P9


P7
Chiến trường biên giới tây nam năm 1977

Đêm 30-4-1977, hai năm sau ngày bộ đội cộng sản chiến thắng tại miền Nam Việt nam, những đơn vị thuộc hai sư đoàn 210 và 250 thuộc quân khu Tây Nam Campuchia mở một cuộc tấn công quy mô cấp trung đoàn vào lãnh thổ quân khu 9 Việt nam thuộc tỉnh An Giang, bắt đầu cuộc chiến tranh hậu chiến, chiến tranh Đông dương thứ ba, hay cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai quốc gia cộng sản.
Xét về tương quan lực lượng, ưu thế quân sự nghiêng hẳn về phía Việt nam. Dân số, quân số đông đảo hơn bội phần. Vũ khí, chiến cụ dồi dào, tối tân hơn. Binh sĩ thiện chiến, nhiều kinh nghiệm hơn. Ngay cả đồng minh Trung hoa của Campuchia cũng không tin Campuchia có thể thắng được một trận chiến quy ước với Việt nam. Đứng hậu thuẫn cho Campuchia trong chiến tranh chống Việt nam, Trung hoa chỉ muốn có một cuộc chiến tiêu hao và giới hạn, nhằm làm kiệt quệ tài nguyên và nhân lực của Việt nam, gây áp lực để Việt nam từ bỏ đường lối thân Liên xô và giảm bớt mối đe doạ từ biên giới phía Nam. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo cộng sản Campuchia, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhất là do lòng cuồng tín đến bệnh hoạn, đã ước tính sai khả năng của mình và của địch, đã tự chia rẽ và tự huỷ, để cho cuộc chiến tranh mới đầu lẻ tẻ, giới hạn sau đó lan rộng, đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ.
Sau 1975, miền Nam bị sụp đổ, Việt nam trở nên một quốc gia có dân số đứng hàng thứ mười ba trên thế giới, và một quân số đông hàng thứ tư, nhiều hơn quân số của tất cả sáu nước ASEAN cộng lại. Nhưng dù với một quân lực hùng hậu như thế, sau chiến thắng, các nhà cầm quyền Việt nam vẫn không cảm thấy an ninh mà lại thấy bị đe doạ bởi hai nước lân bang mới đây là đồng minh ở phía Bắc và phía Tây. Vì thế mà dù mang tiếng có hoà bình và ở trong một hoàn cảnh kinh tế tồi tệ, chính quyền Việt nam vẫn phải duy trì và phát triển một đạo quân khổng lồ từ hơn bảy trăm ngàn đến hơn một triệu.
Về tổ chức, quân đội Việt nam, được tự gọi là Quân đội nhân dân Việt nam, gồm có ba binh chủng lục quân, hải quân và không quân. Lãnh thổ được chia làm các quân khu I, II, III, IV, V, VII, IX quân khu Thủ Đô, đặc khu Quảng Ninh và đặc khu thành phố Hồ Chí Minh. Lục quân gồm có chính quy, chủ lực quân khu và dân quân địa phương. Lực lượng chính quy, trực thuộc Bộ tổng tham mưu, sau 1975 được tổ chức thành bốn quân đoàn cơ động, sử dụng như những lực lượng tổng trừ bị. Bốn quân đoàn 1, 2, 3, 4 này, còn được gọi là những binh đoàn Quyết Thắng, Hương Giang, Tây Nguyên và Cửu Long. Sau 1979, số quân đoàn này được tăng lên thành sáu rồi tám. Mỗi quân đoàn có từ ba mươi ngàn đến bốn mươi ngàn quân, gồm có ba hay bốn sư đoàn bộ binh, cùng những đơn vị yểm trợ như pháo binh, thiết giáp, truyền tin, quân y... Ngoài những vũ khí mà quân đội Việt nam cộng hoà để lại, bộ đội Việt nam có khoảng hơn một ngàn xe tăng T34, T54, T55, T59, T62, năm trăm xe PTP76, khoảng sáu trăm súng đại bác, ba ngàn súng phòng không và các đơn vị tên lửa SAM. Chủ lực miền là những đơn vị cơ hữu của mỗi quân khu. Ngoài những sư đoàn chủ lực quân khu, mỗi tỉnh còn có một hay hai trung đoàn chủ lực tỉnh như những trung đoàn Vàm Cỏ, Sông Bé, Gia định, Bắc Thái... Lực lượng dân quân là những tỉnh đội, huyện đội, xã đội, có nhiệm vụ phòng thủ và trinh sát nhiều hơn. Ngoài ra, bộ binh Việt nam còn có những đơn vị đặc biệt như lực lượng đặc công, lữ đoàn 305 dù, quân đoàn 559 Công binh, sư đoàn 673 cao xạ, các đoàn vận tải v.v...
