Mì ghe

.
Nói tới món Mì thì có lẽ trong chúng ta ai cũng biết, nào là mì xào giòn, mì xào mềm, hủ tíu mì, mì...gõ.v.v... Ngày xưa, khi còn là sinh viên, trong lớp tôi có vài người là dân xứ Quảng, có  những lúc sáng trăng, bọn tôi thường tụ tập dưới mấy gốc cây bàng quanh giảng đường và kể cho nhau nghe những kỷ niệm quê hương.  Lần đó, anh bạn người Quãng Ngãi kể về một món ăn mà cả bọn ngơ ngác vì chưa nghe và thấy bao giờ...
Bây giờ người bạn ấy đã đi xa lắm, nơi đó chắc không có món "Mì ghe" như anh nói đâu...Đang ngồi làm việc, tự nhiên nghe tiếng lốc kốc từ hai thanh tre chập lại, tôi chợt nhớ tới món"Mì ghe" mà anh đã từng kể với niềm tự hào về một món ăn dân dã nhưng độc đáo và thấm đượm  tình yêu quê hương nơi anh.
Xin được gởi niềm thương tiếc và bài viết này thay nén hương trầm gởi đến anh, một người bạn mà tôi đã từng gắn bó trong những năm ngồi mài đũng quần trên giảng đường...
  Mì ghe.
Xa quê lâu lắm rồi, nhưng có một món ăn, hay nói đúng hơn là có một hoàn cảnh ăn đặc biệt của quê hương xứ Quảng mà anh không bao giờ quên được, đó là món MÌ GHE.
Tại sao gọi là Mì ghe?  Đó là mì Quảng được bán trên ghe, và ăn trên ghe.Ghe là chiếc thuyền, theo các nhà ngôn ngữ học là một từ có nguồn gốc Nam Á, vì vậy chỉ từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào ta mới có thể nghe được từ ghe, còn từ phía Bắc của Đệ nhất hùng quan trở ra thì khắp nơi chỉ có mỗi từ thuyền, chẳng ai gọi thuyền là ghe cả.Tại sao xứ Quảng lại có món mì ghe?
Chẳng là, từ những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ XX trở về trước, phương tiện và đường xá đi lại còn khó khăn, xe cộ chưa có nhiều, nên từ địa phương này sang địa phương khác, người ta thường đi đò, không phaỉ chỉ có những chuyến đò ngang, mà đi xa thì phải có những chuyến đò dọc.  Và cho dù" con đi đò dọc Mẹ liều con hư" thì đối với những người phải đi xa để thăm bà con, họ hàng hay đối với người đi bưôn hàng chuyến, đi đò dọc vẫn là phương tiện thuận lợi, đơn giản nhất.
Phải đi xa,đi lâu, nên dù là ngồi trong ghe, người khách vẫn thấy mệt, thấy đói.  Chính vì thế mà khi con đò dọc ấy dừng lại ở một bến sông nào rộn rịp, thì người khách không thể không tranh thủ ăn uống lót lòng.  Và do bản chất của người xứ Quảng là "ăn chắc mặc bền" nên món mì ghe được ưa chuộng ngay từ lúc mới ra đời.  Bởi còn vì hơn là đựoc ăn một tô mì Quảng -vừa ngon-vừa no-lại vừa hợp túi tiền với nhưn là tôm, cá sông, thường là cá tràu ngon ngọt. Đó là tô mì Quảng mang đúng phong vị mì Quảng đồng quê.  Được ăn tô mì Quảng ngon ngọt, đậm đà ấy vào lúc đêm hôm khuya khoắt khi còn ngồi trên ghe đã  nhiều giờ liền  mà bụng đói cồn cào, thì chẳng còn có món nào  có thể ngon hơn được nửa.  Cái tô mì ghe ấy, ăn rồi, ba  bốn chục năm sau  vẫn chẳng thể nào quên được.  Lại càng khó quên hơn  nếu ăn tô mì ghe kia vào một đêm trăng sáng, khi cùng ngồi trong khoang đò dọc với...người ấy, lúc ta mới bước vào cái tuổi mười tám, đôi mươi.
Dưới ánh trăng vàng rực rỡ, nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, tiếng gió thổi lùa trên mui lành lạnh, đôi mắt của người bạn gái mở to như chứa cả bầu trời  đêm mênh mông, cái cảm xúc đầy ấn tượng ấy ai đã sống qua một lần trong đời làm sao có thể quên được.  Cho nên nhớ món mì ghe không phải chỉ vì tô mì Quảng có nhưn là tôm, cá sông kia ngọt ngào, ngon miệng, được những chiếc ghe con bơi sát vào mạn thuyền ta, trao cho ta cái hương vị đậm đà của quê hương mà còn vì cảm xúc ngọt ngào khi ta như được ăn cả ánh mắt, nụ cười của người bạn gái tóc thề mới chấm ngang vai.  Cho nên món ăn trong đời ngon nhất chính là món ăn từ kỷ niệm, nhất là kỷ niệm của tuổi mưòi tám, đôi mươi.  Và cũng chính vì thế mà một món ăn chẳng bao giờ chỉ thuần túy là vật chất, mà nó chính là văn hóa, là tình cảm, là kỷ niệm của một đời người.
Món mì ghe trên sông Thu Bồn xứ Quảng cũng giống như món bún bò Huế được những chiếc thuyền con bơi sát vào mạn thuyền của du khách trên sông Hương một đêm mưa bỗng cảm thấy đói lòng.  Cũng những ngọn đèn dầu sáng leo lắt vaò lúc nửa khuya về sáng như làm ấm lòng người; cũng như câu mời, tiếng chào dân dã mà thân thiết tình người.  Và tô mì ghe hay tô bún bò kia bổng hóa thành thứ tình cảm dịu dàng, tha thiết của chốn quê nhà.
Có thể với những người Quảng xa quê khác sẽ nhớ về tô mì ghe ở bến Phú Thuận, Bến Dầu hay Bến Đường, Hội An.Còn anh, có lẽ đến cuối cuộc đời mình, anh vẫn sẽ không bao giờ quên được tô mì ghe ở bến Câu Lâu, dưới chân cầu Mống, dẫu rằng cuộc đời cứ đẩy anh xa mãi chốn quê xưa, xa mãi ánh mắt u ẩn của người con gái quê lụa Duy Xuyên năm nào...
(Nhớ về anh, ngưòi bạn năm xưa...)