Trời gần sáng, gà lối xóm gáy vang bên tai; trên nhành chim dáo-dác đứng rỉa lông, ngoài sông ghe lạc-sạc chèo đi chợ. Dưới bếp chị chín Hữu nấu nước, khua lộp-cộp; trước sân con chó vàng chụp rượt con mèo chạy nghe rần-rật. Yến-Tuyết giật mình thức dậy, nhè nhẹ bước ra ngoài, dòm thấy đèn còn chong lu-lu, Trường-Xuân thì nằm trên ván day mặt vô vách mà ngủ. Cô ta vừa ngó thấy Trường-Xuân, sực nhớ tới những việc hồi hôm thì cô ta mắc cỡ, nên lật-đật trở vào phòng. Cô khóa chặt cửa phòng rồi leo lên giường mà nằm lại. Cô suy tới nghĩ lui, nhớ tới việc đã làm quấy thì cô lấy làm hổ-thẹn, bởi vậy cô lấy mền đắp bít mặt mà khóc. Cô khóc một hồi rồi cô tức giận, không hiểu vì ai khiến nên gương trong hóa đục, tiết trắng hóa bùn, từ nầy còn mặt mũi nào mà dám ngó chị em, còn trinh tiết gì mà dám mong hoa chúc. Cô giận rồi lại khóc, khóc rồi lại giận, cứ nằm lăn lộn trên giường hoài. Trời sáng lần lần; ánh sáng chen kẹt cửa sổ vào phòng lờ-mờ. Yến-Tuyết đầu xoả tóc, ngồi dậy đi lại cửa sổ đứng chống tay mà dòm ra ngoài vườn trầu. Cô đứng ngó một hồi, lòng lạnh ngắt như đồng, mặt ướt mem nước mắt. Cô nghe thằng Quới hè-hụi xách nước đem tưới trầu, cô hổ-thẹn không dám cho nó thấy mặt, nên lật-đật đóng cửa sổ lại rồi leo lên giường mà nằm nữa. Nghe đồng hồ ở ngoài gõ bảy giờ, rồi lại nghe tiếng giầy của Trường-Xuân thì tức tối cũng như ai vác cây mà đập vào ngực, nghe tiếng nói của Trường-Xuân thì xốn-xang như ai cầm dao mà cắt ruột gan. Tuy cô nằm một im-lìm cũng như ngủ, nhưng mà nước mắt chảy dầm-dề, cô chán ngán cuộc đời, muốn chết phứt đặng vùi lấp kiếp hồng nhan nhơ nhuốc.Đến 8 giờ cô nghe Trường-Xuân ra đứng dựa cửa sau, kêu chị chín Hữu mà hỏi rằng: “Chị chín, cô hai còn ngủ hay là đi đâu, mà hồi sớm mai đến bây giờ sao vắng tiếng vậy chị?” Chị chín Hữu trả lời nho nhỏ nghe không rõ, rồi Trường-Xuân lần ra ngoài trước đi qua đi lại mà ngâm thơ. Yến-Tuyết nghe tiếng anh ta chừng nào thì càng tủi, càng phiền, càng tức, càng giận chừng nấy. Đúng 10 giờ mới nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa.Trường-Xuân lật-đật chạy ra, ngó thấy bà Phủ về, lại có thầy Cai Tường với vợ mình đi theo nữa, liền trở lộn vô rồi nằm trên ván day mặt vô vách làm bộ ngủ. Bà Phủ vô trước, thầy Cai với cô hai Hảo đi theo sau.Thầy Cai-tổng Tường tuổi đã 65, mặt dùn da, mắt đeo kiếng, tóc bạc, râu dài đầu bịt khăn đen, mình mặc áo xuyến đen mới, quần nhiễu trắng cũ, chơn mang giầy hàm ếch da láng. Còn con gái thầy là vợ Trường-Xuân, tuy con nhà giàu sang, song dung mạo rất tầm thường, người