Chương 17

- Lại làm bộ ngơ ngác như hồi mày làm bẩn áo lũ con gái chứ gì? Tao thừa biết cái tính đểu của mày. Ngay từ bé mày đã hay chơi ác với mọi người.
Lâm khổ sở van nài:
- Không phải thế. Lúc bé là nghịch thôi. Còn bây giờ tao không hề có ý định xấu xa nào, tao xin mày...
- Thôi đủ rồi. Đừng bao giờ nhìn mặt tao nữa.
Huy nói vậy rồi bỏ đi. Từ bấy đến nay đã năm năm rồi, bây giờ mới gặp lại. Nó vẫn là thằng Lâm hay giúp đỡ mọi người tận tình, đã hứa điều gì là làm đến nơi đến chốn.
Huy đang miên man nghĩ về thằng bạn cũ thì cửa xịch mở, ông chú của Hưng, cụ Nghiên bước vào vẻ mặt đầy nghiêm trọng:
- Này anh Huy, anh định xếp đặt phòng quàn như thế nào?
Huy vội nói ngay chuyện vừa bàn với Lâm ban nãy:
- À may quá, cháu xin báo với bác là lát nữa sẽ có ô tô đến đón bác với thầy địa lý về quê để lo việc đất mai táng. Tiền nong thu xếp xong rồi, cơ quan sẽ ứng tạm chi. Bác cứ tuỳ việc cần chi cứ chi, miễn sao mọi việc tốt đẹp.
ÔNg Nghiên nét mặt dịu đi, gật gù:
- Thế thì tốt lắm. Chi phí phải vài trăm ngàn đấy, chẳng thể ít hơn. CŨng phải trà thuốc, lại còn chi cho thầy địa lý nữa, tiền ăn rồi tiền bồi dưỡng....
- Bác không lo. Cậu Lâm sẽ đi cùng bác...
- Sao? Cái thằng quyến rũ vợ thằng Hưng ấy à?
Ông Nghiên cau mày giận dữ: Tôi không đi với thằng ấy.
- Thưa bác, việc nào đi việc ấy ạ, đừng nên chấp nệ thế. Bây giờ Lâm là đại diện cho cơ quan anh Hưng, đứng ra chi phí mọi khoản. Anh ấy lát nữa sẽ ứng dă triệu trước để tổ chức tang lễ. Riêng về quê cũng phải mang một triệu.
Nghe đến khoản tiền to thế, ông Nghiên cũng nguôi bớt cơn giận. ÔNg hỏi sang chuyện khác:
- Anh định quàn như thế nào, tôi thấy họ kê hai cái giá song song ở phòng khách. Thế định cho hai ông cháu nằm ngang nhau trong cùng một phòng hay sao? Đâu có cái lệ ngang ngược thế được?
- Dạ, Huy lúng túng. Anh bất ngờ về ý kiến đó. THưa bác vậy thì nên làm thế nào cho phải lẽ ạ?
Ông Nghiên hắng giọng giảng giải:
- Ông Thư là bậc thượng thọ, trưởng chi họ Mạc chúng tôi. Ai ai cũng nể trọng, mọi người phải khấu đầu lễ bái khi ông ấy quy tiên. Còn con bé Quỳnh, là cháu gái, lại chết bất đắc kỳ tử lúc tuổi chưa thành niên. Thế là đại bất hiếu. Theo tục lệ thì thì không ai viếng những cái chết như vậy. Thế mà anh lại để cùng một phòng, xếp đặt ngang nhau, các anh định bắt chúng tôi phải lạy vái cả nó nữa à?
Huy hoảng quá, quả là không phải chuyện coi thường được, anh đứng dậy nói:
- THưa bác, chúng ta sang bàn với anh Hưng.
Ông Nghiên cáu gắt một cách nóng nảy bất ngờ:
- Anh sang mà bàn với nó. Tôi vừa bàn với nó, nó lại còn quát tôi: " Ai không thương tiếc con tôi thì xin đừng đến". Anh bảo nó nói vậy có nghe được không? Xẩy cha còn chú ít nhất nó cũng phải nể tôi chứ, lại dám hỗn hào như thế!
Huy vội vàng an ủi ông già:
- Thưa bác, anh Hưng đang đau khổ quá. Một lúc gánh chịu hai cái tang như đau đớn như thế này, ai mà chẳng mất thăng bằng. Bác thông cảm cho.
- Thì tôi cũng nghĩ thế, nên tôi mới không bỏ về mà vào bàn với anh. Thôi anh liệu sang mà bàn với nó. Tôi về nhà chuẩn bị để chiều đi về Vĩnh Phú..
- Đúng một giờ chiều xe đến đây đón bác đấy.
- Vâng. Chúng tôi cảm ơn anh quá, anh trẻ người mà thật chu tất mọi bề.
ÔNg Nghiên lù khù đi ra, hài lòng vì ý kiến mình được tiếp nhận một cách trân trọng.
Huy đi sang phòng Hưng, lòng áy náy chẳng biết nên thuyết phục sao cho anh ấy bằng lòng quàn hai ông cháu hai nơi?
