Tháng 7 năm 1969 tôi được Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền cử ra Hà Nội báo cáo kết quả hoạt động quân sự trên chiến trường B2 trong hai năm 1967-1968, kết hợp vào Viện quân y 108 điều trị bệnh dạ dày đã giày vò tôi trong nhiều năm. Ra viện, tôi nhận quyết dịnh ở lại làm phái viên của Quân uỷ Trung ương. Do được tích luỹ kinh nghiệm chiến đấu qua tham gia chỉ huy các trận đánh Mỹ ở Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Cần Đâm, Cần Lê, trong chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ vào chiến khu Dương Minh Châu, tôi được các anh lãnh đạo Bộ Quốc phòng giạo tham gia cùng với Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tiến công quân sự đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ vào Đường 9-Nam Lào; tham gia xây dựng nội dung tập huấn cán bộ phục vụ yêu cầu chiến đấu mới; cùng anh Vương Thừa Vũ phó Tổng Tham mưu trường lên Xuân Mai, Sơn Tây tổ chức diễn tập thực binh sư đoàn chiến đấu tiến công hiệp đồng binh chủng diệt cụm quân Mỹ, chiến đoàn nguỵ. Lúc này Bộ cũng đã thành lập quân đoàn(1) để đón thời cơ, nhưng sau đó vì nhiều lý do đã giải thể. Thời gian và công việc đã thật sự lôi cuốn tạo thành sự hứng khởi trong tôi. Phần vì được dịp trình bày với các anh lãnh đạo cấp trên, vđi các cơ quan chức năng của Bộ những suy nghĩ, những tâm đắc của bản thân rút ra từ thực tế đánh Mỹ qua hai mùa khô ở Đông Nam Bộ; phần có điều kiện trao đổi, học hỏi những vấn đề mới về đường lối quân sự, nghệ thuật chiến dịch, tư duy quân sự trong tôi được nâng lên rõ rệt. Thời gian làm nhiệm vụ phái viên của Quân uỷ, tôi được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin chỉ đạo chiến tranh, tổ chức thực tiễn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương có tầm nhìn đi trước thời gian, bao quát không gian rộng. Sau thắng lợi ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào, sự chuyển biến cục diện chiến lược có lợi cho ta, các anh trong Bộ Chính trị đã hình thành chủ trương về một đợt hoạt động quân sự tiếp theo trong năm 1971 và cho cả năm 1972. Và ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, bộ phận giúp việc Quân uỷ bắt đầu chuyển động, chuẩn bị dữ kiện để đề xuất, vạch kế hoạch, biện pháp phải làm khi cấp trên đòi hỏi, khi Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương có nghị quyết chính thức. Tuy mới chỉ là dự kiến, tất cả đang còn khuôn trong phạm vi hẹp, nhưng các cơ quan giúp việc Tổng tư lệnh, Quân uỷ Trung ương (Bộ Tổng Tham mưu - Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) đã triển khai thực sự với nhịp điệu khẩn trương, trên tinh thần nghiêm túc. Từ khả năng đã trở thành hiện thực. Tháng 5 năm 1971 Bộ chính trị họp chính thức ra nghị quyết, tiếp đó Quân uỷ Trung ương ban hành nghị quyết tổ chức thực hiện cụ thể. Kết thúc hội nghị Quân uỷ Trung ương, anh Lê Duẩn nêu ý kiến: - Bộ chính trị, Quân uỷ Trung ương đã có nghị quyết, cần người vào B2 trực tiếp truyền đạt, vì thời gian đang rất khẩn trương, công việc lại nhiều. Các anh trong Thường trực Quân uỷ suy tính. Anh Lê Trọng Tấn huyết áp đang thời kỳ dao động. Rồi tôi được gọi lên. Trước hết các anh thăm hỏi sức khỏe, tình hình gia đình. Tôi báo cáo: - Dạ dày đã cắt được sáu tháng, ổn định, sức khỏe tốt. Anh Văn ngắm nhìn thần sắc như muốn thẩm định về bệnh tình ổn định, sức khỏe tốt mà tôi vừa báo cáo, rồi thân mật: - Hoàng Cầm có thể trở lại chiến trường được không? - Dạ được - Tôi trả lời. - Đi được ngay? - Anh Văn hỏi tiếp. - Báo cáo sẵn sàng - Tôi đáp. - Chuẩn bị gấp - Anh Văn chỉ thị. Không gian nơi anh Văn làm việc thoáng đãng và yên tĩnh, thỉnh thoảng có tiếng động cơ xe chạy từ phía đường Hoàng Diệu vọng vào. Căn phòng đơn giản, ngăn nắp mà đầy đủ. Một không khí ấm cúng, một tình cảm bình đẳng, thân mật lan toả, anh Văn rót nước mời tôi rồi tiếp tục giao nhiệm vụ: - Bộ Chính trị đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn toàn miền Nam trong năm 1972, nhằm tiêu diệt một phần lớn lực lượng chủ lực quân nguỵ, đẩy mạnh phong trào nổi dậy của quần chúng và đấu tranh chính trị ở các đô thị, giải phóng thêm những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc chính quyền Mỹ phải chấp nhận giải pháp chính trị có lợi cho ta, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài. Riêng với B2 yêu cầu khẩn trương kết thúc đợt hoạt động phối hợp với bạn trong chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân "Toàn thắng 1 - 71" của Mỹ - nguỵ, chuyển toàn bộ đội hình khối chủ lực về nước triển khai chuẩn bị đợt tiến công quân sự vào đầu mùa khô năm 1972 nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh chiếm một số bàn đạp then chất, cải thiện thế trận, khôi phục lại cơ sở như trước Mậu Thân 1968. Vì vậy cần cử người vào gấp truyền đạt, để kịp chuẩn bị với các chiến trường khác, vì Đông Nam Bộ là hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam. Buổi làm việc thân tình, cởi mở, nhưng khi kết thúc, tôi vẫn đứng dậy theo tư thế nghiêm, giơ tay chào theo điều lệnh trước lúc ra về. Anh Văn cũng đứng dậy, theo tư thế nghiêm giơ tay chào đáp lễ cấp dưới. Anh lại nở nụ cười quen thuộc, nắm tay tôi lắc nhẹ, chúc tôi khẩn trương chuẩn bị để lên đường theo đúng ngày quy định. Tôi tranh thủ nghiên cứu nắm vững ý định của cấp trên, thu thập các tài liệu, văn bản có liên quan đến nhiệm vụ của chuyến đi. Tư tưởng thoải mái, thanh thản, hành trang cũng gọn nhẹ, theo quy định chung của mỗi cán bộ, chiến sĩ lên đường đi B. Một ba lô con cóc, có đủ quần áo, màn, võng, tăng, bạt, túi thuốc cá nhân, với một định suất ăn khô dự phòng khi tình thế không nấu cơm được, khi địch vây căn, đánh úp, đội hình hành quân phải phân tán. Nếu phải suy nghĩ tìm hiểu, ấy là vì sao sức khỏe tôi lại chóng bình phục sau khi nằm viện? Vì sao dạ dày của tôi được khâu lại sau khi đã cắt hai phần ba, rồi chỉ bục do thịt bở không còn tế bào nuôi dưỡng. - Phải cắt hết? - Tôi hỏi. - Cắt thì dễ, nhưng còn có điều kiện tồn tại, tiếp tục làm việc - Giáo sư Tôn Thất Tùng giải thích. Hội đồng khoa học bệnh viện họp bàn cách xử lý. Cứ thử phun Pê-lê-xi-lin vào vùng mổ rồi đóng lại, sau một tuần nếu chịu, sẽ không phải cắt tiếp. Gần như chưa gặp ca này bao giờ, sau khi làm các công việc kể trên, anh Tùng trao đổi với tôi: - Chiến đấu gian khổ, ăn uống thiếu thốn, mất hết dinh dưỡng làm da thịt anh bở, hay vì ảnh hưởng chất độc hoá học? Ngay lúc ấy tôi có suy nghĩ, nhưng cững thoảng qua, tôi lại tự nhủ, sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Nếu đúng thì nghĩ cũng đến thế, nếu không đúng thì, tư tưởng là rất quan trọng, thanh thản là một thứ thuốc đặc trị không thể mua được. Đến lúc nhận lệnh thì người đã khỏe, chắc là bệnh lành chứ không ác. Tôi tranh thủ luyện tập, ăn có ít hơn, vì dạ dày cắt nhiều, kết hợp đi xe đạp về thăm nhà vào những ngày nghỉ. - Anh lại đi! Chưa kịp nói tiếp thì vợ tôi cắt ngang: - Đi đâu? - Đi B. - Sao phải đi? Anh thuộc diện "phế phẩm", dạ dày chỉ còn bằng cái chén. - Lệnh trên - Tôi trả lời. Một thoáng im lặng, nhìn nét mặt vợ, tôi thấy có cái gì như ý thức được hai chữ lệnh trên, đồng thời lại buột lên nghi vấn: - Hay là anh có cái gì trong đó? - Có nhiệm vụ và có đồng chí. Một nét buồn lo hiện trên gương mặt vợ, khiến tôi chạnh lòng, chỉ thấy thương, thấy yêu chứ không có gì trách cứ, vì lúc này một nách năm con còn nhỏ dại mà tình hình miền Bắc vẫn đang rất gian khổ và căng thẳng. Nói gì lúc này cũng thấy khó và không cần thiết. Tôi chỉ im lặng và quay ra âu yếm đàn con, hỏi chúng đủ điều, tạo ra một khung cảnh vui của trẻ thơ làm khuây khoả tình cảm mẹ cha. Công việc chuẩn bị xong trước thời gian quy định. Cùng đi với tôi có đồng chí Hiền Tràng, Cục phó Quân huấn vào tổ chức huấn luyện cho các đơn vị chủ lực của Miền theo yêu cầu cách đánh mới, đã qua tập huấn ở Sơn Tây. Như vậy là ngoài nhiệm vụ như đã kể trên, tôi còn được giao thêm công việc phổ biến kinh nghiệm chiến đấu ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Tôi đến gặp anh Văn xin thêm ý kiến trước khi lên đường. Ngay từ phút đầu anh đã tạo tình cảm ấm cúng, chan hoà, cởi mở, lưu luyến giữa người ở lại và người đi xa. Cái nghi thức ban đầu theo điều lệnh nội vụ được xoá đi rất nhanh. Anh mời tôi ngồi, pha trà mời tôi uống, có cả bánh kẹo và thuốc lá. Rồi anh ân tình động viên, khuyên nhủ: - Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã quyết định Hoàng Cầm sẵn sàng nhận và lên đường gấp như vậy là tốt là tiếp tục phát huy truyền thống nhanh gọn trong lần đầu nhận nhiệm vụ chiến đấu hồi đầu năm 1965. Nhưng phải giữ gìn sức khỏe, vì lúc này sức khỏe là hàng đầu, thiếu nó là không đi hết được chặng đường, không vào đến nơi, không hoàn thành nhiệm vụ. Chú ý mỗi khi xe qua toạ độ (nơi trọng điểm địch đánh phá) nên xuống xe, vì đường khó đi, có thể người bị bắn ra ngoài, vết mổ mới liền chỉ, dễ bục. Việc chính anh nhắc sau, rất gọn: - Nhiệm vụ được giao đã rõ, vào đó làm gì do trong ấy phân công. - Tôi xin làm phái viên đốc chiến. - Tùy, do Trung ương Cục quyết định. Tôi đứng dậy hứa nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của anh. Anh nắm chặt tay tôi hồi lâu, như gắn tình cảm giữa tôi và anh, tình cảm cấp trên cấp dưới, tình đồng chí, đồng đội ấm áp, vì anh đã biết tôi và tôi được biết anh, qua các trận Đông Khê, Nà Sản, Điện Biên Phủ. Lại tạm biệt Hà Nội, thủ đô phẩm giá của con người, nhưng cũng đầy gian khổ và lắm thử thách. Đó là vào một buổi sáng của những ngày đầu hạ, trên chiếc Gát 69 máy tốt, đồng chí lái xe tay nghề khá, thạo đường. Hai ngày sau, chúng tôi vào tới địa phận tỉnh Quảng Bình, đến đèo Mụ Giạ nơi bắt đầu của con đường mang tên Bác - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Lần lên đường này không gặp được Bác vì Bác đã đi xa, nhưng bao hồi ức trong tôi về Bác lại hiện về khi xe bắt đầu leo đèo Mụ Giạ và trong suốt chặng đường. Nhớ Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, tôi đứng dưới chân kỳ đài làm nhiệm vụ bảo vệ; nhớ Bác gọi lên hỏi han dặn dò trước khi tôi cùng tiểu đoàn 130 phối hợp cùng Trung đoàn 174 nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê mở đầu chiến dịch Biên Giới năm 1950; nhớ những ngày cùng Sư đoàn 7 nằm ở nam thị xã Thủ Dầu Một, nghe thư chúc Tết Mậu Thân - thúc giục chúng tôi tiến quân hỗ trợ cho nổi dậy Xuân 1968 tạo nên cục diện mới trên chiến trường miền Nam có lợi cho ta, buộc tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, nhận họp hội nghị Paris để tiến hành thương lượng. Con đường xuyên dọc đất nước dài 2.899 ki-lô-mét do công sức của bốn mươi nghìn cán bộ, chiến sĩ đoàn 559 cùng với hàng vạn thanh niên xung phong, dân công tạo dựng, nên thơ mà gân guốc, lắm rừng nhiều núi, lắm thác nhiều ghềnh, lắm nắng nhiều mưa. Những vất vả gian lao, những nguy hiểm quen thuộc lại đến khi đi trên con đường đầy kỳ tích này. Lời dặn dò của anh Văn là đúng, nhưng cũng phải linh hoạt khi chấp hành do thực tế đặt ra. Nhiều lúc khi qua toạ độ phải khẩn trương, vượt nhanh, chậm là nguy hiểm. Toạ độ thứ nhất cho xe đi chậm thấy êm, toạ độ sau tăng thêm, cũng vẫn không có trục trặc, lại tăng dần, cho đến hết sức. Bằng sự nghiêm túc và linh hoạt, chứng tôi đã an toàn tới đích vào cuối tháng 5 năm 1971. Người đầu tiên tôi gặp là anh Hoàng Văn Thái, Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền. Anh gầy yếu quá, đi phải chống gậy! Thấy tôi anh mừng: - Khỏi bệnh chưa, sao ở ngoài ấy lâu thế? - Các anh Thường trực Quân uỷ giữ lại. Anh Thái cắt ngang: - Sao lại vào? - Ngừng một lát anh hỏi vui - Tự động vào à? - Lệnh anh Ba! (2) Anh cười rạng rỡ, xua đi cái yếu mệt: - Hay quá! Bọn mình trong này đang mong. Ngay sau đó tôi gặp cả anh Trần Văn Trà, anh Lê Ngọc Hiền đang còn bận công việc điều hành chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân "Toàn thắng 1-71" của Mỹ- nguỵ với quyết tâm xoá sổ chiến đoàn 8 quân đội nguỵ Sài Gòn. Anh Trà cũng xanh gầy, vẫn thoáng nét hào hoa, bận rộn mà vẫn đàng hoàng, tự tin đến nắm chặt tay tôi với nụ cười thân mật. - Anh Năm ở đây cùng tụi này giảỉ quyết nốt Snun (3) rồi ta tính tiếp. - Xin sẵn sàng! - Tôi đáp. Những ngày đầu trở lại chiến trường, được gặp lại các đồng chí lãnh đạo chỉ huy cấp trên, bạn bè, đồng cấp làm dậy trong tôi tình cảm ấm cúng, chan hoà, khiến quên đi rất nhanh cái yếu mệt trong chuyến hành quân đường dài vừa mới kết thúc. Đủ chuyện vui buồn, thành công và cả thất bại được mang ra hàn huyên tưởng chừng không sao dứt nổi. Các anh thật vất vả, nếm chịu bao thử thách! Nhưng các anh đã đắp xây cho mảnh đất "Miền Đông gian lao và anh dũng" dày thêm bản lĩnh mới, tự hào mới. Được biết sau thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, kẻ địch đã áp dụng đủ loại mưu kế thâm độc và tàn bạo hòng vô hiệu hoá mảnh đất thân thương này; kết hợp chặt chẽ hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" để triệt phá cơ sở hạ tầng; đồng thời tăng thêm lực lượng quân Mỹ (4) mở các cuộc càn quét đánh phá ác liệt làm mất các vị trí bàn đạp của ta ở vùng ven đô; liên tục mở các cuộc hành quân "tìm diệt" tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tăng cường hoạt động không quân, kể cả máy bay chiến lược B.52 ném bom, rải chất độc hoá học và dùng pháo bầy bắn phá suốt ngày đêm nhằm đẩy các đơn vị chủ lực Miền ra ngoài biên giới. Đồng thời địch bất thần mở các cuộc hành quân quy mô lớn vượt biên, khi thì bằng lực lượng Mỹ, lúc kết hợp với quân nguỵ Sài Gòn, hoặc quân nguỵ Sài Gòn với quân nguỵ Lon-non từ nhiều hướng tiến công bao vây chia cắt nhằm diệt một bộ phận chủ lực ta, phá huỷ kho tàng, quấy rối, phong toả con đường chi viện chiến lược của ta từ miền Bắc toả xuống. Âm mưu và hành động trên đây của địch đã gây cho ta nhiều khó khăn. Thực tế từ năm 1969, vùng giải phóng của ta ở Đông Nam Bộ bị thu hẹp và trở nên vùng không dân là phổ biến. Bộ đội chủ lực Miền và các phân khu chỉ còn một bộ phận đứng được ở các căn cứ ven đô, phần lớn lên vùng trung tuyến hoặc vùng biên giới. Tháng 9 năm 1969 các kho hậu cần của Miền chỉ còn 2.000 tấn gạo, không đủ bộ đội ăn trong một tháng. Quân dân miền Đông Nam Bộ lâm vào tình thế vô cùng khó khăn. Các anh còn cho biết, đã xuất hiện tư tưởng muốn phân tán chủ lực về các địa phương đánh địch hỗ trợ nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương nổi dậy chống phá bình định, khôi phục thế trận chiến tranh nhân dân. Các anh lãnh đạo Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền đã đề ra chủ trương vừa tiến hành giáo dục động viên mọi người thông suốt có nhận thức đúng về tính quy luật của tập trung, đánh lớn, về vai trò quyết định của quả đấm chủ lực; vừa có biện pháp về tổ chức nhằm khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn về người (5) và vật chất để củng cố giữ vững khối chủ lực về tổ chức, biên chế đi đôi với tổ chức huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu, tích cực tăng gia sản xuất, khai thác nguồn hậu cần tại chỗ, tham gia mở đường và bảo vệ các hành lang vận chuyển từ tuyến chiến lược đến các căn cứ của Miền. Đồng thời có kế hoạch hoạt động quân sự chủ động tiến công, thực hiện tiêu hao, tiêu diệt địch, làm thất bại âm mưu địch định đẩy các đơn vị chủ lực ta phải phân tán, không còn