Các yếu tố của sinh hoạt văn học
Phần 3
Xuất bản

Một thời kỳ mới
 
Sau tác giả và độc giả, nên nhìn qua một chút vào giới xuất bản. Trong sinh hoạt văn nghệ, ngoài kẻ viết người đọc ra, hoạt động xuất bản lắm lúc cũng có một ảnh hưởng đáng kể. (Bằng chữ “xuất bản” tôi muốn nói chung cả các công việc in sách, phát hành sách.) Chẳng hạn trong cái sinh hoạt văn nghệ lưu vong của chúng ta hiện nay, việc xuất bản sách gặp khó khăn trong sự phát hành ở những quốc gia quá rộng lớn: chắc chắn điều đó có kiềm hãm sự phát triển văn nghệ không ít. Giả sử có được một tổ chức phát hành đứng đắn, phổ biến ấn phẩm rộng rãi, thu nhặt đầy đủ tiền bạc từ các đại lý để thanh toán cho nhà xuất bản, cho tác giả, thì từ 1975 đến nay hẳn phải có nhiều tác phẩm Việt ngữ ra đời hơn, nền văn học Việt Nam ở hải ngoại hẳn là phong phú hơn nhiều. Lại chẳng hạn trong thời kỳ 1954-75 ở Miền Nam có hiện tượng những nhà xuất bản do văn nghệ sĩ chủ trương, cái đó chắc chắn cũng gây một ảnh hưởng không nhỏ vào cục diện văn hóa: nếu không có những nhà xuất bản ấy, có thể một số lớn tác phẩm giá trị đã không có cơ hội ra đời, và thành tích văn học Miền Nam do đó nghèo đi nhiều.
Liên quan đến chuyện xuất bản, trong khoảng trước sau vài mươi năm ở Miền Nam có những sự kiện đáng chú ý:
Hồi tiền chiến một cuốn “Sách Hồng” cho trẻ con giá bán 50 xu thì 1 xu mua được 2 cái trứng vịt; sau này lúc một cuốn sách cho trẻ bán 50$ thì mỗi cái trứng vịt giá 45$.[1] So với vật thực, với món ăn cho thể chất, thì món ăn tinh thần xuống giá gần 100 lần. Sách báo rẻ hẳn đi, rẻ mạt, dễ mua quá chừng.
Hồi trước người Việt Nam còn học bằng tiếng Pháp, đa số độc giả đọc Pháp văn, trong các hiệu sách phần sách báo ngoại ngữ quan trọng hơn là phần Việt ngữ. Hiệu sách Khai Trí lúc bấy giờ thường bán 70% sách ngoại văn (trong số ấy 50% là Pháp văn), so với 30% sách Việt ngữ. Sau này hàng ngày bán ra độ chừng 80% sách Việt, 20% sách ngoại văn.[2] Ấy là ở tại Sài Gòn, chứ tại các tỉnh sách báo ngoại ngữ càng ít hơn nhiều. Sách Việt thắng lớn, gần như độc chiếm thị trường.
Ấy là chưa kể những chuyện vẫn thường được nói đến, như dân số gia tăng, như sĩ số gia tăng cực nhanh, số trường đại học mở thêm nhiều, trong đó các phân khoa về nhân văn bao giờ cũng vượt xa những ngành học về khoa học kỹ thuật.
