Tháng Năm 1979. Chúng tôi đến vùng ngoại vi của trại New Camp vào cuối buổi chiều. Ánh nắng bớt gay gắt cho chúng tôi được một chút thoải mái. Trước mặt chúng tôi, ở giữa rừng, là những túp lều lợp bằng cỏ khô, không có cửa, dựng sát vào nhau giống như những cây nấm mọc dưới tàn cây lớn. Mẹ của Srey dẫn tôi đến lều của con gái Om, người mới đến ở trại này với chồng. khi chúng tôi đến chiếc lều bằng vải màu ngụy trang, mẹ của Srey gọi lớn, tay đập đập vào vách vải. Sau vài phút, con gái của Om, mà tôi gọi bằng chị, chui ra khỏi lều. Chị cao, mảnh khảnh, với làn tóc đen xoăn xoã xuống ngang cằm. Mặt chị cũng sáng như tôi. "Cô có thấy chị và anh của nó quanh đây không? Họ rời khỏi Sala Krao trước đây hai ngày". Mẹ của Srey nói với chị. "Không ạ, chồng cháu và cháu không hề thấy họ", bang nói, trán hơi nhăn lại. "Tụi cháu có buôn bán với người Thái nhưng cũng không thấy họ ở đó". Mẹ Srey hỏi tôi có ở lại với họ được không cho đến khi tôi tìm thấy anh Than và chị Ra. Hai vợ chồng đồng ý và bảo đảm với bà rằng họ rất hoan nghênh tôi ở chung. Mệt nhoài, tôi để mặc cho họ nói chuyện với nhau. Tôi ngồi bệt xuống đất trong khi họ tiếp tục nói. Điều kế tiếp tôi biết là chị dẫn tôi đến một cái lều khác của chị để tôi ngủ, tách biệt với khu của chị và chồng chị. Chị hỏi tôi có muốn ăn chút gì không, tôi lắc đầu rồi nằm dài xuống tấm chăn trải trên nền đất. Có tiếng rì rầm rồi tiếng nổ nhẹ. Tôi bật dậy, ngồi giữa một chỗ tối thui và hâm hấp nóng. Rồi tôi sờ soạng ra khỏi, mò qua một bức tường gồm nhiều lớp màn, tôi đến chỗ bang và chồng chị ngủ - nhưng họ đã đi đâu mất rồi. Gần lối vào lều có tấm vải mở một nửa, ánh nắng dọi vào, chiếu trên một đĩa cơm, một miếng cá nướng, một chén nước chấm chua ngọt trong có các lát hành xắt mỏng, tỏi băm và ớt đỏ tươi xắt mỏng cùng với đậu phụng nghiền. Miệng tôi trào nước bọt. Tôi hít mùi thơm một cách thèm thuồng. Bụng tôi trống trơn, đã hai ngày nay chỉ toàn uống nước cho nên tôi nuốt hết mọi thứ trong chớp mắt. Cơm, cá, nước chấm thật ngon. Thứ nước sốt đậm đà mà tôi ngạc nhiên được ăn ở đây, kéo tôi trở lại cái thời nhà tôi còn ở Phnom Penh hay Takeo. Ước chi mình được ăn thứ này cùng với cha mẹ và các anh chị em như ngày xưa. Nhưng không còn có thể được nữa. Tôi ở đây một mình, không có anh hay chị bên cạnh. Một ngày rồi bốn ngày. Tôi vẫn không thấy anh Than hay chị Ra mặc dù tôi đã lùng sục khắp trại, đi qua các quầy bán nhiều thứ thực phẩm khác nhau. Chuối khô, khoai, cháo, rau quả và thịt – một cái chợ tạm bợ, hấp dẫn và còn hối hả, nhộn nhịp hơn cả sức tưởng tượng của tôi. Khi tôi quay trở lại về lều của bang, chấm dứt một ngày tìm kiếm vô ích, có tiếng ai đó hối hả gọi tên tôi. Tôi ngừng lại, quay lui, cố tìm tiếng gọi trong đám đông người đang đi lại vội vàng. Cuối cùng ở phía bên trái gần một bụi cây