Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan trọng trong tinh thần, trong tâm trạng đồng bào ta và trong văn học nghệ thuật Miền Nam. Thất vọng Trước hết là sự thất vọng. Những quấy đảo liên miên trong thành phố, tình hình an ninh suy sụp ở nông thôn, khiến người ta lo sợ cho số phận của Miền Nam. Những tham vọng thiển cận điên rồ của một số chính khách và tu sĩ làm cho người ta chán nản, phẫn nộ. Trong năm 1964, Phan Nhật Nam nhiều lần kêu gào thảm thiết về tình hình đất nước khi ông bị điều động từ mặt trận về Sài Gòn để đối phó với các đám biểu tình: “Mắt tôi đỏ hoe, tôi khóc hay lựu đạn làm chảy nước mắt. Ai biết được, nhưng lòng tôi là một biển buồn phiền. Làm sao tôi biết được trong ngày mãn khóa, đời sống đã dành cho người lính ngần này tàn bạo và tủi hổ (...)”[1] “Chúng tôi rời Sài Gòn trong hơi thở dài nhẹ nhõm, một tháng ở Thủ đô đủ để tạo thành sụp đổ tan hoang trong linh hồn, đủ để thấy rõ sự phản bội của hậu phương, một hậu phương lừa đảo trên máu và nước mắt của người lính (...). Một tháng đủ để ‘vỡ mặt’ lính non cũng như lính già.”[2] Phan Nhật Nam là “lính già”, nhưng là văn sĩ “non”. Ý tôi muốn nói ông thuộc lớp trẻ. Nỗi thất vọng của người trẻ lồng lên dữ dằn. Trái lại, ở lớp văn sĩ “già” sự thất vọng nó lim lỉm, không buồn lên tiếng: nó lặng lẽ chuyển hóa thành một chán chường đối với tất cả mọi sự trên đời. Vũ Khắc Khoan chẳng hạn, hồi 1957, gán cho người thần nữ của tháp Rùa câu nói giục giã tin tưởng: “Thời đã đến, ắt là cái thế chung cho phần đông thiên hạ. Vả lại kiếm thần sẽ giao phó tận tay, chàng ngần ngại ư?”[3] Thần bảo: “Thời đã đến”, thì còn ngần ngại gì nữa, chàng đòi giao kiếm ngay tức khắc! Người lúc nào cũng sôi nổi hơn thần (nhất là nữ thần), cho nên một lần khác “Khoan tôi” không ngần ngại xuất hiện, tự nhận là một trí thức tiểu tư sản, đối thoại trực tiếp với một đảng viên cộng sản, và buông lời kết thúc dứt khoát: “Sáng rồi. Chúng ta có thể từ giã nhau, như những nhân vật chính của một tấn kịch ba màn có hậu. Ông về Hà Nội. Còn tôi, tôi phải lên đường. Ông đã giữ phần chủ động trong suốt màn hai. Giờ đây màn ba khai diễn. Màn ba là của tôi, của chúng tôi.”[4] — Cũng được, màn ba của ông cũng được đi. Tiếc thay, màn tư là một màn thảm hại; và trong các vở kịch của ông Vũ, từ Thành Cát Tư Hãn về sau, đều một giọng hư vô, tuyệt chẳng còn chút tin tưởng vào cái gì nữa. Vào trí thức, không; vào giai cấp tiểu tư sản, không; vào chính nghĩa, vào thắng lợi, cũng không; thậm chí vào cuộc đời cũng không luôn. Không có cuộc sống nào đáng sống hết. Ông cợt nhả cả với Trời. Lại chẳng hạn như Nghiêm Xuân Hồng, bạn ông. Ông Nghiêm là một người lưu loát, giỏi biện luận, nặng lòng với thế cuộc. Sau hiệp định Genève ông Nghiêm liên tiếp có những tác phẩm suy cứu về một triết thuyết chính trị, một đường lối chính trị cho phía quốc gia. Không những thế, ông còn đi xa vào những vần đề rốt ráo của cuộc sống, vào cái triết lý sống, nói chung. Năm 1957, khi đề tựa cho cuốn Lịch trình diễn tiến của phong trào quốc gia Việt Nam, ông không hẳn là hồ hởi, nhưng giọng tin tưởng, thống thiết thấy rõ. Thế rồi thời thế chuyển sang “màn tư”, ông Nghiêm dần dần rời bỏ các vấn đề chính trị, mà suy nghĩ về... Phật giáo. Bấy giờ mọi cái thành hư ảo cả! Ác ý nào đã khiến tôi vừa nói đến cái “hố” của các ông Vũ ông Nghiêm với giọng đùa cợt? Thật ra đùa cợt thì có, ác ý quả không. Đùa vì viết đến đây chợt nghĩ đến mình: Trong những năm đầu sau hiệp định Genève tôi cũng từng có những lời lạc quan, sau này có lần cán bộ văn nghệ Miền Bắc đem ra giễu cợt bằng thích. Và từ khoảng 1960 về sau tôi cũng dần dần lảng xa những đề tài chính trị, cũng thở ra giọng hư vô, thấy đời toàn là “ảo ảnh”. Thế cuộc đổi thay, “màn” nọ tiếp “màn” kia, nhìn lại những thất thố đã qua, cười một phát cho tan vỡ những bèo bọt của cuộc đời không được sao? Nhăn nhó mà chi! Vả lại, vui lúc đầu buồn lúc cuối, hớn hở sau 54, thất vọng sau 63 trong cảnh hỗn loạn nhiễu nhương, cảnh ấy đâu có riêng gì năm ba kẻ? Nhiều lắm, nhiều lắm. Khi nhận thấy tương lai đen tối quá, bế tắc quá, khi lâm vào một tình trạng bi đát không lối thoát, thế thường người ta đâm ra “cao thượng”, coi khinh mọi sự: lúc bấy giờ Phạm Duy hát “đạo ca”, thậm chí ông Trịnh Công Sơn vừa mới lớn lên cũng thốt lời siêu thoát như một đạo sĩ đầu râu tóc bạc chống gậy trúc dưới một chân núi nào: “Tôi nay ở trọ trần gian Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.” (‘Cõi tạm’) Vũ Hoàng Chương thoạt từ Bắc vào cất giọng ca ‘bài ca Bình Bắc’, sau này không buồn nhắc đến chính trị nữa, chỉ những nói về thiền, về tình yêu thuở bé, về lửa từ bi, hoặc tẩn mẩn xếp chữ thành nhị thập bát tú, hoặc xóc đảo ngược xuôi mấy nghìn câu Kiều trong những trò chơi thần tình... Tinh thần ông không chỉ xuống đến chừng ấy mà thôi, tức xuống đến trò chơi chữ. Có độ ông Vũ bảo hẳn với Nguyễn Mạnh Côn ông hết muốn sống. Nhận lời tiếp một phỏng vấn viên của báo Văn, ông gặp một người bạn tới lui nhiều lần, thực lòng muốn tìm hiểu mình, đến một lúc nào đó người thi sĩ chợt quên độc giả, quên cái quần chúng sẽ đọc bài phỏng vấn nọ, mà thốt lời tâm sự với bạn như thể giãi lòng trong chỗ riêng tư giữa nguời thân với nhau. Không còn chút ảo tưởng gì nữa, ông nói thẳng tuột: “Tôi bây giờ chỉ chờ ngày chết thôi. Lắm lúc muốn tự tử. Thơ không viết nữa, giá viết cũng không người đọc.” Nguyễn Mạnh Côn kêu: “Câu tâm sự thoáng qua, nghe mà lạnh gáy. Tôi về rồi, một tuần sau trở lại, yêu cầu anh xác nhận. Anh gật đầu.”[5] Đã đành ở đây ông Vũ nói về chuyện văn chương, nhưng ông cũng như Nhất Linh, chắc chắn dù có thất bại, có nản lòng, có cảm thấy cô đơn đến đâu trên văn đàn, những nhân vật nọ cũng không nghĩ tới chuyện ra đi giữa một thời kỳ ổn định, sáng lạn, một tình hình quốc gia đầy hi vọng. Thiền vị Từ khí thế hăng say đến một thái độ siêu thoát, từ thế dấn thân chính trị đến cái lối nghêu ngao đạo ca v.v..., cái đó do tình hình một phần, phần khác cũng là do tư tưởng Phật giáo bấy giờ phổ biến rộng rãi. Trong giai đoạn đầu, cái trung tâm du nhập các tư tưởng mới từ ngoài vào để phát ra khắp nước là viện đại học Huế của linh mục Cao Văn Luận, với tờ Đại Học, với những cây bút ăn khách bấy giờ là Nguyễn Văn Trung, là Nguyễn Nam Châu. Sau này, cán bộ ở Miền Bắc vào bới móc sinh hoạt văn hóa của Miền Nam cũng ghi nhận: “... Những hoạt động giới thiệu triết học Tây phương còn tấp nập hơn nhiều. Lực lượng chủ yếu là một số trí thức Thiên chúa giáo, có người dạy đại học, có người là linh mục.”[6] Họ kể một loạt những khảo luận của “người” nọ “người” kia, hoặc do nhà xuất bản Nam Sơn ấn hành, hoặc đăng tải trên tạp chí Bách Khoa. Những “người” ấy không ai khác hơn là ông Nguyễn Văn Trung và linh mục Trần Thái Đỉnh. Và cái tư tưởng được mang ra phổ biến là tư tưởng của những Gabriel Marcel, Merleau Ponty, Emmanuel Mounier v.v..., đại loại những triết gia hiện sinh Thiên Chúa giáo. Sang giai đoạn sau, sự tình thay đổi. Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh vẫn viết, vẫn dạy học, dạy ở đại học Sài Gòn, đông đảo sinh viên hơn ở Huế; tuy nhiên chiều hướng tinh thần đã đổi khác, sự hâm mộ cuồng nhiệt của quần chúng độc giả chuyển sang những tác giả khác. Sang Nhất Hạnh chẳng hạn. Ông là một cây bút đa tài: ông viết luận thuyết về triết lý, về tôn giáo, viết truyện, làm thơ, viết ký v.v..., đều có giá trị. Tuy vậy, sức lôi cuốn của ông trong những năm sau 1963 không ở cả nơi cái giá trị ấy. Bởi vì sau 1975 Nhất Hạnh vẫn viết vẫn in, vẫn do nhà Lá Bối xuất bản, phát hành rộng rãi trong các cộng đồng Việt kiều, thế mà chẳng còn gây được tiếng vang nào nữa. Đến đâu, ông cũng gặp một sự dửng dưng, hờ hững. Vẫn nhà Lá Bối ấy mà in sách của Doãn Quốc Sỹ (Đi), của nhiều tác giả (Tắm mát ngọn sông đào) từ trong nước gửi ra thì gây dư luận xôn xao, bàn tán sôi nổi, nhưng in đến sách của Nhất Hạnh thì chẳng báo nào nhắc đến. Còn hồi trước, khi cuốn Đạo Phật ngày nay (1964) của ông ra đời, một sớm một chiều ông thành ngay một “hiện tượng”. Sách ông viết ra có thứ người ta mua để đọc, có thứ để chưng, có thứ để tặng biếu, như một gói trà một bó hoa vào những dịp lễ lạc: tập sách mỏng Bông hồng cài áo (1965) là một trường hợp như thế. Nhất Hạnh không phải là người duy nhất. Cùng với ông, bao nhiêu cây bút khác cũng nổi tiếng nhanh chóng trong phong trào Phật giáo: khảo luận như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, thơ ca như Phạm Thiên Thư, Trụ Vũ v.v... Nhiều người trước không chuyên về Phật học, sang giai đoạn này cũng thường đề cập đến Phật, đến thiền: Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ, Lê Văn Siêu. Tap chí Giữ Thơm Quê Mẹ (xuất bản từ tháng 7-1965), tạp chí Vạn Hạnh (xuất bản từ tháng 1-1970), viện đại học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Lá Bối (ra đời tháng 10-1964), bấy nhiêu cơ sở văn hóa qui tụ văn nghệ sĩ, trí thức để phát huy ảnh hưởng văn hóa Phật giáo. Ảnh hưởng ấy rộng rãi và mạnh mẽ. Câu chuyện đã kể trước đây về một cuốn sách dịch do hai nhà Khai Trí và Lá Bối ấn hành bán khác nhau ra sao cho thấy lòng tin của quần chúng đối với một cơ sở văn hóa Phật giáo bấy giờ như thế nào. Ngoài ra nhiều nhà xuất bản khác cùng đua nhau in sách về Phật về Thiền của những Suzuki, Khrisnamurti, sách dịch Chí tôn ca (Bhagavad Gita) v.v... Hương thiền tỏa rộng và thấm sâu vào thi ca. Những quân nhân như Tô Thùy Yên, như Nguyễn Bắc Sơn... có một vẻ “ngất ngưởng” đẹp đẽ: họ uống rượu với bạn, với gió với trăng, uống trước hiên trên gác, uống ở bờ sông bến phà những lúc dừng quân, uống trước giờ đụng trận hay sau khi đụng trận, họ nói cười đùa giễu về chuyện sống cũng như chuyện chết, họ vào sanh ra tử lúc nào cũng khơi khơi, coi cái chết như không, coi chuyện đời như phù vân, coi kẻ thù như một lũ khờ dại đáng thương, coi “chính nghĩa” như chuyện nhảm nhí, chỉ có hạng mê muội mới hăng say... “Buổi chiều uống nước dòng Ma Hý Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh Hỡi ôi sống chết là mưa nắng Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình” Nguyễn Bắc Sơn (‘Thảo khấu’)[7] “Bậc thánh triết là những tay biếng nhác Sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh Kết bạn bè cùng cây cỏ vô minh Rất chán ghét những trò chơi thế sự (...) Và vĩ nhân là những cây láo lếu Như ta đây chờ sung rụng ngoài hiên.” Nguyễn Bắc Sơn (‘Đại lãn’) Nguyễn Đức Sơn thì trước 1960 đã có nhiều thơ (ký Sao Trên Rừng) nhưng về sau này trong thơ ông bỗng thêm vài yếu tố mới: dục tình và thiền vị. Hoài Khanh sau 1963, sau một thời gian “coi sóc” tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ, cũng dịch một số tác phẩm có tư tưởng Phật, cũng đưa lác đác chữ nghĩa Phật giáo vào thơ. Nói chung, “đá” một ít danh từ nhà Phật vào văn vào thơ là chuyện khá phổ biến. Lắm khi bóng Phật không hiện, chỉ một cái gì lờ mờ gợi ra một liên hệ mơ hồ với một quan niệm thoát trần, xa tục lụy: “Sớm ra