Phiên chợ phủNgày giáp tết Ất Dậu. Mưa lây rây phủ đầy đường cát mịn.
Qua truông Nhà Hồ đưòng nghiêng xuống chạm mặt ruộng lúa mới cấy. Thục vừa đi vừa chạy cho kịp phiên chợ. Chớm tuổi hai mươi, Thục mới được mạ cho đi chợ “lấy may xưa”. Mạ dặn đi dặn lại là gặp người phúc hậu, ăn nói đàng hoàng mới bán bánh mở hàng. Rổ bánh sắn bột lọc trắng trong, tinh khiết ôm con tôm đỏ au nằm cong cong, đều đặn trên từng lá bánh xanh non. Gặp người mở hàng tử tế thì duyên con cấy (con gái) mới đẹp, mới bền. Nếu chẳng may gặp kẻ thô bạo, xấu thói thì khổ một đời. Thục úp chiếc nón mới toanh, lá trắng nõn nà, thơm mùi nẳng nỏ lên rổ bánh, chờ gặp người tử tế mời mua.- Cướp, cướp ngày bà con ơi!- Cướp, cướp… Người chạy huỳnh huỵch, người ngã sấp mặt xuống đất, không đứng dậy được nữa. Người chạy, loạng choạng dẫm lên người vừa nằm xuống. Mặt đất đẫm nước mưa và hơi người, mùi xú uế xông lên với tiếng hự khô khốc, hắt ra từ một người xám ngoét rồi, tắt ngấm như chôn vào lòng đất. Chiếc nón bay xuống đất nhuốm bùn. Rổ bánh bộc lọc trắng trong đổ úp xuống. Một bàn tay, hai, ba, nhiều bàn tay cùng chụp xuống đè lên nhau, đè lên những chiếc bánh bột lọc mỏng manh, nhoe nhoét bùn đất, nhét vội vào những cái mồm đen ngòm. Vứt nón, bỏ bánh, bỏ cả chiếc áo cánh mới may, Thục thoát khỏi đám người chết đói. Ngược truông nhà Hồ gió rét táp vào mặt lạnh buốt, tóc lấm bùn, ngực chỉ còn tấm yếm, Thục thất thểu đi trong gió, trong mưa.. lạy trời, lạy phật, đừng ai nhìn thấy Thục lúc này… Nhưng có người đi bên cạnh, giọng nhỏ mà ấm: “O lấy áo tơi của tui mà che”. Thục giật mình, hai tay che ngực, đứng yên. Người con trai tầm thước, mặt đầy đặn, mắt sáng, từ tốn trùm áo tơi lên người Thục. Kín đáo và ấm áp, Thục bước nhanh, chắc chắn trên con đường cát mịn. Anh là ai? Phải rồi người xóm trong, giỏi chữ Hán, chữ Quốc ngữ, biết nói tiếng Tây. Hôm lễ ở nhà thờ họ Trần, anh đọc văn tế rất hay, ai cũng khen. Mạ cứ tấm tắc: “tau mà được chàng rể như ri là mát mặt”. Thục lý nhí: “mạ nói chi lạ rứa!”. Hai má nóng ran. Đúng rồi, anh ta tên là Thuận. Nhà Thuận không giàu ú ụ như nhà lão Lỗi, không nghèo đến cữ “chạy ăn từng bữa”. Đại loại ông bà để lại cho con cháu dăm sào ruộng, vài con trâu, đủ để Thuận được ăn học tử tế. Mẹ của Thuận người tầm thước, đầy đặn, thiệt thà, đứng không bằng cây chống cửa, nhưng tên lại là Cao. Bà Cao sinh nở nhiều lần, nhưng rồi trời bỏ tươi còn lại hai đứa: Thuận và cô em gái tên Thà cùng tuổi với Thục. Thà, Thục cùng sinh năm Sửu, cầm tinh con trâu nên chơi với nhau không quá ba ván chuyền chắt là túm tóc, kéo áo, vật lộn nhau lấm đầy bùn đất như trâu cày trưa. Sau trận chuyền chắt, ẩu đả không phân thắng bại, Thục đứng bên này bờ mương giọng hậm hực.