Hưng ngồi trầm ngâm trước bàn giấy. Hai mắt nhìn vô hồn vào tấm lịch bàn. Huy bước vào ngồi xuống ghế trước mặt Hưng, anh cũng chẳng nói gì. Huy đành nói trước:
- Anh Hưng, cái phòng khách chật quá, không thể quàn cả hai áo quan ở đấy được, không còn lối để người viếng đi vòng quanh...
- Ông Nghiên sang bảo với cậu không cho con Quỳnh nằm cạnh ông nó phải không? Hưng dằn giọng gay gắt hỏi vậy, anh nói tiếp đầy phẫn nộ:
- Ông ấy bảo con Quỳnh bất hiếu, cướp công cha mẹ không đáng để mọi người lễ nó. Chính người lớn chúng tôi đây mới là kẻ có tội với nó. Sao lại dám gọi nó là bất hiếu được? Ai không yêu thương con tôi xin đừng đến. Tôi phải đứng túc trực cạnh linh cữu cả hai người: cha tôi và con tôi. Cậu xếp đặt thế nào là tuỳ cậu. Họ không đi vòng quanh thì đừng. Tôi không đồng ý đặt hai ông cháu xa nhau.
Huy hoang mang, chẳng biết nên bàn thế nào cho phải. Anh thông cảm với tình cảm của Hưng, anh cần phải đứng cạnh cả hai người. Nhưng dù sao cũng phải bàn cho ra nhẽ.
- Anh cùng ra đây với em. Hai anh em mình phải nhìn thực địa mà bàn. Không thể để khách ùn tắc được. Anh nên nhớ ông rất đông học trò, bây giờ nhiều người đã là cán bộ cao cấp. Anh cũng đông bạn bè, còn khách hàng nữa. Và Quỳnh thì bạn bè nó cũng đông. Cả người lớn, trẻ con chen nhau vào cái phòng khách mười bảy mét vuông này sao được?
Hai người ra phòng khách đứng ngắm một hồi, quả là phòng có hẹp, nhưng cũng không thể để hai áo quan hai phòng. Bởi vì như thế người viếng phải đi cả hai phòng thì càng ùn tắc hơn. Cuối cùng Huy đề xuất:
- Thôi đành dỡ hết cánh cửa ra cho thoáng, bỏ cả bốn cánh ra thì mặt tiền sẽ rộng. Để hai áo quan cùng một phòng cũng được, hai giá để hoa riêng hai bên. Người viếng chỉ đứng ở hiên để lễ không đi vòng quanh. Vừa đỡ thì giờ, vừa khỏi chật chội.
Hưng gật đầu bằng lòng, anh lại đi vào phòng riêng. Huy đến cạnh bà bác, chị ruột ông Thư, nãy giờ vẫn ngồi yên lắng nghe. Huy thưa:
- Thưa bác, chẳng thể để riêng hai ông cháu hai nơi được. Nhưng để cách xa nhau, ai lễ bên ông xong thì chỉ sang phía cháu Quỳnh đứng nghiêm thôi. Như vậy cũng chẳng phạm gì đến lễ giáo đâu ạ.
Bà bác cười hiền hậu:
- Anh nói phải. Thời nay ai lại câu nệ như ông Nghiên bao giờ. Về mặt tình cảm thì ai cũng xót thương cả hai ông cháu. Chú cứ xếp đặt như vậy là được. Lát nữa ông Nghiên đến, tôi sẽ bảo cho. Anh cứ yên tâm.
Huy đi vòng quanh nhà xem xét mọi sự xếp đặt ra sao. ANh ngạc nhiên thấy Thiên Thanh, cô ta đứng thì thầm nhỏ to với một số các chị em họ hàng ở ngoài sân.. Thấy Huy đến gần, cô ta im bặt, ngoảnh mặt đi phía khác. HUy nhận thấy mọi người nhìn anh với vẻ xa lạ. Anh bỏ đi với một cảm giác áy náy, hình như đang có điều gì âm ỉ khó chịu về sự có mặt của anh tại đây. Lòng anh bỗng chùng xuống chán nản. Mọi sự nỗ lực hăng hái làm việc quên mình từ hôm qua đến nay thật vô duyên. Anh xông vào một việc không phải cuả mình.
Huy trở vào nhà ngồi phịch xuống ghế, cảm thấy mệt mỏi vô hạn. Anh nhớ là mình đã thức liền từ đêm qua đến hôm nay, và bây giờ đã quá trưa mà chưa ăn uống gì.
Nhưng anh không đói, không buồn ngủ, chỉ không muốn làm gì nữa hết, vứt bỏ mặc cho gia đình họ làm với nhau. Tại sao người ta chẳng ai mó tay vào việc gì cả, mà khi người ta đã gánh vác hộ cho tất cả mọi việc khó khăn thì họ lại nhiễu sự cơ chứ?
Anh đang ngồi bần thần suy tính nên ở hay nên bỏ về, thì Tú vào. Mặt cậu bé tái mét, cậu ngồi xuống cạnh Huy, môi run run chực oà khóc:
- Cậu ơi, người ta bảo...
- Bảo gì? Tại sao cháu lại hoảng hốt thế?
Tú lắc đầu không nói được, cậu ấm ức khóc.
Huy ngồi sát bên Tú dỗ dành:
- Nói đi cháu. Có chuyện gì thế?