Hải quân của quân đội Việt nam bắt đầu được thành lập từ những năm 1960, mới đầu là hai mươi lăm pháo thuyền của Trung hoa và ba mươi tàu tuần duyên do Liên xô viện trợ. Sau 1975, cùng với những thuyền bè do hải quân Việt nam cộng hoà để lại, hải quân Việt nam đã có hơn một ngàn tàu chiến lớn nhỏ. Vùng trách nhiệm duyên hải được chia làm năm vùng mà các Bộ tư lệnh đóng ở Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Rạch Giá. Có hai hạm đội, hạm đội Hàm Tử phụ trách vùng biển phía bắc, hạm đội Bạch Đằng phụ trách vùng biển phía Nam của Đông Hải và vịnh Thái lan. Tư lệnh hải quân lúc đó là Hoàng Hữu Thái. Chính uỷ là Hoàng Trà. Họ cũng tổ chức những đơn vị được gọi là “hải quân đánh bộ”. Không quân Việt nam có quân số khoảng hai chục ngàn. Ngoài những phi cơ A37, F5 và một số phi cơ vận tải và trực thăng của không quân Việt nam cộng hoà để lại, là những phi cơ MiG 21, MiG 23 và những phi cơ trực thăng võ trang do Liên xô viện trợ. Tất cả có hơn một ngàn phi cơ, được chia thành những không đoàn chiến đấu, vận tải, trực thăng và huấn luyện. Ngoài ra còn có một không đoàn oanh tạc cơ. Bộ tư lệnh không quân trú đóng tại phi trường Bạch Mai. Năm 1979, Tư lệnh không quân là Đào Đình Luyện, Tư lệnh phòng không là Hoàng Văn Khanh. Tư lệnh radar Nguyễn Xuân Mậu.
Cũng như quân đội của những nước cộng sản khác, quân đội Việt nam nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của đảng. Những chức vụ chỉ huy trong quân đội đều do những cán bộ quan trọng nắm giữ. Tuy ở những cấp từ trung đoàn trưởng trở xuống, đôi khi vì nhu cầu chiến trường, cán bộ có khả năng chỉ huy không đủ nên một số sĩ quan dù có ít thành tích chính trị vẫn được giao chức vụ chỉ huy, nhưng vẫn bị chính uỷ lấn lướt. Ngoài chính uỷ ra, mỗi đơn vị lại còn có chủ nhiệm phòng hay ban chính trị.
Tuy quân số của Việt nam đứng vào hàng thứ tư, sau Trung hoa, Liên xô và Hoa kỳ (sau 1980, với quân số hơn hai triệu, đã vượt Hoa kỳ và nhây lên hàng thứ ba), và có một số lượng chiến cụ dồi dào như thế, quân đội Việt nam cũng có nhiều khuyết điểm. Trước hết là tình trạng tâm lý. Sau hơn hai chục năm chiến tranh, tinh thần quân đội lẫn nhân dân đều mỏi mệt. Ngoài những tân binh miền Nam bị bất đi nghĩa vụ một cách miễn cưỡng, tân binh miền Bắc cũng không còn dễ dàng để bị mù quáng tuyên truyền như trước nữa. Sau đó là tất cả phương tiện chiến tranh đều lệ thuộc vào Liên xô, từ những phi cơ tên lửa tối tân đến từng viên đạn súng cá nhân AK47, còn những vũ khí mà quân đội Việt nam cộng hoà bỏ lại dần dần bị phế thải vì thiếu bảo trì và không có cơ phận thay thế. Đội ngũ sĩ quan, phần lớn ít học, hồng nhiều hơn chuyên, nên chỉ mạnh về chiến tranh du kích và cổ điển, không thể hiện đại hoá. Bù đắp lại, họ có một đội quân đông đảo, hoả lực dồi dào, sự chỉ huy thống nhất, những cấp chỉ huy nhiều kinh nghiệm. Binh lính tuy không còn tin và chiến đấu cho xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn còn truyền thống dũng cảm, khôn ngoan và tự trọng. Trong cuộc chiến Đông dương thứ ba, giới lãnh đạo cộng sản lại một lần nữa lấy cớ đất nước bị tàn phá ở biên giới Tây Nam và bị xâm lăng ở biên giới phía Bắc để lợi dụng lòng yêu nước của binh lính. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Pol Pot bị sụp đổ, quân Trung hoa đã rút về nước, tinh thần bộ đội sa sút nghiêm trọng, mầm mống bất mãn đã nổi lên, đưa đến sự mất chức của Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân. Quân đội đó có thể bảo vệ đất nước chống Trung hoa, có thể tiến chiếm Campuchia trong một thời gian ngắn nhưng vẫn chưa được coi như một đội quân hiện đại để trở nên một mối đe doạ trầm trọng cho nền an ninh trong vùng, tương xứng với cái bề ngoài về quân số và khối lượng võ khí khổng lồ của họ. Với sự chia rẽ của khối cộng sản lúc đó, đội quân đó đã hoàn toàn chỉ trông cậy vào Liên xô và dĩ nhiên, sẽ chỉ được giúp đỡ khi thi hành những đường lối phù hợp với quyền lợi của Liên xô. Một yếu tố quan trọng khác là không giống như trong hai cuộc chiến tranh trước, lần này đối thủ của bộ đội Việt nam đều là hai đội quân cộng sản, nên tất cả đều có ưu thế chiến thuật chung của quân đội cộng sản là binh sĩ ít nhiều đã bị nhồi sọ. Người lính trong đơn vị hay gia đình ở hậu phương, tất cả đều bị kiểm soát chặt chẽ và liên đới chịu trách nhiệm nên dù có bất mãn cũng không có con đường chọn lựa nào khác. Tại Campuchia, Trung hoa hay Việt nam, cấp chỉ huy chỉ cần đạt được mục đích chứ không cần để ý đến tổn thất sinh mạng hoặc áp lực của báo chí, dư luận hay Quốc hội.
