Văn minh quày quán

Cái khoảng từ năm đến bảy giờ tối ở những quán café thuộc những nơi cư ngụ là cái khoảng dành cho diễn đàn thời luận. Quán café ở nơi cư ngụ khác quán café ở chốn ăn chơi ở chỗ ẩm khách đều là những người quen biết. Đây là quán nước gần nhà mỗi chiều mỗi ghé trước khi ăn tối, trước giờ thông tin truyền hình thường nhật và hạnh phúc mái ấm gia đình. Café cư ngụ là nơi thứ Tư ghé ngang qua để đánh Loto, là nơi Chủ nhật đến để bàn cá ngựa, là nơi mua bao thuốc mỗi ngày. Nhưng không phải café nào cũng là Tabac bán thuốc, café nào cũng có PMU (Pari Mutel Urbain) cá ngựa cho nên nhiều người có khi phải ghé cả ba nơi trước khi về được đến nhà. Nơi đầu, uống ly bia, nơi thứ nhì uống ly pastis, nơi thứ ba uống ly rượu vang. Thường thì người ta uống đứng ở quày, nói dăm ba câu chuyện với anh hàng nước, bà chủ quán và người đứng cạnh. Uống đứng nó không có vẻ lê la, uống ngồi ở những nơi này dành cho tình nhân, (thay vì gọi điện thoại ba tiếng đồng hồ liền cho nhau như ở Mỹ, tình nhân ở bên Tây rủ rê nhau ra ngồi café mà tỉ tê). Ngoài ra uống đứng còn có cái lợi khác là giá được chính phủ ấn định, ở đâu cũng thế, ba quan rưỡi một tách expresso thí dụ, trong khi uống bàn, uống hàng hiên tuỳ nghi của quán, muốn tính thế nào cũng được, năm quan ở một nơi bình thường, có khi hai mươi quan ở chỗ người ta lượt là qua lại. Nhưng vấn đề chẳng phải là sự khác biệt mấy đồng, ở café chòm xóm, uống đứng là dân chủ, là phát biểu mạnh dạn trước cộng đồng, là lương thiện và dõng dạc, quày café như là forum nghị hội ngày nay của những công dân tự do của đô thành (cité). Dân lành chính thức, nghĩa là những người hiện diện đều đặn trong quán đã được một thời gian, từ vài ba năm nay hay là từ sáu bảy tháng, được đóng vai “sang tộc” (patricien) đường hoàng, còn khách đi ngang hay những người thập thò mặt còn mới lạ chỉ được làm “tiện dân” (plébéen) đứng nghe gật gù mà không có quyền phát biểu.
Kẻ tay không và người đeo kiếm, thật ra thì cái văn minh quày quán, nền dân chủ tựa “zinc” (nhôm lót mặt quày) ở Pháp không đến nỗi khắt khe. Khỏi cần thi quốc tịch, không cần thề thốt đá trăng với hiến chương Đệ Ngũ Cộng hoà để mà hội nhập. Hiểu biết qua loa về khí tượng, trời nắng trời mưa thuộc tên vài con ngựa và tên vài tay nài là đủ để tham dự vào một cách tích cực. Đứng tựa quày cầm ly blanc sec người Âu, người Phi, người Á, kẻ khề khà cái giọng ngoại ô Paris bình dân, người bập bẹ tiếng lai miền lục địa Ấn, trước kết quả xổ số loto mọi người đều bình đẳng. Có khi câu chuyện chính trị trở thành gay gắt nhưng consenscus ở ngoài bar bao giờ cũng là mọi người đều “con” hết, chính phủ đang cầm chính “con” nhất nhưng mà đối lập cũng “con” luôn (“con” là chữ thông dụng trong tiếng Pháp hàng ngày, nghĩa đen xuất phát từ chỗ kín của cơ thể phụ nữ và nghĩa thường có thể dùng để diễn tả mọi sự không được hoàn toàn. Triết lý café tựa chung ở một câu buông thõng trống không như “Ben, c’est con” để không nói về gì hết và nói về tất cả, tóm tắt tuyệt vời cái tương quan nhân sinh và vũ trụ - weltanschauung - giữa trầm luân và chaos không ngừng nghỉ mệt).
