Mấy vạn người chết và bị thương nằm ở những tư thế khác nhau và trong những bộ quân phục khác nhau, ngổn ngang trên những bãi cỏ và những cánh đồng thuộc quyền sở hữu của họ Duvydov hay của những nông dân của hoàng gia. Trên những cánh đồng và những bãi cỏ này, mấy thế kỷ nay, nông dân các làng Borodino. Gorki, Sevardino và Xemenovxkoye đã từng gặt lúa và chăn gia súc. Ở các trạm cứu thương, cỏ và đất đều sũng máu trên một khoảng rộng hàng mẫu đất. Từng tốp người bị thương hay còn lành lặn thuộc nhiều đơn vị khác nhau, vẻ mặt hốt hoảng, rút về phía sau, người thì chạy về Mozaisk, kẻ thì chạy về Valuyvro. Những tốp khác, mặc dầu mệt nhoài và đói lả vẫn tiến lên dưới sự chỉ huy của thủ trưởng họ. Lại có những người vẫn đứng tại chỗ tiếp tục bắn. Bãi chiến trường vừa mới đây còn tráng lệ và tươi vui với những ánh lưỡi lê lấp lánh và những đám khói toả lên trong ánh nắng ban mai, thì bây giờ đã tối sầm lại trong làn sương mù ẩm ướt pha lẫn khói súng, và trong không khí phảng phất cái mùi khét rất lạ của diêm sinh và máu. Những đám mây ùn ùn kéo đến, một cơn mưa nhỏ bắt đầu đổ xuống các thây ma, những người bị thương, những con người hoảng hốt, kiệt sức và đã đến lúc hoài nghi hết thảy. Hình như nó muốn bảo họ rằng: "Thôi đủ rồi, các người ạ. Chấm dứt đi thôi… hãy nghĩ lại mà xem, các người đang làm gì thế?" Binh sĩ hai bên kiệt sức vì không được ăn và không được nghỉ cũng bắt đầu ngờ vực không biết có nên tiếp tục bắn giết nhau nữa hay không. Trên tất cả các gương mặt đều lộ rõ tâm trạng dao động và một câu hỏi được gợi lên trong lòng mọi người: "Ta giết người và chết để làm gì và cho ai? Chúng bay muốn giết ai thì giết, muốn làm gì thì làm, nhưng ta thì ta không làm nữa đâu!". Đến chiều, ý nghĩ này đã chín muồi trong lòng mỗi người. Bất cứ phút nào tất cả những người này cũng có thể thấy ghê sợ những việc họ đã làm, cũng có thể vất bỏ tất cả mà chạy, bất kỳ chạy đi đâu. Nhưng mặc đầu đến gần cuối trận đánh, mọi người đều thấy rõ hành động của mình ghê tởm đến nhường nào, mặc dầu họ sẽ vui mừng nếu được ngừng lại, nhưng có một sức mạnh gì huyền bí không thể hiểu được, vẫn chế ngự họ. Những người pháo binh, mồ hôi nhễ nhại, mình mẩy nhem nhuốc những thuốc súng và máu, ba người chỉ còn lại một, tuy đã lảo đảo và thở hổn hển vì mệt nhọc, vẫn tiếp tục mạnh dạn đến, nạp đạn, nhắm đích, châm ngòi; từ cả hai phía, đạn vẫn bay ra dồn dập và tàn nhẫn như trước, xé tan thân thể người ta ra, và cái công việc khủng khiếp kia vẫn tiếp tục, nó diễn ra không phải do ý muốn của con người mà là do ý muốn của Đấng ngự trị tất cả mọi người và mọi thế giới.Ai nhìn vào những hàng hậu quân rối loạn của quân đội Nga cũng sẽ nói rằng quân Pháp chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Nga sẽ bị tiêu diệt; ai nhìn vào những hàng hậu quân của quân Pháp cũng sẽ nói rằng quân Nga chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Pháp cũng sẽ tan tành. Nhưng cả quân Pháp lẫn quân Nga đều không thực hiện sự cố gắng ấy, và ngọn lửa của trận chiến đấu cứ dần dần tàn lụi. Quân Nga không thực hiện sự cố gắng ấy bởi vì không phải họ tấn công quân Pháp. Lúc trận đánh bắt đầu, họ chỉ đóng trên con đường vào Moskva, để chặn con đường ấy, và họ vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu cho đến