nhỏ, bên cạnh dãy lều, hai bàn tay đang rối rít vẫy tôi. Tôi nhìn người đàn bà đang giơ cả hai tay vẫy loạn lên. Tôi bước đến trước mặt bà. Bà hỏi "Cháu không nhận ra cô hả?" Tên bà là Sitha, một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn, có lẽ ngoài ba mươi. Giọng bà nhẹ nhàng, dễ mến. Bà nhắc cho tôi nhớ chúng tôi đã gặp nhau ở Korkpongro, một ngôi làng ở đó chúng tôi lần đầu nghe thấy tiếng súng của Khmer Đỏ ngay sau khi rời khỏi Daakpo. Bà nói chắc tôi còn nhớ cha bà. Bà chỉ căn lều nơi bà ở, chỉ một người đàn ông vẻ thân thiện, đạo mạo mà bao giờ tôi mới nhận ra được. Tôi còn nhớ lúc đó tôi đã cầu nguyện thật nhiều khi ở Korkpongro. Có lẽ những lời cầu nguyện đó đã được chứng giám cho nên bao giờ chúng tôi mới ở đây, được gặp nhau lại. Và điều không dám tin là bà đã thấy chị Ra và anh Than. Bà tình nguyện dẫn tôi đến nơi họ ở. Chúng tôi đến gần một túp lều lợp cỏ vàng nằm gần một mô đất có hai cây lớn. Cô Sitha chỉ căn lều nơi chị Ra và anh Than ở đó. Mỉm cười cô giã từ tôi, để tôi đứng lại đó với nỗi hồi hộp sắp được gặp anh chị mình. Tôi hình dung ra họ ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy tôi, đứa em gái nhỏ của họ, đứng trước mặt. Khi tôi đến trước căn lều không có cửa, tôi thấy một người phụ nữ mặc áo màu xanh sáng và váy in hoa đang ngồi trên một tấm nệm, quay lưng lại phía tôi, mải mê làm một việc gì đó. Đây đâu phải là lều của họ, tôi thất vọng nghĩ. Tôi vội vã chạy lui lại chỗ tôi và cô Sitha chia tay nhau, tính bảo rằng cô đã chỉ nhầm chỗ, nhưng cô Sitha đã đi đâu mất rồi. Quay trở lại căn lều, tôi quyết định hỏi thăm người phụ nữ này xem có biết anh Than và chị Ra ở đâu không. "Xin lỗi chị cho em hỏi". Người phụ nữ quay lại. "Trời ơi chị Ra! Thế ra là chị!" Tôi cười vang, ngạc nhiên và hạnh phúc khi thấy cuối cùng đó là chị tôi. Cười rạng rỡ, chị đứng dậy khỏi tấm nệm "Em đến đây khi nào vậy? Em đi với ai?" Không nghe chị hỏi, tôi bận nhìn chị từ đầu đến chân. Nhìn làn da sáng, khoẻ mạnh của chị. Nhìn cặp mắt chị. Chúng hạnh phúc, đầy sức sống. Cuối cùng tôi mới tìm ra từ ngữ để diễn tả chị trông khác trước như thế nào kể từ khi tôi trông thấy chị cách đây một tuần. "Chị Ra", tôi cười hớn hở nói, "Chị thật vững vàng. Chị có da có thịt. Nước da chị trông đẹp quá. Chị giống Koon chen (người có giòng máu Trung Hoa)". Chị Ra cười toét miệng, với tay năm lấy tôi, chị không nói gì trước lời nhận xét thật thà của tôi. Tôi ngồi bên cạnh chị trên tấm nệm và chị kể cho tôi nghe anh Than cố đi mua hàng của những người Thái đem về bán cho những người Cambodia. "Anh ấy không sợ sao?" Tôi nhíu mày. "Em nghe nói rất nguy hiểm. Lính Thái bắt người Cambodia tra tấn, đánh đập. Chuyện đó có thật không, chị Ra?" "Ừ, có những lính Thái đi tuần, chị cũng nghe thấy vậy. Nhưng rồi em phải biết, khi đi buôn với các