6.
Nhà vua và viên phó quan

Khi Nhà vua thấy viên sĩ quan đến gần, ông cho người hầu phòng và viên cận thần rút lui.
- Ông phó quan!
- Thưa tôi đây! Sao hồi tối trong phòng hội ông kêu to: "Người hầu cận của vua, ngự lâm quân của Hoàng đế!".
- Thưa, bởi vì Hoàng thượng ra lệnh cho tôi.
- Ta?
- Vâng chính ngài.
- Ta thực không có nói lời nào hết.
- Thưa ngài, lệnh ban ra có thể là một dấu hiệu, một cử chỉ, một nháy mắt vẫn rõ ràng, chính xác như là một lời nói.
Người phục vụ mà chỉ có con mắt thì chỉ phân nửa người làm việc tốt thôi.
- Thế thì đôi mắt ông sáng lắm!
- Thưa ngài, sao ạ?
- Vì ông đã thấy cái chẳng có gì hết.
- Thưa ngài, đúng cậy, mắt tôi vẫn tốt mặc dù đã phục vụ các ông chủ đã lâu, cho nên khi có dịp thấy gì là tôi sẵn sàng ngay. Lúc tối này, mắt tôi thấy Hoàng thượng đỏ mặt vì cố nín ngáp dài, thấy ngài rõ ràng có vẻ cầu khẩn, nhìn Bậc tôn quý trước tiên, rồi đến Thái hậu rồi nhìn các cửa bước ra. Mắt tôi thấy hết, thấy cả đôi môi Hoàng thượng mấp máy: "Ai đem ta ra khỏi chỗ này?"
- Ông này!
- Thưa ngài, hay ít ra cũng là những lời này: "Ngự lâm quân đâu!" cho nên tôi không ngần ngại nữa. Cái nhìn đó dành cho tôi, lời nói đó hướng vào tôi, tôi kêu lên ngay: "Ngự lâm quân của Hoàng thượng!", với lại chuyện rõ rệt là Hoàng thượng không cho tôi là trái mà còn bước ra ngay, chứng tỏ tôi làm đúng.
Nhà vua quay mặt đi để giấu nụ cười, rồi vài giây sau lại nhìn gương mặt thông minh làm sao, táo bạo và cương quyết làm sao, giống như là dáng vẻ cương nghị, kiêu hãnh của con đại bàng nhìn thẳng vào mặt trời. Đôi mắt sáng ấy vẫn không chớp, một lúc sau, Nhà vua đành nói: "Tốt lắm!".
Viên sĩ quan nghiêng mình, hỏi:
- Hoàng thượng không còn gì để hỏi nữa?
- Không, ông ạ, thôi ông về chỗ đi.
- Ngài cho phép tôi thưa một chuyện trước khi đi ra?
- Ông có chuyện gì nói thế? Cứ nói đi.
- Thưa ngài, một chuyện không quan trọng đối với ngài, nhưng tôi thì tôi lưu ý đến nó lắm. Xin ngài bỏ lỗi về chuyện này. Nếu không khẩn cấp, không cần thiết thì tôi không thưa và tôi sẽ lẳng lặng thu mình nhỏ lại rồi biến đi, theo thói quen của tôi.
- Cái gì mà biến đi? Ta không hiểu.
- Thưa ngài nói gọn lại là tôi xin Hoàng thượng cho được nghỉ.
Nhà vua hơi giật mình, còn viên sĩ quan lại vẫn đứng yên như một pho tượng.
- Ông xin nghỉ? Thế trong bao lâu?
- Thưa, nghỉ luôn ạ.
Louis nói với một cử chỉ không phải chỉ là ngạc nhiên:
- Sao, ông không giúp ta nữa à?
- Thưa ngài, tôi lấy làm tiếc.
- Không thể được.
