Duy gật đầu chào người đàn bà ngồi kế bên mẹ mình với vẻ ngạc nhiên. Anh cố nhớ, nhưng không nhận ra đã gặp bà ta ở đâu mà trông quen quá. Bà ta có vẻ trẻ hơn bà Trầm, mẹ của anh, dù về tuổi tác chắc hai người suýt soát bằng nhau, Duy còn đang nghi ngờ thì đã nghe bà Trầm lên tiếng: - Mau tới chào mợ Thanh đi Duy. Duy hơi ngỡ ngàng một chút khi nghe mẹ mình nói thế. Thì ra bà ta là vợ của cậu Thanh. Đang còn nghi ngờ Duy đã nghe bà mợ nói: - Trông quý tử của chị giống anh Thanh quá. Bà Trầm cười: - Nghịch tử thì có. Mợ chưa biết tài ngang tài ngược của nó đâu. May thằng nầy chỉ không ở nhà, nó quậy, ba nó giận lắm rồi. Duy thấy bà Thanh nhìn mình, ánh mắt bà ấm áp trìu mến, rồi xa xăm như nghĩ ngợi điều gì xưa cũ đến quên hết chung quanh. Rồi như sực nhớ ra, bà liền vả lả nói: - Cháu hiền thế kia, mà chị cứ quở. Tội thằng nhỏ. Bà Trầm lại cười: - Không dám hiền đâu. Nó đang bỏ nhà đi bụi đời đó. Duy hơi ngượng vì tính động đâu nói đấy của mẹ. Nếu biết bà đang ngồi với khách, anh đã không vào rồi. Thật khổ! Không chừng bà sắp kể ra hàng lô hàng lốc chuyện xấu của anh với bà mợ mới gặp lần đầu nầy bây giờ. Anh vội vàng phản ứng: - Con ra ngoài ở để thoải mái trong công việc làm ăn. Sao mẹ lại nói vậy? Bà Thanh mỉm cười: - Mẹ cháu đùa mà. Ở bển ngày nào chị ấy cũng nhắc cháu, đến nỗi mợ còn biết cháu rất mê theo ngành tin học. Cháu ra ngoài ở chắc cũng tại nỗi đam mê nầy chớ gì? Duy im lặng thay cho câu trả lời. Mẹ anh lại lên tiếng: - Sao con không đưa Tố Nga sang? - Cô ấy sẽ đến một mình. Bà Trầm nhíu mầy: - Lại giận hờn nhau nữa rồi à? Giọng Duy lơ lửng: - Không có, nhưng nếu mẹ thích, con sẽ giận cái một, vì chuyện đó đâu có khó khăn gì. Quay sang bà Thanh, bà Trầm than: - Em nghe nó nói ngang như vậy có tức không? Bà Thanh hóm hỉnh: - Cháu Duy rất giống chị Ở chỗ hay nói đùa và đùa rất có duyên. Nghe bà Thanh khen như thế, bà Trầm lắc đầu cười rồi nói với Duy: - Trai giống mẹ thì khó ba đời con à! Mới về nhưng mẹ đã nghe chuyện mầy trở chứng. Liệu đấy! Mất duyên con gái người ta, tội nặng lắm đó. Lần nầy thì Duy ngượng thật, anh đứng dậy cáo lui: - Xin lỗi mợ. Cháu ra ngoài một chút. Rồi không đợi mẹ nói thêm lời nào, Duy bước vội ra sân, lòng cứ lâng lâng nhớ tới những giây phút bên Lam Uyên. Cô bé mới dễ yêu làm sao! Lí lắc, nghịch ngợm, hồn nhiên, và cũng rất tự cao, nhưng cái tự cao ấy không đỏng đảnh, khinh người và tính toan lõi đời như Tố Nga. Gần Lam Uyên, anh mới khám phá ra đằng sau lớp vỏ ngông nghênh đến mức như lì ấy là một tâm hồn con gái dễ xúc động, đầy mặc cảm của người thiếu tình mẫu tử. Lam Uyên như con trai trong cử chỉ và lời nói cũng phải thôi, vì cô quen sống với cha và anh từ nhỏ. Ngồi bên cô, nghe cô ríu rít kể về những buồn vui thiếu thốn trong đời, rồi những khao khát ước mơ, Duy càng yêu Lam Uyên hơn. Anh thề với lòng sẽ là người chia sẻ những buồn vui với cô đến hết đời. Như thế có bồng bột không nhỉ? Hình như Hưng không mấy tán thành mối tình nầy. Hưng lo em gái hắn sẽ khổ. Anh không trách Hưng và cũng không hứa hẹn gì với Hưng cả, nhưng anh quyết làm hết sức mình và làm bất cứ việc gì để Lam Uyên được hạnh phúc. Nhưng muốn vậy anh phải tìm cách nào, phải làm gì có tiền, chớ đâu chỉ có ước mơ suông thế nầy. Duy thở dài. Thật sự yêu một người quả là khổ. Trước đây với Tố