người buôn bán Thái," Chị Ra giải thích, chị cũng không chắc lắm. Rồi đột ngột mặt chị sáng lên, rạng rỡ "Athy ơi, ở bên đó, nếu em có tiền Thái hay có vàng, em muốn mua thứ gì cũng có. Họ có đủ thứ. Dứa này, bò này, gà này, kem này. Mọi thứ. Tất cả mọi thứ mà em muốn ăn đó". Rồi chị cười hài hước "Tất cả những gì em cần là tiền". "Hèn chi chị có da có thịt ra". Nhẹ nhõm và vui sướng, tôi cười luôn miệng với chị Ra. Kể từ khi Khmer Đỏ cầm quyền, chưa bao giờ tôi cười nhiều với các anh các chị tôi như thế này. Nhưng hôm nay chúng tôi cười nhiều đến nỗi hai gò má và bụng đau thắt. Mặt tôi ấm lên, tinh thần rất thoải mái. Sau đó tôi đến chỗ bang và chồng chị cho họ biết tin tôi đã tìm được anh chị tôi. Họ nhẹ nhõm khi biết tôi đã tìm ra chị Ra. Khi tôi quay trở lại lều chị Ra, anh Than đã ở đó, mỉm cười, vui sướng thấy lại tôi. Ngồi bên cạnh lều, có một người mà chị Ra đã từng nói với tôi, từ tỉnh Kompong Champ đến. Đó là một người đàn ông da sậm, người tầm thước, hàng lông mày dài và rậm. Anh ta tên là Vantha, có biệt danh là Preag. Anh đã đi từ Kompong Cham đến làng Sala Krao cùng với vài người nữa. Chị Ra nói, tất cả những người kia đều đã trở về, ngoại trừ anh ta. Đang suy nghĩ cảnh chị Ra bất tiện như thế nào khi chung quanh toàn là đàn ông, tôi ngạc nhiên thấy Vantha được phép ở lại đây. Nếu như Pa hay Mak còn sống, không bao giờ họ chấp nhận cho một chuyện như vậy. Nhưng bây giờ, ai dám nói rằng người ta phải tuân theo truyền thống văn hoá khi mà mọi sự đã thay đổi đến vậy? Điều tôi quan tâm nhất là làm sao tồn tại ở trại này. Khi anh Than và Vantha đi mua hàng của người Thái, tôi nói chuyện với chị Ra về việc bán thực phẩm. Tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ liều thân đi vào đất Thái để mua bán. Chị bác ngay ý kiến đó và đề nghị tôi đưa số vàng mang theo cho Vantha. Chị giải thích rằng chúng tôi không thể sống mà không dựa vào lợi tức của Vantha và sự mua bán của anh Than. Nhìn vào mắt chị, tôi biết rằng chẳng có gì để tranh luận với chị được nữa. Một lúc sau tôi chấp nhận đề nghị của chị Ra và hy vọng rằng cả tôi nữa cũng có thể dựa vào sự buôn bán của anh Than và Vantha – với số vàng làm vốn của tôi. ° Anh Than và Vantha lao vào một công cuộc kinh doanh mới. Sau bữa ăn, hai anh đi ra ngoài lều kiếm khách và đưa về cho chúng tôi. Họ là những người trung gian. Đổi tiền Thái cho chúng tôi lấy vàng, sau đó chúng tôi đổi tiền này với một hối suất cao hơn với những người buôn hàng chuyến dùng tiền này mua hàng hoá đem về lại tỉnh mình. Tôi đảm nhận vai trò xem xét vàng có thật không và cân vàng bằng cái cân đồng nhỏ của mình. Chị Ra và anh Than bảo với Vantha rằng tôi rất giỏi trong việc phân biệt vàng hai mươi bốn cara với các đồ kim hoàn giả hay những vật không phải là vàng. Tôi đã học được từ các nhà buôn khác cũng