Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975
Phần 6
Văn học & tôn giáo / triết học

Tính cách tôn giáo và triết học
 
MỘT THẾ HỆ MẤT NIỀM TIN
 
Giữa thế hệ tiền chiến với lớp sau Genève sự khác nhau không phải chỉ ở một mối ưu tư về chính trị. Dương Nghiễm Mậu không phải là một Trần Tiêu ưu thời mẫn thế, Trần Thị NgH, không phải là một Anh Thơ ham nói chuyện đại cuộc. Họ khác nhau từ trong tâm hồn cho tới lời ăn tiếng nói, từ quan niệm nhân sinh tới cách hưởng lạc, cách yêu đương. 
Tình yêu - Thật vậy, hãy thử để ý đến một nhân vật của Nhã Ca, một cô bé trong Ngày đôi ta mới lớn. Lần đầu tiên bắt gặp sự rung động ái tình của mình, cô ta kêu: “Chết cha, mình đang cảm động.” Các bậc tiền bối tha hồ kinh ngạc: “Chết cha, cái gì lạ vậy?” Tự thuở hồng hoang tới giờ, có thiếu nữ Việt Nam nào phản ứng như vậy trước tình yêu đâu? Những nàng thục nữ yêu kiều như Nguyệt Nga, Thúy Kiều, Tố Tâm không la lối như vậy trước ái tình đã đành; mà những cô Loan, cô Hiền, cô Hạnh của Nhất Linh, Khái Hưng, những cô gái trong tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Thạch Lam v.v... cũng không thế; những cô bé đi chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, cô chị bồng em đi lễ xin xăm trong thơ Hồ Dzếnh không có thế; cho đến gần đây nhất như cô Mùi của Nhất Linh, chúng ta cũng khó tưởng tượng cô ta có thể bật ra tiếng đùa giễu cái tình cảm “thiêng liêng” của chính mình như thế. Không, trước đây chưa ra đời cái mẫu người con gái khinh mạn, coi đời nhẹ tênh ấy.
Lại “nhặt” thử một cô bé khác trong số vô vàn cô bé ngộ nghĩnh của Nhã Ca: Soan. Giữa một Mùa hè rực rỡ cô ta bắt đầu biết yêu: cô ta yêu một quân nhân đáng tuổi cha chú mình và cô sắp đặt một kế hoạch tỏ tình bằng cách thủ sẵn một hòn đá chực... rình ném vào anh chàng quân nhân nọ!
Chúng ta không dám nói các cô gái trong thế hệ đàn chị hồi tiền chiến thiếu say đắm thiếu liều lĩnh trong tình yêu, hay ngại ngần đắn đo hơn trước tội lỗi. Từ lâu lắm trai gái đã chết vì tình rụp rụp; còn sa ngã thì cô gái khuê các bên Tàu ngày xưa như Thôi Oanh Oanh mới hẹn hò lần đầu đã sa ngã ngay dưới mắt con Hồng, Thúy Kiều cũng tại đêm hò hẹn đầu tiên mà trong âu yếm của người tình đã có chiều lả lơi (nếu trời còn cho cô cậu tiếp tục gặp nhau một vài đêm nữa, ai biết chuyện gì xảy ra). Cho nên hãy dè dặt trong sự phát biểu về đạo lý. Chỉ xin để ý đến thái độ yêu đương, đến phong cách yêu đương mà thôi. Về mặt này những cô Loan, cô Nhung, cô Mùi v.v... dù trong lòng họ có nồng nàn đến đâu đi nữa nhưng lời ăn tiếng nói cái nhìn cái liếc của họ cũng vẫn ý nhị, tinh tế, xa xôi, bóng gió. Họ không trực tiếp, đột ngột, bốp chát như những cô Soạn, cô Thuyền sau này. Lớp trước lớp sau, phong cách khác nhau như chiếc áo dài kín đáo dịu dàng khác chiếc quần jeans hồn nhiên sống sượng. Dưới lớp quần áo, nỗi niềm rạo rực có thể giống nhau; nhưng lớp che phủ bên ngoài cái rạo rực có khác, khác xa.
Vậy thì một bên sống sượng một bên tao nhã ý nhị, cái khác nhau đã rõ. Có điều tưởng không thể dừng lại ở cái khác nhau về phong cách. Bởi vì mỗi phong cách không phải là một sự ngẫu nhiên. Tại sao đang bóng gió xa xôi tự dưng lại trở nên sấn sổ ngổ ngáo như thế? Phải có lý do nào đưa đến những thay đổi ấy, đó mới là vấn đề.