Tú cố gắng nén khóc, cậu nói:
- CÔ Thanh bảo Quỳnh chửa hoang nên sợ quá mà tự tử. Bây giờ các bạn cháu cứ xôn xao cả lên. Họ nhìn cháu, như muốn kết tội cháu. Cháu thề với cậu, cháu...
- Thôi, cháu chẳng phải thề gì hết. QUỳnh hoàn toàn trong sáng. Đã có giấy khám nghiệm chứng nhận điều đó, cháu cứ an tâm. Mặc kệ kẻ xấu bại đặt, rồi mọi chuyện sẽ sáng tỏ. Bây giờ cậu cháu ta đi ăn, rồi về ngủ một giấc. Cậu mệt quá, mà cháu cũng vậy. Phải nghỉ thôi.
- Nhưng mà ai sẽ giúp bác Hưng chỉ đạo mọi việc?
- Cậu cháu ta vào nói với bác Hưng, rồi bác ấy sẽ phân công người khác.
Hai cậu cháu Huy vào phòng Hưng, anh ấy đang ngồi đờ đẫn như cái xác không hồn. Huy nói:
- anh Hưng, em mệt quá, suốt đêm qua em và Tú không ngủ. Bây giờ đứng ko vững nữa, em và Tú phải về nghỉ một lát. Mọi việc cơ bản đã xong. Anh cử bác Mão điều khiển tiếp mọi việc. Mà bác ấy lớn tuổi làm Hộ tang mới đúng tư cách anh ạ.
Hưng lúc này mới bừng tỉnh. Anh nhận ra mình đã trút mọi việc cho Huy. ANh nắm tay Huy nói:
- Anh cảm ơn Huy lắm. EM đã giúp anh những việc lớn nhất. Cháu Tú cũng vậy, bác biết ơn cháu lắm. Bây giờ hai cậu cháu phải về nghỉ không thì ốm mất.
- Anh Hưng. Huy ngập ngừng muốn nói mà ngại, có vấn đề tế nhị này cần anh lưu ý.
- Việc gì thế mà cậu cứ đắn đo?
- Chị Thanh vừa đến. CHị ấy đang nói điều gì đó không hay cho Quỳnh. Mọi người đang xôn xao, anh nên gặp chị ấy hỏi cho ra nhẽ kẻo phiền.
Hưng đứng bật dậy, trợn mắt giận dữ hỏi:
- Tại sao cô ta lại về đây? Vừa sáng nay đã đưa cô ta đến nhà chị Ngọc rồi cơ mà?
- Em không biết. Thôi chúng em về đây.
- Ừ cậu về đi. Lúc nào khoẻ lại đến đây giúp anh nhé.
- Vâng, sáng mai em và Tú lại đến dự lễ tang.
Hưng hầm hầm đi ra sân sau tìm Thanh.
Hưng lại trở về với dáng vẻ ông chủ đầy quyền uy và độc đoán của gia đình. Một ông chủ có tiền, có quyền và luôn tự tin ở sự quyết đoán của mình.
Bé Thịnh ăn bột xong lăn kềnh ra ngủ, Thanh lúc này mới cảm thấy đói ngấu. CÔ vừa ăn xôi gà, vừa ngẫm nghĩ mọi chuyện. Có lẽ lúc này cả họ hàng đang tụ tập ở nhà,, và đang đàm luận về cái chết của Quỳnh. Nhất định là họ đang nguyền rủa mình: Mụ dì ghẻ độc ác, giết chết con chồng. Chứ sao nữa? Bao giờ mà thiên hạ chả trút mọi tội nợ lên đầu người vợ lẽ. Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.
Mình phải đến để thanh minh, đừng để gia đình họ thành kiến.
Càng nghĩ Thanh càng bồn chồn, phải về nhà ngay, có lâu giờ nào là giờ ấy mình bị nguyền rủa. Thanh thu dọn bát đĩa, rồi vào phòng chị Ngọc nói:
- CHị ơi, cháu Thịnh ngủ rồi. Thằng bé này ngủ lâu lắm, chị trông hộ em một lát. Em chạy về nhà lấy mấy thứ áo xống cần thiết, lúc nãy vội quá em quên.
Ngọc đang ngồi máy băng tang, chị nói nhẹ nhàng:
- Ừ em về nhanh lên nhé. Chiều nay chị phải đến đấy lo cỗ cúng.
- Vâng em sẽ về ngay. Vả lại em cũng phải có mặt trước họ hàng, nếu không người ta sẽ bảo dâu trưởng mà bỏ đi biền biệt khi nhà có đại tang.
- Ừ, em nói đúng đấy. Nhưng em chỉ có mặt gọi là cho phải phép thôi. Còn thì phải về mà chăm sóc con.
- Vâng, em đi ù chốc lát thôi.