tập trung đánh lớn và không còn chỗ đứng chân ở chiến trường miền Nam. Trước những thử thách đầy cam go, tưởng như mọi ngả đường đều bị vít lốỉ, nhưng do có chủ trương và biện pháp cụ thể của lãnh đạo Miền, từ lực tốt hoạt động theo định hướng tạo thế; từ thế đứng từng bước được cải thiện đã tạo điều kiện cho lực tồn tại củng cố và phát triển hoạt động ngày càng có hiệu quả. Trong hai năm sáu tháng (từ đầu năm 1969 đến giữa năm 1971) quân dân miền Đông Nam Bộ đã liên tục mở chín đợt hoạt động quân sự (6) vừa hỗ trợ nhân dân nổi dậy chống phá âm mưu "bình định" mới của địch với chiến dịch "Phượng hoàng" (7) đầy thâm độc và tàn bạo, vừa tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch ở chiến trường nội địa. Đồng thời phối hợp với quân, dân nước bạn mở chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân "Toàn thắng 1-71" và cuộc hành quân "Chen-la 2" của địch ở vùng đông bắc Campuchia, tạo ra thế mới và lực mới, bàn đạp chiến lược của ta ở tây-nam được củng cố và mở rộng. Những bước đi thăng trầm và đầy sóng gió nhưng thật sống động và hào hùng mà tôi được biết trong lần trở lại B2 lần này đã cùng với chiến thắng lớn ở Đường 9 - Nam Lào, ở Tây Nguyên và đồng bằng duyên hải miền Trung được Bộ Chính trị đánh giá như là một thời cơ lớn đã xuất hiện. Thời điểm hoà nhập vào cuộc sống nơi chiến trường quen thuộc và gắn bó của tôi được bắt đầu. Tôi dành thời gian nhớ lại những vấn đề trong khi nghe phổ biến, các anh Thường trực Quân uỷ Trung ương nhấn mạnh, nói rõ thêm không ghi trong văn bản để truyền đạt lại trong cuộc họp Trung ương Cục và Quân uỷ Miền hôm nay. Đó là những cơ sở thực tiễn gì để Bộ Chính trị quyết định mở đợt hoạt động quân sự năm 1972 mang ý nghĩa như một cuộc chạy đua lịch sử giữa ta và địch nhằm đưa cuộc chiến tranh đi đến bước ngoặt có lợi cho ta; đó là quyết tâm và mục tiêu cần đạt của cuộc tiến công, là các vấn đề cần lưu ý trong nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, là công việc cần làm của B2 - Đông Nam Bộ vì là hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược này. Ngay sau đó, Trung ương Cục và Quân uỷ Miền đã thông qua việc tổ chức Bộ tư lệnh chiến dịch (8) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền để thực sự bắt tay vào điều hành nhiệm vụ. Cùng lúc, Trung ương Cục quyết định bổ sung tôi tham gia uỷ viên Quân uỷ Miền, giữ chức phó tư lệnh kiêm tham mưu trường Bộ chỉ huy Miền, thay anh Lê Đức Anh về nhận nhiệm vụ tư lệnh Quân khu IX. Tôi đón nhận vinh dự lớn này cùng với nỗi lo. Đó là nhận thức, năng lực bản thân có hạn trong khi thực tiễn chiến trường đã đang chuyển động với nhiều vấn đề mới đặt ra! Lúc này đã là giữa mùa khô. Mặt trời có mặt thật lâu, thật dài, mặt đất khô rang, cây cỏ héo vàng, các ngả đường trong vùng căn cứ bụi đỏ tung lên thành vệt dài di động, tan nhanh, rồi lại hiện thành vệt bụi khác bởi các loại xe gắn máy Honda qua lại. Dấu hiệu chuẩn bị cho nhiệm vụ mới mang sắc thái miền Đông Nam Bộ bắt đầu. Trên một mức độ nào đó, chúng tôi cũng có những thời gian - dù chỉ là ngắn ngủi được "ung dung", "thư thái" triển khai công việc ở vùng giải phóng đông bắc Campuchia vừa mới được mở rộng, sau khi ta và bạn đánh bại các cuộc hành quân vượt biên của Mỹ - nguỵ. Từ đây hậu phương chiến dịch nối với hậu phương chiến lược qua hành lang chiến lược Bắc - Nam được thông suốt. Và các anh trong Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã nhìn thấu khó khăn của một chiến trường xa, tìm mọi cách trực tiếp truyền đạt, tạo điều kiện để các anh Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền sôm nắm được ý đồ chiến lược của trên để lãnh đạo Miền có nhiều thời gian chủ động làm công tác chuẩn bị. Cái hôm qua và cái hôm nay, việc cũ chưa xong việc mới dồn đến, đan xen nhau thành mối quan hệ nhân quả tạo nên sự chồng chất, bộn bề. Mặc dầu các đơn vị chủ lực của Miền vừa trải qua chiến dịch phản công đánh thắng cuộc hành quân "Toàn thắng 1-71" hồi cuối tháng 5 năm 1971, nhưng không vì thế mà mọi việc đều suôn sẻ. Đã bước sang thời điểm phải đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu địch ở trước mặt, song vẫn còn phải tính đến địch ở sau, kể cả hai bên sườn, vì ở đó chưa yên thì không thể tính chuyện triển khai mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ mới đang chờ ở phía trước được. Từ suy nghĩ như vậy, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền quyết định mở tiếp các đợt hoạt động quân sự mới. Từ ngày 25 tháng 7 đến tháng 10 năm 1971, sử dụng Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 chủ động đánh địch trên tuyến đường 7 và bắc đường 22; từ tháng 10 đến tháng 12 điều Sư 9 cùng các Trung đoàn 205, 207, một số đơn vị binh chủng phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh bại cuộc hành quân "Chen-la 2" của quân nguỵ Lon-non trên đường 6 (đoạn thuộc tỉnh Công-pông Thơm) và cuộc hành quân "Đại bàng 24" của quân nguỵ Sài Gòn trên khu vực Đầm Be, bắc đường 7 giải toả thế uy hiếp phía sau ta. Vào thời kỳ trực tiếp chuẩn bị, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1972, ta tiếp tục tiến công đẩy lùi cuộc hành quân quy mô lớn "Toàn thắng - 72B" của địch ở vùng biên giới bắc Tây Ninh, buộc chúng phải rút về phòng giữ tuyến đường 22 nam biên giới. Trong thực tế, có trường hợp bộ đội đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ mới phải chuyển sang chiến đấu chống các cuộc hành quân phá chuẩn bị của địch. Nhưng như trường hợp kể cùng bạn đọc trên đây thì quả là hiếm. Đây không đơn thuần là một trận đánh địch đột xuất phá chuẩn bị, mà là một chủ trương, một đợt hoạt động quân sự với lực lượng lớn, thời gian dài chống lại một âm mưu quân sự cơ bản, thường xuyên của địch nhằm đánh vào phía sau đội hình ta, tiêu diệt ta, triệt phá hậu phương chiến dịch, chiến lược, các căn cứ, kho tàng, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam của ta. Rõ ràng đây là một đợt hoạt động quân sự kéo dài (từ tháng 7 năm 1971 đến-2-1972), vừa đánh địch để thực hiện chuẩn bị, vừa tiến hành công tác chuẩn bị vừa đánh địch bằng tinh thần dũng cảm, bằng sự chấp nhận gian khổ và hy sinh nhưng đã tạo được bàn đạp tiến công vững chắc trước mặt ta và tạo được thế an toàn ổn định phía sau lưng, trước khi mở màn chiến dịch. Với tôi lần đầu cùng các anh trong Quân uỷ, Bộ chỉ huy Miền tham gia xử lý một tình huống đặc biệt, đã rút ra cho mình một bài học về nghệ thuật tạo thế phục vụ cho cuộc tiến công chiến lược mang ý nghĩa lịch sử, sau đấy được vận dụng có hiệu quả khi được trên giao nhiệm vụ điều hành các đợt hoạt động ở Rạch Bắp - Đường Bảy Ngang (1973-1974), ở chiến dịch tiến công Đường 14 - Phước Long (1974-1975). Thắng lợi quân sự kể trên, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt công tác chuẩn bị khác. Một mặt chúng tôi tổ chức tốt việc tiếp nhận nguồn chi viện từ hậu phương chiến lược vào (9), đồng thời triển khai mạng lưới thu mua sâu rộng đến các tỉnh của nước bạn như Bát-tam-boong, Xiêm Riệp, Công-pông Thơm, Công-pông Chàm, Prét-vi-hia, Phnônm Pênh, tạo được khối lượng dự trữ lớn về lương thực và nhiên liệu; tích cực khai thác nguồn hàng trong vùng địch tạm chiếm ở các tỉnh Nam Bộ, thu mua được cả ô tô, máy kéo, phụ tùng cùng xăng dầu dọc theo các quốc lộ 22, khu vực Tân Châu, Hồng Ngự. Kể từ tháng 10 năm 1971 đến tháng 3 năm 1972, chúng tôi đã tập trung được một khối lượng vật chất lớn, 47.500 tấn các loại (lương thực, vũ khí đạn dược, xăng dầu và phương tiện quân y). Gạo dành cho tuyến chiến dịch 18.000 tấn đủ bảo đảm tác chiến ba tháng. Riêng gạo đủ bảo đảm sáu tháng. Ngoài ra các đồng chí hậu cần được sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo địa phương, đã huy động trong nhân dân 365 xe cơ giới, 3.200 xe thồ. Khi nghe Cục Hậu cần báo cáo kết quả và thực tế đi xem các đồng chí dàn thế trận hậu cần với các tuyến kho vừa chắc chắn, bí mật đề phòng địch đánh phá, vừa thuận tiện phục vụ chiến đấu một mặt tôi biểu dương công khai, nhưng không sao nói hết được sự thán phục ẩn chứa trong lòng. Không có tinh thần yêu nước nồng nàn, trách nhiệm chính trị cao, sự làm việc cần mẫn, cả lòng dũng cảm xả thân, không có đầu óc tính toán mưu lược khoa học làm sao huy động được một khối lượng vật chất lớn, từ các nơi xa xôi, qua bao nhiêu khó khăn quy tập về một địa điểm an toàn thuận tiện phục vụ chiến đấu. Không ồn ào, không cần đển súng nổ, đạn rơi nhưng các chiến sĩ trên mặt trận này đã thực sự trải qua một cuộc chiến đấu âm thầm mà sôi động nơi khối óc và con tim của mỗi người, chiến thắng âm mưu bao vây kinh tế của kẻ thù. Ở một chiến trường rất nhạy cảm này chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm bí mật, bất ngờ cho chiến dịch, coi đó là một trong những nhân tố hết sức quan trọng để nắm chắc phần thắng, nhất là trong thời gian chuẩn bị kéo dài mười tháng. Trên cơ sở giáo dục và đề ra các yêu cầu đối với mọi người, nhất là với lãnh đạo, chỉ huy các cấp; không để địch phát hiện, không để mất tài liệu, không để địch bắt, không để đào ngũ hoặc đầu hàng địch. Các cán bộ, chiến sĩ trinh sát, những người đi đầu trong công tác chuẩn bị, do được chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức, suốt mấy tháng liền tiếp cận làm nhiệm vụ điều tra nắm địch, nắm địa hình không hề để xảy ra vụ việc nào ảnh hưởng đến bí mật ý định chiến dịch. Từ nhận thức việc mở đường dễ bị địch phát hiện, nên chúng tôi đã có kế hoạch bảo đảm bí mật bao quát trong triển khai chuẩn bị trục đường, kể cả các tuyến đường chiến lược, chiến dịch và mạng đường chiến thuật sâu trong lòng địch. Hơn 1.252 ki-lô-mét đường được chuẩn bị (có 350 ki-lô-mét đường làm mới), từ đường của bộ binh, của pháo binh và cơ giới đến đường thuỷ cho ghe thuyền đều phải tuân thủ các quy định thời gian "thi công". Đường chiến lược để tiếp nhận hàng và lực lượng của Trung ương chi viện vào được chuẩn bị sớm (từ tháng 7 năm 1971 đến-1-1972), các đường chiến dịch dành cho xe pháo chỉ được phép chuẩn bị 10-15 ngày trước khi nổ súng. Các đường chuẩn bị cho xe pháo từ biên giới vào nội địa địch chỉ được phép tiến hành sau khi bộ binh đã hoàn thành chuyển quân vào nội địa tiếp cận địch. Các tuyến đường phải vòng tránh xa các khu vực đông dân cư, làm đến đâu nguỵ trang tới đó. Kế hoạch hành quân của các đơn vị từ vị trí tập kết đến vị trí xuất phát tiến công được thực hiện theo nguyên tắc: đơn vị đảm nhận trận đánh then chốt mở đầu hành quân trước; các đơn vị khác hành quân theo sau; đơn vị nhẹ (bộ binh và đặc công) triển khai trước, đơn vị binh khí kỹ thuật hành quân sau, thực hiện nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch, bảo đảm an toàn và tạo thế thuận lợi cho đội hình chủ yếu của chiến dịch bước vào chiến đấu. Tất cả đều diễn ra êm ả, bởi nếu xảy ra chuyện gì, dù chỉ là nhỏ, địch không để chúng tôi yên. Chẳng hạn cũng thời gian này khi theo dõi đài địch, được biết máy bay trinh sát địch chụp được một đoạn đường dài khoảng 2 ki-lô-mét, cách Tân Cảnh 10 ki-lô-mét, địch nhận định - đây là dấu vết di chuyển ít ra là 30 xe tăng của đối phương, và chúng dự đoán Tây Nguyên là khu vực có thể nổ ra cuộc tiến công của đối phương. Lập tức theo lệnh Mỹ, sáng 30 tháng 3, một cầu hàng không nối Sài Gòn - Tây Nguyên đã được máy bay vận tải C.130 liên tục cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất rồi đổ xuống sân bay Pleiku, 2.500 lính dù thuộc lữ 2 với đầy đủ trang bị để làm nhiệm vụ ứng chiến. Cuộc càn của quân nguỵ vào 11 tỉnh thuộc tây, tây-bắc Sài Gòn và Vùng đông-bắc Campuchia: Thủ Dầu Một, Bình Long, Tây Ninh, Bù Đốp, các đồn điền Snun, Mi Một, Crếch, Chúp, đường 7, Xvây- riêng, Cra-chi-ê, Công-pông Chàm... đạt kết quả nghèo nàn đã trở thành vô giá với Mỹ, cho phép quan chức Mỹ kết luận chủ quan: "Tuy Việt cộng (tức quân Giải phóng) chưa từ bỏ hẳn ý đồ mở những cuộc tiến công, nhưng bất luận thế nào, các tuyến phòng thủ chỉ có thể trùng nhưng không thể dứt". Đó là kết luận của tướng A-bram - tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam khi trở lại Mỹ báo cáo với tổng thống Mỹ Ních-xơn. Còn Nguyễn Văn Thiệu phụ hoạ thêm: "Việt cộng (tức Quân giải phóng) đã quay về với chiến thuật du kích, chứ không thể đánh lớn. Những trận đánh lớn nổi bật chỉ có thể nổ ra sớm nhất là vào tháng 7 hoặc tháng 8". Có lực lượng mạnh trong tay, lại thấy mùa khô đã đi qua hơn bốn tháng êm ả, ngày 9-3-1972, bọn nguỵ tổ chức rùm beng kỷ niệm lần thứ 17 ngày thành lập sư đoàn 5. Thiệu lên tận Lai Khê với tư cách vừa là tổng thống vừa là tư lệnh cũ của sư đoàn này, gắn lon và mề đay cho một loạt tướng tá nguỵ và truyền lệnh cho các chiến đoàn dưới quyền mở cuộc hành quân kéo dài dọc biên giới phía tây lùng sục xuống tận Thủ Dầu Một, Biên Hoà nhằm "đẩy trận tuyén của cuộc chiến tranh ở vùng xung quanh Sài Gòn sang lãnh thổ Campuchia". Và cho đến lúc chiến sự tại Trị Thiên ở mức nguy kịch, Tây Nguyên căng thẳng, sáng 2 tháng 4, căn cứ Xa Mát nằm trên đường 22 bị ta đánh chiếm bằng một đòn tiến công mạnh mẽ chưa từng thấy ở chiến trường miền đông từ trước đến nay, thì địch vẫn cho đây là hoạt động nghi binh của đối phương. Đến lúc ấy chúng tôi mới thật sự thở phào như cất được gánh nặng lo lắng về sự sơ suất có thể xảy ra trong kế hoạch tạo thế bất ngờ chiến dịch. Từ tháng 7 năm 1971, Thường trực Bộ chỉ huy Miền cùng Bộ tư lệnh chiến dịch có chương trình họp tiếp tục quán triệt sâu hơn nữa về Nghị quyết tháng 5 của Bộ Chính trị và Nghị quyết tháng 6 của Quân uỷ Trung ương, trên cơ sở đó hình thành dần quyết tâm chiến dịch để có định hướng cho các bước triển khai cụ thể trên các mặt tham mưu, chính trị, hậu cần. Những buổi trao đổi như thế diễn ra với tinh thần trách nhiệm cao của những người dự họp, trong không khí dân chủ, hào hứng, ai cũng phấn khởi, tự tin khi được biết chiến trường Đông Nam Bộ được vinh dự nhận vị trí hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược lần này. Trước hết chúng tôi đều thống nhất chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nhằm noi gương thiên tài quân sự nổi bật của Người qua các trận: vận động tiến công đường dài trên biển đánh thắng năm vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút, Mỹ Tho (1785); trận hành quân thần tốc đại phá hai mươi vạn quân xâm lược nhà Thanh ở thành Thăng Long (1798) khôi phục thống nhất đất nước sau gần 100 năm bị Trịnh - Nguyễn phân tranh. Khi thảo luận về cơ chế điều hành chỉ huy, các anh trong Bộ tư lệnh đều nhất trí chuyển tổ chức Đoàn 301 (thành lập ngày 18-3-1971 trước khi bước vào đợt hai cuộc tiến công đánh bại cuộc hành quân "Toàn thắng 1-71) sang làm nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch này nhưng cần được hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức để phù hợp với yêu cầu mới. Thực chất đây là cơ quan chỉ huy cấp quân đoàn để đảm bảo chỉ huy thống nhất trong điều kiện chiến đấu hiệp đồng binh chủng theo mục tiêu và kế hoạch tác chiến chung. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước trường thành mới về tổ chức, chỉ huy và trình độ chiến đấu. Lần đầu tiên một cơ quan chỉ huy và một lực lượng chiến đấu cấp quân đoàn được thành lập ở chiến trường Nam Bộ. Một nội dung cơ bản, xuyên suốt trong nghệ thuật hạ quyết tâm chiến đấu đã được thảo luận sôi nổi, gần như không có ý kiến trái ngược nhau, mà chỉ bổ sung những tình tiết, những lập luận làm sáng rõ, phong phú các luận cứ nêu ra. Bởi lẽ hầu hết các anh trong Thường trực Bộ chỉ huy Miền và Bộ tư lệnh chiến dịch từ lâu đã gắn bó với mảnh đất miền Đông, hiến trọn tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu nơi đây, thuộc và hiểu giá trị của từng cánh rừng, dãy đồi, con lộ, dòng sông, bưng sóc, tư duy quân sự của các anh được tích luỹ qua trường học chiến đấu. Việc chọn hướng tiến công được hình thành một cách hoàn chỉnh, chính xác, cả hướng chủ yếu, thứ yếu và hướng phối hợp. Trên hướng tiến công chủ yếu định rõ ràng các khu quyết chiến then chất và các mục tiêu then chốt. Không hoàn toàn do lực lượng địch đông (10) mà ta xác định đường 22 là hướng thứ yếu. Sự cẩn mật và hành động tích cực ngăn chặn ở đây là do quan điểm sai lầm của địch, chúng cho rằng thị xã Tây Ninh mới đích thực là nơi "Việt cộng" (tức Quân giải phóng) muốn đánh chiếm để thiết lập thủ đô của họ. Ngược lại, ở hướng đường 13 địch đề phòng có mức độ, lực lượng bố trí tại đây tương đối mỏng (11), chúng cho là ta không tiến công mạnh từ hướng này, hoặc chỉ là hướng phụ. Đó là một căn cứ để chúng tôi chọn là hướng tiến công chủ yếu, nhưng không phải là duy nhất. Ở hướng này tiếp giáp với chặng cuối đường Trường Sơn, tạo thành thế hậu phương vững chắc của chiến dịch, đảm bảo nguồn sức mạnh để ta liên tục tiến công chiếm giữ những vùng cần thiết phục vụ cho yêu cầu đấu tranh chính trị, ngoại giao. Ở đây ta còn có vùng đất tiếp giáp với khu vực Móc Câu vốn là căn cứ cũ, khu vực Snun vừa được giải phóng là bàn đạp để lực lượng chiến dịch của ta tiến xuống phía nam dọc theo đường số 13, gây tác động dây chuyền. Một khi khu vực phòng ngự của địch trên đường chiến lược này bị phá tan, sư đoàn 5 của địch bị đánh quỵ thì Sài Gòn lập tức bị uy hiếp, bố trí chiến lược của địch ở miền Đông Nam Bộ bị đảo lộn, phong trào nổi dậy chống phá bình định ở vùng đông dân bắc Bình Dương sẽ có điều kiện phát triển mạnh. Lúc này thời gian đã chuyển sang tháng đầu của năm 1972, là thời kỳ trực tiếp chuẩn bị. Tuy chưa đến ngày N, nhưng công việc vẫn hối hả, khẩn trương, tất cả chúng tôi đều thực sự phấn chấn, cho phép mình được quyền tin trước là phần thắng đã nằm trong tầm tay, vì hướng tiến công chiến dịch đã chọn đúng: nhằm vào chỗ yếu đồng thời là nơi hiểm yếu, dễ gây bất ngờ cho địch, phù hợp với mục đích của chiến dịch. Vấn đề khó, được thảo luận nhiều trong các cuộc họp bàn thông qua quyết tâm chiến dịch, là sử dụng lực lượng như thế nào để đánh chiếm được Lộc Ninh, sau đó giữ cho được vị trí quan trọng này, không cho địch tái chiếm, để làm nơi đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sử dụng lực lượng nào, bao nhiêu và vào đâu là phù hợp, có điều kiện phát huy truyền thống, sở trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là những ý kiến đặt ra trong khi trao đổi. Tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu là đúng, thuộc về nguyên tắc nhưng cũng dành thoả đáng lực lượng cho hướng thứ yếu cho chặn viện và lực lượng dự bị. Không phải chỉ đơn thuần số lượng mà cả chất lượng nữa. Vì mỗi hướng, mỗi mũi đều có vị trí trong hệ tổng thành của quyết tâm chiến dịch. Cuối cùng đã đi đến thống nhất, thể hiện trong mệnh lệnh chiến đấu: - Sư đoàn 5 được tăng cường Trung đoàn bộ binh 3 (sư đoàn 9), Trung đoàn pháo 208 (đoàn 75), một đại đội xe tăng 10 chiếc (tiểu đoàn tăng 20) đảm nhận nhiệm vụ chủ yếu trên hướng chủ yếu của chiến dịch. Vì đây là trận tiến công khu vực quyết chiến then chốt mở đầu cần phải tập trung ưu thế binh lực để bảo đảm tiêu diệt địch, giải phóng khu vực Lộc Ninh giành toàn thắng cho trận mở đầu. - Sư đoàn 9 (thiếu trung đoàn 3) làm lực lượng dự bị chiến dịch, sẵn sàng tiến công thị xã Bình Long (còn gọi là An Lộc) khi có lệnh. - Sư đoàn 7 luồn sâu bao vây, chốt chặn chiến dịch dọc theo đường 13 từ cầu Cần Lê xuống bắc Chơn Thành, kiên quyết tiêu diệt quân tiếp viện và quân tháo chạy. - Đơn vị C30B (12) đảm nhận nhiệm vụ tiến công ở hướng thứ yếu (đường 22) được phép nổ súng trước mở màn chiến dịch, thực hiện nghi binh thu hút và kiềm giữ địch tạo điều kiện cho hướng chủ yếu hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời nắm thời cơ phát triển xuống phía nam. Tôi được Thường trực Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cùng với các anh Bộ tư lệnh chiến dịch tham gia chuẩn bị phương án tác chiến khu vực Lộc Ninh, anh Lê Ngọc Hiền chuẩn bị hướng Bình Long. Sau một tuần đi khảo sát khu vực phía bắc Lộc Ninh, chúng tôi nghỉ lại ở một cánh rừng để lấy lại sức. Mệt và không ngủ được, vì trăng sáng đẹp quá! Trong đoàn có một đồng chí cán bộ địa phương, quê ở Lộc Tấn, làm nhiệm vụ dẫn đường và cung cấp tình hình địa phương. Anh trạc 50 tuổi, vẫn còn giọng Bắc dễ nhận mỗi khi anh trao đổi tình hình. Hai chúng tôi nằm bên nhau tâm sự, được biết anh quê ở Thái Bình, đi phu cao su từ năm 1935, rất nhớ nhà, nhớ quê mặc dầu Lộc Ninh đã là quê hương thứ hai của anh, đã để lại trong anh bao kỷ niệm vui buồn, nhưng buồn nhiều hơn về những ngày sống kiếp ngựa trâu. Sau hơn mười ngày nghiên cứu, chúng tôi thấy điểm mạnh của hệ thống tổ chức phòng thủ Lộc Ninh là cấu trúc công sự kiên cố và có lực lượng cơ động tương đối mạnh, nhưng cũng có nhiều điểm yếu. Vì nằm xa "hậu phương" khó tranh thủ được sự chi viện từ phía sau lên; binh lực bố trí phân tán trên nhiều khu vực cách xa nhau, địa hình chung quanh kín đáo thuận lợi cho đối phương tiếp cận và tổ chức các trận đánh phục kích chặn viện; lực lượng chủ yếu của chiến đoàn 9 dồn lên phía trước sát biên giới (căn cứ Hoa Lư) trong khi cụm cứ điểm trung tâm Lộc Ninh (phía sau) nơi đặt sở chỉ huy chiến đoàn, cơ quan chỉ huy chi khu, trận địa pháo, sân bay và kho tiếp liệu, lực lượng bố trí mỏng, yếu, khó tự mình đương đầu với một cuộc tiến công quy mô lớn của ta. Điều đó chứng tỏ địch chủ quan, cho ta chỉ có khả năng quấy phá tuyến phòng thủ sát biên giới. Trên cơ sở tình hình như đã nêu, chúng tôi kiến nghị và được các anh cấp trên chấp thuận - bỏ qua tuyến phòng thủ phía trước, tập trung hoả lực đánh thẳng vào khu tung thâm, mục tiêu hiểm yếu có nhiều sơ hở; đồng thời có lực lượng chặn viện hai đầu bắc và nam Lộc Ninh. Khu phòng ngự trung tâm thất thủ, như rắn mất đầu, càng đẩy nhanh lực lượng địch ở hai căn cứ Hoa Lư, Đồng Tâm hoang mang, tạo điều kiện các đơn vị chặn viện hoàn thành nhiệm vụ, thúc đẩy trận đánh then chốt mở đầu của ta vào khu Lộc Ninh nhanh đi tới dứt điểm, mở ra diễn biến có lợi cho ta trong các nhiệm vụ tiếp sau của chiến dịch. Ngày 23-3-1972 Bộ Chính trị duyệt đề nghị của Quân uỷ Trung ương chuyển hướng Quảng Trị -Thừa Thiên là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, trong lúc chúng tôi đang họp kiểm tra, xét duyệt lần cuối về toàn bộ nội dung quyết tâm chiến dịch tại sở chỉ huy cơ bản, mở rộng đến cán bộ cấp sư đoàn. Lúc đầu nhận được tin này, không khí cuộc họp lắng xuống, tinh thần như chùng lại. Sau đó được Thường trực Bộ chỉ huy Miền giải thích, ai cũng thấy tuy là hướng thứ yếu nhưng Đông Nam Bộ sát Sài Gòn, nếu chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ gây thối động mạnh đến bọn cầm đầu nguỵ quân nguỵ quyền trung ương, góp phần xứng đáng làm thay đổi hẳn cục diện cần có trong thời điểm này. Vừa do cuộc chiến đấu tạo thế kết thúc muộn, vừa do yêu cầu giữ bí mật, các đơn vị tham gia chiến dịch gặp nhiều khó khăn, nhất là thời gian chuẩn bị không nhiều. Mãi cuối tháng 3 năm 1972 Sư đoàn 9 mới được lệnh hành quân về các vị trí bàn đạp dọc biên giới, sẵn sàng tiến công địch trên hướng bắc, tây-bắc Sài Gòn. Với sư đoàn 7 lại có cái khó, cái khẩn trương riêng. Ngày 1 tháng 4 đơn vị C30B nổ súng tiến công Xa Mát - mở đầu chiến dịch, thì đội hình Sư đoàn 7 mới đứng chân ở cánh rừng phía tây sông Sài Gòn sau ba ngày đêm hành quân gian khổ trên một chặng đường dài qua nhiều phòng tuyến phòng ngự của địch, có lúc phải đánh địch mà tiến vào vị trí chiếm lĩnh. Trong khi đó toàn bộ mạng thông tin liên lạc vô tuyến điện của sư đoàn được lệnh ngừng hoạt động. Các chỉ thị, mệnh lệnh từ trên xuống dưới lên đều do các đơn vị thông tin vận động trực tiếp chuyển để đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật cho đến giờ nổ súng. Mặt khác, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho toàn sư đoàn lặng lẽ hành quân về hướng đông, đồng thời một bộ phận xe, pháo (pháo hỏng) và một bộ phận mạng lưới thông tin liên lạc vô tuyến của sư đoàn mở hết công suất hoạt động sôi nổi liên tục hành quân theo quốc lộ 7 về hướng nam qua Krết xuống đường 22 để đánh lạc hướng theo dõi của địch. Sư đoàn 5, cũng được lệnh giữ nghiêm yếu tố bất ngờ, nhưng do chuẩn bị tốt, không ồn ào, chỉ trong một đêm đã bí mật chiếm lĩnh xong trận địa tiến công. Thời gian ngày N đã tới gần. Mặc dầu địch mở cuộc hành quân quy mô "Toàn thắng - 72B" phá chuẩn bị, nhưng chúng vẫn giữ nguyên phán đoán hướng tiến công chủ yếu của ta là hướng đường 22, nên đã cấp tốc điều về hướng này năm chiến đoàn, nâng tổng số lên bảy chiến đoàn, chỉ để ở hướng đường 13 bốn chiến đoàn. Ngày 26-3-1972, toàn bộ quyết tâm chiến dịch Nguyễn Huệ được thông qua, kết thúc gần mười tháng chuẩn bị, trong đó từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1971 là các đợt chiến đấu tạo thế đánh bại các cuộc hành quân phá chuẩn bị của ta, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1972 xác định cụ thể kế hoạch tác chiến chiến dịch và triển khai mọi công tác chuẩn bị trực tiếp đưa bộ đội vào chiến đấu. Theo kế hoạch chung hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược sẽ nổ súng trước, nhưng ngày giờ cụ thể phải chờ bản tin thời sự 12 giờ của đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi. 10 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, cuộc tiến công tuyến phòng thủ Đường 9 - Quảng Trị bắt đầu. Không khí trong chỉ huy sở bỗng sôi động hắn lên. Tuy chưa đến ngày N giờ G mà đã tất bật, nhất là các cán bộ ở bộ phận tác chiến. Người nào việc ấy, qua đài truyền thanh, qua điện cơ yếu nhận từ Hà Nội vào, rồi dõi theo đối chiếu, chấm những chấm đỏ trên bản đồ những địa danh đã thuộc về ta. Có thể nói mỗi diễn biến ở mặt trận Trị Thiên chúng tôi đều không bỏ qua, vì mọi động thái ở hướng chủ yếu đều có quan hệ đến cục diện chung. Ngày hôm sau 31 tháng 3, trên tấm sơ đồ tình huống do bộ phận tác chiến thể hiện đã ghi chấm đỏ trên các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Động Toàn, Đầu Mầu, Phu Lơ, kèm theo ghi chú: tuyến phòng thủ của địch ở bắc Đường 9 bị vỡ, tại căn cứ 241 trung đoàn 56 (sư đoàn 3 nguỵ Sài Gòn) do trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy đã kéo toàn bộ số sĩ quan binh sĩ còn sống sót ra hàng. Phấn khởi đi liền với chờ đợi! Ngày hôm sau, khi được tin đêm 30 rạng 31 tháng 3 ở hướng phối hợp Tây Nguyên, quân ta nổ súng tiến công tuyến phòng thủ Đắc Tô - Tân Cảnh, bắc thị xã Công Tum, thì sự chờ đợi kéo theo cả hồi hộp, băn khoăn, lo yếu tố bất ngờ không còn. Như thế là còn trên dưới 20 tiếng nữa mới đến ngày N của chiến dịch Nguyễn Huệ. Bám sát, theo dõi chặt chẽ mọi động thái của địch và việc giữ bí mật càng được nhấn mạnh, nhất là các đơn vị đang chuyển quân đến vị trí xuất phát tiến công. Tình hình trên khu vực chiến dịch vẫn yên tĩnh, các cuộc hành quân của địch nhằm thăm dò, phá chuẩn bị của ta đã kết thúc, kể cả những hành động nống lấn ra quanh khu vực căn cứ, để phát hiện đối phương cũng gần như không có. Triệu chứng tăng hoặc giảm quân chưa thấy xuất hiện. Ngoài trung đoàn thiết giáp và một chiến đoàn bộ binh địch điều lên tăng cường cho khu vực Lộc Ninh, Bù Đốp cách đây tuần lễ, toàn bộ số xe tăng và thiết giáp cùng các lực lượng cơ động của quân đoàn 3 nguỵ vẫn còn ở phía dưới. Trong buổi giao ban sáng 31 tháng 3, sau khi nghe các đơn vị và cơ quan báo cáo, Bộ chỉ huy chiến dịch kết luận, trên khu vực chiến dịch ta vẫn giữ được bí mật. Ngày 1 tháng 4 trên hướng thứ yếu ta nổ súng tiến công Xa Mát, mở đầu chiến dịch thì Sư đoàn 7 mới được lệnh hành quân. Sau ba ngày hành quân gian khổ, ngày 14 tháng 4, khi phía trước ta hoàn toàn làm chủ Xa Mát, tiến công chiến đoàn 4 địch ở bắc Thiện Ngôn, thì đội hình Sư đoàn 7 mới đứng chân ở cánh rừng phía tây sông Sài Gòn, tiến vào vị trí chiếm lĩnh. Đây không phải bị động hoặc do kế hoạch chuẩn bị thay đổi, mà nằm trong kế hoạch chung của chiến dịch, được tính toán sẵn - tất cả cho một mục tiêu giữ bí mật tối đa trong giai đoạn chuẩn bị. Sau này khi tổng kết chiến dịch, tôi có hỏi những suy nghĩ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 lúc ấy thế nào? Tất cả đều rạng một nét tự hào: trong cái khó, cái khẩn trương chung lúc đó Sư đoàn 7 được xếp vào trong số các đơn vị đứng hàng đầu. Nhưng chúng tôi vui, là đã đóng góp vào yếu tố bất ngờ đến giờ phút trước khi chiến dịch mở màn. Đêm 31-3-1972 tất cả những người có mặt ở sở chỉ huy thường trực Bộ chỉ huy Miền và Bộ chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ đều thức trắng, sống với niềm vui chờ đợi, cái ngày N và giờ G thiêng liêng đang đến gần mỗi khi nhìn kim đồng hồ nhích dần, nhích dần qua từng giây, từng phút, từng giờ. Khi kim giờ, vượt qua số 12 báo hiệu thời điểm của một ngày mới - ngày 1 tháng 4 - ngày N của chiến dịch bắt đầu nhưng giờ G chưa đến! Địch vẫn tập trung sự chú ý vào hướng Xa Mát, do "phát hiện thấy có xe bọc thép của đối phương ở khu vực bắc Tây Ninh dọc lộ 22", tất cả lực lượng Mỹ -nguỵ trong vùng quân khu 3 từ báo động "vàng" chuyển ngay sang báo động "đỏ". Sư đoàn 25 nguỵ phòng thủ tuyến đường 22 được cấy dày thêm lực lượng xe tăng, xe bọc thép. Địch càng lao sâu vào sai lầm do ta tạo nên, có lợi cho ta ở hướng đường 13, nhưng giờ phút này các đơn vị làm nhiệm vụ ở hướng thứ yếu cũng gặp thêm khó khăn mới, vì đối tượng tiến công đông hơn, mật độ phòng thủ dày đặc thêm. Lo lắng nhưng chúng tôi rất tin ở anh em - những đơn vị từ miền Bắc mới bổ sung vào, được chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và trình độ chiến thuật, kỹ thuật. Theo quy định thống nhất, lúc ấy đúng 4 giờ ngày 1 tháng 4, tuy cách xa nhưng chúng tôi đều thức dậy, rất tỉnh táo và hình dung lúc này bên hướng đường 22, đoàn 30B do đồng chí Năm Đàn chỉ huy, nổ súng tiến công vào đội hình phòng ngự của chiến đoàn 49 tại Xa Mát - Bàu Dung (đông - bắc Tà Xia) và bắc Thiện Ngôn. Thời kỳ im lặng chấm dứt, hệ thống liên lạc vô tuyến bắt đầu hoạt động giữa các đơn vị đang chiến đấu với Bộ chỉ huy chiến dịch, với Thường trực Bộ chỉ huy Miền. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go, liên tục, kéo dài từ 4 giờ chiều ngày 1 tháng 4 đến 2 giờ 40 phút ngày 2 tháng 4, căn cứ Xa Mát với hệ thống công sự kiên cố, có 12 lớp kẽm gai, ba vòng lô cốt bao quanh canh giữ, đã hoàn toàn rơi vào tay lực lượng vũ trang ta. Sau bốn ngày đêm mở đầu chiến dịch ta đã giành thắng lợi giòn giã, tiêu diệt cụm cứ điểm tiền tiêu Xa Mát, đánh thiệt hại nặng chiến đoàn 49, làm chủ từ bắc Thiện Ngôn đến biên giới. Cùng lúc, ta triển khai trót lọt lực lượng lớn vào hướng chủ yếu, tạo thuận lợi cho bước phát triển chiến dịch. Ngày 3 và 4 tháng 4 trên hướng đường 13, theo quân báo Miền kết hợp tổng hợp các nguồn tin kỹ thuật, địch đã phát hiện một bộ phận lực lượng ta đang di chuyển ở vùng tây và đông - bắc Lộc Ninh; trong lúc trên đường 22 sau khi làm chủ Xa Mát, ta tiếp tục phát triển tiến công, diệt thêm năm đồn bót lẻ càng đẩy địch sa sâu vào phán đoán chủ quan. Chúng vẫn cho Tây Ninh là nghiêm trọng. Bởi vậy khi mặt trận Trị - Thiên trở nên nguy ngập, Thiệu đã lệnh rút liên đoàn biệt động "dày dạn chiến đấu nhất" ở vùng Bình Long (đường 13) ném ngay ra ứng chiến ngoài Quảng Trị. Với chúng tôi - những người đã qua chiến đấu trong nhiều năm, từng chứng kiến những thắng lợi khó quên nhưng cũng bắt gặp cả thất bại do ấu trĩ bản thân và do nhiều nguyên nhân khác nên đã rút cho mình một bài học tự tin là đúng, nhưng không bao giờ được chủ quan vì trong quân sự sai một ly dễ đi không phải một dặm mà là nhiều dặm. Tình hình cho đến lúc này là khả quan, địch tuy có phát hiện ta di chuyển nhưng chúng cho đây chỉ là hành động nghi binh tạo thế cho hướng đường 22. Song không vì thế mà sao lãng việc kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị vẫn phải chấp hành nghiêm kỷ luật giữ bí mật; đồng thời cần phải theo dõi chặt mọi hành động của địch để có biện pháp xử lý khi tình hình có thay đổi đột biến. Công sức dồn vào trận đánh có ý nghĩa lịch sử này thật nhiều. Ngày 23 tháng 3 khi thông qua lần cuối quyết tâm của từng đơn vị, Bộ tư lệnh chiến dịch dành riêng thời gian để xem xét trao đổi rà lại quyết tâm cụ thể của trận tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh, qua đó ra nhiều chỉ thị bổ sung bảo đảm chắc thắng cho trận đánh. Cho đến lúc này đây, trận then chốt mở đầu trên hướng chủ yếu sắp bắt đầu - tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh! Nhưng tất cả những người có trách nhiệm về trận đánh trên cương vị khác nhau đều có suy nghĩ và việc làm khác nhau nhằm hoàn hảo các yêu cầu đề ra trước, trong và sau khi nổ súng tiến công. Trận mở đầu trên hướng chủ yếu diễn ra đúng thời gian quy định - 5 giờ 50 phút ngày 5-4-1972. Vẫn là kế hoạch không đánh theo kiểu bóc vỏ (bỏ qua tuyến phía trước cặp sát biên giới), mà thọc thẳng vào tung thâm cụm cứ điểm Lộc Ninh. Ngay ngày đầu cụm cứ điểm Lộc Ninh bị ta vây lấn tiêu diệt, toàn bộ lực lượng địch (hai tiểu đoàn bộ binh, một trung đoàn thiết giáp) đóng chốt ở căn cứ Hoa Lư - một vỏ cứng của tuyến phòng thủ phía bắc được lệnh rút bỏ về phía sau ứng cứu cho Lộc Ninh. Sang ngày thứ hai (6 tháng 4) toàn bộ lực lượng này lọt vào trận địa phục kích bày sẵn của ta, bị xoá sổ hoàn toàn. Sang ngày thứ ba, hai trung đoàn của Sư đoàn 5 được tăng cường một trung đoàn pháo - cối hoả tiễn, hai đại đội xe tăng từ hai hướng tây - bắc và đông tiếp tục tiến công. Đến chiều ngày 7 tháng 4 ta hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm Lộc Ninh, tiêu diệt, bức hàng toàn bộ quân địch, trong đó có tên đại tá Nguyễn Công Vĩnh, chỉ huy chiến đoàn 9. Rõ ràng cách đánh chọc thẳng vào ruột, tức thì vỏ bị co rúm, rạn vỡ. Và khi vỏ không còn đủ sức bao bọc, cơ thể nhanh chóng suy sụp, tan rã. Ngay sau đó, tôi được các đồng chí quân báo cho biết kết quả bước đầu khai thác một số tù binh sau trận đánh. Mỗi tên tùy theo chức vụ mà có cái nhìn khác nhau về bản chất cuộc chiến, tự đắc quân đội Sài Gòn là quân đội có hạng. Trong số này có Nguyễn Đức Dương trung tá chỉ huy trung đoàn thiết giáp số 1 phòng giữ căn cứ Hoa Lư bị bắt ngày 6 tháng 4 trên đường co về phía sau cứu nguy cho Lộc Ninh. Dương khai: "Đã hơn 20 năm cầm súng đánh thuê từ thời Pháp, tôi mới được điều về khu vực Lộc Ninh có vài tháng. Suốt mấy tháng trời, tôi chỉ gặp ông đại tá Nguyễn Công Vĩnh được hai lần vì còn vội lo phòng thủ, sợ các ông đánh. Tôi biết xung quanh vùng này các ông có lực lượng đông và mạnh, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có một hệ thống phòng thủ kiên cố với gần 100 xe tăng và xe bọc thép, quân số đông, súng đạn đầy kho. Tôi đinh ninh các ông không thể đánh được. Tôi đang tập trung củng cố thêm việc phòng thủ phía bắc căn cứ vì tin rằng các ông sẽ đánh từ hướng đó xuống. Thì bất ngờ sáng 5 tháng 4 các ông đã cắt ngang sau lưng chúng tôi. Tôi giật mình thấy ớn lạnh xương sống. Qua máy vô tuyến điện, tôi nghe ông Vĩnh kêu liên tiếp và lệnh cho tôi nhanh chóng co về chi khu Lộc Ninh cố thủ"(!). Những thú nhận của tù hàng binh thêm minh chứng sống nói lên cách đánh hiểm góp phần tạo thêm một khâu nữa gây bất ngờ với địch. Trong quyết tâm chiến dịch chúng tôi khiêm tốn dự kiến thời gian thực hành tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh trong vòng từ 5 -7 ngày, nhưng thực tế chỉ trong ba ngày đã hoàn thành nhiệm vụ, một trong nguyên nhân có được hiệu quả này là chúng tôi đã lựa chọn được cách đánh phù hợp với điều kiện cụ thể lúc đó. Bước một của chiến dịch kết thúc vào ngày 8-4-1972 với những thắng lợi quá mức ta dự kiến. Chỉ trong tám ngày tiến công ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu ba chiến đoàn và một tiểu đoàn bộ binh, hai trung đoàn thiết giáp, thu và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, diệt và bức rút nhiều đồn bốt. Ta đã đập tan tuyến phòng thủ phía trước trên vòng cung phía bắc Sài Gòn, dọc theo biên giới Đông Nam Bộ, đập tan chiến thuật phòng ngự cấp chiến đoàn của địch. Nhiệm vụ tiếp sau đang đặt ra với yêu cầu nặng nề và khẩn trương. Ngay trong bước chuẩn bị, khi thảo luận thông qua quyết tâm chiến dịch, các anh trong thường trực Bộ chỉ huy Miền đã có ý kiến chỉ đạo sơ bộ ban đầu: sau khi giải quyết xong Lộc Ninh cần tiến công ngay vào An Lộc, lúc địch chưa tăng viện và cầu Cần Lê chưa bị phá. Trường hợp địch ồ ạt đưa viện binh, tăng cường hệ thống phòng thủ, không còn điều kiện tiến công sẽ chuyển lực lượng sang đánh địch vòng ngoài. - Nếu vậy thì bỏ An Lộc, đưa lực lượng xuống đánh Chơn Thành - Đây cũng là ý kiến nêu ra trong khi thảo luận nhưng không được tập thể chấp nhận. Và ngay trong đêm 6 tháng 4, sau khi nhận được báo cáo trung đoàn thiết giáp số 1 của địch bị ta xoá sổ, Thường trực Bộ chỉ huy Miền họp tại sở chỉ huy cơ bản chiến dịch gồm các anh Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái và tôi. Cuộc họp diễn ra nhanh gọn, tất cả chúng tôi đều thống nhất nhận định - "trận đánh Lộc Ninh coi như ăn chắc, thế địch đang suy sụp trên toàn chiến trường miền Nam, vấn đề bây giờ là cướp thời gian nhanh chóng giải quyết thị xã Bình Long với tinh thần không nhất thiết phải tổ chức thật đầy đủ mới đánh". (Biên bản cuộc họp đêm B tháng 4 của Bộ chỉ huy Miền). Ngay sau đó, Thường trực Bộ chỉ huy Miền chỉ thị tôi xuống sở chỉ huy Bộ tư lệnh chiến dịch truyền đạt ý kiến chỉ đạo nêu trong cuộc họp kể trên - cần tranh thủ lúc địch chưa co cụm nhiều ở Bình Long, khẩn trương tranh thủ thời cơ tiến công tiêu diệt địch, chiếm lĩnh thị xã An Lộc. Chậm nhất là vào ngày 9 tháng 4. Đúng như dự đoán, sau khi ta làm chủ hoàn toàn khu vực Lộc Ninh, trên khu vực thị xã An Lộc địch chưa có tăng viện lớn, ngoài việc đưa tiếp lực lượng sư đoàn 5 lên làm nhiệm vụ phòng giữ, cầu Cần Lê chưa bị phá. Đây là thời cơ thuận lợi để ta thực hành đánh chiếm thị xã. Nhưng các đồng chí chỉ huy chiến dịch cho rằng - lần đầu tác chiến chính quy theo phương thức binh chủng hợp thành, không nên vội vã, cần phải có thời gian chuẩn bị. như ở Điện Biên Phủ phải kéo pháo ra để chuẩn bị tốt hơn rồi mới kéo pháo vào thực hành mở màn chiến dịch. Mãi đến ngày 13 tháng 4 cuộc tiến công vào thị xã An Lộc mới được thực hiện, trong khi tình hình ở đây thay đổi rất nhanh; ngày 9 tháng 4 địch phá cầu Cần Lê. Ngày 11 tháng 4 địch dùng máy bay lên thẳng bốc chiến đoàn 8 từ Lai Khê đổ xuống thị xã, đưa tổng số lực lượng địch ở đây lên ba lữ đoàn tăng cường. Đồng thời địch mở cuộc hành quân "Toàn thắng - 72B" bắt đầu từ ngày 9 tháng 4, tranh thủ giải toả sức ép của lực lượng ta quanh khu vực thị xã. Mặc dầu ta vượt rất nhiều khó khăn kể cả đổ máu trong quá trình vận động tiếp cận hình thành thế bao vây chặt thị xã, đã có rất nhiều gương cá nhân và tập thể nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm khi thực hành tiến công vào đến đường Hùng Vương, bắc đường Trần Hưng Đạo, vườn hoa Tao Phùng, nhưng sau đó bị chặn lại vì tương quan lực lượng đã thay đổi. Phía phòng ngự quân đông, hoả lực mạnh, trong khi bên tiến công chúng ta ưu thế không nổi trội, nếu không nói là đánh nhỏ giọt, mà nguyên nhân là chúng ta đã để mất thời cơ - nó đến nhanh và mất đi cũng nhanh! Sau nguy cơ bị mất An Lộc, địch càng huy động tối đa lực lượng có thể để giữ An Lộc, vì đây vừa là thị xã tỉnh lỵ, vừa là cụm phòng thủ tuyến ngoài cùng ở hướng bắc Sài Gòn không thể mất. Từ 15 tháng 4 (sau cuộc tiến công thứ nhất của ta vào An Lộc không thành), địch tiếp tục cho đổ toàn bộ lữ dù 1 và liên đoàn biệt kích dù 81 xuống khu vực Núi Gió, lấy đó làm bàn đạp, đánh vào phía sau ta để mở đường vào thị xã; rút lữ dù 3 từ Tây Nguyên đưa về Đông Nam Bộ. Để giữ thị xã nhỏ này, Mỹ - nguỵ phải dùng đến hai vạn quân phòng thủ, một vạn quân ứng cứu, huy động hàng ngày 60 lần/chiếc máy bay B.52, 120 lần/chiếc máy bay chiến thuật ném bom, có lúc máy bay địch quần đảo suốt 24/24 giờ và chỉ cách quân nguỵ 500 mét, nhằm đẩy ta ra xa. Trong thời gian này Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương tiêu diệt quân địch bên ngoài để phá chỗ dựa của quân bên trong thu được kết quả bước đầu, vẫn giữ được thế chủ động chiến dịch. Nhưng về phía địch, lực lượng tập trung để cố thủ thị xã An Lộc đã lên tới năm chiến đoàn tăng cường (tương đương hai sư đoàn), mật độ không quân được tăng thêm. Về phía ta lực lượng tiến công là Sư đoàn 5 bị thương vong hao hụt mới được bổ sung. Khoảng thượng tuần tháng 5, anh Phạm Hùng, anh Hoàng Văn Thái và tôi xuống sở chỉ huy chiến dịch trao đổi tình hình và bàn biện pháp xử lý phù hợp. Căn cứ vào tương quan lực lượng, ưu thế đã nghiêng về phía địch. Thế vừa tạo được (bức địch rời khỏi điểm cao) chưa đủ mạnh để áp đảo chúng. Trên đường 13, Sư đoàn 7 tuy chặn được địch nhưng chưa có trận đánh thối động nào. Địch ở thị xã vẫn quyết tâm cố thủ, địch trên đường 13 vẫn dồn quân lên thực hành giải toả. Lực lượng phòng không của ta chưa đủ sức chặn địch cơ động lực lượng bằng đường không tăng viện binh cho An Lộc; ta cũng không còn tranh thủ được yếu tố bất ngờ nào nữa. Và để thực hiện ý định của Bộ Chính trị, cũng như kế hoạch chung của Miền, đã đến thời điểm đưa Sư đoàn 5 xuống đồng bằng sông Cửu Long mở chiến dịch tổng hợp đánh phá bình định, thiết thực phối hợp với chiến trường miền Đông. Cuối cùng anh Phạm Hùng kết luận: - Từ thực tiễn trên, Bộ chỉ huy Miền chủ trương không tiến công thị xã nữa mà chuyển sang bao vây cô lập Bình Long. Nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn giữ quyết tâm tiến công thị xã An Lộc, tha thiết đề nghị cấp trên cho được thực hiện nguyện vọng chung của các đơn vị, với lý lẽ: thị xã An Lộc đã bị bao vây trên thực tế; sư đoàn 5 và các đơn vị tăng cường cho quân nguỵ Sài Gòn bị thiệt hại nhiều về sinh lực và phương tiện chiến tranh; quân dù lên giải toả đã bị đánh đau, đường 13 vẫn bị cắt; đợt tiến công ngày 13 và 15 tháng 4 không thành công không phải vì địch mạnh mà do ta đánh chưa tốt. Các anh nhấn mạnh đến tình hình chuẩn bị sẵn sàng của các đơn vị; đến kết quả chiến đấu tạo đà trong thời gian qua như đã tiến công chiếm lại Núi Gió và điểm cao 169, diệt phần lớn tiểu đoàn 6 dù cùng ban chỉ huy lữ dù l; bên trong thị xã, ta đang tiếp tục tiến công tranh chấp với địch ở khu vực bắc đường Trần Hưng Đạo. Cuộc trao đổi diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, có lúc gay gắt - giữa một bên là Bộ chỉ huy Miền chủ trương chuyển hướng tiến công với một bên là các anh trong Bộ chỉ huy chiến dịch tìm mọi lý lẽ bảo vệ cho quyết tâm không thay đổi của mình. Đã có ý kiến: hãy để cho Bộ tư lệnh chiến dịch được thực hiện theo thẩm quyền được phân công. Thể theo nguyện vọng - đúng hơn là một nguyện vọng cháy bỏng vì tinh thần trách nhiệm, chỉ tiến không lùi, Bộ chỉ huy Miền đã tôn trọng ý kiến cấp dưới. Ngày 11 tháng 5 cuộc tiến công đợt hai vào thị xã An Lộc bắt đầu. Đây là cuộc tiến công thể hiện một quyết tâm rất cao, với một kế hoạch đã rút kinh nghiệm các đợt tiến công lần trước. Tiếp tục dùng Sư đoàn 9 được tăng cường Trung đoàn 2, Sư đoàn 5 dưới sự chi viện của 36 khẩu pháo - cối, kể cả pháo của chiến dịch và pháo của sư đoàn, 56 khẩu pháo và súng máy cao xạ, 25 xe tăng, chọn hướng tây làm hướng đột kích chủ yếu (không lặp lại hướng đông-bắc của lần tiến công trước), chọc thẳng vào toà hành chính, đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 5 nguỵ, từ đó đánh toả ra cắt địch từng khu vực để tiêu diệt chúng. Cuộc tiến công bắt đầu từ 3 giờ sáng ngày 11 tháng 5. Sau bốn ngày liên tục chiến đấu, ta chiếm được ty công chính, ty cảnh sát nhà lao. Ở khu tây-nam thị xã; chiếm Chợ Cũ, ty chiêu hồi ở khu đông - bắc và toà nhà bắc đường Trần Hưng Đạo. Quyết tâm chiến đấu của bộ đội rất cao, dũng cảm, ngoan cường trụ bám. Hiệp đồng giữa bộ binh và xe tăng tốt hơn trước nhưng ta vẫn không phát triển hơn được nữa. Hoả lực không quân kết hợp chặt chẽ với hoả lực chống tăng địch đã chia cắt đội hình tiến công, phá huỷ nhiều xe tăng của ta ở ngay cửa mở (18 trong tổng số 25 xe tăng tham chiến bị phá huỷ và hỏng nặng). Mặt khác do các mũi không nắm được địa hình bên trong thị xã, nên phần lớn đánh trệch hướng, lạc mục tiêu, dẫn đến pháo binh ta chi viện lạc mục tiêu gây khó khăn cho việc phát triển tiếp theo. Vì thế sức đột kích của các đơn vị nhanh chóng giảm sút, bị chững lại, mất thế chủ động. Cuộc tiến cộng đợt hai vào thị xã An Lộc đã chấm dứt ngày 15 tháng 5. Với tư cách là một thành viên trong đội hình chiến dịch tôi mãi mãi thán phục cuộc tiến công vào thị xã An Lộc trong mùa hè 1972 như một bản anh hùng ca bất diệt. Tất cả những người tham chiến - từ đồng chí tư lệnh chiến dịch đến các chiến sĩ chiến đấu trong đội hình tổ ba người về tinh thần trách nhiệm thật cao của mình, không quản khó khăn, không ngại gian nguy, sẵn sàng cho yêu cầu của Tổ quốc lúc đó - cần phải gắng sức vươn lên, kể cả xả thân trong cuộc chạy đua lịch sử. Trong cả hai đợt tiến công, lực lượng so sánh ta chưa đủ ưu thế nhưng tất cả các đơn vị tham chiến khi có lệnh đã dũng mãnh chọc thủng tuyến phòng thủ có chuẩn bị trước của địch, tiến vào tung thâm thị xã, đánh toả ra các đường phố, chiếm giữ một số công sở hành chính cấp tỉnh của địch gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Chỉ một tin xe tăng của "Việt cộng" (tức Quân giải phóng) xuất hiện trên đường phố thị xã An Lộc làm chính giới Mỹ phải ngạc nhiên, sửng sốt. Trên bàn Hội nghị Paris, Kissinger giọng điệu đã bớt chủ quan, thách thức. Chính ông ta cũng kinh ngạc: Không hiểu làm thế nào và bằng cách gì mà các ông (Quân giải phóng) đưa được xe tăng đến trước cửa ngõ phía bắc Sài Gòn? Rõ ràng sự không thành công của trận đánh không phải do nơi ý chí tinh thần, không phải lòng quả cảm quyết tâm có vấn đề mà là do: - Bỏ lỡ thời cơ, vì cái thời cơ ấy chỉ đến sau khi Lộc Ninh thất thủ vài ba ngày rồi không bao giờ trở lại. Trong chiến tranh nói chung và trong chiến dịch, chiến đấu nói riêng yếu tố thời cơ là rất quan