Dịch giả: Hoàng Đình Trực
CHƯƠNG VII
CHUYẾN ĐI XA

Người da trắng ra đi được ít lâu thì Asiác mới biết mình lại có mang. Hai vợ chồng phân vân không biết có nên để nuôi đứa con thứ ba này không. Cuối cùng họ quyết định nếu đẻ con trai thì giữ lại nuôi, còn con gái thì trả lại cho băng tuyết. Họ không nuôi nổi quá nhiều miệng ăn.
Đứa trẻ có số phận được định này là một cô bé. Nhưng khi thấy nó có mái tóc đỏ như vừng hồng, mắt màu xanh da trời giữa mùa hè, da trắng muốt êm dịu như tuyết, họ lại thương đứa trẻ. Rõ ràng đó là hạt giống mà người khách mùa đông đã gieo, và Erơnênếch hãnh diện vì vợ mình được thưởng một đứa con của người da trắng.
Họ đặt tên cho bé là Higiugiúc.
Vào một ngày xấu trời có bão tuyết, do còn quá nhỏ, không hiểu nổi việc mình làm, Higiugiúc chui ra khỏi ngôi nàh nấm bằng băng và một mình đi thám hiểm thế giới. Asiác ngủ thiếp đi trong sự mệt mỏi vì mùa đông sắp đến và vì lại đang có mang. Cô thức dậy và nhận thấy mất con. Gió xoá hết mọi dấu vết đứa trẻ. Erơnênếch đi săn vắng nên cô phải đi tìm một mình.Cô đi giữa cơn bão tuyết mạnh đến nỗi chó cũng không tìm được dấu vết, miệng gọi to, chân vấp ngã liên tục.
Nhiều giờ sau chính co chó đã đưa Erơnênếch đến nơi Asiác nằm.
Anh gặp vợ nằm trong một đống tuyết, máu me đầy mình. Asiác bị sảy thai và ngất xỉu. Anh không thấy dấu vết gì của Higiugiúc. Có lẽ thần Sila độc ác ngự trên trời đã mang đứa trẻ đi khỏi mặt đất, khiến nó không được chôn cất cùng với một cái đầu chó như những đứa trẻ khác. Họ tin rằng con vật thông minh đó có thể dẫn lối cho linh hồn bơ vơ lạc đường, bé nhỏ đó trở về với đất nước xa xăm của người Eskimo.
Asiác không bao giờ còn có thể lấy lại được sức khoẻ như cũ. Từ đó cô không còn có đứa con nào nữa, tuy năm nào cô cũng có chửa nhưng đều bị sảy thai.
Sức khoẻ, tuổi trẻ và nụ cười cứ như thế hao mòn dần. Đôi tay trở nên sần sùi, xương cốt đau buốt, cô không khâu nổi những đường kim mũi chỉ thẳng tắp, đều đặn mà trước đây cô từng hãnh diện. Hai hàm răng nhai nhiều đã mòn đến lợi nay chỉ nhai được da mềm như da diệc biển, thứ mà hàm răng sắc nhọn của thanh niên có thể làm hỏng. Cô không còn đủ sức nhai mềm da gấu, hải báo và nhất là thịt tươi.
Asiác đang thấy mình trở thành một người đàn bà nặng nề và vô ích.
Cô bắt đầu mong nhớ hơi ấm và cuộc sống đỡ cực nhọc ở phương Nam. Nhưng vì Erơnênếch là kẻ thù của những người da trắng nên cô chịu giam mình trong sự cô đơn Bắc Cực, nơi có thể trốn tránh được sự điên rồ của người da trắng và những kẻ buôn bán.
Ở đây xương răng hải báo thay thế cho gỗ, quần áo da gấu và hải báo thô nặng thay cho da tuần lộc và do bò biển mềm mại. Cung tên của Erơnênếch làm bằng da xương, thịt và cá đông lạnh. Và giờ đây anh ít gặp được những đồng bào Bắc Cực vì họ chỉ là một nhóm người rất nhỏ so với lãnh thổ rộng lớn của họ. Đôi khi họ gặp một vài gia đình du mục người Rêchidích.
Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc ngắn ngủi ấy cũng đủ cho họ biết thế giới đang có nhiều biến đổi lớn.
Người da trắng kéo đến đây ngày càng đông. Các trạm trao đổi mọc lên như nấm. Kẻ ngoại lai trở thành câu chuyện chính trong những lần gặp gỡ. Họ xâm nhập mạnh mẽ vào xứ sở băng tuyết này. Đến đâu họ cũng mang theo vũ khí, đồ ăn thức uống, quần áo, ngôn ngữ, đồ dùng và cả thần thánh nữa, những thứ không ai yêu cầu và lấy đi nhiều thứ mà không cần xin phép. Họ thiết lập luật pháp của mình và coi thường luật lệ của những tộc người khác. Giống như họ đặt lên chiếu của mình một chiếc cối xay dữ tợn: lúc thì nó sản ra niềm vui và sự giàu có, lúc thì nó sản ra sự chết chóc, từ đây móng vuốt của thứ luật pháp đó vươn đi rất xa, và kẻ nào khôn hồn thì mau chóng quy phục nó. Theo luật đó, họ treo cổ một người đã giết chết kẻ bắt cóc vợ mình, điều mà bất kỳ người chồng Eskimo nào cũng làm vì đổi vợ hay cho mượn vợ là chính đáng còn bắt cóc vợ người khác thì lại là không chính đáng.
Có một người mẹ cùng với ba cô con gái bj lạc phương hướng trong một khu đầy những tảng băng lớn. Thế cùng họ phải ăn thịt đứa con đầu để sống - cô gái đã tự nguyện hy sinh đời mình để cứu những người thân khỏi chết. Vậy mà người da trắng đã bắt người đàn bà đó về thành phố và nhốt vào cũi cho đến chết. Tệ hơn nữa, họ còn bắt cả các con của bà ta. Điều đó làm nhiều người Eskimo bất bình. Nó chẳng mang lại lợi ích cho ai, kể cả cho người da trắng. Người ta biết rằng ở những vùng người da trắng thống trị chúng cấm người Eskimo giết quá ba con hải báo mỗi năm, mặc dù hải báo là nguồn sống chính của họ. Trong khi đó chúng lại dùng súng tiêu diệt từng đàn hải báo mà chỉ lột lấy da, còn bỏ lại tất cả cho hải âu, thậm chí cũng không thèm trả lại xương cho biển cả.
Những việc mà người da trắng làm quả là không có đầu đuôi, xuôi ngược.
Ngoài luật lệ và hàng hoá của mình, người da trắng còn đưa bệnh tật đến. Các bệnh hoa liễu, truyền nhiễm, cúm, ho lao, nhất là bệnh sởi, tha hồ hoành hành ở nơi mà trước đó con người không biết đến chúng và không có khả năng tự vệ. Thế là những kẻ xưa nay bao lần chiến thắng loài gấu trắng Bắc Cực hùng mạnh, nay không hề bị thương gì cả, lại gục chết hàng loạt trước kẻ thù vô hình ẩn nấp trong máu. Có những cộng đồng khi người da trắng đến thì dịch bệnh mà họ gieo rắc đã giết chết đến tám phần mười số dân chỉ trong vài tuần.
Vậy tất cả mọi thứ của người da trắng đều không đúng, đáng ghét và khó hiểu thì hẳn chúng phải có một sức thôi miên ghê gớm, mê hoặc và đưa người ta xuống vực thẳm. Các bộ tộc người Angmagssalik, Rli, Retilingmiut, Kinipitu, Unalsska, Atka, Ita, Nocnillik đều là nạn nhân của sức thôi miên thần bí đó: không thể sống mà không có dao của người da trắng, không có lò sưởi, không có rượu, không có vũ khí, không có quà tặng, không có những sợi chỉ màu, không có gương, không có chuỗi hạt thuỷ tinh, không có bao nhiêu thứ hàng hoá lạ lùng mà người da trắng đưa vào và người Eskimo nhận đổi lấy da, dầu cá và nhân công.