Thanh vội vã mặc chiếc áo đen vào, rồi mượn xe đạp của chị Ngọc đạp về nhà. Vừa vào đến cổng đã gặp mấy cô em họ con ông chú của Hưng, mấy cô lườm Thanh không chào hỏi gì, vờ lăng xăng dọn dẹp, coi như không hề biết có bà chị đến cạnh. Đám học sinh xì xầm: mụ Iđêma đấy, tởm chưa! ( Nhân vật dì ghẻ trong phim Người giàu cũng khóc )
Thanh chết lặng, cúi gầm mặt dắt xe vào nhà cất. CÔ ngẫm nghĩ nên làm cách nào đánh tan dư luận ấy. Thật là oan cho Thanh. Thanh chẳng hề làm điều gì độc ác với Quỳnh cả.. Đúng là THanh không yêu con chồng, nhưng Thanh đâu có làm gì để hãm hại cô bé ấy?
Nước mắt trào ra vì uất ức, Thanh nấc lên đau khổ.
Một bà chị họ con bà bác của Hưng đi qua, thấy Thanh đứng khóc, chị THoa đến cạnh hỏi han:
- Mợ Hưng đấy à? Sao lại đứng đấy mà khóc?
Thanh ôm chầm lấy chị Thoa nức nở:
- Em khổ lắm chị ơi. EM yêu Quỳnh như con gái mình. Vậy mà bây giờ mọi người lại nghĩ xấu về em.
Nghe tiếng khóc, Thoa mủi lòng thương hại:
- Chị không nghĩ xấu về em đâu. Nhưng cháu đã mất, thì mình nên nghĩ là mình đã có lỗi trong cư xử.
Thnh phản ứng khi nghe nói mình cần nhận lỗi:
- Em chẳng hề có lỗi gì hết. Nếu có, là chỉ vì em nuông chiều nó quá nên nó hư mà em không biết. Chị biết không? QUỳnh chửa hoang nên hoảng sợ mà tự tử...
Chị THoa giật mình trợn mắt hỏi:
- Thật không? Sao mợ biết mà chẳng nói cho bố nó biết, để liệu mà giải quyết. Thời nay chuyện ấy đâu có gì là ghê gớm, đến nỗi huỷ hoại đời mình?
Thanh ảo não nói:
- Em lúc đầu cũng không để ý, chỉ thấy nó cứ ốm vất vưởng, bỏ cơm. Em tưởng là ốm thường thôi. Rồi chẳng thấy nó giặt hành kinh. Em định hỏi thẳng nó, nhưng nó cứ tránh mặt em. Bây giờ cơ sự xảy ra thế này, em mới biết sự thể là như vậy.
Thế là chị Thoa đi ra sân, chỉ một lát sau tất cả các bà, các chị em họ đều xúm quanh Thanh hỏi han. Họ tỏ vẻ thân thiện tin cậy Thanh lắm, mỗi người thêm một ý nhận xét.
- Con Quỳn là cái nết giống mẹ nó, đẹp mà lẳng lơ.
- Tôi cũng nhận thấy cái Quỳnh dạo này ốm xanh xao thật.
- Chắc là với cái thằng oắt con bạn thân của nó chứ gì? Trẻ con thời nay ghê gớm thật, mới có mười lăm tuổi đầu!
- Bây giờ cả xã hội sa đoạ, ông già trẻ con đều hư!
- Có con gái đẹp trong nhà như chứa thuốc nổ. Nó làm sụp đổ cả nhà. Ông chết cũng vì nó làm nhục ô danh dòng họ.

*

°
Thế là chỉ loáng sau câu chuyện truyền tai nhau, mọi người đều xì xào chuyện Quỳnh chửa hoang.
Thanh Châu nghe chuyện, cô vội vàng túm lấy Tú kéo ra chỗ vắng bảo:
- Này Tú, hoá ra cái Quỳnh tự tử vì nó chửa hoang. Có phải tại cậu không?
Tú như bị sét đánh vào đầu. Cậu ta tái mặt hỏi:
- Ai bảo như thế? Đồ vu oan độc ác!
Châu cười đắc ý:
- Thôi đừng chối nữa. Nó đẹp thế thì Đường Tăng cũng đổ, chứ chẳng phải cậu mà vững được!
Tú nghiến răng quát giận dữ:
- Châu cũng độc ác như mụ THanh!
Nói rồi Tú chạy vào phòng tìm cậu Huy để trút nỗi đau bị lăng nhục ấy.

*

°
Hưng đứng ở ngưỡng cửa đưa mắt nhìn Thanh đang nhỏ to kể lể giữa đám đàn bà con gái. Nhìn người đàn bà mặt lưỡi cày, đôi mắt cứ nhìn nghiêng, và đôi môi cong lên, " chẳng hiểu tại sao mà mình lại rước một con mụ có cái mặt xảo quyệt ấy làm vợ được? ". Hưng thầm nghĩ, lòng sôi lên giận dữ khi thấy những bộ mặt háo hức lắng nghe, vẻ tò mò hứng thú, thỉnh thoảng lại nói đế vào theo lời kể của cô ta.
Hưng đến gần cái đám đang xúm xít đàm luận ấy, anh gọi:
- Cô Thanh!
Thanh giật mình hoảng sợ nhìn Hưng, cô lắp bắp:
- Em về xem có việc gì để cùng làm, chẳng lẽ dâu trưởng mà bỏ mặc mọi việc nhà cho người khác.
Hưng cau mày, nhưng vẫn giữ giọng ôn hoà giữa đám đông:
- CÔ vào phòng tôi, có chuyện cần bàn về tang lễ.
- Vâng em vào ngay.
