Dịch giả : Trí Hải và Bửu Đích
Chương 3
FRANCIS BACON
( 1561 – 1626 )

1. TỪ ARISTOTE ĐẾN THỜI PHỤC HƯNG:
Khi bị dân thành Sparte bao vây và đánh bại vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch, Athènes, bà mẹ của triết học và nghệ thuật Hy Lạp, bị mất hết ưu thế chính trị, và hùng khí cùng nền độc lập của tâm thức Athènes cũng suy tàn. Khi vào năm 399 tTL Socrate bị kết án tử hình, thì linh hồn của Athènes cũng chết theo ông, chỉ còn lảng vảng nơi Platon, người môn đệ kiêu hãnh. Và khi vua Philippe xứ Macédoine đánh bại quân Athènes ở Charonea vào năm 388 tTL và 3 năm sau, khi Alexandre phóng hoả san bằng đô thị Thèbes rộng lớn, chỉ ngạo nghễ chừa lại ngôi nhà của Pindare, thì rõ ràng là nền độc lập của Athènes về chính trị và tư tưởng đã bị phá huỷ vô phương phục hồi. Sự thống trị triết học Hy Lạp do người ở thành Macédoine là Aristote phản ánh sự thuần thục chính trị của Hy Lạp đối với những dân tộc trẻ trung, hùng tính hơn đến từ phương Bắc.
Cái chết của Alexandre (năm 323 tTL) đã thúc nhanh quá trình này. Vị hoàng tử con trai vẫn còn bán khai sau mọi sự giáo huấn của Aristote, cũng đã học được sự kính trọng nền văn hoá giàu có của Hy Lạp, và đã có mộng ước lan truyền nền văn hoá ấy khắp phương đông theo dấu những đội quân đắc thắng của mình. Sự phát triển thương mãi Hy Lạp và sự tăng bội những trạm thương mãi Hy Lạp suốt miền Á châu nhược tiểu, đã cung cấp một căn bản kinh tế cho sự thống nhất miền nầy như phần tử của một đế quốc Hy Lạp; và Alexandre hy vọng rằng từ những trạm rộn rịp nầy, tư tưởng Hy Lạp, cũng như hàng hoá Hy Lạp, sẽ toả ra để chinh phục. Nhưng ông đã đánh giá quá thấp sự trơ lì và sức chống kháng của tâm thức Đông phương, cũng như chiều sâu và khối lớn của văn hoá Đông phương. Chung quy, đấy chỉ là một tưởng tượng của tuổi trẻ, khi giả thuyết rằng một nền văn minh thiếu trưởng thành và không bền vững như văn minh Hy Lạp có thể đè đầu một nền văn minh vô cùng lan rộng hơn và có gốc rễ trong những truyền thống cổ kính nhất. Số lượng của Á châu rõ ràng là quá nhiều đối với phẩm chất của Hy Lạp. Ngay chính Alexandre, vào giờ phút chiến thắng, cũng đã bị chinh phục bởi linh hồn của phương Đông; ông cưới (trong số nhiều bà) con gái của Darius, ông du nhập vào Âu châu quan niệm đông phương về uy quyền thiêng liêng của vua chúa; và cuối cùng ông đã làm cho một Hy Lạp hoài nghi phải ngạc nhiên khi công bố, theo kiểu long trọng đông phương, rằng ông là một vị trời. Hy Lạp đã phì cười; và Alexandre đã uống rượu cho tới chết.
Sự tan hoà tinh tế nầy của một linh hồn Á châu vào trong thể xác mỏi mệt của một vị chúa tể Hy Lạp được tiếp nối mau chóng bởi làn sóng thờ phụng và tín ngưỡng đông phương vào Hy Lạp được tiếp nối mau chóng bởi làn sóng thờ phụng và tín ngưỡng Đông phương vào Hy Lạp dọc theo chính những con đường giao thông mà vị vua chiến thắng trẻ tuổi đã mở ra; những con đê vỡ mở lối cho đại dương tư tưởng Đông phương du nhập vào những đồng bằng của tâm thức Á châu còn niên thiếu. Những đức tin thần bí dị đoan cắm rễ trong những người nghèo của xứ Hy Lạp cổ xưa bấy giờ được tăng cường và lan khắp; tinh thần thản nhiên chịu đựng của Đông phương cũng đã tìm được một mảnh đất sẵn sàng trong xứ Hy Lạp tuyệt vọng. Sự du nhập nền triết học khắc kỷ vào Athènes do thương gia người Phoenicia là Zénon (khoảng năm 310 tTL) chỉ là một trong nhiều sự xâm nhập của Đông phương. Cả hai thuyết khắc kỷ và hưởng lạc - sự thản nhiên chấp nhận thất bại và nỗ lực để quên thất bại trong vòng tay của lạc thú - là những lý thuyết về cách thức làm sao có thể hạnh phúc trong khi vẫn bị phục tòng hay nô lệ; hệt như thuyết khắc kỷ kiểu Đông phương bi quan của Schopenhauer và thuyết hưởng lạc tuyệt vọng của Renan vào thế kỷ 19, đã là những biểu tượng của một nền cách mạng tan rã và một nước Pháp điêu linh.
Không phải những phản đề tự nhiên nầy của lý thuyết đạo đức hoàn toàn mới mẻ đối với Hy Lạp. Người ta gặp chúng trong một Héraclite buồn thảm và "triết gia cười" Démocrite; và người ta thấy những môn đệ của Socrate chia phân thành ra hai phái dưới sự lãnh đạo của Anthisthènes và Aristippel, một bên tán dương sự thản nhiên chịu đựng, một bên ca tụng hạnh phúc. Tuy nhiên ngay cả vào thời ấy, đây cũng là những hình thái tư tưởng hầu như xa lạ: đô thị Athènes vương giả không quen thuộc với chúng. Nhưng khi Hy Lạp đã thấy Chaeronea trong máu và Thèbes thành tro, nó mới lắng nghe Diogène, và khi vinh quang đã rời bỏ Athènes thì đô thị nầy thuần thục sẵn sàng đón Zénon và Epicure. Zénon xây dựng triết học ông về tánh thản nhiên trên một thuyết tất mệnh mà một nhà khắc kỷ sau này, Chrysippus, nhận thấy rất khó phân biệt với thuyết định mệnh của Đông phương. Khi Zénon, người không tin chủ nghĩa nô lệ, đánh đập người nô lệ mình vì một lỗi nào đó, người nô lệ đã bình thản biện hộ rằng, theo triết học của chủ, y đã bị số phận từ vô thỉ phải phạm lỗi ấy; Zénon đã trả lời rằng ông cũng thế, đã có phần số phải đánh y vì lỗi kia. Cũng như Schopenhauer cho rằng ý chí cá nhân chống lại ý chí phổ quát là việc vô ích, nhà khắc kỷ cũng lý luận rằng thái độ lãnh đạm triết lý là thái độ hợp lý duy nhất trong một đời sống mà sự tranh đấu sống còn phải chịu số phận oan uổng là luôn luôn đưa đến thất bại tất yếu. Nếu sự chiến thắng là hoàn toàn bất khả thì đáng nên khinh bỉ nó. Bí quyết của sự bình an không phải là thực hiện cho kỳ được những ham muốn, mà ham muốn thật ít để có thể thực hiện. Seneca, nhà khắc kỷ La Mã (mất năm 65) bảo: "Nếu những gì bạn có dường như không đủ cho bạn, thì dù bạn sở hữu cả thế giới bạn cũng vẫn còn khổ sở".
Một nguyên tắc như thế kêu lên thấu trời để đòi hỏi nguyên tắc đối lập nó, và Epicure -mặc dù chính ông là một người khắc kỷ trong cuộc sống như Zénon- đã cung cấp đối lập ấy. Theo Fénelon, Epicure "đã mua một khu vườn xinh đẹp, mà tự ông chăm bón, ở đấy ông lập trường học và sống một đời êm đềm dễ chịu với các môn đệ trong khi ông đi dạo và làm việc... Ông cho rằng không gì cao quý hơn áp dụng chính bản thân mình vào triết học". Khởi điểm của ông là một niềm xác tín rằng sự buồn thảm không thể có và khoái lạc - mặc dù không nhất thiết là khoái lạc giác quan - là cứu cánh duy nhất có thể quan niệm và hoàn toàn chính đáng của đời sống và hoạt động. "Thiên nhiên hướng dẫn mọi cơ thể để ưa thích tiện nghi cho riêng nó hơn mọi sự tốt đẹp khác"; ngay cả người khắc kỷ cũng tìm thấy niềm vui tế nhị trong sự khước từ. "Ta không được tránh lạc thú, nhưng phải tuyển chọn chúng". Như vậy, Epicure không phải là kẻ hưởng lạc; ông ca tụng những nguồn vui của trí thức hơn là của giác quan; ông cảnh cáo chống lại những khoái lạc kích động và quấy rối linh hồn mà đáng lẽ chúng phải làm cho an tĩnh và lắng dịu. Cuối cùng ông đề nghị tìm kiếm không phải khoái lạc trong nghĩa thông thường, mà ataraxia -sự an tĩnh, bình lặng, yên nghỉ của tâm hồn, tất cả điều ấy đều rất gần với nỗi thản nhiên chịu đựng kiểu Zénon.
Những người La Mã đến cướp phá Hy Lạp vào năm 146 tTL, tìm thấy những học thuyết thù nghịch này đang phân chia chiến trường triết học và không có sự nhàn rỗi cũng như tế nhị để tự mình tư duy, đã mang những triết học ấy theo cùng với những của cải lượm được chở về La mã. Những nhà tổ chức vĩ đại, cũng như những kẻ nô lệ tất yếu, đều hướng về tư thái lạnh lùng thản nhiên, thật khó mà làm chủ hay tớ nếu người ta quá nhạy cảm. Bởi thế nền triết học La Mã phần lớn thuộc học phái Zénon, dù nơi Marc Aurele vị đế vương hay nơi Épictète kẻ nô lệ; và ngay cả Lucrèce cũng nói về chủ nghĩa khoái lạc một cách khắc kỷ (như người Anh của Heine buồn bã hưởng lạc), và kết thúc Phúc âm khắc khổ về khoái lạc bằng cách tự tử. Bản trường ca cao thượng của ông nhan đề "Về bản chất của sự vật" mô phỏng Epicure trong việc ca ngợi khoái lạc để mà chỉ trích nó. Hầu như đồng thời cới César và Pompey, ông sống ở giữa sự náo động và hỗn loạn; ngòi bút bất an của ông luôn luôn viết những lời nguyện cầu cho an lạc hoà bình. Người ta hình dung ông như một linh hồn rụt rè mà tuổi trẻ đã bị những nỗi sợ hãi tôn giáo làm cho đen tối; vì ông không bao giờ chán bảo độc giả rằng không có địa ngục, trừ ở đây, và không có những vị thiên thần trừ những thiên thần cốt cách sống trong một khu vườn của Epicure trong những đám mây, và không bao giờ xen vào những công việc của người. Đối lập sự thờ phụng thiên đường và địa ngục đang thịnh hành trong dân chúng La Mã, ông đưa ra một thuyết duy vật tàn bạo. Linh hồn và tâm trí đều cùng tiến triển với thể xác, lớn lên với sự lớn lên của thể xác, đau với sự đau của thể xác, và chết với cái chết của xác. Không gì hiện hữu ngoài ra nguyên tử, không trung và định luật; và định luật của những định luật là định luật thành hoại lan khắp.
Không một vật gì dừng trụ, mọi sự đều tuôn chảy.
Mảnh này bám lấy mảnh kia; vạn vật cứ thế lớn dần.
Cho đến khi ta biết và đặt tên chúng.
Dần dần chúng tan rã, và không còn là những vật ta biết.
Được kết thành hình cầu từ những nguyên tử rơi nhanh hay chậm
Tôi thấy những mặt trời và những thái dương hệ thành hình;
Và ngay những thái dương hệ cùng những mặt trời ấy
Sẽ từ từ trở về chu kỳ vần xoay bất tận
Ngươi nữa, hỡi quả đất - đế quốc ngươi, đất, biển và những ngôi sao nhỏ nhất trong ngân hà,
Cũng như chúng, ngươi thành hình từ cơn xoay vần và cũng như chúng,
Ngươi sẽ đi. Ngươi đang đi, từng giờ một
Không vật gì dừng trụ: Biển của ngươi từ từ biến mất.
Những bãi cát trăng soi rời bỏ chỗ chúng;
Và nơi hoàng sa kia sẽ có những biển khác đến xoá tan bờ vịnh bằng những lưỡi hái trắng ngần
(Lucretius on life and death. pp.15-16 -Mallock diễn ra Anh ngữ-!)
Cộng thêm vào sự thành hoại của các tinh tú là sự khởi nguyên và tận diệt của các loài:
Ngày xưa quả đất cũng đã sản xuất nhiều quái vật, những con vật này có mặt mày chân tay kỳ dị...; có những con không chân, có những con không tay, có những con không mồm, có những con không mắt,... Mọi quái vật thuộc loài ấy quả đất đã sản xuất, nhưng vô hiệu; vì thiên nhiên không để chúng tăng trưởng, chúng không thể đạt đến tuổi hoa niên mong mỏi, cũng không kiếm ăn được, cũng không phối hợp được trong hôn nhân;... và nhiều loài chắc đã phải diệt dần như thế và không thể sinh con hay tiếp tục sinh sống. Vì trong trường hợp mọi sinh vật mà ta thấy hô hấp hơi thở của sự sống, từ khởi thuỷ mỗi loài đều có hoặc tài năng hoặc can đảm, hoặc vận tốc đã che chở và bảo tồn cho nó... Những loài mà thiên nhiên không cho một đặc tình nào kể trên đều sẽ bị phó mặc làm mồi cho những loài khác, cho đến khi thiên nhiên đưa chúng đến chỗ tận diệt (p. 830ff, Munro dịch).
Các quốc gia cũng như cá nhân, từ từ lớn lên và chắc chắn phải chết: "một vài quốc gia trổi lên, vài quốc gia khác tàn tạ, và trong một khoảng ngắn thời gian, những sinh vật bị biến đổi, và cũng như những kẻ chạy đua, chuyền lại ngọn đèn của sự sống". Trước chiến tranh và cái chết không thể tránh, không có sự khôn ngoan nào ngoài ra trong thái độ an nhiên ataraxia, - "nhìn mọi sự với cõi lòng bình an". Ở đây, rất rõ, niềm vui vô thần cũ về cuộc đời đã mất, và một tinh thần hầu như xa lạ đang chạm một chiếc đàn cầm đã gãy vỡ. Lịch sử, vốn chỉ là một trò khôi hài, chưa bao giờ đùa dai cho bằng khi nó tặng danh từ "hưởng lạc" cho con người yếm thế bi tráng và tiết độ nầy.
Và nếu đây là tinh thần của môn đồ Epicure, thì ta hãy tưởng tượng niềm lạc quan phấn khởi của những nhà khắc kỷ rõ rệt như Aurèle, hay Épictète. Không có gì trong mọi nền văn học lại buồn thảm bằng những bài "nghị luận" của người nô lệ, trừ phi những bài "Trầm tư" của vị hoàng đế. "Đừng tìm cách làm cho sự vật xảy ra như ngươi muốn, mà tốt hơn chúng xảy ra thế nào thì hãy lựa chọn thế ấy; như vậy ngươi sẽ sống phong phú" (Enchiridion and Dissertations of Epictetus, de Rolleston, p. 81). Dĩ nhiên bằng cách ấy ta có thể làm chủ tương lai và cũ trụ. Chuyện kể rằng người chủ Epictète thường xuyên đối xử tàn nhẫn với ông, một ngày kia khởi sự vặn bẻ một ống chân Epictète để tiêu khiển. Epictète bảo: "Nếu ngài tiếp tục, ngài sẽ làm gãy chân tôi". Người chủ cứ tiếp tục và cái chân gãy thật. Epictète ôn tồn nhận xét: "Đấy, há tôi đã chẳng bảo ngài sẽ làm gãy chân tôi đấy sao?. Tuy nhiên có một vẻ gì cao thượng huyền bí trong triết lý này, như trong sự can đảm yên lặng của một người chủ hoà kiểu Dostoevski. "Đừng bao giờ bảo rằng: tôi đã mất vật nọ vật kia; mà phải nói: tôi đã trả nó về. Con của bạn chết chăng? - nó được trả về. Vợ bạn chết chăng? - nàng được trả về. Bạn bị tước mất hết tài sản chăng? - há chẳng phải nó cũng được trả về đấy hay sao?" Trong những đoạn văn như thế ta thấy gần giống với Kitô giáo và những thánh tử đạo anh dũng của tôn giáo này; quả thế, há chẳng phải nền đạo đức Kitô giáo về sự quên mình, lý tưởng chính trị Kitô về tình huynh đệ - gần như kiểu cộng sản - giữa người với người và thuyết mạt thế Kitô giáo về sự thiêu huỷ cuối cùng của toàn thế giới - chính là những mảnh vụn của chủ thuyết khắc kỷ đang trôi nổi trên dòng tư tưởng. Trong Epictète, linh hồn Hy Lạp - La Mã đã mất tính cách vô thần của nó, và sẵn sàng cho một niềm tin mới. Sách của ông có hân hạnh đặc biệt là được giáo đường Kitô sơ thuỷ áp dụng như một cuốn yếu lược tôn giáo. Từ những "Nghị luận" này và những "Trầm tư" của Aurèle đến "Sự mô phỏng đấng Kitô" chỉ cách nhau một bước.
