LỜI NÓI ĐẦU

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi.
Với thắng lợi vĩ đại ấy, quân và dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ: kết thúc cuộc kháng chiến 30 năm thắng hai "đế quốc to", giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất nước nhà. Đây là cuộc kháng chiến lâu dài nhất, quyết liệt nhất. oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi ấy đã chấm dứt ách thống trị của thực dân - đế quốc hơn 100 năm trên đất nước ta. Tổ quốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi lịch sử ấy bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tinh thần đoàn kết chiến đấu. anh dũng bất khuất của toàn dân, toàn quân, gắn liền với sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương: Bộ Tổng tư lệnh trong quá trình kháng chiến.
Mùa Xuân 1975, tại Tổng hành dinh trong thành cổ Hà Nội, Bộ thống soái tối cao đã làm việc khẩn trương: liên tục, tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các Nghị quyết của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các mặt trận. Cũng tại đây, các cơ quan của Tổng hành dinh: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật đã phát huy năng lực và kinh nghiệm theo chức năng, nhiệm vụ, cùng với các cơ quan của Đảng và Nhà nước giúp Bộ thống soái tối cao, góp phần vào thắng lợi chung.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng (30-4-1975-30-4-2005), cuốn Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng muốn nói lên nhãn quan chiến lược, sự sáng suốt và nhạy bén, tinh thần quyết đoán của Bộ thống soái tối cao, đặc biệt trong những thời cơ lớn, cũng như tinh thần làm việc toàn tâm, toàn ý, mưu trí, sáng tạo của các cơ quan Tồng hành dinh.
Mong rằng những trang hồi ức này sẽ làm rõ thêm vai trò chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Bộ thống soái tối cao trong mùa Xuân lịch sử.
TÁC GIẢ

Truyện TỔNG HÀNH DINH TRONG MÙA XUÂN TOÀN THẮNG LỜI NÓI ĐẦU Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Đã xem 124122 lần. --!!tach_noi_dung!!--


Chương 9
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

--!!tach_noi_dung!!--
Thời cơ giành toàn thắng đã đến.
Tại Tổng hành dinh, tấm bản đồ toàn miền Nam nhanh chóng trở thành cũ so với tốc độ phát triển của chiến sự. Các đồng chí cán bộ tham mưu đã thay vào đó một bản đồ Nam Bộ tỷ lệ 1/200.000 chi chít những ký hiệu xanh, đỏ, thể hiện tình hình ta, địch mới nhất trên chiến trường trọng điểm, và một bản đồ Sài Gòn - Gia Định tỷ lệ 1/50.000.
Hàng mấy tháng liên tục chỉ đạo tác chiến kể từ chiến dịch Tây Nguyên, địa hình và thế trận của ta và địch, tôi gần như đã thuộc lòng. Các bản đồ Nam Bộ và thành phố Sài Gòn - Gia Định trải ra trước mắt, ngày đêm gợi lên những suy nghĩ về cách đánh chiến lược trong trận quyết định cuối cùng.
Đi quanh bàn làm việc, nhìn vào tấm bản đồ từ mọi phía, tôi nhớ lại năm xưa đứng trước sa bàn Điện Biên Phủ, suy nghĩ về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Hai sự kiện lịch sử có khoảng cách hơn 20 năm, nhưng giống nhau ở sự động não cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp sức tìm ra cách đánh tối ưu nhằm giành thăng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất.
Đã thành thói quen, mỗi lần gặp một bài toán khó và quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy ở tầm vĩ mô, tôi thường tham khảo ý kiến của nhiều cán bộ, nhất là những đồng chí có kinh nghiệm công tác tham mưu và các cán bộ chỉ huy từng trải trong chiến tranh. Dân chủ quân sự bao giờ cũng mang lại những gợi ý tốt, những ý kiến hay. Lúc này, anh Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất phụ trách tác chiến và hậu cần phải dành hầu hết thời gían động viên, tổ chức chi viện chiến trường, tình hình lại phát triển rất nhanh, tôi quyết định lập một tổ thường trực giúp tôi chỉ đạo tác chiến. Mỗi ngày bốn lần, sau buổi giao ban, tôi trực tiếp nghe tổ báo cáo, đề đạt ý kiến. Đồng chí Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng, ở trong tổ này. Là một trí thức yêu nước, tham gia cách mạng từ những ngày Tháng Tám năm 1945, anh Khánh là một cán bộ quân sự chỉ huy Đại đoàn 308 đánh những trận lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từng là Tư lệnh Mặt trận B70 (Trị - Thiên) trong kháng chiến chống Mỹ, một con người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu.
Sau khi phổ biến quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tập trung tất cả cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tôi yêu cầu các đồng chí trong tổ khẩn trương nghiên cứu đề đạt ý kiến về phương án tác chiến chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong tình huống chiến dịch diễn ra nhanh và cả trong tình huống chiến dịch phải kéo dài đến hết mùa mưa.
Tôi gợi ý một số điểm để tổ đi sâu nghiên cứu như phương án hình thành thế bao vây, chia cắt địch về chiến lược, chiến dịch, khả năng tiêu diệt địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm vào nội đô; trận then chốt là ở đâu, thọc sâu vào thành phố từ hướng nào, biện pháp khống chế sông Lòng Tàu, kênh Chợ Gạo, sân bay Biên Hoà, sân bay Tân Sơn Nhất; sử dụng máy bay của địch đánh các mục tiêu trong thành phố và chặn đường địch chạy ra biển.
Phòng họp của tổ thường trực được bố trí ngay tại Sở chỉ huy. Tôi thường xuyên chủ trì các cuộc thảo luận, ghi lại những ý kiến tốt.
Lời khai của Nguyễn Vĩnh Nghi cũng mang lại nhiều thông tin quan trọng. Sau khi bị bắt ngày 16-4 tại Phan Rang, viên trung tướng này được đưa ngay ra miền Bắc.
Trước thái độ đối xử khoan hồng, nhân đạo của cách mạng, Nguyễn Vĩnh Nghi đã tiết lộ nhiều điều, cho thấy lực lượng phòng thủ của địch đã bị căng ra rất mỏng, lực lượng dự bị còn rất ít. Trong nội đô, địch chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát và phòng vệ dân sự. Hướng hiểm yếu nhất, theo y, là tiến công từ Gò Dầu Hạ - Trảng Bàng.
Trên hướng đông, địch có thể phá các cầu để chặn bước tiến của quân ta. Địch bố trí các kho đạn chính ở Nhà Bè và Cát Lái. Long Bình chỉ là kho tiếp liệu. Do địch dựa chủ yếu vào lực lượng không quân, nên các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hoà và Cần Thơ giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là sân bay Biên Hoà, nơi đậu các máy bay cường kích F5 và A37.
Khi được hỏi về thất bại của y tại Phan Rang, Nghi đổ lỗi cho binh lính tinh thần sa sút, không chịu chiến đấu. Như còn nuối tiếc một hy vọng đã trở thành ảo tưởng, y nói: "Chúng tôi thiếu tiếp liệu và thiếu thời gian. Nếu các ông đánh chậm một tháng nữa thì chưa biết sẽ ra sao?"
Các thành viên hai phái đoàn quân sự Việt Nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà miền Nam Việt Nam ở trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng cung cấp nhiều tình hình đáng chú ý. Thái độ ngoan cố, ngang ngược của địch giảm dần, tỷ lệ nghịch với đà tiến công và nổi dậy của quân và dân ta. Không còn những lời nói cục cằn, thô lỗ, những hành động cắt điện, cắt nước. Thay vào đó đối phương đã hạ giọng, tỏ ra biết điều trong giao tiếp, tìm cách thăm dò thái độ ta, thậm chí ngỏ ý muốn có cuộc nói chuyện để hoãn binh, cố tránh một cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn, cứu nguỵ quyền khỏi nguy cơ sụp đổ. Cũng có thể coi đây là một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị - quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch.
Ngây 16-4, sau khi nghe báo cáo tổng hợp các ý kiến thảo luận, tôi gợi ý thêm: Hướng tiến công nào có lợi nhất, bất ngờ nhất? Làm sao có thể bao vây chặt, tiến công tiêu diệt nhanh các sư đoàn địch ở vòng ngoài? Làm sao tổ chức thọc sâu nhanh vào thành phố. Trong trận này, khả năng tan rã của địch có diễn ra như ở Tây Nguyên và Đà Nẵng không? Địch sẽ đối phó như thế nào khi chúng phát hiện lực lượng ta xung quanh Sài Gòn, nhất là trên hướng đông? Nếu căn cứ Biên Hoà và Tân Sơn Nhất bị khống chế, không quân địch còn khả năng hoạt động nữa không? Nếu Mỹ bỏ cuộc hoặc thay Thiệu, ta cần chớp thời cơ giành toàn thắng ra sao. Nếu không dứt điểm được trong tháng, thì ta đánh trong mùa mưa như thế nào?
Tổ thường trực khẩn trương hoàn chỉnh phương án tác chiến vào ngày hôm sau.
Về thế bố trí của địch trên từng hướng, tổ kết luận: Hướng đông và tây - tây bắc là nơi địch có lực lượng mạnh.
Ở các hướng tây và tây nam, địch bố trí phòng thủ yếu hơn. Địch đang dồn lực lượng ra đối phó với ta ở vòng ngoài, nên trong nội đô rất yếu. Riêng ở Sài Gòn - Gia Định, ta có thế mạnh của chiến lược tổng hợp, trong và ngoài cùng đánh, quần chúng bên trong nổi dậy, địch rất khó chống đỡ. Nếu ta đánh cho chúng thiệt hại nặng ở vòng ngoài, thì ở bên trong rất có thể có tình hình đột biến.
