏi. - Để lấy những thứ mà chúng ta đang cần - Đưa mắt đảo nhanh bốn phía đề phòng có kẻ theo, anh bảo dừng lại, hạ thấp giọng - Những thứ không phải cho chúng mình mà còn tiếp tế lên cho anh em mình ở chiến khu giải phóng Thái Nguyên, Tuyên Quang. - Nhưng làm cách nào - Tôi hỏi - Liền đó như muốn reo lên, nhưng đường phố người qua lại rất đông, lẫn vào đó có cả lính Nhật, nên tôi hạ giọng - Đóng giả lính bảo an. (1) - Đúng rồi - một sáng kiến hay - anh Lê Thám biểu đương. Ngay trong đêm toàn đội bắt tay vào chuẩn bị, vừa bí mật, vừa khẩn trương; vừa thu gom vừa may gấp, sáng hôm sau đã có quần áo lính bảo an chính hiệu để cho một tiểu đội 10 người. Cả ngày hôm đó chúng tôi hẹn kéo nhau đến một địa điểm an toàn mặc thử quần áo, duyệt thử đội ngũ, luyện cách đi đứng ra vào, ứng xử khi qua trạm gác sao cho thực đúng với cái chất bảo an địch không thể phát hiện trước khi khởi sự. Để chắc ăn, ngày hôm sau đội còn cử người bám sát khu kho, nắm tình hình người, xe ra vào, tình hình canh gác, khám hỏi khi ra vào cổng gác. Ngày thứ ba, đúng 9 giờ, có một tốp lính bảo an quần áo chỉnh tề, hiên ngang đi đến khu kho, lính gác không cần nhận diện, chỉ lướt qua giấy công vụ, mở cổng cho vào. Nửa tiếng sau - khoảng hơn 10 giờ tốp "bảo an" trở ra mang theo những thứ vừa được cấp phát: 50 súc vải, 100 bộ quần áo. Đó là tiểu đội tự vệ vũ trang do anh Lê Thám chỉ huy đã hoàn thành nhiệm vụ lấy của địch bồi dưỡng lực lượng ta. Toàn đội phấn khởi, tự tin, chúng tôi đã tính đến chuyện đột nhập vào kho vũ khí địch, đánh các bốt gác của lính bảo an để cướp súng đạn địch, trang bị cho ta. Vạn sự khởi đầu nan, việc đầu trót lọt, việc sau nhất định thành. Vả lại lúc này lực lượng tự vệ chiến đấu của thành phố phát triển rất nhanh đông tới 700 người, sau ngày 19 tháng 8 tổ chức thành các chi đội. Trong lúc mọi thành viên đang hào hứng hướng sự suy nghĩ, tìm tòi cho cách làm ăn này thì có lệnh của Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội - Chuẩn bị đi làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh tổ chức tại Nhà Hát Lớn (nay là Nhà hát th nh phố) chiều ngày 17 tháng 8. Với tôi không có băn khoăn gì khi nhận lệnh, vì dù sao cũng là lính mới. Nhưng một số anh em khác thì thắc mắc: Sao lại bảo vệ cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức của Nhật đứng ra tổ chức. Vừa lúc đó anh Lê Thám về, nét mặt phấn chấn, dáng điệu khẩn trương, vì thời gian còn rất ít, anh tranh thủ giải thích: - Đúng là cuộc mít tinh chiều nay do Tổng hội viên chức thân Nhật tổ chức. Đồng bào sẽ đến và đến đông vì đang thèm tin tức, vì thế hễ nghe nói có diễn thuyết là mọi người tin sẽ có Việt Minh xuất hiện, hy vọng sẽ được nghe, được biết cái gì đó sẽ xảy ra nay mai. Vì vậy theo lệnh của Uỷ ban Khởi nghĩa thành phố, chúng ta phải biến bị động thành chủ động, biến cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức thành cuộc mít tinh của ta. Nhiệm vụ của các tổ chức tự vệ chiến đấu chúng ta là vừa trấn áp địch, vừa bảo vệ an toàn cuộc mít tinh không cho chúng chống phá, vừa bảo vệ người của ta lên diễn thuyết vạch mặt kẻ thù, cổ động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền. Ngừng một lát, nhìn đồng hồ, anh ra lệnh: - Mỗi người cầm một lá cờ nhỏ giấu kín, theo tôi ra ngay địa điểm mít tinh, đứng lẫn vào với dân và làm