Chương 9

Bóng quang âm thấm thoát, mới hè lúc trước, mà hôm nay đà đến tiết Trung-thu. Kỳ-Tâm đứng coi tiệm lúa, đã lanh lợi mà lại siêng năng, mới làm mấy tháng mà tính phỏng ra thì có lời gần 4 ngàn đồng bạc. Trường-Xuân với mấy người hùn ai cũng đều khen ngợi, nhưng mà không ai nói tới số tiền lương bổng, cứ biểu ráng mà làm, hễ có lời thì họ sẽ liệu mà thưởng công.
Bước qua đầu tháng chín, bà Phủ tính Yến-Tuyết đã gần tới ngày khai hoa rồi. Bà nghĩ chồng cưới cô mới có sáu tháng, nếu cô khai hoa trong lúc tháng 9 tháng 10, hoặc tháng 11 cũng đều bị người ta dị nghị. Bà mới lập kế rước thầy thuốc đến coi mạch, trước mặt thầy thuốc thì bà xin hốt thuốc an thai, mà chừng thầy thuốc về rồi thì bà nói với tôi tớ trong nhà, hoặc với người lân cận rằng thầy thuốc coi mạch cho Yến-Tuyết nói thai cô nóng lắm, nên sợ khai hoa gấp trong lúc đầu tháng 10. Thiệt quả cuối tháng 9 thì Yến-Tuyết lâm bồn, sanh đặng một đứa con trai tóc đen trạy, cân nặng hơn ba kí-lô rưỡi, mà bà Phủ than trời trách đất, bà nói rằng thằng nhỏ sanh thiếu tháng nên yếu lắm. Lối xóm ai đến thăm bà cũng nói mẹ con nó ngủ, nên không ai thấy mặt thằng nhỏ được.
Lúc Yến-Tuyết lâm bồn, thì Kỳ-Tâm mắc đi Chợ-lớn bán lúa, không có ở nhà. Chừng Kỳ-Tâm về tiệm nghe nói thì lật-đật chạy vô nhà hỏi thăm lăng-xăng, đặng cho thiên-hạ khỏi nói nhiều chuyện. Bà Phủ thấy anh ta thì làm bộ mừng rỡ mà nói rằng:
- Nó chuyển bụng có một mình tao ở nhà tao sợ quá. Hôm trước ông thầy coi mạch nói thiệt là nhằm. Ông nói thai nó yếu, sợ phải đẻ thiếu tháng, thiệt quả mới có 7 tháng. Thằng nhỏ yếu một chút, mà coi bộ dễ nuôi, không hại gì. Cha chả! Nó giống mầy tợ như khuôn đúc.
Kỳ-Tâm thấy bà Phủ ngồi nói tự nhiên chẳng chút nào bợ ngợ, thì tức cười thầm, nên nói giễu lại rằng:
- Tôi không phải thầy thuốc mà tôi cũng biết thế nào vợ tôi cũng phải đẻ thiếu tháng. Còn con tôi nó giống tôi chỗ nào đó má há?
Kỳ-Tâm thì nói chơi, mà bà Phủ tưởng anh ta nhạo báng nên mắc cỡ lặng thinh không đáp lại.
Kỳ-Tâm vừa muốn trở ra tiệm thì thấy xe hơi ngừng ngoài cửa rồi Trường-Xuân bước vô hỏi rằng:
- Nghe nói con hai nó đẻ con trai phải không dì? May quá há?
Bà Phủ gặt đầu chớ không nói chi hết. Trường-Xuân cậy bà Phủ vào bồng thằng nhỏ ra cho anh ta xem. Kỳ-Tâm thấy có chín Hữu vô ra và có thằng Quới đương rót nước lấy thuốc lộn-xộn, sợ Trường-Xuân vô ý nói ló mòi tôi tớ trong nhà nó nghi, nên anh ta cản không cho bồng ra, nói rằng thằng nhỏ yếu lắm, không nên bồng ra ngoài gió. Trường-Xuân nài-nỉ hoài, túng thế bà Phủ phải vô mà bồng, chẳng dè vô buồng Yến-Tuyết không chịu cho bồng.