- Thưa ngài, tôi thấy mình đã già rồi, tôi kéo cày đã ba mươi bốn, ba mươi lăm năm rồi, lưng mỏi gối chùn, phải nhường cho lớp trẻ thôi. Tôi không phải là người của thế kỷ mới, tôi vướng vào thời đại cũ, cho nên tôi thấy cái gì cũng lạ hết, tôi bị quay tít đến chóng mặt. Nói gọn, là tôi muốn xin Hoàng thượng cho nghỉ.
Nhà vua nhìn viên sĩ quan khoác trang phục ngự lâm thung dung như một chàng trai trẻ.
- Thưa ông, ông còn mạnh mẽ, khoẻ khoắn hơn là ta đấy!
Viên sĩ quan mỉm cười cố ra vẻ khiêm nhượng.
- Ồ, Hoàng thượng nói thế là vì mắt tôi còn sáng, chân tôi còn vững, còn cỡi ngựa được, hàm râu còn đen. Nhưng thưa ngài, tất cả đó chỉ là sự huênh hoang vô lối, chỉ là ảo tưởng, là bề ngoài, là khói mây mà thôi. Thưa ngài, tôi có dáng trẻ, nhưng đã già trong tận cùng con người rồi, chắc chỉ sáu tháng nữa thôi là tôi sẽ rã rời, đau nhức xương cốt, sẽ lê lết què quặt. Cho nên, xin ngài.
Nhà vua lộ cử chỉ vừa ưu ái và oai nghiêm, nói:
- Thưa ông, ông chưa cho ta biết sự thật. Ông muốn nghỉ, đúng rồi, nhưng ông giấu lý do của quyết định đó.
- Thưa ngài, thật mà.
- Không, thấy thì biết ông ạ. Ta thấy một con người cương nghị, mạnh khoẻ, nhanh nhẹn, người lính ưu tú nhất của nước Pháp, thế mà định thuyết phục ta để xin được nghỉ ngơi thì đừng hòng.
Viên phó quan chua chát nói:
- Ôi! Thưa ngài tán tụng tôi quá. Thực ra, Hoàng thượng lầm rồi! Cương nghị, mạnh khỏeẻ minh mẫn, can đảm, lính ưu tú nhất của nước Pháp! Hoàng thượng khen quá làm tôi không dám nhận dù tôi muốn nói tốt về tôi thế nào đi nữa cũng vậy. Nếu tôi tệ đến nỗi chỉ nghe theo lời Hoàng thượng có một nửa thì tôi cũng đủ coi mình là một con người quý báu, không thể thiếu được, tôi sẽ nói rằng một người giúp việc gồm thâu trong mình được bấy nhiêu đức tính ấy thì sẽ là cả một kho tàng vô giá. Thế mà, thưa ngài chỉ trừ bữa nay thôi, còn suốt cả cuộc đời, tôi thấy là mình bị đánh giá rất thấp. Xin phép nói lại là Hoàng thượng đã nâng cao tôi quá đáng.
Nhà vua nhíu mày vì thấy trong lời của viên sĩ quan như có một nét cười nhạo báng chua cay. Ông nói:
- Thôi thì nói thật vấn đề đi ông ạ. Có phải là công việc ở đây không thích hợp với ông không? Thôi đừng nói quanh, ta muốn ông trả lời mạnh dạn, thành thực đấy.
Nghe thế, người sĩ quan từ nãy giờ đang xoay xoay cái nón với điệu bộ khá lúng túng, liền ngẩng đầu lên nói:
- Thưa ngài, ngài làm cho tôi thấy thật thoải mái. Câu hỏi đưa ra đã thành thực thì tôi cũng xin đáp lại thành thực. Nói thật bao giờ cũng tốt, phần thì người ta trút bớt được những gì đè nặng trong lòng, phần khác thì vì chuyện nói thật rất hiém xảy ra. Tôi sẽ xin nói thật với Hoàng đế của tôi, chỉ xin ngài bỏ qua cho sự thành thật của một người lính già.
Louis XIV nhìn viên sĩ quan của mình mà cử chỉ thì bộc lộ một sự băn khoăn đến cực điểm, ông nói:
- Thế thì ông nói đi. Ta rất nôn nóng nghe những điều mà ông bảo là thành thật đấy.
