Chiều. Buổi chiều màu xám. Mây vần vũ đan kín khoảng trời cư xá. Gió đẩy đưa hàng cây ngả nghiêng lao xao và thổi tung mái tóc tôi. Chiếc kẹp rơi xuống đất hòa vào âm thanh ngập ngừng phát ra từ những ngón tay nhỏ bé vụng về gây cho tôi cảm giác khó chịu. Tôi rời hàng hiên, quay vào: - Em không thuộc bài gì cả. Phải chịu khó tập đàn chứ. Trời sắp mưa rồi, thôi nghỉ sớm đi. Tôi ngồi xuống ghế, ngắm nhìn căn phòng rộng. Những tấm màn cửa màu xanh buông rủ, những bức tranh phong cảnh đồng quê êm đềm, những chùm hoa đèn rực rỡ trên trần cao... và pho tượng bán thân của Chopin trên đàn dương cầm đang nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng: “Diễm Châu, cháu đang nghĩ gì?”. Tôi lướt tay lên hàng phím trắng, dạo khúc etude quen thuộc. Tôi đến bên cửa sổ, nhìn xuống vườn. Những giọt mưa đầu tiên lác đác rơi, rồi dồn dập, rào rào trên hàng liễu rủ bên hồ cá. Sấm động rền trời. Mưa càng lúc càng to. Nước thấm không kịp, chảy tràn lan trên con đường sỏi trắng dẫn đến bậc thềm nhà. Đất ở đây trũng quá. Chỉ cần một trận mưa lớn là những con đường cư xá bỗng hóa thành “dòng sông uốn quanh”. Dạo còn nhỏ xíu, tôi thường mong ước trời mưa mãi, cho sân trường mẫu giáo trong cư xá ngập lụt để tôi khỏi phải đi học và được dịp tắm mưa, lội nước. Tôi sinh ra trong một gia đình ngỡ là hạnh phúc vì tôi tưởng ba chỉ có mình mẹ. Ngày đất nước thống nhất, cũng là ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, ba quyết định đưa vợ con vào Nam - quê hương của ba. Hai mươi năm qua, cảnh cũ vẫn còn nhưng người xưa đâu mất? Hàng xóm láng giềng toàn là những gương mặt lạ. Ba tiếp nhận căn nhà đồ sộ của ông bà nội để lại với bao nỗi ngậm ngùi. Ba đã có một đời vợ trước. Bà ta đã mất và hai đứa con riêng của ba không hề có ý định chờ ba trở về. Họ đã di tản trong hối hả, để lại nguyên vẹn đồ đạc và cây đàn piano chưa kịp bán. Ba bị hụt hẫng. Thành phố tràn ngập cờ hoa, không khí cách mạng đầy phấn khởi nhanh chóng làm cho ba vui vẻ trở lại. Sẵn đàn trong nhà, ba “tầm sư học đạo” cho tôi từ hồi còn mẫu giáo. Đến 7 tuổi, tôi thi đậu vào Nhạc viện. Tôi lớn lên từng ngày, thông minh, mạnh khỏe. Tôi siêng năng, chăm chỉ, đạt được nhiều thành tích. Tôi học giỏi, đàn hay, nên chẳng bao lâu, tôi trở thành “ngôi sao tí hon” của Nhạc viện, không một buổi biểu diễn báo cáo nào vắng mặt tôi. Tôi đắm mình vào thế giới âm thanh đầy màu sắc. Hào quang chung quanh tôi tỏa sáng đến nỗi tôi không cảm nhận được niềm đau của mẹ ngay từ lúc mẹ bước chân vào ngôi biệt thự nầy. Hai người con của ba tuy đã ra nước ngoài, đã yên ấm với gia đình riêng, nhưng vẫn không ngừng quấy rối bằng những lá thư đòi phải trục xuất mẹ con tôi ra khỏi nhà. Mẹ là con gái Hà Nội, xinh đẹp, hiền lành, thua ba gần hai0 tuổi nhưng lại rất yêu