Trường-Xuân ngồi nhim-nhỉm không được vui. Bà Phủ mới hỏi bây giờ đi khai sanh phải đặt tên gì. Kỳ-Tâm biểu đặt tên Lý-kỳ-Phùng. Trường-Xuân lại cãi, biểu phải đặt là Lý-trường-Phùng. Kỳ-Tâm giận nên nói rằng:
- Vậy thôi thì anh đặt nó là Lê-trường-Phùng luôn thể, chớ để họ Lý mà làm gì. Chuyện mình tính giấu mà bây giờ anh muốn làm cho thiên-hạ biết hay sao?
 Trường-Xuân xụ mặt muốn gây với Kỳ-Tâm, bà Phủ thấy vậy mới nói rằng: - Chuyện không đáng gì mà hai anh em bây cãi lẽ cho thất công. Thôi, con của nó đẻ, vậy để tao vô hỏi nó coi nó định đặt tên gì tự ý nó.
Bà Phủ vô buồng hỏi Yến-Tuyết thì Yến-Tuyết biểu phải đặt tên là Lý-kỳ-Phùng. Bà Phủ bước ra nói lại thì Trường-Xuân giận đỏ mặt, cáo từ đi về liền.
Cách chưa đầy một tháng Trường-Xuân lẽo-đẽo qua nữa. Qua ngồi hút chưa tàn điếu thuốc lại thấy Kỳ-Tâm ở ngoài tiệm lơn-tơn đi vô.
- Nầy anh, tôi mới làm đặng một việc lợi lớn quá.
Trường-Xuân nhìn thấy Kỳ-Tâm thì không được vui, nên Kỳ-Tâm nói như vậy mà anh ta không thèm hỏi coi việc gì, lại day qua hỏi bà Phủ rằng:
- Hổm nay con hai nó mướn vú cho thằng nhỏ bú hay nó cho bú?
Bà Phủ đáp rằng:
- Nó cho bú. Có vợ thằng Thiền ở một bên đây, sữa nó tốt quá, nếu mướn nó nuôi cũng được.
Trường-Xuân hỏi rằng:
- Nếu có vú sẵn như vậy, sao không mướn người ta cho bú? Dì hỏi mà mướn đi, họ nuôi một năm chừng năm sáu chục đồng, tốn hao bao nhiêu đó mà sợ, để cho bú cực nhọc chịu sao nổi.
Kỳ-Tâm ngồi nghe Trường-Xuân biểu như vậy mới xen vô mà nói rằng:
- Tôi tưởng đàn bà có con thì cho nó bú tốt hơn là mướn vú. Trừ ra có bịnh hoạn, sữa không được tốt, thì mướn vú hoặc cho uống sữa bò chẳng nói làm chi, chớ nếu mình sữa nhiều và tốt thì cần gì phải mướn vú. Trong việc nuôi con có ai bằng mẹ được. Mình sanh con, cho nó bú, dỗ nó ngủ, bồng nó chơi, tập nó đi, gần gũi nó luôn luôn, nó mới trìu-mến rồi gây cái tình thân-ái cho ngày sau, chớ nếu mình ỷ có tiền mướn người nuôi, thì sợ e nó theo tánh tình người vú, mà không gây đặng cái tình mẫu-tử nữa.
Trường-Xuân nghe Kỳ-Tâm nói như vậy thì giận nên quạu mặt mà nói rằng:
- Tôi tính việc gì dượng cũng đều ngăn trở hết thảy. Chuyện không can hệ đến dượng mà dượng cãi chi vậy?
Kỳ-Tâm cười và nói rằng:
- Tôi lấy chánh lý nói nghe chơi đó thôi, chớ ai làm sao thì làm, can cập gì đến tôi mà tôi cãi.
Kỳ-Tâm nói tới đó, liếc thấy thằng Quới đương lấp ló nơi cửa buồng, anh ta sợ ló mòi, nên nói tiếp mà nói lớn rằng:
- Tuy nói như vậy, song mướn vú hay là cho bú đều tại ý vợ tôi, chớ nào phải má tôi hay là tôi mướn mà đặng sao.