Trong trận chiến Đông dương thứ ba, khi quân đội Trung hoa đánh vào biên giới phía Bắc, lực lượng tham chiến chính của Việt nam là những đơn vị chủ lực của các quân khu I, II, III và một số sư đoàn tăng phái từ quân khu IV. Ba quân đoàn chính quy bị kẹt lại tại Campuchia quân đoàn I đóng quanh Hà nội dùng làm trù bị.
Trong khi đó, tại mặt trận biên giới Tây Nam, nằm sát bên lãnh thổ Campuchia là các quân khu V, VII và IX. Mặt trận thuộc quân khu V không quan trọng lắm vì đó là miền rừng núi, ít trục lộ giao thông. Khác với ở trận chiến Đông dương thứ hai, chiếm được vùng rừng núi Tây Nguyên là chia cắt được miền Nam Việt nam. Lần này, mục tiêu chính của Campuchia là Sài gòn và châu thổ sông Cừu Long. Do đó mà mặt trận biên giới quân khu VII quan trọng nhất. Chọc thủng được tuyến phòng thủ của đối phương ở biên giới này, quân đội mỗi bên có thể tiến tới Sài gòn hay Phnom Penh dễ dàng. Phía Việt nam, trú đóng tại biên giới quân khu VII, ngoài những sư đoàn chủ lực quân khu như sư đoàn 303, 302, 5..., các trung đoàn chủ lực tỉnh như Vàm Cỏ, Sông Bé, Gia Định..., Bộ tổng tham mưu quân đội Việt nam sử dụng thêm quân đoàn 4 hay binh đoàn Cửu Long gồm có các sư đoàn 7, 9 và 341. Vì binh đoàn này đóng ở vị trí chủ yếu dọc quốc lộ 1, và sau đó được dùng làm mũi nhọn tấn công chính nên còn được tăng cường thêm sư đoàn 2 của quân khu V. Mặt trận quân khu IX cũng quan trọng vì đó là lãnh thổ Thuỷ Chân Lạp cũ. Phòng thủ biên giới quân khu là những trung đoàn chủ lực tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp và những sư đoàn 4, 8, 330... chủ lực quân khu.
Cuối năm 1978, để tấn công xâm lăng Campuchia, quân khu IX được tăng cường thêm quân đoàn 2 hay binh đoàn Hương Giang gồm các sư đoàn chính quy 325, 304 rút từ Lào về để tấn công hướng cực nam của Campuchia (sư đoàn 306 của binh đoàn được giữ lại làm “nghĩa vụ quốc tế” ở Lào).
Trong những thời gian đầu, tư lệnh quân khu VII là Trần Văn Trà, tư lệnh quân khu IX là Lê Đức Anh. Tư lệnh các binh đoàn Cửu Long và Hương Giang là Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu An. Khi Việt nam mở cuộc tấn công vào Campuchia, ở mũi tấn công phía bắc, binh đoàn chính quy Tây Nguyên hay quân đoàn 3 cũng tham chiến dưới sự chỉ huy của tướng Kim Tuấn, cựu tư lệnh sư đoàn 320 năm 1975. Trong năm 1977, giám sát tổng quát mặt trận là Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu Phó quân đội, kiêm nhiệm tư lệnh Bộ chỉ huy Tiền Phương, đóng bản doanh ở Tân Sơn Nhất. Trong số những tướng lãnh của Việt nam, Lê Trọng Tấn là người tham dự nhiều chiến trường nhất. Xuất thân là một hạ sĩ quan của không quân Pháp, Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh sư đoàn đầu tiên (sư đoàn 312) cùng với Văn Tiến Dũng (sư đoàn 320), Vương Thừa Vũ (sư đoàn 308) Hoàng Minh Thảo (sư đoàn 304), Lê Quảng Ba (sư đoàn 316), trong chiến tranh Đông dương thứ nhất. Trong những năm đầu tiên của chiến tranh Đông dương thứ hai, Tấn được cử làm Cục trưởng Cục tham mưu Cục R dưới bí danh Ba Long. Năm 1972, Tấn chỉ huy quân đoàn 76E đánh ở mặt trận Quảng Trị, và năm 1975 thì Tấn chỉ huy cánh quân duyên hải tiến xuống miền Nam. Sau 1975, Tấn được cất nhắc làm Tổng tham mưu phó, và tới 1980 thì được thăng Tổng tham mưu trưởng thay Văn Tiến Dũng. Lê Trọng Tấn chết một cách bất ngờ vào cuối năm 1986 trước khi nhận chức Bộ trưởng quốc phòng. Cùng với Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Hoàng Cầm, Lê Trọng Tấn cũng là người rất quen thuộc vơi địa thế Campuchia.
