Ngày hôm sau, theo lời khuyên của bà Maria Dmitrevna, bá tước Ilya Andreyevich cùng với Natasa đến nhà công tước Nikolai Andreyevich. Bá tước không được vui khi sửa soạn cuộc thăm hỏi này: trong lòng ông cứ thấy lo sợ. Cuộc gặp gỡ độ nọ giữa hai người vào hồi tuyển lính còn để lại một ấn tượng quá rõ ràng trong trí nhớ của bá tước: dạo ấy, đáp lại lời mời đến dự tiệc của ông, công tước Nikolai Andreyevich đã quở mắng ông thậm tệ về việc cung cấp người không đủ. Ngược lại Natasa đã mặc chiếc áo dài đẹp nhất của nàng, và tâm trạng nàng lúc bấy giờ rất vui vẻ. "Không thể nào họ lại không mến mình được - Nàng nghĩ - Xưa nay ai cũng thích mình cả. Mà mình lại sẵn sàng làm tất cả những gì họ muốn, sẵn sàng yêu mến ông ấy - Vì ông ấy là cha của chàng, và yêu mến cô ấy vì cô ấy là em gái của chàng, thì việc gì họ lại không yêu mến mình kia chứ?". Xe đến gần ngôi nhà cũ kỹ, ảm đạm ở phố Vozdviezka và hai cha con bước vào phòng ngoài.- Nào, xin Chúa phù hộ, - Bá tước nói, nửa đùa nửa thật. Nhưng Natasa nhận thấy cha nàng có vẻ luống cuống khi bước vào phòng ngoài, rụt rè hỏi nhỏ người nhà xem lão công tước và tiểu thư có nhà không. Một cô đầy tớ gái chạy vào phòng khách và cũng hấp tấp nói nhỏ cái gì, trong đó có nhắc đến công tước tiểu thư. Cuối cùng một người nô bộc già, vẻ cau có, bước ra báo với hai cha con Roxtov rằng công tước hiện không tiếp khách được, nhưng công tước tiểu thư xin mời hai người vào phòng tiểu thư. Người đầu tiên ra đón khách là cô Burien. Cô tiếp đón hai cha con bá tước một cách đặc biệt lễ phép và dẫn họ vào phòng nữ công tước. Nữ công tước xúc động, hoảng hốt và mắt nổi đầy những đám đo đỏ, nặng nề chạy ra đón khách, cố làm ra vẻ vồn vã và tự nhiên mà không sao được. Thoạt nhìn thấy Natasa, công tước tiểu thư đã không có thiện cảm với nàng. Nữ công tước thấy nàng quá đỏm dáng, nhí nhảnh và tự mãn. Công tước tiểu thư không biết rằng trước khi trông thấy người chị dâu tương lai, mình đã có sẵn ác cảm đối với nàng vì bất giác ganh tị với sắc đẹp, tuổi trẻ và hạnh phúc của nàng, và ghen tuông với tình yêu của anh mình. Ngoài cái ác cảm không thể nén nổi đối với Natasa, lúc ấy công tước tiểu thư Maria lại còn đang xúc động vì việc vừa xảy ra, đó là khi người nhà vào bảo có bá tước Roxtov và tiểu thư đến, lão công tước đã quát ầm lên là ông ta không có việc gì phải tiếp họ cả, tiểu thư Maria có muốn tiếp thì cứ tiếp, chứ không được để cho họ gặp ông. Công tước tiểu thư Maria quyết định tiếp hai cha con Roxtov nhưng cứ luôn luôn sợ nhỡ ra công tước có nổi giận rồi ra làm toáng lên chăng, vì công tước có vẻ rất bực tức về cuộc thăm hỏi này.