Theo chỗ chúng tôi nhận thấy sở dĩ lớp sau này tiến tới tình yêu không còn có cái vẻ e dè, trịnh trọng nữa là vì sau này họ thấy trên đời không còn cái gì đáng e dè, trịnh trọng cả. Không còn cái gì là thiêng liêng nữa.
Mối tình đầu, cái đó ngày trước người ta quí biết chừng nào, trân trọng biết chừng nào. Thế mà Thuyền coi như không. “Chết cha, mình đang cảm động”, cô bé tự chế nhạo mình đó; cô ta chế nhạo ngay cái tình cảm mới chớm nở của mình. Cô ta coi thường nó, chọc quê nó. Và rồi chúng ta sẽ thấy Thuyền không phải là thuộc vào số các cô bé ngang ngược, ngỗ nghịch nhất của thế hệ đâu.
Ngày xưa chuyện lứa đôi là quan trọng cực kỳ, duyên số được xếp đặt tận trên trời: Có ông lão xe tơ đỏ; có chuyện xin xăm để hỏi ý kiến các đấng Thiêng Liêng, yêu nhau có chuyện khấn vái Trời Đất, cắt tóc thề bồi v.v... Sau này, khi chúng ta đã “văn minh” theo Tây phương, chúng ta không còn tin ở công việc của ông già lẩm cẩm dưới trăng nữa, không hay lôi nhau đi thề thốt nữa v.v..., tuy nhiên chúng ta vẫn rất mực trân trọng các mối tình, từ tình đầu đến tình cuối. Hồi tiền chiến trong tiểu thuyết của những Khái Hưng, Lê Văn Trương, Lan Khai... không thiếu gì những mối tình “lớn” diễn ra ngay cả dưới mái chùa, trong rừng thẳm; trong thi ca của những Đông Hồ, Tương Phố, cho đến Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh... hễ động nói tới ái tình là giọng lâm ly thống thiết không chịu được. Trong văn chương cũng như ngoài đời hễ phụ tình, bạc tình thì bị chê bai khinh bỉ ngay.
Thoắt cái, sang thời kỳ 54-75 này, ái tình bị chọc quê. Nó gần thành lố bịch. Một cô con gái nguyên lành gặp một người đàn ông đứng tuổi, đã có vợ. Người đàn ông rủ rê, cô gái bằng lòng. Yêu thì yêu, tại sao không? Cô gái suy tính: “Thử tưởng tượng một người đàn ông đứng tuổi, đứng đắn. Một người đàn ông sắp sửa bốn mươi tuổi, có vợ, có địa vị và tiền bạc. Không lý tưởng sao, tuyệt vời nữa.” Đây là cái hôn của người tình “lý tưởng”, cái hôn đầu tiên trong đời cô gái nguyên lành: “Chúng tôi hôn nhau. Cái hôn đầu tiên chưa kịp đoán trước hay chuẩn bị dù sao cũng đã làm tôi thất vọng chút ít. Tôi quệt nước bọt trong tay áo và chàng có vẻ bồn chồn khi nhìn thấy cử chỉ đó. Tôi không biết, lúc ấy tôi khinh chàng. Tôi nói: À, thì ra! Chàng tỏ vẻ không hiểu. Tuy nhiên sau đó chàng vẫn hôn tôi hoài.” Xong chuyện hôn nhau, họ đi tới chuyện khác, xa hơn. Vì cô gái còn nguyên nên đau đớn, đau mà không kêu rên gì cả, được chàng khen ngợi. “Tôi bấu tay trên lưng chàng. Thật không còn thứ đau đớn nào hơn (...) Chàng khen:
- Em can đảm lắm.
Tự nhiên tôi nói lớn, giọng hờn mát:
- Rồi sao nữa, trời đất!
- Nằm yên...”