Viên sĩ quan bỏ chiếc mũ lên bàn và khuôn mặt lúc trước đầy vẻ thông minh và cứng rắn bây giờ bỗng trở lên nghiêm trang, đầy quyền uy lạ thường. Ông nói:
- Thưa ngài, tôi rời bỏ nhiệm vụ vì tôi bất mãn. Vào lúc như thế này, người đày tớ có thể kính cẩn đến bên ông chủ như tôi bây giờ và đưa cho ông chủ tờ giấy ghi những gì anh ta đã làm, tính số tiền đã ghi, trả lại dụng cụ và nói: "Ông chủ, tôi hết làm rồi, trả tiền tôi cho tôi đi?".
Nhà vua kêu lên giọng tức giận:
- Ông! Ông…
Viên sĩ quan hơi hạ đầu gối xuống, trả lời:
- Ồ, chẳng có tên đầy tớ nào kính tọng chủ hơn tôi, đối với Hoàng thượng, nhưng ngài vừa bảo tôi nói sự thực. Tôi nói ra thì ngài nổi giận dù là ngài đã bảo như vậy.
Những bắp thịt trên mặt ông co lại tỏ vẻ cương quyết khiến Nhà vua thấy không cần bảo ông nói tiếp. Ông nói tiếp thực, trong khi Nhà vua đứng nhìn với vẻ tò mò pha lẫn vì nể.
- Thưa ngài, như tôi đã nói, tôi phục vụ Hoàng gia nước Pháp đến đây là ba mươi lăm năm rồi. Ít ai đã phải mòn gươm trong công việc như tôi, tuy gươm tôi là thuộc loại tốt.
- Thưa ngài, vua cha ngài thấy tôi đã xứng làm người lớn trong khi tôi còn là một đứa trẻ, không biết gì hết, ngoài việc bộc lộ lòng can đảm. Khi tôi thành người lớn thì Hồng y De Richelieu thấy tôi là một kẻ thù của ông ta - ông ta cũng xác nhận điều đó. Câu chuyện lịch sử về mối hiềm khích đó giữa con kiến và con sư tử, ngài có thể đọc từ trang đầu đến trang cuối trong đống giấy tờ của gia đình ngài. Nếu có, lúc nào ngài muốn biết thì cứ lục ra. Ngài sẽ thấy rằng con sư tử cuối cùng mệt mỏi, rã rời, thở dốc xin tha, và cũng nên công bằng mà nói, con sư tử ấy cũng tha thứ cho kẻ khác (những chuyện được kể ở Ba chàng lính ngự lâm).
Ôi, cái thời xưa tươi đẹp ấy, cái thời thỉnh thoảng lại có đánh nhau trong chuyện của Le Tasse hay của L'Arioste! Chuyện kỳ diệu vào thời ấy bây giờ đối với chúng ta thật khó tin, nhưng là chuyện thường ngày của chúng tôi. Suốt cả năm năm ngày nào tôi cũng được coi là anh hùng, ít ra theo lời một số nhân vật đáng tin cậy nói. Thưa ngài hãy tin đi, làm người anh hùng căng ra trong năm năm, thật dài làm sao! Tôi tin ở xác nhận đó vì những người nói là những nhân vật danh tiếng: Ngài De Richelieu, ngài De Buckingham, ngài De Beaufort, ngài De Retz, ngài này cũng là một tay chiến đấu trên đường phố rất cừ. Xác nhận như thế có cả Louis XIII và Hoàng hậu, đấng thân mâu của ngài, có một hôm đã nói với tôi: "Cám ơn?". Tôi chẳng biết là đã được hân hạnh phục vụ Thái hậu bao nhiêu lần rồi. Xin lỗi, nếu tôi đã nói quá bạo; nhưng thưa ngài, chuyện kể như tôi đã nói với Hoàng thượng, đó là lịch sử, chuyện của dĩ vãng.