Trong lúc ấy bối cảnh lịch sử đang hoà vào trong những cảnh tượng mới hơn. Có một đoạn văn đặc sắc trong Lucrèce tả sự suy tàn của nông nghiệp trong cuốn La Mã, và quy sự suy tàn ấy cho lý do đất đã kiệt lực. Dù nguyên nhân nào đi nữa, sự giàu có của La mã cũng đã nhường bước cho cảnh nghèo nàn, tổ chức trở thành phân hoá, quyền lực và niềm kiêu hãnh trở thành sự suy vi và nỗi thản nhiên chịu đựng. Các đô thị rơi vào tình trạng những miền nội địa không có gì đặc sắc; đường xá rơi vào tình trạng thiếu sửa chữa và không còn tấp nập việc mậu dịch thương mãi; những gia đình nhỏ của người La mã có giáo dục bị lấn lướt bởi những giòng giống Đức mạnh mẽ vô giáo dục hằng năm len lỏi qua biên giới; văn hoá vô thần nhường bước cho tín ngưỡng Á đông; và dần dà, một cách tinh vi, đế quốc trở thành Giáo quốc của nhà thờ Công giáo La mã.
Giáo đường, vào những thế kỷ đầu tiên, được ủng hộ bởi những vị vua dần dần bị lấn quyền, phát triển nhanh chóng về số lượng, tài sản và tầm ảnh hưởng. Vào thế kỷ 13, nó đã chiếm một phần ba đất Âu châu (Robinson và Beard: Outlines of European History, Boston, 1914, I, 443) và những tủ sắt của nó đầy nhóc những tặng dữ (?) từ người giàu và kẻ nghèo. Trong một nghìn năm, với bùa phép của một tín điều không thay đổi, nó đã thống nhất phần lớn dân tộc của một lục địa; chưa bao giờ trước đấy, và từ đấy đến nay, có một tổ chức nào lan rộng đến thế hay hoà bình đến thế. Nhưng sự thống nhất này, theo giáo đường nghĩ, đòi hỏi một đức tin chung được tăng cường bằng những hình phạt siêu nhiên ở bên ngoài chuyển biến và sự ăn mòn của thời gian; bởi thế những giáo điều cố định và được giải thích kỹ càng được đúc nên như một cái vỏ cứng trên tâm thức mới lớn của Âu châu thời trung cổ. Chính trong giới hạn lớp vỏ này nền triết học kinh viện đã di chuyển hạn hẹp từ đức tin đến lý trí và trở lại, mắc kẹt quanh quẩn trong một vòng tròn gồm những giả thuyết không được phê phán và những kết luận có trước. Vào thế kỷ mười ba, tất cả tín đồ Kitô giáo phải giật mình và kích động trong bản dịch tác phẩm Aristote ra tiếng Ả-rập và Do thái; những uy lực của giáo đường vẫn còn có đủ qua thánh Thomas d' Aquin và những người khác để biến hoá Aristote thành một nhà thần học trung cổ. Kết quả đấy là sự khôn khéo tinh ranh, chứ không phải minh triết. "Trí khôn và tâm thức con người - Bacon bảo- nếu tác động trên vật chất, nó sẽ tuỳ thuộc vào nguyên liệu mà tác động, và do đó bị nguyên liệu hạn chế. Nhưng nếu nó tác động trên chính nó như nhện giăng tơ, tằm làm kén, thì nó thành ra vô tận, và quả thế mang lại những mạng nhện của sự uyên bác, đáng phục vì công trình tinh vi song lại không thực chất vì vô bổ". Sớm muộn gì tri thức Âu châu cũng sẽ nhảy ra khỏi lớp vỏ này.
Sau một ngàn năm chăm bón, đất nở hoa trở lại; hàng hoá được tăng bội thành một số thặng dư buộc phải có mậu dịch; và việc mậu dịch ở những con đường chéo của nó lại dựng lên những đô thị mới, nơi đó người ta có thể cộng tác để bồi dưỡng văn hoá và dựng lại văn minh. Những cuộc thánh chiến mở những con đườmg đến Âu châu, và để tràn vào một dòng xa xỉ phẩm và tà thuyết làm tiêu ma chủ nghĩa khắc khổ và giáo điều. Bấy giờ giấy du nhập rất rẻ từ Ai-cập, thay thế loại da thuộc đắt đỏ đã làm cho việc học trở thành độc quyền của giới tu sĩ; sự ấn loát, từ lâu chờ đợi một phương tiện ít tốn kém, bây giờ bừng lên như một chất nổ được châm ngòi, và lan rộng khắp nơi ảnh hưởng phá hoại và soi sáng của nó. Bấy giờ những thủy thủ gan dạ lại được trang bị địa bàn, dám phiêu lưu vào biển cả hoang vu và chinh phục sự ngu dốt của con người về trái đất; những nhà quan sát kiên nhẫn với những ống viễn vọng kính, phiêu lưu ra ngoài giới hạn của giáo điều, và chinh phục được sự ngu dốt của con người về bầu trời. Khắp nơi, trong những đại hoc đường, trong các chủng viện và những nơi ẩn dật xa xôi, người ta thôi tranh luận và bắt đầu tìm tòi. Từ nỗ lực biến kim khí loại thấp thành vàng, thuật luyện kim dò dẫm chuyển thành hoá học; từ khoa chiêm tinh con người dò đường vừa táo bạo vừa rụt rè, đến khoa thiên văn học; và từ những chuyện ngụ ngôn về loài vật biết nói, khoa động vật học ra đời. Sự bừng tỉnh ấy bắt đầu với Roger Bacon (chết năm 1294); phát triển với Leonardo da Vinci (1452 - 1519); và viên mãn với nền thiên văn của Copernic (1473 - 1543) và Galilée (1564 - 1642), với những nghiên cứu của Gilbert (1544 - 1603) về nam châm và điện, của Vesalius (1514 - 1564) về giải phẫu học, và của Harvey (1578 - 1657) về sự tuần hoàn của máu. Khi hiểu biết tăng, nỗi sợ hãi giảm; con người bớt nghĩ đến việc thờ phụng cái vô hình, và nghĩ nhiều hơn đến việc thắng lướt nó. Mọi sinh lực được nâng cao với một niềm tin tưởng mới; những hàng rào bị phá huỷ; bấy giờ không còn giới hạn nào cho những gì con người có thể làm. "Nhưng sự kiện những chiếc tàu nhỏ, như những thiên thể, được dong buồm quanh khắp địa cầu, chính là niềm hạnh phúc của thời đại chúng ta. Bây giờ chính là lúc ta sử dụng từ ngữ plus ultra - xa thêm nữa- "nơi mà những người xưa dùng từ ngữ non plus ultra" (Bacon; The Advancement of Learning; P.II, chương 10. Một châm ngôn trung cổ báo cho tàu quay lui ở Gibraltar vào Địa trung hải, với hàng ghi: Non plus ultra - Đừng đi xa hơn). Đấy là thời đại của những công trình, của hy vọng và sự hùng mạnh, của những bắt đầu và những khởi công mới trong mọi địa hạt; một thời đại đang chờ đợi một tiếng nói, một linh hồn tổng hợp có thể nói trọn một cách vắn tắt tinh thần và quyết định của nó. Chính Francis Bacon, "tâm thức hùng mạnh nhất của thời đại tân tiến" (Epicure.J. Payne trong The Cambridge Modern History, I, 65) là người đã "rung chuông triệu tập những đại trí lại cùng nhau", và công bố Âu châu đã đến tuổi trưởng thành.
2. SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ CỦA BACON:
Bacon sinh ngày 22 tháng giêng năm 1561, ở York House London, tư dinh của thân phụ ông là Sir Nicholas Bacon, viên quan giữ ấn trong 20 năm đầu của nữ hoàng Elizabeth. Theo Macaulay, "danh tiếng của người cha đã bị khuất vào bóng tối trước danh tiếng của người con. Nhưng Sir Nicholas không phải là người tầm thường". Đấy là điều ta không lạ, vì thiên tài là một tuyệt đỉnh mà một gia tộc đào luyện được qua nhân tài, rồi qua nhân tài nơi hậu duệ của thiên tài, gia tộc lại chìm vào sự tầm thường của con người như cũ. Thân mẫu Bacon là Lady Anne Cooke, em dâu của Sir William Cecil, quan giữ kho của nữ hoàng Elizabeth, vừa là một trong những người thế lực nhất ở Anh quốc. Thân phụ bà đã từng làm quan phụ đạo chính thức của vua Edward đệ lục; và chính bà là một nhà ngữ học và thần học, không nghĩ đến việc gì ngoài việc giao dịch thư từ bằng tiếng Hy Lạp với những vị giám mục. Bà tự làm thầy dạy dỗ con trai và không từ một việc khó nhọc nào trong việc giáo huấn cậu. Nhưng vú nuôi thực thụ của thiên tài Bacon chính là Anh quốc vào thời nữ hoàng Elizabeth, thời đại huy hoàng nhất của quốc gia hùng mạnh nhất trong các quốc gia tân tiến. Sự tìm ra Mỹ châu đã chuyển hướng việc mậu dịch từ biển Địa trung hải sang Đại tây dương, đã nâng những quốc gia vùng Đại tây dương -Tây ban nha, Pháp, Hoà lan, Anh- lên ngôi chúa tể về thương mãi và tài chánh mà trước đấy là của Ý khi một phân nửa Âu châu đã biến Ý thành hải cảng xuất nhập trong việc mậu dịch ở Đông phương; và với cuộc biến đổi này, sự phục hưng đã đi từ Florence, La mã, Milan, Venice đến Madrid, Paris, Amsterdam và London. Sau trận phá huỷ hải lực của Tây Ban Nha vào năm 1588, nền thương mãi Anh bành trướng khắp mọi hải phận, những thị thành Anh quốc phồn thịnh với kỷ nghệ, những thuỷ thủ Anh lái tàu quanh địa cầu, và những thuyền trưởng của Anh đã chiếm được Mỹ châu. Nền văn chương Anh nở thành thơ của Spencer và tản văn của Sidney; sân khấu Anh quốc rộn rịp với những vở kịch của Shakespeare, Marlowe và Ben Johnson cùng một trăm ngòi bút vững mạnh khác. Không ai không phát triển được trong một thời đại và xứ sở như thế, nếu trong họ có sẵn hạt mầm.
Năm hai mươi tuổi, Bacon được gởi đến Trinity College ở Cambridge. Ông ở đấy 3 năm, rồi rời trường với một mối thù ghét mãnh liệt đối với những bài học và phương pháp của nó, một mối thù nghịch sâu xa đối với sự tôn thờ Aristote và một ý chí cương quyết đặt triết học vào một con đường phì nhiêu hơn, chuyển nó từ sự tranh luận kinh viện đến việc soi sáng và tăng gia lợi ích nhân sinh. Mặc dù còn là một cậu bé mười sáu, Bacon đã được mời làm một nhân viên của toà đại sứ Anh tại Pháp; và sau khi tính kỹ lợi hại, ông nhận lời. Trong lời Tự ngôn cho cuốn Giải thích thiên nhiên ông đã bàn đến quyết định có tính cách định mệnh đã chuyển hướng ông từ triết học đến chính trị. Đấy là một đoạn văn quan trọng:
Trong khi tôi tin rằng tôi được sinh ra để phụng sự nhân loại, và xem việc lo lắng đến lợi ích chung là một trong những nhiệm vụ chung, mở ra cho tất cả không phân biệt, chẳng khác nào nước và không khí, tôi tự hỏi điều gì có thể làm lợi ích cho nhân loại nhất, và thiên nhiên đã uốn nắn tôi để làm việc gì?
Nhưng khi cố tìm, tôi vẫn không thấy công việc nào xứng đáng bằng sự tìm tòi và phát triển những nghệ thuật và phát minh đưa đến sự văn minh hoá sinh hoạt con người...
Nhất là nếu một người có thể thành công, không những trong việc đưa ra ánh sáng một sự phát minh đặc biệt nào dù lợi ích đến đâu mà còn trong việc nhen nhúm lên trong thiên nhiên một ánh sáng có thể, khi vừa bừng lên, đã chiếu rọi một ít ánh sáng vào những giới hạn hiện tại trong những khám phá của con người, rồi sau đó, khi vươn cao, sẽ làm hiển lộ cho thấy rõ mọi ngõ ngách của bóng tối; đối với tôi, một nhà phát minh như thế sẽ xứng đáng được gọi là Người Triển Khai đích thực Vương quốc con người ra ngoài vũ trụ. Nhà vô địch về tự do con người, Kẻ Tiêu diệt những lẽ tất yếu hiện giam giữ người ta trong vòng nô lệ. Hơn nữa, tôi nhận thấy trong bản chất riêng tôi một sự thích ứng đặc biệt để suy ngẫm chân lý. Vì tôi có một trí óc vừa uyên bác đủ cho mục đích quan trọng nhất ấy, nghĩa là sự trung thực nhận những điểm tương đồng vừa khá vững chãi và tập trung để quan sát những mức độ vi tế của sự dị biệt. Tôi có một đam mê tìm tòi, một năng lực dừng nghỉ sự phán đoán một cách kiên nhẫn, một năng lực để trầm tư trong hân hoan, để chấp nhận với dè dặt, để sẵn sàng sửa chữa những cảm tưởng sai lạc, và để chịu khó xếp đặt tư tưởng cẩn thận. Tôi không khát vọng cái mới, không thán phục mù quáng cái cổ. Tôi hoàn toàn ghét sự giả mạo dưới mọi hình thức. Bởi tất cả những lý lẽ ấy, tôi xét thấy rằng thiên tư và bản chất tôi, dường như có một thứ liên lạc bà con với chân lý.
Nhưng dòng dõi, sự giáo huấn của tôi, tất cả đều đã hướng không về triết lý mà về chính trị: tôi hầu như được thấm nhuần về chính trị từ thuở ấu thơ. Và cũng như trường hợp thường thấy ở các thanh niên, đôi khi tôi bị lung lay bởi những quan niệm. Tôi cũng nghĩ rằng nhiệm vụ đối với xứ sở có những đòi hỏi đặc biệt nơi tôi, những đòi hỏi mà những nhiệm vụ khác của đời không thể lấn áp. Cuối cùng tôi nuôi hy vọng rằng, nếu tôi giữ một chức vụ danh dự nào trong quốc gia, tôi có thể có những trợ giúp bảo đảm cho công việc tôi, với ý hướng hoàn thành nhiệm vụ được dành cho tôi. Với những động lực ấy, tôi bước vào chính trị ( Do Abott dịch từ La ngữ sang Anh ngữ trong cuốn Francis Bacon, London, 1885, tr.37).
Năm 1570 Sir Nicholas Bacon chết bất ngờ. Ông đã định cấp cho Francis một gia tài, nhưng cái chết đã cướp kế hoạch ông, và nhà ngoại giao trẻ tuổi, khi được gọi gấp về London, đã bừng con mắt dậy thấy mình không cha, không tiền lúc mười tám tuổi. Ông đã quen với phần lớn những xa hoa của thời đại, nên bây giờ thấy rất khó khăn để an phận với nếp sống đạm bạc bất đắc dĩ. Ông bắt đầu hành nghề luật, trong khi khẩn cầu những thân quyến có ảnh hưởng tiến cử ông vào một chức vụ chính trị nào để có thể giải thoát ông khỏi mối lo về kinh tế. Nhưng bức thư hầu như van xin của ông đã không được kết quả bao nhiêu so với lời văn tráng lệ hùng hồn và tài nghệ rõ rệt của tác giả. Có lẽ chính vì Bacon không đánh giá thấp tài nghệ này, và xem địa vị như điều ông dĩ nhiên phải có, cho nên Lord Burghley đã không đem lại sự đáp ứng mong mỏi; và cũng có lẽ vì những bức thư kia quá long trọng thề nguyền trung thành với vị Lord trong quá khứ, hiện tại cũng như vị lai: trong chính trị, cũng như trong tình yêu, không nên tự hiến mình toàn vẹn; người ta nên cho luôn luôn, nhưng không bao giờ nên cho tất cả. Lòng biết ơn được nuôi dưỡng bằng sự mong chờ.
Cuối cùng, Bacon đã leo lên được mà không cần sự nâng đỡ từ bên trên; nhưng mỗi bước phải làm ông hao tổn nhiều năm. Năm 1583 ông được bầu vào Nghị viện đại diện cho tỉnh Taunton, và những cử tri thích ông đến nỗi họ tái cử cho ông nhiều lần. Ông có một tài hùng biện mạnh mẽ trong cuộc tranh luận, và là một nhà hùng biện không rườm lời. "Không có một người nào đã từng ăn nói rõ ràng, chặt chẽ, hùng hồn hơn -Ben Johnson bảo- hoặc từng ít bị trống rỗng, vô duyên hơn trong những gì mình nói. Không một chữ, một câu nào trong lời nói ông lại không có những duyên dáng riêng của nó. Những người nghe không thể ho hay nhìn sang phía khác mà không bị mất mát điều gì. Ông điều khiển mỗi khi ông nói... Không ai được nhiều quý chuộng của thính giả hơn ông trong mãnh lực thu hút ấy. Nỗi sợ hãi của mọi người nghe ông là sợ rằng ông sẽ chấm dứt (Nichol; Francis Bacon, Edingburg, 1907; p. 37). Nhà hùng biện đáng thèm!