Hôn xong, “yêu” xong, cuối cùng họ xa nhau. Trong khi cô gái xếp quần áo vào va-li để ra đi, thì chàng - người yêu “lý tưởng, tuyệt vời” - muốn có một kỷ niệm: chàng ngồi tằn mằn mớ đồ lót của nàng, bảo: “Cho anh một cái.” Như thế, ái tình được chấm dứt.[1]
Đọc xong câu chuyện như thế, không khỏi có một cảm tưởng khiếp hãi. Vì đạo đức suy đồi? Vì phong tục tồi bại chăng? Không đâu. Đừng lên mặt đạo mạo mà chi. Vả lại câu chuyện đâu có gì đáng gọi là khiêu dâm? Không có chỗ nào phô bày lộ liễu, không có cảnh mùi mẫn mê ly nào cả. Trái lại, giọng kể còn hờ hững: có sao nói vậy, vắn tắt. Gần như ngây thơ. Và đó là chỗ đáng khiếp. Tác giả nhìn vào những cái “thiêng liêng” nhất trong đời như thể nhìn người ta uống tách nước, kể lại như kể chuyện đi phố lựa đôi giày. Như thể không có xúc cảm. Người trong cuộc không có xúc cảm, cũng như người ngoài cuộc, người kể chuyện. Thật vậy, nếu xúc cảm làm sao còn để ý đến chỗ nước bọt để quệt lên tay áo! Cổ lai có ai bắt gặp trong văn chương một cặp tình nhân quệt nước bọt sau khi hôn nhau? Thử tưởng tượng giữa các mối tình lớn của Paul và Virginie, của Kim và Kiều, của Bảo Ngọc cùng Đại Ngọc, của Ngọc và Lan v.v... có mấy hạt nước bọt như thế dính vào: Tai hại biết chừng nào!
Có cái nhìn thành kính ngưỡng vọng cuộc đời, mới thấy đời cao đẹp, lung linh huyền ảo. Thế hệ này mở hai con mắt trắng dã, lạnh lùng, khô khấc nhìn vào cuộc đời, khiến cho cuộc đời tự thấy trống trơn, trơ trẽn. Cuộc đời khốn khổ, thẹn thùng, co rúm lại. Tội nghiệp.
Độ ấy người ta thường hay nói tới cái chết của Thượng Đế. Người chết đi là phải. Chịu sao thấu? Một cái nhìn như cái nhìn của thế hệ bấy giờ có thể giết chết rụi hết: hết mơ mộng, hết thi vị, hết mọi niềm tin tưởng. Thơ mộng đến như Ái tình mà nó còn mất hết cả hào nhoáng, còn trơ nước bọt ra, thì còn gì là Thượng Đế! Trong tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, cuộc nhân sinh luôn luôn bị nhìn một cách sấn sổ như thế; trong bao nhiêu truyện ngắn truyện dài của ông là những cảnh đời trình bày phũ phàng. Bằng lối nói xông xổng, không kiêng nể bất cứ cái gì: cái tục tằn, cái thô bạo, cái xấc láo, cái hỗn xược mất dạy, ác độc, điên khùng v.v... Cha con réo chửi nhau, đàn ông đàn bà làm tình với nhau lê mê chẳng thèm đặt ra vấn đề yêu thương gì ráo trọi, kẻ ác người thiện lẫn lộn làng nhàng như nhau, không phân biệt gì hết trơn... Một nhân vật của Dương Nghiễm Mậu phàn nàn: “Có nhiều người tạo ra những ràng buộc với mình để sống, như ràng buộc với Thượng Đế, với quê hương, với bổn phận, với tình yêu và máu mủ, nhưng tôi thì mất đi gần hết những thứ ấy, dù có muốn tạo ra cũng không sao có được.”[2]
Trong một không khí tinh thần như vậy người ta dễ hiểu tại sao một thiếu nữ bắt gặp những rung động tình cảm của mình lại tự cười cợt chế nhạo. Rung động thành ra lố bịch. Tình cảm thành ra lỗi thời. Yêu ấy à? Buồn cười chưa, gì mà ngố quá vậy?
Đời không còn gì là cao đẹp, là thiêng liêng nữa. Trong hoàn cảnh ấy, người ta cười giễu đểu giả, khinh mạn, người ta ngỗ nghịch xấc lấc, trông đáng ghét; nhưng nghĩ lại thì mất niềm tin là cảnh trạng đáng thương.
Lại vẫn nhân vật nọ của Dương Nghiễm Mậu than thở: “Cuộc sống ngày nay mất đi những tham dự của sức mạnh siêu hình mà người trước tin cẩn để sống. Nhưng có lẽ thái độ can đảm liều lĩnh ấy khiến cho chúng tôi đau đớn hơn. Chúng tôi không thể đổ lỗi cho ai được khi chúng tôi tự cho mình là Thượng Đế.”[3]
 
Lý tưởng - Ái tình là cái dễ “tin” hơn cả mà không còn tin vào nó thì biết tin vào đâu nữa: đạo lý, chính nghĩa, lý tưởng v.v... lần lượt sụp đổ hết. Nhiều cấm kỵ của xã hội bị coi thường. Hàng rào lễ giáo thường khi bị đạp ngã. Trước kia, trong một cuốn truyện của Nguyễn Khắc Mẫn thày giáo lỡ đem lòng yêu một cô nữ sinh mà lấy làm ngại ngùng hết sức, đôi bên phải đắn đo mãi mới dám tỏ bày. Bây giờ trong truyện của Nguyễn Thị Hoàng cô giáo lăn nhào vào Vòng tay học trò với tất cả say mê; cô không giấu cái rạo rực thèm muốn khi nhìn vào những phần da thịt hở hang của cậu học trò. Và cuốn truyện được chấp nhận rộng rãi. Phản ứng đạo đức của xã hội cựa quậy rất uể oải, rất khẽ, như không có gì.