Bà Phủ liền nói rằng:
Madame Ba Hương
Bà Phủ được bức thơ của cô ba Hương, bà đọc đi đọc lại hoài, không biết cô nọ nói như vậy là thiệt tình, hay là cô đã thấu rõ việc riêng của Yến-Tuyết nên kiếm lời khéo khôn mà bao-biếm. Bà ăn ngủ không được, cứ nằm tính mưu nầy kế nọ đặng mà bịt miệng thế-gian, bà muốn đi lo cho Kỳ-Tâm vô làm việc nhà nước đặng cho thiên-hạ khỏi khinh dễ, ngặt hễ Kỳ-Tâm đi làm việc thì phải dắt vợ theo, còn như có để vợ ở nhà thì lâu lâu nó phải đến thăm một lần, mà Yến-Tuyết không chịu thấy mặt chồng thì làm sao cho được.
Kỳ-Tâm cưới vợ chừng nửa tháng thì Trường-Xuân đắc cử được làm Cai-tổng. Anh ta qua thăm bà Phủ trước là báo tin lành cho dì hay, sau nữa dọ coi Kỳ-Tâm với Yến-Tuyết cư xử với nhau thể nào. Bà Phủ thuật chuyện Yến-Tuyết không chịu thấy mặt Kỳ-Tâm, ngủ riêng mà ăn cũng riêng, thì Trường-Xuân mừng thầm, chắc rằng Yến-Tuyết vì thương tưởng mình nên không chịu thất tiết với người khác. Bà Phủ lại trao bức thơ của cô ba Hương cho Trường-Xuân xem rồi nói rằng: “Hỗm nay dì được bức thơ ấy thì dì buồn lắm. Dì chắc là cô ba Hương biết việc của mình nên cô nhạo-báng, vậy cháu phải tính coi có kế chi mà làm cho Kỳ-Tâm có chỗ ăn chỗ làm đặng họ đừng khinh-bỉ, thì dì mới yên tâm được”.
Trường-Xuân ngồi suy nghĩ một hồi rồi tính với bà Phủ để anh ta xuất một muôn đồng bạc vốn và kêu anh em hùn thêm một muôn đồng nữa đặng lập một tiệm mua lúa tại chợ Tân-An rồi để cho Kỳ-Tâm đứng làm Tổng-lý, làm như vậy bà Phủ khỏi bị người ta chê cười kiếm rể nghèo, còn Kỳ-Tâm khỏi đi xa, mà mắc ở ngoài tiệm nên không gần gũi Yến-Tuyết đặng. Bà Phủ nghe tính như vậy thì bà lấy làm vui lòng, nên khuyên Trường-Xuân phải lo tán thành việc ấy cho mau.
Trường-Xuân lâu nay giấu vợ để dành tiền riêng được 5 ngàn đồng, anh ta đi qua Mỹ-Tho vay thêm 5 ngàn nữa và rủ anh em hùn thêm 10 ngàn cộng là 2 muôn, mới mướn 5 căn phố tại Tân-An mà làm tiệm lúa rồi để cho Kỳ-Tâm đứng làm Tổng-lý.
Từ ngày Kỳ-Tâm ra coi tiệm lúa thì mắc lo buôn bán nên ít hay về nhà bà Phủ. Tuy vậy mà hễ bữa nào anh ta về thăm thì làm như chàng rể thiệt, rầy thằng Quới sao không coi sửa chuồng bồ câu, hỏi chín Hữu sao không lo hái trầu, anh ta khoát nạt om-sòm, dọn đầu nầy, dẹp chỗ nọ, duy có một điều là không thèm thấy mặt Yến-Tuyết.
Có một ngày kia, Yến-Tuyết đương ngồi lặt rau dưới nhà bếp. Kỳ-Tâm thấy thằng Quới đương leo bẻ dừa, anh ta mới lần ra đứng coi. Anh ta liếc thấy Yến-Tuyết liền day mặt chỗ khác không thèm ngó. Yến-Tuyết thấy anh ta thì hổ-thẹn nên cũng lật-đật đi lại dựa vách mà núp. Nhà bếp đóng vách ván nên trống trải, ở trong dòm mấy lỗ thì thấy ở ngoài tỏ rõ lắm. Yến-Tuyết đứng trong lén dòm ra thì thấy Kỳ-Tâm bộ đứng đàng-hoàng, mặt mầy nghiêm chánh chớ không phải lau-chau vút-vắt như Trường-Xuân vậy. Cô ta dòm rồi hổ ngươi muốn day mặt chỗ khác, mà hễ day chỗ khác rồi lại muốn day trở lại dòm nữa, bỡi vậy cô ta núp mà dòm cho đến chừng Kỳ-Tâm trở vô nhà cô mới thôi.