khi trận chiến đấu kết thúc. Nhưng dù cho mục đích của họ là đánh đuổi quân Pháp chăng nữa thì họ cũng không thể thực hiện được sự cố gắng cuối cùng này, bởi vì tất cả các đạo quân Nga đều tan rã, không có một bộ phận nào không bị tổn thất trong trận đánh này, và trong khi giữ nguyên trận địa, quân Nga đã mất một nửa quân số. Còn quân Pháp vốn được kỷ niệm của mười năm chiến thắng cổ vũ, vốn tin tưởng vào tài năng vô địch của Napoléon và có ý thức rằng họ đã làm chủ được một bộ phận của chiến trường mà chỉ mất một phần tư quân số và đạo vệ binh hai vạn người thì vẫn còn nguyên vẹn, quân Pháp có thể thực hiện sự cố gắng ấy một cách dễ ràng. Quân Pháp tấn công quân Nga với mục đích đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí của nó, đáng lý phải thực hiện sự cố gắng ấy vì hễ quân Nga còn chặn con đường vào Moskva thì quân Pháp vẫn còn chưa đạt được mục đích, và tất cả những cố gắng cũng như những tổn thất của họ đều thành ra vô ích. Nhưng quân Pháp đã không thực hiện sự cố gắng ấy. Một vài sử gia nói rằng Napoléon cho đội cận vệ nguyên vẹn của ông ra chiến trường là có thể thắng trận. Nhưng nói về những việc sẽ diễn ra Napoléon cho đội cận vệ của mình nhập trận thì cũng chẳng khác gì nói về những việc sẽ xảy ra nếu mùa thu bỗng chốc biến thành mùa xuân. Điều đó không thể có được. Sở dĩ Napoléon không tung đội cận vệ của mình ra không phải vì ông ta không muốn, mà là vì ông ta không thể làm như thế được. Tất cả các tướng tá và quân sĩ đều biết rằng không thể làm như vậy, bởi vì tinh thần quân đói đã suy sụp không cho phép làm như vậy. Không phải chỉ riêng Napoléon mới có cảm tưởng là cánh tay mình đang giơ lên bỗng rụng rời buông thõng xuống trong cơn ác mộng, mà tất cả các tướng tá và quân sĩ của quân đội Pháp đã tham chiến hay không tham chiến, sau tất cả những kinh nghiệm rút được từ những trận chiến đấu trước đây (trong đó chỉ cần cố gắng bằng một phần mười so với bây giờ cũng đủ khiến cho quân địch bỏ chạy), đều cảm thấy kinh hãi như nhau khi đứng trước một kẻ địch đã mất một nửa quân số mà vẫn giữ vững trận địa đến cùng mà vẫn đáng sợ như lúc mới lâm trận. Sức mạnh tinh thần của quân đội Pháp, là quân đội tấn công, đã tiêu ma hết rồi. Thắng lợi của quân Nga ở Borodino không phải là một thắng lợi có thể đánh giá bằng những mảnh vải buộc vào gậy mà người ta gọi là quân kỳ, hay bằng những khoảng đất này làm cho đối phương hiểu rõ ưu thế của kẻ địch và sự bất lực của mình. Cũng như một con vật điên cuồng đang dở dà sau một vết thương trí mạng, quân xâm lược Pháp cảm thấy mình bước vào chỗ chết, nhưng nó không thể nào dừng lại, cũng như quân đội Nga, vì yếu hơn nó hai lần nên không thể nào nhường bước. Theo đà sẵn có, quân đội Pháp còn có thể lăn mãi đến Moskva, nhưng ở đây, mặc dù quân đội Nga không có những cố gắng mới, quân đội Pháp vẫn nhất định phải gục vì vết thương chí mạng ở Borodino đã làm nó kiệt hết máu. Kết quả trực tiếp của trận Borodino là việc Napoléon vô cớ bỏ chạy khỏi Moskva, việc ông ta rút lui theo con đường cũ - con đường Smolensk - việc một đạo quân xâm lược năm mươi vạn người bị tiêu diệt, việc đế chế Napoléon của Pháp cáo chung; chính ở Borodino lần đầu tiên nền đế chế ấy đã chịu cái đòn nặng nề từ cánh tay kẻ địch mạnh nhất về phương diện tinh thần.