Đất nước mịt mù khói lửa, và bấy giờ người ta nói thế nào, nghĩ ngợi thế nào về chiến tranh? Nguyễn Bắc Sơn ngất ngưởng bảo địch quân:
Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”...
(‘Chiến tranh Việt Nam và tôi’)
“Những đứa xăm mình”, những “đứa” ấy không phải chỉ là hạng chiến sĩ Tố Hữu thôi đâu nhé. Tiểu tư sản non choẹt như Hồng Nguyên, lãng mạn như Hoàng Cầm, huênh hoang lớn lối như Vũ Hoàng Chương ngày nào từng kêu ầm lên là sao vàng xòe năm cánh lên năm cửa ô v.v..., hết thảy đều là đứa xăm mình cả. Vì đều tin chắc mẩm vào chính nghĩa của cuộc chém giết, đều hô hào cổ võ tàn sát một cách trịnh trọng. Còn “ta”, kẻ vượt lên trên “chính nghĩa”, lên trên mọi hăng say, tin tưởng, “ta” là nhân vật của thời đại, “ta” mới xuất thế đây thôi. Và bạn bè của “ta”, cùng lớp “ta” đều “hiền khô” như thế cả.
Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
mà ăn uống cho say
 
Ta cũng người như chú
cũng nhỏ bé trong đời
có núi sông trong bụng
mà bất lực hôm nay
..............................
Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào.”
(‘Nghinh địch hành’ - Hà Thúc Sinh)
Ta đối với chú mà nói được lời như thế vì lòng ta đã tới độ nguội lạnh, không còn gì khuấy động nổi một cơn điên say nữa. Đao to búa lớn: vô ích. Danh từ cao đẹp: vô ích. Lý tưởng thiêng liêng: vô ích.
 
Tín ngưỡng - Tình yêu như thế, chính nghĩa như thế, còn tín ngưỡng? Có lần lão học giả Giản Chi đăng cao, và gieo mấy vần tuyệt diệu:
Sớm lên ngồi lạnh non cao
Thở ra mây trắng, hút vào gió xanh...
Chợt thương con nguyệt nửa vành
Phiêu du trắng mộng bên cành thông khô...
Vô biên bừng nở trời thơ:
Bông hoa ngày dựng ánh hồ sương treo...
Trần tâm nghe tắt eo xèo
Trong Vô Sở Trụ bốn chiều chợt không.”
(‘Chợt không’)
Giản Chi là người của thời kỳ trước với tất cả cái tao nhã của thời trước. Giá ông bắt gặp thi hữu Nguyễn Đức Sơn thưởng thức cảnh núi chắc ông không khỏi giật mình thảng thốt.
Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô.”
(‘Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi’) [4]
Một già một trẻ, cả hai đều lên núi, cả hai đều mê núi dù kẻ đến sớm người tới chiều, cả hai trong hồn đều phảng phất mùi thiền, trước cảnh núi non cả hai đều xúc động vì chợt đối diện với “hư vô”, với cái “chợt không”.
Thế nhưng giữa Nguyễn Đức Sơn với Giản Chi, chỗ khác nhau mới lạ lùng. Giản Chi ngồi chững chạc, còn Nguyễn Đức Sơn thì cứ đi “luồn” vô “luồn” ra mãi, cho tới thấm mệt, tới rục rã cả chân. Ông lăng quăng làm chi kỳ cục vậy? Thôi thì lăng quăng cũng được, nhưng ông kể lại trong thơ làm chi? chuyện ấy có liên quan gì đến hư vô? Đem cái nắng tàn run rẩy, cái hoang sơ, cái hư vô xáo trộn với những bước lăng quăng, ông không thấy mình đang làm một cái gì lạc điệu, hỏng kiểu sao? -Thưa, đó chính là sở trường của Nguyễn Đức Sơn. Ông còn xáo trộn lẫn lộn lắm cái kỳ cục hơn nữa, chẳng hạn nước tiểu với nước... thánh, cực lạc với chuyện... đái!
Anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt
(‘Vũng nước thánh’)
Giữa trời bể bao la, sao rơi sóng vỗ, ông vừa nằm vọc c... vừa suy nghĩ mông lung về lẽ huyền vi của vũ trụ v.v... Những cái như thế không phải họa hoằn mới xảy ra. Nó xuất hiện đều đều trong thơ ông. Nó thành ra một đặc điểm của thơ ông, của tính khí, thái độ ông. Một thái độ thách thức, khiêu khích, chống đối, báng bổ thánh thần, thái độ của người méo miệng trợn mắt làm trò giữa cảnh cúng vái trang nghiêm, của người vất đồ dơ dáy lên những cái vẫn được xem là cao cả thiêng liêng.
Nếu chỉ lăng quăng gàn dở ngoài đời thì có thể đó là chuyện tính nết. Nguyễn Đức Sơn đưa nó vô trong thơ, cố tình ghép nó bên cạnh cái cao siêu, vĩ đại, thì đây không còn là nết riêng nữa mà là một thái độ tinh thần. Thái độ Tản Đà rất ngông, Nguyễn Đức Sơn cũng ngông; Tản Đà ngông trong thơ mộng, Nguyễn Đức Sơn ngông mà ngỗ nghịch, phá phách.
Tôi biết: có thể kể ra đây nhiều thi sĩ tên tuổi thời kỳ 54-75, những thi sĩ lúc nào cũng kính Chúa kính Phật. Nhưng nêu ra làm gì cái chuyện thời nào cũng có; vấn đề của chúng ta là chú ý đến chỗ đặc biệt của thời này thôi. Cũng như thời tiền chiến trong tiểu thuyết có biết bao nhiêu là cặp vợ chồng sống êm thấm, bao nhiêu là cô dâu sống yên lành trong nhà chồng; những kẻ ấy không được nhắc đến nhiều như cô Loan của Nhất Linh. Bởi cô Loan mới tiêu biểu cho hoàn cảnh người phụ nữ lúc bấy giờ. Thời cô Loan là thời chống đối giữa cái mới với cái cũ, chống lại gia đình cũ, xã hội cũ. Thời sau này người ta chống thần chống thánh, chống nhau với Thượng Đế, chống nhau với khuôn phép, nề nếp, với... ái tình! Trời đất! Như vậy làm sao sống được? Chẳng những sống mà còn đánh giặc nữa.
 
TÔN GIÁO VÀ VĂN HỌC
 
Quả thật mỉa mai. Làm sao tin được thời kỳ “lính cậu” đùa giễu “lính chú”, lính “ta” tán dóc với lính “ngươi” ỡm ờ như thế lại là thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất lịch sử nước ta? làm sao tin được trong khi lính bảo “chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi”, lính cứ khơi khơi xem lý tưởng như lông hồng thì hàng triệu thanh niên được động viên hy sinh cho lý tưởng tự do. Làm sao tin được thời kỳ Thượng Đế chết, thời kỳ con người trâng tráo báng bổ thánh thần lại là thời kỳ tôn giáo phát triển mạnh mẽ, sôi động nhất ở nước ta? Vậy mà những chuyện ấy đều có cả, đều thực cả.
Hãy khoan nói tới những con số tân tín đồ của các tôn giáo lớn vào các thập niên 50, 60, đến cái tỉ số gia tăng cao khác thường của tín đồ cũng như của các giáo đường, chùa chiền trong khoảng thời gian này; hãy khoan nói đến những biểu dương lực lượng tôn giáo cực kỳ lớn lao trong các cuộc tranh đấu chống chính quyền, các cuộc đấu tranh giữa tôn giáo với tôn giáo trong thời gian này v.v...; chỉ để ý một chút đến cái bóng dáng của tôn giáo trong sinh hoạt văn học nghệ thuật lúc bấy giờ đã thấy nó đặc biệt đến chừng nào rồi.