- Tau về meéc eng tau cho mi coi (tao về mách với anh tao cho mày xem). Thà vênh mặt- Eng tau mà búng một cấy là eng mi bổ trật troốc cúi! (anh tao mà búng tay một cái là anh mày ngã trật đầu gối). Anh trai của Thục nóng nẩy- Mi thua hay là hơn.- Út thua- Thua thì đừng có meéc. Khi mô hơn thì nói to lên cho cả làng nghe. Họ Trần hữu không khi mô thua họ Trần Đức nhớ chưa?- Nghe Thà kể ấm ức, Thuận lấy khăn lau mặt cho em thủ thỉ.- Bọn út đánh mấy ván- Ba ván- Đánh chuyền ba ván thì phải có kẻ thua, người hơn. Ngày mai thử đánh bốn ván coi có bằng nhau không? hỷ Thiệt tình mấy ngày sau, hai đứa đánh bốn ván hoà nhau. Về nhà đứa nào cũng tươi cười, áo quần sạch bong. Chuyện thời con nít qua lâu rồi, bỗng nhiên hôm nay ùa về đầy ắp những tiếng cười khúc khích. Thục muốn vào xóm trong đánh chuyền với Thà. Nhưng lỡ ra người ta nhìn thấy, hai má đỏ lựng lên, thẹn chết. Thuận trắng trẻo, thư sinh, sáng dạ lại khéo tay nên ông bà Cao cho con học nghề thợ may. Một cái kéo đen nhánh, lưỡi sáng xanh sắc ngọt, một cái vạch bằng xương trâu bóng loáng, một cái thước gỗ nhẵn thín. Tất cả để gọn gàng trong cái tráp bằng gỗ gụ đen bóng. Gia tài của Thuận chỉ có vậy, nhưng cũng đủ cơm ăn, áo mặc, không phải chân lấm tay bùn. Thuận vốn cẩn thận kín đáo, nên cứ áy náy mãi chuyện hôm nọ vô tình nhìn vào ngực người con gái chỉ có chiếc yếm che sơ sài. Quả tình hôm ấy, vì gió, vì mưa và cũng tại da thịt nàng trắng mịn, mà con mắt chàng như gắn chặt vào đó. Cũng tại…. Thuận muốn có dịp xin lỗi Thục và may tặng nàng chiếc áo. Nhưng biết người ta cao, thấp vai eo thế nào mà cắt may cho vừa? Thuận ghé tai nói nhỏ với em gái. Thà nháy mắt, hay chân nhảy cẫng, miệng cười toét.- Ối chao là tình cảm, rạt rào như nác rào mạ hè (như nước sông cái nhỉ!) Thuận bịt mồm em gái.- Con ni tệ thiệt. Cứ giúp eng đi, rồi mai mốt eng may cho cái áo mới, thiệt khéo hý °°°° Nắng tháng ba như có hạt rải đều trên ruộng lúa đang thì ngậm sữa. Tát đầy nước cho thửa ruộng ba sào. Thà rủ Thục lên gốc cây mưng ngồi uống nước. Thà cười tươi:- Thục nì, lâu lắm rồi tau với mi chưa đánh chuyền. Chừ mần một ván hý.- Ừ, nhưng mà không được vật chắc (vật nhau), nghe chưa? Thà nháy mắt ưng ý- Được thôi. Nhưng mà đứa mô thua thì bị bôi bùn lên áo. Đồng ý không?- Đồng ý Thục thua, Thà lấy bùn trát đầy chiếc áo mới nhuộm nâu Thục phụng phịu, Thà cười như nắc nẻ:- Tau nói như ri, mi có nghe được không hý. Tau đem áo của mi về giặt.