Đêm ấy cô ta so sánh Kỳ-Tâm với Trường-Xuân, cô ta suy nghĩ Kỳ-Tâm tuy nghèo mà tướng mạo như vậy thì hơn Trường-Xuân bội phần. Rồi cô ta lại nghĩ rằng nếu Trường-Xuân là đồ chạ, thì thằng cha nầy cũng chẳng nên thân gì, bởi vì nếu nó là người biết liêm-sỉ, trọng phẩm-giá lại có lẽ nào nó chịu lãnh vai tuồng nhơ nhuốc như vầy. Ối! Thứ đàn-ông thời nay kẻ vì danh người vì lợi, họ có biết danh-giá là gì mà suy nghĩ cho thất công. Nay mình biết tâm tánh của họ thì đã trễ rồi, nghĩ thiệt tức quá.
Bữa nọ trong nhà có đám kỵ cơm cho quan Phủ. Bà Phủ biểu Kỳ-Tâm gởi thơ mời Trường-Xuân và dặn mời luôn Tế-Thế nữa. Yến-Tuyết một là vì nghe có tiếng Trường-Xuân thì giận, hai là vì sợ thấy mặt Kỳ-Tâm thì hổ ngươi, nên rút ở dưới nhà bếp phụ với chị chín Hữu nấu nướng, không chịu lên nhà trên. Đến chừng cúng, Trường-Xuân hỏi sao Yến-Tuyết không ra lạy, thì bà Phủ nói rằng: “Con đó nó có nghén, nó mắc cỡ nên không chịu ra”. Trường-Xuân nói tự nhiên rằng: “Chà! Mau có dữ há? Nếu vậy thì nội năm nay dì có cháu ngoại rồi”. Kỳ-Tâm thấy Trường-Xuân nói hẳn-hòi, không bợ-ngợ chút nào hết thì trong bụng ghét lắm, song anh ta đã nhàm thấy thế tình giả-dối nên ngồi chúm-chím cười, không lộ mòi ghét ra cho ai biết.
Cúng rồi dọn cỗ trên bàn, Kỳ-Tâm, Trường-Xuân với Tế-Thế ngồi lại ăn uống. Trường-Xuân uống vài li cỏ-nhác, thì ngà-ngà nói chuyện om-sòm, nhứt là anh khoe khoang về sự mình mới đắc cử Cai-tổng lắm. Tế-Thế nói hùa theo rằng:
- Tôi nghe anh đắc cử thì tôi không mừng chi hết, bởi vì tôi đã biết trước có ai mà dành với anh cho đang. Anh đã học giỏi mà lại giàu có hơn người ta hết, như anh vậy làm Cai-tổng mới xứng đáng, chớ họ lôi-thôi quá làm tổng làm téo gì.
- Ý tôi muốn làm chức gì nữa kìa, chớ làm Tổng mà sang trọng bao nhiêu. Ngặt ông gia tôi muốn như vậy, tôi phải chiều theo ông, chớ tôi có ham làm mà chi đâu.
- Anh được rồi anh nói như vậy, chớ đời nầy có chức nào mà sang trọng hơn chức Cai-tổng. Mình làm chức Tổng có lương bổng, mà khỏi bị đổi. Mình lại gần-gũi với dân hơn các ông Quận hết thảy, nghĩ coi có phải là sướng hay không?
- Chú mầy tưởng tôi ham tiền người ta nên ra tranh chức Tổng đây hay sao? Tôi làm đặng vị chơi vậy chớ phải tôi cố ăn tiền bạc ai đâu.
- Anh nói vậy mà nếu dân nó đem tiền lo cho anh, anh lấy không nè?