Hồi tiền chiến chỉ có một Hàn Mặc Tử cầu nguyện Chúa mà đã làm náo động cả làng thơ: ai cũng chú ý đến hiện tượng tôn giáo này. Sau 1954 ở Miền Nam không phải chỉ có một con chiên hay những con chiên mà có nhiều kẻ chăn chiên xông pha tích cực trong làng văn làng báo; đồng thời ở phía Phật giáo cũng có bao nhiêu là tu sĩ, cao tăng múa bút trổ tài: nào những Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, những Thạch Trung Giả, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sỹ v.v..., ấy là chưa kể những nhà văn nhà thơ những học giả không phải tu sĩ viết về Phật giáo như: Trần Ngọc Ninh, Nghiêm Xuân Hồng, Quách Thoại, Lê Văn Siêu v.v... Bên Thiên Chúa giáo thì các linh mục Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Kim Định v.v... đều là những cây bút dồi dào, có ảnh hưởng rộng. Các đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo đều có những viện đại học riêng (Thiên Chúa giáo và Phật giáo dĩ nhiên đã có trước những viện qui mô hơn). Nguyễn Văn Hầu viết về triết lý đạo Hòa Hảo, Hồ Hữu Tường viết về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương v.v...
Chuyện nghe có vẻ khác thường nhưng không vô lý. Chính vì thiếu niềm tin, vì khủng hoảng tin tưởng cho nên người ta mới khẩn cấp tìm đến các tôn giáo, mới hấp tấp tra hỏi các triết thuyết. Ai nấy xô nhau đi tìm lời giải đáp cho những vấn đề căn bản, những băn khoăn rốt ráo.
 
TRIẾT HỌC VÀ VĂN HỌC
 
Trong cơn hoang mang, kẻ tìm đến tôn giáo người cật vấn các triết gia. Có lẽ ít có thời kỳ nào trong lịch sử nước ta người ta viết và đọc triết học nhiều như thời kỳ này, người ta mê triết lý dữ dằn như thời kỳ này. Trên kệ sách, thấy những nhan đề: Đi tìm một căn bản tư tưởng (của Nghiêm Xuân Hồng), Chúng ta đi về đâu (của Đoàn Nhật Tấn) v.v... Nhân vật của Vũ Khắc Khoan có lần đàm đạo với nhau: “Tôi thường nghe mỗi khi thời thế chuyển xoay là có thuyết lạ ra đời. Xưa thì Tô Tần bàn kế Hợp tung, Mạnh Tử luận ‘Dân vi quý’. Gần đây có ngươi Đăng Thục mưu việc duy nhất tư tưởng Đông Tây, Hồ Hữu Tường băn khoăn muốn vượt Mác-xít.”[5] Thời thế đang chuyển xoay mạnh, thuyết lạ nối nhau ra đời là phải cách lắm. Ngươi Đăng Thục già rồi, đã có ngươi Đình Nhu, ngươi Văn Trung, ngươi Kim Định, ngươi Thái Đỉnh v.v..., kẻ đặt thuyết riêng người mang thuyết mới từ Tây phương về xun xoe truyền bá. Rối rít cả lên. Ôi thôi, đi đâu cũng gặp triết gia; lúc nào cũng có cơ hội bàn triết học. Trong một thiên truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ một cô con gái được cô bạn họa sĩ rủ dự bữa tiệc của giới văn nghệ. Cô gái ngơ ngác nhận thấy: “Trong đám họa sĩ trẻ nổi lên những tiếng thì thầm nào là... ấn tượng, màu nóng, màu nguội, thời kỳ lam, thời kỳ hồng v.v... và bọn nhà văn dùng những chữ... thân phận, bản ngã, bản thể, hiện sinh v.v...” (‘Tiếng hát’, trong Chiều mênh mông). Họa sĩ nói màu nóng màu nguội, thời lam thời hồng: được đi. Nhưng văn sĩ nói những gì lạ hoắc vậy? Những cái quen thuộc xưa nay mất đâu cả rồi? về đâu những mây gió, những lá vàng, những buổi chiều vàng, non xanh nước biếc v.v...? Lần khác, Duyên Anh nói về các thi sĩ: “Viết hàng ngàn danh từ triết lý như vô thức, tâm thức, hình nhi thượng, hình nhi hạ, bản thể, bản ngã, thủy triều, cảm mạo, thương hàn, dịch hạch, phi lý... ra từng mẩu giấy nhỏ, bỏ vào cái lọ. Hễ thi hứng dào dạt, mở nút lọ xóc lia lịa. Mỗi mẩu giấy văng ra là một câu thơ. Hoặc năm bảy mẩu giấy văng ra một lượt cũng là một câu thơ.”[6] Câu chuyện xóc lọ chữ thành thơ, hồi tiền chiến cũng có từng nghe nói, nói để chế giễu các nhà thơ hũ nút. Nhưng trong cái lọ tiền chiến không bao giờ có những chữ phi lý, bản thể, hình nhi thượng với hạ. Trái lại, trong cái lọ thời nay dẫu ra sức khơi tìm cũng ít gặp các chữ chàng, nàng, người em sầu mộng, anh giang hồ, anh dãi dầu, anh sương gió v.v..., ít lắm.