- Đây thưa công tước tiểu thư thân mến, tôi đem con bé hay hát của tôi đến ra mắt tiểu thư, - Bá tước vừa nói vừa giậm gót giày cúi chào và lo lắng đưa mắt nhìn quanh như sợ lão công tước bỗng ở đâu lù lù hiện ra chăng. - Tôi rất lấy làm mừng rằng con tôi được làm quen với tiểu thư… Rất tiếc, rất tiếc rằng công tước còn mệt…Rồi nói xong mấy câu xã giao chung chung nữa. Ông đứng dậy:- Thưa công tước tiểu thư, nếu tiểu thư cho phép, tôi xin để em nó ngồi lại với tiểu thư mười lăm phút, còn tôi thì có việc ra đằng quảng trường Xobatsi gần đây một chút, đến nhà bà Anna Xemionovna, sau đó tôi ghé lại đón em nó. Ông Ilya Andreyevich nghĩ ra cái mánh khoé ngoại giao này là để cho chị dâu em chồng tương lai có dịp nói chuyện với nhau (về sau bá tước nói với con gái như vậy), và cũng là để tránh gặp lão công tước mà ông vẫn sợ. Điều này thì ông không nói với con gái, nhưng Natasa hiểu rằng cha mình đang lo sợ, và thấy đó là một điều nhục cho mình. Nàng đỏ mặt vì cha và lại càng thêm bực mình vì đã đỏ mặt, rồi đưa mắt nhìn thẳng vào công tước tiểu thư Maria cái nhìn mạnh dạn, thách thức như muốn nói rằng nàng không sợ ai cả. Nữ công tước nói với bá tước rằng nàng rất vui lòng và chỉ xin bá tước ngồi chơi đằng nhà bà Anna Xemionovna lâu hơn ít nữa. Ông Ilya Andreyevich đi ra. Công tước tiểu thư Maria, muốn nói chuyện riêng với Natasa, nên đã nhiều lần đưa mắt nhìn sang cô Burien lộ vẻ băn khoăn, nhưng cô ta vẫn ngồi yên tại chỗ và nói chuyện không ngớt miệng về những trò vui chơi, những buổi diễn kịch ở Moskva. Cái cảnh lúng túng diễn ra ở phòng ngoài lúc nãy, cái vẻ lo sợ của cha nàng và cái giọng không tự nhiên của công tước tiểu thư Maria, mà nàng có cảm tưởng như đang lấy lòng bề trên hạ cố tiếp chuyện nàng, đã làm cho nàng chạnh lòng. Cho nên nàng thấy cái gì cũng khó chịu. Nàng không ưa công tước tiểu thư Maria. Nàng thấy cô ta rất xấu, lại giả dối và lạnh lùng. Tinh thần Natasa bỗng như co rút lại trong vỏ, và nàng bất giác nói một giọng ung dung càng khiến cho tiểu thư Maria có ác cảm đối với nàng. Sau năm phút nói chuyện một cách gượng gạo, khó nhọc, chợt nghe có tiếng chân đi giày vải bước rất nhanh.Gương mặt công tước tiểu thư Maria lộ vẻ hoảng sợ, cánh cửa phòng mở toang, và lão công tước mình mặc áo ngủ đầu đội mũ chụp bước vào.- A, tiểu thư, - Công tước nói. - Tiểu thư, bá tước tiểu thư… thì phải, nếu tôi không nhầm… xin lỗi tiểu thư… tôi quả không biết, xin tiểu thư hiểu cho. Quả tình tôi không được biết rằng tiểu thư đến thăm chúng tôi nên ăn mặc thế này đến phòng con gái. Xin tiểu thư thứ lỗi… quả tình, tôi không biết. Công tước nhắc lại, vẻ thiếu tự nhiên, nhấn mạnh vào hai chữ quả tình giọng công tước nghe khó chịu đến nỗi công tước tiểu thư Maria đứng yên, mặt cụp xuống, không dám nhìn cha mà cũng không dám nhìn Natasa. Natasa đứng dậy nhún mình chào và cũng không biết mình nên làm gì. Chỉ một mình cô Burien mỉm cười vui vẻ.