Do Thái lập quốc năm 1948

David Ben-Gurion - thủ tướng đầu tiên của
Israel.
Từ khi Israel ra đời đến nay, chiến tranh đã bao lần xảy ra giữa Nhà nước Do Thái và các quốc gia Ảrập láng giềng, tiêu tốn hàng tỷ đôla và cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Phải chăng giữa đôi bên tồn tại một mối thù không bao giờ rửa được, để đến ngày nay, Trung Đông vẫn là miền đất nóng bỏng của thế giới, với lò lửa Palestine - Israel?
Hãy cùng nhớ những lần xung đột trong quá khứ của Israel với thế giới Ảrập để đi tìm một câu trả lời cho câu hỏi trên.
Ngày 14/5/1948, nước Anh kiệt lực trong Đại chiến Thế giới II chính thức từ bỏ sự bảo hộ đối với Palestine, sau một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về phân chia lãnh thổ giữa người Ảrập và người Do Thái. Ngay lập tức, những người theo chủ nghĩa phục quốc Zion nắm lấy cơ hội và thành lập một nhà nước Israel. Tuyên ngôn độc lập được đọc tại Tel Aviv cũng trong hôm 14/5.
Thế giới Ảrập, không hài lòng với quyết định của Liên Hợp Quốc thành lập đồng thời hai nhà nước Do Thái và Ảrập trên lãnh thổ Palestine, đã nhanh chóng điều quân tới với dự định bóp chết quốc gia Israel non trẻ. Sớm 15/5, lực lượng vũ trang chính quy của các nước Ai Cập, Syria, Transjordan và Iraq chia nhiều hướng tiến vào bao vây Tel Aviv để hỗ trợ người Ảrập Palestine.
Tuy nhiên, khối Ảrập đã không thể nuốt chửng Nhà nước Do Thái mới. Người Israel chiến đấu hết sức kiên cường cho sự tồn vong của dân tộc và quyết tâm của họ tỏ ra mạnh hơn sự ràng buộc lỏng lẻo trong nội bộ các nước Ảrập. Những cuộc phản công mạnh mẽ gần Bethlehem đã giúp quân Do Thái xoay chuyển tình thế. Chiến sự tiếp diễn tới tháng 1/1949 và mãi tới tháng 7 năm đó, hiệp định đình chiến mới thực hiện được.
Trên thực tế, quốc gia mới phải huy động đội quân đông gần gấp 3 (khoảng 40.000-60.000 chiến binh) để có thể chọi lại 21.000 quân Ảrập.
Cuộc chiến tranh đã cho quốc gia mới thành lập Tây Jerusalem và 20% lãnh thổ (6.700 km2) lẽ ra thuộc về người Hồi giáo ở Palestine, theo sự phân chia của LHQ. Số dân Ảrập sinh sống trong phạm vi Israel giảm từ 700.000 xuống 165.000. Nhiều người chạy lánh nạn khi quân Do Thái phản công, bởi nghe tin về các vụ thảm sát tại làng mạc Ảrập. Lúc ấy, ít người trong số họ biết rằng họ sẽ không bao giờ được trở về nhà.
Phần còn lại của lãnh thổ Ảrập thuộc Palestine nhanh chóng được sáp nhập vào các quốc gia láng giềng. Ai Cập giành quyền quản lý Dải Gaza và Transjordan (bây giờ có tên Jordan), chiếm phần lớn Bờ Tây, trong đó có thành phố cổ Jerusalem.