Buổi tối, chúng tôi ngồi xe lửa từ Baltimore về Washington D.C. Có một cô bạn Mỹ Susan Barnes nhỏ nhắn và lanh lẹ hướng dẫn tôi cứ coi như tôi như một em bé, sợ tôi lạc giữa đám đông. Tôi bổng lo sợ vẫn vơ. Đọc báo cứ thấy lâu lâu ở Mỹ có người nổi hứng leo lên xe lửa ria một loạt đạn vào mọi người rồi… lạnh lùng bước đi. Tôi nhìn quanh quất hỏi có chắc xe này về D.C không, cô cũng không biết rõ nữa, phải hỏi lại người soát vé mới sure. Cả buổi chiều đi thăm bệnh viện Johns Hopkins, phòng xét nghiệm, khoa điều trị, tiếp xúc với bác sĩ, bệnh nhân, tôi đã thấy thấm mệt, muốn mau mau về nghỉ. Xe lửa lắc lư chậm chạp đi trong đêm. Những hành khách trễ tàu. Vội vã. Nhăn nhó. Có người thấy như muốn rút súng thì phải. Bỗng Susan lên tiếng: "Thơ cổ điển Việt Nam, ngoài Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... Hồ Xuân Hương còn ai nữa không?". Tôi giật mình, sững sốt. Dĩ nhiên cô nói tiếng Mỹ và phát âm tên riêng còn khó nghe nhưng tôi nghe rất rõ những tên người đó. Cô hỏi cả Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương! Suốt buổi sáng làm việc trong hội thảo và cả buổi chiều đưa tôi đi thăm Johns Hopkins đâu thấy cô có “triệu chứng” gì để biết cô rành văn chương Việt Nam đến thế. Cô giải thích rằng từ ba năm nay cô theo học khoa Đông Nam Á và chọn văn hoá Việt Nam. Ra thế. Cô lại hỏi về những người làm thơ tình đương đại. Tôi lục trong trí nhớ. Nhiều quá! Những nhà thơ tình Việt Nam đương đại! Tôi nhắc tên nhiều người cả trong và ngoài nước – và bổng đọng lại ở Đỗ Trung Quân. Dĩ nhiên có nhiều người làm thơ tình hay hơn Đỗ, bay bướm hơn, ướt át hơn, lâm ly hơn… nhưng tôi không biết giải thích cách nào để cho cô bạn Mỹ không rành tiếng Việt kia hiểu, cũng không thể đọc cho cô nghe âm điệu để cô có thể thấm được cái hay. Vả lại, tôi cũng chẳng thuộc được mấy chút thơ. Đỗ thì từ lâu đã khá nỗi tiếng với bài Quê hương, anh cũng có những bài thơ tình cho mẹ, cho con và cho vợ… cho cả tình đầu, tình cuối gì đó nữa… Nhưng ngay với bài Quê hương, tôi cũng không sao giải thích cho cô bạn cái hay của "Quê hương là đêm trăng tỏ, Hoa cau rụng trắng ngoài thềm". Bởi vì ở Mỹ, đèn điện thì cứ sáng choang hoặc sương mù che lấp cả trăng đi, mà có nói đến trăng người ta cũng chỉ nói đến Apollo, đến Amstrong mà thôi. Còn hương cau, biết nói sao đây? Làm sao cho cô nghe được mùi hương cao của những đêm trăng tỏ, làm sao cho biết được cái mo cau, để từ đó có cái quạt của thằng bờm và làm cho cô hiểu rằng cau không phải là cau mà gắn với trầu để thành cái "Ngày xưa có hai anh em nhà kia…", rồi làm sao cho cô hiểu cái cau qua cái trầu của "Ba đồng một mớ trầu cay…”. Tôi cũng không thể nói cho cô hiểu về cái anh chàng có "Bài thơ cứ còn hoài trong cặp… Giữa giờ chơi mang đến lại mang về” bởi vì ở Mỹ thường những mối tình đầu như vậy sẽ là chuyện giả tưởng… ở một hành tinh nào khác. Cho nên tôi đành kể cho Susan nghe bài thơ "Thầy còn nhớ em không" [1] của Đổ. Hình như tựa bài thơ không phải vậy, nhưng chẳng cần! Cái cậu học trò ăn mặc bảnh bao đến mua thuốc lá và nhận ra người bán thuốc ở góc đường kia là thầy học cũ của mình. Cậu học trò nhớ những bài học tôn sư được thầy dạy ngày xưa ở trường nên đã reo lên mừng rỡ "Thầy còn nhớ em không?", nhưng người thầy kia đã lạnh lùng từ chối, không dám nhận mình là thầy nữa rồi. Vì đâu nên nổi? Không cần sống trong bối cảnh Việt Nam vào thời điểm đó, tôi thấy cô bạn tôi đã hiểu và im lặng hồi lâu. Tôi lại kể cho cô nghe bài thơ khác của Đỗ, tôi cũng chẳng nhớ nỗi cái tựa, đó là bài thơ viết về mấy đứa nhỏ học trò ngây thơ được người lớn dẫn đi coi… máy chém, và nhà thơ hỏi có khi nào bạn mua món quà là máy chém về tặng sinh nhật con mình không? Đại khái ý thơ là vậy còn câu cú lời lẽ thì tôi quên tuốt. Cô bạn Susan không nói năng gì, im lặng hồi lâu để tôi nghe rõ tiếng sắt sình sịch trên đường ray. Tôi không dám nhìn cô. Nhưng tôi biết cô đang nghĩ đến một điều gì khác, như nghĩ đến bức tường ghi tên dài ngoằng ở quê hương cô chẳng hạn. Đột nhiên cô reo lên: "Tới rồi!". Và cô vội vã thu xếp hành lý. Cô lí nhí cảm ơn tôi đã cho cô biết thêm về thơ Việt Nam và tôi cũng cảm ơn cô vì nhờ cô mà tôi quên tuốt đoạn đường đi và cả những bản tin khủng khiếp về những người leo lên xe lửa ria một loạt đạn… Tôi cũng cám ơn anh bạn Đỗ đã có những bài thơ mà tôi không nhớ nổi cái tựa để tôi được làm một việc là kể thơ trên đoạn đường xe lửa từ Baltimore về Washington D.C của một buổi tối mùa thu 1993. Chú thích: [1] Đó là bài thơ Có một chiều Tháng Năm của Đỗ Trung Quân: "Thầy có nhớ con không...?" tôi giật mình nhận ra người đàn ông áo quần nhếch nhác người đàn ông gầy gò ngồi sau tủ thuốc ven đường ”thầy còn nhớ con không...?" câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng hoa phượng tháng Năm rơi đầy vỉa hè rụng xuống trên vai người thầy học cũ "không... xin lỗị.. ông lầm... tôi chưa từng dạy học xin thối lại ông tiền thuốc... ...cám ơn..." cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buổn thầy học cũ mười năm không lầm được thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc giấu mình sau hoa phượng rụng buồn tênh con biết nói gì hơn đứa học trò tôn sư người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng biết yêu anh em - đất nước - xóm giềng đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên bên hè phố im lìm vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt câu phủ nhận phải vì câu áo rách trước đứa học trò quần áo bảnh bao? tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào những đưá trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố mười năm nữa đứa nào trong số đó sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?