Đối đầu với một lực lượng quân sự hùng hậu như thế, quân đội Campuchia hay Khmer Đỏ trong năm 1975 chỉ có 68 ngàn quân. Mấy năm sau, trong chiến tranh với Việt nam, quân số này tăng lên hơn 150 ngàn, được tổ chức thành 23 sư đoàn. Hải quân hầu như không có, một số tàu chiến nhỏ của quân đội cộng hoà để lại đã bị không quân Mỹ tiêu diệt trong vụ giải cứu chiếc tàu Mayaguez. Còn không quân thì ngoài những máy bay cũ không thể sử dụng vì thiếu bảo trì, thiếu cơ phận sửa chữa, Campuchia được Trung hoa viện trợ cho vài máy bay MiG 15 và MiG 17, nhưng vẫn chưa được dùng đến trong chiến tranh với Việt nam. Bộ binh tuy tổ chức thành sư đoàn, nhưng binh sĩ đa số còn nhỏ tuổi, số còn lại tuy có kinh nghiệm chiến đấu trong thời chiến tranh với quân của tướng Lon Nol, nhưng chỉ là chiến tranh du kích, chưa có kinh nghiệm trong những trận đánh cấp trung đoàn trở lên, hay những trận đánh phối hợp với pháo binh, thiết giáp. Bù đắp lại, họ cuồng tín hơn, quen thuộc địa thế, di chuyển nhanh chóng ở những vùng rừng núi, sình lầy, nên sau khi những đại đơn vị bị đánh tan trong cuộc chiến quy ước và chính diện với Việt nam, những lực lượng nhỏ còn lại vẫn tiếp tục đánh du kích, gây tổn thất không ít cho đội quân chiếm đóng của Việt nam.
Sau tháng 4-1975, chính quyền Khmer Đỏ chia lãnh thổ Campuchia ra thành bay quân khu (Bắc, Đông Bắc, Đông, Tây Nam, Tây, Tây Bắc, Trung ương) cùng hai đặc khu Phnom Penh và 505. Bí thư mỗi quân khu kiêm nhiệm cả về hành chánh lẫn quân sự. Trung ương lấy hai phần ba quân số của mỗi quân khu để thành lập quân đội chính quy, đặt dưới quyền chỉ huy của Son Sen, Bộ trưởng quốc phòng. Một phần ba quân số còn lại dùng làm chủ lực quân khu, do các bí thư khu uỷ trực tiếp chỉ huy.
Trong trận chiến tranh biên giới, nằm sát với quân khu VII của Việt nam là quân khu Đông, và đối đầu với quân khu IX là quân khu Tây Nam. Cũng như quan niệm chiến thuật của Việt nam, Campuchia coi mặt trận quân khu Đông là mặt trận chủ yếu. Theo lời giới lãnh đạo Khmer Đỏ, nếu chọc thủng được phòng tuyến của Việt nam (vùng Mỏ Vẹt, Tây Ninh), quân Campuchia chỉ cần đi bộ hai ngày là tới Sài gòn. Bí thư khu uỷ khu Đông là So Phim, một lãnh tụ Khmer Đỏ kỳ cựu, đã có nhiều kinh nghiệm chiến trường từ chiến tranh Đông dương thứ nhất. Vì đã từng hoạt động ở những vùng sát biên giới Việt nam như Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt, xưa kia là mật khu của Việt cộng, nên So Phim đã thường xuyên tiếp xúc với các cán bộ Việt nam, và được cán bộ Việt nam đặt cho một cái tên Việt là Mười Su. Tuy thế, vào những năm 1974 và 1975, là một cán bộ Khmer Đỏ cao cấp So Phim vẫn trung thành với lệnh của Trung ương tiêu diệt hết những cán bộ cộng sản cũ hồi kết từ Bắc Việt. Sau ngày chiến thắng, So Phim được cất nhắc làm Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, đệ nhất Phó Chủ tịch nhà nước, bí thư kiêm tư lệnh quân khu Đông. Vì tính cách chiến lược quan trọng của quân khu, nên ngoài hai sư đoàn 3 và 4 cơ hữu, So Phim còn được tăng phái thêm hai sư đoàn 280 và 290 của Trung ương. Hai trục lộ chính của quân khu là quốc lộ 7 và quốc lộ 1. Quốc lộ 7 là một quốc lộ chiến lược quan trọng có hình cánh cung, đi vòng từ thị xã Kratié qua Snoul, Mimot, Krek, Chúp tới Kompong Cham, song song với biên giới phía bắc của tỉnh Tây Ninh. Năm 1977, khi chiến cuộc công khai bùng nổ, So Phim được cử làm Tư lệnh mặt trận đường số 7.
Trong khi đó, quốc lộ 1 là con đường đi từ Nạm Vang qua bến phà Neak Luong đi ngang tỉnh lỵ Svayrleng, qua Prasaut, Chiếu, vượt biên giới Việt Miên đi thẳng về Sài gòn. Mặt trận nơi này do Son Sen đích thân chỉ huy gồm những sư đoàn tăng phái từ Trung ương hay từ những quân khu khác.