Ông có một người bạn thế lực rất giàu lòng với ông -quận công Essex đẹp trai mà nữ hoàng Elizabeth đã yêu không được nên đâm ra thù. Năm 1595 Essex, để bù lại sự thất bại của mình trong việc bảo đảm một địa vị chính trị cho Bacon, đã tặng Bacon một cơ sở đẹp ở Twickenham. Đấy là một món quà vĩ đại mà người ta những tưởng nó có thể ràng buộc Bacon với Essex suốt đời, nhưng té ra không. Vài năm sau Essex tổ chức một âm mưu hạ ngục Elizabeth và chọn người kế vị bà lên ngôi. Bacon viết thư liên tiếp cho ân nhân mình, phản đối sự bội phản này, và khi Essex vẫn khăng khăng một mực, Bacon cảnh cáo ông ta rằng sẽ đặt sự tận trung với nữ hoàng lên trên cả lòng biết ơn bạn. Essex đã cố gắng thực hiện âm mưu, bị thất bại và bị bắt. Bacon năn nỉ với nữ hoàng cho bạn mình một cách dai dẳng đến nỗi cuối cùng nữ hoàng bảo ông "nói chuyện gì khác". Khi Essex, được tự do tạm, tụ tập quân lực lại, diễn hành vào London và cố xách động dân chúng làm cách mạng, Bacon giận giữ chống lại ông. Trong lúc ấy Bacon đã được một ghế xử án trong triều đình, và khi Essex bị bắt lại, bị xử vì phản nghịch, Bacon đã dự phần tích cực trong vụ xử người đã là người bạn rất hào phóng đối với ông.
Essex bị xử có tội và bị tử hình. Sự tham dự của Bacon vào việc xử án đã làm cho ông mất thanh danh một thời gian; và từ đấy trở đi ông sống giữa những kẻ thù đợi dịp để trả thù ông. Tham vọng không biết chán của ông khiến ông không nghỉ ngơi được; ông luôn luôn bất mãn và luôn luôn ông tiêu trước lợi tức của ông khoảng một năm. Ông tiêu xài phung phí; sự chưng bày đối với ông là một phần của chính sách. Khi, vào năm bốn mươi tuổi, ông cưới vợ, đám tiệc kênh kiệu và đắt đỏ đã để lại một lỗ thủng lớn trong của hồi môn vốn là một trong những sự quyến rũ của vị phu nhân. Năm 1598 ông bị bắt vì nợ nần. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục tiến. Tài năng đa diện và kiến thức hầu như bất tận của ông khiến ông là một hội viên đáng giá cho mọi hội đồng quan trọng, dần dần nhiều chức vị cao được mở ra cho ông: năm 1606 ông được làm Solicitor-General; năm 1613 trở thành Attorney-General; năm 1618, vào năm năm mươi bảy tuổi, cuối cùng ông trở thành Lord Chancellor.
3. NHỮNG BÀI TIỂU LUẬN:
Sự tiến thân của ông dường như đã thực hiện giấc mộng Platon về một thánh vương (vị vua vừa là triết gia). Vì song song bước một với sự trèo lên thế lực chính trị, Bacon đã lên đến đỉnh cao của triết học. Thật hầu như không thể tin được rằng tài bác học và những công nghiệp văn chương của con người này lại chỉ là những biến cố và những chuyển hướng của một sự nghiệp chính trị đầy sóng gió. Châm ngôn của ông là: người ta sống hay nhất với một đời ẩn dật - Bene vixit qui bene latuit. Ông không thể biết rõ ông thích đời sống trầm mặc hơn hay đời sống hoạt động hơn. Hy vọng của ông là vừa làm triết gia vừa làm chính khách như Seneca, mặc dù ông e ngại rằng hướng đi song đôi của đời ông như vậy sẽ làm ngắn tầm mục tiêu và giảm thiểu mức thu nhập của ông. "Thật khó nói - ông viết (Valerius Terminus, đoạn cuối)- xem sự pha lẫn suy tư với một đời sống hoạt động, hay sự rút lui hoàn toàn vào việc suy tư, có làm mất khả năng của tâm trí hơn hay cản trở nó hơn không?". Ông cảm thấy rằng sự học tự nó không thể là cứu cánh hay minh triết, và một tri thức không được áp dụng trong hành động chỉ là một tri thức thiếu máu. "Dùng quá nhiều thì giờ vào việc học là lừ đừ; dùng quá nhiều sự học để trang hoàng là làm bộ; phán đoán hoàn toàn theo quy luật sách vở là tính khí của một học giả. Người tài lên án sự học, người ngu thán phục nó, người minh triết sử dụng chính nó; bởi vì sự học không dạy sử dụng chính nó; nhưng đây là một sự minh triết ở bên ngoài và bên trên sự học đạt được nhờ quan sát ("Về sự học"). Đây là một điểm mới, đánh dấu sự chấm dứt cái học hàn lâm -nghĩa là ly khai giữa tri thức với thực dụng và quan sát- và đặt nặng khía cạnh kinh nghiệm và kết quả, làm nổi bật triết lý Anh và lên đến tột đỉnh của nó trong thuyết duy dụng. Không phải Bacon có lúc thôi yêu mến sách và suy tư; bằng những lời khiến ta nhớ đến Socrate, ông đã viết: "nếu không có triết học tôi không thiết sống ("Đề tặng cuốn Wisdom of the Ancients); và ông tự mô tả mình, cuối cùng là "một người có thiên tính thích hợp cho văn học hơn cho bất cứ việc gì khác, và đã bị một định mệnh nào đó đưa đẩy vào đời sống hoạt động phản lại khuynh hướng của tính khí mình" (Tăng tiến Tri thức). Ấn phẩm hầu như đầu tay của ông gọi là "Ca tụng tri thức" (1592); tính cách nồng nhiệt của nó đối với triết học khiến ta phải trích dẫn mới được:
"Lời ca ngợi của tôi sẽ dành cho chính tâm trí. Tâm trí là con người, và kiến thức là tâm trí, một người chỉ là những gì mà y biết... Há chẳng phải lạc thú của tình yêu lớn hơn lạc thú của giác quan, và há chẳng phải lạc thú của tri thức lớn hơn lạc thú của ái tình? Há chẳng phải lạc thú tự nhiên chân thật là thứ lạc thú mà người ta không bao giờ ngấy chán? Há chẳng phải chỉ có tri thức mới giải toả tâm trí khỏi mọi vọng động? Biết bao nhiêu điều chúng ta tưởng tượng song không có thật? Biết bao nhiêu điều ta đánh giá và xem trọng hơn chính thực bản chất chúng? Những tưởng tượng vô lối này, chính là những đám mây lầm lỗi đã chuyển thành những cơn bão tố của vọng động. Thế thì có một hạnh phúc nào cho tâm thức con người, một hạnh phúc có thể nâng tâm thức ấy lên trên những hỗn mang của sự vật, ở đấy y có thể kính trọng trật tự của thiên nhiên và lầm lỗi của con người? Há chỉ có độc một niềm hoan lạc mà không có sự phát minh? Chỉ có sự hài lòng mà không có lợi lộc? Há chúng ta không đồng thời thấy rõ những báu vật của kho tàng thiên nhiên cũng như vẻ đẹp của nó? Chân lý có thực khô cằn chăng? Há chúng ta sẽ không nhờ đấy mà có thể sản ra những hậu quả đáng giá, và đem lại cho nhân sinh những tiện nghi vô hạn?
Sản phẩm văn chương tinh luyện nhất của ông, cuốn "Tiểu luận" (1597 - 1623), chứng tỏ ông vẫn còn bị dằn xé giữa hai tình yêu, yêu chính trị và yêu triết học. Trong bài "Tiểu luận về danh dự và tiếng tăm", ông gán tất cả mức độ danh dự cho những công trình quân sự và chính trị, không một mức độ nào được quy cho công trình văn chương hay triết học. Nhưng trong bài tiểu luận "Bàn về chân lý", ông viết: "Sự tìm tòi chân lý - sự bắt tình với nó; tri thức về chân lý - sự ca ngợi nó, niềm tin vào chân lý - sự thưởng thức nó, là điều kiện tối cao của thiên tính con người". Trong những cuốn sách "chúng ta nói chuyện với thánh hiền, cũng như trong hành động ta nói chuyện với người ngu". Nghĩa là nếu chúng ta biết lựa chọn sách để đọc. " Một số sách chỉ đáng nếm qua" - để trích một đoạn thời danh- "một số khác đáng nuốt chửng, và một số ít đáng được nhai nghiền và tiêu hoá"; tất cả những nhóm này, chắc hẳn, đã họp thành một phần rất nhỏ của những đại dương và những thác mực trong đó hằng ngày thế giới được tắm rửa, bị đầu độc và chết đuối.
Dĩ nhiên "Tiểu luận" phải được kể trong số ít sách đáng được nhai nghiền và tiêu hoá. Hiếm khi ta tìm thấy nhiều hào thiện được gia vị và gia hương một cách tuyệt diệu như thế trong một đĩa ăn bé nhỏ. Bacon ghét rườm rà, và không ưa phung phí một tiếng nào; ông cho ta vô vàn của cải trong một câu ngắn; mỗi bài tiểu luận trong đó, với khoảng một, hai trang, đem lại sự tinh tế được chưng lọc, của một tâm trí bực thầy về một vấn đề chính yếu của đời sống. Thật khó nói xem bên hình thức, bên nội dung, bên nào tuyệt hơn; vì ở đây ngôn ngữ đã đến chỗ tuyệt xảo về tản văn cũng như ngôn ngữ Shakespeare đã tuyệt xảo về văn vần. Đấy là một lối văn giống như văn của Tacite, hùng mạnh, cô đọng nhưng gọt giũa; và quả vậy một phần sự sáng sủa khúc triết của nó là nhờ ở sự mô phỏng khéo léo những từ ngữ La Tinh. Nhưng kho tàng ẩn dụ của nó đặc biệt có tính cách của thời đại Elizabeth, và phản ảnh sự dồi dào của thời Phục hưng; không người nào trong văn chương Anh lại sung túc về lối so sánh hàm súc và ý nhị như thế. Sự chưng bày phung phí những so sánh này là khuyết điểm độc nhất trong lối văn của Bacon: những ẩn dụ bóng gió tượng trưng bất tận đổ xuống như những nhát roi quất trên thần kinh của ta và cuối cùng làm cho ta chán mệt. Cuốn "Tiểu luận" giống như món ăn nặng nề nhiều gia vị, không thể tiêu hoá nhiều trong một lúc, nhưng nếu đọc mỗi lần bốn hay năm bài, thì chúng là dưỡng chất tinh thần bổ khoẻ nhất bằng Anh ngữ.
Ta có thể rút ra được gì từ sự minh triết đã được rút tỉa này? Có lẽ khởi điểm tốt nhất, và sự chuyển hướng đáng chú ý nhất từ những thời thượng của triết học trung cổ chính là sự chấp nhận hẳn nhiên của ông đối với đạo đức của Epicure. Quan điểm triết học "đừng sử dụng để khỏi mong muốn, đừng mong muốn để khỏi sợ hãi, có vẻ là một dấu hiệu của một tâm thức yếu đuối rụt rè. Và quả thế phần lớn những học thuyết của các triết gia dường như quá hoài nghi, và lo cho nhân loại quá mức cần thiết. Họ làm tăng thêm nỗi sợ chết khi đưa ra những phương pháp chống lại nó; bởi vì khi họ xem cuộc sống của con người chỉ là một kỷ luật chuẩn bị cho cái chết, thì dĩ nhiên kẻ thù ấy phải là ghê gớm, sự tự vệ chống lại nó được đặt ra triền miên" (Tăng tiến tri thức, VII, 2). Không gì tai hại cho sức khoẻ bằng sự tiết chế dục vọng theo thuyết khắc kỷ; kéo dài một đời sống ra làm gì khi sự an phận thản nhiên đã biến nó thành ra sự chết trước kỳ? Ngoài ra, đấy là một nền triết học bất khả; vì bản năng sẽ vọt ra. "Bản năng thường bị che dấu, một đôi khi bị thắng lướt, nhưng hiếm khi chết hẳn. Sức mạnh bản năng còn dữ dội hơn khi quay trở lại; lý thuyết và sự giáo dục làm nó bớt cấp bách, nhưng tập tục chỉ biến đổi, hàng phục bản năng. Người ta chớ nên quá tin vào sự đắc thắng của mình đối với bản năng, vì nó sẽ nằm chôn vùi một thời gian lâu, nhưng sẽ sống dậy khi có dịp hay có sự cám dỗ. Bản năng cũng như cô gái của Aesop, biến từ một con mèo thành một người đàn bà, ngồi rất đoan trang ở đầu tấm phản, cho đến khi một con chuột chạy ngang trước mặt. Bởi thế, một người hãy tránh hẳn cơ hội, hoặc đặt mình thường xuyên tiếp xúc với cơ hội để có thể ít bị xúc động vì nó °" (°Về bản năng trong người ). Quả thế, Bacon nghĩ rằng thân xác cần được tập quen với sự quá độ cũng như sự tiết chế: nếu không, ngay chỉ một lúc không tiết chế cũng đủ phá hoại nó. - Bởi thế một người quen ăn những thức ăn thuần khiết và dễ tiêu hoá nhất sẽ dễ dàng bị đau bụng khi vì quên hay vì hoàn cảnh bắt buộc, phải bỏ lệ -. Tuy nhiên "sự thay đổi nhiều lạc thú tốt hơn là sự quá đà"; vì "sức mạnh của bản năng nơi tuổi trẻ đã vi phạm nhiều sự quá độ khiến một người đến tuổi già phải trả giá chúng". Sự trưởng thành của một người thường phải trả giá bằng tuổi trẻ y. Một đường lối hay hoặc để đạt đến sức khoẻ là một mẫu vườn; Bacon đã đồng ý với tác giả của Sáng thế ký rằng: "Đức Chúa trời lúc đầu dựng một khu vườn" và với Voltaire rằng chúng ta nên trồng tỉa khoảnh sân sau của mình.
Triết lý đạo đức trong cuốn "Tiểu luận" có mùi vị của Michiavel hơn là của Kitô giáo, mà Bacon thường chỉ trích gay gắt "Chúng ta mắc nợ của Machiavel và những nhà văn tương tự, những người tuyên bố một cách cởi mở không che đậy những gì con người làm thực sự, chứ không phải những gì y làm; bởi vì không thể nào nối liền sự khôn ngoan của một con rắn và sự ngây thơ của con bồ câu, nếu trước hết không có một tri thức về bản chất của sự ác; không có tri thức này thì đức hạnh bị phơi ra không được phòng vệ" (Tăng tiến tri thức, XII, 2). "Những người Ý có một câu cách ngôn khiếm nhã: Tanto buon che val niente, - tốt quá đến nỗi không ích vào việc gì" (Về sự tốt đẹp). Bacon phối hợp lý thuyết của ông với thực hành, và khuyên nên có một hoà hợp giữa sự gian lận và lương thiện, giống như một hợp kim sẽ khiến cho chất kim loại kém tinh ròng nhưng mềm hơn, có thể sống dai hơn. Ông muốn có một sự nghiệp trọn vẹn và nhiều màu sắc, để quen với mọi thứ có thể mở rộng, đào sâu, tăng cường, làm sắc bén tâm trí. Ông không thán phục đời sống thuần tư tưởng ; như Goethe, ông khinh bỉ thứ tri thức không đưa đến hành động: "người ta phải biết rằng trên sân khấu nhân sinh chỉ có những Thượng đế và thiên thần mới làm khán giả" (Tăng tiến tri thức, VII, 1).