như từ sự quan sát của chính tôi, dựa theo trọng lượng và màu sắc của vàng. Khi có sự nghi ngờ, tôi đã học được cách đặt miếng nữ trang hay vật kim lọai được gọi là vàng đó vào than hồng trong bếp hay trước ngọn lửa cháy bằng nhiên liệu nhẹ. Nếu là vàng thật, màu vẫn vàng sáng như trước. Nếu không phải, nó sẽ chuyển thành màu đen. Cho đến lúc đó, chưa có ai lừa đảo tôi được. ° Vài ngày sau tôi nhẹ người khi nghe anh Than tình nguyện đi ngược trở về Sala Krao để đem chị Ry và Map đến đây. Trong lúc đó, nếu trại phải rời đi Thái Lan trước khi anh trở lại, anh nhấn mạnh, rằng tôi và chị Ra phải ở lại đây để chờ. Khi anh Than đi rồi, chị Ra tâm sự với tôi rằng chị và anh Vantha sẽ quyết định lấy nhau khi đến trại mới. Chị nói "Anh ấy nói nếu chị không lấy anh ấy, không yêu anh, anh sẽ trở về Kompong Cham với cha mẹ. Nếu không có anh ấy, ai sẽ lo cho chúng mình? Người lớn thường nói rằng cần phải có một người đàn ông để gánh vác gia đình. Chị muốn em ở lại với chị đến khi chị và anh ấy lấy nhau". Đến đêm anh Than về, vác Map trên vai. Map quàng tay quanh cổ anh, có vẻ sắp tuột tay bất cứ lúc nào. Anh Than nhấc Map lên và đặt xuống nệm bên cạnh chị Ra và tôi. Map yên lặng, không có một lời phát ra từ miệng nó. Nó ngồi yên, cặp mắt buồn bã, mệt rũ. Tôi đứng dậy, nhìn ra lối đi trước lều nhưng không thấy chị Ry. "Anh bỏ chị ấy", giọng anh Than bực tức "Chị ấy chẳng mang gì mà đi chậm quá. Đi một tí lại dừng. Đi một tí lại dừng. Nghỉ, nghỉ, nghỉ…Vì đã gần đến đây nên anh không đợi chị ấy nữa". "Thế bây giờ chị ấy đâu rồi?" tôi hỏi. "Anh cũng không biết nữa. Chị ấy muốn nghỉ, thế là anh để chị ở đó. Anh phải cõng Map vì nó không đi được, mà nó thì càng lúc càng nặng. Anh rất mệt, nhưng anh phải tiếp tục đi, còn chị ấy cứ tiếp tục nghỉ…" Chị Ra lo lắng "Nó không biết đường ở đây. Đáng lẽ em nên chờ nó mới phải chứ". Anh Than ngồi xổm xuống nệm, không trả lời. Đầu anh gục xuống trên cánh tay đặt trên đầu gối. "Athy, sáng mai em đi tìm chị ấy. Em cứ nhìn quanh quẩn đường vào trại sẽ thấy chị ấy thôi". Anh Than mệt mỏi nói, giọng anh đã trấn tĩnh và có phần quan tâm hơn. Trời vừa rạng sáng, tôi đã nhỏm dậy khỏi tấm nệm. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là chị Ry. Tôi chạy đi liền, hy vọng chị chưa dậy và chưa bắt đầu đi tìm chúng tôi. Dọc theo con đường đất đầy cỏ dại hai bên là hàng cây lớn, tôi kiếm chị Ry. Tôi kiểm tra một, hai, ba lần, đi xa khỏi trại, nhưng vẫn không thấy chị. Tôi nỗ lực lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng, vẫn không thấy dấu vết gì của chị. Tôi bật khóc. Tôi bảo hai đứa con gái bây giờ thì Savorng ổn rồi. Nó sống với gia đình chúng tôi và chúng tôi đã đặt tên lại cho nó. Hai đứa kia có vẻ mừng vì gặp nó và nghe nó đã ổn định. Savorng thì chỉ đứng yên, liếc mắt nhìn hai đứa kia một cái rồi