Nơi tôi bị đưa tới là một trại giam quân đội. Bề ngoài nó giống hệt một trại lính. Giống đến nỗi khi chiếc GAZ(1) từ từ leo lên dốc để qua cái cổng chào với hai vòng quân hiệu hai bên tôi còn nghĩ: hay người ta đưa chúng tôi đến đây để giáo dục rồi thả? Những nạn nhân Cải cách ruộng đất kể lại rằng sau thời gian chịu cảnh đấu tố và giam cầm, cho tới ngày Ðảng tuyên bố sửa sai rồi họ vẫn chưa được về nhà ngay, mà còn bị gom lại một chỗ để học tập chính sách cái đã. Hay chuyện xảy ra trong Cải cách ruộng đất bây giờ lại lặp lại?Tôi nhanh chóng xác định được vị trí trại giam: nó nằm trong vùng bán sơn địa khô cằn với rất nhiều đồi sắn, nương khoai ở phía Nam huyện Bất Bạt. Ðầu thập niên 60 tôi đã tới vùng này vài lần. Ðất ở đây bạc màu vèo vèo, nhanh như cam tẩu mã, bởi sự trục lợi hối hả của dân chúng ít học dưới sự dắt dẫn của những nhà lãnh đạo khinh học. Thưa thớt giữa thiên nhiên cằn cỗi mấy con đường đất đỏ bị cả Trời lẫn người bỏ quên nằm vắt vẻo qua những đồi trọc khô khốc, nơi có những mỏ đá ong khổng lồ. Những vồng bụi đỏ cuồn cuộn bốc lên đàng sau những xe tải họa hoằn, mãi không chịu lắng xuống. Lê Thanh Tài sai lính tháo còng cho tôi rồi hối hả đi đâu đó, bỏ mặc tôi cả tiếng đồng hồ trong phòng thường trực trống rỗng. Trên cái bàn gỗ mộc bụi bặm và mốc thếch lăn lóc mấy tờ Quân đội Nhân dân nhàu nát. Tôi vồ lấy chúng, đọc ngấu nghiến để rồi ngồi thừ ra, thất vọng - tin tức trong báo chẳng nói với tôi điều gì mới. Thời gian không đứng về phía chúng tôi. Những tờ báo giống y như những tờ này tôi đọc hàng ngày, một năm trước. Chúng sẽ giống y như thế một năm sau, hoặc nhiều năm sau. Thế giới đã mắc bệnh bại liệt. Tôi lơ đãng nhìn ra sân trại. Ngoài mấy người lính quân phục xộc xệch, áo phanh rộng ngoài quần, lê bước uể oải trong nắng trưa rực lửa, chồng tranh nứa nặng chĩu trên đầu, quanh đây chẳng còn bóng ai khác. Sau những ngày dằng dặc ở xà lim Hỏa Lò việc chuyển trại làm tôi khấp khởi mừng thầm. Thế là xong, tôi nghĩ, cuối cùng rồi cái sự điên khùng này đã kết thúc. Tôi sẽ được gặp cha tôi và những người cùng vụ. Viên y sĩ công an trông nom sức khoẻ chúng tôi ở Hỏa Lò xuất hiện, vẫy tôi theo y.Bước ra khỏi căn phòng, tôi rơi tõm vào biển lửa của nắng trưa. Tháng bảy thường là tháng nóng nhất trong năm, ở vùng bán sơn địa cái nóng còn được nhân lên thêm vài lần nữa.Tôi thở hồng hộc. Tôi yếu quá rồi. Mà có mang vác gì nặng cho cam. Tòn ten mỗn hai bộ quần áo với cái chăn len vợ mới được phép gửi vào cho những mùa đông sau này (ai biết được sẽ còn bao nhiêu mùa đông nữa). Thế mà mệt. Chúng tôi bước thấp bước cao theo một lối mòn lổn nhổn sỏi đá nằm men bức tường gạch chạy dài không dứt trong lau sậy um tùm. Bức tường