Người có uy tín ngang với So Phim trong hàng ngũ các bí thư quân khu là Ta Mok (Mok là tên, Ta có nghĩa là ông già), bí thư kiêm tư lệnh quân khu Tây Nam, giáp giới quân khu IX Việt nam. Tuy nổi tiếng liều lĩnh và khôn ngoan, nhưng Ta Mok không có tham vọng chính trị, một lòng mù quáng trung thành, nên được Pol Pot tin cẩn, cất nhắc làm Uỷ viên Thường vụ, sau đó lên làm Tư lệnh quân đội. Các sư đoàn trú đóng ở quân khu Tây Nam là 210, 230, 250. Đến giữa năm 1978, khi cuộc chiến với Việt nam đã trở nên quyết liệt, Campuchia ký hiệp ước thân hữu với Thái lan, rút bớt quân đội ở các quân khu miền Tây sang biên giới phía Đông, nâng tổng số quân đội miền này lên 19 sư đoàn để đối phó với Việt nam.
Ngoài những nguyên nhân sâu xa như mối hận thù lâu đời cùng giấc mơ tái chiếm lãnh thổ Thuỷ Chân Lạp cũ, giới lãnh đạo Campuchia đã phát động chiến tranh với Việt nam vì họ thật tâm tin rằng Việt nam đang âm mưu phá hoại chế độ và kiếm cớ sát nhập đất đai, xâm lăng lãnh thổ. Họ coi chiến tranh giữa hai nước là điều không thể tránh, và cách tự vệ hay nhất là tấn công. Ngoài ra, vì tình hình nội bộ, gây chiến với Việt nam, họ có lý do để đổ lỗi cho những thất bại kinh tế và giữ được đoàn kết nội bộ. Dù cán cân lực lượng rất chênh lệch, họ tin vào sự trợ giúp và áp lực của Trung hoa. Theo tài liệu của Việt nam, những vũ khí mà Trung hoa viện trợ cho Campuchia đều có in số 800, tượng trưng cho con số 800 triệu dân Trung hoa đứng đằng sau (đây có lẽ chỉ là lý lẽ bị bóp méo). Theo Edgar Snow, Mao thường nói Trung hoa sau 1949 được điều hành bởi 800 cán bộ cộng sản sống sót trong số 50,000 đảng viên đầu tiên, số 800 kể trên mang ý nghĩa đó thì đúng hơn). Vì thế, Campuchia không tin Việt nam dám công khai xua quân xâm lăng và chiếm đóng lãnh thổ của họ. Mặt khác, bị ảnh hưởng của Mao Trạch Đông, họ tin là yếu tố con người quan trọng hơn vũ khí, và khả năng chiến đấu của người lính Campuchia trội hơn lính Việt nam bội phần. Trong chiến tranh Đông dương thứ hai, dù trực tiếp tham chiến có hơn hai năm, Pol Pot luôn tin rằng quân Khmer Đỏ đã đánh bại Hoa kỳ và giúp cho Việt nam chiến thắng.
Trong một cuộc tiếp xúc với ký giả Elizabeth Becker, Pol Pot còn tưởng tượng ra một hoàn cảnh trong tương lai, khi quân Việt nam đã bị đánh bại và phải cầu cứu tới quân đội của các nước trong khối Varsovie. Niềm tin vào khả năng siêu nhân của lính Khmer Đỏ được thể hiện trong một bài bình luận trên đài phát thanh Phnom Penh vào ngày 10-5-1978: “Cho đến nay, chúng ta dã đạt được tỷ số một người lính Campuchia chết sau khi giết được ba mươi người Việt. Như vậy chúng ta chỉ cần hy sinh có hai triệu người Khmer để tiêu diệt trên năm chục triệu người Việt, và chúng ta vẫn còn sáu triệu”.
Ngoài những ước tính chủ quan và điên cuồng đó, tình hình kinh tế và chính trị nội bộ như biến cố Keo Meas, âm mưa phản loạn của tướng Chakrang, tư lệnh đặc khu Phnom Penh, cùng những hành động của Việt nam như ký hiệp ước liên minh và đem quân trú đóng tại Lào, nghị quyết của đại hội Đảng cộng sản Việt nam trong đó có đoạn “thực hiện mối quan hệ đặc biệt” với Lào và Campuchia khiến cho những lãnh tụ Khmer Đỏ thấy cần phải phát động chiến tranh. Nhưng họ vẫn còn đủ khôn ngoan để chờ đến sau khi tình hình nội bộ Trung hoa được sáng tỏ, các nhà lãnh đạo mới của Trung hoa tiếp tục cam kết ủng hộ Campuchia, họ mới bắt đầu mở một cuộc tấn công quy mô vào lãnh thổ Việt nam, và để hạ uy tín Việt nam, cuộc tập kích quy mô đó được chọn đúng vào ngày Việt nam kỷ niệm hai năm chiến thắng.
Đêm 30-4-1977, trong khi các cán bộ Việt nam còn đang đắc chí ăn mừng kỷ niệm thì ba trung đoàn quân Campuchia thuộc các sư đoàn 210 và 250 của quân khu Tây Nam mở một cuộc hành quân lớn đánh vào nhiều quận lỵ và làng mạc sát biên giới thuộc tỉnh An Giang.