thấy núi xanh rì Ngóng mây ngoài nội trôi đi giạt về Bước vào sương đục bên khe Sương dâng mặt suối phủ lề cỏ xanh” Vũ Hữu Định (‘Cảm ngộ’) “Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi Khiến cả lòng ta cũng rách tưa Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ” Tô Thùy Yên (‘Trường Sa hành’) Trong tiếng bom đạn ầm ĩ nghe văng vẳng tiếng chuông tiếng mõ, giữa máu lửa kinh hoàng bỗng lừng lững một thái độ thanh thản khinh khoái. Dấn thân Chúng ta vừa để ý đến một thay đổi: từ tích cực dấn thân chính trị sang một thái độ hư vô tiêu cực. Đó chỉ là một. Các biến chuyển sâu xa trong tình hình Miền Nam sau 1963 đã có những tác động khác nhau trên tinh thần các lớp người, các thành phần khác nhau, và đưa tới nhiều thái độ khác nhau. Trong khi lớp người từng phản đối chối bỏ cộng sản, thấy Miền Nam ổn định thì mừng thấy hỗn loạn thì mất tin tưởng, trong khi ấy một lớp khác, thuộc thế hệ trẻ tuổi hơn, thế hệ văn nghệ chủ động vào chặng 1960-63 như đã nói trước đây, lúc bấy giờ (sau 1963) một số tác giả thuộc thế hệ ấy lại chuyển sang thái độ dấn thân chính trị. Lớp sau này — như Nhật Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điều, Nhã Ca v.v... — hồi 1954 hoặc họ còn nhỏ hoặc họ lớn lên trong thành, chưa từng biết đến cộng sản là gì, nên không hề quan tâm đến chuyện chính trị: họ chỉ viết về các đề tài xã hội, tình yêu v.v... Sau 1963, chiến tranh nổ lớn, hoặc họ bị động viên vào quân ngũ, trực tiếp nhìn rõ đối phương, hoặc ít ra họ chứng kiến “thành tích” hoạt động cộng sản đó đây quanh mình. Và đến lúc này họ có ý kiến về cộng sản. Họ lên tiếng. Nhã Ca thuở mới làm thơ viết văn là một cô gái hiền lành không từng có lời nào đề cập đến chính trị chính triếc gì cả, sang giai đoạn sau 1963 bà dần dần mỗi lúc mỗi lớn tiếng tố cáo cộng sản (Đêm nghe tiếng đại bác, Tình ca cho Huế đổ nát, Giải khăn sô cho Huế v.v...). Dương Nghiễm Mậu của Cũng đành, Con sâu, Gia tài của người mẹ v.v... là một Dương Nghiễm Mậu của triết lý xa vời; sau 1963 ông vào lính mang máy ký âm đi các chiến trường, tai nghe mắt thấy máy ghi những chuyện đau thương man dã, lúc bấy giờ ông viết về đại lộ Kinh hoàng ở Quảng Trị, về vụ chôn sống tập thể ở Huế, về những “địa ngục có thật” trên trần gian; ông bớt than phiền về nỗi cuộc đời vắng bóng Thượng Đế, vì mải lo kêu trời về nỗi đời đầy giặc dữ. Lê Tất Điều trong giai đoạn đầu chăm dõi theo những đứa trẻ ngộ nghĩnh, sau này trong Đêm dài một đời, trong Ngưng bắn ngày thứ 492 ông viết về mìn về bom đạn cộng sản. Nhật Tiến hồi 1957, 58 cho đến 1961, 62, cũng loay hoay với những đứa trẻ mồ côi, những bà con lao động trong các xóm nghèo ở đô thành (Những người áo trắng, Những vì sao lạc, Mây hoàng hôn, Ánh sáng công viên, Chuyện bé Phượng v.v...); sau này trong Giấc ngủ chập chờn (1969) ông quay sang số phận những thằng Há, thằng Đực, thằng Hoành, lão Đối, lão Năm Điếc v.v... những kẻ lăn lộn trong chém giết triền miên lẫn nhau ở một làng quê. Còn Phan Nhật Nam, ông là một cơn phẫn nộ, một trận lôi đình ầm ĩ trước những bạo tàn ngoài tiền tuyến, những xáo trộn vô trách nhiệm ở hậu phương. Ông lăn xả vào thời cuộc chính trị, vào chiến trận quân sự, ông văng tục xỉ vả tưng bừng. Trái ngược với lớp trẻ mười năm trước, ông dấn thân hết mình, bám sát thời thế. Ông nổi cáu, mạt sát những người cầm bút lè phè ở thành phố, không biết đến cuộc chiến trên quê hương, những Mai Thảo, Viên Linh (Dọc đường số 1). Cũng nên ghi nhận một điều: là giận dữ, chống báng cộng sản, không có nghĩa hài lòng đối với chế độ ở Miền Nam, xã hội Miền Nam. Nói cho đúng, hầu hết giới cầm bút nam vĩ tuyến 17 sau 1963 không nhiều thì ít đều có lời phàn nàn nhà cầm quyền. Tờ Thái Độ do Thế Uyên chủ trương (ra đời từ tháng 7-1969), tờ Đời do Chu Tử chủ trương (xuất bản từ tháng 9-1969) là những tạp chí vừa chống cộng vừa chiû trích chính quyền mạnh mẽ, hô hào cải cách xã hội, xóa bỏ bất công. (Trong hai vị vừa nói, Chu Tử không phải là một người trẻ tuổi, nhưng lại là một tác giả của giai đoạn sau, không từng có tác phẩm xuất bản trước 1963.) Và ngay Lê Tất Điều, Nhật Tiến, Phan Nhật Nam, Nhã Ca v.v... cũng không ngớt chỉ trích chính quyền và xã hội rất mạnh mẽ. Phản chiến Lớp trẻ lại có cách dấn thân khác, cách dấn thân của những người không tham dự. Không phải khi chiến tranh bùng nổ mọi người đều cùng nhau chiến đấu, tất nhiên. Có những kẻ vì lý do này lý do nọ được miễn được hoãn quân vụ, có những kẻ đi ra nước ngoài rồi chùng chình nán lại, có những người tránh né không chịu tham gia chiến cuộc v.v... Thường thường tiếng nói phản đối chiến tranh cất lên từ khối này. Kẻ ngoại cuộc nhìn cuộc chiến đấu từ một vị trí khác, từ một hoàn cảnh khác, với một tâm lý khác người trong cuộc. Hoặc mãi ở xa xôi, hoặc nơi các bàn giấy, các tòa soạn tại thủ đô, ở các tu viện giữa đô thị an toàn v.v..., không phải đối đầu với những cuộc tàn sát của đối phương, không mục kích những tang tóc đau thương do đối phương gây ra cho đồng đội, cho đồng bào, không có dịp gần gũi những nạn nhân của chính sách đối phương tại thôn quê..., họ dễ thấy lòng thanh thản, không hận thù, họ rộng thương cả đôi bên, họ ái ngại cho sự “điên cuồng” của đôi bên. Sống ở hải ngoại hay ở đô thị, không phải lặn lội ngoài chiến trường, họ cũng lại có cơ hội và thì giờ theo dõi các trào lưu tư tưởng Âu Mỹ, đọc nhiều sách báo Âu Mỹ lúc bấy giờ tràn ngập lý luận phản chiến. Từ những “Che” Guevara, ban tứ quái The Beatles, những anh em hippy giữa các đám biểu tình phản chiến trùng trùng điệp điệp, cho đến những tên tuổi vang lừng khét tiếng Bertrand Russel, Jean Paul Sartre, Herbert Marcuse... đều đứng về phía họ. Phía tả, phía tiến bộ, phía cách mạng. Cho nên họ đem lòng yêu chuộng hòa bình, họ tin tưởng ở sự hòa hợp hòa giải trên tinh thần dân tộc, họ nghĩ trước hết người trong một nước phải thương nhau cùng, họ thấy chống cộng giết cộng không giải quyết được gì, không giải quyết căn bản vấn đề: vấn đề là san bằng bất công xã hội, là mở rộng tự do dân chủ v.v... Trong khi Bắc Việt rầm rộ kéo vào đánh tới tấp, Miền Nam có những công việc “căn bản”: chẳng hạn chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, chẳng hạn đấm ngực tự vấn để sửa sai cho kỳ hết bất công, độc tài, tham nhũng v.v... Hết những cái xấu xa đó, họ cho rằng tức khắc cộng sản tự tiêu: nó không có chỗ bám, nó không có lý do để nẩy sinh v.v... Như thế trong khi Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng,Vũ Hoàng Chương, Võ Phiến... từ những đề tài chính trị thoát ra những suy tưởng xa vời ngoài thế cuộc; trong khi Nguyễn Mạnh Côn đi từ Đem tâm tình viết lịch sử sang Mối tình màu hoa đào, thì Nguyễn Văn Trung lại từ những nhận định triết học chuyển sang một cuộc dấn thân chính trị mỗi lúc một sôi nổi. Như thế, trong khi Phan Nhật Nam, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu... tố cáo cộng sản, thì Thế Nguyên, Nguyễn Ngọc Lan, Nhất Hạnh, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương v.v... mải miết tố cáo chính quyền (Miền Nam) độc tài, tham nhũng và xã hội (Miền Nam) bất công, tan rã... Nguyễn Văn Trung chủ trương tạp chí Hành Trình ra số 1 vào tháng 10 năm 1964. Đến tháng 11 năm 1967 ông xuất bản tờ Đất Nước, đi xa hơn vào chính trị. Lữ Phương cùng với Vũ Hạnh cho ra tờ Tin Văn vào tháng 6 năm 1966 dưới sự lãnh đạo của cán bộ văn nghệ cộng sản Nguyễn Văn Bỗng. Tháng 3-1968, Thế Nguyên xuất bản tờ Trình Bày. Trong bấy nhiêu tạp chí, tờ Tin Văn nhận sự chỉ đạo của cộng sản nên theo sát đường lối đấu tranh của họ trong giai đoạn bấy giờ; các tờ Hành Trình và Đất Nước nặng về lý luận, đăng những thiên luận thuyết công phu. Tất cả đều không tờ nào “dữ dội” bằng tờ Đối Diện của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, ra đời vào tháng 7-1969. Đối Diện thẳng tay đập phá chính quyền, sẵn sàng lặn vào bí mật lúc cần để tiếp tục xuất bản ngoài vòng kiểm duyệt, đập phá cho đến lúc chính quyền Miền Nam khuỵu xuống thì Đối Diện thành ra Đứng Dậy! Sau này, tháng 11 năm 1984, trên tạp chí Nhân Văn số 31 xuất bản ở San Jose, California, sau mười năm mất nước sống đời lưu vong, cô Thủy Tiên cười cười thỏ thẻ với độc giả về một số “tiền bối”: “Trình Bày và Đối Diện là hai tạp chí đã có nhiều bài báo đóng góp rất lớn cho cộng sản trong việc thôn tính Miền Nam đó (...). Còn tạp chí Vấn Đề thì không làm như vậy, nhưng dường như họ cũng chả làm gì cả ngoài việc làm... dáng thôi.” “Đóng góp” cho cộng sản là làm giặc rồi còn gì. Như vậy hai hạng tiền bối được nói đến đều nhảm cả: kẻ làm giặc người làm dáng. Trong số làm giặc cô Thủy Tiên và độc giả chỉ có dịp đề cập tới nhóm Trình Bày và Đối Diện thôi, kỳ thực ngoài tờ Tin Văn là thuộc hẳn của “giặc” rồi, những tờ Hành Trình, Đất Nước, cũng “đóng góp” được đáng kể đấy. Nghiêm chỉnh, trịnh trọng và ngây thơ, họ đóng góp đều đều chăm chỉ cho cộng sản. Còn Vấn Đề (số 1, tháng 4-1967) là báo của Vũ Khắc Khoan với Mai Thảo, và những bạn bè trong nhóm Quan Điểm. Tức là những trí thức tiểu tư sản làm cách mạng. Làm cách mạng bằng lý luận, bằng kịch, bằng tiểu thuyết mãi không xong; nản lòng, xoay ra làm dáng. Sau Vấn Đề, rồi tờ Ý Thức (số 1, năm 1970) cũng từa tựa như vậy. Thành thử rốt cuộc đại khái lớp có kinh nghiệm thấy trước sự đổ vỡ liền thoát rời thế cuộc, đâm viễn vông, ỡm ờ; lớp thiếu kinh nghiệm thì mơ tưởng cộng sản, diễn lại cái cảnh trong thành mơ ngoài khu hồi trước 1954; mặt khác những kẻ hoặc đang ở trong quân đội, trong guồng máy chính quyền, trực diện tiếp xúc đối đầu với cộng sản, do đó hiểu biết dã tâm thủ đoạn cộng sản, hoặc có dịp tự mình hứng chịu hay mục kích các tội ác cộng sản trong chiến cuộc thì căm giận cộng sản, còn những ai ở ngoài quân đội, ngoài chính quyền, thì cứ mãi biện minh cho vị thế bàng quan, yêu hòa bình của mình. Hậu bối Thủy Tiên nhìn lại, không lấy thế làm điều đáng kính. Yêu đương Một mặt chế độ khắc khổ của đệ nhất cộng hòa không còn, người ta muốn sống “cởi mở”. Mặt khác, chiến tranh ác liệt, sự sống càng bấp bênh, người ta càng gấp hưởng thụ, càng sống “vội”. Vả lại trong tình trạng hỗn độn của cảnh nông dân ùa về đô thị lánh nạn, của cảnh đô thị bị pháo kích tấn công, kinh tế suy sụp, tiền bạc mất giá, chợ đen chợ đỏ hoành hành, người người lăn ra làm đủ mọi nghề kiếm sống, trong tình trạng ấy mấy ai còn bảo vệ được cái giá trị đạo đức giá trị tinh thần cổ truyền nữa. Mấy ai còn duy trì nổi nếp sinh hoạt nghiêm chỉnh nữa. Cho nên thời để chết cũng là một thời... để yêu. Giai đoạn thứ nhất thiên hạ thanh bình, nhưng không thể sánh nổi với giai đoạn sau về mặt ái tình. Hoàng Ngọc Tuấn giả vờ hỏi: Hình như là tình yêu? — Ối! còn gì ngờ vực đâu! Không “hình như” gì cả. Ông là thơ là mộng, là tình; ông chính thị là tình yêu nguyên chất rồi đó. Toàn bộ tác phẩm của ông không nói chuyện gì khác hơn là chuyện yêu nhau. Ông sống giữa Tết Mậu Thân, giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, mà ông