P2 - Chương 4

 Thục nằm vật xuống chõng tre, khóc gào, quằn quại:
- Con ơi! Bây chừ con ở mô? Con ơi!….
 Bà Khế vốn điềm tĩnh trong mọi việc, nhưng với việc này bà trở nên luống cuống. Bà Cao chết lặng, nằm sóng soài như tàu lá chuối non bị phơi nắng. Bà Khế kéo Thà ra gốc chay bên cạnh giếng mội.
- Con thử kể lại cho bác nghe
 Thà ngước đôi mắt đỏ hoe, đẫm nước mắt nhìn bà Khế trân trân.
- Để mất cháu, con cũng có tội bác à.
- Chừ chưa phải lúc nói chuyện ai có tội mà bình tĩnh nhớ lại để tìm kiếm cháu, con có hiểu không?
- Dạ con biết.
- Cả ngày nay, bác cũng máy mắt nhiều lắm. Bác tin là thằng Đái còn sống.
 Thà kéo vạt áo lau nước mắt, giọng buồn.
- “Vuốt mắt cho ông Kiếc xong, cháu vác hai khẩu súng chạy lên xóm Rú. Giao hai khẩu súng cho đội tự vệ dượng Liên thì bọn lính từ Cầu Diện xuống, từ Bến Đa lên, đông lắm. Dượng Liên ra lệnh cho đoàn người tản cư xuống hầm bí mật. Tự vệ chặn địch ngoài Rú. Ta có thêm mấy khẩu súng nữa nên bọn địch sợ, bò từng đoạn một. Khi bà con rút sâu vào hầm thì bọn lính tây, lính Nam triều đến nơi. Con nghe rõ tiếng thằng Hóp đòi xới hết đất xóm Rú lên như đào cỏ cú, tìm cho ra Việt Minh bắn bỏ. Lúc mọi người không giám ho, sợ lộ thì thằng Đái khóc thét lên. Thục nhét vú vào mồm cháu không bú mà khóc ngằn ngặt. Có người sợ quá thì thầm: “bịt miệng thằng nhỏ lại”. Ả Thục van lạy: “Rứa thì con tui chết mất”. Một người gằn giọng, “thà chết đứa con nít còn hơn chết cả làng”. Ả Thục sợ quá, khuỵu xuống, ngất xỉu. Con ôm cháu áp vào ngực, lấy áo trùm kín, nhưng tiếng khóc của cháu vẫn to. Con đi vào tận trong  hầm. Nhiều người quỳ lạy. Một ai đó đặt bàn tay to bè lên mồm cháu. Cháu ngạt nấc ằng ặc. Con đẩy bàn tay lạ ra, chen vào cuối đường hầm. Hơi đất nồng nặc, hơi người đặc quánh, cháu không khóc được nữa. Con rùng mình: Hay là cháu chết rồi. Con kêu lên: “Cháu ơi” thì một bàn tay to bè, thô ráp bịt mồm. Con không biết gì nữa. Khi tỉnh lại con mới biết đang được người ta cõng. Con hét lên “cháu tui! Cháu tui mô rồi?”. Không ai biết. Ả Thục ngất lên, ngất xuống, gào khản cổ “con ơi là con ơi!”.
 Bọn lính bị đánh bật khỏi xóm Rú, chạy về Hồ Xá, dân làng ra khỏi hầm trở về làng. Hai chị em con chạy đến từng người hỏi, nhưng không ai thấy thằng Đái đâu?!
 Ba tháng đi tìm con từ Hầm hoà lên xóm Mội, xóm Rú, cầu Điện mà không thấy con đâu, vú căng sữa, Thục như kẻ mất hồn. Hễ nghe thấy tiếng con ai khóc là Thục chạy tới. Bà Cao ốm lả, suốt ngày ngồi bậu cửa chờ con dâu tìm cháu nội về.
 Làng đói…. Nhà hết gạo. Thục chặt cây chuối sứ đầu bờ ao vác đi đổi gạo. Cây chuối nặng, trời nắng gắt, mồ hôi đẫm vai áo, mủ chuối lẫn sữa tươi đẫm ngực. Thục vác chuối trong nắng, trong cơn đói cồn cào, trong cơn đau tức vì căng sữa. Người ta bảo cứ chịu khó đổi được một cái gì đó, kiếm về lon gạo thì may ra tìm lại con trai. Ngày nào Thục cũng vác cây chuối đi đổi. Một cây chuối to lợn người ta ăn no vài ngày, Thục được lon gạo, nấu cháo với rau khoai lang cả ngày cho ba mẹ con bà cháu. Gian truân quá, Thục mong Thuận về, nhưng lại sợ. Anh về mà chưa tìm được con thì tội cho anh lắm. Chiều tối, Thục liều mạng vác cây chuối hột to nhất vườn đến nhà lão Lỗi. Mụ Lỗi nhìn cây chuối ưa mắt, đổi một lon gạo đầy với bát cơm nguội. Thục chưa kịp nói lời cảm ơn thì thằng Hóp ập đến, cười nhăn nhở.
- O ni lạ thiệt đó. Con mất tích, chồng theo Việt Minh, lấy vợ mới rồi, còn chi nữa mà ngóng trông.
- Ông đừng có độc miệng. Con trai tui còn sống.
- Nói thiệt. O lấy tui, được ăn no, mặc đẹp, con cái đầy đàn. Muốn chi được nấy.
- Tui là gái đã có chồng. Ông tránh ra…
 Hóp má sàm sỡ ôm chặt Thục trong vòng tay  thô cứng. Thục ném cả lon gạo, cả bát cơm nguội vào mặt, Hóp buông tay. Thục chạy một mạch về nhà. Hai con chó nhà lão Lỗi đuổi theo Thục đến cầu ao thì dừng lại. sủa vội mấy câu ra oai. Thằng Hóp cho hai con chó hai cú đá lộn cổ xuống ao cho bõ tức.