Như thế, ngành xuất bản có nhiều lý do để phát triển mạnh. Và thực ra, nó đã phát triển. Riêng ở đô thành Sài Gòn đã có cả nghìn nhà in, 150 nhà xuất bản.[3] Những nhà xuất bản như Sống Mới, Khai Trí, Trường Thi, Nguyễn Đình Vượng, Trí Đăng... những nhà phát hành như Thống Nhất, Nam Cường, Đồng Nai, Á Châu v.v..., mức hoạt động của họ chắc chắn các đồng nghiệp thời tiền chiến không thể nào sánh nổi. Nhà Lá Bối chẳng qua là một nhà xuất bản cò con: không có hàng đoàn xe chở sách đi các tỉnh, không có nhà in riêng, không xuất bản sách giáo khoa, thậm chí không có cả một cửa tiệm ngoài đường phố; ấy vậy mà khi cộng sản chiếm Miền Nam, đến tịch thu kho sách Lá Bối ở Tân Phú (ngoại ô đô thành Sài Gòn) chở đi suốt hai ngày mới hết, số sách tịch thu trị giá đến 60 triệu đồng tiền cũ.[4]
Số lượng các nhà xuất bản tăng lên nhiều, số lượng ấn hành của mỗi tác phẩm cũng tăng thêm dù không cao lắm. Hồi tiền chiến mỗi tác phẩm mỗi lần in trung bình chừng hai nghìn bản; sau 1954 đại khái số ấn hành trung bình mỗi lần cho một tác phẩm văn nghệ là ba nghìn bản.[5]
Ngành xuất bản phát triển về qui mô, và cũng cải tiến về kỹ thuật. Cuốn sách ra đời ở Sài Gòn trước 1954 về mặt hình thức trông xoàng xĩnh. Thanh Nam có một nhận xét: “Hình bìa do họa sĩ Lê Trung trình bày. Ông này vẽ cả trăm cô gái trên bìa sách, bìa báo đều giống nhau như đúc, gái quê hay gái thành phố thì cũng đều có khuôn mặt như đầm lai, mắt to như mắt búp-bê, riềm mi cong vút, mũi cao, môi trái tim, ngực nở, eo thon và đặc biệt thân mình cô nào cô nấy ngắn ngủn”.[6] Loại bìa trình bày kiểu ấy về sau này rồi vẫn còn tiếp tục xuất hiện trên các sách bình dân, nhưng phần lớn sách báo khác đã có bộ mặt trang nhã mỹ thuật hơn nhiều; sách do các nhà Cảo Thơm, An Tiêm, Quan Điểm, Thời Mới, Lá Bối, Sáng Tạo v.v... ấn hành, có thứ giản đơn có thứ cầu kỳ kiểu cách, nhưng nói chung đều đẹp, nhờ ở sự cộng tác của một thế hệ họa sĩ lớp mới: Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung, Đinh Cường v.v...
 
Một hiện tượng mới: xuất bản tài tử
 
Ngành xuất bản có lớn mạnh nhưng giới văn nghệ không hưởng được mấy ở cái qui mô lớn mạnh ấy: các nhà xuất bản chuyên nghiệp dần dần chuyển hướng hoạt động về phía sách giáo khoa, họ bỏ rơi các nhà văn. Và đó là một đặc điểm của tình hình xuất bản trong thời kỳ này.
Trước 1954 một mặt sĩ số trong nước chẳng được bao nhiêu, một mặt sách giáo khoa tiếng Việt do nhà nước soạn thảo ấn hành, sách tiếng Pháp được in từ Pháp gửi sang bán, do đó mà giới xuất bản chỉ có in sách văn nghệ. Văn gia với xuất bản gia lúc bấy giờ thật khắng khít.
Sau 1954 mối liên hệ ấy dần dần hóa lỏng lẻo. Độc giả văn nghệ không tăng mấy mà kẻ cần sách giáo khoa thì tăng vùn vụt. In một nhan đề sách văn nghệ mỗi kỳ đôi ba nghìn cuốn, tiêu thụ chậm chạp; in một nhan đề sách giáo khoa bậc trung học vào mỗi kỳ khai giảng có thể tới mười lăm, hai chục nghìn bản, bán vèo vèo, tới tấp. Như thế mãi tíu tít dồn người trông coi khu vực sách giáo khoa chưa xiết, có đâu ôm đồm cả sách văn nghệ. Do đó có nhà đành từ biệt sách văn nghệ, có nhà chỉ còn thì giờ in văn nghệ phẩm lai rai vào những tháng rảnh rỗi giữa niên khóa, có nhà không trực tiếp đảm trách mà chỉ bảo trợ một số tay xuất bản cò con chuyên về sách văn nghệ: nhà Sống Mới đỡ đầu những nhóm Vàng Son, Phù Sa, Đất Sống..., nhà phát hành Hiện Đại thì đỡ đầu những nhà xuất bản Gió, Kinh Thi, Khai Phóng, Kẻ Sĩ v.v...