cắm mặt nhìn xuống mặt đất đầy sỏi. Đứng chờ để được phân phối nước, tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời của Savorng. Về cha mẹ đã chết của nó, về gia đình Khmer Đỏ đã mang nó về nuôi. Thật thú vị khi định mệnh đã mang nó lại cho chúng tôi, vốn cũng là những đứa trẻ mồ côi. Tôi buồn khi nghe chuyện nó, nhưng nhẹ lòng vì nó đã ở với chúng tôi, và hy vọng rằng nó cũng sẽ cùng qua Mỹ với chúng tôi nữa. ° Khao I Dang mở rộng rất nhanh. Lều mới được dựng lên để thích hợp với dòng người đổ vào đây. Về sau còn có tin đồn trong chúng tôi rằng một số lớn người dân đã bỏ Cambodia đi và hiện đang sống ở biên gíi. Tôi rằng buồn khi thấy Cambodia trở thành một cái nơi càng ngày càng ít người muốn sống ở đó, mặc dù tôi rất hiểu cái nhu cầu phải lìa quê cha đất tổ khi mà chiến tranh và áp bức đã đè nặng lên cuộc sống của chúng tôi quá lâu. Một số người không thể đợi để được mang đến Khao I Dang hay những người không có cơ may để đến đó do tình trạng pháp lý của họ khi đến được biên giới, đã trả tiền cho những người Cambodia đưa họ sang biên giới lậu. Một trong số đó là chú Aat, anh em họ của anh Vantha từ tỉnh Kompong Cham. Cứ mỗi người Cambodia nhập lậu vào trại này, phải trả một số tiền cho lính Thái gác trại. Để phụ thêm vào khẩu phần ít ỏi của chúng tôi, anh Than, lúc này đã 16 tuổi, quyết định cùng với vài người đàn ông lớn hơn đi ra biên giới và đưa người lậu vào. Sau đó anh tổ chức đường dây riêng của mình vì anh biết đường về New Camp trên đất Cambodia và đã học tiếng Thái để tiếp xúc với lính Thái. Khi anh đi lâu hơn anh dặn, tôi rằng lo lắng. Tôi tưởng tượng anh bị bắn và bị lục lấy hết tiền. Khi anh về, tôi nhẹ cả người, nhìn anh ngưỡng mộ và phục sự can đảm của anh và vì anh đã giúp gia đình có tiền mua nhiều thức ăn hơn. Sau đó khi chú Aat và anh Vantha cùng đi với anh, tôi mới yên lòng và ngủ được. Nỗ lực học tiếng Anh của tôi không ngừng lại mặc dù tôi không còn tiền để trả tiền học phí nữa. Tôi tự học Anh văn một mình. Tôi ôn lại các bài dịch từ cuốn Essential English Book 1 tôi mua được và từ cuốn tập của mình. Tôi tự tìm từ ghép thành câu rồi đọc lớn lên cho mình nghe. Tôi cũng tìm được một cách khác để học tiếng Anh nữa. Khi đi lang thang quanh trại, có một lần tôi nghe lỏm các từ tiếng Anh phát ra qua một khung cửa sổ nhìn xuống lối đi hẹp. Tôi lần theo tiếng nói và thấy bốn người đàn ông đang đứng trong một ngôi lều dài, đang ghi chép vào trong sổ tay. Nhón gót lên, tôi nhìn qua vai họ vào lớp học và thấy các chữ tiếng Anh cùng các nguyên âm được chép trên bảng đen. Dầu đã tiến sát về phía trước, tôi cũng chỉ mới nghe được các từ tiếng Anh từ miệng thầy giáo. Tôi phải tranh thủ đến sớm để giữ được chỗ gần cửa sổ để có thể nhìn thấy bảng đen, trong khi đó cũng có nhiều người khác khám phá ra chỗ này. Phần lớn là