theo hiệu lệnh chung trên kỳ đài. Hai giờ chiều cuộc mít tinh khai mạc. Chúng tôi đứng tề chỉnh ở hàng trên, nhìn lên kỳ đài rất rõ. Một diễn giả mặc quần áo sang trọng đứng lên giới thiệu chương trình trước máy phóng thanh. Tiếp đến người thứ hai cũng quần áo sang trọng, đầu chải tóc hất ngược phía sau vừa đằng hắng lấy giọng, chưa kịp cất tiếng thì một đội viên tự vệ bên cạnh giương cao lá cờ đỏ sao vàng lên. Thế là hàng vạn người đứng dưới hô vang: Cờ Việt Minh! Cờ Việt Minh! Hoan hô cờ Việt Minh! Hoan hô cờ Việt Minh! Chúng tôi hô theo và nhanh chóng lấy cờ giấu trong túi ngực tung lên, các tổ tự vệ khác cũng làm như vậy, vừa gìơ cao lá cờ rẽ đám đông chạy từ chỗ này đến chỗ khác cổ vũ đồng bào và sẵn sàng trấn áp những kẻ trà trộn gây rối để cuộc mít tinh được tiếp tục theo hướng chỉ đạo của ta. Anh Lê Thám hất hàm ra hiệu, tất cả chúng tôi lại hướng về phía kỳ đài để thực hiện hiệu lệnh hướng dẫn phát ra từ trên đó. Theo hiệu lệnh đã quy định, ba đội viên tuyên truyền xung phong xông lên, chĩa súng dồn "ban tổ chức" vào một góc, lập tức một đội viên tự vệ của chúng tôi tiến nhanh tới chân kỳ đài vung lưỡi dao bén sắc chém đứt dây lá cờ "quẻ ly" của chính quyền bù nhìn do Nhật dựng lên rơi nhanh, một lá cờ đỏ sao vàng rất to rộng xuất hiện trên bao lơn Nhà Hát Lớn phủ kín khoảng giữa trườc mặt nhà hát. Thế là hàng vạn người đứng dưới lại vỗ tay reo hò vang dậy cả một góc phố. Khi có tiếng trên loa phóng thanh: "Thưa quốc dân đồng bào" thì trật tự được lập lại nhanh chóng, một không khí im lặng nghiêm trang lan nhanh đến mọi người. Không gian chỉ còn vang lên những lời diễn thuyết hào hùng phát ra từ các loa với lời kêu gọi ngắn gọn mà thôi thúc: Hỡi quốc dân đồng bào! Giặc Nhật xâm lược và thống trị nước ta. Chúng đã gây cho nhân dân ta bao đau thương, chết chóc. Nay chúng đã thua trận và hạ súng đầu hàng đồng minh. Thời cơ cho nhân dân ta vùng lên đánh đổ phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai để giành lại độc lập, tự do thực sự đã đến! Đồng bào hãy nghe tiếng gọi của Việt Minh, vừng lên khởi nghĩa! Cuộc mít tinh theo lời kêu gọi của Uỷ ban khởi nghĩa đã biến thành cuộc biểu tình khổng lồ diễu qua các phố. Theo sự hướng dẫn của các hội viên cứu quốc và các đội tự vệ chúng tôi, cuộc tuần hành đã diễu qua phố Tràng Tiền, đổ ra Bờ Hồ vòng lên Hàng Đào, Hàng Ngang qua chợ Đồng Xuân quay xuống vườn hoa Hàng Đậu, Cửa Bắc đến phủ toàn quyền, rẽ vòng sang Cửa Nam. Cuộc tuần hành của hơn hai vạn nhân dân Hà Nội kéo dài đến 9 giờ tối mới kết thúc. Trước khi giải tán ở ga xe điện Bờ Hồ đoàn tuần hành còn đứng lại 5 phút kính cẩn chào lá cờ Việt Nam và hô khẩu hiệu: - Việt Nam độc lập vạn tuế! Đêm ấy về chúng tôi không sao ngủ được, phần vì vui quá, tự hào quá về việc làm đầy mưu trí, đã biến cuộc mít tinh do địch tổ chức để hô hào đánh lạe hướng đồng bào thành cuộc mít tinh tập họp biểu dương sức mạnh của ta, càng động viên khí thế hừng hực đấu tranh của nhân dân toàn thành phố; phần vì chúng tôi được nghe anh Lê Thám phổ biến tiếp nhiệm vụ phải làm trong những ngày tới. Cụ thể là gì và ở đâu trên chưa nói rõ vì phải giữ bí mật, chỉ biết rằng những việc phải làm mà trên sẽ giao là rất nặng nề và khẩn trương. Đêm 18 như không khí của đêm 30 Tết, bận, lo nhưng trong lòng mỗi đội viên tự vệ chúng tôi cứ phơi