không hề nói đến chiến tranh, ông không thèm biết đến nó, đến cái chuyện rầy rà xấu xa ấy. Ông phủ nhận nó. Ông yêu ra rít từ đầu tới cuối. Ông yêu thiên nhiên, yêu người đẹp, yêu mọi thứ đáng yêu trên đời: từ điếu thuốc lá hút trong mùa đông mưa dầm giá rét đến tách cà-phê trong phòng trà ca nhạc thủ đô. Thời Nghiêu Thuấn không dễ tìm được một kẻ vô tâm ca ngợi các sinh thú ở đời kỹ như ông. Và Hoàng Ngọc Tuấn không phải là cây bút duy nhất của giai đoạn 64-75 sở trường về tình yêu. Nếu duy nhất, ông sẽ là trường hợp bất thường, là một hiện tượng, không có tính cách tiêu biểu. Hoàng Ngọc Tuấn không cô độc. Ông có đông đảo bạn bè, những bạn bè tiêu biểu cho một giai đoạn... ướt át. Thật vậy, như Nguyễn Thị Hoàng chẳng hạn, cũng sở trường không kém. Lại như Lệ Hằng, như Trần Thị NgH..., không sở trường à? Còn Lê Xuyên, tuy ông có dính líu đến những chuyện phong tục địa phương, chuyện đồng quê, chuyện bưng biền, ông hay sử dụng một số kỹ thuật kích thích dục tình v.v... nhưng thực ra độc giả theo dõi ông trước sau cốt yếu vẫn là để xem một cách yêu nhau, thế thôi. Mai Thảo, Viên Linh trước 1963 kẻ thơ người văn, vẫn có những đề tài riêng: sau 1963 các vị ấy đều xoay ra “chuyên trị” tình yêu. Viết không đủ đọc, còn dịch cả truyện tình tứ phương mà đọc. Nào Quỳnh Dao, nào Quách Lương Huệ, La Lan, Từ Tốc, Y Đạt, nào Francoise Sagan, Eric Segal, Jacqueline Suzann v.v... Truyện tình được dịch nhiều nhất là của Quỳnh Dao, trước sau ngót vài chục cuốn (16 cuốn truyện dài, 2 tập truyện ngắn, ngoài ra tạp chí Văn còn dành cho bà 2 số đặc biệt). Giai đoạn 1964-1975 không phải chỉ yêu đương đông đảo. Lại còn yêu đương một cách khác lạ nữa. Ngay từ những ngày cuối của giai đoạn trước đã có một cái gì khác thường manh nha trong tình yêu: Truyện Yêu của Chu Tử đã đăng tải trên nhật báo rồi xuất bản từ trước tháng 11-1963. Ở đây không có những pha “nóng bỏng” lắm đâu. Nhưng trong truyện một ông thầy giáo, bạn của bố, lại đi yêu cô học trò con gái bạn mình, và được yêu lại tha thiết. Rồi một ông bố một hôm trông có vẻ buồn được hai đứa con gái cùng đưa đến giới thiệu với một người đàn bà đẹp để làm quen cho vui. Thoắt cái, chặp trước chặp sau, ông bố và người đàn bà kia đã yêu nhau say đắm và ngủ với nhau. Rồi lại một ông giáo sư khác gặp một học sinh cũ của mình, bị cô ta ghẹo như điên, và hai người lại yêu nhau, dĩ nhiên. Đại khái sự việc xảy ra trong truyện thường đột ngột, bất ngờ và hơi trái khoáy như thế. Tóm lại là người đọc bắt gặp một thứ tình yêu... phá thể? Và họ khoái. Thật vậy, theo lời tác giả trong bản in lần thứ hai thì lần đầu cuốn Yêu in năm nghìn bản, bán hết ngay trong vòng hai mươi lăm ngày. Có lẽ thái độ ấy của độc giả khuyến khích các nhà xuất bản: sau này khi Nguyễn Thị Hoàng vừa đăng xong Vòng tay học trò trên Bách Khoa thì đã có nhiều nhà xuất bản đi tìm bà để điều đình in sách.[8] Truyện của Nguyễn Thị Hoàng cũng là chuyện tình yêu thầy trò. Lần này thì thầy là một cô gái. Và cô gái ấy — không giống mọi cô gái ở xã hội ta từ trước đến nay — dám nói về những rạo rực tình dục của mình: “Trâm nhìn khoảng cườm chân trắng nõn của Minh hé lên giữa ống quần và tất đen”, Trâm nhìn “chiếc áo len xanh ngắn rướn lên để hở một khoảng da bụng trắng muốt” v.v... Hồi tưởng lại những đàn bà con gái đã gặp trước đây, không thấy có thế. Tố Tâm nhìn người yêu không trông ra những chỗ như vậy; các cô Loan, cô Nhung, cô giáo Minh v.v... không trông ra; cho đến bà phó Đoan tiếng đồn lẳng nết là thế mà cũng không nhìn thấy những khoảng trắng muốt nọ. Họ yêu họ mê tơi bời, nhưng giá có hỏi họ, họ lắc đầu: “Chẳng thấy gì ráo. Chẳng nhìn chẳng thấy chút gì hết nơi thân xác đàn ông. Đừng đề cập tới những nhảm nhí ấy.” Cô giáo Trâm, cô ta đã nói ra những điều từ trước đến giờ đàn bà con gái không chịu mở miệng. Một cô giáo yêu và chung chạ với học trò đã hiếm; một cô giáo thú nhận cái nhìn thưởng thức của mình hướng vào những khoảng da trắng hé lộ như thế, cái đó càng hiếm nữa, càng mới mẻ hơn nữa. Phá thể. Lại một tình yêu phá thể mạnh quá. Và cũng như Chu Tử, Nguyễn Thị Hoàng lại được hoan nghênh: sách lại bán chạy nhanh. Chiều hướng độc giả đã rõ. Các bậc hậu tiến tha hồ... tiến. Một lần Duyên Anh chợt nhớ lại thời trẻ của mình, thời còn đi đón người yêu nữ sinh trước cổng trường “thập thò dưới gốc cây gần cổng trường con gái, chờ chuông reo tan học để nghe tim mình rộn rã, bồi hồi. Em không quên chứ, những buổi chiều vàng niên thiếu? Em thường ra sau hết. Anh ngơ ngác nhìn em. Rồi em e thẹn mỉm cười. Và thong thả bước ngược con đường về. Đã yêu nhau nhưng vẫn ngượng. Anh đi sau em, cách cả mấy thước đường. Tại sao, hồi đó, chúng mình dễ xấu hổ thế, em nhỉ? Anh theo em băng qua vườn Bờ-rô tới bến xe buýt xanh. Hai đứa leo lên xe, ngồi cạnh nhau, mỗi đứa mua một vé. Làm như xa lạ lắm.”[9] Duyên Anh nghĩ đến hiện tại: “Dường như, bây giờ, những cậu con trai đứng chờ người yêu ở trước cổng trường con gái không còn rụt rè, xấu hổ giống anh và bạn bè anh thuở ‘tuổi hai mươi đến’. Mỗi thời đại có một cách tỏ tình. Cách tỏ tình của chúng mình, ngày xưa, thơ mộng và lãng mạn tuyệt vời, em nhỉ?”[10] “Ngày xưa” với “ngày nay” cách nhau chừng mười lăm mười sáu năm. Ngày xưa Duyên Anh từ Bắc vào hẹn hò với nữ sinh vào khoảng các năm 1955, 56; ngày nay thành văn sĩ viết tựa sách năm 1971. Trong khoảng thời gian ấy, vật đổi sao dời. Nhân tâm thế đạo khác nhiều. Duyên Anh nói không sai. Không phải chỉ cô bé học trò ngồi xe buýt với “anh” là hay xấu hổ, hãy tìm xem lại những thiếu nữ trong các truyện của Thanh Nam xuất bản hồi đó: họ cũng nết na, “cổ điển” như vậy. Thành thử nào thời cuộc xáo trộn vì chia rẽ tranh chấp, nào những tai ương thảm họa vì chiến tranh, nào những triết lý những phong trào mới từ Tây phương v.v... nhiều yếu tố xúm nhau biến giai đoạn loạn lạc này thành một giai đoạn vừa mùi mẫn vừa ngổ ngáo. (Hoặc giả có người bảo: Giai đoạn trước mà thiếu ái tình à? — Thực ra chắc chắn không có giai đoạn nào thiếu hẳn món ái tình. Nguyên Sa quả tình tứ, lại còn bị người đời nhắc nhở về một bàn tay năm ngón táy máy nữa. Thế nhưng liệu ông có đa tình hơn “thầy” Phạm Thiên Thư sau này? Nói chung, đàn ông bay bướm dõi theo tà áo nọ áo kia là chuyện thế gian thường tình. Dẫu cho khi thân mật mà bàn tay có nghịch ngợm, cũng thường tình nữa. Chẳng qua cũng thuộc vào cái thời “lãng mạn tuyệt vời” cả, thời con trai con gái hay “xấu hổ”, thời Duyên Anh “trông vời áo tiểu thư”. Sao có thể sánh kịp giai đoạn nam nữ cùng hừng hực, mắt mũi hau háu chẳng buồn che giấu?) Chính sách tự do và: Xu hướng bình dân Những kẻ gây ra biến cố 1-11-63 không bao giờ nghĩ họ sẽ gây một thay đổi khá quan trọng trong sinh hoạt văn nghệ ở Miền Nam. Sau ngày 1-11-63, chính quyền muốn làm sáng tỏ chính sách “cách mạng”, bèn mở rộng tự do. Cái tự do ấy ít ra đã đưa tới hai kết quả văn học: thứ nhất là sự phát triển của một xu hướng bình dân và của tân văn tiểu thuyết; thứ nhì là sự phát triển của văn thơ hài hước và của loại phiếm luận. Hãy nói về chuyện thứ nhất. Sau cuộc đảo chánh ai nấy tranh nhau ra báo, đặc biệt là nhật báo. Thoắt cái, nội thủ đô Sài Gòn có trên bốn chục tờ báo hàng ngày[11]. Báo ra nhiều thì cần nhiều người viết. Số lượng ký giả chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp hiện có không đủ thỏa mãn nhu cầu. Nhật báo động viên đến các thành phần cầm bút khác: văn sĩ, thi sĩ, tùy bút gia, biên khảo gia v.v... Trước kia một số nhà văn vẫn có làm báo hàng ngày: Bình Nguyên Lộc chẳng hạn; nhưng cái số ấy không lấy gì làm nhiều. Sau 1963, lần lượt kẻ trước người sau, đa số bị kéo vào làng báo. Họ đụng đầu nhau côm cốp trước cửa các tòa soạn nhật báo. Kẻ biết gieo vần thì làm thơ vui, thơ giễu để chọc cười độc giả. Người có tài biện luận thì viết “phim”, viết tạp luận, hài đàm. Nhưng ăn khách nhất là những người viết truyện: nhật báo tiêu thụ rất nhiều phơi-dơ-tông. Nhận viết truyện cho báo hàng ngày tức là ép mình vào một thế kẹt: đã “dính” vào là bị lôi đi tuồn tuột, không thể dừng được. Thành thử trong thời kỳ này sức sáng tác của tiểu thuyết gia bỗng tăng vọt lên. Cùng lượt viết cho năm ba tờ báo một lúc, viết liền trong đôi ba năm, mỗi tác giả đã có vài chục tác phẩm xuất bản. Không gặp “thời thế” đưa đẩy, làm sao phong phú được đến thế. Mặt khác, viết tân văn tiểu thuyết đăng nhật báo, một việc như vậy không phải chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của nhà văn mà thôi, nó còn ảnh hưởng đến bút pháp, văn phong, rồi có thể dần dần đến quan niệm sáng tạo của nhà văn nữa không chừng. Mai Thảo có lần nhận rằng: “Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo (...), đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một văn thể mới, áp dụng một bút pháp mới.” Quả thật phải có văn thể bút pháp khác: truyện nhật trình không thể là thứ truyện cô đọng, văn nhật trình không thể là thứ văn chương cầu kỳ, bí hiểm. Đã chấp nhận viết nhật trình, chấp nhận “xuống đường”, thì phải hòa mình vào quần chúng. Mà một khi hòa mình đôi ba năm liền vào quần chúng, các vị cao sĩ kiểu cách làm sao còn giữ nguyên được kiểu cách xưa! Cho nên xuề xòa như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam... thì thêm một tí xuề xòa nữa sau thời kỳ trăm hoa đua nở của nhật trình; còn các nữ sĩ thoạt tiên ngại ngùng e lệ như Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca v.v..., viết nhật trình riết một lúc rồi ai nấy lưu loát mạnh dạn, ai nấy ào ào như gió táp mưa sa, nữ cũng bạo mồn bạo miệng không kém nam; đến như Mai Thảo, như Thanh Tâm Tuyền v.v..., thuở suy tư trên Sáng Tạo và lúc dạn dày trên các trang nhật trình phong cách thật khác xa! Nhật trình là quần chúng, là quảng đại quần chúng, nhật trình là thời sự, là cuộc sống nóng hổi hàng ngày, là thực tại tươi rói... Nó đối lập với mọi thứ tháp ngà lạnh lẽo, mọi chủ trương nghệ thuật tối tăm, rắc rối, xa cách. Thời của nhật trình là thời của dấn thân vào thế cuộc. Thi sĩ Tú Kếu, thi sĩ Đỗ Quí Toàn (Đạo Cấy) chửi bới như cuốc kêu đều đều mỗi ngày: mắng dân biểu nói càn, nhiếc cộng sản tàn bạo, rủa tổng trưởng, tỉnh trưởng tham nhũng v.v... Văn sĩ Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân, Lê Tất Điều v.v... đeo liền bám riết theo thời sự hàng ngày, không bỏ qua một tin tức nào không “khai thác”. Có kẻ như Chu Tử, như Trần Dạ Từ, như Trùng Dương, như Duyên Anh (Thương Sinh), họ tựa hồ những viên tướng giữa trận tiền, tả xông hữu đột, đánh đông đập tây, họ là chủ báo, là những cấp chỉ huy, họ ủng hộ “cánh” này, họ húc đổ phe kia, họ gây nên sóng gió. Và có những người trong số họ chịu trả giá đắt cho sự xông pha ấy: Từ Chung, Chu Tử... Hoặc phục vụ trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật của đại chúng, hoặc lăn vào cuộc đấu tranh cho xã hội, vào những cuộc cãi cọ gấu ó xỉa xói hàng ngày, vào một thứ “trường văn trận bút” ồn ào náo nhiệt, đàng nào văn nhân cũng ở vào hoàn