không thẳng, nó uốn khúc nhấp nhô theo địa mạo triền đồi. Tới một cánh cổng bằng sắt tấm hoen rỉ, tên y sĩ mở khóa, dẫn tôi vào một cái sân nhỏ khô cong, không có lấy một ngọn cỏ. Bên trong cái sân này là một ngôi nhà bé xíu, kiểu nhà ở bình thường với kích thước mini. Cửa vào được mở ra. Thì ra vẫn nó, vẫn là xà lim. Tôi nhầm trại giam với trại lính là phải - từ ngoài đường, chỗ cổng doanh trại nhìn vào không thể thấy được khu vực này(2). Hi vọng được ở chung với các bạn đồng vụ tắt ngấm.Thế mới biết cái sự giáo dục của Ðảng ăn sâu thật! Vừa mới thấy cái cổng trại lính tôi đã nghĩ ngay đến chuyện được Ðảng cho về với vợ con. Tội nghiệp, tôi bao giờ cũng nghĩ về Ðảng tốt hơn nó có trong thực tế. Xà lim mới làm tôi nhớ đến trai phòng các tu sĩ dòng Châu Sơn. Cũng chiếc giường gỗ mộc nằm trơ bên trong bốn bức tường trần trụi, cũng cái trần thấp cuốn thành vòm, chứ không phải trần tứ giác phẳng như ở Hỏa Lò. Chỉ thiếu một thập giá bằng gỗ mun lạnh lẽo trên mảng tường hậu và một tu sĩ khổ hạnh xác ve với chiếc thừng đay thay thắt lưng. Tôi đã tới Nho Quan, Ninh Bình vào đầu năm 1947, nơi có những kho muối lớn dự trữ cho cuộc kháng chiến của Công ty Nam Tiến(3). Không xa những kho muối này, nằm kín đáo trong một khu rừng ẩm ướt, là tu viện của những tu sĩ có lời nguyền câm nín. Quấn mình trong tấm áo choàng đen khâu tay, bạc phếch và rách rưới, những tu sĩ tiếp tôi bằng nụ cười mơ hồ trên gương mặt bất động. Như những cái bóng, họ lặng lẽ đi lại thấp thoáng trong u tịch rừng già. Ðêm đêm họ ngồi xếp bằng tròn quay mặt vào tường hậu, lặng lẽ cầu nguyện. Tôi ngạc nhiên - như thế mà là sống ư? Mà sống như thế để làm gì kia chứ? Thế mà giờ đây tôi cũng sống như họ. Cô đơn. Khổ hạnh. Còn tệ hơn họ, tôi không được phép bước ra khỏi cái trai phòng đặc biệt, bị bỏ vào chứ không phải tự nguyện đến ở, không được phép gặp đồng loại, không được phép để đồng loại nhìn thấy mình. Sau hết, và là cái khác cơ bản giữa chúng tôi - họ có Chúa, còn tôi thì không.Tôi mệt mỏi quăng đồ đạc lên phản. Xà lim là xà lim, cho dù có vài nét phân biệt. Tính về diện tích nó còn nhỏ hơn xà lim Hỏa Lò. So với tiêu chuẩn của thực dân thì ở đây đã xảy ra một sự cắt xén được đặt tên là cải tiến. Cái phản gỗ mộc bào cẩu thả còn lởm xởm sơ gỗ được gắn chết vào bốn trụ xi măng. Không thấy mặt cái cùm muôn thuở. Gầm phản là một hố sâu - một cái hầm trú ẩn. Tôi trườn lên phản, nằm nghĩ vẩn vơ. Sự vắng bóng cái cùm sắt chứng tỏ nhà tù bộ đội có khác nhà tù công an. Sự hiện diện của cái hầm trú ẩn chứng tỏ người ta còn tình Một điểm khác nữa, rất bình thường, nhưng cũng cứ phải coi như ưu điểm của trại này là cái cử!!!875_32.htm!!!
Đã xem 2411722 lần.
http://eTruyen.com