Ở cái xứ sở Bắc Cực heo hút này mỗi ngày càng ít dần số người theo đuổi lối sống cổ truyền. Nhưng những người này tinh thần họ cũng bị bệnh ung thư trắng tấn công. Asiác thường cảm thấy cái yên tĩnh của những người thân đang bị bao nhiêu ước vọng đè nặng và những đêm không ngủ được những chuyện thần kỳ ngăn cấm khích lệ.
Khi gần tròn chín tuổi, Papích đã giết được con hải báo đầu tiên, một chú hải báo con chưa biết bơi. Erơnênếch đã bảo cậu ta đặt nó nằm sấp trên mặt đất và đâm vào lưng con vật để hồn nó không sợ cậu bé và không báo tin cho các con hải báo khác lẩn tránh. Nhưng cần phải đợi nhiều năm nữa thì Papích mới trở thành người đi săn thực sự, có khả năng nuôi sống một gia đình. Và gia đình cần đến nó.
Một tai nạn đã tước hẳn khả năng săn bắn của Erơnênếch. Trong khi phóng nhanh xe đuổi một con gấu, Erơnênếch ngã xuống dốc băng thẳng đứng làm vỡ một đống băng và lưng anh bị gẫy. Anh nằm bất động vài tuần trăng và cuối cùng đứng dậy được, nhưng không thể cúi gập người và cũng không ngồi được. Xương sống của anh đã thẳng cứng hơn băng. Anh chỉ có thể nằm thẳng hay đứng thẳng mà thôi. Rất buồn cười khi nhìn thấy anh cố cong người trên ghế băng và dựa người vào tường khi muốn đứng dậy. Chính anh cũng biết hình dáng nực cười của mình, nên thường cùng cười đùa với mọi người trong gia đình.
Anh có thể đi, và cả chạy nữa, nhưng không được lâu. Và mỗi sự cố gắng đều làm anh đau đớn và mọi người lại phải đưa anh vào chỗ nằm.
Anh đã bốn mươi tuổi, một người già, vẫn ăn nhiều như trước nhưng không còn là làng săn bắn một thời vang bóng. Đã có những biểu hiện khác về con đường đời dài dằng dặc anh đã kinh qua: các vết nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, má hóp lại và khô, nhiều sợi tóc trắng ở thái dương và râu điểm bạc ở mép kéo dài tới cằm. Anh thích thú nhìn thằng Papích cầm mũi dao có ngạnh dùng cung phóng đi. Anh nhớ lại mình cũng đã có một thời như thế, và thật lạ lùng vì hình như không xa lắm. Thật vậy, theo xét đoán của mẹ khi lên mười sáu hay mười bảy tuổi Papích sẽ rất giống Erơnênếch: người to lớn, béo chắc, cao gần như bố, dũng cảm gần như bố, năng động, chân thành và cục mịch gần như bố. Nó không bao giờ giống hệt vì nó là con của Asiác.
Ivalú thấp hơn anh vì chưa phát triển hết nhưng trông khoẻ mạnh, béo mập. Cũng như Asiác, cô có đôi môi dày nhưng không mọng, trong khi đó đôi mắt đen sinh động lại giống mắt Erơnênếch. Đầu óc cô còn ngây thơ, ít lịch lãm khi tiếp xúc với mọi người, vì cô quen ít, hơi thở của cô thay đổi như cơn gió nhưng cái tính nghiêm nghị của cô đã mất hẳn từ khi cô quen một chàng trai tên là Milắc.