Chúng ta đã có lần nói về hoạt động xuất bản của các nhà văn thời kỳ 54-75, cho rằng tự xuất bản lấy sách mình thì văn sĩ kiếm được một món tiền khá hơn là bán tác phẩm, và họ lại được tự do chọn in những cuốn mình thích, khỏi phải tùy thuộc vào sự phán đoán của nhà xuất bản. Đến đây chúng ta thấy rằng ngoài những lý do chủ quan ấy còn có cái lý do khách quan do tình thế đặt ra: nhà văn bấy giờ không tiện chen lấn nhau với các nhà giáo, chen lấn trong thế bất lợi, trước con mắt hững hờ của giới xuất bản. Họ ra tay tự lo lấy việc của mình vậy. Trong số các văn gia kiêm việc xuất bản có kẻ làm vì lý do này người làm vì lý do khác, không phải ai nấy đều chờ đợi đủ ba lý do.
Tự xuất bản sách sớm nhất là Nguyễn Hiến Lê, Thế Phong (nhà Đại Nam Văn Hiến), Bình Nguyên Lộc (nhà Bến Nghé); những vị này trước sau gần như chỉ in sách của mình mà thôi: nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê ra đời năm 1954 in đến hàng trăm nhan đề, nhà Bến Nghé thì ít hơn. Sau đó nhà Thời Mới do Võ Phiến chủ trương bắt đầu hoạt động từ năm 1962 đã xuất bản trên 50 nhan đề, nhà Sáng Tạo của Doãn Quốc Sỹ ra đời năm 1963, nhà Lá Bối của Nhất Hạnh ra đời từ tháng 10-1964 đã ấn hành chừng 120 nhan đề, nhà An Tiêm tách từ Lá Bối ra năm 1965 cũng in chừng 80 nhan đề, rồi nhà xuất bản Huệ Minh của Hồ Hữu Tường, nhà Phù Sa của Sơn Nam và Ngọc Linh, nhà Giao Điểm của Trần Phong Giao, nhà Ngèi Xanh của Nguyễn Ngu Í, nhà Thương Yêu của Nhã Ca, nhà Tuổi Ngọc của Duyên Anh, nhà Trình Bày của Thế Nguyên, nhà Thái Độ của Thế Uyên, nhà Ca Dao của Hoài Khanh, nhà Huyền Trân của Nhật Tiến, nhà Kẻ Sĩ của Tô Thùy Yên, nhà Quan Điểm của nhóm Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, nhà Mặt Đất của Nguyễn Đức Sơn, nhà Hoàng Đông Phương của Nguyễn Thị Hoàng v.v... Từ trước đến nay chưa bao giờ văn giới ào ào lăn vào doanh nghiệp đông đảo đến thế. Đó là hiện tượng độc đáo của một thời kỳ.