Hưng nặng nề bước vào phòng, Thanh rụt rè bước theo sau, cô khép nép ngồi xuống ghế. Còn Hưng vẫn đứng, anh hất hàm hỏi:
- Cô về đây làm gì?
- Em về xem có việc gì thì làm giúp? CHẳng lẽ bỏ mặc...
Hưng quát lên khi nghe Thanh nhắc lại câu nói ấy:
- Không phải! Cô đang nói gì với mọi người?
- Em có nói gì đâu.
Hưng đến bên bàn giấy, ngồi xuống ghế, lấy kính ra lau lau, rồi gằn giọng nói:
- Tại sao cô đi rêu rao nói xấu con gái tôi?
Thanh cúi mặt: " À thì ra anh ta đã biết chuyện, thế thì ta cứ việc ném sự ô nhục này vào mặt anh ta. Đừng có mà lên mặt khinh ghét ta mãi". Thanh nghĩ vậy, nhưng cô ta vẫn lấy giọng dịu dàng nói:
- Em không nói gì xấu cả, em chỉ nói sự thật.
- Sự thật nào?
- Anh ạ. Quỳnh có thai nên nó sợ quá mà tự tử.
Hưng đứng bật dậy, mặt tái xanh, anh gầm lên:
- Căn cứ vào đâu mà cô nói như thế?
Thanh lại kể lể như kể với mọi người rồi cô nói:
- EM nói xấu con mình mà làm gì, em thương nó như con gái mình. Anh biết đấy, em chăm sóc lo lắng cho nó như thế nào. Chẳng qua là nó dại dột, lại đúng lúc em sinh cu Thịnh nên chẳng quan tâm chú đáo đến nó. Khôn ba năm dại một giờ. Em chỉ ân hận là giá em biết trước mà can ngăn thì đâu đến nông nỗi này. Bây giờ khi đã đổ vỡ thế này em mới nghiệm ra mọi nhẽ...
Hưng không chịu nổi cái lối dông dài, cách nói của các bà nhà quê này, thêm nữa cái giọng vờ vịt tình cảm, càng làm anh điên tiết:
- Tại sao cô không nói với tôi, mà lại đi rêu rao khắp mọi người? Cô định làm nhục gia đình này phải không?
Thanh hoảng quá, cô líu cả lưỡi:
- Em định đến để nói với anh về việc ấy, thì chị Thoa gặp em mắng vào mặt: " ĐỒ dì ghẻ độc ác!". Thế nên em phải thưa với chị mọi chuyện để chị ấy đừng nghĩ oan cho em. Thế là các cô khác xúm vào hỏi han, em không nói không được.
- Cô chẳng thật thà, sao ban nãy lại bảo là về để làm lụng giúp mọi người? Chính cô về với mục đích rêu rao chuyện này để thanh minh cho mình.
hưng nói vậy, nhưng lòng anh đã tin vào lời của Thanh. Đàn bà họ tinh trong chuyện này lắm. Mà con bé xinh đẹp thế kia, không ai dậy dỗ nó thì làm sao mà tự bảo vệ được? Anh nói giọng trầm đục đầy oán hận:
- Cô thâm độc lắm, cô bỏ mặc con bé, không hề bảo ban cho nó những diều con gái cần giữ gìn. CÔ cố tình để nó hư hỏng, rồi bây giờ đi bêu xấu nó
Thanh bàng hoàng trước lời kết án của chồng. Cô định thanh minh cho mình, hoá ra mình lại có tội nặng hơn. Cô bưng mặt khóc rưng rức. Hưng chẳng hề quan tâm,, anh ngồi trầm ngâm: Thế ra những thằng đàn ông mà mình tin yêu, đều xông vào nhà để làm hại mình. Một thằng Lâm thông minh giỏi giang thế, đã cướp mất Tuyết của mình. Nay lại là thằng Tú ngoan ngoãn, học hành xuất sắc, đã phá hoại đời con gái mình. Biết tin ai bây giờ? Giống đàn ông vừa tử tế, vừa đểu cáng!
Không hiểu sao khi nghĩ về Lâm, về Tú, Hưng không cảm thấy một nỗi oán hận hay căm ghét nào. Anh chỉ thấy lạ lùng là những con người ấy họ cũng yêu quý anh, tôn trọng anh nữa. Thế mà họ lại vẫn làm hại đời anh? Sự phá hoại lẫn nhau hình như chẳng phải là chủ đích, mà guồng quay cuộc đời cứ nghiến nát lẫn nhau?
Hưng nhìn Thanh đang khóc tức tưởi. Cô ta đang đau khổ. Cô ta cũng không định làm hại Quỳnh, mà cũng chẳng có ý bôi nhọ Quỳnh. Vậy mà hành động của cô ta mới độc ác làm sao? Bây giờ thì tất cả mọi người đến đưa tang con ta không thương tiếc nó nữa, mà họ sẽ khinh bỉ nó. Khổ thân con gái tôi!
Sống đã chẳng được yêu thương, chết đi chẳng ai thương xót. Sao mà số mệnh của nó oan nghiệt đến thế?
Anh bất giác bật lên câu nói:
- Cô thật độc ác. Cô bỏ mặc con tôi lúc còn sống, cô dẫm đạp lên con tôi khi nó đã chết!