ba. Cũng vì tình yêu nầy, mẹ đã hy sinh, nhịn nhục tất cả. Sau khi rời chiến trường, ba mang một mảnh đạn nhỏ trong lồng ngực. Mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột, mảnh đạn trở mình hành hạ ba khổ sở. Cơn đau kéo dài, ngắn thì vài phút, dài thì vài giờ, nhưng có khi, nó làm cho ba chết lên chết xuống phải đưa đi cấp cứu. Tình yêu cùng sự chăm sóc lo lắng của mẹ đã phần nào xoa dịu vết thương trong ba. Ba thường nói với tôi: “Mẹ thật tuyệt vời. Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh của mẹ, con nhé”. Có thể vì động cơ đó, tôi đã học tập hết mình. Qua Sơ cấp, tôi bắt đầu nhận học trò. Những tháng hè, tôi vừa dạy đàn vừa quản lý đám trẻ con trong cư xá. Tiếng lành đồn xa, phụ huynh ở các nơi khác đem con đến thụ giáo ngày càng đông. Tốt nghiệp Trung cấp, đệ tử của tôi nhiều đến nỗi tôi không còn thì giờ để đọc sách, giải trí. Ba đã nghỉ hưu. Tôi trở thành lao động chính trong gia đình. Ngoài tiền chi tiêu hàng tháng, tôi còn sắm được xe máy và có tài khoản trong ngân hàng Á Châu, định sau nầy giúp mẹ mở một cửa hàng bách hóa như ý mẹ mong. Nhưng dòng đời không còn êm ả. Sóng gió bắt đầu nổi lên từ ngày hai người con riêng của ba trở về. Vừa bước vào nhà, anh Hùng và chị Ngọc không một lời hỏi thăm sức khỏe ba, thay vào đó là câu: “Chúng con muốn bán nhà. Ba nghĩ sao?”. “Nhà nầy của ông bà nội - nhà hương hỏa, không thể bán được”. “Như vậy là không công bằng. Chúng con cũng có phần trong ngôi biệt thự nầy mà”. “Các con nói đúng. Đây cũng là nhà của các con, các con có quyền ở đây thay vì đến khách sạn. Chúng ta đều là người một nhà cả”. Anh Hùng nhún vai, chị Ngọc bĩu môi, nói: “Không dám người một nhà đâu, thưa ba! Họ là những kẻ không cùng chiến tuyến với chúng con”. Không cùng chiến tuyến! Thảo nào anh chị ấy coi mẹ con tôi như kẻ thù. Điều tệ hại hơn hết là chị Ngọc cố tình chặn đứng con đường kiếm sống của tôi bằng cách nói xấu gia đình tôi không biết ngượng mồm. Miệng chị dẻo đến nỗi ai cũng tin chị (nghe nói hiện chị đang hành nghề Luật sư tại Cali). Trước mặt mọi người, tôi là một cô gái không ra gì, đang hùa với mẹ, âm mưu chiếm đoạt ngôi nhà mồ hôi nước mắt của ông bà nội. - Châu ơi - Chị Ngọc xuất hiện với vẻ mặt nặng nề thường nhật - Tại sao cô không lên sân thượng đem quần áo xuống? Mơ với mộng, vừa thôi chớ! Từ đầu năm đến nay, chị Ngọc đã về Việt Nam đến ba lần. Chị nói với hàng xóm: “Ở đây tình cảm thân thiết quá. Mỗi lần về tôi lại chẳng muốn đi”. Nhưng chị lại nói với ba: “Con bị thất nghiệp, dạo nầy túng thiếu lắm. Con muốn ba bán nhà chia cho chúng con”. Câu trả lời của ba trước sau như một: “Không!” Lần nầy về nước, chị nói: “Các cháu của ba sắp chết đói rồi đó. Mong ba nghĩ lại cho con nhờ”. Ba chỉ cười: “Bên đó an sinh tốt lắm, chết đói sao được. Vả lại, ba chưa hề thấy mặt các cháu, tại sao con không đưa chúng về thăm ba?”