Câu chuyện ở quày quán không phải lúc nào cũng là chuyện tầm phào như thế. Paris nhiều café, nếu mang điển tích ra mà kể thì làm sao xiết. Ở đây, đường Delambre vào thập niên hai mươi anh Hai Ernest (Hemingway) làm quen với Gatsby Đại huynh, bên kia Montparnasse, trước Đệ nhất Thế chiến, Léger và Soutine từng ngồi đợi Modigliani “Sao Chagall bữa nay không đến?”. Có quán ở gần Grands Boulevards bày viên đạn bắn vào lãnh tụ Jean Jaurès, có quán ngay Petit Clamart còn di tích của đạn bắn hụt lãnh tụ Charles De Gaulle. Bàn đá hoa thế kỷ mười chín hay bàn formica của thập niên sáu mươi, trang trí nouveau classique hay post-moderne, lừng danh thế giới hay tối tăm ngõ hẻm thì cũng thế, café ở Paris là nơi gặp gỡ và trao đổi. Có nơi thanh lịch nhà triết gia nhanh trí này uống xong cốc nước đã đánh cắp được cả quyển sách sắp ra của nhà triết gia thời trang kia như chuyện mới xảy ra gần đây, có nơi lụp xụp tôi và anh lương thiện bàn luận về chương trình truyền hình tối nay. Dĩ nhiên, nếu bạn muốn uống Rum St James ở quán gần nhà Gertrude Stein cũ cũng được (cạnh vườn Lục Xâm), hay ra Deux Magots kề cận với du khách Nhật để hồi tưởng Balzac mặc dù ngày nay không còn bán rượu absinthe. Tôi dạo trước, lúc còn chưa chịu được rượu, đã có lần ngồi Dôme gọi Gin tonic, đợi người bồi quay lưng đi đổ hết Gin vào lon đá để uống tonic xuông cho người dễ chịu. Dần dà hơi men rồi tôi cũng dạn, giờ tôi ra quán gần nhà nhất để uống Panaché bien blanc (ít bia và nhiều limonade) nghe dăm ba câu chuyện chẳng có gì là văn học nghệ thuật và lắc vài bàn tin. Bỏ đồng cắc vào juke-box (1), mươi năm trước có bài hát của Renaud:
“Andy Warhol
À la Coupole
Peint les Gambettes
De Mistinguett...”
(Andy Warhol
Ở hàng Coupole
Ngồi vẽ cặp chân
Nàng Mistinguett...)
La Coupole, Le Dôme, Lipp, Les Deux Magots, Le Select, Le Café de La Paix v.v... và những quán Café “généric” không tên tuổi, Café du Départ, de I’Arrivée, ở mỗi tỉnh trước mặt nhà ga (Café de La Gare) hay trước trạm métro. Bỏ đồng cắc vào juke box bây giờ có bài hát của Souchon:
“Le soir dans les bars le cafard se flingue au pastis
On rêve mal de choses infernales
Les cheveux plastifiés de Victoria principal...”
(Tối trong tiệm rượu diệt cái buồn bằng ly pastis
Mê tưởng chán chường những chuyện tà gian
Mái tóc bọc nhựa của Victoria Principal...)
Victoria Principal (đào thương trong phim bộ Dallas) ngày nay nổi tiếng hơn là Mistinguett tuy là café La Coupole bao giờ cũng nổi tiếng hơn café “généric” ở ngoại ô. Nhưng chẳng biết được ngay cái quán gần nhà tôi ở miệt Đông Nam chẳng hạn, cũng có thể tìm ra dấu vết của đảng cướp vô chính phủ tung hoành vào thời Bell Epoque, nửa thảo khấu nửa hào kiệt, La Bande à Bonnot. Trong cái băng được dân gian huyền thoại hoá ngày ấy, nhà thơ Octave Garnier chưa thành danh về thi ca thì đã bị cảnh sát bắn chết, một người khác vào tù, sau khi được thả hoạt động cách mạng và viết lách, về già ai cũng biết, là Victor Serge. Đó là tôi nói về Nogent sur Marne. Đi qua bên kia bờ sông (Marne) đến Champigny (sur Marne), vào quán khác, có người bảo “Mày biết không, trước Đệ nhị Thế chiến, Pierrot le Fou thường đến đây”. Pierre le Fou cũng là một thứ cướp ngang tàng, lái xe traction tay cầm tiểu liên, lưu danh hậu thế ở những ngoại ô đìu hiu. Thì ra dân gian cũng có những anh hùng của họ, những tay anh chị tài hoa vào cái dạo trước khi truyền hình cả ngày lẫn đêm trong từng nhà chớp nháy.