- Xin tiểu thư thứ lỗi, xin tiểu thư thứ lỗi! Quả tình tôi không biết, - Ông già lẩm bẩm, sau khi nhìn Natasa một lượt từ đầu đến chân, ông bỏ ra ngoài. Cô Burien là người đầu tiên trấn tĩnh lại được sau cuộc xuất hiện này và bắt đầu nói chuyện về bệnh tình của công tước. Natasa và tiểu thư Maria im lặng ngồi nhìn nhau, và họ càng im lặng ngồi nhìn nhau, không nói ra những điều cần phải nói, thì lại càng thêm ác cảm đối với nhau. Khi bá tước trở lại, Natasa mừng rỡ một cách khiếm nhã và vội vàng ra về: lúc ấy nàng gần như thù ghét cái cô nữ công tước già nua kia, đã làm cho nàng lâm vào tình cảnh rất ngượng ngùng và đã có thể ngồi với nàng nửa tiếng đồng hồ mà không nói gì đến công tước Andrey cả "Chả nhẽ mình lại đi nói trước về Andrey trước mặt cái cô người Pháp kia?" - Natasa nghĩ. Cùng lúc ấy cũng chính điều đó làm cho tiểu thư Maria bứt rứt. Nàng biết mình cần phải nói những gì với Natasa, nhưng nàng không nói được vì có cô Burien ở đấy và cũng chính vì nàng không hiểu sao lại khó nói đến cuộc hôn nhân này đến thế. Khi bá tước đã ra khỏi phòng rồi, tiểu thư Maria bước nhanh đến gần Natasa, cầm lấy tay nàng và thở dài nói: "Xin tiểu thư nán lại một lát, tôi cần…". Natasa nhìn nữ công tước Maria một cách giễu cợt, tuy chính nàng cũng không biết giễu cợt là cái gì.- Chị Natasa Natali, công tước tiểu thư Maria nói, - Xin chị biết cho rằng tôi rất mừng là anh tôi đã tìm được hạnh phúc… - Nàng ngừng lại, cảm thấy mình đang nói dối. Natasa để ý nàng ngừng lại và đoán hiểu được nguyên do.- Thưa công tước tiểu thư, tôi thiết tưởng lúc này không tiện nói đến việc ấy, - Natasa nói, cố làm ra vẻ nghiêm trang và lãnh đạm, nhưng đã cảm thấy nước mắt trào lên, nghẹn ngào trong cổ."Mình đã nói gì vậy, mình đã làm gì vậy!" - Nàng thầm nghĩ khi vừa bước ra khỏi phòng. Bữa ăn trưa hôm ấy gia đình Roxtov phải đợi Natasa rất lâu. Nàng ngồi trong phòng riêng và khóc thút thít như đứa trẻ. Sonya đứng trước mặt nàng và hôn lên tóc nàng:- Natasa tại sao lại khóc? - Sonya nói. - Natasa cần gì nghĩ đến họ? Rồi mọi việc sẽ qua cả thôi, Natasa ạ.- Không, giá chị biết em phải chịu tủi nhục như thế nào, cứ làm như là em…- Đừng nói nữa Natasa ạ, Natasa có lỗi gì đâu, chấp làm gì? Hôn mình đi nào? - Sonya nói.Natasa ngẩng đầu lên và hôn lên môi bạn, áp chiếc má giàn giụa nước mắt vào nàng.- Em không nói được, em không biết. Không có ai có lỗi cả, - Natasa nói, - Em không có lỗi. Nhưng tất cả những việc ấy làm em khổ quá. Ôi! Sao anh ấy vẫn chưa về! Nàng ra phòng ăn, hai mắt đỏ hoe. Bà Maria Dmitriev biết rõ công tước Nikolai Andreyevich đã đón tiếp hai cha con ông Roxtov như thế nào. Bà làm ra vẻ như không để ý thấy vẻ mặt thảng thốt của Natasa, và trong khi ngồi ăn cứ cất tiếng nói sang sảng và rắn rỏi đùa cợt với bá tước và các vị khách khác.