Năm mười bảy tuổi Mẹ đã về với Cha. Mẹ ở Ðồng Xuân, Cha ở Núi Ðồi, cách nhau hơn hai cây số và một cây cầu, vậy mà mãi đến ngày lập gia đình Mẹ mới biết mặt Cha. Ngày đó Mẹ cũng ôm sách đến trường Lê Khiết cùng Cậu Út. Nhưng Mẹ là con gái nên có hôm Ngoại cho Mẹ đi học, có hôm Ngoại bảo Mẹ phải ra đồng coi mấy người thợ cấy, và đem nước cho thợ. Cho nên Mẹ chỉ theo Cậu đi học được mấy năm, rồi đi lấy chồng. Vậy mà bây giờ, 90 tuổi, Mẹ vẫn còn nhớ được năm ba tiếng Tây. Có những lúc ngồi kể chuyện đời xưa, lòng Mẹ dịu lại và ánh mắt Mẹ thật vui, Mẹ nói: “la table cái bàn, le banc cái ghế, le riz hột lúa.” Rồi Mẹ nở nụ cười, lộ hai cái lợi trơn lu, và mái tóc, bạc trắng như vôi. Ngày về làm dâu cho Nội, Dì Hai, Dì Ba đưa mẹ lên đường. Hành trang của Mẹ chỉ có cái va ly nhỏ, đựng năm ba bộ quần áo, cái gương, cái lược, và một nừng nước mắt. Mẹ kể lại. Thế là Mẹ về làm dâu ở Núi Ðồi. Những năm tháng sống nhà Ngoại, Mẹ được cưng chiều nên dường như không biết công chuyện đồng án là gì. Công việc của Mẹ chỉ lo cơm nước trong nhà, xách nước cho thợ, và cầm cây gậy theo Ngoại ra đồng. Ngoại bảo Mẹ ngồi canh chừng cái trúm cá bên bờ mương, lâu lâu cá chun vào trúm thì bắt bỏ vào đụt. Một hồi lâu Ngoại trở lại, hỏi được bao nhiêu cá. Ngoại dở trúm lên không thấy con cá nào hết! Ngoại bực mình. Thì ra Mẹ ngồi bên bờ mương, thọt gậy xuống nước quậy chơi, cá thấy sợ nên không con nào chun vào trúm. Mà Mẹ ghét nhất là làm cá. Và mãi sau này cũng vậy, Mẹ ghét làm cá. Cũng vì vậy mà ngày về làm dâu cho Nội, Mẹ lụm thụm nên hay bị Nội la. Có hôm Mẹ không làm vừa lòng Nội, Nội nặng lời với Mẹ. Mẹ bị đòn một trận nên Mẹ buồn, nằm vạ và nhịn ăn luôn mấy ngày. Rồi Cha phải năng nĩ Mẹ mới chịu ăn. Mấy ngày sau Mẹ đòi Cha dẫn Mẹ về trên Ngoại, Cha không dám dẫn Mẹ đi, nhưng rồi Mẹ cũng đi. Ngoại nhìn đôi bàn tay của Mẹ sần sùi, và người gầy ốm nhiều, Ngoại thương cho ở lại nhà. Mẹ là con dâu trưởng, Cha có một đàn em, nên Mẹ cực muôn chiều. Vừa phải lo cho Nội, lo cho em chồng, thức khuya, dậy sớm. Một ngày của Mẹ dài đăng đẳng. Vậy mà cũng không được yên. Sau lần Mẹ giận bỏ về nhà Ngoại, Nội lên xin lỗi và đưa Mẹ về. Rồi Mẹ có mang anh Hai. Ngày sinh nở Mẹ về bên Ngoại. Sau ngày sinh anh Hai, Mẹ đòi Cha về ở trên này. Vậy là Cha phải rời Núi Ðồi về Ðồng Xuân cùng Mẹ. Ngày xưa ông Nội quê ở Ba Bình nằm cạnh Ðồng Xuân, nhưng vì theo quê vợ nên ông Nội mới về sống ở Núi Ðồi. Bây giờ Cha trở về Ðồng Xuân với Mẹ, ông Nội cho Cha mảnh vườn ở Ba Bình làm nhà ở. Từ đó Cha Mẹ ra riêng, và lập nghiệp ở Ba Bình. Những năm đầu ra riêng Cha không có đủ ruộng đất để làm nuôi gia đình, nên Cha theo người ta vào Bình Ðịnh làm kiếm tiền. Vậy là Mẹ ở nhà một mình với anh Hai. Nhờ có Ngoại ở một bên, và Ngoại rất thương anh Hai, đi