Thanh quỳ sụp xuống đất, chắp tay cầu khẩn:
- Em trăm ngàn lạy, xin anh thương em. Em không có tội. Em không định nói xấu con gái anh, nhưng em hoảng sợ mọi người khinh ghét, nên em đã trót nói ra chuyện ấy với mọi người. Em không bao giờ dám dẫm đạp lên danh dự của Quỳnh. Anh tha lỗi cho em. Anh ơi anh, em khổ quá!
Hưng mủi lòng thương. Kể ra cô ta cũng chẳng phải là người xấu xa. Đó là bản năng tự vệ thôi. Ngay cả cái cung cách đối xử của cô ta đối với Quỳnh cũng rất bản năng. Lúc trước cô ta yêu Quỳnh, đó là bản năng người đàn bà luống tuổi khát khao làm mẹ.
Sau này khi cô ta đã có con, thì bản năng bảo vệ quyền lợi của con mình đã khiến cô ta ghét Quỳnh.
Sống theo bản năng là loại người thiếu văn hoá. Mà trách sao được, cô ta lớn lên như cỏ cây hoang dã ở đồng quê. Ta cũng đừng nên làm khổ cô ấy nữa. Phải có tình thương.
Cửa bật mở, Kim bước vào dáng điêụ nóng nảy:
- Chị Thanh, chị sao lại ăn nói vô trách nhiệm như thế?
Thanh ngẩng phắt lên, vẻ mặt từ đau khổ trở lên dữ dằn:
- Cô Kim, cô không có quyền ăn nói như vậy với tôi. Dù sao tôi cũng là vợ anh Hưng.
Kim cười khẩy, chẳng hề để ý gì đến Hưng, cô nói:
- Chị là vợ anh Hưng, mà chị đi nói xấu con anh Hưng. Chị bịa đặt như vậy mà không sợ xúc phạm oan hồn người đã khuất à?
Hưng thấy Kim nói năng hơi thô bạo, Hưng can ngăn:
- Kim đừng nói như vậy. Chị Thanh không có ý bịa đặt điều gì đâu. Có thể ý kiến chị ấy là có căn cứ.
Kim cầm tờ biên bản khám nghiệm được photocopi đặt lên bàn trước mặt Hưng, rồi cô rít lên:
- Anh cứ xem đi. Người ta vu oan cho con mình, mà còn cứ bênh chằm chặp. Quỳnh còn nguyên màng trinh.
Thanh bật ngay dậy, tay run run cầm lên xem, môi mím lại. Còn Hưng nhìn cô ta chằm chằm như muốn nuốt sống.
Thanh đặt tờ giấy xuống, hàm răng nghiến bạnh quai hàm, mắt trừng trừng. Khuôn mặt cô biến dạng như mụ phù thuỷ. Lát sau cô bật thét lên:
- Các người bịa đặt ra cái tờ giấy này. Các người có Tiền thì mua chuộc ai mà chẳng được. Mấy lão bác sĩ này ghi láo. Tôi không tin.
Hưng chợt thở dài, không hiểu sao lúc này anh lại thấy nhẹ nhõm, anh nói giọng trở nên điềm tĩnh:
- Nào hai cô ngồi xuống, ta cùng nói chuyện bình tĩnh xem sự thể ra sao?
Kim cố gắng trấn tĩnh, nén nỗi tức giận đang cuộn lên:
- Khám nghiệm cho Quỳnh, các bác sĩ lập xong biên bản thì về. Em đi photocopy, làm mấy bản để lưu. Vừa về đến đây thì nghe mọi người xôn xao cả lên, họ bảo chị Thanh nói là Quỳnh chửa hoang. Em tức quá nên vào đây để nói với anh, thì gặp ngay chị ấy ở đây. Em bực quá nên nói quá lời. Nhưng dù sao thì chị Thanh cũng rất hồ đồ khi đi nói xấu cháu Quỳnh.
Thanh cố nén bực tức, cô nói hùng hồn như bảo vệ luận án:
- Tôi không tin bản khám nghiệm ấy. Bây giờ giấy tờ có gì mà chẳng bịa ra được? Các người che dấu tội của Quỳnh để bảo vệ danh dự cho gia đình, nhưng các người có biết như vậy là trút mọi tội lỗi vào đầu tôi? Cái thân làm vợ kế nhục nhã như thế. Ai cũng chửi tôi là " đồ dì ghẻ độc ác ". Cả anh nữa, anh Hưng cũng nguyền rủa tôi như vậy. Tôi phải làm sáng rõ chuyện này. Tôi phải tự bảo vệ danh dự của mình...
Hưng sốt ruột cắt ngang:
- Nói ngắn thôi. Bây giờ cô muốn gì?
- Tôi đề nghị khám lại, có sự chứng kiến của tôi.
- Thật quá quắt! Hưng kêu lên bất bình.
Nhưng Kim thì kiên quyết:
- Được, đồng ý thì khám lại. Tôi là bác sĩ, tôi sẽ thao tác nhưng phải mời thêm chị Thao, mấy cô em con chú Nghiên nữa và cô giáo vào chứng kiến lại.