Về tôn giáo, mặc dù đã hơn một lần bị lên án là vô thần và toàn bộ khuynh hướng triết học ông có tính cách thế tục và thuần lý, Bacon tỏ ra là một người đả kích sự bất tín rất hùng hồn và nghe ra có chiều thành thật. "Tôi chẳng thà tin mọi bài ngụ ngôn trong truyện hoang đường, và kinh Talmud và Alcoran, còn hơn tin rằng cái khung vũ trụ này lại không có một tâm thức... Với một ít triết lý rởm đời, tâm thức con người ngả về vô thần; nhưng sự uyên thâm về triết học đem tâm thức người lại gần tôn giáo. Vì khi tâm thức con người nhìn vào những nguyên nhân phụ bị phân tán, đôi khi nó có thể an nghỉ trong chúng và không đi xa hơn; nhưng khi nó nhìn chuỗi dây xích của chúng, liên minh kết nối với nhau, nó phải bay đến Thượng đế và thần tính. Sự thờ ơ đối với tôn giáo là do rất nhiều yếu tố. "Những nguyên nhân của sự vô thần là sự phân chia nhiều tôn giáo ; vì khi chỉ chia đôi, mỗi ngành tôn giáo sẽ gia tăng sự hăng hái cho cả đôi bên; nhưng nhiều ngành tôn giáo sẽ đưa đến vô thần... Và cuối cùng, nguyên nhân ấy là những thời đại của học giả, nhất là khi có hoà bình thịnh vượng; vì những lúc rối loạn và ngang trái, quả có làm cho tâm thức con người thiên về tôn giáo ". Nhưng giá trị của Bacon nằm ở tâm lý học nhiều hơn ở thần học và đạo đức. Ông là một nhà phân tích xác đáng bản tính con người, sự quan sát tinh tế của ông rọi vào mọi tâm hồn. Ông độc đáo một cách mới mẻ về một đề tài nhạt nhẽo nhất thế giới. "Một người cưới vợ già thêm bảy tuổi trong tư tưởng ngay hôm đầu tiên". "Người ta thường thấy những ông chồng xấu lại có vợ tốt" (Bacon là một ngoại lệ!). "Một đời độc thân tốt cho những giáo sĩ, vì lòng bác ái không thể nào tưới được xuống đất khi nó phải đổ đầy một cái ao trước đã... Người nào có vợ con tức đã đưa con tin cho vận số; vì gia đình là chướng ngại cho những công việc lớn, dù công việc ấy có tính chất thiện hay ác". Bacon dường như bận việc quá nhiều không có thì giờ để yêu đương, và có lẽ ông không bao giờ cảm thức tình yêu một cách sâu xa. "Thật lạ lùng khi ta chú ý đến sự thái quá của thứ đam mê này... Không một người đàn ông kiêu hãnh nào lại có thể nghĩ tốt về mình một cách phi lý như người đang yêu nghĩ về người mình yêu... Ta có thể thấy rằng trong số tất cả những người vĩ đại và xứng đáng không một người nào đã bị mê man điên dại vì yêu đương, điều ấy chứng tỏ những tâm hồn lớn và những công việc lớn vẫn thường tránh xa cái đam mê yếu đuối ấy" ("Về ái tình").
Bacon đánh giá tình bằng hữu hơn tình yêu, mặc dù ngay cả tình bằng hữu ông cũng có thể có thái độ hoài nghi. "Có rất ít tình bằng hữu trên thế giới, và hiếm nhất là tình bằng hữu giữa những người ngang nhau, mối tình này thường hay được phóng đại. Tình bạn có thật là giữa người trên và người dưới, những người vì cảnh ngộ có thể hiểu nhau... Một hậu quả chính của tình bạn là niềm thoải mái và sự trút sạch nỗi đầy ứ của trái tim, mà đam mê đủ loại đã gây ra". Một người bạn là một lỗ tai. "Những người cần bạn để thố lộ can tràng chính là những kẻ ăn thịt chính trái tim mình... Kẻ nào có tâm sự đầy những ý tưởng, thì trí tuệ và hiểu biết của y sẽ sáng tỏ và tuôn ra trong khi bàn luận cảm giao với một người khác; ý tưởng của y tuôn ra dễ dàng hơn; y sắp đặt chúng một cách thứ tự hơn; y thấy rõ chúng sẽ ra thế nào khi biến thành lời; cuối cùng y trở nên minh triết hơn trước; và đó là nhờ một giờ đàm luận hơn là qua một ngày trầm tư. ("Về tình bằng hữu").
Trong bài tiểu luận "Về tuổi trẻ và sự già nua" Bacon đã thu gọn một cuốn sách vào trong một đoạn văn. "Thanh niên thích hợp cho việc phát minh hơn là cho sự phán đoán, thích hợp cho sự thi hành hơn cho việc làm cố vấn, và thích hợp cho những kế hoạch mới hơn là cho công việc đã an bài; bởi vì cái kinh nghiệm của tuổi tác về những việc đã qua hướng dẫn họ, song về những việc mới lại lừa dối họ... Thanh niên, trong sự điều hành những hoạt động, thường ham hố ôm vào thật nhiều nhưng nắm được rất ít, có thể quấy động nhiều hơn trấn an; lao vào mục đích mà không biết xét đến phương tiện thứ lớp, theo đuổi một cách phi lý một vài nguyên tắc họ tình cờ bắt gặp, không biết biến chế, và điều này đã mang lại cho họ nhiều khó chịu bất ngờ... Những người tuổi tác thì cản ngăn quá nhiều, cân nhắc quá lâu, không mấy khi chịu làm liều, thối lui quá sớm, và ít khi đẩy công việc đi đến giai đoạn toàn mãn nhất mà chỉ bằng lòng với một thành công tàm tạm. Dĩ nhiên cần dùng cả hai... Bởi vì những đức tính nơi hạng người này có thể sửa chữa những khuyết điểm nơi hạng người kia". Tuy nhiên Bacon nghĩ rằng tuổi thanh và thiếu niên có lẽ được dành quá nhiều tự do, bởi thế đâm ra lêu lổng vô trật tự. "Các bậc cha mẹ nên chọn đúng lúc năng khiếu và con đường họ muốn con cái phải theo, bởi vì vào giai đoạn ấy trẻ dễ uốn nắn nhất; họ không nên quá chú tâm đến thiên tư của con cái đến độ tưởng rằng tốt hơn hết chúng nên theo những gì chúng ham thích. Quả có đúng khi bảo rằng nếu một đứa trẻ có những ham thích hay năng khiếu phi thường vào một việc gì, thì không nên làm trái năng khiếu ấy; nhưng phần nhiều lời khuyên sau đây của Pythagore rất hợp lý: "Optimum lege suave et facile illud faciet..." "Hãy chọn việc tốt nhất, thói quen sẽ làm cho nó thú vị và dễ dàng" ("Về cha mẹ và con cái"). Vì "thói quen là vị thẩm phán chính trong đời người ta" ("Về thói quen").
Về chính trị, những bài tiểu luận đưa ra một thuyết bảo thủ tự nhiên nơi người có khát vọng thống trị. Bacon muốn có một quyền hành trung ương mạnh. Chính thể quân chủ là hình thức cai trị tốt nhất; và thường hiệu năng một quốc gia thay đổi tuỳ sự tập trung quyền hành. "Có ba giai đoạn trong việc chính sự: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thảo luận hay cứu xét và giai đoạn thi hành. Bởi thế, nếu muốn nhanh chóng, chỉ giai đoạn giữa nên để cho nhiều người làm, còn đầu và cuối cho số ít" ("Về sự thi hành nhanh chóng"). Bacon là một nhà quân sự rõ rệt; ông phàn nàn sự phát triển kỹ nghệ, coi như không thích hợp cho chiến tranh và than phiền hoà bình kéo dài có thể ru ngủ con người chiến đấu trong ta. Tuy nhiên ông công nhận tầm quan trọng của nguyên liệu: "Khi Croesus khoe với Solon chỗ vàng của mình, Solon nói không ngoa rằng nếu kẻ nào khác có sắt tốt hơn, kẻ ấy sẽ làm chủ tất cả số vàng ấy" ("Về sự vĩ đại đích thực của các vương quốc").
Cũng như Aristote, Bacon khuyên nên tránh các cuộc cách mạng. "Cách thức chắc chắn nhất để đề phòng nổi loạn;... là dẹp hết chất liệu cho những cuộc nổi loạn; vì khi nhiên liệu đã sẵn sàng, thật khó biết khi nào tàn lửa sẽ châm đốt... Điều ấy không có nghĩa là muốn trừ loạn phải ráo riết dẹp tắt những cuộc hội thảo, trái lại, khinh thường những cuộc hội thảo ấy đôi khi là cách hay nhất để ngăn chận chúng; còn cứ lo đi quanh dẹp hội thảo thì chỉ làm cho chúng sống dai thêm... Chất liệu cho biến loạn có hai: nghèo túng và bất mãn. Những nguyên nhân và động lực thúc đẩy các cuộc bạo động là sự canh tân tôn giáo; chính sách thuế khoá; thay đổi luật lệ; tước đặc quyền; sự đàn áp chung; sự tiến cử những người không xứng đáng, những người lạ; sự đói kém; lính giải ngũ; các đảng phái đâm ra tuyệt vọng; và bất cứ gì làm mếch lòng dân đều đoàn kết họ lại trong một chính nghĩa chung". Mánh lới của nhà lãnh tụ dĩ nhiên là phải chia rẽ kẻ thù ra và đoàn kết bạn hữu lại". Nói chung, sự chia rẽ và dập tắt mọi đảng phái... nghịch với chính quyền và đặt họ ở xa nhau hay ít nhất làm cho họ nghi kỵ lẫn nhau, không phải là một trường hợp tuyệt vọng khi những người cầm giềng mối quốc gia thì có đầy yếu tố bất hoà và phe đảng, còn những người chống lại quốc gia thì toàn vẹn nhất khối ("Về những cuộc bạo động và bất an"). Một phương sách tốt hơn để tránh cách mạng là phân chia tài sản cho quân bình: "Tiền giống như phân bón, không tốt nếu không rải phân" (ibid.). Song điều này không có nghĩa chủ trương xã hội hay dân chủ. Bacon không tin vào dân chúng mà vào thời ông rất ít được giáo dục; sự nịnh bợ là mị dân"; và "Phocion, khi được dân chúng hoan hô, đã hỏi một câu đầy ý vị: "Ta có làm gì sai quấy đâu?" ("Tăng tiến tri thức"). Điều Bacon muốn trước tiên là một chế độ tiểu điền chủ gồm những tá điền sở hữu ruộng đất; rồi một giai cấp quý tộc để cầm quyền hành chánh, và trên hết là một vị quốc vương vừa là triết gia". Hầu như không có trường hợp nào trong đó một nền cai trị không được phồn thịnh dưới những nhà cầm quyền uyên bác" (ibid). Bacon kể đến Seneca, Antonius Pius và Aurelius; hy vọng của ông là hậu thế sẽ cộng thêm tên mình vào số đó.
4. CUỘC TÁI TẠO VĨ ĐẠI:
Vô tình, giữa lúc đang vênh vang chiến thắng, tâm hồn Bacon quay về với triết học. Triết học đã là vú nuôi của ông vào thời niên thiếu, đang là người bạn của ông ở văn phòng và sẽ là nguồn an ủi cho ông trong cảnh ngục tù thất thế. Ông than cho triết học, theo ông nghĩ, đã bị mang tiếng xấu, và quy lỗi cho nền học kinh viện cằn cỗi. "Người ta rất dễ khinh miệt chân lý vì những cuộc tranh luận nêu lên về nó, và có khuynh hướng nghĩ rằng những người không bao giờ gặp nhau đều đi lầm đường" (Ibid). "Những ngành khoa học...gần như bị ngưng trệ không tăng thêm kiến thức nào xứng đáng với giống người;... và mọi truyền thống kế tục của các trường học vẫn còn là một chuỗi kế tục những học giả mà không có nhà phát minh... Hiện nay những gì được thực hiện về khoa học chỉ là sự thảo luận xoay tròn bất tuyệt". Suốt những năm đời ông đang lên hương, Bacon luôn trầm tư về việc phục hưng hay tái tạo triết học; "Meditor Instaurationan philosophiae" (trong Redargutio Philosophiarum). Ông dự định tập trung mọi nghiên cứu vào công việc này. Trước tiên, ông bảo chúng ta trong bài tiểu luận "Chương trình công việc", ông sẽ viết một vài bài Luận thuyết dẫn nhập, giải thích sự ngưng trệ của triết học vì đã cố chấp vào những phương pháp xưa cũ, chết cóng, và vạch sơ lược những đề nghị một khởi công mới mẻ. Thứ hai, ông sẽ cố gắng phân loại các ngành khoa học lại, định cho chúng những nguyên liệu của chúng, và kê ra những vấn đề chưa được giải quyết trong mỗi ngành. Thứ ba, ông sẽ mô tả phương pháp mới của ông để Giải thích thiên nhiên. Thứ tư, ông sẽ cố bắt tay vào môn vạn vật học thực thụ, tìm hiểu những Hiện tượng thiên nhiên. Thứ năm, ông sẽ chỉ rõ Chiếc thang tri thức nhờ nó các nhà trứ tác trong quá khứ đã leo lên những chân lý mà bây giờ đang ra khỏi bối cảnh rườm rà của thời trung cổ để dần dần thành hình. Thứ sáu, ông sẽ cố Tiên đoán những kết quả khoa học mà ông tin sẽ có nhờ sử dụng phương pháp của ông: Và cuối cùng, như một ngành Triết học thứ yếu (hay ứng dụng), ông sẽ vẽ ra một xã hội lý tưởng bừng nở từ tất cả nền tri thức đang đâm chồi này mà ông hy vọng mình sẽ là người báo trước. Tất cả các điều nói trên lập thành tác phẩm Magna Instauratio, sự tái tạo vĩ đại của triết học °)
[° Bảy tác phẩm trên của Bacon mang nhan đề như sau:
1. De Interpretatione Naturae Proemium - Dẫn nhập việc giải thích thiên nhiên, 1603 -; Redargutio Philosophiarum -Phê bình các ngành triết học, 1609-.
2. The Advancement of Learning, 1603 -được dịch ra La-tinh dưới nhan đề De Augmentis Scientiarum, 1622)
3. Cogitata et Visa (Những điều nghĩ và thấy, 1607); Filum Labỷinthi (Sợi chỉ và mê lộ, 1606); Novum Organum (Dụng cụ mới, 1608-20).
4. Historia Naturalis (Vạn vật học, 1622); Descriptio Globi Interlectualis (Mô tả quả cầu tri thức; 1612).
5. Sylva Sylvarum (Rừng của rừng, 1624)
6. De Principils (Về căn nguyên, 1621).
7. The New Atlantis (Đảo thần thoại mới, 1624).
Tất cả, trừ The Advancement of Learning và The New Atlantis, đều được viết bằng tiếng La-tinh, 2 quyển này Bacon và người cộng sự dịch ra La ngữ để người Âu châu đọc.]
Thật là một công trình vĩ đại, và trừ Aristote, chưa ai từng làm trong lịch sử tư tưởng. Nó sẽ khác mọi nền triết học khác ở chỗ nhắm thực hành hơn lý thuyết, ở những vật liệu cụ thể đặc thù hơn là ở tính cách cân đối trừu tượng. Tri thức là năng lực chớ không chỉ là lý luận suông hay vật để trang hoàng; "Đấy không phải là một quan niệm để giữ... mà là một công việc để làm, và tôi... ra công đặt nền móng không phải cho một học phái hay chủ thuyết nào, mà cho sự ích dụng và năng lực" (Tựa cuốn Tái tạo vĩ đại). Lần đầu tiên đấy là tiếng nói và giọng điệu của khoa học tân thời.
4.1. Tăng tiến tri thức:
Muốn tạo ra những công trình, người ta phải có tri thức. "Không thể điều khiển được thiên nhiên nếu không làm cho nó vâng phục" (Chương trình công việc). Chúng ta cứ học những định luật của thiên nhiên thì tự khắc sẽ làm chủ được nó. Khoa học là con đường đưa đến xã hội vàng son. Nhưng chao ôi là con đường này mới tệ làm sao - ngoằn ngoèo, tối tăm, đôi khi quay trở lại mất hút vào trong những nẻo phụ vô ích, không đưa đến ánh sáng mà đến sự hỗn độn. Bởi thế chúng ta hãy khởi sự bằng cách xét qua tình trạng của các khoa học và vạch ra cho chúng những địa hạt riêng biệt thích đáng, ta hãy "định vị trí chính xác cho những khoa học đúng chỗ của chúng" ; cứu xét những khuyết điểm của chúng; chỉ rõ những vấn đề mới đang chờ đợi ánh sáng của chúng và nói chung "mở ra và khuấy động trái đất một chút".
Đấy là công việc Bacon tự đặt cho mình trong Tăng tiến tri thức. "Như một vị vua đi vào cung điện, ông tuyên bố: "Ý định của tôi là đi một vòng quanh địa hạt tri thức, xem những phần nào bị bỏ hoang không được sự vun trồng chăm bón của con người; với mục đích sử dụng năng lực của những người công và tư để cải thiện chúng, sau khi vạch cho họ thấy những khoảng trống tri thức kia" Bacon sẽ làm vị chúa tể xem xét mảnh đất ngập cỏ sửa lại đường sá cho ngay thẳng và chia những mảnh đồng cho những người làm lụng. Đấy là một kế hoạch táo bạo đến độ trân tráo; song Bacon vẫn còn trẻ (tuổi 42 nơi một triết gia vẫn còn xuân lắm) để vạch chương trình cho những cuộc du hành vĩ đại. Ông viết cho Bunghley năm 1592: "Tôi xem tất cả lãnh vực tri thức đều là địa hạt của tôi", không có nghĩa ông sẽ trở thành một ấn bản sớm của bộ Bách Khoa Anh, mà chỉ ngụ ý rằng công việc ông ta làm sẽ đưa ông vào trong mọi ngành với tư cách phê bình gia và người phối hợp công việc tái tạo xã hội; chính sự vĩ đại của ý định ấy khiến lời văn ông nghe thật nguy nga đường bệ, và thỉnh thoảng đưa ông đến tột đỉnh của tản văn Anh.