phới. Mọi thứ cho nhiệm vụ đã đầy đủ, ai nấy thấp thỏm mong trời mau sáng. Nhiệm vụ của chúng tôi là vừa tham gia vừa bảo vệ cuộc mít tinh cũng tổ chức tại Nhà Hát thành phố, sau đó tham gia đánh chiếm các công sở, của chính quyền bù nhìn, các trại lính bảo an. 19 tháng Tám đã đến! Tiết trời thu thật đẹp. Mấy hôm trướe còn vần vũ đầy mây, thỉnh thoảng có mưa, vậy mà hôm nay bỗng nắng ráo khô sạch, bầu trời cao xanh không một gợn mây. Chúng tôi đi trong đội ngũ chỉnh tề, nhưng vẫn phải ghen lên khi nhìn thấy Đội thanh niên xung phong Hoàng Diệu đàng hoàng quá, hùng dũng và đẹp đẽ quá. Tới đầu phố Tràng Tiền anh em xếp hàng ba, súng khoác vai, khiên, mã tấu cầm tay, bước đều dưới lá cờ đỏ sao vàng rộng khổ may bằng sa tanh viền tua óng ánh, trên nền cờ thêu chữ bằng kim tuyến - "Đội thanh niên xung phong Hoàng Diệu". Được biết lá cờ này do Hội Phụ nữ Cứu quốc thành phố vừa mới tặng. Đội tự vệ chiến đấu chúng tôi đứng hàng đầu bên trái quảng trường, nhìn lên lễ đài khá rõ. Đúng 11 giờ cuộc mít tinh bắt đầu với nghi thức mà cuộc mít tinh chiều 17 tháng 8 không có. Sau phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ Cách mạng đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, ba phát súng báo hiệu lễ chào cờ. Lúc này sao trong tôi bỗng hồi hộp lâng lâng, vì thấy cái gì cũng mới lạ mà thân thiết quá chừng, ấm lòng quá chừng. Tôi đang triền miên suy nghĩ như vậy thì trên tầng cao nhà hát, hàng ngàn truyền đơn bay xuống như đàn chim trắng vỗ cánh tung bay, đón chào ngày Hội Cách mạng. Tiếng vỗ tay vang dậy khi một diễn thuyết viên (sau này tôi được anh Lê Thám cho biết là đồng chí Nguyễn Huy Khôi) xuất hiện trước máy phóng thanh, đọc Lời kêu gọi của Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội, về nhiệm vụ cần kíp lúc này là phải đập tan ách thống trị của phát xít Nhật, kiên quyết đối phó với dã tâm của bọn thực dân Pháp nuôi cuồng vọng khôi phục chính quyền của chúng ở Đông Dương. Trong tôi như có sức bật dậy khi nghe đoạn cuối lời kêu gọi: "Điều cần thiết nhất lúc này là chúng ta phải thành lập một Chính phủ cộng hoà dân chủ Việt Nam trong đó dân chúng được tham gia chính quyền để tự định đoạt số phận của mình". Bỗng nhiên diễn thuyết viên đọc to hơn, giọng nhấn mạnh những ý mà đến nay đã gần nữa thế kỷ trôi qua tôi vẫn nhớ: "Hỡi quốc dân đồng bào! Hãy tự tin, tự cường, hãy tỏ cho thế giới biết đến sức sống dồi dào, đến ý chí chiến đấu cường liệt của dân tộc Việt Nam luôn luôn vươn tới một cảnh đời phóng khoáng và độc lập, hãy cùng tôi hô những khẩu hiệu sau đây: - Đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. - Thành lập Chính phủ Cộng hoà dân chủ Việt Nam! - Việt Nam hoàn toàn độc lập! - Đả đảo bọn thực dân Pháp muốn khôi phục chủ quyền ở Đông Dương. Tiếng hưởng ứng vang dậy của 20 vạn quần chúng sau mỗi lần diễn thuyết viên hô. Dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban Quân sự Cách mạng, cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình vũ trang, vừa phối hợp tiến công, chế áp địch khi gặp tình huống gay cấn. Đánh chiếm phủ Khâm sai.