. “Thăm làm gì hở ba. Ba đâu có thương chúng? Ba đã có vợ con của ba rồi”. Cuộc nói chuyện giữa hai cha con bao giờ cũng kết thúc bằng những lời nói mát mẻ của chị Ngọc. Ba chỉ im lặng. Tôi biết, vì mẹ, ba không muốn làm lớn chuyện ra. Chị Ngọc tiếp tục đay nghiến tôi: - Cô ác lắm, cô cố tình để ướt áo quần tôi. - Không có đâu, em quên thật mà. Chị trợn mắt: - Cô điêu lắm. Cô lên sân thượng mà xem. Toàn là quần áo của tôi. Rõ ràng là cô đem quần áo của cô vào trước khi mưa. - Không phải. Ngày hôm nay em chưa giặt đồ mà. Ba từ phòng bên bước ra, nhìn chị Ngọc: - Con không được vu khống em con. Chẳng biết lý lẽ gì cả. Chị Ngọc gào lên: - Chính ba mới là người không biết lý lẽ. Ba đã bỏ mặc gia đình để đi theo lý tưởng, rồi ba lại phản bội tình cảm vợ chồng, ba... - Im ngay! - Ba không có quyền ra lệnh cho con. Ba là người đàn ông vị kỷ, gàn bướng, ba là... Gương mặt ba xanh mét vì tức giận. Hai tay ba run rẩy ôm lấy ngực, miệng há ra, không thốt được nên lời. Tôi hét: “Ba ơi!”. Mẹ từ dưới bếp chạy lên, đỡ lấy ba: - Anh, bình tĩnh lại nào. - Anh phải đánh nó. Đồ con mất dạy, con... Chị Ngọc sừng sộ: - Tôi mất dạy ư? Đúng. Vì ba có dạy tôi ngày nào đâu. Ba đi mất biệt, giờ trở về lại khư khư ôm lấy của cải. Mấy người tham lam cũng vừa thôi chớ. Ba nhào đến, chị Ngọc lùi lại. Mẹ nắm cánh tay ba. Ba vùng vẫy: - Cô buông tôi ra. Tôi phải đánh nó. Chị Ngọc đổ dầu vào lửa: - Đánh ai? Ba đủ sức sao? Ba tưởng ba còn trẻ lắm à? Mẹ nhất định không cho ba đánh chị Ngọc. Ba càng vùng, mẹ càng nắm chặt áo ba, cố sức kéo lùi về phía cầu thang. Bỗng mẹ hụt chân, chới với. Theo phản xạ, mẹ buông tay, gượng níu lấy thanh cầm uốn khúc dẫn lên lầu, quên hẳn ba cũng bị mất thăng bằng nhưng không may mắn như mẹ. Tôi rú lên khi thấy ba lăn lông lốc xuống cầu thang. Mưa tạnh hẳn. Trong bóng tối nhập nhoạng của một ngày sắp hết, ba nằm co quắp, không động đậy. Mẹ nâng gương mặt ba lên, nức nở: “Anh ơi!”. Tôi cuống cuồng nhấc điện thoại, gọi xe cấp cứu. Chỉ có chị Ngọc là bình tĩnh. Từ trên bậc thang cao, chị nói với xuống: “Mẹ con các người sẽ phải trả giá thôi” oOo Lời nguyền của chị Ngọc thật linh ứng. Ba mất. Mẹ bị kết án 3 năm vì tội ngộ sát. Tôi như đứng trước ngã ba đường mịt mù sương khói, chẳng biết đi về đâu. Đáng lý ra, cái chết của ba không liên quan đến mẹ. Khi ngã xuống, ba chỉ bị tổn thương đến phần mềm, đầu không va chạm, xương không bị gãy. Theo lời bác sĩ quen, từ lâu, tim của ba đã có vấn đề. Nay cú té làm mảnh đạn trong phổi chuyển mình, lọt vào khí quản, bít kín đường hô hấp, khiến ba không chịu nổi. Ban đầu, trong bệnh án, nguyên nhân cái chết của ba được ghi là do tai nạn. Nhưng chị Ngọc không chấp nhận, chị