đàn ông, cũng có một vài phụ nữ, đến tụ tập phía sau chúng tôi, nhìn qua vai chúng tôi, họ chép lại từ sổ chúng tôi, và những người đàng sau họ lại chép lại từ sổ, giấy của họ. Ngày qua ngày, càng có nhiều người đến đây, làm nghẽn cả con hẻm. Cái đám đông học sinh đói chữ người Cambodia này đứng tràn ra cả con hẻm kế cận, xa đến cả trăm mét, hí hoáy ghi chép dưới ánh mặt trời chói chang. Sự hiện diện của những người phụ nữ khác ở đây làm tôi cảm thấy thoải mái hơn, ít quan tâm đến điều chị Ra, anh Than, anh Vantha có thể nói với tôi nếu họ trông thấy tôi đứng lẫn trong đám đàn ông. Chúng tôi cùng bẻ cong luật lệ của nền văn hoá cũ. Một người phụ nữ ở giữa đám đàn ông là không thích hợp, những người lớn ở Cambodia thường nói thế, và một số bà con họ hàng của tôi cũng sẽ lập lại quan điểm đó. Nhưng tôi sẽ biện hộ cho mình và nói, tôi ở đây là để tự học. Nếu người ta quan tâm đến sự không thích hợp của hoàn cảnh này, thì người ta hãy cho tôi tiền để cho tôi được ngồi trong lớp học là đúng mực nhất. Sau nhiều tuần liên lạc bằng thư từ với chú Seng ở Portland, Oregon, gởi cho chú thông tin về ngày sinh, nơi sinh của chúng tôi, chúng tôi lại được báo tin là phải dời về một trại khác, trại Sakeo II. Những người sẽ đi là cô Eng và gia đình, anh Vantha, chị Ra, chị Ry, anh Than, Map, tôi và cả Savorng, người được đăng ký là em gái của chúng tôi. Tất cả, trừ chú Aat, người anh em họ của anh Vantha. Chú đến trại sau khi bảy tên của người trong gia đình chúng tôi gởi sang Mỹ cho chú Seng làm bảo lãnh. Dù vậy, anh Vantha vẫn muốn chú Aat đi Mỹ thay cho Savorng nhưng chị Ra không đồng ý. Chị Ra nói rằng chúng ta không thể để Savorng ở đây, nó chỉ là một đứa bé mới có sáu, bảy tuổi. Mặt khác, chị lý luận, chú Aat là một người lớn, chú có thể xoay sở được. Sau này, giống như nhiều gia đình khác, chú cũng có thể làm đơn xin đi Mỹ hay một quốc gia khác như Pháp, Canada hay Australia. Chú Aat có vẻ buồn, thất vọng, nhưng chắc chú ấy hiểu cho cái khó của chị Ra, buộc phải chọn giữa chú và Savorng, người mà chị và anh Vantha đã đón vào trong gia đình chúng tôi. Chú Aat đã tỏ ra rất tử tế với chúng tôi, chia xẻ thức ăn với chúng tôi và con cho tôi tiền để tiêu. Chú nói năng rất nhã nhặn với chúng tôi, không giống như anh Vantha, người cư xử hờ hững đôi với chúng tôi kể từ khi anh bắt đầu lui tới với đám người gọi là "bạn bảnh" của anh. Vantha đã thay đổi. Bây giờ anh nổi tính hay gây gỗ, đặc biệt đôi với anh Than, nhất là từ khi anh Than kiếm được tiền từ việc đưa người nhập lậu. Vantha thường tìm cách hạ giá anh Than hoặc gay gắt với anh không có lý do. Anh Than không thèm để ý, nhưng sau đó anh bảo Vantha hãy từ bỏ cách cư xử ấy đi và hành xử như một người lớn, như một người vừa là anh rể vừa lớn tuổi hơn phải làm. Có đêm anh Vantha về nhà và bảo chị Ra ngay