Nga, có bao giờ anh phải nghĩ đủ thứ như bây giờ đâu. Vừa nhắc đến đã thấy Tố Nga xuất hiện, Duy vội nép vào hàng cột để tránh mặt. Anh không muốn gặp cô lúc nầy, lúc cô đang khép nép đi bên bà mẹ to béo với gương mặt bự phấn mà có lần mẹ anh đã cười cười nói với anh rằng: - Mẹ dám cá sau nầy Tố Nga sẽ…. bề thế y như mẹ nó. Lúc ấy nó sẽ nắm con mà quay như quay dế. Người ta bảo nói nhiều trật nhiều. Mẹ Duy thuộc dạng hay nói, nhưng lần đó chắc bà nói trúng. Và anh vẫn hy vọng bà sẽ ủng hộ mình. Duy đốt thuốc và tưởng tượng cạnh mẹ Tố Nga ngồi nói chuyện với mẹ mình. Hai bà xứng là kỳ phùng địch thủ trong vấn đề ăn nói. Mọi lần Tố Nga đưa mẹ tới đây, anh và cô thường bỏ mặc hai bà mẹ… đàm đạo để tìm một chỗ riêng tư âu yếm vuốt ve nhau. Tình yêu giữa anh và Nga hình như chỉ có bao nhiêu đó, nó chỉ là những đòi hỏi xác thịt mà Tố Nga sẵn sàng đáp ứng ở một giới hạn cô thấy đủ để Duy thoa? mãn, nhưng vẫn khát khao đến với cô. Đúng là một thói quen như Tố Nga thường nói. Duy hơi bất ngờ khi thấy bà Thanh thong thả tiến về phía mình. Anh bối rối đứng dậy mời bà ngồi xuống băng đá. Chưa biết sẽ nói gì Duy đã nghe bà hỏi: - Cô bé ấy đã tới, sao cháu còn ngồi đây? Duy cười. Anh búng tàn thuốc ra xa rồi bảo: - Cháu muốn thay đổi thói quen của mình. - Sao lại thay đổi. Nếu đó là một thói quen đáng yêu. - Đáng yêu cách mấy cũng chán mợ ạ. - Ai lại chán được tình yêu nhỉ. Mợ nghĩ hai đứa đang giận nhau phải không? Bỗng dưng Duy có cảm giác người đàn bà nầy quan tâm đến mình. Ánh mắt bà ta dịu dàng trìu mến và như đang khuyến khích anh thổ lộ những điều anh đang nghĩ. Ánh mắt ấy làm Duy liên tưởng đến Lam Uyên. Cô bé nghịch ngợm của lòng anh cũng có cái nhìn như thế mỗi khi vòi vĩnh gì đó ở anh. Và chưa lần nào Duy từ chối yêu cầu của Lam Uyên hết. Anh trầm giọng: - Nếu giận nhau thì đỡ khổ. Đằng nầy với Tố Nga, cháu thấy lòng trống vắng dửng dưng như giữa hai đứa không hề có quan hệ gì với nhau cả. Bà Thanh tặc lưỡi: - Vậy là hết yêu rồi, tiếc thật. Rồi bà tò mò: - Chắc cháu đã có một tình yêu mới? Duy suy nghĩ và trả lời: - Cháu chỉ có một tình yêu vừa tìm thấy. Và đang khổ sở vì cái mình lầm tưởng là tình yêu. - Cháu đang khổ vì sự lựa chọn của mình thì đúng hơn. Nhưng nếu thật sự yêu thì phải chấp nhận. Nhiều khi biết sự lựa chọn của mình là ích kỷ, nhẫn tâm không thể làm khác đi được. Duy buột miệng: - Mợ nói như từng có kinh nghiệm chuyện đó vậy. Bà Thanh cười: - Dầu không có kinh nghiệm bản thân, mợ cũng hiểu qua kinh nghiệm người khác để thông cảm với những ai đang khốn đốn vì tình yêu. Duy chép miệng: - Phải chi ba mẹ cháu cũng tâm lý như mợ nhỉ. Cháu mà là con của mợ thì lúc nào cũng có mẹ làm người “gỡ rối tâm tình”. Đang vui, mặt bà Thanh chợt trầm xuống - Tiếc là mợ không có đứa con nào cả. Một thân một mình chỉ lấy công việc làm niềm khuây khỏa, đôi lúc mợ nghĩ quẩn… mình nằm xuống rồi tài sản biết để cho ai, tại sao phải cực khổ, phải tất bật bù đầu với công việc thế nầy?Duy thấy lòng dâng lên niềm thương cảm khi nghe những lời than thở của mợ Thanh. Mới gặp lần đầu, nhưng tự nhiên anh thấy bà gần gũi với mình vô cùng. Tội nghiệp! Người có dáng vẻ như bà mà lại sống một mình trong cô độc. Ông cậu anh đã qua đời vì một tai nạn xe hơi trên đường cao tốc. Ông chết không trối lấy một lời và không một đứa con