Tổ thường trực đề nghị chọn hướng tây bắc là hướng tiến công chủ yếu. Hướng đông là hướng quan trọng.
Hướng đông nam là hướng thọc sâu. Hướng nam là hướng hiểm yếu, cũng cần được tận dụng. Về cách đánh, cần bao vây, chia cắt, tiêu diệt các cụm phòng thủ vòng ngoài, kết hợp tiến công, đột kích thật mạnh từ bên ngoài với tác chiến, phá hoại và nổi dậy từ bên trong, không cho địch co cụm vào nội đô, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế chủ yếu, làm chủ tình hình.
Để thực hiện cách đánh trên, cần đôn đốc các cánh quân vào vị trí tập kết sớm, khoảng từ ngày 20 đến ngày 30-4, nhất là ở những hướng chủ yếu. Cánh quân phía đông phải nhanh chóng đánh chiếm Bà Rịa, phát triển xuống Vũng Tàu, Nhơn Trạch, từ Nhơn Trạch đặt pháo bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Quân đoàn IV đón đánh quân địch ở Xuân Lộc. Đoàn 232 cắt đường số 4 theo kế hoạch. Trên các hướng, bộ đội phải nhanh chóng áp sát pháo kích các mục tiêu quân sự. Ở hướng Khu IX, cần khống chế sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), không cho địch sử dụng để chi viện cho Sài Gòn. Bộ đội đặc công phải chiếm giữ các cầu dẫn vào thành phố, tạo điều kiện cho các lực lượng thọc sâu.
Tổ cũng chuẩn bị một phương án tác chiến trong mùa mưa. Trong trường hợp này, cần động viên bộ đội giữ vững quyết tâm, liên tục chiến đấu, tạo điều kiện để dứt điểm trong mùa khô sắp tới. Cần có thêm lực lượng bổ sung, thay thế, chuẩn bị thêm phương án tác chiến và cách đánh trong mùa mưa ở địa hình vùng ven Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ. Đẩy mạnh phong trào tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp chặt chẽ với mặt trận Sài Gòn.
Anh Khánh báo cáo xong. Tôi nhất trí về cơ bản với kết quả nghiên cứu của Tổ, và chỉ thị mấy điểm:
1. Tình hình phát triển rất nhanh. Địch đang ở thế thất bại, thế đi xuống và đang đứng trước nguy cơ sụp đổ Các tình huống có thể thay đổi. Phải dự kiến hết những tình hình đột biến khi thời cơ xuất hiện. Phải nhanh chóng bao vây, chia cắt, tập trung lực lượng thật mạnh đánh đòn quyết định, tiêu diệt các sư đoàn của địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm vào Sài Gòn, đồng thời tổ chức những binh đoàn mạnh nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô.
2. Chú trọng công tác binh vận. Cần kịp thời khai thác tù binh, hàng binh để nắm được tình hình mới nhất. Cần nắm thêm tình hình chính trị, xã hội ở Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long.
3. Cần nắm vững chủ trương của Bộ Chính trị là Tổng tiến công và nổi dậy, kết hợp tiến công với nổi dậy.
Dự kiến cho hết sức mạnh nổi dậy của quần chúng và sự tham gia của nhân dân trong tác chiến và cơ động của bộ đội.
4. Tranh thủ giành thắng lợi hoàn toàn trước khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống. Đồng thời tính toán thêm về sử dụng lực lượng, về hậu cần chiến lược, chiến dịch nếu phải đánh kéo dài. Trong mọi tình huống đều phải bảo đảm chắc thắng.
5. Dù sao cũng chỉ là những ý kiến nghiên cứu bước đầu. Cần tiếp tục suy nghĩ thêm. Nhược điểm là chưa có được tình hình toàn diện mới nhất của chiến trường, nên ý kiến của tổ là để tham khảo. Quyết định là ở các cấp lãnh đạo, chỉ huy tại chỗ. Bộ Tổng Tham mưu cử ngay cán bộ vào trao đổi với các anh ở mặt trận.
Buổi làm việc kết thúc, nhưng ai cũng thấy công việc chỉ mới bắt đầu. Mọi ý nghĩ đều quay về một hướng: Đánh vào sào huyệt của địch, một nơi đông dân, được phòng thủ vòng trong vòng ngoài. Làm sao giành thắng lợi nhanh nhất, không cho địch co cụm, tiết kiệm được xường máu của bộ đội, tránh thiệt hại cho dân. Những bộ óc tham mưu động não đến cao độ để tìm ra đáp số.
Từ sau Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31-3-1975, quyết tâm chiến lược của Đảng nhanh chóng biến thành hành động thực tiễn, từ tiền tuyến đến hậu phương.
Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tập trung chỉ đạo chiến trường trọng điểm. Vấn đề đầu tiên là bảo đảm cho các lực lượng của ta từ phía Bắc đến chiến trường nhanh nhất, đủ nhất, sung sức nhất. Một chiến dịch chi viện chiến trường đã mở màn.
Cág đoàn cán bộ tham mưu, hậu cần được lệnh vào ngay đường Trường Sơn đôn đốc bộ đội hành quân và theo dõi việc vận chuyển đạn lớn cho pháo và xe tăng, đẩy nhanh tốc độ chi viện cho B2, bất luận trong tình huống nào cũng không được vì điều động lực lượng chậm, mà để lỡ thời cơ chiến lược.
Điện vào điện ra tới tấp.
Những câu hỏi hầu như không thay đổi. Tất cả xoay quanh bước chân hành quân của bộ đội: Cánh quân ven biển đã tiến đến đâu? Bao giờ thì Quân đoàn I vào tới nơi? Các sư đoàn 341, 316, các sư đoàn của Tây Nguyên đang ở nơi nào? Đoàn xe chở đạn khi nào đến? Trong khi đó những câu trả lời lại mỗi ngày, mỗi giờ một khác, không câu nào giống câu nào, đẩy nhanh các mũi tên đỏ trên bản đồ tiến dần xuống phía Nam.
Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương rất mừng được biết lực lượng quần chúng đã và đang được phát động.
Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định lập các đội tuyên truyền xung phong giải hàng vạn tờ truyền đơn. Các cơ sở của ta trong thành phố đã chuẩn bị hàng trăm xe ô tô, loa phóng thanh, may nhiều cờ và biểu ngữ. Các anh Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt trực tiếp lãnh đạo việc tổ chức, chỉ đạo quần chúng nổi dậy. Lực lượng lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng đã về ở ngoại thành, nhiều thành uỷ viên và cán bộ cấp tương đương đã vào hẳn nội đô. Dự kiến ta có khả năng huy động hàng vạn người xuống đường khi cần thiết. Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định với hai trung đoàn Gia Định I, Gia Định II, các đơn vị biệt động thành, được Bộ chỉ huy chiến dịch bổ sung nhiều trung đoàn và một lữ đoàn đặc công thiện chiến.
Đoàn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục có nhiệm vụ giúp Bộ Tư lệnh chiến dịch trên các mặt tổ chức chỉ huy, công tác chính trị, công tác hậu cần, kỹ thuật đã vào đến chiến trường. Các anh điện ra báo cáo đang khẩn trương triển khai công tác. Nhớ lại hôm nào, trước lúc lên đường, thay mặt Quân uỷ
Trung ương, tôi giao nhiệm vụ cho đoàn với tất cả sự tin cậy. Tôi yêu cầu các đồng chí nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch sắp tới, một chiến dịch quy mô lớn với lực lượng 4-5 quân đoàn tham chiến, có nhiều binh khí kỹ thuật tiến công địch trong một thành phố lớn, kết hợp với quần chúng nổi dậy từ bên trong, cần có sự phối hợp hiệp đồng rất cao, trên một không gian rất rộng. Nhiều vấn đề mới được đặt ra, phải giải quyết thật tốt trong một thời gian ngắn, không để lỡ thời cơ, giành thắng lợi lớn nhất về chiến lược, chiến dịch. Phải nắm thật vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nắm vững tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, vận dụng trong từng tình huống, nhiệm vụ cụ thể, từ việc cơ động bộ đội, cơ động vũ khí, khí tài trên địa hình đồng bằng phức tạp, việc chi viện hoả lực pháo binh có hiệu quả mà không gây tổn thất cho dân, đến việc tiếp quản một thành phố mấy triệu dân, quản lý, giáo dục hàng triệu tù binh và nhân viên nguỵ quyền.
Tôi bắt tay từng người, gửi cả niềm tin vào trong ánh mắt các anh Nam Long, người chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, lúc này là Phó Giám đốc Học viện Quân sự, Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh, Nguyễn Chí Điềm, Tư lệnh đặc công, Lê Xuân Kiện, Phó Tư lệnh thiết giáp, Hoàng Niệm, Phó Tư lệnh thông tin, Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Đoàn 559. Là những cán bộ chỉ huy đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, các anh hăng hái ra đi, hứa sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất.
Với sự có mặt đầy đủ các đồng chí trong Đàng uỷ và Bộ Tư lệnh Mặt trận Sài Gòn - Gia Định, trên cơ sở các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, B2 được tăng cường các cán bộ của Đoàn A.75 và đoàn cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh, Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh nhanh chóng hình thành.