Nhà vua cắn môi và ngồi phịch xuống ghế. Viên phó quan nói tiếp:
- Tôi quấy quả Hoàng thượng rồi. Nhưng sự thực là như thế đấy. Nó như một người bạn đường cứng cỏi, tua tủa mũi nhọn, chạm ai thì làm bị thương người nấy, ngay cả đến kẻ nói ra.
Nhà vua trả lời:
- Không sao đâu, thưa ông, ta đã mời ông nói, xin cứ nói đi.
- Thưa ngài, sau khi phục vụ Nhà vua và Giáo chủ, lại đến lúc phục vụ thời Nhiếp chính (Chuyện ở Hai mươi năm sau). Tôi cũng đã chiến đấu dữ dội trong thời loạn Fronde, tuy là ít hơn. Con người đã bắt đầu kém cỏi hơn. Nhưng mà tôi cũng đã cùng với ngự lâm quân của Hoàng thượng trải qua một ít hiểm nguy, hẳn là có ghi trong nhật ký của binh đội. Tôi có số thật may vì tôi được làm người thân cận của ngài De Mazarin: ông phó quan ở phía này, ông phó quan về phía kia, ông phó quan bên phải? Ông phó quan bên trái? Ông ta chẳng đưa ra cú đấm nào trên nước Pháp mà không chia cho tôi. Thế rồi Hồng y lại không bằng lòng với chuyện chỉ dùng tôi ở nước Pháp. Ông ta gửi tôi qua Anh tính sổ với ngài Cromwell. Lại thêm một tay chẳng nhu tí nào, và tôi đã làm thoả mãn ngài rồi. Tôi đã có hân hạnh biết ông ta nên đánh giá đúng ông ta. Cho nên khi tôi được việc hơn cả những sĩ quan người ta sai phái, tôi được tưởng thưởng xứng đáng, vì người ta phong cho tôi là chưởng quan ngự lâm quân, chức vụ ở triều đình được mọi người thèm muốn nhất, chức vụ hơn cả thống soái nước Pháp vì đúng như thế, chưởng quan ngự lâm quân là tinh hoa của quân đội, ông hoàng của những bậc dũng cảm!
Nhà vua đáp lời:
- Thưa ông, chưởng quan à, chắc ông lầm rồi, ông muốn nói phó quan chứ gì?
- Không thưa ngài, tôi không lầm đâu. Xin Hoàng thượng nhớ cho tôi ở điểm đó: Ngài De Mazarin đã cấp hàm chức cho tôi rõ ràng.
- Thế sao?
- Nhưng ngài thừa biết hơn ai hết là ngài Mazarin không phải lúc nào cũng cho, đã cho rồi vẫn còn đòi lại. Lúc hòa bình trở lại, ông ấy lấy hàm chức của tôi và không dùng tôi nữa. Tất nhiên là tôi không xứng đáng thay thế ông De Tréville, nhưng mà dù sao ông ta cũng đã hứa với tôi, đã cho tôi thì phải giữ lời chứ!
- Chính vì chuyện ấy mà ông bất mãn phải không? Thế thì để ta hỏi lại. Ta thích cái gì cũng phải công bằng và lời khiếu nại của ông tuy gay gắt nhưng ta không phiền lòng đâu.
Viên sĩ quan nói:
- Ồ, Hoàng thượng hiểu lầm rồi, bây giờ tôi không khiếu nại chuyện đó đâu.
- Ông tế nhị quá, rồi đây ta sẽ lưu ý đến công việc của ông và sẽ…
- Ôi thưa ngài, sẽ…? Ba mươi năm nay tôi thấy nơi chữ ấy những điều thật tốt lành, nghe được từ miệng của những nhân vật tai to mặt lớn và rồi lại đến ngài vừa thốt ra xong. Chỉ vì chữ sẽ ấy mà tôi mang hai mươi vết thương và đến tuổi năm mươi bốn tôi chẳng có một đồng xu dính túi, chẳng có ai che chở trên đường đời trong khi tôi đã che chở cho biết bao nhiêu người rồi. Thưa ngài, khi người ta nói với tôi sẽ tôi muốn trả lời: Ngay tức khắc. Bây giờ tôi chỉ xin nghỉ ngơi. Thưa ngài có thể nhận lời rất dễ dàng, không tốn hao gì hết.