cảnh phải chọn lối viết sáng sủa, giản dị. Dần dần, người ta đi thẳng tới cách viết dễ đi vào quần chúng nhất, cách hồn nhiên nhất: câu viết như câu nói, lời văn đầy khẩu ngữ. Văn Thương Sinh, thơ Tú Kếu, không những giống câu nói mà còn nhại cả tiếng nói bình dân, với những cái sai cái ngọng của bình dân: mí nhau, liền bà... Theo đà ấy, tiếng lóng ngoài đường ngoài phố dắt díu nhau tràn vào sách báo với nguyên cả nét nghịch ngợm của chúng: sức mấy, bỏ đi tám, em ca-ve thơm như múi mít, đớp hít đều đều v.v... Từ giai đoạn trước 1-11-63 sang giai đoạn sau, cả văn nhân lẫn văn chương đều hóa ra phong trần. Mất đi cái thận trọng chải chuốt, lại lãi được cái sống động, xuề xòa. Dở hay âu cũng tùy thời. Văn thơ hài hước Bây giờ, xin sang kết quả thứ hai của chính sách tự do. Hồi đệ nhất cộng hòa, chính quyền hoặc được kiêng nể, hoặc được bảo vệ kỹ hơn. Người cầm bút có chỉ trích phải dè dặt: Hiếu Chân, Mai Nguyệt, Thần Đăng, Hà Thượng Nhân lúc bấy giờ không hay “đánh phá” các nhân vật cầm quyền. Sang giai đoạn sau, thôi thì không còn kiêng kỵ gì nữa: một tờ báo phát hành mà không chỉ trích ai, không chỉ trích một cái gì là một tờ báo nhạt nhẽo không chịu được. Không kể thứ báo ra đời chỉ nhằm mục đích châm chích thiên hạ như tờ Con Ong (số 1, tháng 10, 1967), tờ Muỗi Sài Gòn (năm 1969) từ đầu đến cuối không có trang nào là trang không hài hước, hầu hết mọi báo khác đều có dành một bài để nhạo báng chế giễu. Báo nào cũng cố tìm cho được một tay đáo để, biết cách công kích, “đánh đấm”, để viết “phim”, viết hài đàm. Vì đánh đấm chuyên nghiệp, cho nên những tay ấy thường chọn bút hiệu lấy từ tên tuổi những hiệp sĩ lừng danh trong truyện Kim Dung: Kha Trấn Ác, Hư Trúc, Kiều Phong... Lại vì đánh đấm bằng nụ cười, cho nên lắm vị khác lại chọn những biệt hiệu nghe ngộ nghĩnh: Sức Mấy, Đạo Cấy, Ký Giả Lô Răng, Tú Kếu v.v... Trong nhiều năm trời dưới chế độ đệ nhị cộng hòa những tay viết phim, những thi sĩ trào phúng như thế tha hồ đánh đấm vung vít; họ nổi tiếng như cồn, được nể vì, lắm khi được sợ hãi nữa là khác. Mỗi người một nét riêng: Thương Sinh tinh quái sát phạt, Kha Trấn Ác đột ngột táo tợn, Sức Mấy hư hư thực thực, Kiều Phong hóm hỉnh thông minh v.v... Có những trường hợp khó khăn: Tiền Tuyến là báo của quân đội, không thể làm diễn đàn đả kích nhân vật chính quyền hay chính sách nhà nước, vì vậy Ký Giả Lô Răng thay vì “đánh đấm” lại chuyển sang viết loại tạp ký nhẹ nhàng, thật có duyên; đôi khi cũng chê khen phẩm bình người này việc nọ, nhưng lời lẽ khéo léo tuyệt vời. Hài đàm, trào phúng thời nào cũng có, nhưng vào giai đoạn sau 1963 ở Miền Nam không khí cười cợt bỗng trở nên náo nhiệt khác thường. Trước nhất là nhờ ở hoàn cảnh tự do tương đối rộng rãi lúc bấy giờ. Ngoài ra, nếu cần nhắc đến vai trò một đôi cá nhân, thật không nên quên Chu Tử. Nhà văn ấy cũng là một nhà báo có biệt tài, nhiều sáng kiến, can đảm, mưu cơ...; ông đã đem vào làng báo một không khí mới. Những mục “Ao thả vịt”, “Nói chuyện với đầu gối” v.v... trên báo ông có phần đóng góp đáng kể vào những sáng kiến trào phúng một thời. Thời đại mới và: Văn hóa tiêu khiển Vừa rồi chúng ta có ý nghĩ phong trào báo chí sau 1963 đã lôi văn nhân xuống đường, kéo họ nhập vào quần chúng, bắt họ tập lối viết lách giản dị, sáng sủa. Đó là khía cạnh tốt đẹp. Trong nhiều trường hợp, khi đã lôi được nó không bằng lòng ngừng lại ở chỗ nên ngừng; “được thể”, nó lôi tuột đi thật xa. Và đã có những văn nghệ sĩ kêu trời. Năm 1973, khi phải chọn cái truyện ngắn thích nhất để gửi in vào tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, nữ sĩ Túy Hồng đã chọn thiên truyện thứ ba trong đời cầm bút, tức cái sáng tác hoàn thành trong những ngày đầu tiên. Bà viết: “Bây giờ, sau khi đã tự hủy diệt rất nhiều ở nghiệp viết thuê cho báo hàng ngày, tôi khó lòng viết lại được những truyện ngắn như những truyện ngắn ở tập truyện đầu tay.” Và chúng ta đã biết, Nguyễn Thị Thụy Vũ còn cay đắng hơn, độc mồm độc miệng hơn, gọi cái việc viết truyện là... đi khách! Còn Sơn Nam, ông không thèm so sánh hơn thua dở hay giữa truyện nhật trình với các truyện khác: ông phủ nhận luôn loại truyện ấy, ông cho là nó không phải văn chương. Đáp lời một cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn, ông bảo: “Vài nhà văn đem tiểu thuyết đăng báo in thành sách, trình bày đứng đắn, không bán giảm giá, nhưng sách đó khó gọi là văn chương.” “Vài” nhà văn thôi sao? Phải nhiều hơn chứ. Và trong số ấy có...Sơn Nam, buồn thay. Bởi lẽ những cái “khó gọi là văn chương” lại ăn tiền đáng kể. Cho nên thật khó cầm lòng: tuy không chắc nó thuộc về văn chương vẫn cứ viết nó, rồi lại cứ in nó như thường. Tôi vừa kể tên Sơn Nam trong số những kẻ yếu lòng ấy, ông đừng ngờ tôi có ý xấu. Không có gì xấu cả, và những tác giả như ông không phải là một thiểu số trót làm điều nhảm nhí. Số tác giả như thế đông đảo lắm Và họ cùng nhau gây nên cái hiện tượng độc đáo của thời đại này, thời của kỹ thuật truyền thông đại chúng, của những món hàng tiêu thụ trong đó có thứ hàng hóa...văn chương. Ở Âu Mỹ ngày nay nhật trình không có lệ hay đăng truyện nữa, nhưng Âu Mỹ lại có những món khác. Những món cũng hơi khó gọi là văn chương mà lại rất gần với văn chương, cũng phục vụ đại chúng, cũng ăn tiền bộn bề. Ở Pháp chẳng hạn, Marcel Duhamel chủ trương loại sách “Série noire” từ 1945 đến nay, đã bán ra hơn nửa tỷ cuốn sách; gần đây các loại truyện khoa học giả tưởng, truyện gián điệp, rồi đến loại truyện bằng hình vẽ, bằng hình chụp (nghe nói bán đến năm triệu tập mỗi tháng) v.v...những loại đó thành công to mà một phần lớn cũng khó gọi là văn chương lắm chứ không sao? Vẫn ở Pháp bây giờ người ta nhận thấy 80% các tác phẩm bị quên mất ngay một năm sau khi xuất bản, và hai mươi năm sau thì bị quên tới 99%. Thành thử cái tính chất của sự thành công bây giờ nó cũng đổi khác so với ngày xưa. Bây giờ, quần chúng cần nhiều, đọc nhiều, tiêu thụ nhiều, nhưng xài xong là vụt ngay quên ngay, là vội vàng đi kiếm cái mới ngay, không còn cái lối chắc lưỡi tấm tắc khen đi khen lại hoài như ngày xưa. Bên ta thay vì mê “série noire” người ta mê truyện nhật trình, mê truyện chưởng Kim Dung. Đại khái cũng thế thôi. Mê Kim Dung như người Miền Nam mê vào những năm cuối thập niên 60 thật là quá cỡ: từ cậu học sinh trung học cho đến ông giáo sư đại học, từ anh lính chân chì cho tới ông tướng đôi ba sao, từ anh cán bộ phù động cho tới các ông tổng bộ trưởng, ai nấy đọc chưởng như điên, nói chuyện chưởng như điên. Bao nhiêu là văn nhân ký giả Việt Nam mang tên những nhân vật Kim Dung. Hết Kim Dung đến Quỳnh Dao. Rồi cũng có “série noire” nữa. Mặc dù không quan trọng như ở Âu Mỹ, nhưng sự đóng góp của “série noire” vào phong trào văn chương tiêu khiển Miền Nam cũng không thể bỏ qua: chuyện điệp viên này điệp viên nọ, thầy Nô thầy Niếc, chuyện rùng rợn dưới thời Đức Quốc xã, chuyện hoạt động Mafia v.v..., các thứ truyện trinh thám gián điệp Tây phương dịch ra đều được hoan nghênh. Năm 1972 sách dịch chiếm 60% tổng số sách ra đời, năm 1973 sách dịch tiến lên 80%, bao gồm nhiều loại nhưng tất nhiên loại tiêu khiển thuộc đa số. Món hàng văn hóa tiêu thụ xuất hiện tại một xứ nghèo làm phát sinh ra cái hiện tượng cho thuê sách. Thật vậy, giai đoạn sau 1963 cũng là giai đoạn của sách cho thuê và báo cho thuê: nhật trình thuê đọc xong rồi trả lại chỉ mất có tí tiền mà mỗi ngày đọc được bao nhiêu là thứ báo, bao nhiêu là truyện chưởng, tiểu thuyết phơi-dơ-tông! Còn sách, sách bị “khai thác” dữ quá, khiến giới xuất bản phải tính kế đối phó. Bấy giờ đã có những nhà xuất bản nghĩ ra cách in thật sát lề để... hại giới cho thuê: sách trước khi đem cho thuê phải đóng cặp bìa nhựa vào cho chắc, nếu không chẳng mấy lúc bị tơi tả ngay; nay chữ in sát lề thì còn đục lỗ đóng bìa sao được nữa! Sách tiêu khiển, những sản phẩm văn hóa phù du ấy từng tràn ngập Sài Gòn, hoành hành dữ dội một độ, khiến lắm người hốt hoảng. Trên các tạp chí Bách Khoa, Đất Nước, Trình Bày... đều có bài về nó. Tạp chí Văn số ra ngày 8-6-73 có cuộc phỏng vấn nhiều người trong các giới cầm bút, xuất bản, phát hành — từ Vũ Hoàng Chương cho đến các ông Sống Mới, Nam Cường — về sách dịch. Những sản phẩm văn hóa ấy, nó không đi cùng, không sánh vai với các trước tác công phu của thánh hiền, nó thích đi đôi với... phim chưởng. Nội trong một năm 1973, số phim chưởng nhập cảng là 206 bộ! Truyền thông và thương mãi Cuốn sách bây giờ nó thường cặp kè với những hình thức truyền thông: dĩ nhiên nó lém lỉnh chọn cặp kè với hình thức nào có thể dễ dàng đưa nó vào quần chúng rộng rãi hơn. Thơ thì ao ước đi với nhạc, truyện thì ham đi với phim ảnh. Trước thỉnh thoảng cũng có những nhạc sĩ khoái thơ, cao hứng phổ nhạc một bài. Nhưng đó là chuyện họa hoằn. Sau này, ngoài những trường hợp kể trên, lại bao nhiêu là trường hợp khác thơ được mang đi nhờ phổ nhạc, rồi tức tốc đưa lên đài (phát thanh). Trong cái sản lượng mênh mông của thơ văn ngày nay mà một thi phẩm kiên nhẫn nằm chờ ngày nổi tiếng, chờ được thiên hạ biết đến, thì sốt ruột quá. Cứ được một “em” ca sĩ hát trên đài hay trong các phòng trà một cái là om sòm ngay. Trước 1963, phòng trà chưa thành phong trào; vào giai đoạn sau 1963 phòng trà phát triển, ca sĩ hưởng danh tiếng lớn, thơ bèn nảy ý đi sát nhạc. Để ý đến tình hình phát triển của họa và nhạc người ta nhận thấy trước 1963 là giai đoạn tung hoành của họa, sau 1963 là giai đoạn tung hoành của nhạc. Thật vậy, hầu như mọi họa sĩ tên tuổi của thời kỳ sau Genève tại Miền Nam đều xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1963. Các họa sĩ gọi là trẻ — trẻ đến như Trịnh Cung, Nguyễn Trung v.v... — đều nổi tiếng trước 1964; còn “già” như Thái Tuấn, Duy Thanh v.v...thì càng được biết tên sớm hơn. Sau 1963 không còn cái không khí sôi nổi của những cuộc Triển lãm Hội họa mùa Xuân mùa Thu nào, không còn được mấy nhân tài mới ra đời, trên báo chí cũng không mấy khi nói về hội họa nữa. (Cuốn Tìm hiểu hội họa của Đoàn Thêm được xuất bản năm 1962, cuốn Tìm đẹp cùng tác giả xuất bản năm 1964.) Trái lại sau 1964 thì có lắm nhạc sĩ mới (như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phạm Thế Mỹ, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương...), ca sĩ mới (như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan...), ban nhạc, đoàn hát mới (như The Dreamers của gia đình Phạm Duy, đoàn du ca của Nguyễn Đức Quang), các phong trào nhạc mới (như phong trào Hát cộng đồng, như Trầm ca, Tâm ca, Du ca, Đạo ca, Dân ca...); những cứ điểm tạo không khí mới cho sinh hoạt ca nhạc là những phòng trà (được nói nhiều nhất là Đêm Màu Hồng), những quán cà-phê lớn có nhỏ có mọc lên khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Sự phổ biến rộng rãi của những phương tiện kỹ thuật (máy ghi âm, phát âm Hi Fi...) từ khi quân đội Mỹ sang Việt Nam đông đảo càng giúp cho ca nhạc lan tràn nhanh thêm. Ca nhạc thành một cái “mốt”. Năm 