Thời cơ lúc này đối với ta thuận lợi về nhiều mặt, cho phép nhanh chóng bắt đầu cuộc tổng công kích vào Sài Gòn. Tuy vậy, trong tình hình các đơn vị chủ lực lớn chưa vào hết chiến trường, Bộ Chính trị điện chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chùẩn bị thêm trong ít ngày, chờ các quân đoàn vào đủ để có ưu thế tuyệt đối về lực lượng so với địch, bảo đảm đánh chắc thắng. Bức điện do đồng chí Bí thư thứ nhất ký tên, nói rõ: "Tôi đã bàn với anh Văn, nhận thấy cần chuẩn bị thêm mấy ngày nữa, đến khi phần lớn lực lượng của Quân đoàn III và Quân đoàn I (cả bộ binh và binh khí kỹ thuật) đến nơi sẽ bắt đầu cuộc tiến công lớn, chưa nên làm ngay bây giờ.
Dù sao, thời gian mở màn chiến dịch chậm nhất là vào hạ tuần tháng 4-1975. Từ nay đến đó, cần đẩy mạnh hoạt động của các cánh quân, đặc biệt là cánh quân phía tây và tây nam, cắt đường số 4, bao vây chia cắt địch, làm cho chúng hoang mang, rối loạn, tạo điều kiện cho trận quyết định cuối cùng".
Báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu cho biết các anh ở chiến trường đồng ý với những ý kiến đề xuất của tổ thường trực về phương án tác chiến giải phóng Sài Gòn.
Sự nhất trí giữa phía trước và phía sau về vận dụng nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời điểm quyết định của chiến tranh làm tăng thêm niềm tin tất thắng.
Trên tinh thần đó, bức điện của Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Kế hoạch tiến công toàn diện cần bảo đảm một khi đã phát động thì phải tiến công thật mạnh và liên tục, dồn dập đến toàn thắng, vừa phát động tiến công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng, thực hiện từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy. Trong tình hình hiện nay, thần tốc, táo bạo, bất ngờ là ở chỗ đó. Cần có dự kiến và chuẩn bị đối phó với tình huống cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian".
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến trên cơ sở phương án cũ đã được Trung ương Cục thông qua. Tinh thần là tránh những xáo trộn không cần thiết, các lực lượng B2 vốn quen thuộc chiến trường đảm nhiệm các hướng có địa hình phức tạp, dành những hướng gần nhất ở phía bắc và phía đông cho các lực lượng từ xa đến. Mặt khác, lệnh cho các đơn vị của Quân khu 8, Quân khu IX, các đơn vị đặc công, biệt động vùng ven và trong nội thành liên tiếp đánh địch, áp sát thành phố Cần Thơ và các con đường huyết mạch, nhất là đường số 4 từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long. Quân và dân Nam Bộ hừng hực khí thế tiến công, phát huy sức mạnh tổng hợp của ba mũi quân sự chính trị và binh vận cùng giáp công, giải phóng một số khu vực quan trọng, nối liền các căn cứ "lõm" ở Long An, Gò Công, Bến Tre, Mỹ Tho, mở ra những hành lang từ Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ, làm chủ các đường giao thông quan trọng. Vừa tác chiến vừa xây dựng lực lượng, một số tỉnh và huyện thành lập được thêm nhiều tiểu đoàn, đại đội địa phương, nhiều xã đã có đội du kích. Đặc biệt ở phía tây nam Sài Gòn, nơi có địa hình sình lầy, trống trải, bộ đội và nhân dân đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, đánh thông hành lang Tây Ninh - Kiến Tường, làm chủ một phần sông Vàm Cỏ Tây, mở ra một vùng giải phóng, lót sẵn lương thực, đạn dược, tạo thế rất thuận lợi cho một bộ phận của Đoàn 232 tiến công vào Sài Gôn. Ở hướng tây nam, Bộ Tư lệnh quyết định tiến công vào thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An, không đánh chiếm Mộc Hoá như trong kế hoạch cũ. Trận đánh không thành công vì quân địch đã phòng bị sẵn. Quân ta chuyển sang đánh quân địch phản ứng, quét hệ thống đồn bốt của địch ở bắc đường số 4, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở phía tây bắc, Sư đoàn 25 nguỵ bị đánh mạnh, buộc phải phân tán đối phó, không co được về giữ ven đô.
Thế trận tại chỗ đã bày xong.
Ngày 22-4, lần cuối cùng, kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định được Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và phê duyệt.
Tuyến phòng ngự Xuân Lộc sụp đổ. Tia hy vọng sau chót của nguỵ quân, nguỵ quyền cũng tắt ngấm.
Theo "gợi ý" của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống. Mỹ hy vọng "thay ngựa" để đội cho tay sai một lốt mới, hòng trì hoãn cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn.
Đài Sài Gòn trưa ngày 22-4 phát đi tiếng nói buồn bã, rời rạc và cay đắng của Thiệu trách móc quan thầy Mỹ đã bỏ rơi mình: "Mỹ đã yêu cầu chúng ta thực hiện điều không thể làm được. Vì vậy, tôi đã bảo họ: Các ông đòi hỏi chúng tôi làm điều mà các ông đã thất bại với nửa triệu binh lính tinh nhuệ và sĩ quan có tài với gần 300 tỷ đôla chi phí trong sáu năm trời. Nếu tôi không nói rằng các ông bị cộng sản Việt Nam đánh bại, thì tôi cũng phải nói một cách khiêm tốn là các ông cũng không thể chiến thắng. Nhưng các ông đã tìm đường rút lui trong danh dự. Hiện nay, khi quân đội chúng tôi thiếu vũ khí, đạn dược, máy bay trực thăng, máy bay B52, các ông lại đòi hỏi chúng tôi làm một điều không thể làm được giống như việc dùng đá lấp đầy đại dương, giống như các ông đưa cho tôi chỉ có 3 đôla mà thúc giục tôi đi bằng máy bay ghế hạng nhất, mướn phòng 30 đôla một ngày ở khách sạn, ăn 3-4 miếng bíttết và uống 7-8 ly rượu một ngày. Đó là điều kỳ quặc!".
Thói quen ăn chơi ẩm thực của viên tổng thống nguỵ xen cả vào khẩu khí, ngay cả trong tuyên bố cuối cùng.
Hạ tuần tháng 4-1975, các lực lượng lớn của quân ta lần lượt vào vị trí triển khai.
Ở hướng bắc, Quân đoàn I đã có mặt ở khu vực nam sông Bé.
Ở hướng tây bắc, Quân đoàn III tiến đến Dầu Tiếng.
Ở hướng tây, đoàn 232 áp sát tuyến sông Vàm Cỏ
Đông và Hậu Nghĩa.
Ở hướng nam, Trung đoàn 88 và Trung đoàn 24 được tăng cường Trung đoàn 271B đứng chặn ở Cần Giuộc.
Sư đoàn 5, Sư đoàn 8 áp sát đường số 4 từ Tân An đến Cai Lậy, áp sát Mỹ Tho. Đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền, Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, trực tiếp chỉ huy hướng tây và hướng nam.
Ở hướng đôug, Quân đoàn IV sau khi giải phóng Xuân Lộc, áp sát Trảng Bom. Quân đoàn II, Sư đoàn 3 và Lữ đoàn 52 (Quân khu 5) tiến sát Long Thành, Vũng Tàu, Nước Trong, Bà Rịa. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh cánh quân phía đông, nay là Phó Tư lệnh chiến dịch chỉ huy hướng này.
Tất cả sáu trung đoàn đặc công và hàng chục đội biệt động đã sẵn sàng từ vùng ven đến nội thành.
Các phi đội của không quân ta ở sân bay Thành Sơn đã sẵn sàng cất cánh.
Tại Tổng hành dinh, trên tấm bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh, các mũi tên lớn màu đỏ vít chặt lấy hang ổ cuối cùng của địch.
Lúc này, quân và dân Campuchia đã từng bước phá vỡ sức đề kháng của quân đội Lon Non ở ngoại vi thủ đô Phnôm Pênh. Được ta trợ giúp đạn súng lớn, bạn đã nã pháo vào trung tâm thành phố. Ngày 12-4, Mỹ tổ chức cuộc hành quân mang tên "Diều hâu", di tản cố vấn và binh lính Mỹ ra khỏi thủ đô bằng đường không. Ngày 17-4, Phnôm Pênh được giải phóng.
Các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh làm việc ngày đêm. Đặc biệt Phòng 70 thuộc Cục Quân báo, chuyên theo dõi tin địch bằng phương tiện kỹ thuật, bám máy từng phút từng giờ.
Tin về cho biết: Sài Gòn hỗn loạn. Binh lính và nhân viên nguỵ quyền từ các tỉnh phía bắc, nhất là từ Phan Rang, Xuân Lộc chạy về, mang theo tâm trạng hốt hoảng và những điều mắt thấy tai nghe, càng làm cho tình hình thêm bi đát. Dân chúng bắt đầu di tản. Các sứ quán phương Tây ra đi. Trần Văn Hương, một ông già bị bệnh thấp khớp và mù loà, lên thay Thiệu, kêu gào "tử thủ", nhưng chẳng mấy ai nghe! Ngày 23-4, tại Trường đại học Tulane ở New Orleans, Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho tuyên bố. "Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ".
Thời cơ đã đến. Tôi điện cho các cánh quân đôn đốc khẩn trương chuẩn bị tiến công, đặc biệt là cánh quân phía đông phải cố gắng bảo đảm đánh Biên Hoà theo đúng kế hoạch.