Họ gặp nhau trong cuộc đi săn mùa hè và chỉ kịp trao đổi đôi lời. "Quá ít ỏi" - Milắc nghe thế, khi trở về làng. Năm sau, anh lại làm cuộc hành trình thứ hai để gặp cô. Nhưng cả lần này nữa tình hình cũng chưa tiến triển được mấy.
- Có người không cần một người đàn ông - Ivalú nói.
- Nếu cô không cần một người đàn ông thì cô chưa phải là một người đàn bà.
- Vậy tôi là gì?
- Là một cô bé chưa biết gì. Một cô bé có óc diệc và trái tim chồn gloton! Chỉ có trẻ con mới nghĩ là có thể sống được mà không cần đàn ông.
- Một cô bé thích ý nghĩ của anh vì nó làm cô ta buồn cười.
Ôi, người phương Bắc thô thiển quá - anh chàng Milắc người phương Nam nghĩ vậy. Chỉ có Asiác biểu lộ một vài nét lịch thiệp vì chị thuộc một gia đình phương Nam. Còn Ivalú và Papích thì thô kệch như bố, hoặc gần như vậy. Quả thực không có ai thô kệch bằng Erơnênếch: "So với bác cháu săn được thật là ít ỏi". Erơnênếch trơ trẽn đáp: "Đúng thế". Cách ăn nói khiêm tốn thế thì trước kia có thời kỳ anh đã khổ công học tập nhưng mấy năm gần đây anh không có dịp thực hành vì ít được tiếp xúc với người lạ.
Vì vậy mà con gái một người như vậy hẳn phải là một đàn bà ngu ngốc và vô tích sự nhất trên thế giới này, lại dám cười cợt anh sao? Cô ta quả là kỳ cục. Có nên lấy cô ta làm vợ không hay cứ để mặc cô ta như thế? Và anh thích lấy.
- Cô biết đấy, cha cô đâu còn là người săn bắn nổi tiếng một thời gian nữa - Anh cố tìm lý lẽ để thuyết phục - Và anh cô sẽ gặp một người đàn bà và lấy người ấy.
- Tôi đủ sức săn bắn và bắt cá một mình!
- Nhưng ai sẽ khâu vá? Cô không thể làm cả hai việc được và cũng không thể đuổi theo sau một con gấu hoặc quỳ gập người bên hố câu nhất là khi có một đứa con trong bụng hay trên lưng.
- Nhưng ai nói với anh là tôi sẽ có con?
- Con cái cứ tự nhiên đến khi người ta lớn lên y như cặp vú ấy. Mà khi cô có một hay hai đứa con cô phải tìm một ông chồng.
- Vì sao?
- Vì anh cô không thể kiếm thức ăn cho nhiều người.
- Có lẽ anh thì không thể nhưng anh tôi làm được. Chúng tôi là người phương Bắc và điều duy nhất anh có thể thuyết phục nổi chúng tôi là những câu chuyện anh tưởng tượng ra.
Milắc tức giận, mặt đỏ bừng dưới lớp mỡ và bồ hóng. Anh đứng dậy, giậm chân và nhổ nước bọt, trong khi Ivalú thích thú đứng nhìn. Con người đó hấp dẫn cô vì anh là người của xứ sở bóng ngắn, ấm áp, vui tươi và huyền bí, nơi mà từ đó ánh sáng, tuần lộc và bò biển đã đến.
- Có người muốn trở về một mình - Cuối cùng Milắc nói. Rồi anh yên lặng rút lui về hướng mặt trời.
Ivalú ước mơ những người đàn ông có thân thể vạm vỡ, vui nhộn như bố cô, còn Milắc là một người hoàn toàn khác: khôn ngoan, khéo léo, săn bắt giỏi, nhưng không khoẻ mạnh, so với khổ người Eskimo thì anh gầy hơn, nhất là so với người Bắc Cực. Anh ít cười và nét mặt luôn luôn thay đổi thể hiện sự vận động liên tục của tư tưởng.