1970, tạp chí Đời số 57 có mở một cuộc phỏng vấn các “Văn thi sĩ hôm nay”, trong đợt đầu đưa lên 35 vị. Mỗi vị đều nhận được 16 câu hỏi của tạp chí Đời, hỏi từ chuyện sáng tác đến chuyện đời tư (tình yêu, thú tiêu khiển, kỷ niệm vui buồn v.v...). Về các sở thích riêng, báo có hỏi các vị ấy thích đọc sách gì, thích chơi bài gì, thích hút thứ thuốc lá gì? v.v... Không hề có câu hỏi: thích loại tranh nào? thích họa sĩ nào? nhưng tất nhiên là có câu hỏi: thích giọng hát nào? Một số rất ít các vị tuổi tác không có ý kiến, nhưng các văn thi sĩ “hôm nay” thì đều phát biểu sôi nổi cả. Mỗi vị mê một giọng. Thơ gặp nhạc như... rồng gặp mây. Phạm Thiên Thư mà được tình tứ thêm chắc chắn là một phần nhờ nhạc Phạm Duy. Cho nên độ ấy thi sĩ thân thiết với nhạc sĩ khá nhiều mà gây rắc rối cho nhạc sĩ vì chuyện phổ nhạc cũng có nữa! Còn truyện với phim, ôi cũng keo sơn quá lắm. Trước 1964 tiểu thuyết Việt Nam được đưa lên màn ảnh rất hiếm. Sang giai đoạn này thì cơ hồ có một phong trào thi đua nhảy vọt... vào màn ảnh, thi đua giữa các nhân vật tiểu thuyết. Vào khoảng các năm 1972, 73, 74, tạp chí Văn mở một loạt phỏng vấn các nhà văn. Đối với nhiều tiểu thuyết gia, báo có đặt ra câu hỏi về chuyện truyện được quay phim, Nhã Ca cho biết có ba tác phẩm, Bình Nguyên Lộc cũng có ba, Duyên Anh có bốn, Nguyễn Thị Hoàng nói đến vài tác phẩm; ngoài ra được biết Văn Quang có hai, Mai Thảo có bốn tác phẩm đã quay thành phim, còn như Chu Tử thì cuốn tiểu thuyết đầu tay vừa xuất bản đã lên đường vào thế giới phim ảnh ngay. Truyện của Ngọc Linh không những lên màn ảnh, còn lên cả sân khấu cải lương. Từ một bài thơ một cuốn truyện chuyển sang một bài hát một cuốn phim, số lượng quần chúng thưởng ngoạn tăng lên, phạm vi phổ biến mở rộng không biết bao nhiêu mà kể. Nhạc và phim có sức quảng cáo cho thơ và truyện hết sức mạnh mẽ. Và quảng cáo là yếu tố quan trọng trong sinh hoạt văn nghệ của giai đoạn sau này. Có những trường hợp quảng cáo làm ra giá trị tác phẩm, ít ra là giá trị nhất thời, phù du. Dĩ nhiên đây không phải là một phát minh của Sài Gòn, của Miền Nam. Bên Tây phương vai trò của quảng cáo cho món hàng nghệ thuật đã được chú trọng từ lâu, nhưng ở ta phải chờ đến thập niên 60 thì chuyện ấy mới thành sự kiện nổi bật. Xưa kia có bán vẫn phải có rao, tuy vậy cái sự rao hàng của văn nhân tài tử vẫn còn phần nào kín đáo. Sau này, bắt đầu từ Tây phương, giới làm ăn (các nhà xuất bản, phát hành) ứng dụng phép tắc quản trị kinh doanh, sử dụng các thuật truyền thông, không chịu nhường bước các đồng nghiệp kinh doanh trong những địa hạt khác. Và họ có lý. Quảng cáo quả nhiên có hiệu lực lớn. Rốt cuộc ta không thể không theo. Dùng một số kỹ thuật quảng cáo, tổ hợp Gió dựng nên “hiện tượng Lệ Hằng”. Giới thiệu cuốn Hòa bình... nghĩ gì? làm gì? (1969) Nguyễn Mạnh Côn mở tiệc ra mắt sách ở nhà hàng Văn Cảnh, quan khách vài trăm người, tai to mặt lớn, tốn kém đến mấy trăm nghìn bạc; rồi Phan Nhật Nam cũng lại có cuộc ra mắt sách ở nhà hàng Continental v.v... Hồi ở Sài Gòn nổi lên phong trào dịch sách Kim Dung, Quỳnh Dao, nhiều nguời có bài mổ xẻ hiện tượng này: Quỳnh Dao là một cây bút tầm thường, tại sao được say mê đến thế? Trên tạp chí Văn số ra ngày 27-11-72 đại khái Vũ Hạnh cho rằng đó là kết quả của quảng cáo: dân đô thị dễ bị quảng cáo chi phối, khi quảng cáo đã làm cho truyện Quỳnh Dao, phim Lý Tiểu Long thành cái mốt rồi thì kẻ không xem lo mình thành lạc điệu, lạc hậu! Thế là cùng xúm nhau xem. Sau này, Trần Hữu Tá ở Bắc vào, “chịu” lập luận ấy lắm, cho là “xác đáng hơn cả.”[12] Tóm lại vào giai đoạn từ 1964 về sau, trong sinh hoạt văn học ở Sài Gòn bắt đầu xuất hiện cái sự việc đã diễn ra từ lâu ở Âu Mỹ: truyền thông và thương mại tung rộng tác phẩm văn nghệ ra quần chúng bằng một cái đà mới rất mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng hạ thấp nó xuống, tạo ra một thứ văn chương không phải là văn chương. Cái đó, Sơn Nam bảo “khó gọi là văn chương”, Pháp bảo là paralittérature. Gọi là cái “thế vì văn chương”, là một thứ “ngụy văn chương” v.v..., sao cũng được. Nó đặt ra một vấn đề của thời đại mới: vấn đề ranh giới của văn chương. Trong số muôn vàn cuốn truyện viết ra, từ những cuốn của Tolstoi, của Balzac, Nhất Linh, cho đến những cuốn truyện gián điệp, truyện Quỳnh Dao, truyện nhật trình, đọc qua rồi vứt, đâu là ranh giới phân biệt cái văn chương với cái phi văn chương, với thứ hàng tiêu khiển để xài nhất thời? Lấy gì làm dấu hiệu nhận ra cái văn chương tính (littérarité) của một công trình xây dựng bằng ngôn ngữ? Phụ nữ và thiếu nhi Chiều hướng văn chương bình dân hóa đưa đến lắm chuyện khác nữa; chính vào giai đoạn này mà người độc giả Miền Nam đổi giống và bị trụt tuổi. Như chúng ta đã biết, người độc giả tiêu biểu của giai đoạn 1954-63 là đàn ông, sang giai đoạn sau 63 là đàn bà, là con gái, rồi lại là thiếu nhi. Còn nhớ khi nữ giới tiêu thụ nhiều sách báo hơn nam phái, tạp chí Văn hỏi Mặc Đỗ, ông trả lời: “... trong chiến tranh, độc giả sách phần lớn là phụ nữ có trình độ kiến thức khiêm nhượng, họ có thì giờ và có tiền hơn bọn đàn ông bận chiến trận. Cứ nhìn vào sự thành công của những loại tiểu thuyết tình cảm và do đàn bà viết rất ‘bạo’ cho đàn bà đọc thấy thích như mó vào trái cấm, đủ thấy rõ như vậy.”[13] Lại đến khi thấy Nhã Ca viết cho các em thiếu nữ, báo Văn hỏi Nhã Ca, bà đáp: “Đầu đuôi thế này: có lẽ vì thấy mình sắp già đến nơi, tôi quyết định phải đền đáp gấp cho các bạn trẻ của tôi, bằng cách hoàn thành mười truyện dài viết riêng về tình yêu và tuổi trẻ.” Một lần khác, Nguyễn Nam Anh (cũng thay mặt báo Văn) nói chuyện với Duyên Anh, nhà văn chuyên viết về tuổi thơ cho tuổi thơ, và cũng nhặt được của Duyên Anh một câu tương tự: “Như một người về già thích tuổi thơ vậy.” Người “về già” là Duyên Anh lúc bấy giờ chừng 38 tuổi, và người “thấy mình sắp già” là Nhã Ca được 34 tuổi. Dù sao, không phải lúc nào người cầm bút bắt đầu có tuổi tác cũng lo viết cho tuổi thơ. Vả lại các vị ấy có lẽ chẳng qua muốn tìm một câu nói cho có duyên hơn là cố tình phân tích lý do, còn chúng ta thì đã có lần dông dài về vấn đề này rồi, bất tất phải thêm thắt nữa. Chỉ biết theo cái chiều hướng văn nghệ phổ cập rộng rãi thêm đến các tầng lớp độc giả mỗi lúc một thấp hơn, vào giai đoạn sau 1963 xuất hiện một phong trào sách báo cho phụ nữ và thiếu nhi. Năm 1966 ra đời tờ Tuổi Xanh, năm 1969 tờ Tuổi Ngọc của Duyên Anh, năm 1970 tờ Tuổi Hồng, tờ Thằng Bờm. Lại còn các tờ Tuổi Hoa, rồi tờ Thiếu Nhi (1971-1975) của Nhật Tiến, tờ Yết Kiêu của Lê Tất Điều v.v... Hai nhà văn vừa kể từ trước vẫn viết về thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi bất hạnh; vào giai đoạn sau này Lê Tất Điều còn có thêm một cuốn rất thành công, tức cuốn Những giọt mực (1970). Nhưng chuyên về thiếu nhi vẫn là Duyên Anh (với các cuốn Luật hè phố – 1965, Thằng Vũ – 1965, Bồn lừa – 1967, Con suối ở Miền Đông – 1969, Thằng Côn – 1969, Lứa tuổi thích ô mai – 1970, Tuổi mười ba – 1970...), là Từ Kế Tường (với Những lá thu mưa – 1968, Cánh bướm – 1970, Môi hồng – 1970...) Cái trâng tráo Chiến tranh và hỗn loạn, hoàn cảnh xã hội của giai đoạn 64-75 tạo cho người ta một lối sống khác hẳn trước. Chết chóc dễ dàng quá, mạng sống mong manh quá, đành chặc lưỡi: Hơi đâu lo lắng. “Hỡi ơi, sống chết là mưa nắng.” Còn sống ngày nào hãy hưởng vội những gì có thể hưởng: đớùp hít tưng bừng, yêu cuồng sống vội v.v... Giai đoạn này là giai đoạn của những truyện tình táo bạo của dục tình sôi động, cũng là giai đoạn của khẩu ngữ trong văn chương, của những tiếng nói mới — thường thường xuất từ tờ báo của binh chủng không quân, một binh chủng trí thức, có tiếng bay bướm — tiếng nói hóm hỉnh, nghịch ngợm, mà phản ảnh một tinh thần hưởng lạc trắng trợn: đớùp một chầu, thơm em một cái, sức mấy mà buồn v.v... Trong hỗn loạn bày ra những cái ti tiện của con người: ai nấy có dịp chứng kiến cảnh các cha các thầy làm điều xằng bậy dơ bẩn, các tai to mặt lớn lừa gạt phản bội nhau, buôn lậu hột xoàn thuốc phiện, các chính khách, các nhà “cách mạng” muối mặt trở tráo v.v... Thế hệ này càng mất tin tưởng, càng luôn miệng kêu là bị các thế hệ cha anh thiếu tài thiếu đức đưa tới chỗ tai họa. Lời lẽ mỗi lúc một thêm khinh bạc, xấc láo. Người ta không tin vào ai nữa, vào cái gì nữa, coi thường tất cả, khinh miệt tất cả. Hồi 1954 có một cuộc đình chiến, đến 1973 cũng lại có một cuộc đình chiến nữa, nhưng tình hình khác nhau xa. Sau 1954 lớp nghệ sĩ trí thức từ “bên kia” về đem theo một không khí mới, gây một phấn khởi, dựng nên một nền văn nghệ mới. Lai rai từ trước tết Mậu Thân rồi sau này, sau ngưng bắn 1973, cũng có những người “bên kia” về: Kim Nhật tiết lộ về cục R (Về R, 1967), Phạm Thành Tài viết trên Khởi Hành, Xuân Vũ viết Đường đi không đến v.v..., không ai được chú ý. Dư luận dường như không còn mấy quan tâm đến cái phải cái quấy của bên này bên kia nữa, vấn đề chính nghĩa với lý tưởng không còn mấy quan trọng nữa. Chỉ còn một sự khao khát hòa bình, vậy thôi (Nhã Ca: Một mai khi hòa bình (1969), Nguyễn Mạnh Côn: Hòa bình... nghĩ gì? làm gì? (1969). Nói chung, giai đoạn trước nghiêm chỉnh tin tưởng thì giai đoạn này giễu cợt, chán chường, bất cần, ngỗ ngược, trâng tráo. Chính biến 1-11-63 có hồi được gọi là một cuộc cách mạng. Rồi sau đó toàn thị là những chuyện to lớn: cách mạng, phản cách mạng, khởi nghĩa, đồng khởi nghĩa v.v... Trong khi ấy, trên địa hạt văn nghệ chỉ xảy ra một cuộc nổi dậy: cuộc nổi dậy của cái trâng tráo. Nó nổi dậy và củng cố ngay một địa vị vững vàng, không hề bị lật đổ, thay thế, chỉnh lý chỉnh liếc gì ráo. Trâng tráo xuất hiện trên trang sách là do bởi cái trâng tráo trong lòng người. Còn cách mạng, đồng khởi nọ kia, là những xáo trộn ngoài xã hội; e nó không sâu, nó không thâm bằng chút chuyện nổi dậy trên trang sách. Vì đây là sự đảo điên tận trong tâm hồn. Người đầu tiên tung ra lối viết... tàn bạo này không phải là một người trẻ, thuộc thế hệ 64-75. Cũng không hẳn là thuộc thế hệ 54-63, về mặt tuổi tác. Đó là một kẻ đứng tuổi, từng trao tiền cho Vũ Hoàng Chương, toan xuất bản thi phẩm đầu tay của ông Vũ từ hồi tiền chiến: tức Chu Tử. Mặc dù có duyên nợ với văn chương sớm như thế, nhưng Chu Tử chỉ bắt tay viết vào cuối thời đệ nhất cộng hòa. Và khi ông đến với độc giả, ông đến như một khuôn mặt mới mẻ hoàn toàn, mới mẻ và trẻ trung, và đột ngột, xông xáo, ngổ ngáo. Ông mở đầu giai đoạn bằng cái tinh thần ấy. Trong lớp trẻ của giai đoạn sau này có bao nhiêu người — cả người đọc lẫn người viết — mê ông, theo ông. Truyện ông thành công, báo ông thành công, nghĩa là bán chạy. Lối viết của ông có ảnh hưởng rộng rãi: sau ông lắm kẻ cũng trổ tài đập phá, ngổ ngáo, chịu chơi... Nhưng cho đến cuối cùng vẫn chưa có ai qua mặt ông được, vì Chu Tử không phải chỉ chịu chơi trên trang giấy bằng ngòi bút, mà bằng cả cuộc đời. Ông sống như ông viết: Làm tiền ào ạt, vung tiền cũng dữ dằn; ăn chơi