nối dõi…. Nếu có được con cái, chắc mợ Thanh không quạnh quẽ một mình như vậy. Chẳng muốn khơi lại chuyện buồn, Duy bèn hỏi trớ đi: - Lần nầy chắc mợ về nước để cho tâm hồn được thanh thản? Bà Thanh bỗng trở nên kín đáo với câu trả lời lấp lửng: - Có lẽ là như vậy. Ai cũng mong trở về nơi có nhiều kỷ niệm nhất đời mình. - Mợ sẽ ở lại Việt Nam luôn chứ? Bà Thanh chầm chạp đáp: - Ở lại với ai? Khi dòng họ mợ đều ở nước ngoài. - Mợ không còn bạn bè, người quen nào sao? - Bạn bè thì có, nhưng xa mười mấy năm rồi biết còn là bạn mình không? Duy kêu lên: - Mợ bi quan vậy? Bạn bè thì bao giờ cũng là bạn bè chớ. Bà Thanh cười khẽ: - Mới là người yêu, chẳng bao lâu đã trở nên xa lạ huống chi là bạn bè bặt tăm chả biết tin tức gì nhau. Thấy Duy có vẻ ngượng, bà vội nói: - Xin lỗi! Mợ vô tình chớ không có ý nói cháu. Tình yêu luôn khác với tình bạn mà! Khi đã yêu thì cách xa cả trái đất vẫn tìm về với nhau. Nheo nheo mắt, Duy đùa: - Cháu có cảm giác mợ đang tìm về với ai đó…. Bà im lặng, mãi lúc sau mới lên tiếng: - Nói về cô bé thật sự làm trái tim cháu rung động cho mợ nghe xem. Biết đâu có lúc mợ sẽ giúp được cháu việc gì đấy. Mặt Duy tươi hẳn lên, anh hăm hở kể: - Cô ta là một con nhóc nhỏ hơn cháu bốn tuổi, lóc chóc nghịch ngợm như một thằng con trai. Lần đầu trông thấy cô bé, cháu có cảm giác ngạt thở, đang ngồi kế bên Tố Nga nhưng cháu không còn nhớ gì đến cô ấy hết, mọi vật quanh cháu như mờ hẳn đi. - Người ta gọi hiện tượng nầy là “tiếng sét ái tình” Hôm đó đúng là cháu bị sét đánh rồi. Những mối tình bắt đầu như vậy khó lòng phai nhạt lắm, và nếu phải sống xa nhau người ta sẽ đau khổ đến khi chết. Duy gật đầu: - Cháu cũng nghĩ như vậy. Đã bao lần cháu cố không nhớ đến Lam Uyên, nhưng rồi đâu lại vào đó. Cháu không quên được dầu chỉ gặp cô bé có một lần. Mặt bà Thanh chợt xa xôi: - Lam Uyên! Cái tên dễ thương quá! Trước đây mợ cũng có một đứa con tên Uyên. Duy hơi ngạc nhiên: - Trước đây nghĩa là sao hở mợ Thanh? Giọng bà Thanh hơi ngập ngừng: - Chuyến vượt biên của mợ lần đó bị bão, mợ được tàu buôn Thái Lan vớt và họ cho ở đảo của họ. Gia đình chết không còn ai. Tại đây mợ gặp cậu cháu và được anh ấy đùm bọc …. Đến khi được định cư tại Canada, mợ sinh con bé Uyên ra được ba ngày thì nó chết. Có lẽ vì thời gian ở đảo cực khổ quá… Duy nhíu nhíu mầy: - Vậy mà cháu không hề nghe mẹ nói cậu Thanh từng có một đứa con. Cô bé ấy chết chắc cậu khổ lắm. Bà Thanh thở dài: - Phải, cậu cháu còn sống, chắc mợ cũng ráng sanh cho ông ấy thằng con trai. Ổng ham con lắm. Duy lặng im suy nghĩ những lời mợ Thanh vừa nói. Anh nhớ không lầm thì mẹ anh từng kể rằng: hồi nhỏ cậu Thanh bị bệnh quai bị. Chứng bệnh nầy, khiến cậu tuyệt đường con cái. Chính vì vậy bà vợ vừa cưới được hơn một năm mới bỏ. Cậu Thanh buồn tình bèn vượt biên. Chẳng lẽ sự thật không phải như vậy? Hoặc giả là đứa con của mợ Thanh không phải con cậu. Chuyện nầy hơi khó hiểu đây. Bà Thanh chợt lên tiếng: - Sao tự nhiên đi nhắc chuyện cũ xưa ấy nhỉ. Kể tiếp về cháu và Lam Uyên cho mợ nghe xem nào. Cháu đã tính gì chưa? Nếu ba mẹ cháu chỉ đồng ý chấp nhận Tố Nga làm dâu thì sao? Duy chưa kịp trả lời đã thấy Tố Nga ra tới. Cô nhỏng nhảnh ngồi xuống kế bên bà Thanh, giọng kênh kiệu: - Mẹ em hỏi anh đấy! Cho mà liệu hồn! Hai bà đang bàn chuyện tụi mình, và dĩ nhiên sẽ không có gì thay đổi. Mẹ em nói sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cho anh mở trung tâm Vi Tính. Vậy là đúng nguyện vọng của anh rồi phải không? Duy lạnh nhạt: - Em thừa biết những lời đang nói không có áp phê với anh, sao cứ nói hoài vậy? Đừng đem mẹ em ra dọa. Anh có làm gì đâu mà phải liệu hồn. Buồn cười thật. Bà Thanh lịch sự đứng dậy: - Mợ đi vòng vòng xem vườn kiểng nhà cháu một chút. Vỗ nhẹ lên lưng Duy như ngầm bảo anh đừng nóng nảy, bà mỉm cười với Nga rồi chậm rãi bước đi. Tố Nga bĩu môi khi nhìn theo bà: - Thật là chướng! Già rồi mà cứ bám riết con trai. Nãy giờ bà ta nói chuyện gì với anh vậy? Duy bực mình gắt: - Em dẹp cách nói bừa bãi ấy đi! Không biết ai chướng nữa. Mợ Thanh là vợ của cậu Thanh, em không coi anh ra gì hết sao mà nói được những lời như thế? Tố Nga không nhịn: - Mợ Ở bên Tây, bên Tàu, cả đời biết có gặp lại bả lần thứ hai không mà em im lặng trong khi mới nhìn sơ qua thôi em đã ưa không vô. Bà ta có nét gì đó làm em ghét mới kỳ. Em thấy dường như anh dành nhiều tình cảm cho bà sồn sồn đó. Duy đỏ mặt: - Nói tầm bậy. - Phải! Em nói tầm bậy. Trước đây em cũng nói bậy chuyện anh và con quỷ Lam Uyên. Hứ! Không có gì với nhau, sao tự nhiên nó nộp đơn xin nghỉ việc? Liếc Duy một cái sắc lẻm, Tố Nga đay nghiến: - Anh giả đò cũng hay thật. Đưa nó vào làm ở xí nghiệp, mà hôm sinh nhật anh vờ như quen biết, không gặp nhau lần nào. Nhưng những trò hề ấy làm sao qua khỏi đôi mắt nầy. Duy đứng dậy. Anh không muốn đôi co với Nga. Trước đây cũng vậy, nhiều khi nghe cô nói những lời chói tai Duy vẫn làm thinh, có lẽ vì Tố Nga luôn cho là mình đúng, mình hay, thậm chí cô nghĩ rằng vì anh yêu nên…. nể sợ cô không chừng. Thấy Duy im lặng. Tố Nga tưởng mình vẫn… thắng thế như mọi khi nên cô làm tới: - Sao? Em nói đúng không? Đàn ông các anh bao giờ cũng đứng núi nầy trông núi nọ. Duy bỗng cắt ngang lời Nga: - Đúng vậy! Tiếc là em không xứng làm núi để anh đứng mà trông sang ngọn khác.Nga rít lên tức giận: - Anh nói cái gì? Anh nhục mạ tôi đấy à? Duy lầm lì nhảy lên chiếc Win rồi vọt ra cổng. Biết làm như vậy mẹ anh sẽ rất giận, nhưng anh muốn tỏ thái độ cho bà và cả mẹ Tố Nga biết anh vẫn giữ ý định của mình. o0o Lam Uyên chống tay uể oải nghe người nhân viên nói lại bằng tiếng Hoa những lời khách trao đổi với Tổng giám đốc Ngô Vĩnh Kỳ. Cuối cùng sau gần hai tháng Hưng và cả Duy tìm không ra việc làm cho cô, Lam Uyên đành tạm thời về làm nhân viên cho công ty du lịch chết tiệt nầy. Cô là nhân viên dưới quyền phó giám đốc…. Kiều Mai. Thật không có gì đáng chán hơn khi cô ở nhà đã phải cố gắng nghe lời dì ấy để ba cô vui lòng. Bây giờ vào nơi làm việc Uyên lại phải vâng vâng dạ dạ và tỏ ra lễ phép, hiếu thảo cho xứng với lời giới thiệu mồm mép của dì Mai rằng cô rất hiền, rất ngoan và rất kính yêu bà… kế mẫu. Lam Uyên thừa biết Kiều Mai không muốn cô vào làm ở đây, nhưng vì lỡ lời nên bà đành chiều ý ông Trí cho ông vui và tin tưởng vào bà hơn nữa. Từ khi biến cái khách sạn mini cà tàng thành công ty dịch vụ du lịch Hoa Lan, bà Mai tha hồ đi sớm về trễ. Về đến nhà bà thở than nào là cực khổ muôn bề, công việc đăng đăng đê đê mà bà thiếu người tin cẩn để giao… Nghe bà vợ trẻ rên rỉ, ba Uyên bèn quyết định gọn rằng: cô sẽ vào công ty để phụ trợ bà dì. Thoạt đầu bà Mai gạt