không quen biết thì không dè là con Cai-tổng, bởi vì cô da đen, mũi gãy, răng hô, càm lẹm, tay chơn thô-kịch, đi bộ cứng-còng, đầu đội khăn lục soạn trắng, mình mặc áo cẩm nhung đen, quần hàng bom bay mới, chơn đi giầy nhung đỏ thêu cườm, tay xách dù màu xanh cán bạc.Bà Phủ bước vô ngó thấy Trường-Xuân nằm ngủ thì kêu om-sòm mà nói rằng: “Hội-đồng, thức dậy nào! Có anh Cai với cỏn qua với tao đây nè!”Trường-Xuân lồm cồm ngồi dậy, làm bộ như ngủ, nên lấy khăn lau cặp con mắt; chừng thấy thầy Cai bước vô thì đứng dậy chào hỏi rồi đi rửa mặt. Vợ Trường-Xuân vừa ngó thấy chồng thì đứng lại mà nói rằng: “Thứ đờn-ông gì mà hễ có gây với vợ thì bỏ nhà mà đi. Tưởng là đi đâu, té ra qua bên dì Phủ, giỏi dữ hông” Trường-Xuân làm bộ không nghe, cứ đứng rửa mặt. Thầy Cai ngồi hút thuốc cũng lặng-thinh, không nói chi hết.Bà Phủ thấy vắng Yến-Tuyết thì kêu chín Hữu mà hỏi. Chín Hữu đáp rằng: “từ hồi sớm mơi đến bây giờ cô nằm trong phòng hoài không ra”. Bà Phủ chạy vô thấy cửa phòng khóa chặt thì vỗ vách mà kêu. Yến-Tuyết đương nằm mà khóc, tóc tai xụ-xộp, mặt mũi ướt-dầm, nghe mẹ kêu thì lật đật ngồi dậy lấy khăn lau mặt rồi mới mở cửa. Vì cửa sổ đóng chặt nên trong phòng lờ mờ. Bà Phủ không thấy mặt con cho rõ, song bà không biết việc gì mà 10 giờ còn nằm êm trong phòng, bởi vậy bà mới hỏi rằng: “Con đau hay sao vậy con?” Yến-Tuyết thấy mặt mẹ thì đã chết điếng trong lòng, lại nghe mẹ hỏi nữa thì cô chịu không được, muốn tỏ hết sự tình cho mẹ nghe, ngặt khách đương ngồi ở ngoài, nói ra bất tiện, nên cô dằn lòng, gục mặt xuống đất mà thưa rằng: “Từ hồi hôm đến bây giờ con nhức đầu quá nên ngồi không được”. Bà Phủ liền biểu: “Thôi, con nằm xuống mà nghỉ”, rồi bà trở ra hầu chuyện với khách. Bà vừa xây lưng thì thấy cô hai Hảo bước vô phòng đứng hỏi rằng: “Cô hai ể mình hay sao vậy dì?” Bà Phủ đáp rằng: “Ừ, nó nói nó nhức đầu”, rồi hai người dắt nhau trở ra.Bà Phủ mời thầy Cai uống nước rồi dòm thấy ý vợ chồng, cha con bợ ngợ, không ai chịu khởi đầu mà nói việc nhà, bà mới ngó Trường-Xuân mà nói rằng: “Tao qua bển đặng phân phải trái với anh Cai và dứt bẩn con ba, té ra theo lời con ba nó nói với tao, thì vợ chồng rầy rà với nhau đó là lỗi tại nơi cháu chớ không phải tại nó. Nó nói cháu không lo việc nhà, bỏ phú cho một mình nó, cháu cứ đánh quần đánh áo rồi khi thì đi Sài Gòn, khi thì đi Mỹ-Tho mà chơi hoài; mà đi tới đâu cháu lại có mèo chuột tới đó. Nó sợ cháu chơi sa đọa mà hư hại việc nhà chớ nó dám hỗn hào với cháu đâu. Nầy cháu, nay có mặt anh Cai đây, dì mới nói thiệt cho cháu rõ: phận