- Rứa thì tau mặc cấy chi để về nhà. - Thì mi mặc áo sạch của tau Hai đứa chui vào lùm cây thay áo. Mang chiếc áo lấm bùn của Thục về nhà, Thà ngồi bệt xuống thềm gọi vào gian giữa- Eng ơi! Có chiến lợi phẩm rồi.- Ở mô.- Trên người út đây nì (đây này).- Con ni thiệt quá quắt Cầm chiếc áo nâu của Thục trên tay, Thuận run run, cái vạch bằng xương trâu kẻ ngang dọc trên tấm vải. Phải mất mấy ngày chiếc áo mới may xong. Cây mưng già chia làng Thượng thành hai xóm: Xóm trong và xóm ngoài. Gốc cây ở bờ mương xóm trong, thân cây gần như nằm ngang vắt qua bờ mương xóm ngoài. Các cụ bảo:Tháng giêng rét đàiTháng hai rét lôộcTháng ba rét lôổng côộc rau mưng. Chao ơi! Rét đến bật gốc cây mưng già này thì thật là ghê gớm. Các cụ nói vậy, chứ mấy khi có rét tháng ba? Cho dù có giá, có rét, đến cữ cây mưng già vẫn cho ra những chùm là nâu sẫm. Lá mưng non chát từ đầu lưỡi bóp với sứa, gừng, dái mít mắm tôm, ăn ngon đáo để. Tháng ba, biến Thái Lai, Mạch nước dập dờn chân sứa, mít trong vườn ra hoa, búp mưng bật mở xoè ra những cánh lá non tơ tạm biệt ngày đông tháng giá, nắng ấm dần lên. Trăng mưng!... Thục tựa lưng vào cây mưng già đợi Thà đến nói chuyện thiệt hay. Thục nhấm nha lá mưng đếm thời gian. Vì đắng chát tê đầu lưỡi. Thời gian như ngưng đọng. Có người đến. Không phải Thà… mà là Thuận.- O chờ lâu chưa?- Tui chờ Thà…. lâu rồi….- O bỏ quá cho.. tui nhắn sợ o không đến, nên tui nhờ út Thà.- Có chuyện chi rứa eng?- Tui muốn tặng o Thục chiếc áo mới may. Thuận đưa chiếc áo gói cẩn thận vào tay Thục. Thục đỡ chiếc áo, đỡ cả bàn tay nóng ấm run run của Thuận.- Eng Thuận lạ thiệt đó! Thục gọi tên anh rồi ôm chiếc áo vào ngực vừa đi vừa chạy. Con đường cát mịn ngã dài theo con mương lấp loá ánh trăng mưng. Thục như thấy hai má mình đỏ lựng, chao nghiêng đáy nước. Sớm hôm sau Thà chạy ào vào buồng của Thục như luông gió đổi mùa, mồm liếng thoắng.- Thục ơi! từ bữa ni, tau là út, mi là ả (chị) rồi đó!- Mi nói chi lạ rứa!- Hừ! hôm qua eng, ả gặp chắc thì lạ hay quen.- Mi thiệt là quá quắt!- Ôi chao ôi! Cả đêm qua eng tau không ngủ được, đem vải ra cắt mấy áo liền. Mạ tau hỏi có chuyện chi mà hai eng tam bui rứa (vui thế), eng tau bảo: mạ cứ hỏi con Thà thì biết. Tau hỏi mạ có cho eng con lấy “cấy” (vợ) không? Mạ hỏi: lấy ai? Tau nói: O Thục ở xóm ngoài. Mạ tau sững một chút rồi nói nhỏ mà vui lắm: Con người ta đẹp người, đẹp nết liệu có ưng eng con không? Tau nói phắt: Ưng rồi!. Hai đứa đấm lưng nhau thùm thụp, cười khúc khích mãi. …..Thà cắp nón, cúi đầu chào lý nhí:- Thưa ả… út về ạ.... Câu chào thật lòng của bề dưới, không tinh nghịch, đùa giỡn như mọi khi…..