Dân làng Thượng kể rằng: Ngày xửa….. ngày xưa Cái lưỡi câu của ông thợ câu cá tầm thước ở bãi lầy Rú Trằm đã được anh thợ săn đánh thành mũi tên. Cung làm bằng cây trằm ná bánh tẻ, càng dùng càng bền, càng hay. Có điều lạ thường là khi mũi tên nằm trên thân cung tự nhiên phát sáng. Dây cung càng kéo căng, mũi tên càng sáng loá. Mỗi lần mũi tên bay đi là một lần ác thú ngã xuống. Một hôm trời đang trong xanh, nắng lóa thì mây đen từ biển Thái Lai, Mạch nước sầm sầm kéo đến. Mảng trời xanh khép dần lại cho đến khi mây đen nối liền với Núi Reng, Khe Lương, Cồ Kiềng, Bàu bạc thì sấm chớp nổi lên, xé rách bầu trời. Từ phía Tây có con diều hâu cực lớn bay về. Bà con gọi là diều cồ. Chim bay đến đâu, sấm chớp đến đấy, gà lợn, chó mèo đều hoảng loạn chạy toé ra sân, ra vườn. Diều cồ sà xuống, quắp luôn cả gà, cả lợn. Dân làng Thượng nháo nhác. Anh thợ săn dương cung. Mũi tên lao đi, nhưng con diều hâu vẫn vô sự. Mũi tên rơi xuống cắm phập vào thân cây cồ thụ. Con chó săn kéo mũi tên đưa về cho anh thợ săn. Diều cồ sà xuống cây cồ thụ không thấy mũi tên, mắt nó tự nhiên sáng loá. Diều hâu ngó nghiêng rồi quắp một trái cây to bay về làng Thượng. Anh thợ săn dương cung, mũi tên lao lên, cắm phập vào trái cây. Diều cồ vẫn ngậm chặt trái cây to, mang theo mũi tên sà xuống lùm cây cách Rú Trằm không xa. Anh thợ săn lao đi trong sấm chớp mưa to, gió lớn, băng qua bãi lầy Rú Trằm, đến lùm cây giữa làng Thượng thì kiệt sức. Không thể đánh mất mũi tên quý, anh thợ săn lấy hết sức lực cuối cùng trườn về phía mũi tên đang cắm phập xuống đất. Diều cồ rã cánh nằm sóng soài trên mặt đất đẫm nước. Anh vươn tay cầm lấy chuôi mũi tên. Mắt diều hâu mở to, sáng loá rồi nhạt dần, xanh lè. Cánh diều hâu quật mạnh, bàn tay anh thợ săn cắm phập vào mũi tên, máu chảy thấm đỏ mặt đất. Anh thợ săn kiệt sức, kêu lên tiếng “mẹ ơi” rồi tắt thở. Diều cồ hé mắt, thở hộc một tiếng như hổ gầm rồi lịm dần cho đến lúc kêu ai oán như con chim ngửi mùi xác chết - “te te le hót”. Đời sau, một lùm cây Dầu máu thành đại thụ, toả rộng cả một vùng che chở cho bao loài cây khác tạo nên Lòi Dầu máu. Tán cây xanh tươi xoè rộng như bàn tay, như bát nước trời hứng mưa chặn dòng nước xói lở, chặn cát vùi lấp đất ruộng vào mùa lũ. Nước ngấm vào đất, giữ lại trong cát đến mùa hè khô nắng lại chắt ra dòng nước mát lành cho dân làng. Giữa ba cây dầu máu đại thụ có đến thờ anh thợ săn và diều cồ rất thiêng. Con trai, con gái trong làng yêu nhau, muốn nên vợ nên chồng, thì đến thử bằng dầu máu. Người con trai lấy dao nhọn sắc, chích ngọt vào thân cây, dầu máu chảy ra. Người con gái đưa cồ tay vào hứng. Nếu giọt dầu máu đọng lại trên cồ tay thì tình yêu của cô gái với chàng trai là chung thuỷ, trọn vẹn; nếu giọt dầu máu vỡ ra chảy tràn thì đôi trai gái có lấy nhau cũng không nên duyên chồng vợ. Có thành chồng vợ cũng người còn kẻ mất. Giọt máu tươi nguyên của cây qua bao đời như là phép thử đầu tiên của những mối tình…. Thục ngửa bàn tay. Cổ tay tròn lẳn, trắng mịn đón đợi. Gió như ngừng thổi, mây như ngừng trôi, chỉ còn ánh nắng ban mai chan hoà mặt đất và không gian yên ắng lạ kỳ, nghe rõ hơi thở nồng nàn của chàng trai, trái tim thổn thức của cô gái. Giọt dầu máu đầu tiên rơi nhẹ xuống cổ tay Thục, giọt nước đỏ tươi ngưng đọng giây lát như ánh mắt tròn xoe mong đợi…. rồi từ từ vỡ ra. Thục không tin vào mắt mình nữa. Thuận mím chặt môi, chẳng lẽ ông trời không cho họ sống trọn đời bên nhau ư?! Thục đưa hai tay ôm chặt gưong mặt đang hồng lên vì lo sợ. Thuận lấy khăn lau nhẹ những vết dầu máu nhoè nhoẹt trên đôi má trắng hồng của Thục. …. Một lần nữa Thục ngửa bàn tay đón đợi…. giọt dầu máu đậu nhẹ nhàng trên cổ tay: tròn xoe, rung rinh. Thuận nắm chặt bàn