Thiệt tình, Ba Có làm bé thầy Khuyên đã bảy tám tháng rồi. Thầy đã 48 tuổi, còn Ba Có mới 35 tuổi. Thầy chơn-chất hiền lành, còn Ba Có thì giòn-giã lanh-lợi, bởi vậy thầy cưng vợ nhỏ, không cho bán chè-đậu bánh-canh nữa, mướn phố ngói cho ở, lại cho tiền ăn xài phủ phê.Đến trưa thầy Khuyên cỡi xe máy về ăn cơm. Ba Có dắt con Phục ra trình diện, nói rằng nó là em bạn dì, chồng bỏ mà lại có chửa, không nơi nương tựa, nên đến xin ở đậu. Thầy Khuyên gặc đầu nói rằng: “Em út nó nghèo mình phải nuôi nó chớ sao. Để nó ở với mình cho có bạn mình đi đâu thì nó coi nhà. Được lắm đa.”Con Phục thấy tánh tình thầy tử-tế mà lại vui-vẻ, thì hết ái ngại nữa.Cách ít ngày Ba Có đi chợ về, mới bước vô cửa thì kêu Con Phục mà nói rằng: “Em Hai a, bữa nay học trò đi học. Vậy thì sáng mai chị em mình thức dậy sớm đặng cùng nhau đi đón cậu Hai. Em biết thường cậu đi học cậu hay đi đường nào?”Con Phục nghe nhắc tới cậu Hai thì nó hổ thẹn, nên làm thinh một chút rồi đáp rằng:- Mỗi lần đi học em thấy cậu đi lên đường phía trên nghe họ kêu đường Ô-Ma-Ô-Qủi gì đó.- Biết rồi. Đường trên đó là đường Ô Ma. Mà thường bữa cậu đi xe hơi hay xe kéo?- Cậu đi xe máy.- Vậy thì dễ lắm. Thường thì cậu đi giờ nào? Về giờ nào?- Sớm mơi đúng 7 giờ cậu đi tới 11 giờ cậu về. Buổi chiều gần 2 giờ cậu đi, còn bận về không chừng, bữa về sớm, bữa về tối.- Buổi chiều đón không tiện, bởi vì thầy Ba quá 2 giờ rưỡi thẩy mới đi làm, 2 giờ mình đi không được. Để mình đón buổi sớm mơi. Qua dặn trước em, hễ gặp cậu Hai em phải làm mặt giận cho hung, em nói em có chửa, em buộc cậu phải tính cho vuông-tròn, không thôi thì em kéo lưng cậu. Em phải nói cho gắt, rồi qua tiếp qua nói cho. Nếu cậu nói lôi-thôi, em phải mắng miết cậu mới được.- Nói nặng sợ cậu giận cậu đánh chớ.- Cha chả! Gan trời đa! Có qua đó chi. Cậu giỏi cậu đánh còn khá hơn nữa. Em đừng sợ gì hết. Phải nói cho hẳn-hoi đặng cậu sợ cậu mới nuôi em ăn mà đẻ chớ.- Khó nói quá; em không quen nên không biết nói sao được.- Như em không biết nói, thì em cứ làm mặt giận, em buột cậu phải cưới, rồi qua tiếp qua nói cho.- Ừ, chị phải tiếp với em mới được.- Chớ sao.Sáng bữa sau, mới 6 giờ thì Ba Có đã dắt con Phục lên đường Ô Ma đi thơ thẩn mà đón cậu Hai Hùng, thấy ai đi xe hơi cũng ngó chừng coi có phải cậu Hai Hùng hay không. Lối 7 giờ có một người bận đồ tây trắng, cỡi xe máy, ở trong đường Nguyễn Tấn Nghiệm chạy ra. Con Phục đứng ngó rồi nói rằng: “ Cậu Hai kia!”Ba Có đứng giữa đường, chừng xe máy cậu Hai chạy gần tới thì chị ta kêu mà nói rằng: "Cậu Hai, Cậu Hai, ghé đậu cho tôi hỏi thăm một chút”.Cậu Hai Hùng thấy con Phục thì cậu biến sắc, phần Ba Có chàng-ràng trước cái xe, cậu lính- quýnh đạp không được, nên cậu nhãy xuống rồi kéo cái xe vô lề đường.Ba Có thấy con Phục đằng xa mà khóc, bèn kêu mà nói: “Lại đây em, lại nói chuyện chớ, sao đứng đẳng”Con phục lấy vạt áo lau nước mắt và men-men đi lại. Nó không nói chi hết, mà cậu Hai cũng đứng làm thinh. Ba Có thấy vậy bèn nói với cậu Hai rằng: “Con Phục là em của tôi. Nó là con của dì tôi hồi trước. Nó khờ dại, cậu dụ dỗ trai gái làm cho nó có chửa. Ông Phủ, bà Phủ giận lột đồ đánh đuổi nó đi. Bây giờ nó bơ-vơ, không chỗ ở, không cơm ăn, phần thì thiên-hạ chê cười nữa. Việc nầy cậu tính lẽ nào xin cậu nói cho tôi biết; chớ nó buồn rầu, nó đòi tự vận ngày một, cậu muốn làm lơ, cậu để cho nó chết hay sao.Cậu Hai Hùng bối-rối trong trí, mà cậu thấy những người đi đường, dầu đi qua hay đi lại, ai cũng dòm ngó cậu, cậu mắc cỡ, nên cậu cúi mặt xuống đất và nói nhỏ nhỏ rằng: “Tôi có biết chuyện gì đâu mà tính”.Ba Có trợn mắt hỏi rằng: “Cậu nói sao? Cậu lấy em tôi có chửa, rồi bây giờ cậu muốn chối hả? Ê! chuyện nầy không phải dễ đâu. Cậu phải tính cưới nó, hoặc cậu phải nuôi nó, chớ cậu lôi thôi, tôi biểu nó lôi lưng cậu xuống bót cho cậu coi”.Người đi đường nghe Ba Có nói lên giọng thì đứng lại mà coi.Ba Có không ái ngại chi hết, chị ta nói tiếp rằng:” Cậu là con nhà giàu, cậu lại có học thức nữa, cậu phải biết nhơn nghĩa chớ. Cậu còn nhỏ mà cậu chơi đoản hậu quá, thì cậu làm nên sao nổi. Cậu phải suy nghĩ lại. Em tôi khờ dại, bây giờ tôi phải rước nó về mà nuôi. Nhà tôi ở trên đường Louvain, căn thứ 3. Tối nay cậu phải ra đó cho tôi nói chuyện cho cậu nghe. Tôi nói cho cậu biết, nếu tối nay cậu không ra thì sáng mai tôi biểu nó đón kéo cậu cho cậu mang xấu, tôi không vị tình nữa”.Cậu Hai mắc cỡ quá, cậu cười ngỏn-ngoẻn, và dắt xe máy mà đi. Ba Có kéo con Phục đi theo và nói láp dáp rằng: “Gặp chồng mà nó cứ đứng khóc, không biết nói tiếng chi hết. Con tệ quá!”Cậu Hai leo lên xe máy đi, không nói chi hết, mà cũng không từ giã, Ba Có kêu mà nói vói rằng: “ Tối cậu ra hay không cậu Hai. Chị em tôi chờ đa”. Cậu Hai đạp xe máy chạy tuốt, Ba Có cười và nói rằng: “Câụ nầy đẹp trai há. Bộ thiệt-thà. Qua thấy vậy qua mới hăm doạ cho cậu sợ. Để tối cậu ra nhà rồi mình sẽ bơm ngọt cậu lại. Cách mình buột người ta, thì phải làm như vậy. Ban đầu phải nói gắt cho cậu kiêng nể, rồi sau đó ngọt cậu mới dính. Để qua o bế xuôi cậu về nhà xin tiền nuôi em. Em bất nhơn quá! Qua đã có dặn rồi, mà sao gặp cậu em không làm giận được, em không nói chi hết, cứ đứng khóc hoài”.Con Phục đáp rằng: “ Thấy cậu Hai, em mắc cỡ quá, nên nói không được”.Ba Có cười và nói rằng: “Bụng chành-ành còn mắc cỡ nổi gì! Ở đời phải cho lanh lợi mới được, khi phải làm bộ giận, khi phải làm bộ mừng, khi phải làm bộ buồn, khi phải làm bộ vui. Gặp cảnh nào thì mình phải làm cảnh ấy thì mới nên việc. Em giàu hay nghèo, sướng hay cực là tại cơ hội nầy đa, nói cho em biết”.Hai chị em dắt nhau đi thẳng ra chợ Bến-Thành mua đồ đặng về nấu cơm.Tối bữa ấy Ba Có đợi tới 10 giờ mà không thấy cậu Hai Hùng ra. Chị ta biểu con Phục đóng cửa đi ngủ và nói lẩm bẩm rằng: “ Thằng điếm thúi nầy muốn chết. Để sáng mai rồi mầy coi tao”.Sáng bữa sau Ba Có dắt con Phục đi đón cậu Hai Hùng nữa, lại dặn nó, hễ gặp thì néo kéo cậu, làm cho vỡ-lở ra tới bót tới toà thì có chị ta, không sao đâu mà sợ. Hai chị em đứng chỗ hôm qua mà đón tới 8 giờ rưỡi, song không thấy tăm dạng cậu, nên phải bỏ mà đi chợ. Đến 10 giờ Ba Có mắc lo nấu cơm, nên sai con Phục đi đón một mình dặn nó hễ gặp thì níu, buộc cậu phải cho tiền ăn đẻ. Con Phục đón tới 12 giờ mà không thấy cậu