Bị đánh bất ngờ, bộ đội Việt nam bỏ chạy không chống cự để mặc cho quân Khmer Đỏ tràn đến đất phá làng mạc, tàn sát thường dân vô tội. Khoảng năm trăm dân lành bị tàn sát, kể cả đàn bà, trẻ con. Có người bị chặt đầu, có người bị thiêu sống, có người bị mổ bụng. Riêng tại quận Tịnh Biên đã có hơn một trăm thường dân bị giết. Việt nam lúc đó vẫn hy vọng còn có thể lấy lòng được Trung hoa nên chỉ phản ứng một cách giới hạn bằng cách dùng phi cơ oanh tạc trả đũa những vị trí quân sự trong nội địa Campuchia, và chờ tới hơn một tháng sau mới kín đáo trao kháng thư cho đại sứ So Khaeng tại Hà nội, quy trách nhiệm cho chính phủ Campuchia, vì theo kháng thư, “một cuộc tấn công hàng loạt có phối hợp như vậy không thể xảy ra do quyết định của cán bộ địa phương”.
Phản ứng thụ động của Việt nam càng làm cho Pol Pot tin vào phán đoán của mình và sức mạnh của Khmer Đỏ, và sau đó, lúc Việt nam cùng Lào ký hiệp ước liên minh hỗ tương phòng thủ ngày 18-7-1977, Pol Pot càng tin rằng những nhận định về âm mưu bành trướng của Việt nam là đúng. Vì thế, ba ngày trước khi Pol Pot chính thức ra mắt đảng cộng sản Campuchia và lên đường công du Bắc kinh và Bình Nhưỡng, để biểu dương sức mạnh và quyết tâm của mình với những nhà lãnh đạo Trung hoa, đêm 24-9-1977, Pol Pot lại ra lệnh cho các đơn vị của hai sư đoàn 3 và 4 của quân khu Đông ồ ạt tấn công vào nhiều vị trí của Việt nam ở biên giới tỉnh Tây Ninh như Bến Cầu, Tân Biên, Xa Mát, Châu Thành. Đó là những vùng đất mà Campuchia nghĩ là thuộc về họ và đã bị Việt nam lấn chiếm. Khu kinh tế mới Long Cường cũng bị tấn công. Theo Campuchia, các khu kinh tế mới vùng biên giới là nằm trong chính sách “tằm ăn lá dâu” từ mấy trăm năm trước của Việt nam (“tằm ăn lá dâu”, hay “tầm thực” là chính sách do ông Nguyễn Cư Trinh năm 1756 bày ra cho chúa Nguyễn để dần dần lấn chiếm lãnh thổ Chân Lạp).
Cũng như trong trận đánh ở biên giới An Giang, quân Việt nam cũng bị đánh bất ngờ và bỏ chạy, khiến cho gần một ngàn thường dân vô tội bị chết oan. Riêng tại xã Tân Lập, quận Tân Biên, có hơn năm trăm dân làng bị giết, trẻ con bị ném xuống giếng, trâu bò gà vịt bị tàn sát, nhà cửa bị đốt cháy.
Chịu trách nhiệm phòng vệ Tây Ninh lúc đó là Trần Văn Trà, tư lệnh quân khu VII. Bị tấn công và thiệt hại, Trà tức giận, ra lệnh soạn thảo một kế hoạch phản công hai mặt một mặt tấn công chính diện, đẩy lui quân Campuchia về nước. Mặt khác, một đơn vị lớn sẽ lén lút vượt biên giới để chân hậu và tiêu diệt toán quân đó. Đồng thời, để tố cáo với thế giới tội ác của quân Khmer Đỏ đã tấn công và tàn sát thường dân vô tội, Trần Văn Trà mời một nhà báo Hungary đến thăm trận địa. Nhưng chính phủ Hà nội lúc đó vẫn còn hy vọng lấy lòng được Trung hoa nên chưa muốn phản ứng mạnh và công khai. Nhà báo Hungary bị tịch thu bài vở và phim ảnh. Kế hoạch phản công của Trần Văn Trà bị huỷ bỏ. Theo tài liệu quân sự của Việt nam thì “phương án” đó không được Bộ tổng tham mưu chấp thuận. Vì lúc này chúng ta vẫn phải tự kiềm chế để tìm một giải pháp vừa giải quyết được xung đột, vừa tránh đổ máu. Thay vào kế hoạch của Trà, Bộ tổng tham mưu quân Việt nam điều động thêm sư đoàn 341 (sư đoàn này vừa được bổ xung và hồi phục sau khi bị sư đoàn 18 của tướng Lê Minh Đảo tiêu diệt gần hết trong trận Xuân Lộc năm 1975) lên tăng cường cho quân đoàn IV, cùng các sư đoàn 7 và 9 của quân đoàn tái chiếm các xã đã mất, đẩy lui quân Campuchia về bên kia biên giới. Trần Văn Trà bị gọi về Hà nội, được giao cho chức Thứ trưởng quốc phòng đặc trách trang bị và kỹ nghệ quốc phòng, và một năm sau thì bị giải ngũ.