Nguyễn Hiến Lê tính ra trong năm 1964 tại Sài Gòn có bốn năm nhà gọi là lớn trên tổng số trên tám chục nhà xuất bản. Số còn lại là... cò con; có lẽ đa số là của văn nghệ sĩ. (Con số này tăng dần cho đến “những ngày cuối cùng” của Nguyễn Khắc Ngữ, thành ra là 150 nhà.) Ông Nguyễn Hiến Lê cũng có mô tả cảnh “hoạt động” của các nhà xuất bản nghệ sĩ, một chuyện ngộ nghĩnh chắc chắn là hiếm thấy ở các nước Tây phương: “Các vị ấy rán bóp bụng để dành một số tiền, xuất bản lấy tác phẩm rồi phát hành lấy. Không mướn một người làm công nào cả. Vợ chồng con cái chia nhau mà làm hết mọi việc và chịu sống rất chật hẹp để có chỗ chứa sách ngay ở phòng viết, phòng ăn, phòng ngủ, bất kỳ nơi nào có một chút chỗ trống. Khách tới mua sách dù chỉ là mươi cuốn được vài trăm đồng thì gia đình cũng nhốn nháo cả lên: tìm xem sách chất ở đâu (nhiều người chưa quen có thứ tự), leo lên lấy, phủi bụi, rồi mở ra đếm, giao cho khách, tính tiền, thu tiền..., cảnh cảm động mà thực vui. Hạnh phúc trong gia đình ở chỗ cùng tiếp tay nhau làm việc.”[7] Trong số “các vị” được hưởng thứ hạnh phúc này tất nhiên có ông Nguyễn Hiến Lê, kẻ dẫn đầu, kẻ khởi xướng, có đầy đủ thẩm quyền để phát biểu thay cho cả giới.
Về mặt kinh doanh, in sách văn nghệ không đem lại một lợi tức lớn lao, đúng như sự tính toán khôn ngoan của các nhà xuất bản chuyên nghiệp. Bằng chứng hiển nhiên là sau mười năm, mười lăm năm hoạt động, không có một nhà văn nào giàu có nhờ xuất bản cả. Trái lại, vào cuối thời kỳ, vào những năm 72, 73, 74, khi mà các nhà sách giáo khoa “hốt bạc” lớn thì các nhà xuất bản in sách văn nghệ đa số lâm cảnh kẹt vốn, lần lượt ngưng hoạt động. Đến 1974 thì hoạt động này như tê liệt hẳn.
Kể ra trong tình trạng bình thường, in sách (kể cả sách văn nghệ) không phải là một sự phiêu lưu mạo hiểm, một cuộc “hy sinh” cho văn hóa. Ở ta lúc bấy giờ cuốn sách in ra phải trả cho nhà in 25%, trả tác quyền 10%, giảm cho nhà phát hành từ 40% (nếu gửi bán, thu tiền sau) đến 50% (nếu bán ngay lấy tiền mặt), tặng biếu, hư hao, ế đọng chừng 10% (nếu bán lấy tiền mặt được ngay thì khỏi bị hư hao ế đọng). Như vậy chi ra tất cả 85%, lời được 15%. Ấy là nói về trường hợp sách tiêu thụ được trọn vẹn. Dĩ nhiên thỉnh thoảng có những cuốn không bán được, nằm ì ra hàng đống, đè lên cái vốn nhỏ nhoi èo uột của người văn nghệ sĩ. Dù sao cuốn này bù cuốn khác, rốt cuộc công việc vẫn tiến hành được đều đều hàng chục năm trời, cho đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, nó mới gặp bế tắc, cái bế tắc chung cho nhiều hoạt động khác trong xã hội.
Nhưng về mặt văn hóa, hiện tượng người văn nghệ làm xuất bản đã cải thiện tình thế đáng kể. Văn nghệ sĩ xuất bản thì thường thường về hình thức sách in đẹp hơn, về nội dung sách được chọn lựa tinh hơn giới kinh doanh chuyên nghiệp. Như thế là phải, bởi vì việc trình bày minh họa do các họa sĩ bạn bè thân hữu, việc tìm chọn bản thảo do chính người văn nghệ đảm nhiệm. Người ta nhận thấy các nhà xuất bản này dám chọn dám in những tác phẩm đầu tay của các tác giả chưa có tên tuổi, điều mà giới chuyên nghiệp rất ngần ngại; mặt khác họ lại không bị cái món lợi lớn lao của những sách bình dân sách tiêu khiển cám dỗ: hình như không có nhà xuất bản nào do văn nghệ sĩ chủ trương mà in loại truyện Kim Dung, Quỳnh Dao, in truyện gián điệp, trinh thám v.v...