cờ bạc hưởng lạc đến nơi đến chốn, mà vì niềm tin tưởng của mình cũng không ngại lao mình vào những hoạt động táo tợn, đụng độ với những nhân vật thế lực, nhiều lần trong đời ông đã đối đầu với súng đạn và sau rốt kết liễu cuộc đời bằng súng đạn. Trong tiểu thuyết của ông có những nhân vật cynique (chữ của ông). Trên các nhân vật ấy, chính tác giả là một người cynique, cầm đầu đám cynique. Một người dám nói toạc những điều khó nói, viết thẳng những điều thiên hạ ngại ngùng, làm những điều bất ngờ, nghịch thường. Chu Tử làm như thế, và tạo ra những nhân vật như thế. Sau khi cuốn Yêu ra đời, theo lời ông[14] thì một số độc giả đã cho rằng câu chuyện bà Hằng “ủng hộ” người dân quân du kích là vô lý, riêng thi sĩ Nguyễn Vỹ còn cho rằng bà Hằng vừa gặp Thúc đã trao thân ngay cho Thúc là quá ư đột ngột. Đại khái, người ta thấy hành động như vậy cynique quá, trâng tráo quá, bất chấp lối xử sự thường tình, trông không giống ai, có vẻ không thực. Ai lại chàng trai gặp người yêu lý tưởng bỗng trắng trợn xin ủng hộ tý sinh lý là cái quái gì? ai lại một người đàn bà học thức quen biết với mấy thiếu nữ xinh đẹp nề nếp, bố con người ta vừa đến nhà, thoắt cái đã ăn nằm ngay với ông bố. Quả có trâng tráo chứ. Kỳ thực, không cần phải chờ đến những chuyện động trời như thế. Mới vào truyện, một chi tiết nhỏ nhặt đã báo hiệu một cái gì khác thường: Khi ông Thúc bảo cho gia đình biết cái tin là bạn của ông, tức ông giáo Đạt, muốn hỏi Diễm là con gái của ông làm vợ, tức thì chị của Diễm là cô Uyển hỏi ngay bố: “Sao ông ấy không hỏi con, ba nhỉ?” Trời đất, sao mà kỳ cục. Hỏi vậy cố nhiên chẳng chết ai, chẳng thiệt hại gì ai, nhưng đời nào con gái lại hỏi xông xổng như vậy bao giờ. Hỏi thế thì không có “ai” bị thiệt hại, nhưng cái nết e lệ cố hữu, cái ý tứ truyền thống của đàn bà con gái xứ ta thì nó bị thiệt hại nặng. Không cần phải giở đến trò ngoạn mục như “ủng hộ” sinh lý, Chu Tử chỉ cho nhân vật mình thỉnh thoảng ăn nói những câu sống sượng bất ngờ cũng đủ làm người độc giả lớp cũ giật mình chán. Không cần những nhát búa mạnh, chỉ gõ khe khẽ, đập khe khẽ vào nề nếp, vào truyền thống, vào cái thường tình, ông đã làm nó long lở bộn bề. Bởi nó không còn vững mấy trong hoàn cảnh xã hội lúc này. Huống chi Chu Tử không phải là kẻ thích chuyện khe khẽ. Ông là một người ồn ào, ông sản sinh ra những nhân vật gàn bướng táo tợn. Anh chàng Tiến trong cuốn Tiền thì khi quyết định “quyến rũ” bà Nguyệt liền tiến hành ngay bằng cách đón bà ta trước cửa cầu tiêu để hôn ẩu; cô Nguyệt thiếu nữ trong trắng yêu tu sĩ Thanh thì đến thẳng tại phòng anh ta, hỏi: “Em hỏi thực anh, giá lúc này em trao thân gửi thịt cho anh, để anh và em biết thế nào là ‘ái ân’ thì anh nghĩ sao?” Anh bàng hoàng, anh còn đang “nghĩ”, cô ta liền dồn tới: “Em muốn được làm vợ anh, ngay bây giờ... ngay lúc này...” Lúc ấy hai người đang ở trong một phòng của nhà chùa! Nhưng chùa thì chùa chứ, “em” đã muốn còn cách nào khác. Cynique, trâng tráo là thế. Mọi sự coi thường, mọi chuyện đều nói được, làm được hết. Sau Chu Tử, lời lẽ mỗi lúc một bạo dạn, một ngông nghênh, gàn bướng. Văn hoạt kê kiểu Thương Sinh, thơ hài hước kiểu Tú Kếu, truyện ngắn kiểu Trần Thị NgH, thơ kiểu Nguyễn Đức Sơn v.v... là cả một phong trào, một cuộc thừa thắng xông lên, một cuộc nổi dậy. “Đầu tiên tôi thở cái phào, bao nhiêu phiền não như trào ra theo nín hơi tôi thở cái phèo bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không sướng nên tôi thở phập phồng mây bay gió thổi trời hồng muôn năm mai sau này chỗ tôi nằm sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru”[] [fn15] Nhân sinh hữu hạn, vũ trụ vô cùng: được lắm. Nằm sảng khoái trên bờ biển cho quên phiền não: tốt thôi. Nhưng còn những tiếng thở “cái phào cái phèo” nghe kỳ cục và ồn ào một cách khiêu khích: đã thế lại còn cái “sướng”, chướng ơi là chướng! Chữ “sướng”, cái chữ sỗ sàng ấy nó không từng có trong ngôn ngữ thi ca xưa nay. Thành thử dù khi ý tưởng không nghịch thường đi nữa thì phong cách vẫn cứ phá cách, ngang phè, quái dị. Không phải chờ đến 1963, 64, một thế hệ trẻ mới ngờ vực, phản đối, mới mất niềm tin. Vẫn chính Chu Tử đã mô tả Hiệp, một thanh niên mới từ Bắc di cư vào Nam ngay từ hồi 1954 như một nhân vật có tâm trạng mệt mỏi, chán ngán, “tâm trạng một kẻ lạc lõng, đi tìm tin tưởng để có lý do sống (...) từ khi tỉnh mộng ‘Việt Minh’, chàng bơ vơ, cố bấu víu vào bất cứ cái gì để sống, để tạo tin tưởng, nỗi thất vọng của chàng đối với các chính quyền quốc gia liên tiếp...”[16] Tuy nhiên, sang giai đoạn sau 1963, thất vọng ấy chuyển sang một cung bực mới, hiển nhiên trầm trọng. Cái trâng tráo sau 1963 phải phổ biến rộng rãi đến một mức nào đó nên một nữ sĩ như Nguyễn Thị Thụy Vũ mới có thể thản nhiên đáp lời Du Tử Lê trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn: “Hình như tôi thường nghiêng nặng về những nhận vật cynique hơn là những nhân vật sống hợp lý với cuộc đời... Có lẽ tôi sống giữa lũ bạn bè cynique nhiều quá chăng?” Chắc chắn thế. Nữ sĩ có “lũ bạn bè cynique” của mình, các nhân vật bà dựng nên cũng tha hồ dập dìu đàn đúm với “lũ bạn bè cynique” nườm nượp xung quanh họ: những nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, của Trần Thị NgH, của Lệ Hằng v.v... chẳng hạn. Trâng tráo là cách phát biểu cực đoan của tinh thần hoài nghi. Cái cực đoan là của giai đoạn sau 63, tinh thần ngờ vực là của chung cả một thời kỳ. Sau 54 hoài nghi đưa tới xét lại, tìm kiếm; sau 63 nó đưa tới chỗ chán nản. Dù không ở trong hoàn cảnh khốn đốn như ta, hình như Pháp cũng có một hiện tượng văn học tương tự. Người ta nói đến cái xu hướng tiểu luận của thế kỷ hai mươi (l’essayisme du XXe siècle): từ đầu thế kỷ đến nay hầu như nhà văn lớn nào cũng có viết ít nhiều tiểu luận, như L’homme révolté của Albert Camus, Situations của J. P. Sartre, tuyên ngôn của A. Breton v.v... Essai là tên tác phẩm của Montaigne hồi thế kỷ XVI, tiêu biểu cho tinh thần ngờ vực, phản đối, xét lại. Ở ta từ đầu thời kỳ 1954-75 từng có phong trào mê say triết lý, ham suy tưởng, soát lại các giá trị tinh thần, “nhận định” về mọi vấn đề, “đi tìm một căn bản tư tưởng”, vạch tìm một “luyến ái quan” mới v.v... Càng về sau những tiểu luận như thế càng xuất hiện nhiều, khiến có người đã đem ra đùa giễu. Nhân vì có những kẻ ra sách Nhận định I, Nhận định II, Nhận định III, Tạp bút I, Tạp bút II, Tạp bút III, Thái độ I, Thái độ II, v.v..., trên tạp chí Văn có lần ông Nguyễn Minh Hoàng (dưới một bút hiệu nào đó) đã gợi đến những cuốn Lăng nhăng I, Lăng nhăng II! Lăng nhăng hay không lăng nhăng, đây là một thời có nhiều thắc mắc, tìm tòi. Và cuối cùng, cuối mọi suy tư rối rắm, tế nhị, là một sự trâng tráo. Phong trào về nguồn Ở đời vẫn xảy ra những cái mâu thuẫn, tréo cẳng ngỗng. Một xu hướng văn chương ngỗ nghịch lại đồng thời với một phong trào bảo tồn truyền thống. Thái độ khinh bạc đi cùng với một thái độ trân trọng. Bởi vì cũng vào giai đoạn sau 1963 từng xuất hiện một phong trào “về nguồn”. Năm 1962, một nhân viên Thông tin quê ở Quảng Ngãi cho xuất bản một cuốn sách giới thiệu tỉnh mình, cuốn Non nước xứ Quảng. Không ai hay biết, không ai chú ý đến tác phẩm khiêm tốn ấy, không một tờ báo nào nói đến nó; thế nhưng ông Phạm Trung Việt vẫn bán được chút đỉnh, bán lai rai. Đó là điều quan trọng lắm, bởi vì ông tự bỏ tiền ra in sách, dù ghi là sách do Thiên Bút văn đoàn xuất bản. Cuối cùng, ông cũng bán hết sách (chắc chắn in không nhiều, chừng một nghìn bản). Năm 1965 ông tái bản, và lại bán hết nữa. Lần này nhà xuất bản Khai Trí để ý đến tác phẩm của Phạm Trung Việt: từ năm 1969 về sau, sách ấy do Khai Trí tái bản. Cũng từ khoảng 1965 về sau, nhiều người khác viết địa phương chí và nhiều vị thành công. Ông Nguyễn Đình Tư năm 1965 cho in cuốn Non nước Phú Yên với lời tựa của Nguyễn Hiến Lê, năm 1969 lại có cuốn Non nước Khánh Hòa. Nhưng công phu và xuất sắc nhất có lẽ là hai cuốn Non nước Bình Định (1967, 515 trang) và Xứ trầm hương (1969, 480 trang) của Quách Tấn. Tất cả những tác phẩm ấy đều được độc giả đón tiếp nồng nhiệt. Loại biên khảo này trở thành phong trào từ giữa thập niên 60 đến giữa thập niên 70. Ngoài những cuốn được xuất bản, còn bao nhiêu là cuốn địa phương chí khác phổ biến dưới hình thức bản đánh máy, hay in ronéo. Khắp Miền Nam không tỉnh nào là không có một cuốn địa phương chí. Tất nhiên địa phương chí không phải là tác phẩm văn nghệ, phong trào viết địa phương chí không phải là một phong trào văn nghệ. Chỉ thỉnh thoảng chúng ta mới bắt gặp trong các sách địa phương chí một đôi cuốn có giá trị nghệ thuật, như tác phẩm của thi sĩ Quách Tấn, mà thôi. Nhưng ở đây tôi muốn ghi nhận một điểm tâm lý của đồng bào ta vào giai đoạn ấy: cái tâm lý tự dưng quay về với quê hương, chăm chút quí trọng từng đặc điểm, đặc sản của địa phương, ghi chép từng câu hò câu hát, tò mò xem xét từng lá rau ngọn cỏ nơi quê mình. Gần thì làng quê, tỉnh quê, xa rộng hơn thì cả nước là quê hương. Tất cả chợt trở nên đáng yêu đáng quí vô ngần. Địa phương chí là một hình thức quay về nguồn gốc. Loại sách tìm hiểu phong tục của Toan Ánh là một hình thức khác. Toan Ánh là một tác giả thuộc thế hệ tiền chiến, sách của ông như những cuốn Phong lưu đồng ruộng, Thanh gươm Bắc Việt (1950) ra đời đã lâu, không được chú ý. Mãi đến năm 1959 ông còn cho in cuốn Bó hoa Bắc Việt với bài tựa của Bùi Xuân Uyên và cuốn Ký vãng với lời tựa của Triều Đẩu là một tác giả không mấy tiếng tăm. Thế rồi giữa thập niên 60 bỗng dưng sách tìm hiểu quê hương, tìm hiểu dân tộc, sưu tầm cổ tục của Toan Ánh thành một món thời thượng, được tranh nhau mua, được xuất bản tới tấp, cuốn cuốn dày cộm, trông đồ sộ quá chừng. Bấy giờ chắc chắn ông nổi danh hơn cả các vị từng đề tựa cho sách ông. Cũng vào lúc bấy giờ trong giới sinh viên lại nổi lên phong trào mua một thứ sách thời thượng nữa: là sách triết học Kim Định. Sách ấy có được đọc nhiều chăng? Không thể biết được; đây không phải là thứ sách dễ đọc. Nhưng mua nhiều, yêu thích nhiều thì hiển nhiên. Kim Định phát huy cái triết lý của Việt nho. “Nho” là của Á Đông da vàng, đã là một cái khoái rồi; lại còn “Việt” nữa thì chịu sao thấu mà bảo không yêu? Chuyện dân tộc có lúc đi quá đà, hóa ra chuyện chủng tộc. “Người con gái Việt Nam da vàng”, câu hát ấy được nghêu ngao khắp nơi. Một điểm tâm lý đã thể hiện trong văn chương tất có thể hiện trong những ngành nghệ thuật khác: hát xướng chẳng hạn. Phạm Duy cho xuất bản một cuốn biên khảo về dân nhạc Việt Nam và những tuyển tập Dân ca, in đi in lại hoài. Bấy giờ có những ca sĩ chuyên hát dân ca (Tuyết Hằng, Hoàng Oanh...) Gái da vàng, qua cầu gió bay, quạ kêu, ngựa ô, con sáo qua sông v.v... trong thập niên cuối cùng trước khi sụp đổ khắp trời Miền Nam bàng bạc những điệu hát quen thuộc, những câu hò tự nghìn đời truyền lại. Sáo ngữ của giai đoạn văn học này là những tình tự dân tộc, tinh thần dân tộc, mẹ Việt Nam, mẹ đau thương, mẹ gầy