phăng ra vì trăm ngàn lý do, và lý do nào cũng lo Uyên cực khổ, làm ở nơi nầy không mấy phù hợp với con gái trẻ như cô. Lẽ ra Lam Uyên đã từ chối vì cô có ưa gì bị bà ta kềm kẹp, nhưng nghe cách nói giả nhân giả nghĩa của bà Mai, Lam Uyên gật đầu nghe lời ba cho bỏ ghét. Dẫu sao thời gian nầy cũng thất nghiệp, bao giờ anh Hưng tìm được việc khác thì nghỉ ở đây, có gì đâu mà lo chớ.Thế là bà Mai đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Đưa Lam Uyên vào công ty, nhưng bà không hề phân cô làm việc gì cả. Suốt ngày Uyên quanh quẩn ngồi một mình trong phòng rộng lớn. Nếu có khách cô sẽ hỏi xem họ muốn tìm ai và đưa đến phòng giám đốc hay phó giám đốc tùy theo ý khách. Trung tâm dịch vụ Hoa Lan nầy thật đa chức năng. Khi nhờ bà Kim Anh, một nhân viên ở đây dịch bảng quảng cáo bằng tiếng nước ngoài treo trên vách phòng, Lam Uyên không khỏi ngạc nhiên khi nghe nội dung tả pí lù của nó. “Trung tâm Hoa Lan đào tạo, cung ứng và xuất khẩu lao động. Du lịch lao động phục vụ: hộ chiếu, xe đưa đón, khách sạn, tham quan, kinh doanh, đầu tư và giới thiệu hôn nhân…” Lam Uyên thắc mắc với bà Kiều Mai mục… “giới thiệu hôn nhân” thì được bà giải thích “đây chỉ là mục kết bạn bốn phương bình thường” rồi dứt khoát bà không nói thêm lời nào cho cô hiểu hơn nữa hết. Uyên biết bà ta chả muốn cô chõ mũi vào việc làm ăn ở đây. Mới làm được hai tuần lễ thôi mà Lam Uyên đã phát chán với sự nhàn rỗi của mình. Cô đi ra đi vào và không biết nói chuyện cùng ai vì hầu hết nhân viên trong công ty nầy là người Hoa. Họ nói với nhau và với khách bằng ngôn ngữ riêng của họ. Mặc cho Lam Uyên ngớ ra nghe như vịt nghe sấm, họ xem như không có cô ở đó. Lam Uyên biết dì Mai cố tình…. ra lệnh cho họ như thế để cô tự thấy mình thừa thãi mà xin rút lui. Có cô làm kỳ đà, bà Mai đâu tự nhiên khi tiếp xúc với giám đốc Ngô Vĩnh Kỳ. Cái gã đàn ông Đài Loan có đôi mắt xụp mí lì lì nom dễ ghét ấy không gây được chút thiện cảm nào với Uyên hết, nhưng gã lại được bà Mai hết sức kính nể và đặc biệt có cảm tình mới lạ. Vào đây, Lam Uyên mới biết bà Kiều Mai gốc Hoa. Bà nói tiếng Quảng Đông y như gã giám đốc bụng phệ kia, và cả hai cười ngặt nghẽo trước nét mặt kinh ngạc của cô. Bà vợ trẻ của ba quả là đầy bí ẩn, Lam Uyên chẳng biết ba có… hiểu bà ta tới mức độ nào mà dễ dàng giao hết cơ nghiệp như thế. Lam Uyên giật mình khi bà Mai bước vào gọi cô ra ngoài. Đưa cô một bìa sơ mi dày cộm, bà ra lệnh ngắn gọn: - Nhập vào vi tính và cho in ra ngay. Làm theo mẫu mã đã có sẵn nghe chưa. Cô gật đầu. Dẫu sao đây cũng là việc đầu tiên được giao, cô phải làm đàng hoàng để không phải bị nhận những cái dè bỉu khinh thường của bà ta. Đẩy cửa cái phòng nhỏ có đặt một máy vi tính mà chắc chắn ở trung tâm nầy chỉ có cô biết sử dụng. Uyên ngồi xuống, huýt sáo nho nhỏ và giở hồ sơ ra xem. Đó là sơ yếu lý lịch của rất nhiều người mà cô sẽ nhập vào máy để giữ lại. Những người nầy muốn sang Đài Loan làm việc, họ nhờ trung tâm làm trung gian giới thiệu. Bà Kiều Mai đúng là người nhanh nhạy với loại dịch vụ xuất khẩu…. người ta. Loại dịch vụ hết sức mới mẻ nầy chắc thu lợi vào rất nhiều, vì thiên hạ rất thích “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Cẩn thận giở những xấp hồ sơ, Uyên hơi ngạc nhiên khi thấy toàn là đơn xin xuất cảnh du lịch chớ không phải xin