tay Thục. Bốn con mắt như hoà vào nhau. Giọt dầu máu vẫn nguyên ô mắt tròn trịa trong hơi thở nhẹ, trong nguyện cầu mãi mãi bên nhau. Hai người cùng nhẩm đếm từ 1 đến năm thì giọt nước đỏ tươi chao nghiêng. Thục vội kêu lên khe khẽ: “được rồi!” và ôm chầm lấy Thuận, vít chặt cái đầu dễ ưa khét nắng vào bộ ngực nở nang của mình. Lần đầu tiên Thục làm như vậy! Lần đầu tiên Thuận được hưởng như vậy. Tất cả như lặng yên. Chỉ có sợi nắng mai xuyên qua kẽ lá dầu máu chứng kiến, nô giỡn trên gương mặt ngập tràn hạnh phúc của họ. Mâm cơm đạm bạc kính cáo gia tiên. Chú, bác, cô, dì, quây quần uống chén rượu quê. Thuận Thục nên vợ nên chồng. Cạn chén rượu, dượng Liên trịnh trọng:- Đồng chí đảng viên trẻ tuổi Trần Đức Thuận được bầu làm Uỷ viên Uỷ ban hành chính xã Vĩnh Hội. Vui duyên mới, mong đồng chí không được quên nhiệm vụ. Dượng hạ giọng.- Thuận có biết nhiệm vụ hàng đầu bây chừ là chi không?- Là bảo vệ chính quyền cách mạng ạ.- Đúng rồi, nhưng với riêng Thuận là giết giặc dốt. Bà con mình không biết đọc, không biết viết tên mình thì không thể đi bầu cử Quốc hội được. Học trò đầu tiên của thầy giáo Thuận là Thục và Thà. Ban ngày lam lũ với việc đồng áng, tối đến hai chị em miệt mài học bên ngọn đèn mỡ vàng nhạt, bốc mùi khét lẹt. Một hôm hai chị em bỏ buổi chợ, chạy về nhà. Thà khóc thút thít. Thục lén chui vào buồng. Thuận gạn hỏi, Thà tức tuởi- Dạy người ta học, mà lú thêm thì dạy mần chi? Thuận xoa đầu em gái nhẹ nhàng:- Nói cụ thể eng nghe coi nào?- Cụ thể là họ bày đặt ra phiên chợ mù với phiên chợ sáng. Ai đọc được trong rổ bán cái chi, mua cái chi thì sang phiên chợ sáng, ai không đánh vần được thì phải ở phiên chợ mù. Có o ngoài Sen Thủy bán mớ tôm để mua chè xanh, anh cán bộ hỏi o bán chi, mua chi, đánh vần đi. O Sen thủy đọc luôn “Xê-hát-e-che-huyền-tôm” cả chợ cười ngất, còn o Sen Thuỷ phải sang chợ “mù”.- Rứa thì út ở phiên chợ chi hè?- Chợ mù. Tức chết đi được. Người ta hỏi, o bán chi. Út trả lời là “ca-hát-o-kho-là-khoai”. Eng cán bộ cười chảy cả nước mắt, nước mũi hỏi ai dạy như rứa. Út nói luôn: Eng trai tui đó, eng Thuận tui mần việc ở Uỷ ban xã đó. Eng cán bộ cười to hơn. Tui tức lắm. Tức nhất là bị eng cán bộ cao to, trắng trẻo đẹp trai cười chê!- Không học thuộc thì học lai,học thêm có chi mà hổ người, mà tức?- Tui tức cho mình một thì tức cho ả Thục mười.- Rứa à? Thuận tủm tỉm cười, Thà ngúng ngoẩy:- Tức đầy ruột mà eng còn cười: người ta hỏi ả Thục như ri: khuya mà mấy o đã đi chợ. O đánh vần chữ khuya nghe coi nào. Ả Thục cứ “ca-hát-u-khu” rồi để đó, không đọc tiếp được. Út tức quá đọc luôn “ca-hát-u-khu-là khuya”. Eng cán bộ đẹp trai ôm mặt cười ngặt nghẽo. Út tức lộn ruột hét lên: Ai mà bày đặt ra chợ sáng chợ mù mà mần khổ người ta như ry! Eng cán bộ đẹp trai vừa cười vừa nói: “Còn ai vô đây nữa, chính ông uỷ viên uỷ ban Trần Đức Thuận bày đặt ra đó” Thục ló đầu ra khỏi cửa buồng hỏi to: “Có thiệt không?” Thà sấn sổ: “Đúng là eng phải không?” Thuận vui vẻ: - Đúng rồi! Hai chị em xúm lại đấm thùm thụp vào lưng Thuận, anh kêu:- Bà con ơi, đến mà coi học trò đánh thầy giáo! Bà con ơi! Đêm đêm cả làng Thượng sáng đèn, người nào cũng học, nhà nào cũng học. Gặp cái cột đánh vần cái cột. Gặp người thân, đánh vần tên người thân. Người mới biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Người biết nhiều dạy cho người biết ít chữ. Không ai bực mình vì có phiên chợ mù. Phiên chợ sáng ngày một đông hơn. Ấy vậy mà đến sáng ngày mùng sáu tháng giêng, lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, nhiều người phải điểm chỉ. Hai chị em Thục, Thà tự mình viết tên người tín nhiệm vào Quốc hội, tự viết, tự ký tên của mình. Nhìn vợ và em gái trước hòm phiếu, Thuận cười mãn nguyện.