nhất định buộc tội mẹ cố ý giết chồng vì ba đang muốn bán nhà chia cho hai đứa con riêng. Với sự đồng lõa của anh Hùng, chị làm đơn kiện lên tòa án với những luận chứng sắc bén không sao chối cãi. Và mẹ con tôi đã thua đậm trước một con người tráo trở nhưng thông thạo luật pháp ấy. Sự việc xảy ra như trong cơn ác mộng. Hình hài ba trở thành nắm tro trong chiếc hũ trắng để trên bàn thờ. Mẹ tiếp tục cuộc đời sau chấn song sắt. Tôi tiếp tục cuộc đời trong buồn tủi cô đơn. Nhưng nào tôi đã được yên. Anh Hùng, chị Ngọc có một quyết định rất xảo quyệt. Dạo ba còn sống, lúc nào anh chị cũng yêu cầu bán nhà chia của, nay thì không. Vì nếu bán nhà, mẹ và tôi - vợ con hợp pháp của ba cũng được phần. Cho nên, anh chị sửa lại ngôi biệt thự thành nhiều phòng để cho người nước ngoài thuê. Chú Chín - người bà con bên ngoại của anh chị được mướn làm quản gia, trông nom ngôi nhà trong thời gian anh chị không có mặt ở Việt Nam. Chị Ngọc nói với tôi: - Cô cứ việc chọn một phòng để ở, không phải trả bất cứ chi phí nào. Thế là chúng tôi quá tốt với cô rồi đấy. - Em là con gái, không thể ở chung với những người ngoại quốc. Hơn nữa, em cần có học trò. Em xin phép được dọn ra ngoài. - Tùy cô thôi. Nhưng cô không thể mang cây piano đi được, vì hai lý do. Thứ nhất, cây đàn hiện được dùng để trang trí phòng khách; thứ hai, đó là cây đàn của tôi. Tôi sắp rời khỏi ngôi nhà ấu thơ với hai bàn tay trắng, trước những đôi mắt ngậm ngùi thương hại của hàng xóm láng giềng. Sau cái chết của ba và nỗi bất hạnh giáng xuống đời mẹ con tôi, họ đã thấy được lòng dạ đen tối của hai người ruột thịt cùng cha khác mẹ với tôi. Nhưng thấy để mà làm gì nữa? Không ai giúp được tôi trong lúc nầy đâu. Có chăng là những ý kiến bàn ra tán vào làm lòng tôi càng rối ren thêm. Tôi không cần gì cả. Trước mặt tôi, còn bao nhiêu việc phải làm. Giờ đây, trên con đường tương lai, một mình tôi bước tới, liệu tôi có đủ sức đương đầu với bão táp phong ba? Sau một thời gian khổ đau, mất phương hướng, tôi bắt đầu sắp xếp lại cuộc đời mình. Đầu tiên, tôi tìm đến Loan - nhỏ bạn thân. Bà quản gia nói: - Cô Út đi du lịch chưa về. Có nhắn gì, cô cứ để giấy lại. Vậy mà tôi không nhớ. Hôm chia tay nghỉ hè, Loan có nói: “Hè nầy, có thể tao được đi du lịch Châu Âu, rồi sau đó, sang Canada thăm anh Hai tao”. Loan là con nhà giàu - rất giàu. Giàu từ nhiều thế hệ trước. Đến đời ông nội nó, đã có trong tay hàng chục đồn điền cà phê rải rác khắp vùng Tây Nguyên. Loan cùng tuổi với tôi, nhưng đối với Loan, ngày nó mở mắt chào đời không bình yên chút nào. Thành phố đang trong cơn hoảng loạn. Ba má nó quay cuồng trong tình trạng nửa ở nửa đi. Đi thì cuộc sống giàu sang sẽ không bị gián đoạn, con cái sẽ được học hành, tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật tiến bô.... nhưng đi là chấp nhận kiếp tha hương, con cái dần mất gốc, hương khói tổ tiên sẽ lạnh lẽo chốn quê người. Má Loan lại vừa sinh, sức khỏe kém, không thể vượt qua chặng đường xa xôi đầy nguy hiểm như vậy. Cuối cùng, họ quyết không đi. Một người bạn thân của ba Loan không có con, năn nỉ gia đình Loan cho ông nhận anh Hai của Loan làm con nuôi, đem ra nước ngoài, chăm lo cho anh ăn học đến nơi đến chốn. Những ngày đầu gian khổ, Loan vẫn sống yên vui cùng ba má, chị Ba và anh Tư. Hai người bác của Loan trở về, hướng dẫn cho ba Loan phương cách làm ăn mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội lúc bấy giờ. Rồi đất nước mở cửa, ba Loan hùn vốn cùng bạn bè thành lập nhiều công ty liên doanh, đầu tư vào các dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Tôi quen Loan vào năm lên 7, khi hai đứa cùng nhỏ tí teo như hai viên kẹo, và cùng kỳ phùng địch thủ để dành một chỗ chính qui trong Nhạc viện Thành phố. Kỳ tuyển sinh Piano năm đó, Loan và tôi cùng đánh bản “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” của Mozart. Tôi đứng đầu bảng với điểm một0 tuyệt đối, Loan được xếp hạng nhì trong số mười hai bạn trúng tuyển. Vào trường, buổi sáng học chuyên môn cùng “sư phụ”, buổi chiều học văn hóa lại cùng ngồi cạnh nhau, nên tình bạn giữa chúng tôi ngày thêm thắm thiết. Tuổi thơ tôi gắn liền với khung trời Nhạc viện, những ngõ ngách thân quen, những căn phòng thoáng mát. Mỗi buổi trưa ở lại trường, cây me già cuối sân thả từng đợt mưa xanh xuống những trò chơi trẻ con của chúng tôi: nhảy dây, banh đũa, trốn tìm...; là chứng nhân thương yêu nhìn chúng tôi lớn lên từ cô vịt con xấu xí biến dần thành nàng thiên nga xinh đẹp. Nhưng những con thiên nga chưa hoàn toàn lột xác, cây me đã bị người ta đốn ngã để chỉnh trang lại ngôi trường. Trường tôi bây giờ có rất nhiều cái hơn xưa: lộng lẫy hơn, nguy nga hơn, hiện đại hơn nhưng không phải là ngôi trường của một thời dìu dặt cung đàn những đêm diễn báo cáo, hội trường tràn ngập hoa tươi, những bàn tay nắm lấy bàn tay, vang vang lời chúc tụng... Trường tôi bây giờ không gian đầy những tạp âm. Chỗ nầy cho thuê phòng dạy Anh văn, đằng kia mở tiệc mừng sinh nhật, rồi còn hoạt động của các ban nhạc Pop Rock, các đoàn kịch thành phố tại hội trường - giờ đã được nâng cấp với một sân khấu hoành tráng, những dãy ghế bọc nhung sang trọng, tường cách âm có gắn máy điều hòa, tạo sức hấp dẫn và thoải mái cho các khán giả mọi lứa tuổi. Mười một năm gắn bó với mái trường, thêm hai năm đại học, không như Loan chỉ chuyên tâm học đàn, tôi còn ghi danh học môn Anh văn hệ tại chức với quyết tâm đạt cho được mảnh bằng cử nhân để làm phong phú thêm hành trang vào đời. Giờ ba đã mất, mẹ đang trong vòng lao lý, anh chị chiếm lấy ngôi nhà, nhất