Hơn nữa, sự tin cậy vào một tên tuổi văn nghệ, vào một cơ sở xuất bản có uy tín khiến độc giả mạnh dạn hơn trong việc mua sách. Nhất là vào giai đoạn mà tình hình chiến tranh sôi động và kinh tế khó khăn làm giảm sức mua của quần chúng thì vai trò của những nhà xuất bản này thật là quan trọng. Võ Hồng trước cho xuất bản một cuốn truyện là Hoài cố nhân, sau đó nhiều năm vẫn không được mấy ai chú ý, từ khi sách của ông được các nhà Thời Mới và Lá Bối ấn hành tự dưng số người đọc ông tăng hẳn lên. Lại như trường hợp cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên. Cuốn ấy trước đã do Nhượng Tống dịch, sau này do hai ông Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi dịch lại. Khi Lá Bối định in cuốn sau thì bản dịch của Nhượng Tống, do Khai Trí tái bản vẫn còn trên thị trường. Ông Nguyễn Hiến Lê đến nhà Khai Trí dò hỏi tình hình, được ông Khai Trí cho biết: bản dịch Nhượng Tống in ba nghìn bản cách đã ba năm, chỉ bán được hai nghìn. Nhà Lá Bối bèn in ra ba nghìn bản khác và bán trong vòng sáu tháng thì hết sách mà thư các nơi còn gửi về tới tấp đòi mua thêm.
Trong các nhà xuất bản loại này, Lá Bối là trường hợp đặc biệt: tuy do cá nhân phụ trách nó lại có cái danh nghĩa của giáo hội Phật giáo, nó vừa nương theo sức mạnh của phong trào Phật giáo lúc bấy giờ vừa dựa vào uy tín của nhà văn Nhất Hạnh vừa nhờ ở sự quản trị tận tình của tu sĩ Từ Mẫn.
 
Kiểm duyệt
 
Liên quan đến chuyện xuất bản trong thời kỳ này, chúng ta nghe nhiều tiếng kêu than về vấn đề kiểm duyệt. Kiểm duyệt, thật ra giới cầm bút Việt Nam đã phải đối đầu với nó lâu rồi, từ hồi Pháp thuộc, Nhật thuộc cho đến nay; dưới các chế độ thực dân, phong kiến rồi cộng sản, chưa bao giờ sách báo Việt Nam được hưởng tự do thực sự. Tuy vậy trước kia ta không có sức chống đối, sau này ở Miền Nam sự chống đối bày tỏ công khai và mỗi lúc mỗi ồn ào: công kích trên báo chí, sách vở, phản đối bằng kiến nghị, chế giễu bằng thơ, bằng họa v.v..., dựa trên Hiến pháp mà chống đối thẳng tay. Tú Kếu chẳng hạn réo chửi “mụ già Kiểm duyệt” thậm tệ:
Mặt vác lên như cái mẹt!
Mõm heo đớp chẳng vừa
Răng chuột chuyên đục khoét
Hôi như bọ hung
Độc hơn bọ chét
Nhìn thấy chữ là cắn là cào
Trông thấy mặt là la là hét!”
Không những mắng Kiểm duyệt, ông còn xỉ vả đích danh Chánh sở Kiểm duyệt nữa:
Ông chánh sở thiệt là huê mỹ
Mang họ Văn thì vẻ phải hay
Thế mà từ bấy lâu nay
Riêng ta cứ tưởng là tay cù lần.
... Họ Văn đục chữ đã đau
Lại còn tên Thái, cơ cầu hay chưa?
... Đè đầu ông Thái hết mình
Giống như thằng mõ giữa đình thái... gân
!”
Có lúc Tú Kếu nổi sùng, văng tục:
Phối hợp như ông phối cái gì
Càng thêm mọi rợ xứ man ri
Phối vê bạc cắc, quân cường đạo
Hợp giết ngôn từ, lũ tặc nhi
Nghệ đã tinh thông nghề thái thịt
Thuật đang bành trướng thuật nâng bi!
Mẹ cha văn hóa buồn năm phút
Sửa soạn mang chôn chốn nhị tỳ
.”