- Không phải tôi nói tôi giữ thanh liêm, họ đem tiền họ cho, mình dại gì mà không lấy.
Kỳ-Tâm ngồi lặng thinh mà nghe, trong trí thầm tính không thèm cãi lẽ chi hết, bởi vì chí hướng của hai người nay không giống mình, nếu nói cho ra lẽ thì phải mích lòng, chớ không ích gì, bởi ví dầu mình nói phải cho mấy họ cũng không thèm nghe, song anh ta nghe Trường-Xuân nói nhiều tiếng trái tai quá, dằn không được, nên buông đũa mà nói rằng:
- Những lời hai anh nghị luận nãy giờ, nếu đem ra mà thuật lại cho thiên-hạ nghe thì ai cũng đều khen phải. Bởi vì chỗ chủ hướng của người đời nay đều vậy hết thảy. Thiệt tôi không dám nói, hai anh nói sái, nhưng mà theo ý riêng của tôi thì ngươi đời nay họ hiểu nghĩa hai tiếng sang trọng lầm không biết chừng nào. Tôi hỏi thử hai anh vậy chớ sang là gì?
- Được người ta kính trọng thì là sang chớ gì.
- Phải. Nhưng mà muốn cho người ta kính trọng thì phải làm sao?
- Phải làm quan lớn, phải có tiền nhiều thì người ta kính trọng chớ sao.
- Tệ lắm! Tệ lắm! Vậy mà thuở nay tôi tưởng người nhân từ đức hạnh, người có chí lớn trí sâu thì thiên-hạ kính trọng chớ!
Kỳ-Tâm nói tới đó rồi rùn vai lắc đầu không thèm nói nữa. Cách một hồi anh ta lại hỏi Trường-Xuân rằng:
- Hồi nãy anh nói rằng: “họ đem tiền họ cho, mình dại gì mà không lấy.” Anh là người giàu lớn, mà anh lại làm chức Cai-tổng, nghĩa là dân mấy làng trong tổng đều phải ở dưới quyền của anh hết thảy, anh thiếu tiền ăn hay sao mà họ đem họ cho anh còn lấy nữa? Lại anh hạ mình thò tay mà lấy tiền của kẻ bề dưới là kẻ ngu dại nghèo hèn hơn anh, vậy anh không hổ hay sao?
- Nói như dượng vậy thì ai thèm làm làng làm tổng. Trời đã biểu hễ kẻ dại nuôi người khôn, nó có việc đến cầu lạy mình mà dưng tiền thì mình lấy có hại gì. Nếu mình làm bộ thanh liêm, nó cho người khác ăn cũng vậy.
- Trời ơi! Vậy mà thuở nay tôi tưởng người khôn dạy kẻ dạy, người trên giúp kẻ dưới nữa chớ!
Kỳ-Tâm chắc lưỡi lắc đầu rồi đứng dậy bỏ đi ra ngoài sân. Yến-Tuyết nằm trong phòng lóng tai nghe Kỳ-Tâm cãi lẽ với Trường-Xuân thì cô ta tức cười thầm, tức rằng mình không có thể chạy ra mà phân phải quấy được.
Một ngày khác Trường-Xuân qua thăm dì, tình cờ lại gặp Kỳ-Tâm ở ngoài tiệm cũng về đó. Bà Phủ nghĩ nhờ Trường-Xuân lo liệu nên việc nhà yên-ổn, chẳng còn chi cho bà mang tiếng chê cười, lại cũng nhờ Kỳ-Tâm thiệt tình nên chuyện giả dối mà không ai biết hết, bởi vậy bà thấy có đủ mặt hai người thì bà vui mừng, bèn hối chín Hữu nấu cơm, sai thằng Quới mua rượu đem về dọn cho hai người ăn uống, Kỳ-Tâm thì cứ giữ tánh tình nghiêm-nghị, làm cho người ta không kiêu, buôn bán có lời nhiều mà không ỷ, còn Trường-Xuân mỗi lần qua đều không thấy được mặt Yến-Tuyết, bởi vậy dàu-dàu, gương mặt coi chẳng được vui. Chừng hai người ngồi ăn cơm uống rượu nói chuyện với nhau. Trường-Xuân muốn khoe mình học giỏi, nên nói với Kỳ-Tâm rằng:
- Học-trò đời nay lôi-thôi quá, không chịu cố tâm mà học đặng thi lấy bằng tốt-nghiệp với người ta, để lo chơi bời hoài, rồi thì đứa học nửa chừng bỏ ra trường, đứa thì đi thi nhào hỏng chưng hỏng cẳng.