Sáng ngày 22-4, Bộ Chính trị hội ý. Có tin Mỹ sẽ loại bỏ Trần Văn Hương bất lực, thay vào đó bằng một người "dễ tiếp xúc" hơn với Mặt trận dân tộc giải phóng, định dùng thủ đoạn ngoại giao để ngăn chặn cuộc Tổng tiến công của ta. Cũng có tin Pháp muốn đứng ra làm trung gian liên lạc với Mặt trận dân tộc giải phóng và Hà Nội hòng cứu vãn tình thế.
Sau khi xem xét tình hình, anh Ba điện khẩn vào chiến trường: "Mỹ nguỵ tìm cách trì hoãn cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, lập chính phủ mới, đưa ra đề nghị ngừng bắn đi đến giải pháp chính trị cứu vãn tình thế khỏi thất bại hoàn toàn. Thời cơ quân sự, chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ra chỉ thị ngay cho các hướng hành động kịp thời, kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng".
Quân uỷ Trung ương cũng điện gấp cho anh Văn Tiến Dũng, truyền đạt ý kiến của Thường trực Quân uỷ Trung ương: "Địch không có quyết tâm cố thủ Sài Gòn khi bị tiến công mạnh. Chúng trì hoãn để tìm cách đề nghị ngừng bắn, kéo dài sang mùa mưa. Sài Gòn không giữ nổi thì chúng rút về đồng bằng sông Cửu Long, lấy Cần Thơ làm trọng tâm. Hướng tây nam và đường số 4 sẵn sàng ngăn chặn, tiêu diệt địch trong tình huống chúng rút từ Sài Gòn về Cần Thơ".
Ngày 23-4, hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin Mỹ - nguỵ dùng máy bay C130 ném bom Đêxi Cútlơ (Daisy Cutler) và bom CBU xuống các mục tiêu giữa Biên Hoà và Xuân Lộc, có hàng trăm xác chết. Bom Đêxi Cútlơ chuyên dùng để phá từng mảng cây rừng, dọn mục tiêu làm bãi đậu cho máy bay lên thăng. CBU (Cluster Bomb Units) là loại bom khi nổ gây ra một đám cháy với nhiệt độ lớn, tạo ra một khoảng chân không thiêu huỷ mọi thứ và làm chết ngạt mọi sinh vật trong vùng. Tôi điện ngay vào mặt trận, hồi 19 giờ hôm ấy: "Có thể đây là loại bom ngạt CB 455 mà Uâyen đã đề nghị sử dụng. Cũng có thể địch tung tin để uy hiếp tinh thần. Phải thực sự đề phòng. Anh Ba và Thường trực Quân uỷ có ý kiến: Phát động sớm Tổng tiến công làm cho hình thái ta và địch xen kẽ. Đơn vị ở xa nguỵ trang cho tốt. Chú ý phòng độc. Pháo 130mm và Đ74 đánh mạnh vào Tân Sơn Nhất và căn cứ không quân Biên Hoà, gây tổn thất nặng cho không quân địch. Các sân bay Cần Thơ, Vũng Tàu, dùng pháo cối và đặc công đánh mạnh".
Ngày 26-4, Bộ Chính trị họp, giữa lúc công việc chuẩn bị mọi mặt từ Bộ thống soái tối cao đến Bộ Tư lệnh và các đơn vị ở chiến trường trọng điểm cơ bản đã hoàn thành. Anh Trường Chinh, vốn rất quan tâm cách đánh chiến lược, theo dõi chặt chẽ trận tổng công kích và nổi dậy cuối cùng mà anh gọi là "coup décisif" (Đòn quyết định).
Bộ Tổng Tham mưu báo cáo: Các binh đoàn chủ lực của ta đã triển khai trên các hướng. Các đơn vị chủ lực tại chỗ của B2 cũng đã vào vị trí, sau khi tác chiến tạo thế ở phía nam và tây nam Sài Gòn. Các lực lượng đặc công, biệt động và lực lượng của Thành đội Sài Gòn đã đứng sẵn ở ven đô, áp sát các mục tiêu được phân công.
Hàng trăm cán bộ và đội viên vũ trang vào đứng chân tại các "lõm" ở vùng ven và nội đô, chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy khi chủ lực tiến công. Quân ta đang ở thế áp đảo. Lực lượng lãnh đạo ở cơ sở và lực lượng chính trị quần chúng đều đã sẵn sàng.
Năm mục tiêu quan trọng đã được Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, dinh Tổng thống nguỵ quyền. Biệt khu thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.
Về cách đánh, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trủơng hình thành thế bao vây, cô lập địch trong thành phố, sử dụng lực lượng thích hợp trên từng hướng chia cắt, tiêu diệt địch ở bên ngoài, đồng thời sử dụng một bộ phận quan trọng lực lượng tổ chức thành những mũi đột kích mạnh, thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm năm mục tiêu đã được xác định.
Từ đó, toả ra phối hợp với các đơn vị đặc công, biệt động, tự vệ thành phố và quần chúng nổi dậy, đánh chiếm tất cả các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong thành phố. Một số lực lượng đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang tại chỗ được giao nhiệm vụ đánh chiếm và làm chủ các cầu, tham gia cùng các đơn vị hoả lực khống chế sân bay và các trận địa pháo của địch.
Phương châm là hiệp đồng chặt chẽ, tiến công nhanh, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong của bộ đội và tổn thất về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Bộ Chính trị nghe đọc bức điện dài của anh Lê Đức Thọ đề ngày 24-4, nói rõ tình hình ta và địch từ khi đánh Xuân Lộc đến lúc này. Mười sư đoàn đưa vào chiến trường vừa mới tới nơi. Chiến trường có một số khó khăn về hậu cần, nhưng quyết tâm của mặt trận là vừa đánh vừa bổ sung, hết sức cố gắng bảo đảm những điều kiện tối thiểu để mở màn chiến dịch. Địch chưa phán đoán được cách đánh của ta. Chúng bố trí ngăn chặn từ xa, có kế hoạch phá cầu nếu không giữ nổi. Ta đang chuẩn bị khẩn trương cho kế hoạch tiến công và nổi dậy. Dự kiến, trong tình huống xấu, như địch phá cầu, quân ta có kế hoạch khắc phục, làm cầu, hoặc tác chiến trong điều kiện không có xe tăng và pháo binh.
Sau khi kiểm tra lại lần cuối việc chuẩn bị cho trận đánh quyết định, cuộc họp kết thúc trong không khí náo nức, phấn khởi, quyết tâm, sẵn sàng đón tin chiến thắng.
Giờ phút quyết định đã điểm.
Chiến trường Nam Bộ bùng lên như một cơn lốc.
Các hãng thông tấn trong nước và nước ngoài hoạt động hết tốc lực. Tin tức dồn dập bay về, dồn hầu hết sự chú ý của dư luận thế giới vào một điểm nóng: Sài Gòn.
Thông tấn xã Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng, các cơ quan thông tin đại chúng của cả hai miền liên tục loan tin chiến thắng. Trên báo và đài, hầu như không còn chỗ cho các vấn đề nào khác ngoài tình hình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Các cuộc thông báo thời sự lan đến trong từng nhà, từng thôn xóm. Tiền tuyến càng sôi động, hậu phương càng náo nức, đợi chờ.
Ở Hà Nội, các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh thường trực 24 trên 24 giờ. Đốì với các cơ quan thông tin, báo chí, Tổng hành dinh ở khu vực "Nhà con rồng" là nơi cung cấp tin chiến sự sốt dẻo nhất, nhanh chóng nhất, chính xác nhất. Cục Tác chiến phải dành riêng một số thời gian hiếm hoi để cùng Cục Tuyên huấn phát tin cho báo và đài. Các đồng chí Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái và Cao Văn Khánh cùng tôi thường trực ở Sở chỉ huy.
Anh chị em thông tin, cơ yếu thay phiên nhau làm việc suốt đêm ngày. Cơm nước được mang đến tận nơi.
Tối 27-4, Cục Tác chiến báo cáo tình hình chiến sự vùng ven Sài Gòn. Quân ta cơ bản thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch trên các hướng.
Hướng bắc, Sư đoàn 312 (Quân đoàn I) chuẩn bị tiến công Bình Cơ, Bình Mỹ, tạo thế cho quân đoàn triển khai lực lượng ở vùng ven.
Hướng tây bắc, anh Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn III sử dụng pháo cối diệt các trận địa của địch. Sư đoàn 316 chặn địch ở Phú Mỹ và đông Trảng Bàng.
Hướng tây nam, anh Lê Đức Anh cho quân áp sát đường số 10, chuẩn bị tiến công địch trên đường số 4, chia cắt Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long, mở đầu cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông, chiếm lĩnh vùng ven.
Hướng đông, cánh quân của anh Lê Trọng Tấn tiến công căn cứ Nước Trong, chi khu quân sự Long Thành và thị xã Bà Rịa. Ở Nước Trong, địch chống cự, dùng máy bay bắn phá bừa bãi, phản kích liên tục suốt cả ngày. Sư đoàn 304 mở nhiều đợt tiến công mà vẫn chưa dứt điểm. Quyết tâm của quân ta là phải thực hiện bằng được nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Nước Trong, nhất là việc triển khai trận địa pháo ở Nhơn Trạch để bắn vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất đúng thời điểm đã định.