mòn, nước mắt mẹ già v.v... Trên các báo Hành Trình, Đất Nước... có rất nhiều tình tự dân tộc; Lý Chánh Trung có cả một cuốn sách Tìm về dân tộc (1967); Bình Nguyên Lộc, một tiểu thuyết gia, bỗng dưng cũng đeo đuổi cả một công trình nghiên cứu qui mô về nguồn gốc dân tộc; Sơn Nam đặt vấn đề Người Việt có dân tộc tính không (1969); Doãn Quốc Sỹ ca ngợi Người Việt đáng yêu (1965); Vũ Hạnh (dưới bút hiệu Hồng Cúc) viết Người Việt cao quí, cuốn sách bán rất rộng rãi... Nhiều cơ sở văn nghệ ra đời vào độ ấy cũng chọn cho mình những cái tên thấm nhuần tinh thần về nguồn: báo Giữ Thơm Quê Mẹ, nhà xuất bản Ca Dao, Bách Bộc, An Tiêm v.v... Và một vài vấn đề trở nên sôi nổi: thơ văn yêu nước, hoạt động yêu nước chống ngoại xâm. Nguyễn Văn Trung đặt lại giá trị hoạt động văn học của Phạm Quỳnh trên tinh thần dân tộc; Thái Bạch sưu tầm thơ văn yêu nước chống Pháp; Nguyễn Văn Xuân khảo về các gương kháng Pháp, về phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh ở ngoài Trung, Sơn Nam về một phong trào tương tự trong Nam; Nguyễn Văn Hầu, Phạm Long Điền sưu tầm văn học truyền khẩu dân tộc, văn học đối kháng thực dân trong Nam v.v... Chuyện nghiêm chỉnh, công phu, có giá trị, cũng như chuyện qua quít, nhăng nhít (của Thái Bạch chẳng hạn) cùng tiến hành rầm rộ. Tiến hành trong... tình tự dân tộc, trên tinh thần về nguồn. Dù về nguồn là hay, không phải lúc nào người ta cũng hối hả về nguồn như vậy. Tất có một vài lý do. Trong trường hợp này điều đáng nghĩ đến trước tiên chắc chắn là sự hiện diện của người Mỹ. Mỹ đến là để giúp Miền Nam, nhưng người Việt vẫn cứ cảm thấy sự hiện diện nọ là một hiện diện uy hiếp. Người Mỹ đông đảo quá, giàu có quá, cao lớn nghênh ngang quá; tiền bạc Mỹ, văn hóa phẩm Mỹ và lối sống Mỹ đảo lộn nếp sống Việt. Về nguồn là một phản ứng tự vệ của dân tộc. Cuộc tiếp xúc với người Mỹ tuy ngắn ngủi nhưng đã có ảnh hưởng mạnh. Ảnh hưởng có thể chưa sâu xa, nhưng quả là mạnh mẽ. Cái quần cái áo, cái tóc cái tai, lời ăn tiếng nói, điệu bộ, bài hát của thanh niên nam nữ Việt ở các đô thị thay đổi nhanh như chớp. Vào giai đoạn này có một phong trào dịch thuật ở Sài Gòn. Nói chung chúng ta đón nghe tiếng nói bốn phương bất cứ từ đâu đến: Tàu cũng như Tây, Nam Mỹ có mà Nga xô cũng có; tuy nhiên sách Mỹ vẫn có sức tràn lấn hơn các sách khác vì nó có nhiều phương tiện hơn. Ngoài những tác phẩm Mỹ được chọn dịch theo sở thích của dịch giả, theo đòi hỏi của độc giả, lại còn những tác phẩm được cho dịch theo chủ trương của các cơ quan văn hóa Mỹ, những sách do nhà xuất bản Hiện Đại ấn hành chẳng hạn. Từ 1963 về trước, văn hóa Tây phương đối với chúng ta là Pháp, cùng lắm là Âu châu. Sau 1963, độc giả Việt Nam làm quen với văn hóa Hoa Kỳ: sách tiêu khiển thì trinh thám gián điệp Pháp phần lớn cũng dịch từ Mỹ ra; tình ái lâm ly thì Eric Segal sôi nổi kém gì Francoise Sagan; triết lý “cách mạng” thì Herbert Marcuse trẻ trung hơn Jean Paul Sartre; truyện ngắn truyện dài thì Saul Bellow, J. D. Salinger, John Updike, H. Miller v.v... “mới” ra phết. Có những tác giả nổi tiếng vì dịch sách Hoa Kỳ (như những vị đã dịch Bố già, Bắt trẻ đồng xanh v.v...). Thời gần đây, người Việt Nam từng hoan hỉ tiếp nhận sách Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, văn thơ Balzac, Lamartine, V. Hugo..., lẽ ra khi đến lượt văn hóa Hoa Kỳ, nó cũng gặp một thái độ cởi mở như thế. Tiếc rằng văn hóa phẩm Mỹ đến cùng lượt với quân đội Mỹ trong khung cảnh bom đạn chết chóc nên không được vui. Gặp ông khách mạnh át cả chủ, chủ dù vồn vã bản năng tự vệ cũng ngầm xui chuyện về nguồn. Phong trào dịch thuật Nhân chuyện sách Mỹ, nên nói luôn cả về phong trào dịch thuật nói chung, vì có lẽ đó cũng là một lý do nữa khiến phát sinh tâm lý về nguồn. Người ta nhận thấy giai đoạn sau 1963 ở Miền Nam bỗng có sự chú ý đặc biệt hướng ra ngoài. Một nhà xuất bản ra đời thoạt tiên với chủ trương là chỉ in sách dịch: nhà Giao Điểm. Tháng 4-1963 tác phẩm đầu tiên của nhà này được tung ra với lời ghi ở trang cuối: “Cơ sở xuất bản của một nhóm văn nghệ trẻ và nghèo: Giao Điểm chủ trương phiên dịch và xuất bản một số tác phẩm của ba tác giả: Albert Camus, Merleau Ponty và Jean-Paul Sartre.” Bán nguyệt san Văn là tờ tạp chí văn nghệ sống từ đầu tới cuối giai đoạn này, trong hơn mười một năm nó dành ra hơn chín chục số đặc biệt cho văn học ngoại quốc. Tức là xấp xỉ một phần ba tổng số báo xuất bản. Hình như chưa bao giờ một tạp chí văn nghệ nước nhà dành cho các nước ngoài một phần quan trọng đến thế. Và đó không phải là do cái sở thích riêng của người chủ trương tờ Văn. Bởi vì văn nghệ ngoại quốc không chỉ xuất hiện trên Văn mà thôi; nó được dịch được in lung tung, do nhiều người khác, nơi khác. Và càng về cuối giai đoạn này dịch phẩm lại càng ra đời tới tấp; sau 1970 có lúc nó ra đời nhiều hơn cả sách do tác giả Việt Nam viết! Đến mức ấy thì loạn quá: sách dịch làm xôn xao dư luận. Có nhiều người lên tiếng trên báo chí về “hiện tượng sách dịch.” Tháng 8-1973, tạp chí Văn ra số đặc biệt về “hiện tượng sách dịch”. Trả lời cuộc phỏng vấn đăng trên số báo vừa nói, ông Mặc Đỗ bảo: “... tôi thấy trước hết nên chê và lo ngại về thái độ quá hốt hoảng của người mình (...) Thấy có nhiều sách dịch mà hốt hoảng lên, sợ văn hóa ngoại quốc ăn gỏi mất văn hóa dân tộc, thì vấn đề không còn ở bình diện văn hóa nữa mà bắt sang địa hạt phân tâm học, phải đem cả nước ra nằm trên cái ghế dài kể bịnh cho ông y sĩ chuyên khoa ngồi bên cạnh cầm cuốn sổ và cây bút vừa thủ thỉ hỏi chuyện vừa ghi chép, và cho thuốc. Những người hốt hoảng không phải là thầy thuốc, họ chỉ là những con bịnh cần được chữa trị.” Trong mười nhân vật được phỏng vấn, Mặc Đỗ có câu đáp độc đáo nhất. Hầu hết mọi người đều công nhận một điều: là sách dịch có ích lợi, như vậy tại sao lo lắng? Sự lo lắng hốt hoảng kia có quá đáng, và nhận định của ông Mặc Đỗ e cũng quá lời. Dù sao, dù có là bệnh hoạn hay không bệnh hoạn, hãy ghi nhận cái tâm lý lo lắng: tôi nghĩ rằng tâm lý ấy có phần đóng góp của nó vào phong trào văn nghệ về nguồn. Làm sao khác được: một khi đã lo sợ trước sự xâm lấn từ ngoài vào thì tự dưng người ta phải quay về củng cố và phát huy cái hay cái đẹp cố hữu. Về nguồn là một phản ứng trước phong trào dịch thuật. Phản ứng để quân bình một thế nghiêng lệch mạnh về bên ngoài. Chúng ta đã nói đến hiện tượng sách dịch như một trong những nguyên nhân của khuynh hướng về nguồn? Tại sao vào khoảng những năm ấy lại phát sinh ra hiện tượng ấy tại Miền Nam? Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn (số vừa nói trên đây) câu hỏi cũng đã được đặt ra. Và ông Mặc Đỗ vẫn có ý kiến phong phú hơn cả. Ông cho rằng chiến tranh thường tông ra nhiều cánh cửa đóng kín cho nên sau một cuộc chiến tranh ở các nước vẫn hay có phong trào dịch sách ngoại quốc, hứng thêm gió mới. Ông lại nhận thấy trong chiến tranh đàn ông bận rộn đàn bà đọc nhiều, chiến tranh vừa dứt (ý ông muốn nói đến cuộc ngưng chiến do hiệp định Ba-lê đầu năm 1973) có một khối độc giả đàn ông rảnh tay súng, tức một khối độc giả có trình độ khá và tò mò tìm hiểu, đòi hỏi sách dịch. Thiết nghĩ bất cứ lúc nào, hễ nước nhà gặp “vận hội mới”, hoặc đối đầu với hoàn cảnh mới, hoặc tiếp xúc với một nền văn hóa mới, hoặc lâm cảnh khó khăn cần một chọn lựa v.v... thường thường chúng ta đều sẵn sàng nghiêng tai nghe ngóng, tìm tòi học hỏi, đón chờ tiếp nhận ý kiến bốn phương. Trung Quốc, Nhật Bản hồi đầu thế kỷ từng có phong trào dịch Âu Mỹ, ở ta thời Nam Phong, Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh từng dịch nhiều vì thế. Từ 1954 về sau, ta hết giới thiệu triết hiện sinh, hiện tượng luận, cơ cấu luận lại dịch thiền, dịch Phật, dịch Herman Hesse v.v..., chẳng qua cũng là một cảnh loay hoay không ngừng cố gắng “đi tìm một căn bản tư tưởng” trong hoàn cảnh lúng túng bế tắc của đất nước. Khối sách dịch vì tìm hiểu ấy vào giai đoạn cuối của thời kỳ này lại được tăng cường khủng khiếp bằng số lượng sách dịch tiêu khiển (tiêu khiển là một đặc điểm của giai đoạn này); bảo sao mà không ùn ùn tràn ngập. Mặt khác, số lượng độc giả có trình độ cao vào giai đoạn sau này khá đông đảo nhờ sự phát triển của các trường đại học; nhưng Việt ngữ đã dần dần thay thế sinh ngữ ở cấp đại học cho nên trình độ ngoại ngữ của đa số sinh viên không đủ để họ đọc hiểu dễ dàng sách nước ngoài. Ngày trước độc giả “thấp” không hay đọc văn phẩm nước ngoài, độc giả “cao” thì đã có đủ vốn ngoại ngữ để đọc thẳng ngoại thư. Vào lúc này trình độ ngoại ngữ không theo kịp trình độ kiến thức cho nên nhu cầu sách dịch tăng cao. Khảo luận phát triển Sự phát triển đại học cũng là lý do của một đặc điểm khác của giai đoạn văn học 64-75 tại Miền Nam: vào những năm cuối cùng của thập niên 60 và đầu thập niên 70 hai bộ môn biên khảo và phóng sự vượt trội hẳn lên. Sách biên khảo — như đã nói — có lẽ liên hệ với đại học: nhiều sinh viên nhiều giáo sư thì dễ được nhiều thành quả nghiên cứu hơn trước. Còn phóng sự mà phát triển vào lúc này thì chắc chắn là do tình hình chiến sự. Vào giai đoạn này ngành biên khảo ở Miền Nam không phải chỉ thêm thành tích, mà còn tăng thêm nhiều tác giả mới, mở rộng phạm vi nghiên cứu ra những địa hạt mới. Thật vậy, trong địa hạt triết học người ta thấy xuất hiện thêm những Lương Kim Định, Nhất Hạnh, Trần Văn Toàn, Tuệ Sỹ v.v..., về sử học thêm những Phạm Cao Dương, Nguyễn Khắc Ngữ, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Thế Anh..., về các hoạt động biên khảo liên quan đến văn học nghệ thuật (ngữ học, huyền thoại học, lịch sử văn học và báo chí, lý luận và phê bình văn học v.v...) có thêm những Trần Ngọc Ninh, Huỳnh Văn Tòng, Cao Huy Khanh, Cao Thế Dung, Nguyễn Văn Sâm, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ v.v... Mặt khác, trước kia, hồi tiền chiến hầu hết biên khảo thường không ngoài các môn văn học, sử học, triết học; sau này lãnh vực khảo cứu mỗi lúc một mở rộng và một phần lớn thoát hẳn ra ngoài phạm vi văn học (kinh tế, chính trị, hành chánh, khảo cổ, địa chất v.v...) Ký thịnh hành Cũng vào giai đoạn này bộ môn phóng sự phát triển đột ngột. Bảo rằng có chiến tranh tất phải có ghi chép về chiến tranh thì cũng không hẳn: Suốt thời kỳ chín năm kháng chiến chống Pháp 1945-54 chúng ta không thấy phía bên này có cuốn phóng sự, hồi ký nào đáng kể. Thế nhưng khi cộng sản đánh mạnh vào Miền Nam sau 1963 tức thì xuất hiện một loạt nhiều thiên phóng sự có giá trị, do những cây bút khác nhau, phần nhiều là mới. Các phóng sự ra đời vào lúc này — hoặc xuất bản ngay thành sách, hoặc đăng tải trên mặt báo — hầu hết đều viết với giọng sôi nổi, thiết tha, đầy nhiệt tình. Ngay sau chính biến 1-11-63, khi Bắc Việt khởi binh đánh lớn, Phan Nghị đã có những cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh (1965), Vượt Trường sơn (?), Dzoãn Bình đã cho xuất bản Những trận đánh ác liệt trong mùa mưa 1965 (1965), những tác phẩm cho thấy chiến cuộc lần này được văn giới theo