Đi là về

Cái sướng của người đọc du ký là mình chẳng phải đi đâu, cứ ngồi một chỗ (hoặc trùm chăn, nếu là mùa đông) mà cũng biết được khối chuyện thiên hạ, từ chuyện lạ tới chuyện quen cứ như mình đang phất phơ ở những trời ấy biển ấy đất ấy, gặp những người ấy. Hồi xưa mấy nhà thám hiểm, mấy ông cố đạo đều từng viết du ký, trước để cho vua đọc, sau để thần dân cùng đọc, cùng sướng (hay cùng khổ). Bây giờ thì bạn đang có trên tay một tập du ký, tập Ký sự đi tây của anh chàng Đỗ Khiêm. Anh chàng Khiêm này không phải nhà thám hiểm, cũng không phải cố đạo, những cái “sự” trong tập ký của anh chỉ là những chuyện linh tinh, lòng vòng, có vẻ như không quan trọng gì, ấy vậy mà đọc thấy sướng, nhất là với người chưa được sang Pháp, chưa một lần đến Paris như tôi. Từ chuyện cái khăn vuông Hermès, mốt thời trang của các cô gái Pháp mà bà bác của tác giả lại “sáng kiến” may thành cái bao lót chân mùa đông ngủ cho ấm, từ cái cầu vệ sinh công cộng mang tên Decaux tới chuyện hót phân chó trên đường phố Paris, từ cửa hàng Tati chuyên bán “xon” quần áo, tới anh người máy Situ lịch sự chỉ đường cho du khách, chỉ cặn kẽ hơn cả cảnh sát; những chuyện hay hay vui vui như thế cứ được kể một cách lẩn mẩn, cà rà, với một nụ cười, hiểu là giễu cũng được, hiểu là hóm cũng xong. Đỗ Khiêm là một người viết ký có giọng, cái giọng khề khà, cà rỡn của anh nó tự nhiên chứ không phải do anh làm dáng hay uốn éo. Tôi chúa ghét những người văn chương uốn éo, những vị hay trình diễn thời trang (khỏe đẹp) trong văn. Đỗ Khiêm không thuộc diện đó. Giọng của anh là do cách nhìn cách cảm cách nghĩ cách liên tưởng của anh mà có, nó chọn cho anh được một cách dẫn dắt các câu chuyện thật tự nhiên và đậm vị. Chẳng hạn, đây là đoạn tác giả chơi nghịch, hỏi ông người máy Situ cách đến nhà người yêu cũ bằng năm cách đi như sau: “Năm phút sau tôi lại tần mần cả năm tờ giấy chỉ đường ở trên tay do anh Situ trao tặng. Tôi xin lỗi là đã làm phiền máy. Tại hỏi chơi cho biết chứ người yêu cũ có cách nào mà đến được và hiện đại thì hiện đại, Situ không tài nào chỉ nổi. Tình nhân mới, may ra còn nhờ máy Minitel được, chứ tình nhân đã cũ rồi thì máy nào cũng phải chịu thua”. Những nhận xét vừa bất ngờ vừa có duyên như thế có nhiều trong tập sách này, có giòn tan như những miếng bánh mỳ baguette hay bánh sừng bò (croissant) đặc biệt Pháp và nướng chín kỹ. “Theo tôi nếu ở Pháp mà nói đến những cánh tay tròn trịa lẳng túi Vuitton là chẳng biết gì. Ở Pháp, không có cánh tay nào lẳng hơn những cánh tay đeo giỏ bánh mỳ”. Dĩ nhiên là cánh tay ấy thơm thơm mùi bánh mỳ căn bản và nó cũng đẹp một cách căn bản, không kiêu kỳ bắc bậc gì. Du ký, cái thể văn vừa bình dân vừa có văn hoá cao ấy, hình như thích hợp với Đỗ Khiêm; ta