Thế là Bacon đi quan sát khắp bãi chiến trường rộng lớn trong đó cuộc nghiên tầm của con người tranh đấu với trở ngại thiên nhiên và sự ngu dốt của loài người; trong mọi lãnh vực ông đều gieo rắc ánh sáng. Ông xem sinh lý học và y học có tầm quan trọng lớn lao; ông tán dương y học là sửa chữa được "một nhạc cụ tuyệt xảo, tinh vi song quá dễ dàng lạc điệu. Ông phản đối cách chữa trị cổ truyền nhu nhược của những y sĩ đương thời, và khuynh hướng chữa mọi bệnh thống bằng cùng một phái thuốc thường là y dược. Họ ỷ lại quá nhiều vào kinh nghiệm cá nhân tình cờ, không hệ thống. Họ cần phải thí nghiệm rộng rãi hơn, phải dùng tỉ giảo giải phẫu để làm sáng tỏ sự giải phẫu sinh thể, và trên tất cả, họ phải ghi lại một cách dễ hiểu thành tích những cuộc thí nghiệm và kết quả để người ta có thể đến xem được. Bacon tin rằng nên cho phép y sĩ giúp người bệnh chết một cách dễ dàng mau chóng (đánh thuốc mê khi hấp hối) khi mạng sống chỉ kéo dài một vài ngày mà con bệnh phải vô cùng đau đớn; nhưng ông cũng khuyên các y sĩ nên để tâm nghiên cứu nhiều hơn về cách kéo dài đời sống. "Đây là nhiệm vụ mới mẻ mà y khoa còn thiếu sót, mặc dù đấy là nhiệm vụ cao quý nhất. Vì nếu y học có thể làm việc ấy, nó sẽ không còn hoàn toàn chỉ chuyên về những lối chữa trị hạ cấp và những y sĩ cũng không còn chỉ được người ta trọng vọng khi cần đến, mà sẽ là những người ban bố những hạnh phúc trần gian lớn nhất cho nhân loại". Ở đây một đồ đệ Schopenhauer có thể cãi lại giả thuyết cho rằng sự sống dai là một hạnh phúc, và nghĩ trái lại rằng sự chấm dứt mau lẹ những cơn bệnh hoạn là một công trình đáng ca ngợi nơi các y sĩ. Nhưng Bacon, mặc dù có đầy những lo âu, có vợ và bị phiền hà, vẫn không bao giờ nghi ngờ rằng cuộc đời chung quy vẫn là một cái gì rất tốt đẹp.
Về tâm lý học, Bacon hầu như theo thuyết "tâm cử": ông đòi hỏi phải có sự quan sát kỹ nhân và quả trong hành động con người, và muốn loại bỏ danh từ tình cờ ra khỏi ngữ vựng khoa học. "Tình cờ là tên của một vật không hiện hữu". Và "cái mà trong vũ trụ gọi là tình cờ thì ở nơi con người chính là ý chí" (Giải thích thiên nhiên). Đây trong một dòng chữ nhỏ có cả một vũ trụ ý nghĩa, và một thách thức chiến tranh: lý thuyết kinh viện về ý chí tự do bị gạt ra ngoài xem như không đáng bàn tới; và giả định chung về một "ý chí" phân biệt với "tri thức" cũng bị bác bỏ. Đây là những dây dọi mà Bacon không theo; và trường hợp này không phải duy nhất trong đó ông đặt cả một cuốn sách vào một câu rồi vui vẻ cho qua.
Lại trong một vài tiếng khác, Bacon phát minh một khoa học mới -tâm lý xã hội- "Những triết gia cần khảo sát sâu xa những sức mạnh và năng lực của thói quen, sự tập luyện giáo dục, gương mẫu, sự mô phỏng, sự cạnh tranh, tình bằng hữu, lời khen, sự chỉ trích, sự cổ võ, tiếng tăm, luật lệ, sách vở, những sự học hỏi v.v.; vì đấy là những gì ngự trị trong tinh thần con người; tâm thức được thành hình và khắc phục bởi những yếu tố này°" (° Những yếu tố được Spinoza khai triển trong cuốn Đạo đức học!). Những nét đại cương này đã được một ngành khoa học mới, khoa tâm lý xã hội, tuân theo chặt chẽ đến nỗi nó gần như một bảng mục lục cho các tác phẩm của Tarde, Le Bon, Ross, Walias và Durkheim.
Không có gì ở dưới khoa học, cũng không có gì ở trên nó, thuật phù thuỷ, mộng mị, bói toán, thần giao cách cảm, những "hiện tượng tâm linh" nói chung, đều phải được cứu xét một cách khoa học; "vì ta không biết được trong trường hợp nào và đến mức độ nào, những hậu quả ta cho là mê tín thật sự có những nguyên nhân tự nhiên" (Tăng tiến tri thức). Mặc dù có khuynh hướng tự nhiên học mạnh mẽ, Bacon vẫn cảm thấy sức cám dỗ của những vấn đề này; không có gì thuộc con người lại xa lạ với ông. Biết đâu không có chân lý bất ngờ, khoa học mới mẻ phát sinh từ những cuộc tìm kiếm này, như hoá học đã nẩy mầm từ thuật luyện kim (giả kim?). "Thuật luyện (giả) kim có thể ví với người đàn ông bảo con trai mình rằng ông ta đã để lại vàng, chôn ở một nơi nào đó trong vườn nho; ở đây khi những người con đào lên thì chẳng thấy vàng đâu cả, song khi lật mô đất quanh những gốc nho nên họ đã được một mùa nho sung mãn. Cũng thế, cuộc tìm kiếm và những nỗ lực để chế tạo vàng ròng đã đưa ra ánh sáng nhiều phát minh ích lợi và nhiều kinh nghiệm quý báu". (TTTT).
Lại một ngành khoa học khác thành hình trong cuốn VIII: khoa học về thành công trong đời sống. Khi quyền lực chưa xuống, Bacon đưa ra vài chỉ dẫn mở đầu dạy cách làm thế nào để tiến thân trong đời. Điều kiện trước tiên là tri thức: biết mình và biết người, Gnothe seauton chỉ mới là một nửa; tự biết mình có giá trị chính yếu ở chỗ nó là một phương tiện để biết người. Chúng ta cần "nỗ lực tìm hiểu về những người mà ta phải tiếp xúc - tính tình, ước muốn quan niệm, tập tục, thói quen của họ; những sự giúp đỡ, những bảo đảm mà họ thường nương vào nhiều nhất, tìm hiểu do đâu họ có uy quyền; những khuyết điềm và chỗ yếu của họ, chỗ mà họ dễ thổ lộ can tràng nhất và làm ta dễ đến gần họ nhất; tìm hiểu bạn hữu họ, những đảng phái, những người bảo trợ của họ, người người tuỳ thuộc vào họ, những kẻ thù, những kẻ ganh tị họ, những kình địch của họ; tìm hiểu những lúc nào có thể gần họ và cách nào... Song chìa khoá bảo đảm nhất để mở lòng kẻ khác vẫn là tìm tòi nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc tính khí bản chất họ hoặc mục tiêu dự định của họ... Cách ngắn nhất để đạt đến toàn thể sự truy tầm này dựa trên 3 đặc điểm: 1. Kết bạn thật nhiều, 2. Giữ một trung đạo dè dặt, một sự điều độ giữa nói năng tha hồ và im lặng. Nhưng trên tất cả, không gì giúp cho sự biểu lộ bản ngã con người và bảo đảm quyền lợi của mình hơn là đừng tự "tước khí giới" bằng sự dịu ngọt và vui tính quá độ, một điều dễ làm cho ta gặp nhiều tổn thương và trách cứ; tốt hơn... thỉnh thoảng nên loé ra một vài tia sáng, biểu lộ một tâm thức phóng khoáng tự do, những tia sáng có lẫn nọc châm cũng như mật ngọt".
Bạn hữu đối với Bacon chính yếu là một phương tiện để tiến thân; ông chia sẻ với Mathiavel một quan niệm mà ta dễ dàng gán cho thời Phục hưng nếu không nghĩ đến tình bạn vô vị lợi tốt đẹp giữa Michaelangelo và Cavalleri Montaigne và La Boetie, Sir Philip Sidney và Hubert Languec. Có lẽ chính sự đánh giá tình bạn một cách quá thực tế này đã giúp người ta dễ giải chích sự hết thời của Bacon, cũng như quan điểm tương tự giúp người ta dễ giải thích sự suy tàn của Napoléon; vì bạn bè của một người - trong mối tương giao với người ấy - không mấy khi thực hành một triết lý cao siêu hơn cái triết lý mà y theo trong khi cư xử với họ. Bacon tiếp tục trích dẫn Bias, một trong bảy hiền triết cổ Hy Lạp: "Hãy yêu mến bạn anh như thể y sẽ trở thành kẻ thù, và yêu mến kẻ thù như thể y sẽ thành bạn" (TTTT, VIII, 2). Đừng thổ lộ ngay cả với bạn hữu biết quá nhiều ý định và tư tưởng đích thực của mình, trong khi đàm thoại, nên hỏi nhiều hơn trình bày quan niệm; và khi nói thì nên đưa ra những dữ kiện và tin tức hơn là những tin tưởng và phán đoán (Tiểu luận "Về sự giả vờ" và "Về cách nói năng"). Tính kiêu hãnh lộ liễu giúp cho sự tiến thân; và "thói vênh vang tự đắc là một lỗi lầm thuộc lãnh vực đạo đức hơn là chính trị " (TTTT, VIII, 2). Ở đây cũng nhắc chúng ta nhớ đến Napoléon; cũng như Napoléon, Bacon là một con người ở trong nhà thì khá bình dị, song ra ngoài lại làm ra một bộ điệu trịnh trọng phô trương mà ông ta nghĩ rất cần cho uy tín đối với công chúng.
Cứ thế Bacon đi từ địa hạt này sang địa hạt khác, gieo hạt giống tư tưởng ông vào trong mọi ngành khoa học. Ở chặng cuối cuộc khảo sát ông đi đến kết luận rằng khoa học chỉ mình nó không đủ: phải có một sức mạnh, một kỹ luật ngoài địa hạt các khoa học để phối hợp chúng và chỉ chúng đến mục đích. "Có một nguyên nhân lớn và mạnh khác cho ta biết tại sao các ngành khoa học chỉ bước những bước tiến nhỏ nhoi, và nguyên nhân ấy là thế này. Không thể nào chạy một đường đua thực sự khi chính đích đến chưa được định sẵn". Cái mà khoa học cần chính là triết học, sự phân tích phương pháp khoa học, và phối hợp những mục đích và kết quả của khoa học, thiếu điều này thì mọi ngành khoa học phải thành ra nông cạn. "Vì cũng như ta không thể nào có một cái nhìn toàn miền khi đứng trên đất bằng, ta cũng không thể khám phá những phần sâu xa nhất của bất cứ khoa học nào nếu chỉ đứng ngang mức độ của khoa học ấy, không tiến lên cao hơn". Bacon lên án thói quen nhìn vào những dữ kiện riêng rẽ tách khỏi toàn khối, không xét đến sự nhất thể; ông bảo việc ấy chẳng khác nào mang một cây đèn nhỏ đi khắp các góc phòng rạng rỡ ánh sáng.
Triết học chứ không phải khoa học, cuối cùng vẫn là mục đích yêu dấu của Bacon. Chỉ có triết học mới có thể đem lại cho một cuộc đời đầy sóng gió đau thương cái niềm bình an tráng lệ phát sinh từ tri thức. "Sự học khuất phục được hay ít nhất giảm bớt nỗi sợ hãi về cái chết và số phận ngang trái". Ông trích dẫn những dòng thơ của Virgil:
Felix qui potuit rerum cognosere causas,
Quique metus omnes, et inexorabile fatum
Subjecit pedibus, strepitumque Acherontis avari.
"Sung sướng thay con người đã học được nguyên nhân mọi sự, và đã để dướichân mình mọi sợ hãi, định mệnh tàn khốc và cuộc cạnh tranh huyên náo của địa ngục tham lam".
Có lẽ kết quả tốt đẹp nhất của triết học là nhờ nó mà chúng ta trút bỏ được bài học về sự tạo mãi liên miên mà bối cảnh kỹ nghệ không ngừng nhồi vào đầu ta. "Triết học hướng dẫn chúng ta trước hết là để tìm của cải của tâm thức, kỳ dư hoặc chúng ta sẽ được cung cấp, hoặc chúng ta không cần đến chúng bao nhiêu". Một chút minh triết bao giờ cũng là một niềm vui vĩnh cửu.
Chính trị hệt như khoa học, cũng khổ vì thiếu triết lý. Triết học đối với khoa học cũng có cùng mối liên hệ như chính khách với chính trị: hoạt động được hướng dẫn bởi sự biết và thấy toàn diện ngược hẳn với sự tìm tòi riêng rẽ không mục đích. Cũng như sự theo đuổi tri thức sẽ trở thành lối học kinh viện nếu tách rời những nhu cầu thực tiễn của con người và cuộc sống, sự theo đuổi chính trị cũng sẽ trở thành điên rồ phá hoại nếu tách khỏi khoa học và triết lý. "Thật sai lầm khi giao phó thân thể cho những lang băm thông thường chỉ dựa vào một ít toa thuốc có sẵn, mà không biết gì về nguyên nhân bệnh, cũng không biết cơ thể của bệnh nhân, hay mối nguy của những triệu chứng tình cờ, lại cũng chẳng biết phương pháp chữa trị đích thực ra sao. Cũng như vậy nhất định sẽ nguy hiểm khi giao việc điều hành cơ thể quốc gia cho một bọn chính khách "gia truyền", trừ phi có xen lẫn với những người căn bản học thức vững vàng... Mặc dù nghe ra có vẻ bênh vực nghề mình khi có người bảo: "Các quốc gia sẽ có hạnh phúc nếu những vị vua ấy đều là triết gia hoặc các triết gia được làm vua", tuy nhiên kinh nghiệm đã chứng minh điều này quá rõ, là những thời đại vàng son nhất thường đã ở dưới sự cai trị của những vị quân vương minh triết uyên thâm". Và ông nhắc ta nhớ đến những vị đại đế trị vì La Mã sau Domitian và trước Comodus.
Cứ thế, Bacon, như Platon và tất cả chúng ta, tán dương sở trường của mình, và đề nghị hãy xem nó là phương cứu nhân độ thế. Nhưng ông cũng công nhận, minh bạch hơn Platon nhiều ( và sự khác biệt này báo hiệu thời đại tân tiến), cái cần thiết của khoa học chuyên môn, và của đạo binh sưu tầm về các ngành chuyên biệt. Không một tri thức nào kể cả tri thức của Bacon, đủ sức bao quát toàn lãnh vực, dù cho ông ta có nhìn từ đỉnh núi Olymp đi nữa. Ông biết ông cần sự giúp đỡ, và cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn của mình trong bầu không khí đỉnh núi của một công cuộc khó khăn không người giúp sức. Ông hỏi một người bạn: " Anh có những bạn bè nào giúp anh trong công việc? Về phần tôi, tôi hoàn toàn cô đơn" (Trong Nichol, ii, 4). Ông mơ ước đến việc phối trí các nhà khoa học trong việc chuyên môn hoá, thường xuyên hợp tác liên lạc với nhau và phối hợp họ lại trong một mục đích chung bằng một tổ chức vĩ đại. "Hãy xét xem những gì ta có thể chờ đợi từ nơi những người vô cùng nhàn rỗi, từ hiệp hội thợ thuyền, từ những thời đại tiếp nối nhau; nhất là khi đấy không phải là một con đường trên đó mỗi lần chỉ có thể cho một người đi qua (như trường hợp con đường lý luận), mà là một con đường trong đó những nhân công và kỹ nghệ của con người (nhất là về việc thu thập kinh nghiệm ) có thể, nếu cố gắng, tập trung và phân phối rồi kết hợp. Vì chỉ có khi ấy con người mới bắt đầu biết được sức mạnh của họ khi thay vì số đông cùng làm một việc, mỗi người sẽ phụ trách một việc khác nhau" (New Organon, i, 123). Khoa học, vốn là sự tổ chức tri thức thành hệ thống, chính nó cũng cần được tổ chức.
Và sự tổ chức ấy phải có tính cách quốc tế, cứ để cho nó tự do vượt các biên giới thì không bao giờ nó sẽ làm Âu châu trở thành một khối trên phương diện tri thức. "Điểm thiếu sót thứ hai tôi tìm thấy là liên hệ quá ít ỏi và không mấy tốt đẹp giữa các trường đại học khắp Âu châu, cũng như ở trong cùng một tiểu bang và vương quốc". Hãy để cho tất cả những đại học này chia nhau những đề tài và vấn đề, rồi hợp tác trong việc sưu tầm và xuất bản. Khi được tổ chức và liên kết như vậy, những đại học có thể được sự nâng đỡ của vua chúa để trở thành như vai trò của chúng trong xã hội lý tưởng - những trung tâm học giả vô tư điều khiển thế giới. Bacon chú ý đến "lương bổng kém cỏi dành cho những người giảng dạy, trong ngành khoa học cũng như trong mỹ nghệ" (TTTT); và ông có cảm tưởng tình trạng này sẽ cứ tiếp tục nếu chính quyền không chịu đảm trách công việc giáo dục lớn lao. Những nhà minh triết vào những thời đại vàng son xa xưa thường phàn nàn rằng chính quyền luôn bận rộn với luật pháp mà quá sơ xuất về việc giáo dục". Giấc mộng lớn của Bacon là sự xã-hội-hoá khoa học để chinh phục thiên nhiên và mở rộng quyền năng con người.