đâu Ngoại cũng đèo anh Hai trên lưng. Cho nên Mẹ đỡ một tay để lo công chuyện trong nhà. Sáu tháng trời Cha vẫn đi vắng, và sáu tháng trời đã huấn luyện cho Mẹ thành một người vợ, một người Mẹ đảm đang lo cho gia đình. Nhưng sáu tháng phòng không lẽ bóng, chắc Mẹ cũng buồn lắm! Còn Cha, phần thì làm không được bao nhiêu tiền, phần thì bệnh họan liên miêng, muốn trở về nhà mà không có tiền và phương tiện. Một hôm, tiếng đồn Cha bị bệnh nặng mà không có đủ tiền đi về đến tai Nội. Nội phải lặng lội đường xa để mang Cha về. Sau đó Nội cho Cha thêm đất để ở nhà làm ăn. Và cũng từ đó một tay quán xuyến của Mẹ đã giúp Cha gây dựng nên sự nghiệp. Rồi các anh, các chị nối tiếp nhau chào đời. Mẹ dành dụm có cái ăn cái để, rồi xây nhà, dựng chòi mía, làm đường, làm bờ xe nước. Ðâu có ai nghĩ rằng con gái út của Ngoại lại quán xuyến đến thế. Nhưng có ai biết đâu, Mẹ là hình ảnh của bao nhiêu người Mẹ Việt Nam. Cần kiệm lo cho gia đình, con cái, mà cả tấm thân của Mẹ suốt đời vẫn nhọc nhằn. Nhưng rồi chiến tranh đến, thiêu rụi bao nhiêu công lao mồ hôi nước mắt của Mẹ. Coi như công dã tràng, Mẹ lại cùng Cha mang con cái của Mẹ rời xa bom đạn để làm lại cuộc đời. Thế là Mẹ cũng như những người mẹ thân yêu khác, lên thành phố. Bỏ cái cuốc xuống, Mẹ đặt trên vai cây đòn gánh, và bước chân Mẹ dẫm đều trên đường phố đông người, làm người bán hàng rong. Một ngày của Mẹ lại bắt đầu như xưa, dài đăng đẳng. Trong một lần tai nạng nghề nghiệp Cha đã ra đi. Để lại một mình Mẹ thân cò lặng lội bờ ao, nhọc nhằn năm tháng chi chít nuôi con ăn học. Rồi những đứa con của Mẹ cũng đến ngày khôn lớn. Từng đứa dìu dắc nhau ra đi, để Mẹ ở lại trên mãnh đất quê hương. Một đời người Mẹ đi qua. Khi Cha qua đời Mẹ vẫn ở vậy nuôi con, bây giờ con khôn lớn, con đã ra đi. Những năm tháng mòn mõi trên quê hương, Mẹ vẫn mong ngón tin con, như ngày xưa con vẫn ngồi trên thềm trông Mẹ về chợ. Rồi một ngày con trở về mang Mẹ đi. Là ngày con đã thành nhân. Ơn sinh thành nuôi nấng bây giờ con mới được đền đáp. Mười lăm năm qua Mẹ về ở với các con bên đây, bây giờ Mẹ già rồi, Mẹ lại muốn về với quê hương, với chị, với anh của con. Chỉ vậy thôi, vậy là Mẹ sẽ về. Mười lăm năm trôi qua mau quá, con tham lam muốn có thêm mười lăm năm nữa, chắc được chứ, phải không Mẹ. Hôm nay là ngày của Mẹ. Cánh cửa phòng của Mẹ vẫn đóng kín, và tiếng nói của Mẹ cũng không còn đâu đây. Con xin cám ơn đời đã ban cho chúng con người Mẹ tuyệt vời, suốt đời tận tụy vì con. Không ngại nắng sớm mưa chiều, Mẹ đã quên đi nữa cuộc đời của Mẹ, để quảy gánh trên vai nuôi anh em chúng con ăn học thành tài. Công lao của Mẹ to quá, như nước trong nguồng lai láng. Mà con không biết dùng từ ngữ nào mới nói xiết, nên, con chỉ xin gởi về Mẹ nụ hôn và một bông hồng, cho Mẹ.