sát, nhìn rõ, thuật kỹ, chứ không né tránh với nhiều mặc cảm như cuộc chiến tranh trước đây. Không những thế, trong chiến cuộc lần này lại có những kẻ bỏ cộng sản quay về tiết lộ cái mặt trái của phía bên kia, như Kim Nhật trong Về R (1967), như Xuân Vũ trong Đường đi không đến. Sau đó, chiến trận ở An Lộc, ở Quảng Trị, Thừa Thiên, cuộc hành quân qua Lào v.v... đều có người ghi chép, tường thuật. Vào những năm sau cùng, 1974-75, Nguyễn Tú bám theo các cuộc hành quân trên từng mặt trận, viết ngay ngoài mặt trận, viết trên đường di chuyển dưới lằn đạn, gửi về Sài Gòn hàng ngày từng đoạn có lúc lâm ly thê thiết, có khi phẫn nộ hào hùng, những trang chữ nóng bỏng thời sự để đăng nhật trình mà cũng nồng nàn tình cảm, xứng đáng với những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lâu bền. Trong cuộc chiến tranh 45-54 trước kia hình như trong hàng ngũ sĩ quan Việt Nam không có ai ghi chép cả. Như thể không ai trông thấy gì, nói năng gì. Trái lại trong giai đoạn 1964-75, rất nhiều người trong quân đội, nhất là lớp sĩ quan trẻ tuổi, họ làm thơ, họ viết văn, họ viết phóng sự, ký sự, bút ký về cuộc chiến tranh với cộng sản mà họ đang tham dự: Phan Lạc Tiếp, sĩ quan Hải quân, viết Bờ sông lá mục (1969) về cuộc chiến trên sông bể; Trang Châu viết Y sĩ tiền tuyến (1970), nhìn cuộc chiến từ vị thế một bác sĩ quân y; Dương Nghiễm Mậu, trong ngành Tâm lý chiến, viết Địa ngục có thật (1969); nhất là Phan Nhật Nam, sĩ quan Nhảy dù, trải qua đủ các vinh nhục của cuộc sống quân ngũ, có mặt tại khắp các mặt trận ác liệt, tiếp xúc với đối phương từ ngoài mặt trận cho đến trong nhà tù, Phan Nhật Nam viết liên tiếp một loạt bút ký thật sôi động. Mặt khác, cũng nên để ý rằng sau 1963 có nhiều người viết hồi ký hơn trước, từ một tùy viên của tổng thống cho đến các tướng lãnh, từ một cựu tù nhân cho đến một cựu viện trưởng đại học. Hai cuốn hồi ký được nhắc nhở nhiều nhất lúc bấy giờ là cuốn Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái và Bên giòng lịch sử của Cao Văn Luận. Lập trường chính trị và quan điểm văn nghệ Nhìn qua các hoạt động văn nghệ của giai đoạn 1964-75, người ta thấy đến đây không còn có chủ trương trường phái, không còn có phân biệt lớp cũ lớp mới, lớp già lớp trẻ, văn nghệ hôm qua văn nghệ hôm nay gì nữa. Vào đầu giai đoạn trước, ngay sau cuộc di cư 1954 từ Bắc vào, tại Miền Nam dù không có xung đột gay cấn vẫn xảy ra cái gì như thể sự đứng dậy của một lớp mới. Giữa Sáng Tạo và Văn Hóa Ngày Nay tuy không bút chiến chính thức nhưng hiển nhiên có sự đối nghịch nhau. Hồi đó có một ý muốn “làm mới” nghệ thuật, có sự hãnh diện phô trương của một “lớp trẻ hôm nay”. (Trong ngành họa có hẳn một hội “Họa sĩ trẻ”.) Bước sang giai đoạn này — sau mười năm — lớp trẻ ba mươi bốn mươi đã không còn trẻ vào tuổi bốn năm mươi. Thế nhưng thế hệ sau không có ý nghĩ truất phế họ, kèn cựa với họ. Nghệ thuật cũng không ai cần “làm mới” thêm. Thơ tự do lặng lẽ trở về xếp hàng đều đặn trong kỷ luật vần điệu: Đại đa số những thi sĩ nổi tiếng của giai đoạn sau thường làm thơ lục bát, thơ thất ngôn, các thể thơ cũ. Thế hệ này còn tỏ ra “dễ thương” hơn nữa: Thỉnh thoảng các tạp chí văn nghệ tổ chức một cuộc phỏng vấn, hỏi họ thích đọc những ai, lắm người chọn ngay một trong những đàn anh lớp kề mình, lớp văn thi sĩ của giai đoạn trước. Từ trước đến sau 1963 có chuyển biến trong tình thế, có thay đổi trong tâm tình, có khác biệt rõ rệt giữa thế hệ này với thế hệ khác; mặc dù vậy họ sống với nhau êm thấm, sống “hòa hợp hòa giải”. Không hề có những va chạm, những phủ nhận lẫn nhau như thường xảy ra trong lịch sử văn học đó đây. Điều đáng nói nữa là thế hệ 64-75 — như ta đã biết — vốn không phải dễ tính! Họ cáu kỉnh, họ ngổ ngáo, khinh mạn... Tại sao có chuyện như vậy? Phải chăng vì từ 1964 về sau tình hình nước nhà quá ngổn ngang, người ta có quá nhiều cái để bận tâm hơn là chuyện trường phái, chủ trương văn nghệ: Trong khi đôi bên đổ máu để giành đi giành lại từng tấc đất ở An Lộc, ở cổ thành Quảng Trị, hoàng thành Huế v.v... mà mình mãi xun xoe về một vấn đề kỹ thuật thơ văn, có vẻ nhẫn tâm chăng? Hoặc giả vì vào lúc văn nghệ xuống đường tìm đại chúng, kẻ trước người sau xúm nhau viết cho đàn bà con trẻ đọc, viết lấy nhanh lấy nhiều, thử hỏi mấy ai còn tâm trí để “làm mới” nghệ thuật? Có lẽ mỗi đàng một tí, lý do nào cũng có lý. Rột cuộc, giai đoạn 64-75 là một giai đoạn văn nghệ đề huề. Ở Miền Nam, tạp chí văn nghệ có mặt gần suốt thời kỳ 1954-75 là tờ Bách Khoa, và tạp chí văn nghệ có mặt suốt giai đoạn 64-75 là tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao (từ 1-1-64 đến ngày cuối cùng chế độ tự do ở Miền Nam). Kể ra còn có tờ Văn Học của Phan Kim Thịnh, ra đời từ năm 1962 và cũng tiếp tục xuất bản đến mùa xuân 1975; tuy nhiên tờ Văn Học không qui tụ được mấy văn nghệ sĩ, không có ảnh hưởng bao nhiêu, và về sau chỉ làm những số đặc san gom góp tài liệu cho học sinh trung học mà thôi. Bách Khoa là của cả hai giai đoạn, nó không tiêu biểu cho giai đoạn đầu. Những tạp chí thuộc giai đoạn đầu (như Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Hiện Đại, Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong v.v...) đều có quan điểm riêng đôi khi quá khích, và những tờ ấy đã tàn đi trong một giai đoạn. Tờ Văn thì có thể coi là tạp chí văn nghệ tiêu biểu cho giai đoạn thứ hai. Và cái tiêu biển ấy khác hẳn đặc điểm của những tờ tạp chí thuộc giai đoạn thứ nhất. Trong giai đoạn trước Sáng Tạo không chịu chủ trương của Văn Hóa Ngày Nay, không dung nạp các tác giả bên Văn Hóa Ngày Nay, và ngược lại. Vào giai đoạn sau, Văn là diễn đàn của tất cả mọi người, từ Đông Hồ đến Trần Thị NgH., già cũng như trẻ, kim cũng như cổ. Đây là hội hòa đồng. Chẳng những hòa đồng văn giới trong một nước với nhau, mà còn hòa đồng vui vẻ cả năm châu bốn bể: Văn mở cửa rộng đón các tác giả nước ngoài từ khắp Á Âu Phi Mỹ... Cũng không phải chỉ tờ Văn với Trần Phong Giao có thái độ ấy; về sau, vào năm cuối của tạp chí này, Mai Thảo đến thay thế Trần Phong Giao, đường lối của Văn vẫn vậy. Và trước khi đến với Văn, Mai Thảo chủ trương tờ Nghệ Thuật cũng không còn tha thiết với chuyện làm mới làm miếc gì nữa; những cây bút cùng nhóm cùng lứa với ông không còn thuộc vào lớp mới lớp trẻ nữa. Chỉ là tiếp tục một hoạt động vậy thôi. Mà người trẻ người mới bấy giờ như Viên Linh khi đứng ra chủ trương Khởi Hành và Thời Tập cũng lại không phải vì một quan điểm, một đường hướng văn nghệ nào riêng biệt. Không khởi xướng cái gì, không phản ứng chống lại cái gì. Tóm lại, về một phương diện đây là giai đoạn dễ dãi, vui vẻ cả làng. Nhưng về một phương diện khác, trong giai đoạn này giới văn nghệ tỏ vẻ gay cấn. Chẳng hạn tờ Chính Văn của Nguyễn Mạnh Côn khác hẳn Đất Nước của Nguyễn Văn Trung, những gì Phan Nhật Nam viết khác hẳn những gì được viết trên Giữ Thơm Quê Mẹ. Về mặt chính trị, có đường lối riêng, thái độ riêng rõ rệt. Ai giữ chủ trương nấy, không hòa hợp được, không vui vẻ đề huề được. Khác hẳn với không khí chính trị hồi giai đoạn trước. Thực ra, trước không phải không có thái độ chính trị riêng: nhóm Nhân Loại lập trường đâu giống Tự Do? Tuy nhiên sự lên tiếng của Nhân Loại ngắn ngủi, lẻ loi, yếu ớt; đại đa số trong văn giới đứng về phía khác. Sau này bỗng dưng chuyện nghệ thuật xem như nhẹ hẫng; mà văn giới lại tan rã, chia năm xẻ bảy vì chính trị. Thì cũng như trước kia giữa Sáng Tạo với Văn Hóa Ngày Nay không có tranh luận; sau này giữa những cây bút chống cộng với thân cộng, giữa tả với hữu cũng không có xung đột công khai nào; nhưng không khí rõ ràng nặng nề. Thậm chí trong chuyện biên khảo phê bình văn học lắm khi cũng lẩn quất một cái gì không hẳn là văn học, chuyện nghe nhạc không hẳn ra nghe nhạc: hãy nhớ lại cách nhận định về địa vị Phạm Quỳnh của Nguyễn Văn Trung và của Thanh Lãng, cách thưởng thức nhạc Phạm Duy và nhạc Trịnh Công Sơn, cách nhìn lại vai trò Trương Vĩnh Ký cùng các tờ báo đầu tiên trong Nam v.v... lúc bấy giờ. Vì dễ dãi trên quan điểm nghệ thuật cho nên bài văn nghệ gửi đăng báo nào cũng được, cũng là anh em cả, không cần mỗi nhóm một tờ báo riêng; vì gay cấn trong thái độ chính trị cho nên từng nhóm chính trị muốn cất tiếng nói riêng. Giai đoạn 64-75 ở Miền Nam rốt cuộc có nhiều tạp chí chính trị hơn là tạp chí văn nghệ. (Dĩ nhiên loại báo nói đây là không kể những thứ báo chí của chính quyền, của các đoàn thể, cơ sở văn hóa, viện đại học, cũng không kể những thứ báo cho trẻ con, báo giải trí cho bình dân, cho phụ nữ, như Tuổi Xanh, Tuổi Hồng, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai v.v...) Nhiều thật chứ: nào những Lập Trường (ở Huế), Hành Trình, Đất Nước, Làm Dân, Trình Bày, Tin Văn, Đối Diện, Thái Độ, Chính Văn, Đời...; có tờ thuần túy chính trị, có tờ mang dạng vẻ văn nghệ do một ý đồ chính trị. Còn thực sự là báo văn nghệ thì được mấy đâu: Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Nghệ Thuật, Tân Văn... (trong đó Văn với Tân Văn cùng một gốc, Khởi Hành với Thời Tập cùng một người chủ trương). Tình hình như vậy, nghĩ lại cũng là thường tình. Trong hoàn cảnh chiến tranh thảm khốc, nhẹ văn nghệ nặng chính trị là phải lẽ; lại trong hoàn cảnh khẩn trương ác liệt, ai nấy bị dồn đến chọn lựa dứt khoát thì các mối bất đồng có trở nên gay cấn cũng là phải nữa. Tuy vậy cái thường tình ấy khiến cho văn giới Miền Nam sau mùa xuân 1975 chẳng những tan tác mà lắm kẻ còn lâm cảnh bẽ bàng. _________________________[1] Phan Nhật Nam, Dấu binh lửa, Tinh Hoa Miền Nam tái bản ở Hoa Kỳ, tr 52.[2] Sđd.[3] Vũ Khắc Khoan, Thần tháp Rùa, Ngàn Lau tái bản, Hoa Kỳ, 1983, trang 38.[4] Sđd.[5] Nguyễn Mạnh Côn viết ngày mồng 5 tháng trọng xuân, năm Canh Tuất, 1970, đăng trên tạp chí Văn số 150, trang 94.[6] Văn hóa, văn nghệ Miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy của Trà Linh, Phong Hiền, Trịnh Tuệ, Quỳnh Hoa, Lục Bình, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội, 1977, trang 422, 423.[7] Bài này khi đăng trên tạp chí Khởi Hành đã ghi lầm là của Trần Dzạ Lữ, lúc in vào Đầu Gió, tuyển tập những bài thơ thép, do Văn Nghệ Dân Tộc xuất bản tại Sài Gòn năm 1973 được ghi nhận là của Nguyễn Bắc Sơn.[8] ‘Đi xa với Nguyễn Thị Hoàng’, tạp chí Văn, Sài Gòn, số 228, trang 2.[9] Duyên Anh, Áo tiểu thư, tái bản tại Hoa Kỳ, không ghi năm tháng và tên nhà xuất bản, trang 10,11.[10] Sđd.[11] Theo Vũ Bằng trong Bốn mươi năm nói láo, tái bản tại Hoa Kỳ, trang 252, thì tháng 12-1963 ở Sài Gòn có 44 tờ nhật báo, đó là con số kỷ lục.[12] Văn hóa, văn nghệ Miền Nam dưới chế độ Mỹ-ngụy, của Trà Linh, Phong Hiền, Trịnh Tuệ, Quỳnh Hoa, Lục Bình, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, do nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội, in năm 1977, trang 415. [13] Văn, số ra ngày 8-6-1973, trang 3.[14] “Lời người viết” trong bản in lần thứ hai.[16] Chu Tử, Loạn, tái bản tại Hoa Kỳ, không ghi nhà xuất bản và năm tháng, trang 191.