Bởi thế ông kêu lên vua James I, dốc hết những lời ca ngợi mà ông biết đức vua rất khoái thưởng thức. James vừa là một học giả vừa là một vị đế vương kiêu hãnh về ngòi bút của ông hơn về cây quyền trượng và chuôi gươm; ta có thể hy vọng từ nơi một vì vua uyên bác văn tài như thế. Bacon bảo vua James rằng những kế hoạch ông vừa phát họa "rõ là công việc của đế vương mà những nỗ lực của một người không thể làm gì hơn một cái bóng trên ngả ba đường, chỉ có thể chỉ lối đi chứ không thể đi được". Dĩ nhiên những công trình đế vương này sẽ tốn nhiều tiền; nhưng "cũng như những thư ký và gián điệp của các quân vương và các quốc gia đệ lên những phiếu trả tiền cho các tin tức thâu lượm được, thì Ngài cũng phải cho phép những gián điệp và kẻ săn tin về thiên nhiên đệ lên Ngài những biên lai của họ nếu Ngài không muốn bỏ qua nhiều điều đáng được biết đến. Và nếu Alexandre đã dành một kho tàng lớn theo lệnh Aristote để nâng đỡ những người săn thú, bắt chim, câu cá v.v.... thì những kẻ mở ra những mê lộ của thiên nhiên lại còn cần đến lòng từ thiện ấy biết bao nhiêu nữa". Với sự viện trợ của hoàng đế như vậy, công việc Tái tạo vĩ đại chẳng bao lâu sẽ được hoàn tất; nếu không nó phải đợi đến hằng mấy thế hệ mới xong.
Cái điều mới mẻ trong Bacon là, với sự đoan quyết hoàn toàn, ông đoán trước việc con người sẽ chinh phục thiên nhiên: "Tôi dám cá tất cả rằng nghệ thuật sẽ thắng thiên nhiên trong cuộc chạy đua". Những gì con người đã làm "chỉ là một sự báo trước những gì họ sẽ hoàn tất". Nhưng tại sao có niềm hy vọng lớn lao đó? Há người ta đã chẳng đi tìm chân lý và thám hiểm các con đường của khoa học từ hai ngàn năm nay rồi sao? Tại sao bây giờ ta lại hy vọng đến một thành công lớn lao như vậy trong khi khoảng thời gian dài lâu ấy chỉ đem lại một kết quả nhỏ nhoi? - Vâng, Bacon trả lời; nhưng nếu những phương pháp con người đã sử dụng đều sai lạc vô ích thì sao? Nếu họ đã đi lạc đường, và cuộc nghiên tầm đã rơi vào những nẻo phụ không đưa đến đâu? Chúng ta cần một cuộc cách mạng tàn bạo trong các phương pháp nghiên cứu và suy tư, trong hệ thống khoa học và luận lý; chúng ta cần một khí cụ mới tốt hơn của Aristote thích hợp cho thế giới lớn rộng này.
Và Bacon cống hiến cho ta cuốn sách vĩ đại của ông.
4.2. Khí cụ mới
Macaulay, người phê bình ông gắt gao nhất, bảo: "Sự hoàn thành vĩ đại nhất của Bacon là cuốn đầu tiên của Novum Organum". Chưa ai từng làm cho luận lý linh động bằng ông biến sự quy nạp trở thành một cuộc phiêu lưu tráng lệ, một cuộc chinh phục. Ai muốn nghiên cứu luận lý, hãy khởi sự bằng cuốn sách này. "Cái gì rất khó chịu đối với thị hiếu của nhiều người không khác gì một cái lưới, cái bẫy đầy những mánh lới gai gốc...". Song nếu ta định đúng giá trị mọi sự, thì khoa học thuần lý là chìa khoá cho mọi khoa học khác (TTTT, v.I).
Mảnh đất triết học đã hết mầu mỡ từ lâu, Bacon bảo, bởi vì nó cần một phương pháp mới để phì nhiêu trở lại. Lỗi lầm trọng đại của những triết gia Hy Lạp là đã dùng quá nhiều thì giờ vào lý thuyết mà quá ít vào sự quan sát. Nhưng tư tưởng phải giúp cho việc quan sát chứ không thể thay thế nó. "Con người, với tư cách là kẻ điều khiển và giải thích thiên nhiên, hành động và hiểu biết tuỳ theo sự quan sát của y về trật tự thiên nhiên... cho phép y; y không biết gì hơn và cũng không thể làm gì hơn. Những người đi trước Socrate sáng suốt hơn hậu bối của ông về vấn đề này; đặc biệt Démocrite có một lỗ mũi rất thính để đánh hơi những dữ kiện hơn là một con mắt để mơ màng những đám mây. Thảo nào mà triết học đã tiến rất ít từ sau Aristote; vì đã sử dụng phương pháp của Aristote. "Dùng ánh sáng của Aristote để đi xa hơn Aristote chẳng khác nào nghĩ rằng một ánh lửa thắp nhờ có thể làm tăng ánh sáng từ đấy nó được rút ra". (Valerium Terminus). Bây giờ, sau hai ngàn năm chẻ tách luận lý bằng cái máy do Aristote phát minh, triết học đã rơi xuống quá thấp đến độ không còn ai muốn nghiêng mình kính trọng. Tất cả những lý thuyết trung cổ này, những định lý và tranh luận, cần phải loại bỏ và quên đi; muốn đổi mới triết học, ta cần bắt đầu lại với một bảng đá sạch sẽ và một khối óc đã gột sạch.
Bởi thế, bước đầu tiên là việc san trừ của tri thức. Chúng ta phải trở thành như những trẻ nhỏ không biết gì đến "isme" và những thói trừu tượng, gột rửa hết thành kiến và tiền niệm. Chúng ta phải phá huỷ những Thần tượng của tri thức.
Một thần tượng, theo Bacon dùng danh từ này (có lẽ phản ảnh sự chối bỏ của Thệ phản giáo đối với việc thờ phụng hình ảnh) là một hình ảnh bị lầm cho là thật, một ý tưởng bị lầm là sự vật. Những lỗi lầm ấy đều từ ấy mà phát sinh; và vấn đề trước tiên của luận lý là theo dấu để ngăn chận những ngọn nguồn của những lỗi lầm ấy. Bacon tiến đến một sự phân tích thời danh về những sai lầm. Condillac bảo: " không ai biết rõ hơn Bacon về những nguyên nhân của lỗi lầm con người".
Những lầm lỗi trước hết là những Thần tượng của Bộ tộc - những sai lầm tự nhiên của nhân loại nói chung. "Vì cảm thức của con người đã được xác quyết một cách sai lầm rằng nó là mẫu mực của mọi sự (do câu của Protagoras: "Con người là thước đo vạn vật"), nhưng trái lại, mọi nhận thức của giác quan cũng như tâm ý đều cho ta biết về con người chứ không phải về vũ trụ; và tâm thức con người giống như những tấm gương méo mó san sẻ những đặc tính của chúng cho đối vật, làm cho nó cong quẹo và xấu xí" (Novum Organum, I., 41). Những tư tưởng của chúng ta là những hình ảnh của chính chúng ta hơn là của đối tượng tư tưởng. Chẳng hạn, "tri thức con người, tự bản chất lạ lùng của nó, dễ dàng gán cho sự vật một mức độ trật tự, và đều đặn lớn hơn mức độ nó thực sự nhìn thấy... Đó là nguyên nhân cái ảo tưởng rằng mọi thiên thể chuyển động theo những vòng tròn hoàn toàn (Ibid., p. 45) và "tri thức con người, mỗi khi một mệnh đề nào đó đã được đặt ra (hoặc do mọi người chấp nhận và tin tưởng hoặc vì thích đặt) thì nó luôn luôn cố cưỡng bức mọi sự việc khác gia tăng bênh vực và xác định cho nó, mặc dù có thể có nhiều ví dụ mạnh mẽ dồi dào để chứng minh ngược lại, song tri thức ấy cứ vẫn, hoặc là không quan sát, hoặc khinh thường chúng, hoặc xua đuổi loại trừ chúng bằng cách nêu lên một sự phân biệt với thành kiến tai hại, còn hơn là chịu cho những kết luận ban đầu của mình là sai. Macédoine người được chỉ cho xem trong nhà thờ những bảng tạ ơn được treo lên bởi những người đã thoát khỏi nạn đắm tàu, và khi người ta hỏi dồn y đã chịu công nhận quyền năng của thần linh chưa, thì y trả lời rất hợp lý như sau: Những đâu là chân dung những người đã chết mặc dù vẫn cầu nguyện?". Mọi sự mê tín đều như vậy, dù là thiên văn, mộng mị, điềm triệu, những lời trù rủi, hay tương tự, trong tất cả những điều ấy, những người tin tưởng bị đánh lừa quan sát những biến cố đã nghiệm đúng, nhưng đã bỏ quên, lướt qua những gì không nghiệm đúng mặc dù thông thường hơn" (Ibid., 1, 63).
"Sau khi đã xác định vấn đề tuỳ theo ý muốn của y, con người mới nhờ đến kinh nghiệm và uốn cong nó cho phù hợp với ý muốn ấy lôi nó đi khắp như một kẻ bị bắt đưa đi bêu" (Ibid., p. 63). Tóm lại, tri thức con người không phải là một ánh sáng khô khan mà có sự pha chế của ý chí và tình cảm từ đấy mới phát sinh khoa học mà ta có thể gọi là "khoa học như người ta muốn...". Bởi vì cái gì một người muốn cho nó đúng, thì y sẵn sàng tin nó hơn" (Ibid., 1, 49). Không phải thế sao?
Ở điểm này, Bacon đưa ra một lời khuyên vàng ngọc "Tựu trung mọi người khảo sát thiên nhiên cần dùng lời sau đây làm định luật, ấy là bất cứ gì tâm thức y nắm được mà đeo đẳng với sự hài lòng kỳ lạ, thì đều phải nên nghi ngờ; và càng nên cẩn thận trong lúc xét những vấn đề ấy để giữ trí tuệ thăng bằng và sáng suốt". (Ibid., 1, 58). "Không nên để cho tri thức nhảy lên và bay cao khỏi những chi tiết đến những định lý xa xôi và có tính cách quy nạp gần cao độ;... Không nên chắp cho nó những đôi cánh, mà nên treo vào nó những sức nặng để giữ cho nó khỏi nhảy và bay (Ibid., 1, 104). Trí tưởng tượng có lẽ là kẻ thù lớn nhất của tri thức, trong khi đáng lẽ nó chỉ là một cuộc thí nghiệm dò thử cho tri thức.
Một loại lầm lạc thứ hai, -Bacon gọi là Thần tượng của cái hang- những lầm lạc đặc biệt cho cá nhân. "Vì mọi người... đều có một cái hang, sào huyệt riêng, phản xạ và làm phai màu ánh sáng tự nhiên; đấy là tính khí của y theo như thiên nhiên và sự nuôi dạy đã un đúc, tùy thuộc vào trạng thái hay điều kiện của cơ thể và tinh thần của y. Một vài tâm thức, chẳng hạn, tự cơ cấu đã có khuynh hướng phân tích, đâu đâu cũng thấy sự sai biệt, một vài tâm thức khác lại có cơ cấu tổng hợp và chỉ thấy sự giống nhau; bởi thế một đằng chúng ta có nhà khoa học và hoạ sĩ, một đằng nhà thơ và triết gia. Lại nữa, "một vài thiên tính biểu lộ một lòng hâm mộ vô bờ đối với những gì cổ kính, trong khi những thiên tính khác lại hăm hở theo mới; chỉ có một ít người có thể giữ trung đạo, không bỏ những gi người thời xưa đã thiết lập đúng, cũng không khinh miệt những phát minh chính đáng của người thời nay" (Ibid., 1, 56). Chân lý vốn không bè phái.
Thứ ba là Thần tượng của thị trường, phát sinh "từ sự mậu dịch và liên kết giữa người với người. Bởi vì người ta nói chuyện với nhau nhờ ngôn ngữ, nhưng những danh từ được đặt ra tuỳ theo sự hiểu biết của đám đông; và từ sự tạo lập danh từ bừa bãi không thích đáng đã phát minh ra một cuộc ngăn cản tâm thức một cách lạ lùng" (Ibid., i, 43). Như triết gia "cho ra" những khái niệm về vô hạn với một sự đoan quyết cẩu thả; không ai biết cái vô hạn ấy là gì, nó có hiện hữu hay không? Các triết gia nói về "nguyên nhân đầu tiên không nguyên nhân" hay "cái chuyển động đầu tiên bất động"; song há chẳng phải đây cũng lại là những chiếc lá đa dùng để che đậy sự ngu dốt trần truồng, và có lẽ chứng tỏ một ý thức tội lỗi trong người sử dụng nó? Bất cứ cái đầu minh mẫn lương thiện nào cũng biết rằng không một nguyên nhân nào lại có thể không do nhân sinh, hay một chuyển động nào lại bất động. Có lẽ sự tái tạo vĩ đại nhất trong triết học chỉ giản dị có thế này: là ta phải tốp nói láo đi.
"Sau cùng, còn có những thần tượng đã di cư vào tâm thức con người từ những giáo điều của các triết gia, và từ những định luật sai lầm trong việc chứng minh. Tôi gọi những thứ này là Thần tượng của sân khấu, vì theo tôi, tất cả các hệ thống triết học sẵn có chẳng khác nào những vở tuồng sân khấu diễn tả những thế giới phát sinh từ tưởng tượng của các triết gia... Và trong những vở tuồng của sân khấu triết học này ta có thể thấy cùng một cảnh tượng như trong sân khấu của các thi sĩ, cảnh tượng theo đó những chuyện đặt cho sân khấu có vẻ mạch lạc, thanh lịch hơn sự thật lịch sử, vì chúng ta thích vậy hơn" (Ibid., i, 44). Cái thế giới mà Platon mô tả chỉ là một thế giới do ông tạo nên, nó là hình ảnh của Platon đúng hơn là của thế giới.
Chúng ta sẽ không bao giờ tiến xa trên đường đi đến chân lý nếu những thần tượng ấy cứ theo giật chân chúng ta lại luôn luôn. Chúng ta cần những kiểu suy luận mới, dụng cụ mới cho trí tuệ. "Cũng như những vùng bao la của Tây Ấn sẽ không bao giờ được khám phá khi ta chưa biết sử dụng địa bàn, thì cũng không lạ gì khi những phát minh và tiến bộ của mỹ nghệ đã không đi bước nào xa hơn. Vì nghệ thuật phát minh, khám phá của khoa học cho đến bây giờ vẫn chưa được biết đến" (TTTT,v.2). "Và dĩ nhiên thật sỉ nhục nếu trong khi những vùng địa cầu vật chất... vào thời đại chúng ta đã được mở rộng và vén màn, địa cầu tri thức lại cứ im ỉm trong bốn vách tường chật hẹp của những khám phá từ xưa" (Nov. org., p., 84).
Cuối cùng chúng ta kẹt vì giáo điều và diễn dịch; không tìm được chân lý mới vì xem một số mệnh đề khả kính nhưng khả nghi là khởi điểm chắc thật, và không bao giờ nghĩ đến chuyện đặt những ức đoán ấy được sự kiểm chứng của quan sát hay thí nghiệm. Bây giờ, "nếu một người bắt đầu với những xác tín, y sẽ kết thúc trong hoài nghi; song nếu y chịu khó bắt đầu bằng hoài nghi y sẽ kết thúc trong niềm xác tín" (than ôi điều này không hoàn toàn chắc chắn phải xảy ra). Đây là một ghi nhận chung trong thời son trẻ của triết học hiện đại, một phần tuyên ngôn độc lập của nó; Descartes cũng nói về nhu yếu của "hoài nghi có phương pháp" xem như điều kiện tiên quyết cho tư tưởng xác thực.
Bacon tiếp tục mô tả phương pháp nghiên tầm có khoa học: "chỉ còn lại những kinh nghiệm đơn thuần; mà ta sẽ gọi là ngẫu nhĩ nếu ta tìm kiếm nó...Phương pháp thí nghiệm chân chính là trước hết thắp ngọn nến (giả thiết) rồi nhờ ngọn nến mà chỉ ra con đường" (xếp đặt và định giới hạn cho cuộc thí nghiệm); khởi đầu với kinh nghiệm được sắp xếp và sử dụng đúng hợp, rồi từ đó rút ra định lý, rồi từ định lý lập ra những thí nghiệm mới khác" (Ibid., i, 82). Chúng ta phải đi thẳng vào thiên nhiên thay vì theo sách vở, truyền thuyết và thẩm quyền tri thức; chúng ta phải "tra hỏi thiên nhiên và bắt thiên nhiên phải làm chứng" ngay cả để chống lại chính nó, để chúng ta có thể điều khiển nó phục vụ cho cứu cánh của ta.