Kể ra một “mụ Kiểm duyệt” chịu đựng được chừng ấy lời réo chửi dữ dằn thì mụ cũng không có vẻ gì hung tợn. Vả lại xứ sở đang lâm chiến với cộng sản, và thực tế sau 1975 cho thấy rõ là trước đó đã có rất nhiều cán bộ văn hóa cộng sản nằm vùng chấp hành những kế hoạch phá hoại hiểm độc tại Sài Gòn, cho nên chế độ kiểm duyệt bấy giờ không phải không cần thiết. Một số nhà văn như Nguyễn Mạnh Côn hồi ấy trước sau không chịu ký tên vào bất cứ bản kiến nghị chống kiểm duyệt nào.
Nhưng điều oái ăm là kiểm duyệt không hoàn toàn hữu hiệu trong việc ngăn chống hoạt động của cộng sản mà lại gây ra nhiều rắc rối trở ngại cho sinh hoạt văn nghệ. Phần lớn các tai hại bực mình gây ra là do luật lệ điều hành có những khoản lúng túng, luộm thuộm, không hợp lý, nhất là do nhân viên phụ trách thiếu hẳn khả năng và tư cách.
Chẳng hạn giấy phép xuất bản có lúc có giá trị trong sáu tháng, có lúc lại chỉ có giá trị trong vòng ba tháng. Những tác phẩm dày từ khi nhận được giấy phép cho đến khi in xong thường quá thời hạn ấy, phải xin kiểm duyệt lại, và rồi lại bị cấm: bao nhiêu là vốn liếng của nhà xuất bản đi đời!
Lại chẳng hạn một cuốn triết luận của Đoàn Nhật Tấn bị cấm vì đề cập đến thuyết tiến hóa của Darwin (Chấp nhận vượn thành người là duy vật cộng sản!), một cuốn truyện của Võ Hồng bị cấm vì kể chuyện kháng chiến chống Pháp, một cuốn truyện của Bùi Đăng đã được chính bộ Thông tin mang ra quay thành phim lại bị nhân viên cấm lầm để rồi sau đó hối hả cấp giấy phép trở lại! v.v... Thậm chí chánh sở kiểm duyệt có người đã nói bô bô là sở có nhiệm vụ ngăn chận những sách “kém giá trị”, chỉnh đốn hay loại bỏ những chỗ “văn chương tồi tệ” v.v...
Thoạt đầu dưới nền đệ nhất cộng hòa, tình hình còn ổn định, chính sách không thay đổi liên tiếp, giấy phép xuất bản sách không cần phải hạn định hiệu lực quá ngắn. Về sau, tình hình biến đổi thoăn thoắt, chính phủ lập lên đổ xuống liền liền, chủ trương đường lối của mỗi chính phủ mỗi khác, có những vấn đề những nhân vật lúc này nói được mà lúc khác không tiện nói đến, sự thực hôm nay không thực đến ngày mai: bản thảo đành ba tháng xét lại một lần!
Lại nữa ban đầu, hồi đệ nhất cộng hòa, kiểm duyệt là công việc của cả một hội đồng liên bộ, chủ tịch là giám đốc nha Báo chí bộ Thông tin; vì vậy kêu rêu có kêu rêu (văn giới lúc nào chẳng kỵ kiểm duyệt?), nhưng nhiếc móc xỉ vả thì chưa có. Về sau, nó tụt dần xuống hàng một sở nằm trong bộ Thông tin, do một viên chánh sự vụ điều khiển; nhân sự ban đầu còn khá, càng lâu kẻ khá rút đi dần, phải vơ bèo vạt tép, dùng đến hạng chẳng có kiến thức gì, ngồi làm mục tiêu cho những giễu cợt xỉa xói của dư luận.