Qua tình hình diễn biến chiến sự, Bộ Tổng Tham mưu nhận xét: hướng đông, tuy địch chống cự ngoan cố, nhưng nhìn chung có nhiều thuận lợi. Hướng bắc và hướng tây bắc chậm hơn một chút. Hướng tây nam có thể tiến kịp các mũi khác. Hoạt động của quân ta trên đường số 4 đạt hiệu quả tốt, nếu phát triển mạnh hơn, sẽ tạo thêm điều kiện cho hướng bắc và tây bắc phát triển tiến công.
Tôi điện ngay cho anh Tấn: "Cho biết ngay aự kiến thời cơ phát triển vào nội đô, cả trong trường hợp đến mục tiêu sớm hơn thời gian quy định. Khi có thời cơ cụ thể thuận lợi, bảo đảm chắc thắng thì tranh thủ phát triển. Nếu trận địa pháo 130 đặt xong ở Nhơn Trạch và bàn được vào Tân Sơn Nhất thì Sài Gòn sẽ rung động lớn".
Tối 28-4, các đài phương Tây đưa tin: Hồi 16 giờ 40 phút, 5 chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo đã dội bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở độ cao 5.000 bộ. Một số máy bay của "không lực Việt Nam Cộng hoà" và của Hoa Kỳ bị phá huỷ, trong đó có 3 chiếc AC119 và nhiều chiếc C47. Trận ném bom đã thúc giục Mỹ phải "thực hiện tối đa" việc di tản nhân viên quân sự và dân sự của họ. Hồi 20 giờ cùng ngày, 2 chiếc C130, mỗi chiếc chở180 người, đã mạo hiểm cất cánh ngay trên đường băng vừa bị ném bom.
Sự kiện này nằm trong ý định của Bộ Tổng tư lệnh trong việc dùng không quân chiến đấu trước và trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đã được trao đổi nhiều lần với các anh ở B2. Thượng tuần tháng 4, anh Lê Ngọc Hiền điện ra báo cáo: ta thu được một số máy bay chiến đấu, và đề nghị cho người vào nghiên cứu sử dụng. Ngay sau đó, lại nhận được tin Nguyễn Thành Trung, cơ sở binh vận của ta hoạt động bí mật trong hàng ngũ địch, sau khi ném bom dinh Tổng thống nguỵ, đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Bộ Tổng Tham mưu nhất trí đề đạt với Quân uỷ Trung ương cần sử dụng số phi công được Mỹ đào tạo, huấn luyện các sĩ quan lái máy, bay chiến đấu của ta, sử dụng số máy bay vừa thu được tham gia chiến dịch, gây cho địch một bất ngờ lớn.
Anh Văn Tiến Dũng cũng điện ra đề nghị cho không quân ta dùng máy bay vừa thu được của địch ném bom vào sào huyệt quân nguỵ ở Sài Gòn đúng vào ngày 28-4.
Tôi cầm máy trực tiếp báo cáo với đồng chí Bí thư thứ nhất. Anh Ba vui vẻ đồng ý.
Bộ triệu tập ngay anh Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không - Không quân lên "Nhà con rồng".
Tôi hỏi:
- Hiện đã thu được bao nhiêm máy bay A37 có thể dùng được?
- Báo cáo: ở Đà Nẵng 1 chiếc, phi công ta đang dùng để học chuyển loại. Ở sân bay Phù Cát, ta thu được 5 chiếc còn nguyên, nhưng chưa bay thử.
- Thế là tốt. Bộ Chính trị đã đồng ý cho không quân ta ném bom Sài Gòn. Giao nhiệm vụ cho đồng chí trực tiếp tổ chức thực hiện trận đánh này thắng lợi. Thời gian đúng vào ngày 28-4 như anh Dũng đã điện ra. Việc chọn thời cơ và mục tiêu cho máy bay tiến công sẽ do anh Dũng chỉ thị trực tiếp. Về cách đánh, sẽ do Bộ Tổng Tham mưu và tiền phương Phòng không - Không quân quyết định.
Chiều 26-4, anh Tri vào tới Phù Cát. Anh Hoàng Ngọc Diêu, Phó Tư lệnh quân chủng cũng đã có mặt.
Việc huấn luyện chuẩn bị người và mày bay được tiến hành rất khẩn trương. Chỉ trong mấy ngày, ta đã có một phi đội A37 sẵn sàng hoạt động. 17 giờ ngày 28-4, phi đội mang tên Quyết Thắng do Nguyễn Thành Trung chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phá huỷ 20 máy bay địch trên sân bay Tân Sơn Nhất.
Cuộc công kích bất ngờ của ta bằng máy bay của Mỹ đạt hiệu quả chiến đấu lớn, nhưng hiệu quả về tinh thần, tâm lý lại còn lớn hơn nhiều.
Sau hai ngày mở màn cuộc tổng công kích, tối 28-4, Bộ Tổng tham mưu tổng hợp và báo cáo tình hình chiến trường trọng điểm:
Bộ đội ta trên các hướng về cơ bản đã thực hiện được kế hoạch tiến công, bao vây cô lập Sài Gòn, chia căt tuyến ngoài thành phố. Ta đã cắt đường số 15 (Sài Gòn - Vũng Tàu) và đường số 4 (Sài Gòn - đồng bằng sông Cửu Long), chiếm được một số mục tiêu quan trọng như Trảng Bom, Long Thành, Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa, làm chủ căn cứ Nước Trong. Các sân bay Biên Hoà và Tân Sơn Nhất bị tê liệt. Lực lượng vũ trang và nhân dân vùng ven Sài Gòn phối hợp với bộ đội chủ lực, tiến công và nổi dậy, giải phóng các căn cứ tủa địch ở xung quanh thành phố. Ở hướng đồng bằng sông Cửu Long, bộ đội Quân khu 8 và Quân khu IX áp sát các thị xã Cần Thơ, Mỹ Tho, khống chế sân bay Bình Thuỷ.
Hệ thống chỉ huy của quân nguỵ, từ Bộ Tổng Tham mưu đến các quân đoàn đều rối loạn. Trần Văn Hương phải từ chức để Dương Văn Minh lên thay. Nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong nguỵ quyền, nguỵ quân đã chuồn ra nước ngoài. Dương Văn Minh là con bài cuối cùng Mỹ - nguỵ đưa ra dàn xếp với ta để hòng đạt tới "ngừng bắn".
Như vậy là qua hai ngày chiến đấu, tình hình diễn biến tốt. Ngày hôm sau, 29-4, bộ đội ta trên năm hướng có thể nổ súng tiến công vào nội thành Sài Gòn, theo đúng kế hoạch đã đề ra.
22 giờ đêm hôm ấy, tôi điện gửi các anh Lê Đức Thọ và Phạm Hùng: "Chiến dịch đã bắt đầu thắng lợi giòn giã. Chúng tôi tất cả đều phấn khởi, gửi lời chúc các anh khoẻ và toàn thắng. Nhắc các cơ quan tham mưu, chính trị: đi đôi với mệnh lệnh tác chiến, cần có chỉ thị cụ thể về nhiệm vụ, phạm vi quản lý thành phố của từng đơn vị xúc tiến kế hoạch phát triển thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Có dự kiến điều chỉnh lực lượng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng nhất là nhũng việc cần làm trước mùa mưa".
22 giờ 30 phút, tôi lại điện tiếp, gửi anh Tuấn, anh Tư Nguyễn, đồng điện anh Sáu, anh Bảy: "Chuyển lời Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh gửi lời chào quyết thắng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên.
Các đồng chí hãy anh dũng tiến lên giành thắng lợi cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại".
Đêm 28-4-1975, một đêm thức trắng của cơ quan Tổng hành dinh. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cũng không ai ngủ được. Những người nắm được kế hoạch cụ thể của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đều cùng thức với chiến trường, đón giờ "G" của trận Tổng công kích vào Sài Gòn như đón phút giao thừa của lịch sử.
Sáng sớm hôm sau, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Sở chỉ huy.
Một tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định trải rộng trên bàn. Các đồng chí lãnh đạo ngồi và đứng xung quanh, theo dõi tình hình chiến sự đang diễn biến.
Cơ quan tham mưu chiến lược phát huy hết mọi năng lực của bộ máy chỉ huy, theo dõi sự phát triển của cuộc Tổng công kích và nổi dậy từng phút, từng giờ. Anh Lê Hữu Đức kịp thời báo cáo những tin mới nhận được từ các nguồn khác nhau, không chậm hơn thực tiễn đang diễn ra ở chiến trường là mấy.
Các mũi tên đỏ được tô đậm thêm, kéo dài thêm, tiến về hướng nội đô. Những nét gạch chéo lần lượt đánh dấu các mục tiêu đã bị đánh chiếm. Hầu như mỗi giờ, mỗi khắc đều có tin mới đưa về. Nhiều chức sắc nguỵ quân, nguỵ quyền bỏ chạy ra nước ngoài, gồm nghị sĩ, cựu thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng. Sài Gòn hỗn loạn. Quân địch như rắn mất đầu. Các nhân viên quân sự và dân sự Mỹ tháo chạy bằng máy bay lên thẳng từ sân thượng một số nhà cao tầng trong cuộc hành quân Cơn lốc. Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, cử đại diện đến trại David ở Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn ta trong Ban liên hiệp đình chiến để "thương lượng"!
Không khí phấn khởi, sôi nổi, hào hùng bao trùm cuộc họp. Vừa nghe báo cáo vừa trao đổi ý kiến. Mỗi tin tức là một sự kiện, một tình huống, cần được xử trí kịp thời.