Chúng ta phải thâu nhận từ khắp mọi nơi một "khoa vạn vật học" của thế giới, dựng nên bởi sự hợp tác của các nhà khoa học Âu châu. Chúng ta phải dùng phương pháp quy nạp. Nhưng quy nạp không có nghĩa chỉ có việc kể ra tất cả những dữ kiện; điều này rõ là bất khả và vô ích; không một khối vật chất nào tự nó mà thôi có thể trở thành khoa học. Việc này không khác nào việc "đuổi một con thú giữa cánh đồng trống"; ta phải thu hẹp và rào mảnh đất lại để bắt con mồi. Phương pháp quy nạp phải gồm cả một kỹ thuật phân loại dữ kiện và loại trừ giả thuyết làm sao cho sau khi gạt bỏ lần lần những giải thích khả hữu, cuối cùng chỉ còn lại một. Có lẽ phần hữu dụng nhất trong kỹ thuật này là cái bảng "tăng hay giảm", kê khai những trường hợp trong đó hai đặc tính hay điều kiện tăng giảm cùng nhau, và bởi thế chứng tỏ một liên hệ nhân quả giữa những hiện tượng thay đổi đồng thời. Ví dụ khi hỏi hơi nóng là gì? Bacon tìm một yếu tố nào tăng giảm theo với mức tăng giảm của hơi nóng; ông tìm ra, sau một cuộc phân tích lâu dài, một tương quan chính xác giữa hơi nóng và chuyển động, và kết luận của ông theo đó "hơi nóng là một hình thức chuyển động" đã là một trong vài đóng góp đặc biệt của ông cho vạn vật học.
Nhờ sự tích luỹ và phân tích những dữ kiện chúng ta đi đến "hình thức" của hiện tượng ta khảo sát, đến bản chất bí mật và tinh thể sâu xa của nó. Thuyết về hình thức ở Bacon rất giống thuyết về ý tưởng trong Platon: ấy là một thuyết siêu hình về khoa học. "Khi chúng ta nói đến hình thức ta không muốn nói gì khác hơn là những định luật và sự điều hành của hoạt động đơn thuần đang sắp đặt và hợp thành bất cứ một bản chất đơn thuần nào... Hình thức của hơi nóng hay của ánh sáng, bởi thế, không có nghĩa gì khác hơn là định luật về hơi nóng và ánh sáng" (Ibid., ii, 13, 17) (Cũng với kiểu tương tự, Spinoza sẽ nói rằng định luật về hình tròn là thực chất của nó). "Bởi vì mặc dù trong thiên nhiên không có gì tồn tại ngoài những cá thể phô bày những hậu quả cá biệt rõ rệt tuỳ theo những luật riêng biệt; tuy thế trong mỗi ngành học, chính những định luật này -sự sưu tầm, phát minh và khai triển chúng- là nền tảng vừa của lý thuyết vừa của thực hành" (Ibid., ii.,2). Của cả lý thuyết lẫn thực hành, cái này thiếu cái kia sẽ vô ích và nguy hiểm; tri thức mà không đẻ ra được thực hành là một vật xanh xao vàng vọt không có máu, không xứng với con người. Chúng ta nỗ lực học về những hình thức của sự vật không phải chỉ để biết hình thức mà chính vì nhờ biết hình thức, những định luật ta có thể làm lại sự vật theo hình ảnh chúng ta muốn. Bởi thế chúng ta học toán để tính lượng và xây cầu; học tâm lý để tìm đường đi trong rừng xã hội. Khi khoa học đã săn tìm ra những hình thể của mọi sự vật, vũ trụ sẽ trở thành nguyên liệu cho con người muốn xây dựng bất cứ một xã hội lý tưởng nào.
4.3 Xã hội lý tưởng
Kiện toàn khoa học và kiện toàn trật tự xã hội bằng cách điều khiển khoa học, đó có lẽ đã là một lý tưởng rồi. Đó là cái thế giới mà Bacon mô tả trong đoạn văn ngắn và tác phẩm cuối cùng của ông, "Đảo thần thoại mới" (The New Atlantis) xuất bản hai năm trước khi ông mất. H.G. Wells cho sự phục vụ vĩ đại nhất của Bacon đối với khoa học (Outlines of History, XXXV, sect. 6) là đã vạch ra cho chúng ta thấy, dù rất sơ sài, bức tranh của một xã hội trong đó cuối cùng khoa học có được địa vị xứng đáng của nó là chúa tể vạn vật; đấy là một tưởng tượng vĩ đại mà suốt trong ba thế kỷ đạo quân khổng lồ trong lãnh vực tri thức và phát minh đã nhắm thực hiện để phá tan nghèo khổ và ngu dốt. Ở đây, trong vài trang ngắn ngủi, Bacon trình bày cho chúng ta lý thuyết về bản chất và hình thức của ông, định luật của đời sống và con người ông, ước vọng thầm kín triền miên của tâm hồn ông.
Platon trong tác phẩm Timaeus (đoạn 25) có nói về thần thọai Atlantis xưa, đại lục bị chìm trong biển Tây, Bacon và những người khác đã cho Tân Mỹ Châu của Columbus với lục địa này là một; tựu trung đại lục ấy vẫn không chìm, mà chỉ có con người không đủ can đảm để vượt biển. Vì đại lục Atlantis cũ không ai biết đến, và dường như dân ở đấy khá mạnh, song không hoàn toàn giống như những người thông tuệ trong xã hội lý tưởng mà Bacon tưởng tượng, nên ông ta nghĩ ra một Atlantis mới, một hòn đảo trong Thái bình dương xa xôi, nơi chỉ có Drake và Magellan đã đi qua, một hòn đảo cách Âu châu và cách tầm hiểu biết của con người khá xa, đủ để tha hồ tưởng tượng về xã hội lý tưởng ở đấy.
Câu chuyện khởi đầu một cách vụng về đầy nghệ thuật, như những truyện kể danh tiếng của Defoe và Swift. "Chúng tôi đi tàu thủy từ Peru (ở đấy chúng tôi đã đi suốt một năm tròn) để đi Trung Hoa và Nhật Bản bằng đường Nam Hải". Gió êm sóng lặng hoàn toàn, những con tàu nằm yên lặng hằng tuần trên đại dương giống như những chấm nhỏ trên một tấm gương, trong khi lương thực của những nhà mạo hiểm cứ cạn dần. Đoạn những luồng gió mãnh liệt đẩy những con tàu mãi về phương bắc ra khỏi miền nam nhấp nhô hải đảo để đi vào một vùng biển hoang vu bất tận. Những khẩu phần bị giảm xuống, giảm và giảm nữa, và một người thuỷ thủ nhuốm bệnh. Cuối cùng, khi đoàn thuỷ thủ đã đành chịu chết, họ bỗng thấy, hầu như không thể tin được, một hòn đảo xinh đẹp lờ mờ hiện ra dưới bầu trời. Trên bờ khi con tàu đến gần, họ thấy không phải là những con người man dã, mà là những người ăn mặc tráng lệ, sạch sẽ, và rõ ràng là có trí thông minh rất phát triển. Họ cho phép tàu ghé chơi, nhưng bảo rằng luật của đảo không cho kẻ lạ ở lại. Tuy nhiên, vì vài thủy thủ bị bệnh, họ được ở lại tất cả cho đến khi mạnh.
Trong thời gian dưỡng bệnh, những người thám hiểm ấy dần dần khám phá bí mật của xứ thần thoại mới. Một người dân trên đảo kể cho họ nghe rằng "Cách 1900 năm về trước, đảo này ở dưới quyền cai trị của một vị vua mà chúng tôi đều tưởng nhớ... Tên người là Salomon, và chúng tôi kính trọng ông như người ban luật lệ cho quốc gia này. Vị vua ấy có một lòng quảng đại... và hoàn toàn nghĩ đến việc đem lại hạnh phúc cho dân chúng ở vương quốc ông" (Xứ thần thoại mới, Cambridge Univ. Press, 1900; tr. 20) "Trong số những hành vi tuyệt hảo của vị vua ấy, hành vi tuyệt hảo nhất là sự tạo lập trật tự hay xã hội, gọi là Ngôi Nhà Salomon; đấy là sự xây dựng cao quý nhất trên mặt đất này, ngọn đèn cho vương quốc này" (Ibid., p. 22)
Tiếp đến là đoạn tả Ngôi nhà Salomon, quá phức tạp, không thể trích dẫn tóm tắt, song của đủ hùng hồn để Marcaulay phẩm bình rằng "trong văn thể của loài người không có một đoạn nào nổi bật hơn thế về sự sâu sắc và minh triết" (Ibid., p. XXV). Ngôi nhà Salomon trong xứ thần thoại là Lưỡng viện ở London; đấy là ngôi nhà của chính phủ trên đảo. Nhưng ở đấy không có chính trị gia, không có những "người được đắc cử", không có "cuộc nói nhảm trong toàn quốc" như Carlyle bảo, không có đảng phái, ủy ban chánh đảng, hội nghị, vận động, các bài xã thuyết, diễn văn, những cuộc nói láo và bầu cử; những người dân đảo thần thoại ấy không bao giờ có ý tưởng đưa vào các công sở họ, những phương pháp đặc tính chất kịch trường như thế. Nhưng con đường đưa đến cao độ của danh tiếng về khoa học thì được mở ra cho tất cả, và chỉ những người đi trong con đường ấy mới được ngồi trong hội đồng quốc gia. Đấy là một chính phủ của dân, cho dân và do số người ưu tú nhất (được chọn trong dân chúng) lãnh đạo; một chính phủ được lãnh đạo bởi những kỹ thuật gia, kiến trúc sư, nhà thiên văn, nhà địa dư, nhà sinh vật học, vật lý gia, hoá học gia, kinh tế gia, các nhà xã hội học, tâm lý học và các triết gia. Thế cũng đủ phức tạp rồi. Nhưng chúng ta hãy thử tưởng tượng một chính phủ không có chính trị gia!
Quả thế, không có hay có rất ít sự cai trị trong Đảo Thần Thoại Mới; những nhà cai trị ở đó bận rộn trong việc điều khiển thiên nhiên hơn là cai trị con người. "Cứu cánh của cơ quan chúng tôi là tri thức về các nguyên nhân và những chuyển động bí mật của mọi sự; và sự nới rộng biên giới lãnh vực của con người, để làm tất cả những gì có thể làm" (Ibid., p. 34). Đây là then chốt của tác phẩm và của Bacon. Chúng ta gặp những nhà cai trị bận rộn, trong những công việc không xứng chức vị mình như là quan sát những vì sao, tìm cách sử dụng vào kỹ nghệ năng lực của thác nước, phát triển những chất hơi để trị các chứng bệnh thống, thí nghiệm loài vật để thu thập kiến thức về giải phẫu học, nuôi các loại cây và thú v.v.. "Chúng tôi bắt chước chim bay, chúng tôi có thể đạt đến phần nào việc bay trong không gian. Chúng tôi có tàu để đi dưới mặt nước". Có mậu dịch quốc ngoại, song một thứ mậu dịch lạ lùng; đảo ấy sản xuất những gì mình tiêu thụ, và tiêu thụ những gì sản xuất, không đi đến chiến tranh để giành thị trường. "Chúng tôi có mậu dịch, không phải về vàng bạc, nữ trang, lụa là, hương liệu, hay bất cứ phẩm vật gì khác mà chỉ mậu dịch về thứ mà Thượng đế đã tạo ra đầu tiên, ấy là ánh sáng; để biết về tất cả các vùng trên thế giới" (Xứ Thần Thoại, p. 24). Những "Thương gia buôn Ánh Sáng" này là những người trong Ngôi Nhà Salomon được gửi đi ngoại quốc 12 năm một lần để sống với những dân tộc nước khác trên khắp địa cầu văn minh, học ngôn ngữ họ, khoa học, kỹ nghệ, văn học của họ; và trở về sau 12 năm để tường trình những tìm tòi của họ cho các lãnh tụ Ngôi Nhà Salomon; trong khi một nhóm khoa học gia khác được gửi đi thay thế họ. Với cách đó những tinh hoa của toàn thế giới chẳng bao lâu sẽ đến với xứ này.
Mặc dầu bức tranh có vẻ sơ lược, ta cũng thấy trong đó những nét đại cương lý tưởng của mọi triết gia - một dân tộc sống trong hoà bình, sung túc, khiêm tốn, được lãnh đạo bởi những người minh triết nhất. Giấc mộng của mọi nhà tư tưởng là thay chính trị bằng khoa học; song tại sao sau bao nhiêu lần tái sinh trong vòng luân hồi qua các bộ óc triết gia, lý tưởng ấy vẫn còn là giấc mộng? Phải chăng bởi vì nhà tư tưởng quá mơ mộng tri thức không thể đi vào trường sinh hoạt để xây dựng ý niệm của mình thành sự thật? Phải chăng vì cái tham vọng thô bỉ của tâm hồn hẹp hòi ưa tích luỹ của cải, cái tham vọng vốn dĩ luôn luôn có số phần lấn lướt những ước vọng nhẹ nhàng tế nhị của các triết gia và những bậc thánh triết? Hay phải chăng vì khoa học chưa đạt đến chỗ trưởng thành và đến một năng lực đầy ý thức? Phải chăng chỉ vào thời đại chúng ta các vật lý gia, hoá học gia và kỹ thuật gia mới bắt đầu thấy rằng nhiệm vụ mới của khoa học trong kỹ nghệ và chiến tranh đem lại cho họ một vị trí quan trọng trong sách lược xã hội, và chỉ cho chúng ta thấy trước một thời mà sức mạnh có tổ chức của họ phải làm cho thế giới phải mời họ lên hàng lãnh đạo? Có lẽ khoa học chưa xứng đáng địa vị chúa tể vũ trụ, và có lẽ không bao lâu nó sẽ xứng đáng.
5. PHÊ BÌNH
Chúng ta phải phê phán làm sao cái triết lý ấy của Bacon? Có gì mới lạ trong đó? Macaulay nghĩ rằng phép quy nạp theo Bacon mô tả là một chuyện có từ khuya, không có gì phải ồn ào về nó, lại càng không nên xây đài kỉ niệm cho nó. "Phép quy nạp vốn dĩ mọi con người đều sử dụng từ sáng đến tối kể từ thuở khai thiên lập địa. Khi một người bảo rằng chả lụa không hạp với y bởi vì y bị đau bụng khi ăn nó vào, không đau nữa nếu không ăn, đau nhiều nhất nếu ăn nhiều, và đau ít nhất nếu ăn ít, thì y đã sử dụng vô ý thức song rất đầy đủ, tất cả những mục của cuốn Novum Organum" (op cit., p. 471). Nhưng người ấy không sử dụng bảng "tăng hay giảm" đúng cách, và rất có thể cứ tiếp tục ăn chả lụa mặc dù bị sôi bụng. Và dù cho người ấy có khôn ngoan, điều ấy cũng không làm giảm bớt giá trị Bacon; vì luận lý học là gì nếu không phải là lập thành công thức những kinh nghiệm và phương pháp của những người khôn ngoan? - một kỷ luật là gì nếu không phải là sự chuyển nghệ thuật của một số ít người trở thành định luật khoa học để giảng dạy cho tất cả?
Nhưng việc lập thành công thức có phải của riêng Bacon? Phương pháp của Socrate không quy nạp sao? Sinh vật học của Aristote không quy nạp sao? Há Roger Bacon đã không thực hiện phương pháp quy nạp mà Francis Bacon chỉ có giảng diễn? Galilée há đã không lập thành công thức rõ ràng phương pháp mà khoa học đã thực sự sử dụng? Điều này đúng trong trường hợp Roger Bacon, ít đúng hơn với Galilée, lại ít đúng hơn nữa với Aristote và đúng ít nhất với Socrate. Galilée phát họa mục tiêu hơn là phương pháp của khoa học, đưa ra trước những tín đồ khoa học cái đích của sự lập thành công thức toán học và đo lường mọi thí nghiệm và mọi tương quan. Aristote thực hành pháp quy nạp khi không có việc gì khác để làm và khi tài liệu không cho phép ông tự do quen thói diễn dịch ra những kết luận đặc trưng từ những giả thuyết quá tổng quát; còn Socrate thì không phải dùng quy nạp - tức gom góp dữ kiện - mà là dùng phân tích, nghĩa là định nghĩa và phân biệt những danh từ và ý tưởng.
Bacon không tự hào mình hoàn toàn độc sáng; giống như Shakespeare ông làm cho những gì ông để tay đến đều trở nên rực rỡ. Mọi người đều có nguồn gốc, cũng như mọi cơ thể phải có thức ăn; phần thuộc về của ông chính là phương pháp ông tiêu hoá thức ăn và biến nó thành ra máu và thịt. Như Rawley nói, "Bacon không bao giờ coi thường những quan sát của một người nào, ông mượn nến của bất cứ ai để thắp ngọn đuốc của ông°" (° J.M. Robertson trích dẫn trong lời tựa cuốn Tác phẩm Triết học của F. Bacon, tr. 7). Nhưng Bacon ghi nhận những món nợ này: Ông nói đến "phương pháp tiện lợi của Hyppocrate" (TTTT, IV, 2) đưa chúng ta ngay đến nguồn thực của luận lý quy nạp trong người Hy lạp; và Platon "đã đưa ra một tấm gương sáng của sự nghiên tầm bằng phép quy nạp và xét những điểm đặc thù; mặc dù bằng một lối bấp bênh có vẻ không lợi ích gì" (Filum Labyrinthi, đoạn cuối). Có lẽ ông đã không màng nhắc đến nợ ông đối với những người tiền bối ấy; và chúng ta cũng đừng nên phóng đại món nợ kia.