đi hợp tác lao động như cô tưởng. Vừa đưa tay ấn nhẹ lên các bảng phím, Lam Uyên vừa nghĩ ngợi lung tung. Đến khi nghe tiếng mở cửa, cô mới ngước lên và vui vẻ nói: - Dì Anh, ngồi đây chơi một chút đi! Con buồn chết mà không có ai để nói chuyện hết. Người đàn bà gầy gò mang tên Kim Anh vừa đưa đẩy cây lau nhà về phía trước, vừa cười cười: - Lo làm việc đi. Ham chơi quá, biết chừng nào mới xong. Rồi như nhớ ra, bà ta nói: - Hình như đây là công việc đầu tiên của cô? Con gái của phó giám đốc quả là sướng hơn người. Lam Uyên bĩu môi: - Sướng gì mà sướng. Cứ ngồi không một mình trong phòng, chẳng có ai nói chuyện cũng chẳng có việc để làm, cháu thấy giống bị biệt giam thấy mồ. Mà chắc dì Mai giam cháu vào đây thật chớ gì nữa. - Sao lại nói vậy. Tôi nghĩ bà Mai không muốn cô cực khổ thì đúng hơn. Lam Uyên nhếch miệng cười: - Ở công ty nầy chắc ai cũng nghĩ như dì, có điều họ nói với nhau bằng tiếng của họ, cháu không nghe, không hiểu thôi. Giọng bà Kim Anh có vẻ tò mò: - Dường như cô không thích công việc nầy? Chỉ vào máy tính, Uyên đáp: - Việc nầy thì cháu thích, nhưng làm việc tại đây thì…. Lam Uyên nhún vai nói tiếp: - Đúng là cực hình. - Vậy sao không ở nhà, gia đình cô giàu có, đi làm chi cho khổ. Chống tay dưới cằm, Uyên thở ra: - Ăn ở không núi cũng phải lở, gia đình cháu ngoài cái khách sạn cổ lỗ nầy ra còn có gì nữa đâu. Tất cả chỉ là cái vỏ rỗng thôi! Vả lại cháu cũng thích làm việc, có điều ở đây chán quá, chẳng ai là đồng nghiệp hết. Họ cứ lén lén lút lút, nhấp nha nhấp nhỏm mỗi khi đang làm việc, đang tiếp khách mà cháu xuất hiện. Chắc họ nghi cháu theo dõi họ để báo cáo tâng công với dì Mai hay sao ấy. Nhìn vẻ mặt tư lự của Lam Uyên, bà Kim Anh buột miệng: - Ngược lại thì có. Rồi như biết mình lỡ lời, bà cắm cúi lau vội lau vàng khoảng gạch gần cửa sổ trông xuống đường. Lam Uyên nhíu mầy hỏi: - Ý dì muốn nói là họ theo dõi cháu à? Bà vội lắc đầu: - Tôi lẩm cẩm nên nghĩ bậy, không phải vậy đâu. Lam Uyên tắt máy đứng dậy, cô cho tay vào túi theo thói quen, rồi đi lên đi xuống, lòng ngập tràn thắc mắc. Có đúng là họ cô lập và theo dõi mình không? Hình như mọi người không muốn có quan hệ giao tiếp với khách hàng, từ những khách thông thường tới liên hệ thuê xe hơi, hoặc hợp đồng tham quan trong nước, đến những người tới đăng ký đi lao động ở nước ngoài hoặc những dịch vụ linh tinh khác. Tại sao vậy? Đứng trước mặt bà Kim Anh, Lam Uyên nhỏ nhẹ: - Nói cho cháu nghe đi dì Anh. Cháu có làm gì sai đâu mà người ta lại theo dõi cháu? Bà Kim Anh khổ sở: - Tôi đã nói không có mà! Thôi cô làm việc đi. Nói dứt lời bà lại tiếp tục lau nhà, Lam Uyên đứng khoanh tay ngay cửa sổ nhìn xuống phố đến khi nghe một tràng xí xố, xí xào cô mới giật mình quay vô. Giám đốc Đài Loan Ngô Vĩnh Kỳ đứng giữa phòng xỉ xỉ tay về phía Lam Uyên, miệng tuôn một tràng liên tu bất tận khiến cô ngớ ra. Bực mình trước thái độ phách lối của ông ta, Uyên không nhịn được bèn hỏi: - Lão ấy nói gì vậy dì Anh? Bà Kim Anh lặng lẽ đứng im, mặc Ngô Vĩnh Kỳ xí xố, xí xào mà không trả lời Uyên. Cô lại phải nghe bà Anh…. líu lo với…. giám đốc trước khi ông ta bước ra và đóng sầm cửa lại như thị uy. Lam Uyên nóng nảy nói với theo: - Đồ bất lịch sự… đồ….. - Trời ơi lỡ ổng nghe thì sao? - Thì như vịt nghe sấm chớ sao. Lão mập ấy có biết tiếng Việt đâu