(2) Khi đoàn biểu tình đến gần, bọn cầm đầu "Uỷ ban chính trị lâm thời" ra lệnh đóng chặt cửa và cho lính dàn sát hàng rào sắt sẵn sàng nổ súng vào đội quân khởi nghĩa. Nhưng lính bảo an ở đây đã nghe theo lời kêu gọi của cán bộ Việt Minh. Tranh thủ thời cơ, một số đội viên tự vệ chiến đấu đã nhanh chóng leo qua hàng rào sắt, nhảy vào trong sân, đồng thời một số hội viên cứu quốc quân vòng lối sau nhảy vào phủ Khâm sai. Phối hợp khí thế bên ngoài, một số nhân mối của ta trong hàng ngũ lính bảo an tiếp tục vận động, lập tức cả anh em lính bảo an, cộng cả số mới được tăng cường hôm trước lên tới hai đại đội nhất loạt xin hàng, mang hết vũ khí khoảng 200 khẩu súng xếp thành một đống giữa sân. Lục lượng cách mạng có thêm sức mạnh, hạ lệnh cho lính gác mở cổng. Đội quân khởi nghĩa tiến vào sân, một đội viên cứu quốc trạc 15 tuổi mặc quần áo xanh công nhân được phân công từ trước trèo lên nóc nhà, hạ cờ quẻ ly xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên, lúc này trời gió mạnh, lá cờ được thế càng phần phật tung bay trước tiếng hò reo của quần chúng vang động lan xa. Hai người trong Uỷ ban Quân sự cách mạng (sau này được biết là đồng chí Nguyễn Khang và đồng chí Trần Tử Bình) đến thẳng nơì làm việc của "Uỷ ban chính trị lâm thời" tuyên bố giải tán tổ chức này và hạ lệnh bắt giam những kẻ cầm đầu tổ chức phản động tay sai của Nhật. Đánh chiếm trại bảo an binh. (3) Cuộc chiến đấu ở đây tuy không phải nổ súng nhưng diễn biến có phức tạp và gay go. Mãi vài ngày sau khi kết thúc trận đánh, nghe anh Lê Thám đi họp trên thành phố về kể lại, chúng tôi mới hiểu tường tận: Trước uy lực của đội quân Cách mạng, địch ở đây (lực lượng còn mạnh) buộc phải mở cửa. Lực lượng tự vệ của ta đã vào sân, nhanh chóng tản ra hình thành thế bao vây. Chỉ huy trại là một viên quan ba người Việt tên là Thụ. Khi Nhật hất cẳng Pháp, hắn bỏ. chủ cũ, theo chủ mới, tiếp tục làm tay sai cho ngoại bang chống phá Cách mạng. Biết thế nào cũng bị Cách mạng tìm đến hỏi tội, nên hắn đã được Nhật hứa tiếp ứng khi có điện cầu viện, nhưng không biết ngày giờ nào ta vào. Giờ này trước khí thế sôi sục của phong trào Cách mạng trong thành phố những ngày qua, trước lực lượng vũ trang Cách mạng đang đối mặt với hắn, biết không thể nào khác, nhận nộp vũ khí, nhưng hắn nhũn nhặn lý sự: - Xin các ông chậm cho ít phút để trình lên cấp trên vì tôi chỉ là cấp thừa hành. Biết đây là kế hoãn binh, chờ cầu viện, ta dứt khoát ra lệnh: - Cấp trên của anh đã quy hàng và đã trao chính quyền cho Cách mạng rồi. Bây giờ đến lượt các anh. Thụ chịu nhún nhưng vẫn xảo quyệt: - Chúng tôi xin đi theo Cách mạng. Lúc đầu xin để nguyên như cũ. Ta tiến công liền: - Ông phải nộp hết vũ khí cho quân Cách mạng! Đây là lệnh. Thụ vẫn hoãn binh: - Chúng tôi đã nói là xin theo các ông rồi. Còn chuyện vũ khí và binh lính xin các ông hãy khoan cho. Trong khi vừa đấu lý vừa thuyết phục, nhờ sự giúp đỡ của nhân mối do ta gài vào từ trước, các đơn vị tự vệ ta đã chiếm hầu hết các vị trí quan trọng trong trại, kể cả kho vũ khí. Quần chúng cách mạng ở bên ngoài dưới sự hướng dẫn của cán bộ đang đồng thanh từng đợt hét vang phẫn nộ đòi giải quyết nhanh chóng. Trước tình thế đó Thụ buộc phải làm theo yêu cầu của ta. Cuộc đánh chiếm trại lính bảo an đã thành công. Đến chiều ngày 19, việc đánh chiếm các cơ quan đầu não then chốt của chính quyền bù nhìn đã xong (trừ đài phát thanh Bạch Mai, nhà băng Đông Dương - nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước), cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội căn bản kết thúc thắng lợi. Những ngày sau đó, các đơn vị tự vệ chiến đấu cùng với Đội Thanh niên xung phong Hoàng Diệu chia nhau đi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ các kho tàng, trự sở làm việc của cơ quan chính quyền cách mạng mới được thành lập. Đúng là cách mạng đồng nghĩa với đổi đời! Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia bảo vệ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình, chúng tôi được lệnh chuyển ra đóng quân ở đình Soi Sử, Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây cũ. Như nhiều đơn vị tự vệ chiến đấu khác, đội tự vệ cứu quốc chúng tôi được bổ sung nhiều đội viên từ các đoàn thể cứu quốc phát triển thành Đại đội Giải phóng quân mang tên Đại đội Lê Thám vì vẫn anh Lê Thám làm đại đội trưởng. Số anh em cũ từ ngày còn là tổ Thanh niên Cứu quốc hoạt động bí mật nay phân ra các tiểu đội, trung uội mới thành lập, một số được phân công làm cán bộ chỉ huy, trong đó tôi được giao nhiệm vụ tiểu đội trưởng. Một tình cảm chan hoà, thân thương gắn bó tuy mới được hình thành nhưng sâu đậm, hình ảnh về cái tiểu đội sơ khai buổi đầu vẫn thường được nhắc đến một cách trân trọng, trìu mến mỗi khi chúng tôi rảnh rỗi. Chẳng thế mà có anh đã xếp vần tên của từng thành viên trong tiểu đội thành hai vế đối rồi khắc lên hai cột đình. Thám, Hữu, Đào, Lan, Cầm, Thượng, Thuý Thanh, Liêm, Miêu, Miễn, Thường, Vân Xì. Ý muốn nhắc rằng những kỷ niệm buổi ban đầu là thiêng liêng, nếu thế nào thì cũng không bao giờ quên nhau. Thời gian này về tinh thần thì phấn chấn, thanh thản, đúng là cuộc đổi đời đang đến với mọi người, nhưng về vật chất thì thiếu thốn trăm bề. Nạn đói vẫn đang hoành hành đe doạ do sự bóc lột, vơ vét quá tham của Nhật, Pháp; tiếp đến đê sông Hồng vỡ hơn 100 quãng làm ngập tám tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình. Ngân hàng Đông Dương vẫn còn trong tay Pháp, Chính phủ cách mạng chỉ thu được trong kho bạc 1.233.000 đồng tiền Đông Dương mà quá nửa là tiền rách. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Bác Hồ đã ban hành quyết định khẩn cấp cứu đói, là một loại giặc trong ba loại giặc phải chống lúc đó (giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm). Chính Người đã gương mẫu thực hiện cứu đói trước bằng cứ mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo góp phần cứu đói. Đời sống của Quân giải phóng cũng muôn vàn khó khăn, vì quá thiếu, hàng ngày khi đến giờ ăn, chúng tôi phải phân người chia đều cơm, thậm chí cả cháy cũng vậy. Một hôm trong bữa ăn, đến lượt chia cháy, tôi được ưu tiên miếng to hơn. Thấy thế Quang Liêm là tiểu đội phó (cựu sinh viên trường Luật) lừa giằng rồi vừa chạy vừa tranh thủ ăn. Đến khi bắt được thì Quang Liêm đang nhai miếng cuối cùng. - Tao tặng mày, nuốt nốt đi - Tôi nói. - Không được, bữa chiều bắt nó phải trả lãi, một thành hai - Cậu Miễn xen vào. - Là cách mạng rồi, sao còn lệ vay lãi? - Quang Liêm đối lại. Cả bàn ăn cười ồ, bữa cơm kết thúc thật nhanh, chẳng ai có cảm giác là mình vừa ăn cơm vì bụng vẫn lép, đói vẫn hoàn đói. Trong hoàn cảnh như vậy mà cái vui, cái lạc quan yêu đời vẫn trùm lên tất cả, ai cũng sẵn sàng chấp nhận sự đói thiếu đó. Chú thích: (1) Lính người Việt do Nhật tổ chức sau đảo chính Pháp. (2) Nay là Nhà khách Chính phủ, số 10 đường Ngô Quyền.(3) Nay là số 40 Hàng Bài.