trọng, có lúc trở thành nhân tố quyết định. Gặp thời cơ yếu trở thành mạnh, hết thời cơ, mất thời cơ, mạnh dễ biến thành yếu, dẫn tới thất bại. - Vấn đề tương quan lực lượng. Thắng, bại trên chiến trường phụ thuộc vào sức mạnh cụ thể của bên này đủ sức áp đảo bên kia. Trong cả hai lần tiến công, chúng ta đều không có ưu thế hơn địch. Ở Lộc Ninh địch phòng thủ lực lượng cỡ trung đoàn, ta dùng lực lượng tiến công cỡ sư đoàn tăng cường, đã thắng lợi giòn giã. Nhưng ở An Lộc, địch phòng thủ lực lượng cỡ hai sư đoàn tăng cường, ta vẫn sứ dụng lực lượng tiến công cỡ sư đoàn tăng cường. An Lộc là thị xã tỉnh lỵ cấu trúc địa hình mang tính chất đô thị; đồng thời nó lại là cụm cứ điểm kiên cố, có hầm ngầm, bố phòng mang tính chất tập đoàn cứ điểm, đòi hỏi phải có cách đánh chắc, chiếm từng khu vực, củng cố rồi lại tiếp tục phát triển thọc sâu, nhất là khu vực Núi Gió, nam thị xã. Nhưng ta tiến công ào ạt nên dễ bị địch lợi dụng các đường phố cấu trúc theo ô cờ cản lại. Xe tăng ta dùng trong trận Lộc Ninh ít hơn, nhưng phát huy hiệu quả tốt, ngược lại xe tăng dùng trong tiến công thị xã An Lộc nhiều hơn nhưng hiệu quả xung kích không rõ. Phần lớn số xe đưa vào trận đánh đã bị địch phá huỷ, đánh hỏng ngay khi mở cửa, khi tiến vào đường phố do phối hợp không tốt giữa bộ binh với xe tăng (phần vì tính chất địa hình đường phố phức tạp) đã trở thành mục tiêu đơn lẻ dễ bị địch đánh phá. - Vai trò hướng thứ yếu chiến dịch trong giai đoạn đầu chẳng những đã làm tốt nhiệm vụ nghi binh, thu hút lực lượng địch mà còn tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai. Song nhìn chung chưa hỗ trợ tốt cho hướng chủ yếu một cách nhịp nhàng. Sau đợt đầu làm chủ Xa Mát, lẽ ra phải tổ chức lực lượng thọc sâu xuống Dầu Tiếng - Tây Ninh, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, lo giữ Tây Ninh, thu hút cầm chân chúng ở khu vực đường 22, không còn đủ sức tăng viện cho đường 13, tạo thuận lợi cho hướng chủ yếu tiến công An Lộc. - Trong quyết tâm chiến dịch, có nêu rõ dự kiến - nếu giải quyết nhanh gọn khu vực Lộc Ninh, địch chưa kịp phản ứng, chưa kịp điều lực lượng từ phía sau lên tăng viện cho An Lộc thì tranh thủ thời cơ nhanh chóng phát triển xuống phía nam tiêu diệt địch, đánh chiếm thị xã An Lộc - mục tiêu trung tâm then chất của chiến dịch. Nhưng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tiếp sau này chưa cụ thể, lại thiếu kiểm tra đôn đốc, nên khi thời cơ đến mới tiến hành chuẩn bị, dẫn tới bị động, gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc chuyển pháo xe kéo xuống Bình Long vấp phải hoả lực không quân mạnh của địch cản phá, gây chậm trễ. Đây cũng là lý do lỡ thời cơ. Sau hết cũng phải công bằng trong khi xem xét. Những khó khăn, những lúng túng, những khuyết điểm, kể cả sự gian lao vất vả của cấp dưới trong công tác chuẩn bị, cấp trên cũng có phần trách nhiệm, chưa bao quát trong điều hành, chưa kiểm tra đôn đốc sát sao cấp dưới thực hiện theo chủ trương kế hoạch đề ra. Đây cũng là bài học của những cán bộ chỉ huy, vì nó chính là một nội dưng không thể thiếu trong nghệ thuật hạ quyết tâm. Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến "không dứt điểm được Bình Long đã làm hạn chế thắng lợi và ảnh hưởng đến bước phát triển tiếp sau của chiến dịch"(13). Một giai đoạn mới, một hướng đi mới của chiến dịch được bắt đầu. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Sư đoàn 5 và 1/3 lực lượng binh chủng chuyển xuống đồng bằng sông Cửu Long tham gia chiến dịch tổng hợp trên chiến trường Khu 8. Trung ương Cục và Quân uỷ Miền có quyết định điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức chỉ huy chiến dịch: anh Hoàng Văn Thái xuống Khu 8 trực tiếp chỉ huy chiến dịch tổng hợp ở dưới đó; các anh Trần Văn Trà, Trần Độ về lại sở chỉ huy Miền chủ trì chung; tôi được giao nhiệm vụ tư lệnh kiêm chính uỷ; anh Trần Văn Phác, phó chính uỷ, anh Sáu Khâm - tham mưu trường Bộ tư lệnh chiến dịch, tiếp tục điều hành chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền Đông Nam Bộ, với nhiệm vụ: - Bằng mọi biện pháp không để địch tái chiếm Lộc Ninh, Bù Đốp. - Thực hành vây lỏng An Lộc, đồng thời kiên quyết chốt chặn kết hợp tiến công tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự để kìm chân và thu hút địch trên đường 13 càng lâu càng tốt, tạo thuận lợi cho địa phương Miền Đông phá bình định và phối hợp có hiệu quả với chiến dịch tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long. Bối cảnh chung lúc này, về phía địch tuy giữ được thị xã An Lộc nhưng trên toàn chiến trường Miền Đông chúng vẫn trong tình trạng bị động đối phó, lo sợ ta phát triển xuống vùng trung tuyến và vùng sâu. Vì vậy âm mưu của địch trước mắt vẫn duy trì khối chủ lực hiện có, tiếp tục mở cuộc hành quân phản công giải toả đường 13 và đẩy ta ra xa khỏi khu vực thị xã An Lộc, thực hiện kế hoạch phòng thủ Diên Hồng để bảo vệ vững chắc Sài Gòn(14). Về phía ta việc không đánh chiếm được thị xã An Lộc đã ảnh hưởng không thuận lợi đến việc phát triển chiến dịch theo quyết tâm cơ bản ban đầu. Mặt khác qua hai tháng chiến đấu quyết liệt quân số, vũ khí đạn dược thiếu vì bị tiêu hao. Trung đoàn pháo chỉ còn 1/2 tổng số đầu khẩu, xe tăng còn ít lại thiếu xăng không dùng được. Sức khỏe bộ đội giảm sút, tinh thần mệt mỏi, phát sinh nhiều tư tưởng băn khoăn lo lắng, ngại thương vong, thiếu tin tưởng, vì nhiệm vụ thì vẫn nặng nề mà lực lượng lại mỏng, trước đây có đủ ba sư đoàn mạnh còn có khó khăn, nay chỉ còn hai sư đoàn bị sứt mẻ làm cách nào hoàn thành được nhiệm vụ. Những vấn đề đặt ra trên đây là thực tế, cần có biện pháp giải quyết cùng rất thực tế và cụ thể, không thể chỉ bằng cổ vũ chủ nghĩa anh hùng cách mạng một cách đơn thuần. Trước hết chúng tôi quyết định dời Sở chỉ huy chiến dịch từ Mi Mốt về Minh Đức để điều hành công việc chuẩn bị chiến đấu sát với thực tế hơn, tiện việc tổ chức khảo sát thực địa, quan hệ với cấp uỷ Đảng và lực lượng vũ trang địa phương được thuận tiện trước khi triển khai chiến đấu. Cuối tháng 5 Bộ tư lệnh chiến dịch họp trao đổi thông qua quyết tâm chiến đấu và kế hoạch thực hiện. Ý kiến thảo luận sôi nổi hào hứng, không xuôi chiều. Nhưng tất cả chúng tôi đã hiểu nhau qua nhiều chiến dịch trước đây, đều gặp nhau ở một điểm - chỉ bàn tới, nên cuộc họp đã nhanh chóng đi đến thống nhất, từ cách đặt vấn đề, chủ trương chung, sử dụng lực lượng đến các công việc cụ thể phải làm, không thể chậm. Trong đợt một chiến dịch, tá đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch (15), đập tan tuyến phòng thủ phía trước của địch trên vòng cung phía bắc Sài Gòn dọc theo biên giới miền Đông Nam Bộ. Nhưng địch vẫn ngoan cố thực hiện âm mưu tăng viện giải toả đường 13, giải toả thị xã An Lộc, tái chiếm vùng đã mất. Vì vậy muốn làm phá sản âm mưu trên ta không thể chiến đấu theo kiểu be bờ, chặn viện thụ động, mà phải chuyển thế: vừa tiêu diệt địch tại chỗ vừa đánh địch từ xa; mở mặt trận bắc Chơn Thành, nam An Lộc, quyết không cho địch nối đoạn đường này; tổ chức lực lượng tiến hành tiến công sâu vào vùng trung tuyến, đánh bại các cuộc tiến công phản kích của địch tạo thế uy hiếp mạnh thị xã Bình Dương, Sài Gòn, buộc địch phải co lực lượng về phía sau, địch ở An Lộc lo việc giữ nhà, không còn là bàn đạp thực hiện tái chiếm vùng đã mất. Như vậy là chúng ta vừa bảo vệ được Lộc Ninh, vừa tiêu diệt địch làm thất bại âm mưu giải toả đường 13 và thị xã An Lộc. Một cuộc họp với chỉ huy các đơn vị để phổ biến quyết tâm chiến đấu đợt hai của chiến dịch đã diễn ra sau đó. Sau khi nhắc lại những vấn đề lớn đã được Bộ tư lệnh nhất trí trong cuộc họp nói trên, tôi nói rõ một số nội dung quan trọng có liên quan đến nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị: Một là, bảo vệ Lộc Ninh và bao vây thị xã An Lộc, có quan hệ mật thiết với nhau. Khả năng địch tái chiếm Lộc Ninh bằng đổ bộ đường không rất khó diễn ra, mà sẽ bằng đường bộ từ thị xã An Lộc theo đường 13 đánh lên có sự chi viện tối đa của không quân, nếu thị xã này được tăng viện. Vì vậy phá âm mưu giải toả An Lộc của địch là một nhiệm vụ trực tiếp quan trọng để giữ vững vùng giải phóng Lộc Ninh. Khác với bao vây theo chiến thuật be bờ, thành vòng tròn khép kín, yêu cầu vây lỏng An Lộc là khống chế, vây hãm, uy hiếp địch có trọng điểm (như vậy lực lượng ít mà vẫn mạnh ở những khu vực then chốt), tập trung lực lượng khống chế không cho địch đổ bộ đường không, khống chế sân bay Téc-ních, không cho chúng chiếm lại sân bay thị xã, đồi 128, khu vực Núi Gió, Sa Trạch và các khu vực phía tây đường 13, nhằm thu hút giam chân địch ở đây. Để có điều kiện hoạt động liên tục và dài hơi, các lực lượng làm nhiệm vụ bao vây cần tổ chức thực hiện thay phiên (cỡ đại đội, tiểu đoàn) chiến đấu đảm bảo có đơn vị lên phía trước làm nhiệm vụ đơn vị lui về phía sau nghỉ ngơi củng cố, thực hiện phương châm vừa tác chiến vừa củng cố, bồi dưỡng lực lượng. Hai là, đánh bại âm mưu địch giải toả đường 13, ngăn chặn địch phát triển lên phía bắc. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng có quan hệ đến diễn biến chung được xác định từ đầu trong quyết tâm cơ bản của chiến dịch. Vì vậy Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương tiếp tục đánh địch trên đường 13, nhưng trong đợt hai này không phải để phục vụ cho những trận tiến công như trước, mà để đẩy lùi và đánh bại mọi hành động phản kích giải toả đường 13 của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch tiếp tục phát triển trên cơ sở giữ vững vùng giải phóng phía sau. Yêu cầu những đơn vị làm nhiệm vụ ở đây là phải thiết lập thế trận chốt chặn vững chắc trên đoạn đường từ nam An Lộc xuống bắc Chơn Thành, kiên quyết không cho địch chọc thủng để lên tăng viện cho An Lộc, đẩy thị xã này vào thế bị ta bao vây uy hiếp mạnh, không làm nổi vai trò vị trí bàn đạp tái chiếm Lộc Ninh, khôi phục lại thế cũ. Đồng thời với chốt chặn, còn chuẩn bị điều kiện và tổ chức lực lượng sẵn sàng phát triển xuống nam Chơn Thành, uy hiếp vùng trung tuyến. Ba là, trên cơ sở không xáo trộn đội hình, phát huy sở trường của các đơn vị, bảo đảm tính tiến công liên tục, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: Sư đoàn 9 từ tiến công chuyển sang làm nhiệm vụ bao vây thị xã An Lộc; Sư đoàn 7 tiếp tục làm nhiệm vụ chốt chặn đánh địch trên đường 13 với yêu cầu cao hơn. Nhưng tất cả đều phải sẵn sàng thực hiện yêu cầu điều chỉnh lực lượng theo lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch để lập thế trận mới phục vụ nhiệm vụ chung của cuộc tiến công. Vì lực lượng có hạn, cả đơn vị làm nhiệm vụ bao vây và chốt chặn đều phải hình thành thế đánh có trọng điểm, thực hiện thay phiên chiến đấu và nghỉ ngơi thích hợp. Cuộc họp diễn ra suôn sẻ, ý kiến trao đổi sôi nổi về biện pháp tổ chức thực hiện, trong đó có vấn đề chung: Đợt hai chiến dịch, ta thực hiện cách đánh gì, tiến công hay phòng ngự. Đây không đơn thuần là nhận thức, đằng sau nó có chứa đựng tư tưởng cần được trao đổi để thông suốt. Nhưng lúc này thời gian không có nhiều, tôi chỉ nêu gọn: Hình thức thì như phòng ngự, nhưng thực chất là tiến công. Lập thế trận chốt chặn là vừa giữ đất vừa tiến công, phòng ngự và tiến công xen kẽ, giữ chốt để vận động tiến công, vận động tiến công để giữ chốt. Muốn hiểu thế nào thì tùy, miễn là phải đánh bại âm mưu giải toả đường 13, không cho địch đặt chân lên An Lộc. Chốt chặn đánh địch trên đường 13 và bao vây cô lập thị xã An Lộc là hai nhiệm vụ chính của đợt hai chiến dịch. Nhưng cả Bộ chỉ huy Miền và Bộ tư lệnh chiến dịch đã dành sự quan tâm nhiều đến việc chặn đánh địch trên đường 13. Bởi lẽ đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không nói là quyết định đến yêu cầu giữ vững thành quả của đợt một, tạo đà, chuẩn bị bàn đạp cho nhiệm vụ đợt ba chiến dịch. Vì vậy giải toả và chống giải toả - cuộc tranh chấp giữa ta và địch chắc chắn sẽ diễn ra rất gay go, quyết liệt. Sư đoàn 7 do có nhiều thành công trong nhiệm vụ chốt chặn kết hợp với tiến công trên đất bạn Campuchia trong năm 1971, đã được Bộ chỉ huy chiến dịch giao đảm nhận chốt chặn diệt địch dọc theo đường 13 từ cầu Cần Lê xuống bắc Chơn Thành. Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ chặn viện có hiệu quả trong đợt một chiến dịch (16), chắc chắn cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ đợt hai này với yêu cầu cao hơn, chịu những thử thách gay go và phức tạp hơn. Tất cả đều như đánh bài ngửa, như thế cờ trên bàn cờ đã bày sẵn. Tướng sĩ, tượng xe, pháo đã hiện rõ trên bàn cờ. Nghĩa là không gian, thời gian và lực lượng tham gia trận phá thế đã rõ, hầu như không còn bất ngờ. Trận địa chốt chặn của ta là khu vực nam, bắc Tàu Ô, nơi mà địch dồn sức đánh phá cũng là đây. Cả ta và địch đều quen thuộc, có khi địch nắm nơi đây còn rõ hơn ta, vì trước đó chúng đã lập đồn bót, biến thành nơi trung chuyển quân từ Lai Khê, Chơn Thành lên An Lộc, Lộc Ninh, từ Lộc Ninh, An Lộc về lại hậu cứ Lai Khê, Bình Dương. Ta kiên quyết trụ giữ, địch dốc sức đánh phá giải toả đều tại đây. Hiểu như vậy sao ta vẫn chọn khu vực Tàu Ô, chứ không phải nơi khác? Trong nghệ thuật quân sự có khái niệm đánh theo tự chọn và đánh theo mệnh lệnh cấp trên, theo sự chỉ đạo của nhiệm vụ chung. Trong trường hợp cụ thể, lúc chiến dịch Nguyễn Huệ bước sang đợt hai thì không có sự lựa chọn theo ý muốn chủ quan, mà là chấp nhận, chỉ có sự chấp nhận vì nhiệm vụ chiến dịch đòi hỏi, xa hơn nữa vì yêu cầu của cuộc tiến công chiến lược chung trên toàn chiến trường miền Nam yêu cầu. Sư đoàn trưởng Đàm Văn Nguỵ sau khi dẫn đoàn cán bộ trực tiếp đi nghiên cứu thực địa trở về càng tâm đắc với địa hình nơi đây. Từ nam An Lộc đến Tân Khai địa hình na ná nhau, bằng phẳng, trống trải, hai bên đường là ruộng bỏ hoang, mỗi bên 2 - 3 ki-lô-mét sâu vào trong là rừng già, xen kẽ là trảng và bầu, có gỗ và rừng le, tìm chỗ đặt cối và đại liên không dễ. Nhưng ở khu vực Tàu Ô thì khác, có con suối chảy từ tây sang đông đường rộng 20 - 30 mét, nước nông nhưng là vật cản thiên nhiên tốt. Hai bờ bắc, nam của con suối là những vạt đồi thoải, quá trình mở rộng đường 13, địch san ủi vẫn còn những ụ đất cao từ 1 đến 1,5 mét, lâu ngày đất rắn, có thể cải tạo thành những ụ chiến đấu tốt. Nam suối Tàu Ô 500 mét có cống Ông Tề rộng 8 mét. Địa thế khu vực này tương đối cao, càng về phía nam địa thế càng thấp dần, đứng ở Tàu Ô ta có tầm nhìn khống chế được phía nam. Sau khi nghe sư trưởng Đàm Văn Nguỵ báo cáo quyết tâm lập trận địa chốt chặn ở khu vực Tàu Ô, trong sở chỉ huy chiến dịch có ý kiến hỏi lại: - Phòng ngự à? - Không, chốt chặn kết hợp với vận động tiến công - Đàm Văn Nguỵ trả lời. - Chiến thuật gì lạ vậy? Đàm Văn Nguỵ giải thích: - Không rõ chiến thuật gì nhưng đã thắng địch ở Cầu Khởi, Tây Ninh trong tiến công đợt ba xuân 1968, thắng địch ở Đầm Be, Cát Thơ Me năm 1971. Vấn đề đã rõ ràng, tất cả chỉ còn tùy thuộc nơi tinh thần chấp nhận và chịu đựng, tùy thuộc nơi mưu lược tính toán trong khối óc con người từ hai phía Sau buổi họp quán triệt quyết tâm chung, Bộ tư lệnh chiến dịch làm việc với Sư đoàn 7, trước hết tính toán lại thế lực lượng. Nếu đợt một đội hình kéo dài, hình thành hai lớp chặn viện (hai trung đoàn đảm nhận Tàu Ô - ngã ba Xóm Ruộng, một trung đoàn tách khỏi