10 giờ, đồng chí Bí thư thứ nhất gửi một điện khẩn vào chiến trường:
"1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.
2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Uỷ ban quân quản do tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Ký tên: Ba".
Tin về dồn dập. Các cán bộ tác chiến: quân báo, thông tin, cơ yếu, quên nghỉ, quên ăn. Đang làm việc cách Sài Gòn gần 2.000km mà ai cũng thấy mình như đang ở ngay mặt trận, cùng đồng đội, đồng bào tiến công và nổi dậy, góp sức giành toàn thắng.
Tối 29-4-75
Tôi chủ trì buổi giao ban, nghe đồng chí Cục trưởng Tác chiến báo cáo tổng hợp tình hình. Các cánh quân của ta trên năm hướng đã đồng loạt nổ súng, hiệp đồng chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng chủ yếu mở cửa thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn.
Hướng tây bắc, Quân đoàn III tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, bắt sống viên tư lệnh sư đoàn Lý Tòng Bá. Nhân dân vùng đất thép Củ Chi nổi dậy chiếm quận lỵ.
Ở hướng bắc, Quân đoàn I đánh chiếm thị trấn Tân Uyên, bao vây Phú Lộc và tiến xuống Lái Thiêu.
Hướng tây nam, Đoàn 232 chiếm thị xã Hậu Nghĩa, chi khu quân sự Đức Hoà, thị xã Tân An, thị trấn Bến Lức. Nhân dân vùng Hóc Môn, Bà Điểm và xã Phú Thọ Hoà nổi dậy.
Hướng đông, địch ngoan cố chống cự. Quân đoàn IV tiến chậm. Quân đoàn II phát triển thuận lợi hơn. Đơn vị thọc sâu của Quân đoàn II đã vòng qua căn cứ Long Bình; đang phát triển theo xa lộ.
Ở ven đô, các lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy, phối hợp với các binh đoàn chủ lực. Bộ đội phát triển đến đâu, vùng giải phóng mở rộng đến đó.
Nhìn chung, địch đối phó yếu ớt, tan rã nhanh, phần lớn rút chạy hoặc đầu hàng khi bị tiến công.
Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn.
Riêng cánh quân phía đông, anh Lê Trọng Tấn đề nghị cho nổ súng trước từ 18 giờ ngày 29-4. Lý do là các lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 đến 20km, phải vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp.
Điện của anh Tấn đến vào lúc nửa đêm. Cục Tác chiến đánh thức tôi dặy. Nửa giờ sau, tôi và anh Lê Hữu Đức tới nhà anh Ba.
Sau khi anh Đức đọc bức điện, tôi đề nghị chuẩn y cho cánh quân phía đông đánh vào 18 giờ chiều ngày 29-4, sớm hơn giờ G mười hai tiếng.
Anh Ba đồng ý và nói:
- Đánh, đánh, đánh thôi anh ạ! Lúc này, cánh quân nào phát triển thắng lợi là tạo thắng lợi chung cho toàn chiến dịch.
Tôi hỏi:
- Điện ký tên anh chứ?
- Không! Anh là Tổng Tư lệnh, ký tên anh.
Một thoáng sau, anh Ba nói thêm:
- Ký thêm tên tôi cũng được, hoặc nói rõ đã trao đổi với anh Ba và anh Ba nhất trí.
Về tới Tổng hành dinh, tôi viết ngay điện trả lời anh Tấn, đồng điện cho anh Dũng. Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đồng ý để cánh quân phía đông nổ súng sớm hơn kế hoạch.
Như vậy, trên thực tế từ 18 giờ ngày 29-4-1975, trận tiến công Sài Gòn - Gia Định đã bắt đầu.
Trời đã về khuya. Cục Quân báo vừa nắm được tình hình địch mới nhất. Anh Cao Văn Khánh điện gấp cho các chiến trường: "Có tin địch ra lệnh cho các tàu hải quân ở Cần Thơ, Đồng Tâm và Phú Quốc tập trung ở một địa điểm, và một số tàu đổ bộ chuẩn bị đi sang đảo Guam. 78 máy bay của nguỵ đã chuyển đến Utapao. Theo dõi xem tàu hải quân có chở bộ binh theo không và có kế hoạch đánh cho kịp".
Lại một đêm nữa, cả Tổng hành dinh cùng thức với chiến trường, vì miền Nam, vì cả nước.
Ngày 30-4-1975.
Gần ba mươi năm qua, mà ngày lịch sử ấy vẫn hiện lên đậm nét trong ký ức, như mới hôm nào.
"Nhà con rồng" hôm nay hình như rạng rỡ hơn trong gió xuân ấm áp. Ngôi nhà cũ, thềm sân rộng và cả bốn con rồng đá chầu ở bậc lên xuống như tươi tắn hơn mọi ngày. Những cây ngọc lan tán lá sum suê, toả hương thơm ngát.
Sớm hơn thường lệ, tôi ngồi vào bàn làm việc ở Sở chỉ huy. Trên tấm bản đồ ở mặt bàn, các mũi tên đỏ đã tiến vào trung tâm thành phố. Tôi phác hoạ trong đầu một chương trình cho ngày hôm ấy, với bao nhiêu công việc phái làm: hội ý Bộ Chính trị, nắm thêm phản ứng của Mỹ, dự kiến các hoạt động quân sự, chính trị trong trường hợp chưa dứt điểm được ngay, chỉ đạo tác chiến và nổi dậy ở phần đất còn lại sau khi Sài Gòn giải phóng, điện động viên bộ đội, nhắc nhở chấp hành nghiêm các chính sách vào thành.
Bất giác, tôi nhớ lại ngày toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1954. Lẽ tất nhiên ở đây có rất nhiều điểm khác. Thế nhưng, cũng cái không khí phấn khởi sôi nổi ở Sở chỉ huy, cũng những giờ phút nao nức đón tin vui từ phía trước điện về, những suy nghĩ về công việc ở cuối và sau chiến dịch. Và nhất là cũng cái cảm giác lâng lâng khó tả, vừa khẩn trương, sôi nổi, vừa đàng hoàng, chủ động, vừa lo lắng chờ đợi, vừa vui sướng, tự hào, lúc này không còn là của riêng ai trong ngày toàn thắng của dân tộc.
Anh Ba, anh Trường Chinh, anh Đồng cũng đến đây sớm hơn thường lệ. Các anh khác trong Bộ Chính trị lần lượt đến sau, đông đủ. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp theo dõi tình hình chiến trường Sài Gòn - Gia Định, thảo luận công việc và đón tin toàn thắng. Anh Cao Văn Khánh, trực ban ngày hôm ấy, túc trực tại phòng tác chiến, chốc chốc lại sang báo cáo tình hình mới nhất. Các mũi tiến công của quân ta phát triển rất nhanh về hướng trung tâm thành phố. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch đã tới gần, chỉ còn tính từng giờ. Tin đến thường cắt ngang cuộc họp, đang phát biểu phải dừng lại giữa chừng, nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận.
Anh Khánh báo cáo: Đại sứ Mỹ Matin chuồn khỏi Sài Gòn lúc 4 giờ 15 phút sáng. Hy vọng của ông ta thoả hiệp, đàm phán với "Việt cộng" tan vỡ như bọt xà phòng.
Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn II trong cánh quân phía đông của anh Lê Trọng Tấn đang vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức phía bắc cầu Rạch Chiếc. Trận địa pháo của ta ở Nhơn Trạch đã bắn hơn 300 viên đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Các đơn vị đầu tiên đang tiến từ cầu Tân Cảng vào Sài Gòn. Quân đoàn IV tiến về Hố Nai. Địch liều mạng chống giữ. Ta tiêu diệt Hố Nai, đang tiến công sở chỉ huy Quân đoàn III nguỵ, chuẩn bị tiến vào nội đô.
Sư đoàn 10 Quân đoàn III đang tiến vào ngã tư Bảy Hiền.
Quân đoàn I đánh vào Lai Khê, phú Lộc, Lái Thiêu, đang tiến vào Gò Vấp; một cánh quân khác đánh địch từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu.
Đoàn 232 đang tiến về hướng Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát nguỵ.
Trên đường số 4, quân ta đã chiếm Thủ Thừa, thị xã Tân An.
Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 Gia Định áp sát bắc sân bay Tân Sơn Nhất, mở hành lang vào ngã tư Bảy Hiền. Bộ đội đặc công chiếm giữ cầu Rạch Chiếc, cầu xa lộ Biên Hoà.
Lực lượng vũ trang Biên Hoà phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng Nhơn Trạch. Thành Tuy Hạ.
Ở vùng ven đô và nội đô, nhân dân nổi dậy phối hợp với bộ đội tiến công địch. Ở nhiều quận, nhiều phường xóm, đồng bào vùng lên chiếm đồn bốt địch, trụ sở nguỵ quyền. Cờ cách mạng đã tung bay ở phường Tây Nhì, quận Phú Nhuận từ trưa ngày 29-4.
Một cảnh tượng điển hình của chiến tranh nhân dân Việt Nam diễn ra hết sức hào hùng. Tiến công kết hợp với nổi dậy. Quân sự, chính trị, binh vận giáp công. Sức mạnh tổng hợp của cách mạng áp đảo nguỵ quân, nguỵ quyền đang tan rã.
Trên hướng đồng bằng sông Cửu Long, các lực lượng vũ trang ta đã ém sẵn quanh các mục tiêu quan trọng.
Ở Bạc Liêu, quân ta đã vào thị xã. Ở Sóc Trăng, ta đang tiến công thị xã và sân bay.
Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trao đổi về những công việc cấp thiết. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi điện vào chiến trường: "Uỷ ban quân quản công bố ngay trên đài phát thanh mệnh lệnh đầu tiên. Nội dung: a) Quân giải phóng tiến vào để giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, b) Quân đội nguỵ quyền Sài Gòn phải lập tức hạ vũ khí đầu hàng, c) Tuyên bố giải tán chính quyền các cấp, d) Kêu gọi đồng bào đứng dậy, cùng Quân giải phóng đập tan mọi sự chống cự của địch, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài san của nhân dân, hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam thân yêu".
Vừa theo dõi tin kỹ thuật của Cục 2, tôi vừa liên lạc bằng vô tuyến điện thoại tiếp sức với Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Các cánh quân của ta đang tiến rất nhanh. Địch đang trong tình trạng vô cùng nguy khốn.
10 giờ sáng. Đồng chí Nguyễn Thanh, trưởng phòng 70 vào báo cáo tin vừa nhận được: Theo Đài phát thanh Nhật Bản, Quân giải phóng miền Nam có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn. Mấy phút sau, có tin thêm: Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng.
Mọi người cùng nói: "Chỉ có đầu hàng vô điều kiện. Còn gì đâu mà thương lượng!".
Tôi viết ngay một bức điện, lệnh cho các cánh quân tiếp tục tiến công. Nội dung bức điện được đọc lên, tất cả đều nhất trí. Cùng lúc đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng điện cho các quân đoàn và đoàn 232 không vì có tin ấy mà dừng lại.
10 giờ 50 phút. Cục 2 báo cáo quân ta đã vào dinh Tổng thống nguỵ. Ngay sau đó, các đài phát thanh phương Tây cũng đưa tin này.
11giờ 30 phút. Đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục phó Cục cơ yếu mang vào phòng họp một bức điện của anh Lê Trọng Tấn báo cáo: một đơn vị thuộc cánh quân phía đông đã cắm cờ lên dinh Độc Lập.
Mọi người vây quanh tấm bản đồ chiến sự. Tin từ các hướng tới tấp điện về. Năm cánh quân của ta hợp điểm giữa Sài Còn. Quân đoàn II chiếm dinh Tổng thống; Quân đoàn IV chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh; Quân đoàn I chiếm Bộ Tổng Tham mưu và khu vực các bộ tư lệnh các binh chủng; Quân đoàn III chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Đoàn 232 chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Kế hoạch tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành thắng lợi.
Trong không khí hân hoan, hội nghị sôi nổi trao đổi về những biện pháp cuối cùng. Tôi điện ngay vào chiến trường thông báo ý kiến của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương: "Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân. Đã nhận tin ta cắm cờ lên dinh Độc Lập lúc 11 giờ. Các anh trong Bộ Chính trị rất vui, rất vui"
Bức điện gửi đi lúc 12 giờ 25 phút.
Hội nghị ngừng họp.
Các đồng chí lãnh đạo ra cả ngoài hành lang. Tiếng cười nói rộn ràng, vui vẻ. Phấn khởi, nghẹn ngào, xúc động đến tlào nước mắt.
Anh Ba, các anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, ai nấy đều nhớ đến Bác Hồ. Ước mơ nước nhà độc lập, thống nhất mà Bác hằng mong đã thành sự thật, nhưng Người đã đi xa! Đồng bào, chiến sĩ miền Nam không còn được đón Bác vào thăm. Mọi người nghĩ đến biết bao đồng chí, đồng đội, đồng bào đã ngã xuống, không được thấy giờ phút khải hoàn. Ngay trong chiến dịch cuối cùng, bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn ra đi trước ngày toàn thắng.
Tôi chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị điện ngay cho Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền tin thắng lợi, và chuẩn bị viết thông cáo chiến thắng. Chỉ mười lăm phút sau, đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi mà muôn vạn con tim Việt Nam đón đợi: chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.
12 giờ 50 phút.
Tại Sở chỉ huy, có mặt Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục tác chiến, Đại tá Nguyễn Trọng Yên và Thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Không ai chú ý đến nghỉ ngơi, cơm nước. Được sống trong giờ phút lịch sử của dân tộc, ai cũng muốn được ghi lại hình ảnh kỷ niệm vô giá này.
Trước tấm bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định, mọi người đứng dậy, chăm chú nhìn theo hướng tay tôi chỉ.
Thượng uý Nguyễn Tiến Trỗ, cán bộ bảo vệ thường xuyên đi với tôi, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư với chiếc máy ảnh hiệu Kiev, đã bấm liền ba kiểu ở góc độ thích hợp nhất.
Buổi chiều, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tiếp tục họp.
Mở đầu, Hội nghị nghe qua dây ghi âm tiếng nói đầu hàng của Tổng thống nguỵ Dương Văn Minh:
"Tôi là Dương Văn Minh, Tổng thống của chính quyền Sài Gòn.
Tôi kêu gọi bỏ vũ khí đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng, giải tán cơ cấu chính quyền từ trung ương đến địa phương và giao quyền cho Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam".
Tiếp đó là đại biểu Quân giải phóng chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh.
Hội nghị tiếp tục thảo luận về công việc sắp tới và nêu lên những vấn đề sẽ bàn trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 3-5, chuẩn bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị toàn thể.
Gần cuối buổi họp, mọi người nghe đọc hai bức điện của các anh Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng vừa nhận được, trong đó các anh nói rõ: Dương Văn Minh đã đầu hàng, các cánh quân của ta tiếp tục phát triển theo kế hoạch. Ta kêu gọi quân địch nộp vũ khí.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sôi sục nổi dậy, lật đổ nguỵ quyền, lập chính quyền cách mạng.
Hội nghị nhất trí gửi ra phía trước bức điện khen: "Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội đặc biệt tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc nguỵ quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng.
Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng, cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc"(1).
Các anh trong Bộ Chính trị ra về. Các đồng chí trong Thường trực Quân uỷ ngồi lại trao đổi, chuẩn bị cho cuộc họp của Quân uỷ Trung ương dự định tiến hành vào ngày 2-5. Tôi nhắc thêm một số công tác cần chú ý làm thật tốt, nhất là việc quản lý vùng mới giải phóng, đặc biệt các thành phố lớn, vừa xây dựng chính quyền cách mạng vừa truy quét tàn binh, bắt giữ bọn phản động đầu sỏ, giữ vững trật tự trị an, bảo vệ tài sản, tính mạng của dân và tài sản công cộng, ổn định đời sống.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải!à một cán bộ dân vận, biết phát động nhân dân cùng với bộ đội và các lực lượng cách mạng làm chủ địa bàn. Tôi cũng lưu ý Bộ Tổng Tham mưu giải quyết số quân địch ở đồng bằng sông Cửu Long và các đảo Côn Sơn, Phú Quốc, đón anh chị em tù chính trị trở về. Việc xây dựng và điều chỉnh lực lượng trong điều kiện đất nước thống nhất và số lượng rất lớn trang bị kỹ thuật của địch vừa thu được cũng phải khẩn trương nghiên cứu đề xuất với Bộ Chính trị và Quân uỷ.
Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn.
Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra.
"Giá như còn Bác".
Tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Bác đã mang về thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Câu thơ xuân "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào" đã vạch đường đi nước bước để có thắng lợi hôm nay.
Tôi lên xe đi một vòng quanh Hà Nội. Cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc nào. Người đi chật phố, chật đường, vui như trảy hội. Đêm nay, Thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Đêm nay, Hà Nội, cả nước vui với Sài Gòn, vui với miền Nam.
Trở lại cửa tây, tôi vào Sở chỉ huy tiếp tục làm việc.
Hình ảnh các anh lãnh đạo, chỉ huy bộ đội ở chiến trường lúc này hiện về rõ nét. Chắc các anh đã nhiều đêm không ngủ. Chắc các anh cũng hân hoan, xúc động như chúng tôi ở ngoài này. Dưới sự chỉ huy của các anh, quân ta đã "tiến vào Sài Gòn!" ca vang câu hát: "Đồng bào ơi, ta đã về đây" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, như ngày nào bộ đội ta từ năm cửa Ô tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội, ca vang bài hát của nhạc sĩ Văn Cao.
Trong điện gửi anh Văn Tiến Dũng và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, thay mặt Quân uỷ Trung ương, tôi tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang ta đã cùng đồng bào Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giành thắng lợi vang dội, làm nức lòng quân và dân cả nước và bè bạn năm châu.
Một khuôn mặt trìu mến, thân quen chợt hiện lên trong tôi: Trung tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy cánh quân đầu tiên tiến vào dinh Tổng thống nguỵ quyền. Tôi viết ngay một bức điện vượt ra ngoài khuôn phép thông thường về quân sự: "18 giờ 30 phút. Anh Tấn ơi! Làm ăn tốt quá! Phấn khởi quá! Chúc các anh rất khoẻ và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó. Ký tên: Văn".
Sau này được biết: Khi nghe báo cáo quân ta đã chiếm dinh Độc Lập, Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng, cả Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh reo mừng trong niềm vui chiến thắng. Không còn là chuyện bất ngờ mà ai nấy đều giàn giụa nước mắt, siết chặt tay nhau, phấn khởi, tự hào. Các anh Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng xúc động ôm hôn mọi người. Anh Đinh Đức Thiện, vui tính là thế, mà giờ lại là người khóc ra tiếng to nhất. Anh Trần Văn Trà, đôi mắt đỏ hoe, nghẹn ngào sung sướng. Riêng anh Phạm Hùng, mở phanh chiếc áo bà ba, vừa cười to vừa bình luận sảng khoái, vừa ra lệnh chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.