 
________
GHI CHÚ
Khi tập sách này đang in, tôi may mắn được đọc bộ Hồi ký của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, gặp đoạn nói về ngành xuất bản và lối làm việc của văn giới Miền Bắc, xin mạn phép trích dẫn ý kiến của một nhân vật vẫn được tin cậy:
(...) Tôi thấy ngành xuất bản ngoài đó không phát triển mạnh, sách báo in chỉ bằng một phần năm trong Nam; đa số, có thể nói là gần hết nhà văn, nhà biên khảo làm việc ít, chậm, không hăng say, không “đua nở”. Trong hai chục năm sau ngày tiếp thu Hà Nội, không có nhà văn nào cho ra được chín, mười tác phẩm, trung bình chỉ được một, hai.
Không có gì kích thích họ sáng tác mạnh. Họ đều là công chức, dù không viết gì thì cũng được lãnh khoảng 60$ một tháng, thời trước 1975, tạm đủ sống một mình; nếu viết lách thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, bè phái thì mới hi vọng được in; vì vậy ta thấy nhiều cuốn có lời đề tựa của một “anh lớn”, thứ trưởng, viện trưởng... nào đó, điều đó tối kỵ ở trong Nam.
Bản thảo gởi tới một nhà xuất bản, phải bị kiểm duyệt vài ba lần, một lần về tư tưởng, một lần về hình thức, gì gì đó; thoát được mấy cửa ải đó lại phải qua vài lần duyệt nữa xem có hợp thời không, có đáng in ngay không và có ngân sách, có giấy để in không. Phải có ông lớn nào đặc biệt ủng hộ mới mau được in, nếu không thì bị dìm cả chục năm như bộ Tự điển truyện Kiều của Đào Duy Anh; hễ năm sáu năm sau được in thì cũng đã là may rồi. Nhà xuất bản nào cũng có cả mấy chục tác phẩm chưa in được, nhà văn có tên tuổi nào cũng có vài ba tác phẩm nằm ở nhà xuất bản. Có nhà khảo cứu bỏ ra mấy năm soạn một bộ công phu mà không in được, chính phủ an ủi bằng cách trả cho một số tiền nhỏ vài ba trăm đồng rồi giữ bản thảo làm tài liệu cho một cơ quan. Như vậy ông giám đốc một nhà xuất bản lớn thành như một lãnh chúa về văn hóa.
(Hồi ký, trang 584) 
 
_________________________
[1]Nhận xét của ông Khai Trí trong phiên họp tiểu ban Nhân văn thuộc Hội đồng Văn hóa và Giáo dục, ngày 27-2-1974.
[2]Do ông Khai Trí cho biết vào phiên họp đã nói.
[3]Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, tủ sách Nghiên Cứu Sử Địa, Gia-nã-đại, 1979, trang 97.
[4]Thư của ông Từ Mẫn, giám đốc nhà Lá Bối, viết ngày 13-3-84.
[5]Đầu năm 1969, tạp chí Bách Khoa từ số 289 đến số 295 có đăng loạt bài phóng sự của Ngê Bá Lí về ‘Tình hình xuất bản sách trước và sau biến cố tết Mậu Thân 1968’.
Theo ý kiến của các vị được phỏng vấn thì các năm 1965-1966 là những năm cực thịnh của ngành xuất bản ở Miền Nam. Chúng tôi xin lược kê một ít con số hoạt động như sau:
Nhà xuất bảnSố lượng ấn hành mỗi kỳ cho mỗi tác phẩm
Nhiều nhất
5000
7000
?
3000
2500
3000
?
?
?
5000
9000
Trong số các nhà xuất bản trên đây, hai nhà đặc biệt in nhiều: nhà Văn Nghệ chuyên tái bản sách của Khái Hưng và nhà Văn chuyên in loại sách phổ thông bán giá hạ, trả tác quyền thấp. Ngoài ra, nhà Miền Nam chuyên in lại các tiểu thuyết đã đăng vào nhật trình.
[6]Thanh Nam, ‘Hai mươi năm viết văn làm báo ở Sài Gòn’, Văn, Hoa Kỳ, số 21, trang 99 và 100.
[7]‘Tình hình xuất bản trong năm 1964’, tạp chí Tin Sách bộ mới số 35, tháng 5-1965.