đội hình luồn xuống nam Chơn Thành đứng chân ở khu vực Bầu Lồng làm nhiệm vụ chặn địch từ Lai Khê lên), thì nay rút ngắn lại, tạo ưu thế trên một khu vực: Trung đoàn 209 chốt chặn ở khu ngăn chặn chủ yếu nam, bắc Tàu Ô, Trung đoàn 14 bao vây Tân Khai, Trung đoàn 12 (17) rút ra củng cố để cùng với Trung đoàn 1/ Sư đoàn 9 và Trung đoàn 205 độc lập của Miền, trước mắt làm nhiệm vụ cơ động đánh địch ở khu vực Đức Vinh - Xa Cát (bắc Tân Khai), thực hiện hai trung đoàn chốt chặn, ba trung đoàn vận động tiến công chi viện phía trước và đánh địch vu hồi phía sau trận địa chốt. Ngày 15 tháng 5 kết thúc đợt một, từ 16 tháng 5 chiến dịch chuyển sang đợt hai, đến 19 tháng 5 trên mặt trận đường 13 Sư đoàn 7 nổ súng mở màn cuộc chiến đấu theo yêu cầu mới. Thời gian cần có thì ngắn, nhưng khối lượng công tác chuẩn bị thật nhiều với những khó khăn chồng chất. Trung đoàn 209 từ Bầu Lồng ngược lên phía bắc thay phiên Trung đoàn 165 ở nam bắc Tàu Ô, đến nơi phải triển khai ngay việc xây dựng hầm hào, công sự hình thành ba bệ thống chốt (thuật ngữ quân sự gọi là ba dải phòng ngự). Các trung đoàn khác tiếp tục ngược lên phía bắc, vừa hành quân vừa khảo sát thiết kế chiến trường, vận động tiến công. Lo nhất vẫn là khu vực Tàu Ô vì đây là chìa khoá, cái bản lề quyết định thế trận đôi bên. Trong khi trung đoàn 209 đang bộn bề công việc xây dựng trận địa chốt thì các tin kỹ thuật, tin của quân báo Miền, quân báo chiến dịch cho biết dấu hiệu về một cuộc hành quân giải toả quy mô lớn của địch đang đến gần Chơn Thành chứa đầy ắp quân từ phía sau đổ lên, máy bay trinh sát địch rà lượn suốt ngày đêm trên trận địa chốt của ta. Chiều 18 tháng 5, như thường lệ chúng tôi gọi điện xuống Sư đoàn 7 nắm tình hình kết quả chuẩn bị trong ngày thì đầu dây bên kia vọng lại: Hệ thống trận địa chốt đã hình thành, các hầm chữ L vừa có nắp tránh đạn pháo vừa có hố bắn cá nhân đã xong, từng tổ bắt đầu nối nhau bằng đường hào, đảm bảo săn sàng đánh địch. Đó là tiếng nói của sư đoàn trưởng Đàm Văn Nguỵ. Đúng ngày 19 tháng 5, ngày sinh nhật Bác, đã nổ ra trận đụng độ đầu tiên giữa lực lượng giải toả và lực lượng chống giải toả. Hai trung đoàn 15 (sư đoàn 9) và trung đoàn 33 (sư đoàn 21) nguỵ Sài Gòn, được máy bay lên thẳng đổ xuống Tân Khai và thiết đoàn 9 tăng - thiết giáp (thiếu) theo đường bộ vòng qua Tàu Ô lên Tân Khai, lấy đây làm căn cứ xuất phát đánh lên An Lộc. Địch nham hiểm, tránh chỗ mạnh, đánh vu hồi phía sau, nhưng đã bị lực lượng vận động tiến công lót ổ sẵn đánh phủ đầu, đội hình địch hoang mang, rối loạn. Các trung đoàn 165, 141, 205 của ta thực hiện vây hãm, diệt nhiều sinh lực địch, diệt toàn bộ các chi đoàn của thiết đoàn 9 thiết giáp (thiếu). Ngày 21 tháng 5, lợi dụng ta có sơ hở khi thay phiên, trung đoàn 31 (sư đoàn 21) địch, được tăng cường hai tiểu đoàn biệt động quân số 65 và 73 tiến công vào khu chốt bắc cống Ông Tề (cách Tàu Ô 500 mét về phía bắc). Trung đoàn 209 đảm trách khu chốt đã giành giật quyết liệt với địch từng thước đất. Theo dõi diễn biến, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Ban đầu lợi dụng ta sơ hở lấn chiếm cục bộ, sau địch đẩy tới một cuộc hành quân có sự yểm trợ tối đa của hoả lực (18) nhằm đột phá vào trận địa chốt chặn cơ bản của ta - khu Tàu Ô. Vì vậy cần phải huy động lực lượng vận động tiến công ở phía sau lên hỗ trợ, quyết không để địch chọc thủng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của chỉ huy chiến dịch, Bộ tư lệnh Sư đoàn 7 đã xử trí kịp thời: vẫn duy trì Trung đoàn 165 ở bắc Tân Khai chặn địch nống lên An Lộc, đưa Trung đoàn 141 từ Tân Khai xuống cống Ông Tề cùng với Trung đoàn 209 phản công giành lại trận địa, khôi phục lại thế trận ban đầu. Sau trận thắng này chúng tôi thấy cần phải điều chinh lại cách đánh. Nếu đợt một chiến dịch lấy vận động tiến công là chủ yéu, chốt giữ là quan trọng, thì nay giữ chốt phải là chủ yếu vừa thể hiện tinh thần quyết giữ Tàu Ô, sẵn sàng chấp nhận hết thảy mọi thử thách - và đó cũng là thực hiện quyết tâm cơ bản trong đợt hai chiến dịch. Trên đây mới là thắng lợi mở đầu và cũng là thách thức bước đầu chúng tôi đã vượt qua, còn biết bao nhiêu cửa ải đang chờ. Từ 21 tháng 6, cuộc chiến đấu chống giải toả mới thực gay go và ác liệt Rút kinh nghiệm thất bại trong kế hoạch vu hồi phía sau khu vực Tàu Ô để lên An Lộc, địch thay đổi kế hoạch; tập trung ưu thế binh hoả lực chọc thẳng vào Tàu Ô, nhổ bật chiếc "đinh cái" trên đường 13 mở đường lên An Lộc dễ dàng hơn, khỏi phải đề phòng phía sau. Với lực lượng hai trung đoàn, một lữ đoàn, một thiết đoàn (19), địch mở cuộc hành quân trên chính diện một ki-lô-mét, đột phá liên tục cả ngày lẫn đêm (22, 23 tháng 6) nhằm đánh thẳng vào Tàu Ô, đập tan hệ thống trận địa chốt của ta. Nhưng địch đã thất bại trước lối đánh vận động tiến công kết hợp với chốt chặn của ta, buộc chúng phải rút về Xóm Ruộng, Ngọc Hồi, cách Tàu Ô 4 ki-lô-mét về phía nam. Sang tháng 7, cuộc chiến đấu giữ chốt đứng trước những thử thách chưa từng gặp trước đó ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Lực lượng địch đông hơn, thủ doạn phản kích vừa hiểm hóc vừa tàn bạo. Ngày 14 tháng 7, toàn bộ sư đoàn 25, trung đoàn 31 (sư đoàn 21 chưa về đồng bằng) chia làm ba cánh, hình thành chín mũi, đột phá ào ạt và liên tục, nhiều ngày, nhiều hướng vào khu chốt chặn Tàu Ô một lần nữa. Đến ngày 26 tháng 7, địch tạo được những chốt nhỏ trong quá trình tiến quân nối liền từ ngã ba Xóm Ruộng đến Tàu Ô, dựa vào đó đánh vào các chốt, chia cắt trận địa và chặn tiếp tế của ta từ đông đường sang tây đường. Lê Văn Tư, tư lệnh sư đoàn 25 hám danh, đặt nhiều tham vọng vào cuộc hành quân giải toả mà hắn đảm trách. Y thay đổi chiến thuật, dùng hoả lực phi pháo có mức độ, có trọng điểm trong khu vực Tàu Ô, nhưng lại dùng rộng rãi hoả lực tối đa đánh phá trận địa phía sau ta, phá huỷ đường sá, cắt đứt liên lạc ngăn chặn đường tiếp tế vận tải của ta ra phía trước. Nguyên là tư lệnh phó sư dù, được điều về giữ chức tư lệnh sư đoàn 25, Lê Văn Tư còn trẻ và nhiều tham vọng, rất kiêu ngạo và hung hăng. Khi từ đường 22 điều sang đường 13, y huênh hoang: cái gì sư đoàn 21 không làm được, sư đoàn 25 nhất địch sẽ làm được: Quyết tâm của Lê Văn Tư là phải phá vỡ trận địa chốt chặn của Việt cộng (chỉ Quân giải phóng) ở Tàu Ô, đưa sư đoàn 25 - mệnh danh là "Tia chớp nhiệt đới" của quân lực Việt Nam cộng hoà (chỉ quân đội nguỵ) đặt chân lên thị xã An Lộc. Từ tập trung lực lượng lớn liên tục tiến công, liên tục đột phá bằng nhiều mũi (kể cả việc đưa chiến đoàn 49 bí mật vòng sâu vào phía tây đường lên Tân Khai vu hồi phía sau Tàu Ô) vẫn không nhổ được các cụm chốt của ta. Địch giãn ra hình thành các cụm đã ngoại đóng xen kẽ rất gần với các chốt của ta, cắt đứt đường vận chuyển của ta từ phía sau ra phía trước. Nhưng chúng đã thất bại. Bắt đầu từ phát kiến của một đại đội, nhanh chóng thành phong trào, tất cả các con đường mòn vận tải đêm đưa đồ tiếp tế ra các chốt dã ngoại của địch đóng xen kẽ với các trận địa chốt của ta đều bị ta phát hiện và sau đó đều bị ta tổ chức phục kích đánh trúng vừa diệt được địch vừa thu được lương thực, đạn dược; cũng có nơi các chiến sĩ ta phải mặc giả địch, trà trộn với địch để vượt qua mọi nguy hiểm đưa đồ tiếp tế ra phía trước. Cứ thế, cái khó ló cái khôn, xuất hiện phương cách na ná như kiểu lấy đồ tiếp tế của địch đánh địch ở Điện Biên Phủ năm xưa. Trại biệt kích Minh Hoà đóng phía sau trận địa ta, quân số cỡ tiểu đoàn. Ta thừa sức nhổ cái gai này một cách nhanh gọn. Nhưng cứ để đó, chỉ thỉnh thoảng cho lực lượng nhỏ đến pháo kích, đêm vào cắt rào, gỡ mìn làm như sắp sửa bị ta xoá sổ. Bọn chỉ huy trại lo sợ, càng có cớ xin tăng viện. Thế là địch trúng mưu, đều đều máy bay địch từ hậu cứ bay đến thả dù tiếp tế đủ thứ. Nhờ sự "chi viện" kiểu này mà ta có gạo sấy, có đạn dược của địch đánh địch. Đạn cối 81 dùng cho cối 82 ly, đạn 106,7 ly dùng cho cối 120 ly, hơi lỏng một chút, độ chính xác giảm, nhưng còn hơn không. Đến đầu tháng 8, tình thế đã thay đổi, ta tiến công san bằng đồn này vì xét thấy nó đã hết tác dụng. Thua keo này địch bày keo khác, Lê Văn Tư lại tung thủ đoạn gây căng thẳng thường xuyên cả đêm lẫn ngày, làm ta không còn đủ sức giữ chốt. Ngày địch tiến công bằng hoả lực phi pháo và tiếp tục gây sức ép, các mũi đột kích liên tục vào trận địa ta. Đêm chúng tổ chức các bộ phận nhỏ chia thành từng tốp, cởi trần mặc quần đùi đeo trên lưng túi lựu đạn, bí mật luồn lách mò đến từng hầm chốt thả lựu đạn xuống. Chúng lại bị thất bại, vì ta kịp thời phát hiện và tổ chức đối phó, phái các tổ chiến đấu bí mật vòng ra ngoài phục sẵn. Khi địch mò đến địa điểm thích hợp, ta trong nổ súng ra, ngoài tổ vu hồi bất thần nổ súng đánh phía, sau lưng. Địch lại dùng thủ đoạn điều tăng, thiết giáp đến gần chốt ta, ở cự ly ngoài tầm bắn hiệu quả của súng B.40. B.41, tức thì tập trung pháo tự hành ĐK.90 bắn trực tiếp phá từng công sự trên trận địa chốt của ta. Bằng lối đánh này, chúng đã gây cho các đơn vị giữ chốt nhiều thiệt hại, có đại đội sau trận đánh chỉ còn ba, bốn hoặc năm tay súng. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Sự tự giác chấp nhận thử thách là nguyên nhân nảy sinh nhiều sáng kiến đánh giặc. Dùng thuật nghi binh nhử địch kết hợp thiết lập các trận địa bắn tỉa, xuất hiện bất thần, từ nhiều phía, địch lúng túng, hoang mang, phải chấp nhận thất bại. Táo bạo hơn, các đơn vị còn tổ chức những tổ bí mật ra phục sẵn ở những nơi xe tăng và bộ binh địch vẫn hay lợi dụng địa hình có lợi để đứng bắn vào trận địa ta, gây cho địch những bất ngờ đến kinh hoàng. Trận địa chốt chặn Tàu Ô của ta vẫn đứng vững! Nhưng cuộc chiến đấu chống địch giải toả càng gặp muôn vàn khó khăn. Vừa mệt mỏi, căng thẳng và bị tiêu hao trong chiến đấu. Sang tháng 6, tháng 7 mưa càng nhiều, hầm hào sụt lở ăn ở của bộ đội càng gian khổ, thiếu thốn, ốm bệnh đủ loại, quân số chiến đấu giảm, từng đại đội, tiểu đoàn chỉ còn 50%, thậm chí 30% so với biên chế. Bộ tư lệnh chiến dịch chúng tôi nhận định: trên thế chung chúng ta vẫn giữ được quyền chủ động. Qua tin tức của đài Tiếng nói Việt Nam, từ Bộ chỉ huy Miền thông báo xuống; tại hướng chiến lược chủ yếu Quảng Trị, đã hút thêm lữ đoàn dù 1 và liên đoàn biệt kích 81 từ đường 13 đưa ra; địch cũng rút bớt quân ở Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5 đi chi viện các nơi khác vì tại đây ta vẫn tiếp tục tiến công uy hiếp. Trên mặt trận đường 13, địch phải rút sư đoàn 21 về đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với sư đoàn 5 của ta đang cùng quân dân Khu 8 mở chiến dịch tổng hợp đạt hiệu quả. Sư đoàn 18 và liên đoàn biệt động quân 5 vẫn bị giam chân ở thị xã An Lộc, thay sư đoàn 5 rút về phía sau củng cố, chưa thể tiếp tục đưa ra phía trước được Trên mặt trận đường 13 vẫn chỉ có sư đoàn 25 và một số đơn vị tăng cường khác, đã bị sứt mẻ và sa sút tinh thần qua gần một tháng thay sư đoàn 21 tiến công trận địa chốt Tàu Ô. Về phía ta, Sư đoàn 7 đã chứng tỏ là một sư đoàn có bản lĩnh trong nhiệm vụ chống địch giải toả, làm thất bại nhiều thủ đoạn nham hiểm của địch trong cuộc tiến công nhằm đánh bật ta ra khỏi trận địa chốt; chúng vẫn dậm chân tại chỗ trước hệ thống chốt chặn Tàu Ô của ta. Từ nhận định trên và quán triệt sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: Kiên trì giữ các chốt cơ bản kết hợp với tổ chức các chốt cơ động đưa lực lượng ra phản kích. Bắt đầu triển khai thực hiện chủ trương chuyển hoạt động vào khu trung tuyến, là thiết thực chi viện cho trận địa chốt chặn Tàu Ô, đồng thời hạn chế khả năng địch đưa lực lượng đánh ra vùng giải phóng. Đây là nhiệm vụ đã được đề cập trong nội dung quyết tâm chiến đấu đợt hai chiến dịch. Trong bố trí lực lượng chống giải toả trên đường 13, chúng tôi chỉ đạo Sư đoàn 7 chỉ để Trung đoàn 209 chất chặn Tàu Ô, Trung đoàn 165, 141 và 205 làm nhiệm vụ cơ động tiến công, thời giạn đầu đánh địch vu hồi phía sau khu vực Tân Khai, Đức Vinh, sau vận động tiến công khu vực phía trước, hỗ trợ Trung đoàn 209 giữ vững khu vực chốt chặn Tàu Ô, để khi có điều kiện dễ dàng rút ra làm nhiệm vụ mới. Thời cơ để triển khai dự kiến ban đấu đã đến. Nhưng khi vào việc thì lại không đơn giản! Khó khăn trước hết là việc rút hai trung đoàn của Sư đoàn 7. Người không thông chính là sư đoàn trưởng Đàm Văn Nguỵ. Một mặt anh ra lệnh cấm không ai được nói với những người chưa biết tin này, "cụ thể thế nào sau khi tôi lên Bộ tư lệnh chiến dịch về sẽ hay". Ngay đêm hôm được tin rút, Đàm Văn Nguỵ cứ trằn trọc về những suy nghĩ miên man (khi lên sở chỉ huy chiến dịch anh tâm sự lại, như phân bua với mọi người): "thị xã Quảng Trị đã mất, Hiệp định Paris vẫn chưa ký, ta bỏ Tàu Ô thì sư đoàn 25 địch đang đứng trước mặt sẽ tràn vào, thẳng đường lên giải toả An Lộc, cùng lực lượng ở đây tái chiếm sân bay Téc-ních, chi khu quân sự Lộc Ninh, thì lấy đâu địa điểm đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam? Đông Hà? Gần miền Bắc quá, không có lợi về chính trị. Sư đoàn 7 đã đóng giữ đoạn đường 30 ki-lô-mét từ nam An Lộc đến bắc Chơn Thành, nay rút uổng quá? Trên thương ta mà lệnh cho ta rút ra để nghỉ ngơi củng cố. Nhưng rút lúc này là mất thời cơ chiến lược. Không, nhất định phải giữ, nhưng cần điều chinh lực lượng, thay đổi cách bố trí và cách đánh. Biết sáng hôm sau sư trưởng Sư đoàn 7 Đoàn Văn Nguỵ lên báo cáo, xin ý kiến, tôi đã bố trí thời gian tiếp. Gương mặt anh vẫn hiện rõ nét lạc quan, tự tin, nhưng hình thể thì gầy, da xanh, hai mắt trũng sâu! Rất muốn có cái gì chiêu đãi người ở phía trước sau gần hai tháng trời vất vả, nhưng ngó trước nhìn sau chẳng tìm ra thứ gì để gọi là bồi dưỡng nhẹ. Nắm chặt tay Đàm Văn Nguỵ, tôi nói: - Ngồi xuống, uống tạm nước đun sôi, rồi trình bày ngay, tụi mình sẵn sàng nghe. Không đắn đo suy nghĩ, như tất cả đã chuẩn bị sẵn trong đầu cứ việc mở nút là bật tung, Đàm Văn Nguỵ sôi nổi trình bày những điều mình đã nghĩ đêm qua. Ôi! Phẩm chất đáng quý của một con người. Là người đứng mũi chịu sào, trăm cái gian nan vất vả, nghìn cái gian khổ, gay go đều đổ vào mình, mà vẫn không hề nao núng phân tâm, không muốn xả hơi, trái lại vẫn tha thiết trình bày, đề nghị trên cho được tiếp tục trụ lại ráng chịu đựng, sẵn sàng chấp nhận tất cả, dù có thế nào, miễn là không để địch bước qua Tàu Ô. Trước hết tôi chân thành bày tỏ sự cảm phục của mình về sư đoàn trường sư đoàn 7 Đàm Văn Nguỵ. Qua hơn 60 ngày thử lửa, chất vàng nhân phẩm của anh vẫn óng ánh, anh đã góp phần củng cố bản lĩnh, lòng tin cho cấp dưới và cả cấp trên trong thời điểm cần phải có. Sau đó, thay mặt Bộ tư lệnh chiến dịch, tôi trình bày kế hoạch hoạt động tiếp theo được tập thể nhất trí: - Ý định rút phần lớn lực lượng Sư đoàn 7 ra khỏi khu vực chất chặn không phải để nghỉ ngơi, mà là… - Tôi vừa mở đầu công việc giao nhiệm vụ. Sư trưởng sư đoàn 7 cắt ngang: - Đi đâu thủ trường? - Anh hỏi dồn - Đi hướng nào, làm nhiệm vụ gì? Tôi tiếp tục trao đổi, bắt đầu từ cách đặt vấn đề. - Hơn hai tháng qua Sư đoàn 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng nếu đánh theo kiểu vỗ mặt thì khả năng đẩy lùi địch có khó khăn, chỉ tạo thế giằng co như hiện nay, rất có thể dẫn tới tình huống xấu, bất lợi cho ta. Muốn giải quyết căn bản vấn đề, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định rút hai Trung đoàn 165 và 141 của Sư đoàn 7 hợp cùng Trung đoàn 205 độc lập của Miền thành một sư đoàn đầy đủ, tranh thủ củng cố ngắn ngày, sau đó bí mật rời Tân Khai - Đức Vinh xuống khu trung tuyến, tiến công vào cụm căn cứ địch phía sau như Chơn Thành, Lai Khê là những nơi đóng sở chỉ huy tiền phương sư đoàn 25, quân đoàn 3 địch nhằm thu hút địch từ phía trước về phía sau, hạn chế sức ép của địch ở khu vực Tàu Ô, đồng thời hạn chế khả năng chúng đưa lực lượng đánh ra vùng giải phóng của ta. Về Trung đoàn 209, Bộ tư lệnh chiến dịch vẫn tiếp tục để trung đoàn này làm nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô, với lý do tránh phải thay phiên lúc này dễ gây xáo trộn, trong khi kẻ địch đang đóng chốt xen kẽ, chúng dễ phát hiện sơ hở tổ chức nhất loạt phản kích đánh chiếm thì tình hình sẽ trở nên phức tạp, ta rơi vào thế bị động, kế hoạch mở mặt trận vào vùng trung tuyến sẽ có nhiều khó khăn. Mặt khác địch đã hiểu đối diện trực tiếp với chúng ta ở Tàu Ô là Trung đoàn 209, nay Trung đoàn 209 vẫn còn đó vừa sẵn sàng đối đầu với địch, vừa trong kế hoạch nghi binh, tạo cho chúng giữ thói quen phán đoán - sau Trung đoàn 209 là Trung đoàn 165, 141 của "công trường 7". Như vậy rõ ràng không đứng trong đội hình mới nhưng Trung đoàn 209 lại có vai trò không thể thiếu trong kế hoạch tổng hợp mở mặt trận đánh vào vùng trung tuyến. Một mặt làm nhiệm vụ nghi binh, luôn luôn khẳng định mình vẫn đứng chân trên khu vực Tàu Ô, mặt khác đòi hỏi Trung đoàn 209 phải tự thân chiến đấu giữ vững dải chốt chặn trong suốt thời gian các trung đoàn 165, 141 rút ra củng cố, chuẩn bị chiến đấu ở phía sau cho đến khi mặt trận vùng trung tuyến nổ súng. Trên dưới ăn ý, công việc chạy đều mặc dầu khó khăn không giảm. Các đồng chí chỉ huy Sư đoàn 7, ba ngày sau khi nhận lệnh đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ và điện báo cáo về sở chỉ huy chiến dịch, đã hoàn thành hơn nữa phần việc. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đang rút về địa điểm tập trung. Đoàn khảo sát thực địa đã lên đường. Lúc này đang là những ngày cuối tháng 7, thời gian chuẩn bị không nhiều, theo dự kiến của chúng tôi, chậm nhất thượng tuần tháng 8 là phải khởi sự. Không thể chậm hơn, bởi lẽ không thể để Trung đoàn 209 "gồng mình" lâu quá tự mình giữ trận địa chốt chặn, như thế áp lực địch ở Tàu Ô sẽ tăng lên quá sức chịu đựng của anh em, thế trận có thể xấu đi. Mặt khác cũng cần tranh thủ lúc tối trời, nhất là đơn vị đặc công được giao nhiệm vụ pháo kích Lai Khê, để khi tuần trăng đến sẽ có điễn biến phức tạp khó lường. Tôi lại tiếp Đàm Văn Nguỵ sau khi dẫn đoàn cán bộ đi quan sát thực địa vùng tuyến sau của địch trở về. Hình hài vẫn thế, người gầy xương xương, da xanh mai mái. Nhưng gương mặt tươi tỉnh, cười nói cởi mở, như có tin vui mới nhận. Sau khi báo cáo, như là trình bày những thu lượm của mình về cảnh vật vừa lạ vừa quen của vùng nam Chơn Thành qua Bầu Lồng đến bắc Bầu Bàng, sư đoàn trường Đàm Văn Nguỵ nêu nhận xét: ở đây mật độ địch dày đặc, ngoài quân đồn trú, là lực lượng hậu cần của sư đoàn 25, làm nhiệm vụ vận tải lên phía trước với số lượng xe cộ nhiều, chúng nối đuôi nhau lên xuống ngày đêm như mắc cửi; nhộn nhịp như đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng. Đề nghị Tư lệnh cho đơn vị được chuyển dịch đội hình xuống phía nam, kịp thời tiến công càng sớm càng tốt, vì địch đông, nhưng chúng chủ quan, nghênh ngang lắm! - Lực lượng là bao nhiêu? - Tôi thăm dò. Đàm Văn Nguỵ trả lờỉ: - Báo cáo tư lệnh, một trung đoàn. - Đồng ý - Tôi trả lời - nhưng trước khi Bộ tư lệnh chính thức quyết định, tôi cần được tận mắt thấy địch. - Chúng tôi chờ lệnh - Đàm Văn Nguỵ trả lời. - Anh cùng tôi trực tiếp xuống xem lại lần nữa - Tôi nói. Ngay sau đó, tôi và Đàm Văn Nguỵ trở lại nơi mà anh vừa ở đó trở về xin lệnh cho đơn vị triển khai trận đánh. Đã gần bảy năm trôi qua tôi mới về lại một vùng quen thuộc. Bao kỷ niệm hiện về. Ngày ấy vào đầu tháng 10 năm 1965 tôi và anh Thế Bôn cũng đi trên đoạn đường này làm nhiệm vụ khảo sát chiến trường, chuẩn bị cho Sư đoàn 9 tham gia chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng. Chúng tôi trà trộn cùng nhân dân đi từ Bầu Lồng xuống tận Lai Khê, Bến Cát. Đường ngày ấy nhỏ, mặt đường xấu nhưng quang cảnh hai bên thật nên thơ, rừng cây còn nhiều, tất cả hiện lên một màu xanh mát mắt, thoảng mùi thơm của hoa rừng qua làn gió nhẹ gây cảm giác dễ chịu. Thì nay vẫn đoạn đường năm xưa, tất cả đều đổi thay, đường tuy có rộng, mặt đường phẳng lì nhẵn bóng, nhưng rừng cây thì bị thiêu trụi, chỉ còn một mùi khét lẹt của bom đạn, cảnh vật hoang tàn. Hai bên đường chỉ còn thứ cỏ không tên, bị bom na pan đốt cháy, dù bị chất độc hoá học huỷ hoại, vẫn cứ bám lấy đất mà sống. Cơ sở địa phương giúp đỡ, tạo thuận lợi cho chuyến đi của chúng tôi. Vừa nghe các đồng chí địa phương báo cáo, vừa tận mắt quan sát, cả ngày và đêm, nhiều lúc phải trèo cây cao quan sát vì vùng này cũng là rừng bằng rất hạn chế tầm mắt. Tình hình đúng như Đàm Văn Nguỵ báo cáo. Ở đây nhiều xe địch lên xuống làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, súng đạn lên phía trước, nhưng lại sơ hở, chủ quan, thuận lợi cho ta làm nhiệm vụ. Và khi bị đối phương bất thần tiến công, địch sẽ lúng túng, rối loạn. Vì lúc này bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Sài Gòn và bộ Tổng Tham mưu quân nguỵ vẫn dồn sức theo dõi, đề ra các biện pháp tự tin vào cuộc phản kích của Sư đoàn 25 đánh phá Tàu Ô, Sư đoàn 18 nống ra đồn điền Quản Lợi, sân bay Téc-ních. Đánh là rung không những trận địa phía sau mà cả trận địa phía trước. Nhưng lực lượng làm nhiệm vụ thì không thể một trung đoàn. Phải đưa lực lượng như dự kiến ban đầu, biên chế đủ một sư đoàn bộ binh gồm ba trung đoàn, có lực lượng binh chủng nhất định để trước hết bảo đảm chắc thắng quân địch tại chỗ, đủ sức đánh bại các lực lượng chi viện; đồng thời còn nhằm cài thế chiến dịch và có tác động cả về mặt tâm lý; khi có điều kiện ta còn tiến sát vùng ven đô, vô hiệu hoá vùng trung tuyến (20), uy hiếp Sài Gòn. Tôi trao đổi tại chỗ về sử dụng lực lượng nói trên với Đàm Văn Nguỵ để chuẩn bị tư tưởng cho anh trước khi về sở chỉ huy trao đổi thống nhất với các đồng chí trong bộ tư lệnh chiến dịch. Toàn bộ kế hoạch chung không có gì thay đổi, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định một số công việc cụ thể: - Một là, lực lượng đặc công chiến dịch được trang bị súng cối 122 ly và hoả tiễn chuẩn bị gấp, chậm nhất cuối thượng tuần tháng 8 thực hiện bất ngờ tiến công căn cứ Lai Khê. - Hai là, lực lượng cơ động của Sư đoàn 7 (trung đoàn 165, 141) và Trung đoàn 205 do sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Đàm Văn Nguỵ chỉ huy, triển khai vận động phục kích trên đường Chơn Thành đi Lai Khê, kết hợp với chốt cứng đoạn nam Bầu Lồng - bắc Bầu Bàng để đánh địch từ phía bắc có thể quay về giải toả Lai Khê. - Ba là, thời gian không thể chậm, các đơn vị phải vừa di chuyển, vừa chuẩn bị, thực hiện thật nghiêm kỷ luật giữ bí mật và kế hoạch nghi binh; Trung đoàn 209 cần ráng sức chịu đựng, phải tổ chức đánh địch liên tục chứng tỏ vẫn chiến đấu trong đội hình chiến dịch, vẫn có lực lượng phía sau lên chi viện, kéo dài lừa địch cho đến khi mặt trận trung tuyến nổ súng tiến công. Cuộc chuyển quân đầy vất vả nhưng vẫn giữ được bí mật cho đến phút chót. Theo kế hoạch chung, đêm 10 rạng 11 tháng 8 tiểu đoàn 28 đặc công chiến dịch phối hợp với một bộ phận của lữ đoàn 429 đặc công Miền tiến công sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 nguỵ đặt tại Lai Khê mở màn trận chiến đấu ở vùng trung tuyến; đồng thời các đơn vị cơ động sẵn sàng đánh địch trên đoạn đường Bầu Bàng - Lai Khê. Cả một vùng địch coi là hậu cứ của cuộc hành quân giải toả đã bị đối phương đánh phá. Cơ quan chỉ huy chóp bu của Mỹ - nguỵ ở Sài Gòn vội vã điều liên đoàn biệt động số 6 từ Biên Hoà lên ứng cứu Lai Khê và điều liên đoàn biệt động quân số 3 từ đường số 2 sang đường 13 bố trí ở Bến Cát làm dự bị phía sau. Ngay lúc này Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: mặc dầu Trung đoàn 141 đã tổ chức được một số trận đánh, đã đặt được cái chốt ở Bầu Bàng, địch vẫn đưa lực lượng phía sau lên ứng cứu, chưa chịu rút lực lượng về phía trước, chứng tỏ chúng vẫn ngoan cố duy trì áp lực ở Tàu Ô. Vì vậy cần phải đánh mạnh, gây thiệt hại trực tiếp vào lực lượng mới đến ứng cứu. Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên, lực lượng cơ động chiến dịch tiến hành vận động phục kích chặn đánh tiểu đoàn 35 (liên đoàn biệt động quân số 6) ở bắc Lai Khê; diệt tiểu đoàn 51 cũng thuộc liên đoàn biệt động quân số 6 ở tây-nam Bầu Bàng (21 đến 22-8), lực lượng còn lại của liên đoàn này phải luồn rừng chạy về phía nam (27-8), thì địch bắt đầu hoang mang, bối rối, sức ép của ta vào Bình Dương, vào ven đô đang tới gần. Tảng sáng ngày 28 tháng 8, đài kỹ thuật của ta bắt được tin của địch: Nguyễn Văn Minh tư lệnh quân đoàn 3 nguỵ điện cho Lê Văn Tư, tư lệnh sư đoàn 25: công trường 7 (chỉ sư đoàn 7) đang tiến mạnh, tiến sâu, sư đoàn 25 bỏ Tàu Ô lui về Chơn Thành, Lai Khê, bảo vệ vùng trung tuyến. Cùng lúc, từ khu vực chốt chặn, Trung đoàn 209 báo cáo về sở chỉ huy chiến dịch, địch đang rục rịch rút bỏ Tàu Ô. Chúng tôi điện báo tin này xuống cho lực lượng cơ động chiến dịch để động viên khí thế cán bộ chiến sĩ và lệnh tiếp: "Cần tổ chức chốt chặn kết hợp với vận động tiến công truy kích đánh địch từ phía trước rút về". Do kịp thời chuyển thế trận, ta đã tổ chức tiến công sư đoàn 25 từ phía trước rút về phía sau, diệt 600 tên, bắt 84 tên, thu 170 súng ở bắc Bầu Bàng vào ngày 1 tháng 9. Trận đánh này là trận đánh cuối cùng của 135 ngày đêm ta thực hiện chốt chặn trên đường 13, làm phá sản âm mưu giải toả đường 13 của địch. Chặng đường của chiến dịch Nguyễn Huệ vẫn còn, nhưng tất cả chúng tôi đều như cất được một gánh nặng, nhẹ nhõm, khoan khoái, không chủ quan, thoả mãn nhưng được phép tự hào, đã góp sức trực tiếp vào sức mạnh tổng hợp không để cho địch vượt qua Tàu Ô, đặt chân lên thị xã An Lộc, tái chiếm Lộc Ninh, thực hiện âm mưu lập lại cục diện trước ngày 1-4-1972. Mỗi chúng tôi sau cuộc thử thách đầy cam go, lại thêm xanh gầy hốc hác, tóc càng bạc nhiều. Nhưng vui! Rất vui, bởi ngay lúc nguy nan, hiểm nghèo nhất, cũng có cách lật ngược được thế cờ vì mỗi chúng tôi, từ trường học thực tế đã biết và nắm được nghệ thuật chủ động tiến công trong đường lối quân sự mang màu sắc Việt Nam mà Đảng đã tổng kết từ thực tiễn chiến đấu. Thắng lợi của cuộc chiến đấu chốt chặn Tàu Ô tạo đà cho việc hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đợt ba chiến dịch. Từ bàn đạp tạo thế này, đội hình cơ động chiến dịch phát triển sâu xuống vùng trung tuyến, tiến công địch ở bắc Bình Dương và Phú Hoà Đông, Củ Chi; đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt chiến đoàn 8 địch ngày 19-1-1973, lập nên thế trận "da báo" ở miền Đông Nam Bộ, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, đã kết thúc nhiệm vụ đợt ba; đồng thời cũng là tình huống cuối cùng của chiến dịch Nguyễn Huệ kéo dài ròng rã gần mười tháng (từ tháng 4 năm 1972 đến-1-1973). Ngay từ khi Tàu Ô được xác định là khu vực trận địa chốt chặn nhằm đánh bại âm mưu giải toả đường 13 của địch, thì liền đó một vấn đề về cách đánh được nêu lên, dai dẳng trong nhiều năm. Vì chốt chặn là đồng nghĩa với phòng ngự, mà phòng ngự là trái với tư tưởng tiến công trong chiến lược quân sự của Đảng cần phải quán triệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; rằng chốt chặn Tàu Ô là phòng ngự đơn thuần v.v. Sự kiện Tàu Ô là một biện hộ, một minh chứng đầy sức thuyết phục cho một biện pháp, một cách đánh đúng đắn phù hợp với thực tế bấy giờ, chẳng ai còn đặt vấn đề trao đổi nữa. Nhưng một thời gian dài sau đó, do nhiều nguyên nhân, cuộc tranh luận vẫn cứ tiếp tục, nhiều ý kiến tán thành, xem đó như một cách đánh mới, cũng không ít ý kiến phản đối, phê phán gay gắt, khiến anh Đàm Văn Nguỵ, sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, người trực tiếp đề xuất và chỉ huy cuộc chiến đấu chốt chặn Tàu Ô nhiều lúc phân vân đến hoang mang, không dám nhận cái đúng về mình. Sau này những lúc gặp anh trong hội nghị quân chính toàn quân, trong các lớp tập huấn cán bộ cao cấp, chúng tôi có dịp hàn huyên, được nghe anh kể về cách đánh mà sau này anh vận dụng vào khu vực Tàu Ô. - Bắt đầu từ trận Hú Mường (Thượng Lào) - Anh Đàm Văn Nguỵ mở đầu câu chuyện. Thực hiện liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, từ năm 1960, trung đoàn 174 của chúng tôi được lệnh hành quân sang đất nước Lào phối hợp cùng quân dân nước bạn chiến đấu. Một thời gian dài các đợt hoạt động quân sự của ta ở bên đó thường tổ chức theo quy luật thời tiết. Mùa khô tiến công, mùa mưa rút về nước nghỉ ngơi, củng cố vì việc vận chuyển tiếp tế lương thực, vũ khí từ trong nước sang gặp không ít khó khăn. Ta rút, địch chiếm lại. Mùa khô đến, ta tổ chức tiến công chiếm lại, địch rút, chờ mùa mưa. Cứ thế ta rút địch chiếm lại, ta chiếm lại địch rút, lặp đi lặp lại dai dẳng trong cùng một khu vực, một mục tiêu! Hú Mường là một ví dụ. Mùa mưa năm 1965 đã đến! Rút hay đánh? Một câu hỏi được nêu ra, như đáp ứng sự chờ đợi của mọi người. Tất cả ta và bạn đều trả lời: "Trụ lại, tổ chức đánh địch giữ vững trận địa, quyết không cho chúng chiếm lại". Nhưng đánh bằng cách nào? Tôi tự hỏi mình, rồi đưa ra trao đổi trong ban chỉ huy về những suy nghĩ của mình đã có từ hai mùa mưa trước. Tôi xin phép được trình bày trước. Mùa mưa này chúng ta ở lại chiến đấu là một quyết định mang tính tích cực thể hiện tinh thần liên tục tiến công, chiến đấu không theo mùa. Nhưng muốn tiêu diệt địch, bảo vệ mình, giữ vững trận địa, tôi đề nghị: trước hết ta cần chiếm các điểm cao quan trọng, xây dựng thành các trận địa vững chắc đủ sức đánh địch, địch vào ta đánh, chủ động vận động tiến công khi địch phản kích, nhằm bảo vệ thị trấn Hú Mường. Cuộc họp đều nhất trí kiến nghị của tôi và bổ sung: Cần chiếm điểm cao Tháp Xưa, dồn sức xây dựng nhanh trận địa chốt vững chắc, bí mật bố trí lực lượng ở đây sẵn sàng đánh địch khi chúng tiến công. Mười lăm ngày sau trận địa chốt được hoàn thành, có lực lượng chiến đấu bảo vệ chốt, có lực lượng vận động tiến công. Tất cả đã sẵn sàng. Đúng kế, địch chủ quan, tổ chức hành quân chiếm lại, tưởng dễ dàng như các mùa mưa trước. Bị ta tiến công bất ngờ, gây cho địch nhiều thiệt hại, ta thu được nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm, súng đạn, lương thực, giữ được thị trấn Hú Mường. Cuối năm 1965, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị tổng kết đợt hoạt động quân sự ở Lào tại Câu lạc bộ quân đội trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội, có cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội hai nước tới dự. Tại cuộc họp có hai câu hỏi chung được nêu lên: - Tại sao các đợt tiến công quân sự của ta ở Lào thu nhiểu thắng lợi, đánh bại nhiều âm mưu chiến lược của địch nhưng chỉ làm tan rã chứ không tiêu diệt nhiều sinh lực địch? Các đồng chí bạn Lào trả lời: Ở Lào dân ít, đất rộng, nếu diệt được đầu sỏ, lính hoang mang, mất tinh thần bỏ chạy về nhà làm dân thế