Hai đi học về. Bây giờ nó mới biết giận, nên xế nó đi đón nữa, đón tới chiều tối mà không gặp cậu đi học buổi chiều, lại cũng không thấy cậu đi học về.Ba Có nghi cậu Hai sợ gặp nên trốn đi ngả khác, chị liền biểu con Phục đón thử đường Galliéni, con Phục nghe lời, bữa thì đón đường Ô Ma, bữa thì đón ngả Galliéni, đón tới 2 tuần lễ mà cũng không gặp được.Một buổi sớm mơi, con Phục đi đón về, vừa bước vô nhà thì nó khóc mà nói với Ba Có rằng:- Chị nói nó là thằng điếm thúi, thiệt quả rồi chị ôi!- Hả? Em nói ai là điếm thúi?- Cậu Hai Hùng đó chớ ai.- Sao vậy?- Nó trốn mà đi Tây đã năm sáu bữa rày rồi.- Sao em biết? Ai nói với em?- Em mới gặp ông già Cao là người bạn của chú thím em, ổng nói em mới hay.- Ổng nói làm sao?-Ổng nói hôm lễ rồi nó lên học có một hai bữa gì đó, kế nó đi xe hơi với thím em về Cái Vồn xin giấy xin tờ. Nó ở dưới sáu bảy bữa, rồi trở lên sửa soạn xuống tàu đi Tây mà học. Nó đi đã năm sáu ngày rồi.- Phãi rồi, mình đón gặp nó lần đầu, nó thất kinh không dám đi học nữa, nên tính đi Tây mà học đặng khỏi gặp mình chớ gì. Hèn chi hổm nay em đón đường nào cũng không thấy hết. Đồ khiếp-nhược quá! Ăn ở như vậy học làm sao cho nên được.- Quân khốn nạn thiệt.- Em thấy hay chưa? Họ giàu sang, họ học giỏi, họ ở ăn như vậy đó. Mình nghèo, họ nhìn bà-con là họ muốn mình làm mọi cho họ, chớ không phải nhìn đặng họ bảo bọc làm nên cho mình. Mình là con gái, họ muốn mình là họ muốn làm cho phỉ tình-dục của họ, mình dại để cho họ lấy thì mình chịu, dầu có chửa có nghén cũng thây kệ mình, họ đã không biết lo chuộc cái tội họ phá trinh tiết mình, mà họ cũng không kể gì đến máu thịt của họ, là đứa nhỏ ở trong bụng đó. Qua thấy cái đời như vậy nên qua oán thiên hạ hết thảy. Thiệt cách 10 năm trước qua thối chí, qua muốn cạo đầu lên núi lập am ở mà tu, đặng đừng có thấy những điều bất nhơn bất nghĩa, những việc nhơ-nhuốc tồi bại của thế gian-nữa. Mà rồi qua nghĩ nếu mỗi người thấy cử chỉ đê tiện của thế gian thì giận rồi bỏ mà đi tu hết dường ấy thì còn ai mà vạch chỉ những thói đê tiện ấy cho người đời biết mà sửa đổi tánh-tình. Bởi qua nghĩ như vậy nên qua còn ở đây, ở đặng mà vạch mắt ngoáy tai người đời, ở mà răn dạy trừng-trị thiên hạ. Vợ chồng ông Phủ vô nhơn nghĩa, em chống mắt mà coi qua răn dạy. Cái cậu Hai Hùng vô liêm-sĩ, em yên lòng mà chờ qua trừng trị. Hễ vay thì phải trả, nợ đời không thể nào trốn chạy nữa đâu.Con Phục thiệt thà, thuở nay chưa từng nghe ai nói luận việc cao xa, chưa từng nghe ai chỉ thói đời ấm-lạnh, nay nó đương uất vì tình mà ngã lòng thối chí, nó đương buồn giận thói đen bạc của người nó trông cậy, mà nó được nghe những lời châm-chích cay đắng của Ba Có, thì chẳng khác nào như ai đó rọi sáng tâm-trí của nó, bởi vậy nó nổi giận, vụt đứng vậy nói rằng: “Chị nói phải lắm! Thiệt thiên hạ không ra chi hết! Tôi kính trọng họ mà họ coi tôi không bằng con heo. Tôi thương yêu họ mà họ coi tôi chẳng khác nào một đôi guốc, để họ mang đi cho sạch chưn, rồi chừng gặp giầy thì họ đá guốc vô vách. Tôi tức quá mà biết làm sao trả thù cho được bây giờ”Ba Có nhích mép cười một cách rất cay đắng mà nói rằng: - Phải trả thù. Nếu em muốn thì qua giúp cho. Thân chị ngày nay phải ra như vầy, bây giờ em cũng vầy nữa, đau đớn biết chừng nào. Còn gì nữa mà tính nhơn nghĩa, mà mong thương yêu, mà lo kính trọng thiên hạ. Hai đứa mình kết thành chị em đặng hiệp nhau giết họ chơi cho họ biết chừng.Con Phục liếc mắt ngó Ba Có thì thấy mặt chị ta khác thường, lộ cái vẻ hiền từ dễ thương-mến, mà lại có vẻ khắc bạc đáng ghê đáng sợ. Rõ ràng là cái tướng của người tử tế với kẻ lương-thiện, hung ác với-tay gian -dối.Ba Có ngồi ngó sững ra ngoài đường, không hiểu chị ta nghĩ thế nào, mà cách một hồi mặt chị ta lại đổi giận ra vui và nói với con Phục rằng: “Thôi, em đừng buồn gì hết. Có qua đây, qua ráng nuôi em, có cơm ăn cơm với nhau, có cháo ăn cháo với nhau. Chừng em đẻ qua cũng lo cho, nếu không tiền thì vô nhà thương thí mà nằm, có sao đâu mà em sợ. Em để rồi coi, không biết chừng rồi ngày sau em có chồng sang trọng hơn thằng điếm đó nữa, em giàu có hơn vợ chồng ông Phủ mà coi”.Con Phục ứa nước mắt mà đáp rằng:- Em nghĩ lại, em giận cậu Hai hơn hết.- Qua hiểu, tại em thương yêu Cậu quá, nên bây giờ em mới oán như vậy đó. Em phải tập tánh lại, đừng thương ai nữa hết, bởi vì có ai thương mình đâu mà mình thương họ cho uổng công. Ở đời mình phải coi thiên hạ là một bầy-gian xảo giả-dối hết thảy. Mình phải rèn lòng đúc trí cho cứng như sạn như đá, đừng thèm thương, đừng biết giận, thì mình mới khỏi bị họ lường gạt và mới có thể giết họ được.- Tại sao mà chị cũng oán thiên-hạ dữ vậy?- Việc riêng của qua, khó nói cho em nghe được. Qua chỉ xin em tin chắc rằng qua cũng là một người bị xã-hội dày bừa như em vậy. Em biết bao nhiêu đó là đủ rồi.Con Phục thuở dài, lấy tay rờ bụng, rồi đứng vậy đi lấy chổi quét nhà.Con người có nhiều cái tình nó phát hiện một cách lạ lùng, không thể cắt nghĩa được. Ba Có tướng mạo khắc bạc, mở miệng ra thì nói những lời oán hận loài người, mà đối với Con Phục thì chị ta tuy không bà con, song thương yêu nó như chị em ruột. Chẳng lẽ bây giờ lấy nó lỡ chưn trái bước, chiu-chít bơ-vơ nên mới thương, sự thương yêu ấy phát biểu từ khi mới gặp nó một lần đầu. Tại thấy thân phận nó con gái côi-cút nghèo-nàn, biết nó thế nào cũng là một vật để làm vui cho đờn ông mà thương, hay là tại thấy nó có nhan sắc nghiêng nước nghiêng-thành muốn lợi dụng cái nhan sắc ấy mà thương? Điều ấy khó đoán được, bởi vì Ba Có kín-mít, không chịu bày tâm sự của mình, mà cũng không tỏ ý riêng cho ai biết.Con Phục nương-náu với Ba Có đã được mấy tháng, thân được no-ấm, trí được thảnh-thơi. Thầy Khuyên thấy nó nhỏ-nhoi thiệt-thà thầy cũng thương.Ở trong nhà Ba Có dạy nó từng chút, dạy cho nó biết cách khôn dại ở đời, dạy cách đứng ngồi có duyên, dạy cách ăn nói đúng mực, dạy cách liếc truyền ý, dạy cách cười đưa tình, dạy cách điệu làm cho người mê, dạy sửa sắc làm cho chúng ngó, dạy không sót một chỗ nào hết. Chị ta thấy nó bận áo cụt quần vải mà thôi, chị ta mới òn-ĩ xin tiền Thầy Khuyên mà để dành rồi tháng thì may cho nó một cái quần lụa trắng, tháng thì may cho nó một cái áo xuyến đen dài, bởi vậy thân nó được ấm no thảnh thơi mà cũng lành lẽ.