- Anh trách học-trò không lo học thì là phải lắm. Đã biết trong đám học-sanh có đứa, như tôi đây vì gia-đình tao biến nên phải trở bước giữa đường, lại cũng có đứa siêng học lung, song bị vận hội chẳng may nên thi không đậu. Tuy vậy mà phần đông tại ham chơi mà bỏ học, tại không lo nên thi rớt, bởi vậy lời anh mới trách đó thì đáng, chớ không phải là trách oan. Nhưng mà anh lại nói sao không ráng học đặng thi lấy cho đặng cái bằng tốt-nghiệp như người ta, nghe ra dường như người ta học, chủ hướng thi cốt lấy cho đặng cái bằng tốt-nghiệp, chớ không phải học cốt tu tánh lập thân, nói như vậy tôi e không đặng chánh đáng cho lắm.
- Tánh dượng nó sao kỳ quá! Tôi nói việc gì cũng cãi lẽ hết thảy. Đi học thì phải ráng mà lấy cho đặng cái bằng tốt-nghiệp, chớ thứ đồ đi học cả đời mà không có một tấm giấy lộn thì ai coi ra gì.
- Cái bằng tốt-nghiệp có phù phép làm cho mình sang trọng lắm hay sao mà anh biểu mỗi người phải có mới được?
- Vậy chớ dượng không biết hay sao? Đời nay muốn vào giúp việc cho nhà nước, bất luận là sở nào, đều phải có bằng tốt-nghiệp mới được. Nếu học mà không có bằng tốt-nghiệp thì đi làm việc ngoài bậy bạ, chớ làm việc chi nên thân.
- Ạ! Bây giờ tôi mới hiểu ý anh. Té ra học là cốt cho có bằng tốt-nghiệp đặng kiếm ăn. Tôi xin lỗi với anh, để tôi nói việc của tôi cho anh rõ. Không biết hồi anh đi học chủ-hướng của anh thể nào, chớ phận tôi đây hồi tôi đi học thì tôi quyết mở trí cho rộng, rèn lòng cho ngay, học tài cho hay, tập tánh cho cứng, nghĩa là hun đúc cho đủ tài liệu để mà xung đột với đời, nếu may thi lấy đặng bằng tốt-nghiệp cũng tốt, dầu rủi thi rớt cũng không cần, chớ không phải tôi đi học mà chủ-hướng thấp thỏi quá như vậy đâu. Trời ơi! Đi học phải cốt lấy cho đặng bằng tốt-nghiệp đặng làm thầy! Hễ làm thầy thì phải cốt kiếm cho được một con vợ giàu; như lật-đật quá không chờ chỗ giàu đặng, phải cưới vợ nghèo, thì phải cốt gạt gẫm trợn-trạc những kẻ quê mùa dốt nát mà lấy tiền đặng làm giàu cho mau. Mà hễ có tiền nhiều rồi thì phải cốt lên làm ông cho được. Ai mà trong nhà nhiều tiền, thiên-hạ kêu ông thì mới thiệt là sang trọng. Ứ hự! Chủ-hướng của người mình hay quá mà xưa nay tôi không biết, cứ lo gìn lòng thanh bạch, tập chí chánh kiêng nên trong túi không có tiền, đi ra họ khinh dễ hoài, thiệt tôi làm bậy quá.
Trường-Xuân muốn cãi nữa; song thấy Kỳ-Tâm có sắc giận, sợ cãi sanh rầy rồi mích lòng, nên anh ta cười gượng mà nói rằng:
- Tánh ý dượng kỳ quá, không giống tánh ai hết.
Yến-Tuyết ngồi trong buồng nghe hết những lời nghị luận của hai người, làm cho đêm ấy cô nằm suy nghĩ hoài, ngủ không được.
Chú thích:
(1-) (tiếng Pháp) discours