Thụy Vũ với Duyên Anh là những tác giả lớp sau, nhưng tâm trạng băn khoăn không chỉ thuộc lớp sau. Chuyện Duyên Anh nói trong Áo tiểu thư là chuyện đã có ngay từ những ngày ông mới ở Bắc di cư vào, hãy còn tạm trú tại Nhà Hát Tây Sài Gòn cũ. Sự thực từ khi có những người ê chề với chủ thuyết Mác-Lê, những người thất vọng phải rời bỏ kháng chiến, là đã có khổ tâm, băn khoăn. Trong các tác phẩm đầu tiên của những tác giả thuộc lớp trước như Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến..., xuất bản vào những năm đầu tiên của thời kỳ này, có thể gặp nhiều nhân vật nặng trĩu ưu tư như thế. Người trẻ tuổi họ Đỗ trong Thần tháp Rùa là một: “tâm sự ủ ê lộ ra ở đôi mày hơi nhíu, miệng có cười, cũng héo hắt không vui. Tính vốn ít nói, trong chốn giao du lại cố tình giữ trọn cái nghĩa nước nhạt của người nước Lỗ, cho nên lắm khi cả ngày không lên tiếng một câu, hàng tháng biếng bước chân ra khỏi cổng.” (...) “Nhưng trong câu chuyện, nếu có ai đả động đến thời cuộc, so sánh lý thuyết nọ với lý thuyết kia, là lập tức sắm nắm bước vào vùng thảo luận, nói hàng giờ không biết mỏi. Hoặc nêu thuyết nhà Phật mà bác bỏ định đề Cơ-đốc. Hoặc đề cao tư tưởng của văn sĩ Pascal mà đánh đổ lý luận vô thần. Hoặc chủ trương giai cấp đấu tranh mà công kích những mưu mô tư bản. Hoặc lập luận tự do cá nhân để chống với độc tài đoàn thể. Có ai rụt rè nói đến giá trị nội tại của nghệ thuật ắt Đỗ phải lớn tiếng thích nghĩa nhân sinh. Nhưng nếu có người muốn hạ văn chương xuống ngang hàng một ‘đồ thực dụng’ thời Đỗ lại chép miệng thở dài nhắc đến quan niệm nghệ thuật của Kant.”[7]
Người trẻ tuổi họ Đỗ như thế nếu lọt vào bàn tiệc văn nghệ của Thụy Vũ sợ gì mà chẳng văng ra những “bản ngã”, “bản thể” với “hiện sinh”, và nếu có tập tành thơ phú thì làm gì trong lọ chẳng có những mẩu giấy nhỏ viết “bản thể”, “bản ngã”, “dịch hạch”, “phi lý”?
Từ đầu đến cuối thời kỳ này, lớp trước lớp sau đại khái như nhau.
Thường thường trong giới văn nghệ những kẻ được quần chúng biết rộng rãi nhất là các thi sĩ, các tiểu thuyết gia. Nhưng vào thời kỳ này những tác giả viết triết luận lại được đọc nhiều, được tiếp đón ồn ào. Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Thiện, Trần Thái Đỉnh, Kim Định v.v... đều nổi tiếng nhanh chóng, được giới trẻ hoan nghênh. Sách triết học thành ra sách “hốt bạc” của các nhà xuất bản, tên tuổi các triết luận gia thành ra “mốt” ăn khách trên thị trường. Theo kinh nghiệm riêng của chúng tôi khi chủ trương nhà Thời Mới thì hai cuốn sách bán được nhanh nhất nhiều nhất là hai cuốn liên quan đến triết học, tức cuốn Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh và cuốn Những trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại dịch của André Maurois. Trong các sách do nhà Huệ Minh của Hồ Hữu Tường ấn hành cuốn được yêu chuộng rộng rãi nhất chắc chắn là cuốn Trầm tư của một tên tội tử hình. Tử hình hay không tử hình, thấy “trầm tư” là khoái rồi. Khi Trần Phong bắt đầu ra tạp chí Văn và chủ trương nhà xuất bản Giao Điểm, ông kêu gọi liên tiếp trong nhiều tháng trời người hợp tác dịch các tác phẩm của Jean Paul Sartre và Albert Camus.