Lý do Trần Văn Trà mất chức có thể do sơ hở lãnh đạo, để cho quân Campuchia bất ngờ tấn công, trong khi ý định và kế hoạch tấn công Tây Ninh đã được một số sĩ quan Campuchia đào ngũ tiết lộ trước. Nhưng sự mất chức đó cũng có thể do khuynh hướng hành động độc lập với Trung ương của Trần Văn Trà, trong thời gian mà mầm mống bất mãn của những cán bộ gốc miền Nam đối với giới lãnh đạo miền Bắc bắt đầu bộc lộ. Hơn nữa, Trần Văn Trà cũng không được cảm tình của Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng. Sau 1975, Trần Văn Trà bất mãn khi thấy Văn Tiến Dũng viết sách, tự ca tụng và nhận hết công trạng về phần mình. Sau khi Trần Văn Trà mất chức, Lê Đức Anh, đang làm Tư lệnh quân khu IX, được đổi về làm Tư lệnh quân khu VII, và Trần Nghiêm, đang giữ chức Tư lệnh phó quân khu IX được đôn lên Tư lệnh, Hồ Bá Phúc tư lệnh phó. Trong giai đoạn này, mặt trận biên giới Tây Nam được đặt dưới sự giám sát tổng quát của Lê Trọng Tấn. Chịu trách nhiệm phòng thủ phía bắc Tây Ninh là các sư đoàn 5, 302, 303 thuộc Bộ tư lệnh Quân khu VII, còn phía tây và tây nam của tỉnh, dọc theo quốc lộ 1 và tỉnh lộ 13 là trách nhiệm của các sư đoàn 7, 9 và 341 chính quy của quân đoàn 4.
Trận đánh quy mô vào tỉnh Tây Ninh cuối tháng 9-1977 đã tạo cơ hội cho hai nhân vật tương đối còn chìm trong bóng tối có cơ hội tiến thân. Ở Việt nam, Lê Đức Anh, bí danh Sáu Nam, từng là cái bóng của Trần Văn Trà trong nhiều năm, được đổi về làm tư lệnh quân khu VII. Nhờ sự quan trọng của quân khu này và sự nâng đỡ của Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh sau đó được đề cử làm tư lệnh chiến dịch xâm lăng Campuchia, rồi thăng dần lên làm Tham mưu trưởng quân đội, Bộ trưởng quốc phòng, và cuối cùng là Chủ tịch nhà nước. Bên kia biên giới, người chỉ huy trận đánh này là Heng Samrin, tư lệnh sư đoàn 4. Sau trận đánh, Heng Samrin được cất nhắc làm phó bí thư khu uỷ quân khu Đông, quyền chủ tịch mặt trận đường số 7 trong lúc So Phim đi Trung hoa chữa bệnh. Mấy tháng sau, khi Pol Pot mở cuộc thanh trừng ở quân khu Đông, Heng Samrin trốn sang Việt nam, rồi được Việt nam đưa về, đặt lên chức Chủ tịch nhà nước.
Sau trận đánh tháng 9, quân Campuchia tiếp tục mở những trận tấn công quấy rối, thăm dò, cho đến ngày 17-11-1977, thì mười ba tiểu đoàn thuộc các sư đoàn 3, 4, 290 lại mở một cuộc tấn công lớn đánh chiếm những làng xã phía tây tỉnh Tây Ninh dọc theo tỉnh lộ 13 như các xã Phước Tường, Năm Căn, Hoà Hội, Phước Tân, Tân Lập, Phú Tân. Tỉnh lộ 13 là một con lộ nhỏ chạy song song với biên giới phía tây của tỉnh Tây Ninh, khác với quốc lộ 13, là một quốc lộ lớn chạy từ Sài gòn qua phía bắc Tây Ninh tới Snoul, Kratié rồi sang Lào.
Lần này, sau chuyến đi cầu hoà lần chót với Trung hoa của Lê Duẩn thất bại, được sự hỗ trợ của Liên xô, Việt nam quyết định phản ứng quyết liệt hơn. Quân Việt nam được Bộ Chính trị cho phép tấn công sâu vào nội địa Campuchia để trả đũa. Ngày 2-12-1977, Lê Trọng Tấn đích thân ra lệnh cho quân đoàn 4 tràn qua biên giới tấn công.
Quân đoàn 4 hay Binh đoàn Cửu Long, lúc đó gồm có các sư đoàn chính quy 7, 9, 341 do Hoàng Cầm làm tư lệnh, Trần Văn Trân, Võ Văn Dần, Bùi Cát Vũ làm tư lệnh phó. Hoàng Cầm, bí danh Năm Thạch, từng phục vụ ở Cục Tham mưu Cục R và chỉ huy sư đoàn 9 nên rất quen thuộc với địa thế Campuchia. Được sự yểm trợ của Không quân, trực thăng võ trang, pháo binh, thiết giáp..., lực lượng tấn công của Hoàng Cầm lên tới hơn sáu chục ngàn. Đó là không kể đến những đơn vị Thanh niên xung phong được giao những nhiệm vụ yểm trợ như đắp đường, tiếp tế.
Mục đích chính của cuộc tấn công của quân đoàn 4 là tái chiếm những vị trí ở tỉnh Tây Ninh, sau đó tràn qua biên giới, phá huỷ những căn cứ quân sự và tiếp vận, đồng thời tìm cách tiêu diệt hay gây tổn thất cho các đơn vị quân đội Campuchia trong quân khu Đông. Cuộc tấn công cũng nhằm biểu dương sức mạnh với chính quyền Pol Pot, và đưa tuyến phòng thủ của Việt nam vào sâu trong lãnh thổ Campuchia từ mười đến bốn mươi cây số.