Ngày nào đó, có lẽ cái văn minh hàng quán sẽ suy đồi như đế quốc La Mã, người ta sẽ thôi ra café mà đóng cửa nằm nhà mê mẩn đài này đài kia -Đêm trầm nhạc dế đêm mông lun
...Thơm nồng mùi tóc Connie Chung..
. như bài thơ tôi đọc được ở Mỹ đã bắt đầu cho thấy). Nhưng hiện giờ, cám ơn mọi người, nó vẫn sung sức mặc cho các tài tử hay anchorwoman xịt thuốc khử trùng lên tóc. Người ta vẫn đứng quày café rất đông tuy là nhân vật đứng quày café điển hình đã được hiện đại hoá. Người Pháp ngoài quán ra không còn là cựu chiến binh 14 - 18 đầu đội béret nữa (giống như trong quảng cáo nước suối Perrier ở Hoa Kỳ) mà được thay thế bằng nhân vật “Beauf” của hoạ sĩ Cabu. Beauf, từ chữ “Beau Frère” (anh, em rể) trong thập niên này tượng trưng cho người Pháp trung bình, cựu chiến binh Algérie mắt lồi, có râu và có bụng, vững niềm tin tuyệt đối vào những giá trị chân truyền như rượu nho và hội túc cầu Olympique de Marseille, bà nhà tôi và xe hơi hiệu Peugeot. Thật ra thì người “Beauf” ở đâu cũng có, không cần phải sang Pháp ra café đầu hẻm mới được chiêm ngưỡng dung nhan. Ra café Bolsa ta cũng thấy được tuy là hình thái có hơi đổi khác và Beauf tị nạn có khi còn biết cả làm thơ như đã dẫn (Dân tộc Việt Nam là dân tộc thi sĩ thì Beauf Việt Nam có làm thơ cũng chẳng gì lạ).
Câu chuyện giữa các Beauf ở quày quán vào cái màu sương mù nhưng ấm hơn thường lệ năm nay đang sôi nổi về vấn đề nhà ngục. Mỗi tối thời sự truyền hình cứ cho coi cảnh cai tù đánh nhau với cảnh sát, hiến binh lưu động ai mà chẳng thích. Cai tù thì cũng là người, có vợ có con, có tiền nhà trả góp nên họ đang làm reo vì nghề nghiệp đang bị đe doạ. Ở Pháp, hiện chỉ có 32000 chỗ cho người nằm ấp mà dân số bóc lịch lên đến 45000. Thay vì xây thêm tù để cho người gác còn có việc thì bản phúc trình của dân biểu (thân chính) Bonnemaison lại đề nghị giảm bớt số phạm nhân bằng đủ cách. Thí dụ bắt những người tội nhẹ tham gia vào những việc lợi ích chung, quản thúc tại gia những người mang án ngắn hạn, tăng việc giảm án cho những thành phần hạnh kiểm tốt. Những vấn đề này nếu đem ra áp dụng, về lâu dài nước Pháp có trở thành thái bình thịnh trị như đời Nghiêu Thuấn hay không thì chưa ai biết được. Người vào tù trước giờ chẳng mấy ai chừa được tật cũ, thường ở tù ra thì lại ưa tái phạm nặng hơn nên không phải là cái ông Bonnemaison này không có lý. Phương pháp “nhẹ” này có làm tăng số người hoàn lương lên tôi không muốn cãi, chỉ biết nó trước tiên giải quyết được một phần vấn đề chật chội ở trong các đề lao (Để so sánh, tiểu bang Cali hiện cũng đang có vào khoảng ấy tù nhân với một dân số chỉ 35% dân số Pháp. Nhưng ở Mỹ, cái gì cũng lớn hơn ở Âu Châu nên chẳng thể nào so sánh được). Đằng nào thì