trước mặt chúng tôi rằng bạn anh đã nói "bạn thì khó kiếm, nhưng vợ thì dễ ợt", và anh nói anh đồng ý. Anh trở thành tự mãn, kiêu hãnh về mình. Bây giờ chị Ra có bầu, anh tránh đi bên cạnh chị. Chị Ra biết thế, nhưng giữ kín ý nghĩ của riêng mình. Tối nọ Vantha chọc cho Savorng và Map đánh nhau để anh xem. Anh khiến chúng chộp lấy các thanh tre trên mái lều và bảo Savorng đá vào Map thật mạnh. Chị Ra có vẻ không ngăn anh được, và chúng tôi cũng không thể nói gì vì anh như một kẻ độc tài cai trị gia đình chúng tôi. Cuối cùng, Map và Savorng đều làm nhau đau và cả hai đều khóc. Thường thì Map là kẻ bị đau nhiều nhất do nó không thể quay người nhanh được vì bụng nhô ra, dấu tích còn lại của tình trạng thiếu dinh dưỡng từ thời Khmer Đỏ để lại. Savorng định kết thúc trận đấu bằng cách đá vào bụng Map. Chúng lại tiếp tục đánh nhau cho đến khi Vantha nghĩ rằng chúng đã đánh nhau đủ rồi. Trông chúng khóc và Vantha thì vênh váo, tôi thầm ước giá mà chị Ra lấy chú Lee. Hẳn chị sẽ ăn ở tốt với chú, vì chú kính trọng chị và gia đình tôi. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Chị đã có bầu và sắp sanh rồi. Và chúng tôi thì sắp di chuyển đến trại Sakeo II, một nơi mà tôi hơi ngờ vực. Tôi nghe nói nơi này chứa nhiều cựu Khmer Đỏ. Thế mà giờ đây chúng tôi đang ở trên xe buýt đợi để được đưa đến đó. Nỗi sợ của tôi tăng nhanh khi chiếc xe buýt tăng tốc độ và hàng cây, quang cảnh hai bên đường vụt qua. Tôi bật khóc khi nỗi sợ của tôi đổi thành nỗi buồn. Cứ mỗi khắc qua đi, tôi lại bị mang xa hơn khỏi Cambodia. Tôi nhớ Pa và Mak, chị Chea…Tôi quay lui tìm chị Ra và Ry ngồi phía sau. Họ cũng khóc. Nhiều người khác cũng khóc, cặp mắt đỏ biểu lộ nỗi sợ hãi câm nín. Bỗng một bài hát tiếng Anh cất lên làm dịu đi nỗi buồn của chúng tôi. Một người Thái ngồi bên tài xế với tay đến máy phát thanh xách tay và bấm nút. Bài hát tiếp tục và chiếc xe buýt tràn ngập âm nhạc kích động. Ô là la em yêu anh nhiều hơn em có thể nói Em yêu anh hai lần nhiều hơn ngày mai… Mỉm cười qua làn nước mắt, tôi vui vẻ bảo cho chị Ra và chị Ry biết tôi hiểu được lời của bài hát này. Họ cười, có vẻ hãnh diện. Tôi quay trở lại, chùi nước mắt và thưởng thức bài hát. Chú thích:[1] Cuối năm 1979, trước sự phản đối gay gắt của quốc tê, chính phủ Thái đã cho phép Cao uỷ về người Tị Nạn Liên Hiệp quốc (UNHCR) mở những trung tâm tị nạn trong lãnh thổ Thái Lan. Khao I Dang được mở ra vào tháng 11 và trong hai tháng đã là một thành phố có 120.000 người. Khao I Dang bỗng chốc trở thành thành phố những Cambodia lớn nhật trên thế gíi. Timothy Carney – một viên ch'c tại toà đại sứ Hoa kỳ ở Bangkok đã ghi chú như vậy (Ủy ban Hoa kỳ về người tị nạn, "Người tị nạn Cambodia tại Thái Lan: những giới hạn của một nơi ẩn núp") [2] Tiền Thái Lan, theo hối suất lúc đó, 150 baht vào khoảng 7.50 USD