thấy anh tung tẩy trong nó khá thoải mái, lúc đi lúc đứng lúc tạt ngang, chuyện kèo néo qua chuyện cột mà người đọc không bất mãn, vẫn vui lòng theo anh để cùng “du ký”. Có thể Đỗ Khiêm còn là một nhà thơ. Một khi nhà thơ viết ký hay có thói lan man nhẩn nha đáng yêu, đằng nào rồi cũng tới đích, vội gì, mà có vội cũng không được nào, văn chương là chuyện dài dài, chuyện đời người, chứ đâu phải một sớm một chiều, ăn sống nuốt tươi mà xong. Chuyện văn chương cũng trùng với chuyện thưởng lãm cái đẹp, du khách phải đi tới đi lui, nhìn ngang nhìn ngửa, chọn nhiều góc độ để chiêm ngưỡng thì cái đẹp mới lộ dần ra. Tôi chưa được đi Tây (nghĩa là sang Pháp), nhưng hồi xưa qua những du ký của Ilia Êrenbua, của Pauxtôpxki, tôi đã mê Paris, một Paris hơi sương mờ lãng đãng như tranh ấn tượng, một Paris hơi cổ kính và đầy văn hoá. Sau đó, tôi lại đọc tiểu thuyết “Thao thức” (Bécxônnhítxa - nghĩa đen là - “Chứng mất ngủ”) của Alếcxăngđ Krôn, nhà văn Nga, lại được gặp gỡ một Paris khác, hiện đại hơn với Folies-Bergère, với Crazy Horse, với sex-shop. Các show-sex này dưới mắt một nhà văn Nga có văn hoá và không định kiến, không mặc cảm, hiện ra cũng không lấy gì đáng kinh sợ cho lắm. Bây giờ đọc KÝ SỰ ĐI TÂY của Đỗ Khiêm, cũng thấy sex-shop, dưới mắt nhìn của một người du lịch văn hoá, vấn đề này hiện lên cũng chừng mực, không đến nỗi làm ta phải rùng mình vì “chủ nghĩa tư bản thối tha rẫy chết”, nhưng cũng không đến nỗi khiến ta mất ngủ, như khi đọc một số tác phẩm của một số nhà văn mình. Họ tả thực tận tình quá, nhiệt tâm quá về một chuyện đúng là “xưa như trái đất”.
Có thể gọi cuốn du ký này là “Paris mười bảy chặng” cũng được, từ lúc ngửi thấy cái mùi Pháp ở phi trường LAX, đến đoạn kết lấy hai câu thơ Garcia Lorca:
“Dẫu ta thuộc hết đường hết lối
Chẳng bao giờ tới được Cordoba”.
(Hai câu này, tôi (Th.Th.), lấy theo bản dịch của Hoàng Hưng), thì người đọc có thể ngả người, khà một tiếng: “Paris là thế, Tây là thế!”. Kiếm được tiếng khà ấy của người đọc, kể như người viết ký đã hoàn thành nhiệm vụ. Mười bảy chặng du hành, mười bảy khoảnh khắc, mười bảy đoạn phim vừa lướt qua. Có điều, qua mười bảy đoạn văn Việt rất sinh động ấy, thấy còn hơi nhiều những chữ tiếng Anh, tiếng Pháp xen vào. Điều này làm người đọc sực nhớ tác giả là một Việt kiều, thường xuyên cư trú tại Mỹ và Pháp. Những chữ tiếng Anh tiếng em này, phải hồi trước thì thấy cũng mệt, nhưng bây giờ, với phong trào ngoại ngữ đang dấy lên khắp ba miền Nam Trung Bắc, mạnh mẽ như phong trào đuổi chim sẻ ngày xưa bên Trung Quốc, thì hoá ra cũng hay hay. Các bạn độc giả có dịp trau dồi thêm ngoại ngữ mà mình đang theo đuổi, với những hy vọng mơ hồ... Ở Pháp có món chim sẻ rán không nhỉ?
Quảng Ngãi, giữa Đông 93
Thanh Thảo