không phải trẻ em nào cũng trở thành thần đồng điện toán được, không phải thanh niên nào cũng thành thiên tài thị trường chướng khoán một cách dễ dàng (nhất là sau cái Krach quốc tế cách đây hai năm). Có đứa thiếu tưởng tượng không ngồi nhà viết program cho vidéo game mà lại ra đường hút xì ke với bạn, có người không raid được corporation(1) phải cầm nhầm BMW bỏ túi để giật le với đào. Những kẻ này, nhà đã không dậy được thì bản phúc trình Bonnemaison bảo đừng nên để cho bọn cướp của, giết người trong đề lao nó dậy, giam chung vào với những tay anh chị họ chẳng tử tế được hơn, lại còn tốn tiền nhà nước... trả cai ngục. Và dĩ nhiên là giới cai ngục không đồng ý, quyền lợi họ bỏ đâu, họ doạ đình công ngay, tụ họp trước các cửa nhà lao hò hét đòi làm loạn. Cai tù làm loạn, âu cũng là cảnh hiếm có nên mọi người đều bàn tán. Nhưng bản đề nghị Bonnemaison còn có một điểm tuy phụ trội thôi cũng đủ làm quần chúng xôn xao.
Một trong những thành kiến được Beauf ưa chuộng nhất vào giờ apéro là nhà tù ở bên Tây sướng quá. (Ừ, nếu không sướng sao tỉ số tái phạm lại cao đến thế, rời ấp ra người nào cũng muốn vội trở lại). Huyền thoại kể rằng nhà tù ở Pháp thuộc hàng ba sao, nghĩa là tương đương với khách sạn loại trung lưu. Tôi nghe nói thế, tuy tôi mới chỉ ở được khách sạn hai sao thôi ở ngoài đời, tôi cũng không vội gì vào Khám Trung ương Melun hay Fleury-Mérogis để mà kiểm chứng. Nhưng ở quày café, cụng ly rượu đỏ, cụng ly rượu trắng, các vị công dân gương mẫu đang đợi vợ làm xong cơm chiều thường ưa quả quyết với nhau như vậy. Nhà tù ở bên này hàng ba sao, còn có cả truyền hình cho chúng nó xem Dallas, thảo nào xã hội không càng ngày càng tệ. Ấy, cứ như thời Hitler, đem bắn hết là xong, của rơi ngoài đường không ai nhặt. Tôi xin lỗi, cái luận điệu này tôi thấy hơi cực đoan, chẳng khác gì trẻ em đêm cứ khóc, cầm búa đập vào đầu nó mấy cái mạnh mạnh coi nó có nín ngay không. Vâng, đã sướng thế, có truyền hình cẩn thận để xem đá bóng, vậy mà bạn biết Bonnemaison còn đề nghị gì không? Thành lập trong các nhà tù những “căn phòng tình ái” để thỉnh thoảng tù nhân còn được chồng, vợ, bạn trai, bạn gái phía bên ngoài đến thăm qua đêm.
Cái chuyện ái tình ở ngoài đời đã là hấp dẫn, dĩ nhiên ở tù nó lại càng nồng nhiệt. Đã khách sạn ba sao thì chớ, lại còn cho cả phép dẫn đĩ vào. Đây chẳng thiệt thòi gì cho tương lai người làm nghề gác ngục nhưng quần chúng quày bar lại lấy cái điểm này làm đề tài chính để mà sôi sục. Người lương thiện đã phải chia sẻ Victoria Principal với bọn đầ!!!8198_18.htm!!! Đã xem 28498 lần.

Đánh máy & Hiệu đính: Nguyễn Học
Nguồn: NXB Văn hóa thông tin 2003
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 7 tháng 9 năm 2006