Nhưng còn một điều khác: phương pháp của Bacon đúng chăng? Đó có phải là phương pháp được sử dụng hữu hiệu nhất trong khoa học tiên tiến? Không, thông thường khoa học đã sử dụng với hiệu quả tốt đẹp nhất, không phải là sự tích chứa những dữ kiện (Vạn vật học) và sử dụng chúng bằng những bảng phức tạp trong Novum Organum mà phương pháp giản dị hơn với giả thuyết, diễn dịch và thí nghiệm. Như Darwin khi đọc cuốn Luận về dân số của Malthus liền có ý nghĩ áp dụng cho mọi cơ thể giả thuyết của Malthus, theo đó dân số có khuynh hướng tăng nhanh hơn phương tiện sống; và diễn dịch từ giả thuyết này kết luận có thể rằng áp lực của dân số trên sự cung cấp thực phẩm có hậu quả là một cuộc cạnh tranh sinh tồn trong đó kẻ khéo thích nghi nhất sẽ sống sót, và qua cuộc cạnh tranh ấy trong mỗi thời đại mỗi loài trở nên thích ứng với hoàn cảnh hơn ; và cuối cùng (sau khi đã giới hạn vấn đề và lãnh vực quan sát của ông bằng giả thuyết và diễn dịch) quay về "bộ mặt không héo tàn của thiên nhiên" và trong 20 năm đã làm một cuộc xenm xét kiên nhẫn những sự kiện để đi đến quy nạp. Lại nữa, Einstein nghĩ ra, hay mượn của Newton, giả thuyết rằng ánh sáng đi theo đường cong chứ không thẳng; rồi diễn dịch ra hết kết luận rằng một ngôi sao mà ta xem có vẻ như đang ở một vị trí nào đó trên trời thì kỳ thật hơi thiên về một bên của vị trí ấy; và ông thí nghiệm, quan sát để kiểm chứng lại. Rõ ràng là vai trò của giả thuyết và trí tưởng tượng thật quan trọng hơn Bacon nghĩ; và phương pháp của khoa học thật ra trực tiếp và có giới hạn hơn trong kế hoạch của Bacon. Chính Bacon cũng thấy trước sự lỗi thời của phương pháp ông; việc thực hành khoa học sẽ tìm ra những nghiên tầm hữu hiệu hơn là những phương pháp được nghĩ ra bởi chính khách trong lúc trà dư tửu hậu. "Những việc này cần vài thế kỷ để trưởng thành".
Ngay cả một người yêu mến tinh thần Bacon cũng phải công nhận rằng ông quan lớn ấy trong khi đặt ra định luật cho khoa học, đã không theo dõi trào lưu khoa học của thời ông. Ông phủ nhận Copernic và không biết đến Kepler và Tycho Brahe; ông chê Gilbert và dường như không biết có Harvey. Quả thế, ông thích bàn luận hơn nghiên tầm; hoặc có lẽ ông không có thì giờ cho việc tra cứu công phu. Những tác phẩm viết trong lãnh vực triết học và khoa học là những đoạn thiếu mạch lạc, lộn xộn, để lại sau khi ông chết, đầy những trùng lập, mâu thuẫn, ước vọng và giới thiệu. Ars longa, vita brevis, nghệ thuật thì lâu dài, mà đời người quá ngắn: đấy là thảm kịch của mọi thiên tài.
Bắt một người quá bận rộn như Bacon, mà công việc tái tạo triết học phải nhét vào những khe hở của một sự nghiệp chính trị nặng nề đầy sóng gió, sáng tạo dồi dào phức tạp như Shakespeare, thì thật là phí thời giờ học giả với những tranh luận phòng trà của những người lý thuyết rởm. Shakespeare thiếu chính cái yếu tố tạo nên con người của vị quý tộc quan lớn kia - sự bác học và óc triết lý-. Shakespeare biết chút ít về mọi khoa học; nhưng không nắm vững khoa nào; trong mọi ngành khoa học ông đều phát ngôn với sự hùng hồn của một người tài tử. Ông công nhận khoa chiêm tinh "Quốc gia lớn lao nầy...(Sonnet, XV), ông luôn luôn có những lỗi mà học giả Bacon không bao giờ có; nhân vật Hectoz của ông trích dẫn Aristote và nhân vật Coriolanus nói đến Cato; ông cho Lupercalia là một ngọn đồi và ông hiểu César có lẽ cũng sâu sắc như H.G. Wells đã hiểu. Ông không ngừng nói đến thời niên thiếu của ông và những đau buồn trong đời hôn phối. Ông có những cái tầm thường, thô tục, những trò đùa khác hẳn với nhà triết học lạnh lùng bình thản, Carlyle gọi Shakespeare là con người có trí năng vĩ đại nhất, nhưng đúng hơn phải nói Shakespeare có trí tưởng tượng vĩ đại nhất, con mắt tinh anh nhất, ông không cố ý thống nhất tư tưởng cho cuộc đời mình và cho nhân loại. Ông đắm mình trong tình yêu và chỉ nghĩ đến triết lý khi trái tim tan vỡ. Khi nó chưa vỡ thì ông cũng khá yêu đời, ông không thèm bận tâm đến viễn tượng tái tạo triết học đã nâng cao Platon, Nietzsche hay Bacon.
Ưu điểm và cũng là nhược điểm của Bacon nằm ở chính lòng yêu chuộng sự thống nhất của ông, ước vọng của ông muốn phối hợp hằng trăm khoa học lại. Ông muốn như Platon "một người có thiên tài cao cả nhìn khắp mọi sự như đứng từ một mỏm đá cao". Ông ngã quỵ dưới gánh nặng của công việc ông đã tự vạch cho mình; ông đã thất bại, nhưng điều đó khả thứ, vì ông đã quá ôm đồm. Ông đã không thể đi vào mảnh đất hứa của khoa học, song ít ra ông cũng đã đứng ở biên giới, và chỉ cho thấy những nét phong quang của nó từ xa. Tuy nhiên công trình của Bacon không vì thế mà kém phần to tát. Tác phẩm triết học của ông, mặc dù ngày nay không mấy ai đọc đến, "đã đánh động các tri thức điều động thế giới" (Macaulay). Ông đã trở thành tiếng nói hùng hồn của lạc quan và quyết định của thời Phục Hưng. Chưa ai đã là nguồn hứng khởi quan trọng cho các tư tưởng gia khác như thế. Đã đành vua James từ chối đề nghị của ông về việc bảo trợ khoa học, và nói về tác phẩm Dụng cụ mới rằng: "Tác phẩm này giống như sự bình an của Thiên chúa, vượt quá mọi tầm hiểu biết ". Nhưng những người khá hơn, vào năm 1662 sáng lập ra Hội Hoàng Gia sau này sẽ trở thành hội đoàn các khoa học gia lớn nhất của thế giới, đã xem Bacon là gương mẫu và nguồn cảm hứng cho họ; họ hy vọng rằng tổ chức này của Anh quốc sẽ đưa đến một hiệp hội của toàn Âu châu như cuốn Tăng tiến tri thức đã chủ trương. Khi những bộ óc vĩ đại của phái Tôn Sùng Lý Trí ở Pháp khởi thảo kiệt tác của tri thức, Bộ Bách Khoa Từ điển, họ đã đề tặng Francis Bacon. Diderot đã nói trong chương trình: "Nếu chúng tôi thành công trong việc này, đây là nhờ phần lớn vào vị Tể tướng Bacon, người đã đưa ra kế hoạch một bộ tự điển phổ quát khoa học và mỹ nghệ vào một thời, ta có thể nói, chưa từng có khoa học hay mỹ nghệ. Thiên tài phi thường ấy, khi ông không thể nào viết một cuốn lịch sử về những gì biết được, đã viết một cuốn sách để nói về những gì cần phải biết". D´Alembert gọi Bacon là:" triết gia vĩ đại nhất, phổ quát nhất, hùng hồn nhất trong các triết gia ". Hội nghị đã xuất bản tác phẩm của Bacon do quốc gia ra vốn. Tất cả sự nghiệp tư tưởng Anh quốc đã theo đường hướng triết học Bacon. Hobbes thừa hưởng quan điểm của ông để khởi xướng một thuyết duy-vật, Locke theo phương pháp quy nạp của ông để lập một nền tâm lý học thực nghiệm, nhấn mạnh sự quan sát và loại bỏ khía cạnh thần học và siêu hình; và Bentham cũng ảnh hưởng Bacon khi đồng hoá cái hữu ích và cái thiện. Bất cứ ở đâu có tinh thần khắc phục thay vì tinh thần cam chịu, ở đó có ảnh hưởng Bacon. Ông là tiếng nói của những người Âu châu đã biến đổi một lục địa từ một cánh rừng hoang trở thành một mảnh đất của kho tàng mỹ nghệ và khoa học, đã biến bán đảo nhỏ của họ thành trung tâm thế giới. "Con người không phải là những con vật đứng thẳng, nhưng chính là những thần linh bất diệt". Bacon bảo "Thượng đế đã ban cho chúng ta những linh hồn bằng cả vũ trụ, nhưng chúng ta vẫn chưa thoả mãn dù chiếm được cả vũ trụ". Mọi sự đều khả hữu đối với con người. Thời gian còn ít, hãy cho chúng ta vài thế kỷ, chúng ta sẽ chế phục và tái tạo tất cả. Có lẽ ít nhất chúng ta sẽ học được bài học cao quý hơn cả, đấy chính là con người không phải cần đánh giặc với người mà chỉ cần tuyên chiến cùng những chướng ngại mà thiên nhiên đã đặt để cản ngăn chiến thắng của mình". Ta có thể nói không ngoa rằng có ba loại hay bực tham vọng trong con người. Loại thứ nhất là tham vọng của những người muốn bành trướng quyền hạn mình trong xứ sở mình; điều ấy tầm thường và thoái hoá. Loại thứ hai là tham vọng của những người nỗ lực bành trướng quyền lực xứ sở mình và thống trị nhân loại, điều này dĩ nhiên có tư cách hơn song cũng không kém tham tàn. Nhưng nếu một người nỗ lực xây dựng và bành trướng quyền lực và sự thống trị của loài người trong vũ trụ thì loại tham vọng ấy rõ ràng là vừa lành mạnh hơn, vừa cao quý hơn hai loại kia" (Dụng cụ mới, 129). Định mệnh quả đã khiến Bacon phải bị dằn vặt giữa những khuynh hướng ấy xâu xé nhau để chiếm đoạt linh hồn ông ta.
6. KẾT LUẬN
"Những người có địa vị cao thường phải chịu nô lệ ba lần: nô lệ cho vương vị hay tổ quốc, nô lệ cho danh tiếng, nô lệ cho công việc, đến nỗi hoặc không có tự do dù trong hành động, trong con người họ hay trong thì giờ... Bước lên địa vị cao là việc khổ nhọc và từ sự gian khổ này người ta đi đến sự gian khổ lớn hơn; nó lại thường hèn hạ, người ta nhờ vào luồn ra cúi mà bước lên địa vị công hầu. Chỗ đứng ấy lại trơn trượt, bước thụt lùi thường khi không ngã quỵ thì cũng xiểng liểng" (Luận "Về địa vị cao"). Đấy cũng là tóm lược rất xác đáng kết cuộc của chính Bacon một cách không ngờ. "Những lỗi lầm nơi một người thường là sản phẩm thời đại; đức hạnh và tài hoa nơi y mới chính thật của y", Goethe bảo. Điều ấy hình như không đúng hẳn trong trường hợp Goethe, tinh thần của thời đại, song lại đặc biệt đúng trong trường hợp Bacon. Abbot (trong Francis Bacon, ch. 1) sau một cuộc nghiên cứu công phu về tinh thần đạo đức thịnh hành dưới triều Elizabeth, đã kết luận rằng tất cả những nhân vật quan trọng ở đấy, đàn ông cũng như đàn bà, đều là đồ đệ của Machiavel. Roger Ascham mô tả bằng một bài vè bốn đức tính cốt yếu cần thiết trong triều nữ hoàng:
Gian, dối, nịnh hót, dạn dày,
Ấy là bốn cách để được ân sủng ở triều đình.
Nếu bạn không chịu theo bất cứ cách nào trong đó,
Thì bạn nên trở về làng cũ học cày.
Vào thời buổi vui nhộn ấy, các quan toà có tục lệ nhận "quà" nơi những người đi kiện ở pháp đình. Bacon cũng không hơn gì thời đại về vấn đề ấy; và sự ăn tiêu xa xỉ của ông - không cho phép ông thận trọng-. Song mọi sự có lẽ sẽ qua êm nếu ông đã không gây quá nhiều oán cừu trong vụ Essex và trong những bài diễn văn của ông. Một người bạn đã báo cho ông biết rằng "Trong triều mọi người đều bảo rằng vì ngọn lưỡi của anh đã là một lưỡi dao bén cho nhiều người, nên họ cũng sẽ dùng lưỡi dao họ để hại lại anh" (Ibid., p. 13, phần ghi chú). Song ông đã không để ý đến lời báo trước ấy. Ông dường như được vua yêu chuộng; đã được làm quận công ở Verulam năm 1618, tử tước (Viscount) ở St Albans 1621, và làm Chancellor trong 3 năm.
Nhưng đùng một cái tai họa xảy đến. Năm 1621 một người thua kiện đã tố cáo ông nhận tiền trong vụ xử kiện ấy; đấy là một việc không lạ gì, song Bacon biết nếu những kẻ thù ông muốn khơi vụ này ra, họ có thể làm cho ông đoạ. Ông rút lui về chờ đợi kết quả cuộc diễn biến. Khi hay tin rằng tất cả những kẻ thù ông đều đòi ông giải nhiệm, ông gửi đến vua James "lời thú tội và xin phục tùng ý nhà vua". Vua James nhượng bộ trước áp lực của quốc hội đang thắng thế - quốc hội mà bấy lâu Bacon đã cương quyết phò vua chống lại - và hạ lệnh tống giam ông. Nhưng sau hai ngày ông được thả; và số tiền phạt nặng nề đã được vua thanh toán. Lòng kiêu hãnh của ông chưa hoàn toàn sụp đổ, ông nói: "Tôi là vị thẩm phán công chính nhất ở Anh quốc từ 50 năm nay, song sự phán quyết ấy là sự phán quyết công bình nhất trong quốc hội từ 200 năm nay".
Ông sống 5 năm còn lại trong bóng tối và sự bình an của gia đình, bị ray rứt bởi một cảnh nghèo túng không quen, song được an ủi bằng việc tích cực nghiên cứu triết lý. Trong 5 năm ấy ông viết tác phẩm bằng La ngữ vĩ đại nhất của ông: De Augmentis Suntiarum (Tăng tiến tri thức), xuất bản một quyển Tiểu luận dầy hơn, một tập nhỏ nhan đề Sylva Sylvarum, và một cuốn Lịch sử Henry VII. Ông tiếc đã không từ bỏ chính trị sớm hơn để dành hết thì giờ cho văn chương và khoa học. Cho đến phút cuối cùng ông cũng bận rộn công việc ấy và có thể nói ông đã chết "tại trận tiền". Trong bài tiểu luận "Về cái chết" ông đã nói đến ước ao được chết "trong khi đang hăm hở theo đuổi, giống như một người chết tươi máu còn nóng hổi không cảm thấy đau đớn của vết thương". Như César, ông đã được như lời.
Vào tháng ba 1626, trong khi cưỡi ngựa từ London đến Highgate và suy nghĩ vấn đề làm sao, đến mức độ nào tuyết có thể giữ cho thịt tươi khỏi thối, ông quyết định thí nghiệm ngay. Ông dừng lại ở một nhà lá bên đường, mua một con gà, giết và độn tuyết vào. Trong khi đang làm thế thì ông bị lên cơn rét, và cảm thấy không thể đi ngựa trở về thành, ông bảo người ta đưa ông đến nhà Lord Arundel ở gần đấy để nằm. Ông chưa thoái từ sự sống, ông vui vẻ viết rằng "Cuộc thí nghiệm... đã thành công mỹ mãn". Nhưng đấy là phút chót đời ông. Cơn sốt của cuộc đời đa diện đã đốt cháy ông hoàn toàn, bây giờ người ông nóng ran, không thể chống lại cơn bệnh lan dần lên tim. Ông chết vào ngày 9 tháng 4, 1626, năm ông 65 tuổi.
Ông viết trong di chúc những lời kiêu hãnh điển hình của ông như sau: "Tôi hiến dâng linh hồn tôi cho Thượng đế... Xác tôi nên chôn cất trong lặng lẽ. Tên tôi tặng cho những thế hệ về sau và các quốc gia xa lạ". Các thế hệ và các quốc gia đã đón nhận ông./.