mà dì sợ. Hừ! muốn thể hiện vai trò ông chủ lớn nước ngoài à? Thật là…. là… thô bỉ. Bà Kim Anh kêu lên: - Đừng nói nữa, ổng nghe được phiền lắm. Rồi bà thấp giọng: - Hắn ta từng lớn lên ở đây mà, hắn vờ không nói, không nghe được tiếng Việt đó thôi. Lam Uyên trợn mắt: - Cái gì? Lão ta biết nói tiếng Việt à? Vậy mà mọi lần làm ăn với người mình, lão nói tiếng Hoa hoặc tiếng Anh, rồi bắt thông dịch viên dịch lại. Thật là hợm hĩnh. Quay sang phía bà Anh, Lam Uyên hỏi: - Nhưng sao dì biết lão mập nầy biết nghe, thậm chí biết nói tiếng của mình? Ở đây cháu chưa bao giờ thấy lão ta có biểu hiện gì chứng tỏ lão nghe được tiếng Việt hết. Bà Kim Anh chép miệng: - Nói ra chắc cô không tin, nhưng xưa kia tôi và Vĩnh Kỳ từng học chung Đại Học tại Sài Gòn. Không ngăn được ngạc nhiên, Lam Uyên gặn lại: - Từng học chung Đ… ạ…. i…học với dì à? Đại học nào thế? Bà Kim Anh bùi ngùi: - Khoa Hán Nôm Đại Học Văn Khoa. Tôi và ông ta học chung cách đây hai mươi mấy ba chục năm rồi, và Vĩnh Kỳ không hề nhận ra tôi. Lam Uyên nghi ngờ: - Dì có nhìn lầm người không? Bà Kim Anh khe khẽ lắc đầu: - Làm sao lầm được khi mỗi ngày tôi mỗi gặp Vĩnh Kỳ. Lần đầu gặp anh ta, tôi đã ngờ ngợ, nhưng chưa dám nhìn vì anh ta và cả tôi bây giờ khác xưa quá! Trong khi Vĩnh Kỳ đang giấu cái gốc của mình, tôi là nhân viên quèn, mọi chuyện xưa cùng học chung ra để làm gì, biết đâu người ta vừa không nhìn, lại vừa cho mình thôi việc thì càng khổ. Nhớ lại thái độ của Vĩnh Kỳ mỗi khi nghe những người khách đến quan hệ làm ăn nói với nhau bằng tiếng Việt, hoặc khi nghe cô và bà Kiều Mai nói chuyện với nhau, mà Lam Uyên nửa tin, nửa ngờ…. Mặt Vĩnh Kỳ lúc nào cũng trơ ra như điếc. Lẽ nào lão ta lại đóng kịch tài như vậy? Lam Uyên vụt hỏi: - Ông ta giấu cái gốc ngày xưa để làm gì hả dì Anh? - Để làm ăn. Biết người, người không hề biết thì cũng trăm trận trăm thắng. Rồi bà Anh nghiêm giọng: - Trong công ty nầy ai cũng sợ Vĩnh Kỳ hết, trừ cô, người ăn nói bạt mạng như con trai. Chính vì vậy tôi mới nói cho cô biết chuyện nầy để giữ mồm giữ miệng. Tôi nghĩ rằng cô không bép xép với bà Kiều Mai để hại tôi. Lam Uyên cười gượng: - Sao dì lại nói vậy? Bộ cháu nhiều chuyện lắm hả? - Ít chuyện chưa hay bằng không biết chuyện. Dặn hờ cô vậy thôi, nếu có tới tai Vĩnh Kỳ cũng chả nhằm nhò gì tôi, vì chuyện nầy là thật một trăm phần trăm. Lam Uyên nghiêng nghiêng đầu: - Có bao giờ ông ta nhận ra dì mà không nhìn không? - Có chứ! Chuyện đời mà, việc gì lại không thể? - Vậy dì Mai có biết…. cái gốc của ông Kỳ không? Bà Kim Anh nhún vai: - Điều nầy chắc chỉ hai người đó biết thôi. Bà Kiều Mai khôn ngoan, lanh lợi, bà ta đâu dễ bị người khác qua mặt. Giọng Lam Uyên đầy vẻ thắc mắc: - Dì có ăn học, sao lại phải vào đây làm tạp vụ hả dì Anh? Thấy Lam Uyên quan tâm đến mình, bà Anh nói tiếp: - Trước kia tôi có đi làm chớ! Nhưng đã ra hội đồng nghỉ mất sức rồi. Ở nhà cũng hơn hai năm, cứ đi ra đi vào buồn quá chịu không nổi, tôi mới xin vô đây làm việc theo giờ. Vừa có hoạt động, vừa thấy mình không vô dụng với con cháu. Lam Uyên như sực nhớ ra: - À, lúc nãy ông Kỳ nói gì, mà cứ dí dí tay về phía cháu vậy. - Ông ta bảo cô phải làm xong việc trong ngày nay, nếu không sẽ mách bà Kiều Mai. Lam Uyên bĩu môi: - Hăm he. Thật buồn cười! Mặt lão ta trông hãm tài thế kia, nhưng công ty