cháu côi-cút, dì đây cũng như mẹ vậy, dì nói cháu phải nghe. Anh Cai già yếu rồi, sự nghiệp thì lớn lắm, cháu phải hết lòng lo quản xuất việc nhà, chẳng nên chơi bời nữa. May mà cháu có vợ nó biết lo lắng như vầy, chớ nếu cháu đụng đứa thưa thớt, rồi cháu bỏ đi chơi hoài thì có cơm đâu đủ mà ăn. Thôi, vợ chồng đừng có hờn nhau nữa. Cháu đã làm ông nầy ông kia với người ta, nay mai đây cháu lại làm tới Cai-tổng, không phải là nhỏ: chẳng nên để xào-xáo trong nhà, thiên hạ người ta chê cười”.Trường-Xuân đứng dậy thưa rằng: “Thưa trước là thầy sau là dì, vợ tôi nó kiếm chuyện đổ tội cho tôi, chớ thuở nay tôi có chơi bời chi đâu. Tôi đi đâu cũng có chuyện tôi mới đi chớ. Như đi Mỹ-Tho thì nó biểu tôi đi kiện nợ, hoặc đi đóng bách-phần ruộng, tôi đi mới được. Mà hễ đi thì trưa về liền, có giờ nào rảnh mà lo mèo chuột. Còn hai năm nay tôi có đi Sài Gòn lần nào đâu. Việc đó thầy tôi biết lắm, nó nói thêm cho tôi sao được.”Vợ Trường-Xuân ngồi trên ván nghe chồng nói như vậy thì đứng dậy chỉ tay mà nói rằng:- Mình đừng chối! Tôi nghe họ nói đã rùm tai. Hễ mình bước chân ra khỏi nhà thì mình rà-rà theo mấy con đĩ, còn chối gì nữa. Tôi không thèm nói thì thôi, đừng có chọc miệng tôi.- Tôi mà có trai gái với ai, thì xin lịnh ông Quan-Đế vặn họng tôi đi. Mình đừng có nói tức quá như vậy.- Vậy chớ con chó nào lấy con Hương-lễ Chẩn đó?- Hương-lễ Chẩn nào đâu?- Thôi, đừng có lẽo-lự. Cái tuồng mặt thấy mà phát ghét.Hai vợ chồng cãi lẫy với nhau om-sòm, thầy Cai ngồi vuốt râu mà cười, không nói chi hết; còn chín Hữu với thằng Quới thì đứng núp trong cửa buồng mà nghe, rồi ngó nhau bụm miệng mà cười. Bà Phủ dòm thấy mới rầy rằng: “Thằng Quới đứng chi đó, sao không lo đi làm cỏ ngoài vườn đi? Còn con chín thì coi cơm riết rồi dọn ăn, trưa rồi, còn đợi giống gì nữa?” Hai người ở nghe rầy lật đật chạy xuống nhà bếp. Bà Phủ day lại nói với hai vợ chồng Trường-Xuân rằng: “Thôi, hai cháu đừng có rầy rà thiên hạ người ta chê cười. Phàm vợ chồng muốn ở đời với nhau thì vợ nhịn chồng một chút, chồng nhịn vợ một chút mới được. Hai cháu đã làm ông nầy bà kia với người ta, đi ra kẻ bẩm người dạ. Nếu hai cháu không nghe lời dì, thì từ rày sắp lên đừng có biết đến dì nữa.”Thầy Cai Tường mới tiếp mà nói rằng: “Tôi coi tuổi hai đứa nó hạp nhau lắm chớ, không biết tại sao mà nó xung khắc cứ rầy với nhau hoài. Tôi đã dứt bẩn hết sức mà cũng không được. Tôi chắc tại tôi cất cái cửa ngõ sái hướng. Để bữa nào tôi mượn họ rước thầy Địa-lý coi, rồi day cửa ngõ lại hướng khác thử coi trong nhà có hết lộn xộn hay không.”Cơm dọn xong rồi bà Phủ mới mời ngồi hết lại ăn. Ngồi ăn cơm bà Phủ nói rằng: “Ở đời nầy tiền bạc phải cho nhiều, mà chức phận cũng phải cho lớn thì người ta mới kiêng vì, chớ tiền nhiều mà làm dân thì người ta khi, còn chức lớn mà không tiền thì không ai sợ. Cháu tiền đã nhiều, mà chắc cũng lớn, giàu sang gồn đủ thì quí biết chừng nào. Dì ước cho cháu được làm Cai-tổng rồi lần lần lên tới Huyện-hàm, mới thiệt đẹp mầy nở mặt”.Trường-Xuân nghe nói ngồi chúm-chím cười. Vợ thấy vậy mới chống đũa mà nói rằng: “Dì nói đó phải ngoáy lỗ tai cho lớn mà nghe.”Cơm nước xong rồi, bà Phủ hối Trường-Xuân mặc áo mang giầy đặng theo thầy Cai mà về. Trường-Xuân ríu-ríu đi thay đồ, không cãi lẫy chi nữa.Xe hơi chạy rồi, bà Phủ dòm đồng hồ thì đã 1 giờ rưởi. Chín Hữu đương dọn dẹp dưới bếp, còn thằng Quới thì lột dừa sau vườn. Bà Phủ bước vô buồng rồi lại dở mùng mà hỏi Yến-Tuyết rằng: “Con bớt nhức đầu hay chưa con?” Yến-Tuyết nằm đắp mền day mặt vô vách không trả lời. Bà Phủ hỏi tiếp rằng: “Con có biểu bày trẻ nó dọn cơm cho con ăn hay không? Để má biểu con chín nó dọn cơm bưng vô đây cho con ăn nghe.” Yến-Tuyết cứ lặng thinh hoài. Bà Phủ thấy vậy mới vói tay dở cái mền lên rồi rờ mặt Yến-Tuyết té ra gò má mát rượi mà ướt mem, bà không hiểu con đau bịnh gì mà lại khóc, nên bà lo sợ bà mới hỏi nữa rằng: “Trong mình con đau làm sao đó con, con nói cho má biết. Để má biểu thằng Quới đi rước thầy coi mạch cho con nghe.”Yến-Tuyết thấy mẹ ân-cần thì tủi trong lòng, nên lắc đầu rồi khóc rấm-rứt. Bà Phủ thấy tình cảnh như vậy càng lo sợ hơn nữa; bà liền ngồi trên giường, một tay bà nắm tay, còn một tay bà rờ ngực Yến-Tuyết rồi to nhỏ hỏi rằng: “Sao đó con? Có việc chi mà con khóc dữ vậy? Con nói thiệt cho má biết, không có sao đâu mà sợ. Má đi khỏi ở nhà có việc gì đó hay sao?” Yến-Tuyết nói tấm tức tấm tưởi rằng: “Má ôi, thân con không còn chi mà kể. Con đã hư rồi xấu hổ lắm, con phải chết, chớ không thế nào sống được.”Bà Phủ nghe nói giựt mình kinh khủng song bà muốn biết rõ đầu đuôi nên bà dằn lòng làm tỉnh mà hỏi rằng: “Sao vậy con? Con nói chuyện gì nghe kỳ dữ vậy? Con làm sao mà con gọi rằng hư? Nín đi con. Con đừng khóc, con nói hết đầu đuôi cho má nghe; con còn một mình má đây, nếu con có làm việc chi quấy mà con giấu má thì má biết sao mà an-ủi con được. Con cứ nói thiệt cho má nghe, ví dầu con có tác-tệ cho lắm đi nữa, má cũng không đánh đập chi đâu mà sợ.” Bà Phủ vừa nói vừa đỡ Yến-Tuyết ngồi dậy.Yến-Tuyết cứ khóc nước mắt tuôn dầm-dề, một tay thì che mặt, một tay thì ôm mền, ngồi dậy rồi nói