là được, đạt yêu cầu. - Trung đoàn 174 diệt nhiều sinh lực địch là tốt nhưng lại đánh theo cách đánh phòng ngự. Câu hỏi vừa khẳng định biểu dương vừa khêu gợi, phê phán. Nghe xong tôi chỉ nghĩ về vế phê phán, buồn lo hơn là phấn khởi! Tôi thật sự choáng váng, hoang mang vì ý nghĩ của bản thân không như thế. Đắn đo, suy nghĩ và cả đấu tranh tư tưởng nữa. Cuối cùng tôi mạnh dạn giơ tay, đứng dậy, tim đập mạnh vì cử toạ trước mặt phần lớn là các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cao cấp, là những giảng viên quân sự ở học viện, cán bộ nghiên cứu của các cơ quan trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Nhưng lòng tin đã lấy lại thăng bằng; tôi mạnh dạn phát biểu, không dài mà đủ những điều nghĩ và thực tế đã làm: - Báo cáo các anh! Mùa mưa phải chốt như thế mới diệt được địch, giữ được vùng giải phóng. Không khí cuộc họp bỗng sôi động hẳn lên. Nhiều ý kiến phát biểu nhưng vẫn theo chiều hướng phê phán, cho như thế là sai, đánh theo kiểu phòng ngự. Một đồng chí lãnh đạo của Học viện quân sự giờ nghỉ đến hỏi tôi: - Đã tổ chức phòng ngự cụ thể thế nào? - Không, có phòng ngự đâu - Tôi thanh minh. - Đánh thế nào? - Đồng chí lãnh đạo Học viện Quân sự hỏi tiếp. - Theo kiểu chốt chặn kết hợp với vận động tiến công - Tôi trả lời. - Làm gì có kiểu đánh thế! - Đồng chí lãnh đạo Học viện Quân sự nhận xét. Cả ngày và đêm hôm ấy tôi thật buồn, ăn không ngon, ngủ không yên, không biết trao đổi cùng ai! Nếu khuyết điểm thì nhận để sửa chữa có sao đâu, đó là quy luật phát triển như Đảng, Bác Hồ đã dạy. Nhưng thực tế ta thắng, thắng giòn giã, trụ lại suốt mùa mưa, không còn tình trạng rút đi chiếm lại, chiếm lại rút đi một cách chán ngấy. Thế thì khuyết điểm ở chỗ nào, chưa có ai chỉ ra một cách cụ thể? Hôm sau, anh Hoàng Văn Thái gọi sang nhà riêng, yêu cầu tôi kể lại tỉ mỉ cả buổi sáng. Anh chăm chú nghe và ghi chép. Anh ngạc nhiên khi nghe tôi kể bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí một hiện tượng hiếm thấy ở chiến trường Lào trước đó. Anh hỏi như để lắng nghe đầy đủ các chi tiết, chứ không áp đặt phê phán: - Như vậy có phải là phòng ngự không? - Báo cáo anh, không phải - Tôi trả lời. Nghe tôi khẳng định lần cuối, anh thân mật nói: - Đây là một kiểu chiến thuật. Tôi như muốn reo lên, muốn ôm lấy anh vì vui sướng. Đầu óc bớt căng, và thấy tự tin hơn, vì đã có người thông cảm với mình, nhất là người đó lại là anh Hoàng Văn Thái. Kết thúc hội nghị, đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận. Sau khi biểu dương những cố gắng vươn lên, vượt nhiều khó khăn, liên tục tổ chức những đợt hoạt động quân sự không theo mùa, đạt hiệu quả cụ thể, tạo ra thế trận vững chắc ở Thượng Lào, đủ điều kiện đánh bại các âm mưu thâm độc của bọn đế quốc và thế lực tay sai trong nước, anh kết luận: trung đoàn 174 chốt điểm kết hợp với vận động tiến công là đúng, nhưng nếu chốt điểm phòng ngự là sai. Lúc này theo anh Đàm Văn Nguỵ kể, không bị sốc như hôm trước nữa, nhưng anh vẫn đứng dậy thanh minh: "Vâng, tôi có phòng ngự đâu, mà là chốt điểm kết hợp với vận động tiến công. Tiến công chứ không phải phòng ngự". Sau hội nghị này tôi được giải toả về nhận thức nhưng vẫn chưa hết tâm tư. Lần thể nghiệm thứ hai - là vào đầu năm 1967, tôi cùng Trung đoàn 174 được lệnh vào tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Lúc này Tây Nguyên mưa to, đi lại gặp nhiều khó khăn. Đồng chí tham mưu phó phụ trách tác chiến của B3 (Tây Nguyên) gặp tôi buổi ban đầu nói: - Vào đây đối tượng tác chiến là quân Mỹ, chúng có sức cơ động cao, nên phải đánh nhanh và rút cũng nhanh - ngừng một lát anh nhìn tôi nhấn mạnh - Không như ở chiến trường Lào đâu. Rồi chúng tôi theo kế hoạch tác chiến của Bộ tư lệnh B3, hành quân cấp tốc đến Đắc Xiêng, Đắc Péc làm nhiệm vụ tác chiến đệm trong mùa mưa với lối đánh nhanh và rút nhanh như đồng chí tham mưu phó trao đổi. Mưa ở Tây Nguyên cũng dữ dằn, xối xả như Thượng Lào, cây cối bị xói mòn, đổ, gãy bừa bãi, nước sông lên nhanh, chảy xiết, vận động gặp nhiều khó khăn. Bước đầu chúng tôi cũng tổ chức được một số trận nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, vì không thắng cũng không thua. Đánh kiểu này thì ăn nhằm gì? Nếu cứ tiếp tục thì rõ ràng là thiếu tinh thần tự chủ, tự tin. Ta có kinh nghiệm chiến đấu ở Lào sao không vận dụng. Đang lúc suy nghĩ thấy có vấn đề, thì tháng 10 năm đó chúng tôi lại được lệnh hành quân tham gia chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh. Gặp anh Nguyễn Hữu An, sư đoàn trưởng sư đoàn 1 tôi nóỉ: - Nếu Mỹ biết ta từ đâu đến, ta tổ chức trận địa vững chắc, chúng bâu vào ta tổ chức vận động tiến công tiêu diệt. - Làm thử - Anh An thúc giục, động viên. Các anh em khác ủng hộ. Chúng tôi bắt tay vào việc. Vì đã có kinh nghiệm, tất cả đều chủ động, mỗi người mỗi việc nhịp nhàng ăn ý. Lấy điểm cao 875 làm nơi chốt điểm kết hợp với vận động tiến công. Giao cho đại đội 7, tiểu đoàn 2 xây dựng trận địa vững chắc, có hệ thống giao thông hào thực hiện cơ động lực lượng tiến công; làm đến đâu nguỵ trang giữ bí mật đến đấy. Tất cả đã sẵn sàng sau một tuần bắt tay vào thiết bị trận địa. Thời gian chờ đợi không lâu, chỉ một ngày sau, lữ đoàn dù 173 Mỹ đổ quân trúng khu vực chốt chặn, ta chốt giữ tốt và vận động tiến công cũng tốt; lữ 1 của sư đoàn không vận 101 vào đánh tiếp cũng bị ta chặn đánh. Lữ dù 173 vào thay phiên lần thứ hai lại thất bại. Trong khi địch lúng túng, hoang mang, tôi trực tiếp chỉ huy một tiểu đoàn vận động vào diệt tiểu đoàn 2 Mỹ, giữ vững trận địa chốt chặn được mười ngày, cũng là thời điểm kết thúc chiến dịch. Anh Hoàng Minh Thảo, tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh B3 xuống xem xét, thấy đại đội 7 vẫn đủ sức trụ giữ trận địa chốt. - Sau đó còn đánh tiếp trận nào không? - Tôi hỏi Đàm Văn Nguỵ. - Có. Nhưng không phải ở Tây Nguyên mà là tại Đông Nam Bộ. Anh Đàm Văn Nguỵ kể tiếp. Còn một trận nữa, nhỏ thôi nhưng là một kỷ niệm đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất Nam Bộ thân yêu. Hồi ấy sau chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh kết thúc, trung đoàn 174 chúng tôi được lệnh cấp trên hành quân cấp tốc vào tăng cường cho chiến trường B2. Tháng 6 năm 1968 chúng tôi tới Lộc Ninh, thì tháng 8 năm đó được vinh dự tham gia đợt ba cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đánh địch phản kích ở vùng ven đô. Sau đó lùi về khu vực Cầu Khởi trên doạn đường Tây Ninh - Dầu Tiếng. Tại đây do yêu cầu của nhiệm vụ, chúng tôi thấy không có cách nào khác là trụ lại, tổ chức trận địa chốt chặn kết hợp với vận động tiến công, đánh địch, kìm chân chúng lại, vừa diệt được sinh lực, giữ vững khu vực này được mười ngày. Rõ ràng chốt chặn kết hợp với vận động tiến công ở khu vực Tàu Ô là cách đánh không phải do ngẫu hứng, mà được rút ra từ thực tế chiến đấu, đến chiến dịch Nguyễn Huệ được hoàn chỉnh một bước quan trọng, đạt kết quả, mang tính hiện thực sống động. Đúng là lịch sử của một cách đánh đã trải qua những bước đi thăng trầm, như cái mới ra đời không bao giờ được cuộc sống chấp nhận ngay, mà phải trải qua sự sàng lọc, tuyển chọn. Tư tưởng quân sự tiến công của Đảng và phương châm chỉ đạo đấu tranh vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì chúng ta còn đất đâu mà phòng ngự, chỉ có tiến công mới tìm ra cách đánh phù hợp để tồn tại, để chiến thắng quân xâm lược, giành lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc, cho Tổ quốc. Tư tưởng quân sự tiến công của Đảng là thể hiện quyết tâm chiến đấu, ý chí sắt đá của một dân tộc anh hùng "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", thể hiện tinh thần "Không có gì quý hơn độc iập tự do". Chỉ đối lập với tư tưởng quân sự tiến công trên, biểu hiện phòng ngự tiêu cực, hữu khuynh, giảm sút ý chí chiến đấu, thoái thác nhiệm vụ mới là sai, cần được phê phán, lên án. Phòng ngự với đúng nghĩa của từ này không có gì sai, nó là một trong hai cách đánh cơ bản của nghệ thuật quân sự, có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong chiến dịch tiến công, cũng có phòng ngự, trong chiến dịch phòng ngự cũng có tiến công. Trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ mùa khô năm 1967 vào chiến khu Dương Minh Châu, chúng ta chủ trương trụ lại chiến đấu chứ không rút là phòng ngự, nhờ đó ta thắng, địch đã thua, tạo ra một cục diện có lợi cho ta. Trong đợt hai chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ, chúng ta chủ trương trụ lại ở Tàu Ô, chặn đứng không cho địch vượt qua thực chất là phòng ngự, nhưng là phòng ngự kết hợp với tiến công. Cách đánh nảy sinh từ thực tế chiến đấu được áp dụng thích hợp với thực tế tình hình, địa hình và nhiệm vụ cụ thể, đã giành thắng lợi thì sao ta sợ không dám nhận đó là phòng ngự. Sẽ không tìm thấy ở đây những yếu tố ngược lại với tư tưởng tiến công quân sự của Đảng. Phòng ngự ở Tàu Ô chỉ là tạm thời, tạo đà tạo thế cho tiến công thực hiện đợt ba chiến dịch. Chú thích: (1) Cuối năm 1970 Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập binh đoàn 70 gồm các sư đoàn 304, 388. 320; trung đoàn pháo 43, trung đoàn cao xạ 241 làm nhiệm vụ cơ động chiến lược, chiến dịch do Đại tá Cao Văn Khánh - tư lệnh, đại tá Hoàng Phương - chính uỷ. (2) Tên gọi thân mậ t anh Lê Duẩn. (3) Là một thị trấn thuộc tỉnh Kra-chi-ê nằm trên đầu mối giao thông then chốt nối đường chiến lược số 13 và đường số 7, cách biên giới Campuchia - Việt Nam 30 ki-lô-mét, là căn cứ bàn đạp lấn chiếm và khống chế hoạt động của ta. Tại đây ta đã vây ép, tiến công ttéu diệt chiến đoàn B nguỵ hồi tháng 5 năm 1971. (4) Bước vào năm 1969, tại Đông Nam Bộ địch vẫn duy trì 40% /ực lượng Mỹ và chư hầu ở toàn miền Nam, hơn 30% lực lượng quân nguỵ. vân duy trì phòng thủ ba tuyến xung quanh Sài Gòn. Địch điều thêm sư đoàn 1 kỵ binh bay với số lượng máy bay lên thẳng 450 chiếc và sư đoàn 101 cơ động đường không của Mỹ từ miền Trung vào, để cùng với sư đoàn 25 bộ binh cơ giới, sư đoàn bộ binh số 1 liên tục hành quân đánh phá trên tuyên biên gtới Việt Nam - Campuchia. (5) Năm 1969, chiến trường Đông Nam Bộ tiếp nhận và có kế hoạch sử dụng tốt cảc đơn vị được tăng cường từ Tây Nguyên, Quân khu 5 vào; Sư đoàn 1 gồm ba trung đoàn 101C, 95C, 209, các trung đoàn 33, 174, 10 và 20. (6) - Đợt hoạt động quân sự mùa Xuân 1969. - Đợt hoạt động quân sự mùa Hạ tháng 5-1969 - Đợt tiến công quân sự mùa Thu (11-8 đến 15-9-1969). - Đợt tiến công quân sự mùa Đông năm 1969. - Đợt tiến công quân sự Xuân - Hẻ năm 1970. - Đợt tiến công quân sự mùa mưa năm 1970. - Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân" Toàn thắng 1- 71 " của Mỹ-nguỵ vào đông bắc Campuchia. - Chiến dịch phản công đường 6, đánh bại cuộc hành quân Chen-la 2. - Đợt tiến công và nổi dậy tháng 2 năm 1971. (7) Tên gọi chim trong thần thoại đốt đi rồi sống lại. Địch mở các cuộc hành quân cănh sát rộng lớn mang tên"Phượng hoàng" nhằm thủ tiêu một thực thể mà chúng cho rằng cũng luôn luôn sống lại từ đống tro tàn - đó là hạ tầng cơ sở Việt cộng (tức cơ sở cách mạng) ở thành thị vả nông thôn. Từ năm 1969, tổ chức "Phượng hoàng" được phát triển nhanh (đi đôi với chương trình "bình định" được đẩy mạnh) có hệ thống hoàn chỉnh từ cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã đều có Uỷ ban "Phượng hoàng" do người đứng đầu từng cấp làm chủ tịch (tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng). Mục đích của chiến dịch "Phượng hoàng" là bình định, diệt và vô hiệu hoá cơ sở hạ tầng của ta bằng thủ đoạn thâm độc và tàn bạo: dùng mặt vụ, cảnh sát chìm điều tra nắm tình hình, phân loại cơ sở của ta rồi đề ra chỉ tiêu cho từng cấp phải diệt, phá; triển khai các chiến dịch khủng bố, bắt bớ bừa bãi, không cần biết ai là cách mạng, ai không cách mạng, cốt sao đạt được chỉ tiêu bắt, giết để thượng cấp cất nhắc ban thưởng. (8) Bộ tư lệnh chiến dịch gồm có: trung tướng Trần Văn Trà, tư lệnh. Thiếu tướng Trần Độ, chính uỷ, Đại tá Trần Văn Phác, phó chính uỷ. Đại tá Lê Ngọc Hiền. tham mưu trưởng; đại tá Bùi Phùng, chủ nhiệm hậu cần. Bộ chỉ huy Miền thưởng trực tại Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch do trung tướng Hoàng Văn Thái, tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, chính uỷ, đại tá Hoàng Cầm, tham mưu trưởng. (9) Trước khi chiến dịch mở màn, lực lượng Bộ chi viện cho Nam Bộ đã vào tới chiến trường Đông Nam Bộ sau 60 ngày đêm hành quân vượt 12.000 ki-lô-mét, hai trung đoàn bộ binh 24 và 271, hai tiểu đoàn pháo 85, một tiều đoàn pháo 122 mi-li-mét, hai tiểu đoàn cao xạ 37 mi-li-mét, một tiểu đoàn 20 xe tăng (36 chiếc), một đại đội tên lửa chống tăng A72. (10) Hướng đường 22 (Tây Ninh) địch có 10 trung đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn xe tăng -thiết giáp. (11) Hướng đường 13 (Lộc Ninh - Bình Long) địch có hai trung đoàn bộ binh (e7 + e9 / sư đoàn bộ binh 5), ba tiểu đoàn biệt động quân biên phờng (53, 65, 74) vả thiết đoàn xe tăng - thiết giáp số 1. (12) Tổ chức lâm thời gổm hai trung đoàn bộ binh 24 và 271 của Bộ tăng cường, hai tiểu đoàn đặc công, một đại đội thiết giáp (sáu chiếc chiến lợi phẩm: M.41, M.24, M.113), một tiểu đoàn (thiếu) pháo cối, một tiểu đoàn (thiếu) súng máy phòng không 12,8 ly. (13) Báo cáo của Trung ương Cục gửi Quân uỷ Trung ương ngày 17-5-1972. (14) "Kế hoạch phòng thủ Diên Hồng" của địch đề ra từ tháng 6 năm 1972 bao gồm: dùng lực lượng phía sau của sư đoàn 21 phòng thủ khu vực đông - bắc Sài Gòn được mang tên"Khu vực sông Hồng", sư đoàn 25 phòng thủ khu vực tây Sài Gòn – "Khu vực Nhật Lệ ", đặc khu Rừng Sát phòng thủ khu vực đông-nam Sài Gòn – "Khu vực Trà Khúc" tiểu khu Biên Hoà phòng thủ tiếp nối với "khu vực sông Hồng" của sư đoàn 21; bộ tư lệnh hải quân vùng 3 phòng thủ sông ngòi. (15) Trong tám ngày đầu (từ ngày 1 đến ngày 8-4-1972) ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu ba chiến đoàn, một tiểu đoàn bộ binh, hai trung đoàn thiết giáp cùng số lớn quân bảo an, dân vệ. (16) Các đơn vi sư đoàn 7 đã bao vây tiến công chiến đoàn 7 ở Phù Lổ, diệt chiến đoàn 52 ở cầu Cần Lê khi chúng từ ngã ba Đồng Tâm rút chạy về hướng thị xã Bình Long, đẩy lùi cuộc tiến quân của lữ dù 1 từ Chơn Thành lên Ngọc Bầu. đánh bại cuộc hành quân mở đường của sư đoàn 21 ở bắc Chơn Thành, đánh thiệt hại nặng lữ dù 3 khi chúng đổ quân xuống Tàu Ô. (17) Sư đoàn 7 gồm các trung đoàn của sư đoàn 312 từ miền Bắc bổ sung vào: trung đoàn 141 đổi thành trung đoàn 14, trung đoàn 165 đổi thành trung đoàn 12, trung đoàn 209 giữ nguyên số hiệu cũ. Những trang sau sẽ lấy lại sổ hiệu cũ khi kể vế các trung đoàn này để đọc giả tiện theo dõi truyền thống liên tục của các trung đoàn kể trên từng đứng trong đội hình đại đoàn 312 trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). (18) Pháo địch ở Chơn Thành bắn vào trận địa ta có ngày tới 10.000 viên trên chính diện 2.000m2 máybay B.52đánh phá cả ngày lẫn đêm, máy bay chiến thuật AD.6, A.37xuất kích gần 40 lần chiếc/ngày. (19) Trung đoàn 46 (sư đoàn 25) và thiết đoàn 3 từ đường 22 sang đường 13 (thay trung đoàn 32/f21 về Long An), trung đoàn 33 (sư đoàn 21) và lữ đoàn dù số 1. (20) Địch phòng thủ Sài Gòn thành ba tuyến: tuyến ngoài giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, tuyến giữa (trung tuyến), tuyến ven đô.