Sáng ngày 1-5-1975.
Ngày Quốc tế Lao động mang thêm ý nghĩa ngày chiến thắng. Tình giai cấp hoà quyện trong tình dân tộc, làm nổi bật một nét đẹp trong tư tưởng cách mạng của Bác Hồ.
Tại Sở chỉ huy, Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại. Khi biết tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ở phần lớn các tỉnh, lực lượng vũ trang ta đã kết hợp với quần chúng nổi dậy, số lượng có nơi ước tới hàng vạn người như ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, tiến công mạnh vào nguỵ quân, nguỵ quyền ở cơ sở, buộc chúng phải đầu hàng. Ở Cần Thơ, đêm 29-4, Sư đoàn 4 tiến công hai sân bay Bình Thuỷ và Trà Nóc, Tiểu đoàn Tây Đô, Tiểu đoàn 303 kết hợp tác chiến với binh vận tiến công Sở chỉ huy địch trong thành phố. Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Vùng IV chiến thuật tự sát. Chiều 30-4, tỉnh Cần Thơ được giải phóng.
Ở Vĩnh Long, Trà Vinh, mặc dù bị quân và dân ta tiến công, uy hiếp, đêm 29 và sáng 30-4, một bộ phận quân địch ở đây còn chống trả quyết liệt. Đến 17 giờ chiều 30-4, Tỉnh trưởng Vĩnh Long và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 nguỵ phải đầu hàng. Với hai tiểu đoàn và lực lượng quần chúng có các sư sãi tham gia rất đông đảo, ta đã giải phóng Trà Vinh trong ngày 30-4.
Sau khi chiếm được các thành phố, thị xã quan trọng, ta đã kịp thời đưa lực lượng tiến sâu vào các vùng đồng bào các tôn giáo như Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, bức hàng nhiều đồn bốt địch. Ở các vùng nông thôn Nam Bộ, hàng trăm chi khu, phân chi khu quân sự, hàng ngàn đồn bốt của địch tan rã, đầu hàng trước làn sóng tiến công và nổi dậy của quân và dân các địa phương. Cả vùng châu thổ sông Tiền, sông Hậu được giải phóng.
Tại Côn Sơn, ngày 30-4 và 1-5-1975, những người cách mạng bị địch giam cầm ở đây đã nổi dậy phá nhà lao, giải phóng đảo: Các lực lượng tại chỗ ở Phú Quốc kết hợp với anh chị em tù chính trị trong các trại giam tiến công và nổi dậy giải phóng đảo trước khi lực lượng ta từ đất liền ra tới nơi. Cho đến ngày 2-5-1975, trên toàn miền Nam đã sạch bóng quân thù.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta toàn thắng.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả rực rỡ của việc thực hiện ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh, kết hợp với các mũi tiến công quân sự, chính trị, binh vận sôi nổi của quân và dân miền Nam ngay từ đầu và trong cả quá trình Tô)ng tiến công và nổi dậy. Còn phải kể đến hai mũi tiến công ngoài kế hoạch: Đó là sự hình thành và chiến đấu dũng mãnh, thần tốc của cánh quân phía đông, thúc đẩy tình hình chiến trường phát triển mau lẹ, kịp thời tăng cường lực lượng cho trận chiến đấu quyết định diệt địch ở sào huyệt cuối cùng. Đó là mũi tiến công sắc bén trên vùng lãnh hải, nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Ở đây, các đòn tiến công quân sự mạnh mang ý nghĩa quyết định. Các cuộc nổi dậy của nhân dân sôi nổi, rộng khắp, muôn hình muôn ve là đòn chiến lược hết sức lợi hại, tiến công địch khắp nơi, làm cho thắng lợi đến nhanh.
Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 55 ngày đêm. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm "đánh chắc tiến chắc", thì 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam lại là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, "thần tốc", nhanh đến không ngờ!
Dù ngắn hay dài, thời gian vẫn là lực lượng, chiều 1-5, tôi tranh thủ thăm Cục Tác chiến, cơ quan trực tiếp phục vụ chỉ huy quân sự, trong không khí tưng bừng, phấn khởi. Hầu như tất cả mọi người trong cơ quan đều có mặt. Một tràng pháo dài nổ vang chào mừng tin toàn thắng. Tôi hỏi thăm anh Hoàng Văn Thái, vì bận không đến dự, ôm hôn anh Cao Văn Khánh, các cán bộ tham mưu, các nhân viên mật mã, đánh máy, thông tin. Tôi nói: "Qua 30 năm lãnh đạo, chỉ huy quân đội, lần này tôi thấy công tác tham mưu có tiến bộ vượt bậc. Từ kế hoạch tác chiến đến nắm địch, nắm ta, truyền đạt mệnh lệnh, đều chính xác, kịp thời. Xin cảm ơn tất cả các đồng chí". Tiếp đó, tôi sang thăm Cục Tuyên huấn, cơ quan giúp Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh trong công tác lãnh đạo, động viên, giáo dục tư tưởng cho bộ đội và tuyên truyền, báo chí. Anh Lê Quang Đạo, thay mặt Tổng cục Chính trị và toàn cơ quan tuyên huấn đón tiếp rất nồng nhiệt. Ở đây, sau khi khen ngợi những kết quả thu được trên mặt trận tư tưởng và dư luận, tôi nhắc lại tinh thần lời dạy của Bác Hồ: Thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ là một bước trên con đường vạn dặm của cách mạng, tuyệt đối không được tự mãn, chủ quan.
Vì thời gian có hạn, tôi chỉ thăm được hai cơ quan giúp việc thường xuyên cho Bộ Tổng tư lệnh và Quân uỷ Trung ương. Công việc chuẩn bị cho cuộc họp Quân uỷ và cuộc họp của Bộ Chính trị trong các ngày tiếp theo không cho phép đi nhiều. Trong thâm tâm, tôi muốn đến thăm tất cả các cơ quan Tổng hành dinh, vì trong chiến công tập thể vĩ đại này, tổ chức nào, cá nhân nào cũng có phần đóng góp. Tôi muốn ôm tất cả các đồng chí vào lòng.
Mấy ngày sau, tôi cùng anh Ba vào thăm miền Nam hoàn toàn giải phóng. Quên sao được niềm vui mừng phấn khởi khi đặt chân trở lại trên thành phố mang tên Bác, xúc cảm trước cảnh hân hoan mừng chiến thắng của đồng bào, đồng chí trên phố phường còn nguyên vẹn, tưởng như được đón Bác trở về từ nơi Người đã ra đi.
Chúng tôi về thăm các cơ sở cách mạng ở Sài Gòn, Biên Hoà, Cần Thơ, Rạch Giá, những chiếc nôi đã nuôi dưỡng, chở che cho bao cán bộ kiên trung đi làm cách mạng không hẹn có ngày về. Vui mừng, xúc động, anh Ba giới thiệu các Ba, các Má đã nuôi anh những ngày hoạt động bí mật trong lòng địch. Trước cảnh cũ người xưa, tôi bồi hồi nhớ lại những lần vào Nam thực hiện các nhiệm vụ cách mạng được giao. Năm 1929, với tư cách phái viên của Tổng bộ Tân Việt và nhóm cộng sản trong Tân Việt, tôi đến Sài Gòn với nhiệm vụ chuyển kỳ bộ Tân Việt sang hàng ngũ cộng sản. Sau đó, năm 1935, tôi lại vào gặp nhóm đảng viên hoạt động nửa công khai, nhận tài liệu của Đông Dương Đại hội mang ra Hà Nội. Tìm đến các cơ sở cũ thì hầu hết đã không còn nữa. Nhiều ân nhân của cách mạng không còn được thấy ngày khải hoàn của dân tộc.
Tiếp đó, tôi đến thăm các binh đoàn chủ lực, các đơn vị đặc công, biệt động, các đơn vị bộ đội địa phương.
Những "Anh bộ đội Cụ Hồ" vừa làm nên kỳ tích, nhưng hết sức gian dị, thân tình. Tôi khen ngợi chiến công của cán bộ, chiến sĩ, lòng bùi ngùi thương tiếc bao đồng chí, đồng đội vừa ngã xuống để Tổ quốc trường tồn.
Tôi cũng đã đến quan sát Bộ Tổng Tham mưu quân đội nguỵ. Tại phòng làm việc của Tổng Tham mưu trưởng, tôi chú ý đến tờ lịch ngày 28 tháng 4 còn bóc dở.
Trong phòng triển lãm vũ khí, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại đều được trưng bày. Trên một tấm bản đồ Đông Dương chi chít những dấu chấm xanh, đỏ, đánh dấu những nơi mà vũ khí, trang bị điện tử phát hiện các căn cứ của ta, nhất là trên đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn. Cảm tưởng sâu sắc nhất của tôi là: vũ khí kỹ thuật Mỹ dù hiện đại đến đâu cũng không thể cứu kẻ thù khỏi thất bại. Quyết định thắng lợi là con người Việt Nam yêu nước, dũng cảm, thông minh.
Chú thích:
(1) Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản. Sự thật, Hà Nội. 1985, tr. 395.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy : MoHaNoi - NguyenHoc
Nguồn: MoHaNoi
Được bạn: NHDT đưa lên
vào ngày: 24 tháng 8 năm 2006

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--