dịch vụ … bá vơ nầy lại gặp thời mới kỳ. Người ta ra vào cứ nườm nượp như đi chợ. Thời buổi nầy xuất khẩu….lao động xem ra có ăn. Bà Kim Anh: - Đơn nộp vào cộng với tiền lệ phí nầy nó cho công ty thì nhiều, nhưng đã thấy… xuất được ai đâu. Trong khi hoạt động giới thiệu hôn nhân với người Đại Loan dường như…. khấm khá hơn. - Ủa, vậy sao? Ở đây chỉ có đơn xin được đi hợp tác lao động không mà. - Nhưng hồ sơ kia ai lại đưa cho cô. Lam Uyên hơi tự ái: - Dì nói vậy là sao? Bộ những thứ đó cháu làm không được à? Bà Kim Anh lắc đầu thương hại: - Đâu phải vậy, chẳng qua bà Mai không muốn cô biết những việc nầy, vì cô đâu có tuyên thệ “phải chấp hành nội quy của công ty, không được tiết lộ bí mật của công ty” như những nhân viên ở đây. Mặt Lam Uyên ngờ ra: - Làm ở đây phải tuyên thệ à? Vậy dì có tuyên thệ không? - Tôi làm công nhận, đâu phải nhân viên chính thức của công ty, nên chẳng phải thề thốt giữ bí mật gì hết. - Những bí mật đó là bí mật gì? Bà Kim Anh nói: - Nói là bí mật cũng không đúng, vì việc nầy cũng nhiều người biết rồi. Lam Uyên chưa kịp hỏi thêm, thì bà Kiều Mai bước vào với vẻ mặt cau có: - Lau có mỗi cái phòng mà cả tiếng đồng hồ. Tôi tưởng chị ngủ luôn trong đây rồi chớ! Còn Lam Uyên! Con đã làm tới đâu? Được phân nửa danh sách chưa? Thay vì trả lời, Lam Uyên chỉ lắc đầu. Bà Mai trợn mắt định mắng, nhưng thấy bà Anh còn đứng sớ rớ nên quay lại hỏi: - Con A Lìn nghỉ gì lâu vậy? Không có nó, chả ai chạy hồ sơ giấy tờ cho tôi hết. Bà Kim Anh nhỏ nhẹ: - Nó bệnh mà! Chẳng ai muốn bệnh để được nghỉ việc hết. Bà Kiều Mai lạnh lùng: - Về bảo nó ngày mai đi làm, không thì tôi coi như nó xin nghỉ luôn, Lam Uyên nhanh lên, cứ rị mọ như con chắc dì giải tán công ty nầy luôn cho khỏi làm ăn nữa. Nhìn bà Mai ngoe nguẩy bước ra, Uyên cố dằn sự căm ghét xuống bằng một câu hỏi: - Chị Cẩm Lìn là gì của dì vậy? - Con gái lớn của tôi. - Ủa, vậy mà con đâu có biết. Chị bị bệnh à? Bà Kim Anh thở dài: - Tối ngày nó cứ chạy tới chạy lui lo ba mớ giấy tờ xuất cảnh cho khách hàng nên cảm nắng. Mới nghỉ hai ngày bà ta đã la lối. Nghĩ chán thật, ai cũng nhắm cái lợi cho mình, còn người khác sống chết mặc kệ. Lam Uyên nhún vai: - Dì than phiền với con vô ích. Trong xí nghiệp nầy con cũng chỉ làm công như mọi người thôi. Họ cũng sẵn sàng sa thải con nếu thích. - Tôi biết chớ! Nếu không, tôi đâu dám nói những chuyện như nãy giờ. Thôi tôi sang phòng kế bên đây. Lam Uyên chưa kịp hỏi tiếp chuyện…. bí mật đang nói dang dở lúc nãy, thì bà Anh đã đi rồi. Cô thở ra bực dọc và bật màn hình tiếp tục nhập tin. Công ty dịch vụ Hoa Lan nầy thế nào ấy. Cô làm trong công ty, nhưng vẫn chưa hiểu hết được những chức năng của nó. Nhất là hiểu về bà mẹ kế và lão Giám đốc Đài Loan từng lớn lên, sinh sống, ăn học ở thành phố nầy, nhưng lại cố tình phủ nhận quá khứ của mình. Ba cô chỉ bước được vài ba bước quanh quẩn trong căn phòng của mình, ông có biết những bí mật gì đó của công ty mà dì Mai bắt nhân viên phải giữ kín không nhỉ? Nhất định Uyên phải hỏi cho ra, nhưng cô sẽ hỏi như thế nào, để ba cô không làm ầm ĩ lên vì nghĩ rằng cô nghi ngờ bà vợ trẻ của ông làm chuyện phi pháp. Lam Uyên buồn bã thở dài. Phải chi mẹ mình còn sống. Phải chi ba vẫn còn thương anh em cô như ngày nào thì cô đâu tủi thân với mọi người khi nghĩ tới thân phận mình.