- Thưa ông, ta tưởng không phải nghe được những lời như thế, nhất là từ miệng một người luôn luôn sống gần các bậc quyền quý. Ông quên rằng ông đang nói chuyện với vua, với một nhà quý tộc có lẽ cũng thuộc dòng họ đáng giá như ông, khi ta nói sẽ, tức là có thật đấy.
- Thưa ngài, tôi không dám nghi ngờ gì hết. Và đây là điềm kết của cái sự thực kinh khiếp mà tôi tỏ bày: Khi tôi thấy trên bàn này có chiếc gậy thống chế, lưỡi gươm nguyên soái, chiếc vương miện xứ Ba Lan thì xin thề với ngài, thay vì tôi sẽ, thì tôi cả quyết ngay tức khắc. Ô, xin lỗi ngài, tôi là thần dân của ông Henri IV của ngài: tôi không thường hay nói nhưng nói gì thì phải nói cho hết.
Louis nghiêm nghị hỏi:
- Hình như trong tương lai, triều đình của ta đối với ông không có vẻ hứa hẹn gì lắm phải không?
Viên sĩ quan kiêu hãnh kêu lên:
- Khắp nơi, khắp chốn, người người đều quên nhau. Ông chủ quên người giúp việc và do đó người giúp việc phải quên ông chủ. Thưa ngài, tôi phải sống trong một thời đại khốn khổ. Tôi thấy thanh niên đầy chán nản và sợ hãi, tôi thấy họ rụt rè, trần trụi trong lúc đáng lẽ họ phải giàu có và có quyền uy. Ví dụ mới rồi đây tôi mở cửa cho ông vua nước Pháp đón ông vua nước Anh. Tôi, kém cỏi như thế này, mà suýt cứu được ông vua cha, nếu Chúa không chống lại tôi, Nếu Chúa không nâng đỡ cho Cromwell. Tôi nói gì nhỉ, tôi mở cánh cửa này, nghĩa là mở cửa lâu đài của một người anh em đón một người anh em và cái tôi thấy, thưa ngài, thật là đau lòng. Tôi thấy viên tể tướng của ông vua này đuổi kẻ lưu đày ra và làm nhục đấng chúa tể của ông ta bằng cách để cho một ông vua khác, bằng vai với ông vua ta, phải lâm vào cảnh bần cùng. Rồi tôi thấy ông hoàng trẻ, đẹp, dũng cảm đầy lòng nhân đạo và cương quyết của tôi run lên trước một lão già cười nhạo ông sau bức màn the, nằm trên giường tiêu phí bao nhiêu là vàng bạc của nước Pháp, trút chúng vào những hòm xiểng không biết chôn giấn nơi đâu. Thưa ngài, tôi hiểu cái nhìn của ngài. Tôi đã táo gan đến bất kính, tôi đã nói với vị chúa tể của tôi những lời mà nếu có kẻ nào nói như thế với tôi thì tôi tống hết vào họng hắn. Nhưng ngài đã muốn tôi đưa ra hết những gì nằm tận đáy lòng thì tôi phải phơi bày gan ruột tôi ra cũng như nếu Hoàng thượng muốn thì tôi sẽ sẵn sàng chịu đổ máu vì ngài.
Nhà vua không nói một lời, chỉ chùi dòng mồ hôi lạnh chảy ròng ròng trên thái dương.