Trong trận đánh này, quân Việt nam tấn công theo ba hướng:
Hướng thứ nhất do sư đoàn 9 cùng trung đoàn 209 của sư đoàn 7 phản công tái chiếm những làng xã đã mất thuộc quận Châu Thành và Tân Biên dọc theo tỉnh lộ 13, sau đó vượt biên giới chiếm đóng các vị trí quân sự, và tiêu diệt các đơn vị của sư đoàn 4 Campuchia.
Hướng thứ hai do sư đoàn 341 cùng trung đoàn 55 pháo binh tiến dọc theo trục đường 24 tấn công trung đoàn 21 thuộc sư đoàn 290 Campuchia.
Hướng thứ ba do trung đoàn 14 của sư đoàn 7, cùng một đại đội xe tăng T59, một đại đội thiết vận xa M 113 tấn công theo quốc lộ 1 vượt biên giới trên ba mươi cây số tấn công trung đoàn 182 thuộc sư đoàn 3 Campuchia. Ngày 4-12-1977, quân Việt nam bắt đầu tấn công. Nhờ quân số đông đảo, hoả lực hùng hậu, chỉ ba ngày sau, quân Việt nam đã lấn sâu vào lãnh thổ Campuchia, chiếm đóng quận ly Prasaut sát bên tỉnh Svayneng. Tuy nhiên, mục tiêu chính để gây thiệt hại nặng cho sư đoàn 3 vẫn chưa thực hiện được. Ngày 14.12, các đơn vị quân Việt nam giả bộ rút lui khỏi Prasaut. Trung đoàn 273 rút theo hướng nam về Mộc Hoá, trung đoàn 266, trung đoàn 55 pháo binh và tiểu đoàn 1 thiết giáp theo quốc lộ 1 rút về Tây ninh. Khi sư đoàn 3 của Campuchia trở lại Prasaut, đêm đến, quân Việt nam hành quân ngược trở lại bao vây tấn công, gây thiệt hại nặng cho quân Campuchia. Trước tình thế đó, Bộ tổng tham mưu quân đội Campuchia điều động thêm hai sư đoàn 703 và 301 từ Trung ương lên tăng cường mặt trận Prasaut. Sau mấy trận đụng độ, cả hai bên đều bị thiệt hại nặng. Khoảng một ngàn binh sĩ thương vong.
Song song với việc phản công quân sự, chính phủ Campuchia bắt đầu tấn công trên mặt trận ngoại giao. Ngày 31-12-1977, Campuchia công khai tố cáo Việt nam xâm lăng Campuchia, và tuyên bố cất đứt quan hệ ngoại giao. Thời gian đó, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh của Việt nam đang đi thăm thân hữu các nước Đông Nam Á. Đang rất cần sự giúp đỡ của tất cả các nước, sợ bị bắt quả tang đang xâm lược, ngày 6-1-1978, quân Việt nam vội vàng rút về nước. Trong cuộc rút lui vội vã đó, một số đơn vị của sư đoàn 7 và 9 cùng trung đoàn biệt lập Gia định 2 không kịp chuẩn bị bị tổn thất nặng khi quân Campuchia đuổi theo truy kích.
Sau khi quân Việt nam rút về nước, chính phủ Pol Pot gọi ngày 6-1-1978 là ngày “chiến thắng vĩ đại”, vĩ đại hơn cả ngày 17-4-1975. Họ cho tăng khẩu phần cán bộ và binh sĩ để ăn mừng. Nhân dân được học tập và tuyên truyền là quân đội Campuchia đã bắn cháy nhiều xe tăng của Việt nam, rồi nấu chảy sắt thép những xe tăng đó làm bát ăn cơm. Tuy nhiên, bên trong, trước phản ứng yếu ớt của quân đội quân khu công, Pol Pot nghi ngờ là có nội tuyến trong hàng ngũ lãnh đạo quân khu, nên chỉ thị cho Son Sen, Ta Mok, Ke Pauk và Duch điều tra để thanh lọc hàng ngũ. Cuộc thanh trừng đó đã gây chia rẽ và làm suy yếu lực lượng phòng thủ quân khu, giúp cơ hội và phương tiện cho Việt nam thực hiện kế hoạch “mặt trận giải phóng”, rồi sau đó tiến quân xâm lăng. Trận đánh cuối năm 1977 đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong trận chiến biên giới. Cuộc xích mích đã trở nên công khai, và Việt nam bắt đầu tính toán một kế hoạch quy mô hơn, nhằm thanh toán một lần và tận gốc chính quyền Pol Pot.
Tài liệu tham khảo:
- Vietnam, a country histoy. Department of Defense
- Campuchia, a country histoy. Department of Defense
- People Army of Vietnam của Douglas Pike
- Mặt Thật của Thành Tín.
- Brother Ennemy, Nayan Chanda, nhà xuất bản MacMilan Publishing Company New York
- Sư đoàn Sông Lam, Đoàn Phước Long do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
- Dossier Kampuchea I, II, III Le Courier du Vietnam, Hà nội