nho nhỏ rằng: “Má đi khỏi, anh ba ở nhà ảnh cứ theo ve-vãn con hoài; bởi con khờ dại, con không biết giữ mình, con nghe lời ảnh nên bây giờ con đã ô danh xủ tiết rồi, má ôi”. Bà Phủ nghe rõ thì chưng hửng, liền buông con ra, rồi ngồi khoanh tay chống đầu gối mà thở ra, giọt lụy tràn-trề, ngực ấm-ách. Bà ngồi lặng thinh một hồi lâu, rồi lau nước mắt đứng dậy đi ra ngoài mà ăn trầu. Yến-Tuyết nằm co trên gường ôm mền mà khóc rấm-rứt.Bà Phủ nằm ngoài ván gác tay qua trán, một lát bà thở dài một cái. Đến 3 giờ chiều, chị chín Hữu ở dưới bếp sẽ lén đi lên, dòm thấy bà Phủ thức mới thưa rằng: “Bẩm bà, cô hai không ăn cơm, thôi để tôi nấu cháo cho cô ăn”. Bà Phủ liền đứng dậy bước vô buồng kêu con mà hỏi rằng: “Con a, con ăn cơm hay không? Như ăn cơm không được, thôi để nó nấu cháo cho con ăn nghe”. Yến-Tuyết lắc đầu. Bà Phủ nói tiếp rằng: “Con không ăn cơm thì phải ăn cháo, chớ nhịn đói như vậy không nên. Con chín đi nấu cháo đi; nấu cháo rồi chiên cá bưng lên đây cho nó ăn.”Chín Hữu vâng lời đi riết xuống bếp. Bà Phủ ngồi trên gường to nhỏ mà khuyên con rằng: “Con khờ dại, con làm như vậy thiệt là quấy lắm. Mà đã lỡ rồi má biết liệu làm sao bây giờ. Má nghĩ má giận thằng đó quá, để bữa nó qua đây rồi má sẽ rầy nó; thôi bây giờ con đừng có khóc-lóc nữa. Con phải ăn uống chơi bời như thường, đừng có làm như vầy họ nghi.”Yến-Tuyết lau nước mắt mà đáp rằng:- Con mắc-cỡ quá, còn mặt mũi nào mà thấy tôi-tớ trong nhà, hay là kẻ lân-cận trong xóm nữa được.- Vậy chớ mấy đứa ở có đứa nào biết hay sao?- Thưa không. Trong lúc đêm có một mình con với ảnh ở trên nhà trên, cửa đóng hết có ai biết được.- Tưởng là có đứa ở nào nó biết thì sợ nó đàm-tiếu ra ngoài xấu-hổ, chớ nếu không ai biết thì có sao đâu mà con sợ.- Con làm quấy rồi con tức-tối nên khóc hoài, mà con lại hổ-thẹn quá, nên từ sớm mai cho đến bây giờ con không dám ló ra ngoài cửa buồng, con không dám cho ai thấy mặt hết.- Không hại gì đâu. Con đi rửa mặt gỡ đầu, rồi cứ ăn uống chơi-bời như thường, chớ nếu con làm như vậy thì trẻ ở trong nhà nó nghi rồi xấu-hổ lắm đa con, ngồi dậy đi với má. Má nói con đừng có cãi lời. Việc nầy thì có một mình má với con và anh ba con biết mà thôi, chớ người ngoài không ai hay thì có sao đâu mà sợ.Yến-Tuyết dục-dặc không chịu đi. Bà Phủ nói riết rồi làm giận làm hờn, cực chẳng đã cô ta phải vâng lời đi ra ngoài rửa mặt. Trên bàn rửa mặt có treo một tấm kính vuông. Yến-Tuyết đứng lau mặt dòm thấy hình mình trong tấm kính thì hổ ngươi nên cúi đầu xuống, không dám ngó.Yến-Tuyết nghe lời mẹ nên ráng ăn một