Hưng nói:
- Nhưng phải có điều kiện này: Nếu cô Thanh bịa đặt cho con tôi thì tôi sẽ ly hôn. Cô phải ra khỏi nhà này ngay lập tức.
Thanh sững người, cô hoảng sợ thật sự:
- Khám là để làm sáng tỏ việc của Quỳnh. Tại sao anh lại đưa việc bỏ tôi vào đây?
- Bởi vì cô nói rằng việc này để bảo toàn danh dự cho cô cơ mà? Con tôi đã có biên bản hợp pháp bảo đảm rồi. Việc khám lại là do cô đòi hỏi, vậy phải có điều kiện.
Thanh không còn cách nào lùi được nữa, đành nói:
- Tôi yêu cầu khám lại để xác minh dự đoán của tôi đúng hay sai. Chẳng việc gì tôi phải nhận điều kiện.
Được cứ khám. Kim quả quyết hành động. Hai người phụ nữ đã đi ra. Hưng ngồi lại, chưa hết bàng hoàng vì mọi chuyện vừa xảy ra. Cô Thanh là người thế nào. Một mụ phù thuỷ biến hoá khôn lường? Chẳng phải thế, cô ta không đủ thông minh và tài năng để biến hoá. Cô ta chỉ hành động để bảo vệ thân mình mà thôi. Kkhông thể sống với loại người như thế được. Cô ta không có tình cảm, cô ta chỉ có bản năng tự vệ.
Chút tình thương đối với Thanh tan đi như khói giữa trận gió.
Thanh phân vân bước theo Kim. Có nên bắt khám lại không nhỉ? Anh ta đã doạ sẽ ly hôn nếu mình bịa đặt. Như vậy tức là anh ấy tin điều mình nói. Anh ấy sợ sự thật được khẳng định, nên mới doạ mình thế.
Còn Kim, chắc chắn cô ta nói thật. Nếu không sao cô ta dám cho mình chứng kiến. Vậy là Quỳnh vẫn còn trinh tiết thật. Nếu cả họ hàng chứng kiến, thì mình sẽ là kẻ vu oan giáng hoạ. Chẳng thà cứ để nhập nhoạng, dù sao mình cũng còn có cách để nói lại được, đỡ mất mặt hơn.
Kim ra mời chị Thoa, ba cô em họ con chú Nghiên, cô giáo và mời thêm cả bác Mão nữa.
Kim mời tất cả mọi người ngồi xuống, rồi nghiêm trang nói:
- Thưa bác Mão và các chị. Đáng lẽ em không dám làm phiền mọi người như thế này. Nhưng vì việc cần thiết xin cho em trình bầy. Việc Quỳnh tự tử chết đã có nhiều dư luận khác nhau. Bởi vậy công an đã đến khám nghiệm tử thi làm giám định pháp y. Biên bản đây: Các bác sĩ khẳng định Quỳnh tự tử chứ không phải bị ám hại, không có thương tích, không có chất độc trong dạ dầy. Phổi có nước tràn đầy. Lý do tự tử chưa thể kết luận, nhưng không phải vì lầm lỡ tình ái, bởi Quỳnh còn nguyên màng trih. Em xin đưa mọi người xem bản biên bản này.
Tất cả đồng tình, chuyền tay nhau xem tờ biên bản.
Kim nói tiếp:
- Nhưng vì chị Thanh không tin tờ biên bản này, chị nghĩ rằng Quỳnh có hoang thai, mà gia đình che giấu nên mua chuộc bác sĩ, để họ không ghi sự thật. Vì vậy em mời tất cả các bác, các chị vào chứng kiến, em sẽ khám lại, để minh oan cho Quỳnh. Không được để người đã khuất chịu tiếng xấu được.
Cô giáo đứng dậy phẫn nộ nói:
- - Tôi là người chứng kiến bác sĩ khám nghiệm. Tôi xin đảm bảo mắt tôi nhìn thấy sự thật. Không ai có quyền phủ nhận một việc làm quang minh chính đại được. Chị Thanh không những vu oan cho Quỳnh mà còn vu oan cho tất cả các bác sĩ và chúng tôi nữa. Kẻ vu oan là phạm pháp đấy.
Cô giáo là người mô phạm, cô không thể tha thứ cho sự xúc phạm của Thanh. Thanh nhìn cô giáo lòng căm tức nghĩ: " Nó là bạn học cũ của mình, vậy mà bây giờ lại cư xử rất đểu với mình. Nó bao giờ cũng đố kỵ với mình. Ngày trước thì học dốt hơn mình nên không được giữ lại trường học cao học mà phải về dạy phổ thông. Bây giờ thì lấy chồng nghèo hơn mình. Sự đố kỵ bao giờ cũng tìm cách làm hại nhau". Nghĩ thế, nhưng Thanh bắt đầu lo sợ. Cô im lặng.
Chị Thoa xúc động thương Quỳnh, chị khóc hu hu rồi kể lể:
- Khổ cho cháu tôi chưa! Người ta bịa đặt vu vạ đặt điều như vậy mà không sợ trời chu đất diệt. Bây giờ lại còn đòi đem ra mà khám lại, dằn vặt thân xác. Cháu tôi, chết đi mà chẳng được yên thân...