Thơ, truyện, kịch v.v... lúc bấy giờ lắm khi lân la đến gần triết học. Thơ Thanh Tâm Tuyền được nhắc nhở rộng rãi có lẽ một phần cũng là vì những câu tối tăm trong ấy “có vẻ” ngụ một ý nghĩa triết lý, trông “hình như” có thể suy diễn ra một ý nghĩa triết lý, vì đọc “nghe như” hàm ngụ nhiều tư tưởng. Truyện và kịch của Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan (những cuốn Phù thế, Ảo ảnh, Thành Cát Tư Hãn, Người viễn khách thứ mười v.v...) có khuynh hướng triết lý. Nguyễn Mạnh Côn thì nói hẳn ra là ông “đi vào lập thuyết” với cuốn Mối tình màu hoa đào.
Hồi trước cũng có Trần Trọng Kim viết Nho giáo, có Nguyễn Đình Thi, Lê Chí Thiệp viết về triết học Tây phương, về siêu hình học v.v..., và kẻ đọc nhiều hiểu rộng bao giờ cũng được dư luận kính trọng, tuy nhiên chưa lúc nào có cái không khí ham mê triết như trong thời kỳ sau này. Ham mê ồn ào như giới trẻ mê tài tử điện ảnh, mê ca sĩ; như giới mộ điệu tôn sùng các cầu thủ bóng bầu dục, các võ sĩ quyền Anh v.v... Dĩ nhiên số lượng người biết đọc sách ít hơn số người xem hát, xem đấu bóng đánh võ, ít hơn nhiều lắm lắm; nhưng những “phong trào” sách Kim Định, sách Phạm Công Thiện có thể làm chúng ta liên tưởng từ chuyện nọ đến chuyện kia.
Thật ra, chúng ta không phải là một lớp quái nhân dị hợm. Chẳng qua thế hệ này sinh nhằm một thời hoảng loạn: không riêng ở miền Nam Việt Nam mà hầu như đâu đâu cũng dấy lên một niềm khao khát triết lý, ngoại trừ trong thế giới cộng sản. Nhiều lần trong lịch sử, loài người đã trải qua những cơn khủng hoảng, hoặc chuyển biến sâu xa, và đó cũng là những thời kỳ huy hoàng của triết học. Như thời đại Thích Ca với 62 triết thuyết và 6 đại môn phái của tư tưởng cổ điển Ấn-độ; như thời Chiến quốc ở Trung Hoa, thời của những Lão Tử, Khổng Tử, Bách gia chư tử; lại như thời kỳ chiến tranh Péloponèse ở miền bán đảo Hi-lạp với bao nhiêu là triết gia Platon, Socrate v.v...; như thời kỳ sau Cách mạng Pháp và các cuộc chiến tranh ở Âu châu, với những Kant, Hegel, Marx... Rồi đến thời kỳ này, sau hai cuộc thế chiến, và dưới sự đe dọa của một thảm họa chiến tranh nguyên tử, lại tưng bừng những triết thuyết của Sartre, Camus, Heidegger, Jaspers v.v...
Xưa kia loài người sống từng vùng cách biệt nhau, chuyện Hi-lạp không ảnh hưởng đến Trung Hoa, tình hình Trung Hoa không ảnh hưởng sang Ấn-độ. Ngày nay, khủng hoảng là khủng hoảng chung: niềm hoang mang của Âu châu cũng là hoang mang của Mỹ châu, Á châu, cơn buồn nôn phi lý ở bên này cũng làm xây xẩm đến bên kia. Ngoại trừ ở sau bức màn sắt, nơi ai nấy vẫn cứ gối đầu lên một niềm tin đơn giản; còn như chúng ta ở Miền Nam, có sự xao xuyến cũng là điều không sao tránh khỏi. 
 
_________________________
[1]Các đoạn văn vừa trích là trong tập truyện Nhà có cửa khoá trái của Trần Thị NgH.
[2]Dương Nghiễm Mậu, “Rượu, chưa đủ”, trong Tuyển truyện Sáng Tạo, Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ, trang 36, 41.
[3]Như trên.
[4]Tạp chí Văn, Sài Gòn số ra ngày 1-3-70.
[5]Vũ Khắc Khoan, Thần tháp rùa, Ngàn Lau xuất bản tại Hoa Kỳ, 1983, trang 15, 16.
[6]Duyên Anh, Áo tiểu thư, Nguyễn Ðình Vượng xuất bản, Sài Gòn 1971, trang 170.
[7]Vũ Khắc Khoan, Thần tháp rùa, sđd, tr. 15, 16.