chén cháo, rồi lấy cườm với nhung ra ngoài ván ngồi mà thêu mặt giầy. Bà Phủ nằm ngoài mà ngắm con thì thấy đầu tuy không gỡ, áo tuy nhàu-nhè, nhưng mà gương mặt sáng-rỡ, coi ít có con gái ai bì kịp. Yến-Tuyết ngồi thêu mà bộ coi buồn thảm lắm, một lát nước mắt tuôn ra rồi chảy dài theo gò má, cô phải lấy khăn mà lau, có hồi cô lau không kịp nước mắt rớt xuống ướt tấm nhung làm ố đi nên cô phải lấy vạt áo mà chậm.Bà Phủ thấy con cứ buồn rầu hoài, tối lại tôi-tớ trong nhà ngủ hết, bà mới lấy lời nhỏ-to dịu-ngọt mà khuyên giải con. Hễ bà Phủ nói tới việc ấy thì Yến-Tuyết lấy làm khó chịu nên khóc òa rồi thưa rằng:- Má biểu con đừng có buồn, mà con nghĩ không buồn sao được. Thân con gái duy có sự trinh tiết là trọng. Nay con đã mất trinh mất tiết rồi thì thân con ra gì nữa đâu. Con tính thà con chết phứt cho yên thân, chớ sống mà nhơ-nhuốc như vầy, sống một ngày thêm xấu một ngày, sống càng thêm hổ-thẹn chớ vui sướng chi mà sống.- Con đừng nói quấy như vậy. Ba con mất rồi mấy năm nay nhờ có con hủ-hỉ, má mới khỏi buồn. Nếu con không nghe lời má, con cứ sầu não mà mang bịnh, thoảng như có bề nào thì chắc má chết, má sống không được. Con nhỏ dại con không hiểu, ở đời ai cho khỏi lầm lỡ được. Má thấy có nhiều đứa con nhà sang trọng hơn mình nữa, mà nó còn lấy trai có chửa, rồi sau nó cũng có chồng tử-tế quá vậy đó sao. Con mới làm lỡ có một lần mà con biết ăn-năn thì có sao đâu mà sợ. Cô ba Hương cô nói để cô kiếm chỗ làm mai cho con. Thôi, con đừng có buồn, con giả đò như quên lửng sự con làm quấy đó đi, để coi có chỗ nào xứng đáng má gả con lấy chồng rồi êm chớ gì.- Má nói như vậy con càng buồn nhiều hơn nữa.- Sao vậy?- Con đã mất tiết rồi, bây giờ còn mặt mũi nào mà dám lấy chồng. Xin má đừng có tính tới việc đó. Từ hồi sớm mai cho đến bây giờ con muốn tự vận chết cho rồi. Ngặt con thương má quá nên con không dám chết. Con nói thiệt, con nguyện ở như vậy mà nuôi má, ngày nào má trăm tuổi già thì con cạo đầu đi tu, chớ con không chịu ưng ai làm chồng hết.Bà Phủ nghe nói hẳn như vậy bà lặng thinh, song trong trí bà tính thầm rằng để thủng-thẳng rồi mình sẻ khuyên giải lần lần, chớ bây giờ nó còn đương ảo não, nếu mình ép quá nó cùn trí sợ nó làm bậy càng khổ nữa. Nhờ bà Phủ lanh-lợi biết cách thế khuyên lơn, nên Yến-Tuyết lần lần bớt khóc, ăn uống ra vào như thường, nhưng mà cô chiêm-nghiểm, không vui, không cười, sớm mai không ra trước sân mà nhìn hoa, buổi chiều không xuống cầu thang mà hóng mát như thuở trước vậy nữa, dường như cô thấy hoa tươi cô thẹn, cô thấy nước trong cô buồn.