Đúng thế, sau khi Milắc đi rồi, càng nghĩ nhiều tới anh, cô càng thấy rõ một điều là Milắc không phải là mẫu người cô thích. Ý nghĩ đó không để cô yên cho đến một ngày cô nói với mẹ:
- Hình như ở miền Nam có những thầy lang có phép làm mưa thuận gió hoà, săn bắn được nhiều, chữa các bệnh. Họ có thể chữa khỏi lưng của bố.
Asiác thút thít:
- Có lẽ con nói đúng đấy. Nghe bố con luôn mồm kêu rên đau đớn, mẹ mệt mỏi lắm rồi.
- Thế bà không sợ người da trắng bắt bỏ tù tôi à? - Erơnênếch ngạc nhiên hỏi.
- Chúng ta sẽ tìm cách ở xa họ. Hơn nữa bây giờ ông đã già lại bị tàn tật, còn nếu người ta giết ông thì chẳng phải là mất mát nhiều lắm. Milắc có nói ở làng anh ta có một ông thầy lang có nhiều phép lạ. Chúng ta thử xem.
Ivalú lao vào ôm chầm lấy mẹ và hôn rối rít. Erơnênếch và Papích cũng phấn khởi, thế là họ bắt tay ngay vào chuẩn bị hành lý. Nhưng Asiác sầm mặt lại.
Chính Papích là người ngồi ở vị trí chỉ huy, tay cầm roi quất gió trong chuyến đi xa về phương Nam này, còn Erơnênếch lưng thẳng đứng ngồi ở phía sau. Đất vẫn còn đang ngủ, những bụi cây thấp vẫn chưa nhú ra khỏi lớp băng mùa đông. Không hề thấy bóng dáng một con vật nào, và nếu có thì cũng không thể nhận ra được vì chúng mang bộ lông màu tuyết, nhất là khi chúng nằm bất động. Bầu trời mùa đông xam xám. Con gấu trắng dũng mãnh và kiêu hãnh bất chấp mùa đông là trường hợp ngoại lệ duy nhất của thiên nhiên.
Khi trời xấu, họ buộc phải dừng xe, làm nhà nấm bằng băng để trú ẩn. Papích và Ivalú làm hết cả mọi việc, trong khi Erơnênếch chỉ chê bai.
- Các con đừng chấp - Asiác nói - Vì ông bố kiêu ngạo này biết làm nhiều thứ giỏi hơn những người khác.
Bọn trẻ bật cười giữa cơn bão tuyết. Chúng xếp các tảng băng thành hình tròn và dùng tuyết trát tường nhà. Tất cả ngủ thẳng hàng sát nhau, như cá hồi phơi khô. Họ cho phép lũ chó được nằm co ro bên cạnh chủ, nhưng không được liếm lớp mỡ bôi trên mặt họ.
- Khi nào khỏi lưng, bố sẽ cho các con thấy cách dựng một ngôi nhà nấm bằng băng - Erơnênếch nói và trăn trở trên giường chật.
- Đúng thế - Asiác nói - Ông biết cách làm một ngôi nhà nhỏ bên ngoài mà lại rộng bên trong. Thầy lang có thể chữa khỏi lưng cho ông, nhưng tuổi tác thì không chữa được. Bây giờ ông đã già và theo luật lệ thì chúng tôi cần phải bỏ ông trên băng.
Bọn trẻ bật cười, nhưng Erơnênếch lại không nhận thấy ý đồ trêu cợt của vợ con trong câu nói ấy.
- Tôi nhớ lại mỗi khi đi săn về Asiác thường gọi tất cả đàn ông, đàn bà đến xem chiến lợi phẩm của tôi và ăn uống no nê đến đau cả lưng, thì tôi không làm sao hiểu nổi là thời gian đã thay đổi!
- Thời gian thì không - Asiác nói - Còn ông thì có.
Câu nói này làm cả nhà bật cười cho đến khi giấc ngủ dập tắt niềm vui của họ.