*

 Xế chiều
 Nắng xiên khoai
 Mặt đất nóng hầm hập
 Không một ngọn gió.
 Cây chuối vẫn nằm trên vai Thục. Chưa ai đổi chuối, chưa tìm thấy con, Thục cứ đi, mặc nắng, mặc đói. Chân cứ bước, lòng quặn thắt thương con. Thục qua Cầu điện lúc nào không hay, rồi rẽ phải. Xóm Mỹ Lộc đã nghe tên, nhưng chưa đến lần nào. Mặc kệ, Thục cứ đến. Gần tắt bóng nắng mà đàn bò vẫn gặm cỏ cằn khô. Hai hông chúng vẫn lép kẹp, có thể lấy giây mây xâu từ bên này sang bên kia hông. Lũ trẻ chăn bò đen đúa, lên mười mà vẫn tồng ngồng. “Cho biết đến khi nào, thằng Đái được đi chăn bò”. Thục ôm cây chuối, khóc tức tưởi. Khát quá, cái khát át cái đói. Từ sáng đến giờ chưa có hột cơm vào bụng. Thục vác cây chuối đến ngôi nhà nhỏ, hay nói đúng hơn là túp lều nằm giữa hai cây bưởi. Thục cất giọng khàn khàn.
- Ai có nhà không - có đổi chuối không?
 Người phụ nữ hơn Thục cả chục tuổi thò đầu ra khỏi cửa.
- Nhà có heo ca chi mô mà đổi.
- Ả có nác không, cho tui xin ngụm.
- Nác lắng (nước lã) thì có. Vô đây.
Thục đón gáo nước giếng từ tay người đàn bà có gương mặt tròn đầy đặn. Uống đến đâu, mát đến đấy. Trên gường đứa bé khóc ngằnn gặt. Thục sà đến:
- Cháu được mấy tháng rồi hở ả.
- Ba tháng.
- Ôi chao, mới ba tháng mà (trộm vía) nục nặn quá hè.
- Tui không có sữa, mà cháu khát quá.
- Để tui cho cháu bú.
 Thằng bé bù bầm bập, mắt mở to, đen láy nhìn Thục – “chao ôi! giống thằng Đái như đúc”. Thục suýt kêu “con tôi”, nhưng kịp im lặng. Thằng bé bú no, nằm tênh hênh, tay chân khua đập loạn xạ. Thục vui chuyện
- Eng ả được mấy đứa rồi. Thằng chó ni là thứ mấy?
- Chẳng dấu chi, tui không có chồng
- Dưng mà…
 Thục thơm vào rốn, thằng bé cười khanh khách.
- Con nuôi của tui đó.
- Lâu chưa
- Ba tháng rồi đó.
- Ôi chao, ai có đứa con đẹp như ri mà đem cho hè. Tội nghiệp quá.
- Chuyện dài lắm, như ri:
 Hôm lính Tây càn vô xóm Rú, tui đi mồm thuê ở đó, cùng bà con chạy vô  hầm bí mật. Chao ôi, Tây thì xì xồ ngoài hầm, mà thằng nhỏ lại khóc thét: Sợ lộ, giặc giết hết cả làng, nên nhiều người đòi, bịt mồm, bóp cổ đứa bé. Thằng bé chuyền hết tay người này đến người nọ, đến tay tui thì cháu không khóc nữa. Hết giặc, đêm túi thui, tui ôm cháu chạy một mạch về làng. Thằng bé đòi bú, gào khóc, tui cũng khóc theo. Xóm trên có ả sinh con được dăm tháng, tui cho cháu lên bú chực. Nhưng mấy hôm ni, ả nớ mắc bệnh thương hàn, kiệt sữa, không biết có sống nổi không
 Thằng bé đòi bú, giọng Thục đẫm nước mắt:
- Ả ơi! Tui đội ơn ả. Con tui đây rồi. Con trai tui đây rồi ả ơi!
 Chủ nhà sững sờ rồi điềm đạm:
- Nhưng con o có dấu tích chi không?
- Dạ, dưới thắt lưng cháu, bên phải có vết chàm to bằng cúc áo.
 Thục kéo miếng giẻ. Đúng như thế. Hai người đàn bà, hai người mẹ nhìn nhau, cùng ôm đứa nhỏ, khóc nức nở.
 Đêm ấy, đứa bé nằm giữa hai người mẹ. Thằng bé cứ rúc, bú tòm tọp. Thục chỉ húp vội bát cháo loãng lổn nhổn khoai lang, nhưng sữa vẫn về, vẫn tràn trề cho con ba tháng nay khát sữa mẹ.