định tôi phải vượt qua được chặng đường đầy chông gai phía trước, làm chủ lấy cuộc sống của mình. Rời nhà Loan, tôi đến nhà nhỏ bạn thân thứ hai là Thu Hà, gặp Cẩm Vân đang ngồi tán gẫu. Hai nhỏ nầy thi đậu trung cấp mới vào học chung văn hóa với tôi và Loan. Bốn đứa tạo thành “bộ tứ” cùng học cùng chơi rất tâm đắc. Thấy tôi, Cẩm Vân chạy ra dẫn xe giúp: - Không ngờ ông anh, bà chị Việt kiều của mầy tệ thật. Vậy sau nầy, mầy định ở đâu? - Tao có một số tiền ở ngân hàng. Cứ tiếp tục dạy đàn, chắc cũng không đến nỗi. Cẩm Vân bàn: - Vậy thì việc đầu tiên là phải tìm chỗ ở. Thuê một ngôi nhà... không cần, chỉ một căn phòng là được rồi, nhưng phải đủ rộng để đặt vừa cây piano. Tôi ngắt lời: - Tao không còn cây đàn nữa. Chị Ngọc giữ lại rồi. Thu Hà đang ngồi dựa ngửa, bỗng bật lên như lò xo: - Sao có người ác quá vậy? Làm thế có khác gì đập bể nồi cơm của mầy. Cẩm Vân và Thu Hà cùng học đàn tranh. Có một thời chúng nó nhận được rất nhiều học trò. Đó là các bà các cô sắp xuất cảnh, muốn làm quen với âm nhạc để gia nhập vào “thế giới thượng lưu”. Học đàn, rồi mua bán đàn. Có những cây đàn tranh giá một vài chỉ, nhưng cũng có những cây làm bằng gỗ quí, chạm trổ hoặc cẩn xà cừ giá đến vài cây. Tiếng đàn hay dở cần phải có tai nghe. Nhân được các học sinh nhờ vả, chúng nó mở luôn “dịch vụ” mua bán đàn, tiền vô như nước. Nhưng rồi phong trào xẹp xuống rất nhanh. Không phải ai học đàn cũng được, ai chơi đàn cũng hay. Cần cù nhẫn nại chưa đủ, mà phải có năng khiếu bẩm sinh. Có nhiều người, cả tháng trời không thể nhớ nổi 7 nốt nhạc, có người học đã sáu tháng vẫn không biểu diễn được một bài nhạc đơn giản nhất. Dần dần, họ đâm chán, tuyên bố nghỉ học. Số học sinh giảm xuống, Thu Hà và Cẩm Vân bị thất thu. Nhưng không sao, sông có khúc, người có lúc, chúng nó lại có thời gian chuyên tâm học hành. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp, Thu Hà xin vào dạy nhạc tại một trường dân lập. Còn Cẩm Vân thi rớt Đại học, ở nhà làm nhân viên tiếp thị cho người chú có cửa hàng bán đàn Organ. Cẩm Vân nói: - Chỗ tao làm, thỉnh thoảng có người đến nhờ mai mối bán đàn. Tao sẽ để ý kiếm cho mầy một cây piano giá rẻ. Còn Thu Hà, xem thử có phụ huynh học sinh nào muốn cho thuê nhà hoặc phòng, nhớ báo cho Diễm Châu. Tôi cảm động: - Khỏi cần. Tao sẽ đến các dịch vụ mua bán nhà, tìm thuê một căn phòng cho người độc thân, chắc là dễ thôi. Thu Hà dẫy nẩy: - Ý, mầy đừng tiếp xúc với mấy tay cò nhà, nguy hiểm lắm. - Mầy mới đi dạy có một năm, làm gì mô phạm dữ vậy. Yên tâm đi, cò cũng có năm bảy loại. Thời buổi cạnh tranh thị trường, giở trò lừa bịp thì không thể làm ăn lâu dài đâu. Cẩm Vân nói: - Nhưng mầy cũng phải cẩn thận đấy. Hay là tao đi với mầy. À, tao có người quen làm dịch vụ nầy, mình đến đó thử xem.