Các cô em họ lại xôn xao bàn tán hăng hái chẳng kém gì lúc nãy vào hùa với Thanh nói xấu Quỳnh, bây giờ lại nguyền rủa Thanh và ca ngợi Quỳnh như Thánh nữ. Bác Mão bối rối nhìn cảnh tượng ồn ĩ ấy. Trong lúc nhà đang có đại tang mà lại diễn ra cái cảnh cãi vã này thì thật chẳng ra làm sao. Bác đứng dậy từ tốn nói:
- Thưa các bác, các chị. Tôi nghĩ mỗi người đều có quyền suy nghĩ về nguyên nhân cái chết bất đắc kỳ tử, bởi vì đó là điều bất thường. Nay đã có bản giám định pháp y. Thế là đã rõ những điều nghĩ sai. Vậy bây giờ nếu chị Thanh đã nhận ra là mình đã nhầm trong dự đoán, và thắp nén hương xin với vong hồn cháu Quỳnh tha lỗi cho, thế là mọi việc sẽ êm đẹp. Việc gì phải khám đi, khám lại, vừa phiền phức lại vừa xúc phạm với người đã khuất.
Thanh đứng bật dậy, cô thầm nghĩ có lẽ họ muốn che giấu sự thật, nên bắt cô phải nhận mình vu oan, mình cảm thấy những nhận xét của mình là chính xác, nhất định không mắc mưu của họ. Bọn họ là lũ tham tiền, chắc là được phong bì dầy cộm nên ra sức bao che.
Thanh nói dõng dạc:
- Đàng nào thì mọi người cũng bảo tôi là vu oan cho con gái chồng. Tôi xin thề là tôi nói sự thật. Tôi đề nghị cứ khám lại, tất cả mọi người sẽ chứng kiến. Nếu không chịu khám lại tức là các người sợ sự thật.
Bác Mão thở dài. Còn những cô con gái thì hớn hở vì họ tò mò muốn xem thử cái màng trinh ấy như thế nào? Nhưng thâm tâm ai cũng khó chịu với lời đề nghị của Thanh.
Tất cả mọi người kéo nhau vào phòng Quỳnh. CÔ Kim mặc áo blouse và đeo găng tay cao su vào. Lần lượt từng người đến xem.
Cuối cùng đến lượt Thanh. CÔ ta quan sát rất kỹ lưỡng rồi nói, giọng lạc đi vì thất vọng: " TÔI ĐÃ NHẦM ".
Mọi người đi ra khỏi phòng, Thanh tần ngần đứng lại nhìn Quỳnh lẩm bẩm: " Quỳnh tha lỗi cho cô ". Thanh hiểu là Quỳnh có thể tha lỗi cho cô, nhưng chồng cô thì không bao giờ tha thứ cho cô về việc này. Mà đó mới là điều đáng sợ! Thanh đi vào phòng Hưng, anh đang ngồi viết tóm tắt tiểu sử của bố. Cuộc đời cụ giáo Thư đang thức dậy trong lòng anh những tình cảm nhân hậu bao dung.
Thanh đứng cạnh rụt rè không dám đánh tiếng:
Hưng ngẩng đầu lên hỏi giọng bình thản:
- Thế nào?
- Em đã nhầm. XIn anh tha lỗi cho em.
Hưng thở phào nhẹ nhõm. Anh không chỉ lo cho con gái bị nhục, mà anh còn sợ mình nghĩ oan cho Tú. Cậu bé gần như một nửa của Quỳnh để lại trên đời này. Nếu mà anh phải ghét Tú, thì chẳng còn lại tú gì của Quỳnh ở cuộc đời này nữa.
Bởi thế mà giọng anh lúc này thật dịu dàng:
- Thôi được rồi. CÔ về trông con di, đi lâu quá rồi đấy.
Thanh thấy Hưng tỏ ra độ lượng, cô liều cầu xin:
- Anh tha thứ cho em. Lòng ích kỷ nhỏ nhen khiến em mù quáng. em làm hại danh dự của Quỳnh và xúc phạm đén gia đình ta...
Hưng khó chịu, nhưng thấy cô ấy nói chân thành, anh bảo:
- Thôi cô về đi. Thằng bé đói rồi đấy. Tôi đang bận lắm.
- Anh nói đi, anh có tha lỗi cho em không? Thì em mới yên tâm mà về.
- Lỗi của cô chẳng ai có thể tha thứ được. Nhưng gia đình tôi bao giờ cũng độ lượng với người biết lỗi. Mọi chuyện bàn sau.
Thanh tần ngần bước ra, rồi lùi lũi dắt xe lặng lẽ ra về chẳng chào ai. Vừa đạp xe cô vừa ngẫm nghĩ làm cách nào để giữ được Hưng, không để anh ấy ly hôn với mình.
Cô chợt thấy buồn nôn, và rất mừng rỡ: hình như mình lại ốm nghén? Con mới bẩy tháng mà mẹ lại nghén rồi, thật là mắn như gà. Đúng, đã hai tháng nay mình mất kinh, nhưng cứ nghĩ đang cho con bú nên kinh nguyệt thất thường. Thật là trời Phật cứu mình. Đẻ thêm đứa nữa là lại thêm sợi dây buộc chặt tình chồng vợ.
Cô ta cười rạng rỡ!