Những hy vọng to lớn luôn luôn làm cho mọi người lo lắng, bồi hồi và dường như họ dự cảm được là chuyến đi này không chỉ làm thay đổi những phong cảnh trước mắt họ mà còn thay đổi cả cuộc đời họ nữa. Và giữa đêm tối yên lặng, trước khi ngủ bọn trẻ hỏi mẹ chúng vô số câu hỏi. Và không có câu nào người mẹ không trả lời được.
- Tuyết từ đâu đến hả mẹ?
- Tuyết là máu của những người chết. Có rất nhiều người chết cho nên có nhiều tuyết.
- Còn sấm? Con luôn tự hỏi sấm là gì.
- Các linh hồn cãi nhau tạo thành sấm.
- Còn chớp?
- Cũng thế. Vì cãi nhau mà linh hồn hất đổ đèn tạo thành chớp. Đó là lý do vì sao mà sấm và chớp luôn đi liền với nhau.
- Còn sao đổi ngôi?
- Đó là nước mắt của sao. Chỉ có thể giải thích như vậy được thôi, phải không?
- Đúng vậy, nhưng mà không bao giờ con nghe được như thế. Vậy ai làm ra những người đầu tiên?
- Con quạ đen.
- Vậy ai làm ra con quạ?
- Có một lần một tiếng nổ dữ dội làm băng tách ra và tiếng nổ đó tạo ra con quạ. Nó đen vì lúc đó chỉ có đêm tối mà thôi. Trong đêm tối mù mịt ấy, cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, nó bèn lấy đất sét nặn ra những người đàn ông bé nhỏ. Những người đàn ông ấy buồn chán vì không có ai cãi cọ, họ lấy tuyết nặn đàn bà.
- Bây giờ con quạ ấy đâu rồi?
- Chết rồi. Con người bé nhỏ vừa lớn lên đã giết nó.
- Vì sao?
- Để ăn thịt. Họ hành động như thế trước khi hiểu rằng chỉ có quạ ấy mới có thể làm cho con người bất tử.
- Điều đó làm con nhớ đến một điều từ lâu làm con rất băn khoăn. Khi chết linh hồn sẽ đi đâu?
- Nó sẽ đi một trong ba thế giới: cái thứ nhất ở trên không, cái thứ hai ở trên mặt đất và cái thứ ba ở dưới đáy biển.
- Thế linh hồn hình dáng thế nào?
- Nó giống như người mang nó nhưng nhỏ tí.
- Nhỏ bằng cái gì?
- À nhỏ như con diệc biển nhỏ nhất ấy.
- Thế tên của con người như thế nào?
- Tên của con người giống như linh hồn nhưng còn nhỏ hơn nhiều.
- Thế mẹ đã lần nào nhìn thấy linh hồn chưa?
- Mẹ chưa, nhưng bà ngoại con nhìn thấy rồi, nhìn thấy cả linh hồn mẹ nữa.
- Thật bà trông thấy chứ?
- Nếu không trông thấy thì nói thấy để làm gì?
- Thế tên của người chết đi đâu?
- Chúng buồn rầu, cô độc, vơ vẩn trong không trung lạnh lẽo cho đến khi trú được vào một thể xác mới. Vì thế người ta mới lấy tên của người đã chết đặt cho những trẻ sơ sinh và chó mới đẻ.
- Thế cái gì đã làm sinh ra trẻ con và chó cún?
- Thần mặt trăng có hình dạng người đã làm phép cho đàn bà có thai hoặc không tuỳ theo ý thích của thần. Thần thấu trị tội lỗi của những người phạm Thánh và trừng trị họ.
- Như mẹ nói thì Thần Mặt trăng xấu ư?
- Chỉ có một vị Thần xấu, đó là Thần Sila. Thần sống trên đời để đuổi bắt trời. Đôi khi Thần cướp người của Trái Đất mang đi.
- Vì sao Thần mà lại xấu thế?