Phút giây im lặng sau những lời giãi bày nồng nhiệt đó là cả thế kỷ đau lòng cho người nói lẫn kẻ nghe. Cuối cùng Nhà vua nói:
- Thưa ông, ông đã thốt ra chữ quên và ta chỉ nhớ có mỗi một chữ ấy, và sẽ trả lời chừng ấy mà thôi. Nhiều người dễ quên, nhưng ta không quên. Chứng cớ là ta nhớ lại một ngày bạo loạn, dân chúng nổi giận gầm thét như sóng biển, tràn ngập cung điện ta, ta phải giả vờ ngủ thì một người, chỉ một người, gươm tuốt trần, núp phía chân giường, trông chừng cho ta dù phải nguy hiểm đến tính mạng vì ta, như bao lần ông đã liều mình cho những người của gia đình ta. Thưa ông, có phải nhà quý tộc ấy tên là d'Artagnan không, ông nói đi?
Viên sĩ quan lạnh lùng:
- Hoàng thượng có trí nhớ tốt lắm.
Nhà vua tiếp tục:
- Ông thấy không, nếu lúc nhỏ ta còn có trí nhớ tốt như thế thì khi lớn lên ta còn có thể nhớ nhiều hơn nữa.
Viên sĩ quan vẫn cùng một giọng:
- Hoàng thượng đúng là người được ơn Chúa.
Louis tiếp tục, nét mặt xúc động:
- Này ông d'Artagnan, ông không kiên nhẫn bằng ta sao? Ông không chịu làm như ta sao?
- Thưa, ngài làm gì?
- Ta chờ đợi.
- Hoàng thượng có thể làm như thế vì ngài còn trẻ. Nhưng tôi không chờ đợi được: tuổi già đang đứng trước cửa nhà tôi, theo sau là thần chết đang đứng nhìn xuyên suốt căn nhà tôi rồi. Hoàng thượng đang bắt đầu cuộc đời, đầy hy vọng và tương lai xán lạn, nhưng tôi, tôi đã ở tận chân trời phía bên kia. Chúng ta cách nhau xa quá cho nên chẳng bao giờ tôi chờ Hoàng thượng đến với tôi được nữa.
Louis đi vòng khắp phòng, luôn luôn mồ hôi trám chảy ròng ròng - những giọt mồ hôi có thể khiến viên ngự y phải giật mình nếu được chứng kiến. Thế rồi Louis XIV lên tiếng dứt khoát:
- Thôi được rồi, ông muốn về hưu phải không? Ông muốn từ chức phó quan ngự lâm quân phải không?
- Tôi xin thành khẩn để chiếc áo ngự lâm dưới chân Hoàng thượng.
- Đủ rồi. Ta sẽ ra lệnh tính tiền hưu cho ông.
- Muôn nghìn đội ơn Hoàng thượng.
Louis cố gắng một lần chót:
- Thưa ông, chắc ông sẽ mất một chủ nhân tốt.
- Thưa, tôi tin chắc như thế.
- Ông có chắc tìm được người như thế để phục vụ không?
- Ồ tôi biết rằng Hoàng thượng là kẻ độc nhất trên đời này cho nên tôi sẽ không phục vụ ông vua nào khác và chẳng có chủ nhân nào khác ngoài Hoàng thượng ra.
- Thế à?
- Xin thề với Hoàng thượng như thế.
- Ta ghi nhớ lời ông.
D'Artagnan nghiêng mình cảm tạ. Nhà vua nói tiếp:
- Và ông cũng nên nhớ rằng ta có trí nhớ tốt.
- Vâng. Nhưng tôi cũng xin Hoàng thượng quên những phút giây này đi, quên những điều khốn khổ tôi vừa trình bày xong với ngài. Hoàng thượng cao cả trên mọi kẻ khốn cùng, hèn mọn, cho nên.
- Ta đây, như mặt trời, thấy hết cả lớn lẫn nhỏ, cả giàu lẫn nghèo, chiếu sáng người này, sưởi ấm người khác, mãi mãi trên đời này. Thôi, ông được tự do rồi đấy. Ông d'Artagnan ạ.
Nhà vua nấc nghẹn một tiếng trong cổ họng, bước nhanh vào phòng bên cạnh.
Và d'Artagnan nhặt chiếc nón mà ông vừa ném lên bàn bước ra ngoài.