- Thần cũng như người, có tốt, có xấu. Chúng ta làm sao là người tốt được nếu không có kẻ xấu. Ví dụ Thần Sêđna là một người đàn bà có đuôi hải báo cai quản các cháu bé dưới biển lại rất tốt. Thần biếu chúng ta nhiều cá ngon. Sau đó là Thần không khí, người giữ gió, không tốt mà cũng không xấu. Con còn muốn biết gì nữa không?
- Chắc có nhiều điều cần phải biết?
Asiác ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Không còn việc gì khác cần biết nữa đâu.
Họ đi về phương mặt trời mọc. Ngày mới thức dậy và đón họ ở giữa đường. Thoạt tiên bầu trời có màu gan hải báo, màu máu đỏ tươi, màu đỏ pha vàng. Sau đó mặt trời đỏ rực hiện ra, toả ánh sáng xuống cánh đồng băng, đồi núi, hải đảo và đất liền. Đến khi mặt trời trở thành nhợt nhạt thì nó dừng lại, mệt mỏi ngắm nhìn cái thế giới đơn điệu dưới chân mình.
Một cơn gió tuyết đột ngột nổi lên giữa trưa hè.
Suốt ngày họ đi trên biển đóng băng. Đôi khi, gió cản trở hành trình của họ. Bên dưới cánh đồng băng rộng lớn nước chảy rì rầm. Họ vượt qua các núi băng cao vút mọc giữa đại dương, lượn qua các mỏm đất phủ đầy tuyết, những đỉnh núi hiểm trở. Trời bắt đầu nóng dữ, họ nghe tiếng băng rạn vỡ kêu răng rắc dưới thanh trượt và biển gầm ở bên dưới rất gần. Không khí ngày càng có nhiều những đám mây muỗi. Một cơn mưa tuyết lại quét sạch bầu không khí, xua tan ruồi muỗi.
Tuyết, chim và những dấu hiệu của sự sống thực vật ngày càng nhiều khi họ đi sâu về phương Nam. Mặt trời càng lên cao, bóng càng ngắn lại, trong khi đó gió nồng nàn hương vị của tuyết, của biển, của đất, của cỏ và hoa.
Cánh đồng băng chuyển động và thay đổi diện mạo không ngừng vì nước biển, vì gió bão, vì thuỷ triều và vì những dòng nước chảy. Mặt băng nứt nẻ buộc người đi phải thường xuyên đổi hướng. Và khi gặp phải một tảng băng lớn đang chuyển động, họ bèn bỏ đại dương và đi theo đường đất liền.
Mặt đất đầy nguy hiểm và gồ ghề. Xe chạy rất vất vả. Khi xuống những dốc băng trơn tuột họ phải quăng neo và buộc chó sau xe để làm phanh. Đến khi lên dốc tất cả phải dồn sức kéo xe lên.
- Thầy lang sẽ phải chữa lưng không phải một mà hai cái - Asiác nói - Sau khi đã mệt mỏi.
Và bọn trẻ cười rũ rượi.
Mặt trời lên cao, nhưng chưa đến được thiên đỉnh thì phải tụt xuống như mệt mỏi vì cố sức. Nó to hơn và lại có nhiều màu hơn. Khi xuống gần chân trời, nó có màu vàng rực, sau chuyển sang vàng, hồng, đỏ tím nhạt rồi cuối cùng biến mãi vào trong đất để lại một áng đỏ như máu. Ngày qua đêm tới. Trong khi màu sắc tắt dần, ánh sáng càng ngày càng yếu ớt thì mặt đất rung chuyển trong màn sương mù. Trong nỗi lo trời tối, trong ánh chiều tà trắng bợt họ cũng kịp thời chứng kiến một cảnh tượng mới mẻ mà Papích và Ivalú hầu như không thể tưởng tượng được. Đó là đại dương đầy nước lấp lánh lềnh bềnh những quả núi băng.
- Giống bầu trời quá - Papích thốt lên.
- Như bầu trời đầy nước ấy - Ivalú thích thú phụ họa.