Thổ ngơi trải dài từ rừng ra biển, nên Biên Hoà được đặc ân của Thượng đế tặng cho những thổ sản thiên nhiên lẫn đặc chế đi kèm theo địa hình.
Đá Ong:Trên phá sơn lâm dưới đâm hà bá. Biên Hoà nổi tiếng loại đá ong có lỗ xây gò mả, các lò đá xanh ở Bửu Long và Châu Thới sản xuất bia mộ, cối xay, thạch đăng lung và nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác. Lò gạch mọc như nấm, đất sét thì nhiều vùng chỉ việc lấy lên khuôn. Cát thì chỉ cần sà lan vét lên, hoặc mướn thợ lặn.
Đàn Đá:Theo tài liệu khảo cổ Việt Nam, ở Việt Nam có một ngày đáng nhớ là ngày 13- 12- 1979 là ngày khai quật được tại Bình Đa (thành phố Biên Hoà) giữa vô vàn chồng chất tro xương, những công cụ bằng đá phiến dôm Andéjit là loại trầm tích biến hóa thành chất sừng, bỗng hiện ra những vật lạ bằng đá, 47 thanh đoạn của bộ đàn đá Bình Đa xuất hiện giữa tầng văn hóa ở trạng thái insitu. Sự xuất hiện thêm ào ạt những thanh đá kêu kỳ dị ở Khánh Sơn, Bảo Lộc, Bác Ái, Đa Kia... làm cho các nhà bác học sửng sốt.
Trước đây người Mỹ và người Pháp có tìm được ở cao nguyên Darlac một bộ và ở làng Bù Dơ (Lâm Đồng) một bộ đem về lưu trữ tại điện Louvre, Paris và tại Bảo tàng viện Los Angeles, California mà không cho chưng bày chỉ được xem ảnh chụp và nghe qua băng ghi âm!
Đàn đá không xa lạ gì với chúng ta. Tay sáo Nguyễn Đình Nghĩa có thuật lại cho tôi nghe đã được thấy sau 1975 khi nghiên cứu về sáo Mèo ở Tây Nguyên. Ai cũng nghĩ rằng, nếu nói lưu vực sông Hồng, sông Mã là quê hương của trống đồng thì Tây nguyên hẳn phải là xứ sở của đàn đá. Việc khai quật, sưu tầm nhằm khôi phục bản sắc dân tộc, thẩm định cấu trúc thanh âm và tìm mối quan hệ giao lưu giữa hệ thống nhạc cụ cổ truyền Việt Nam.
Sau khi mẩu mã tro xương được đưa thẳng sang Berlin và chỉ vài tuần sau Viện Hàn Lâm Cộng Hòa Dân Chủ Đức gửi phiếu thử phản ứng phóng xạ Carbon (C 14 dating) cho biết niên đại chính xác của Đàn đá Bình Đa là 3180 năm cũng là niên đại chung cho gia đình đàn đá Việt Nam. Năm sau khi khai quật địa chỉ Gò Me (quê của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên cách Bình Đa 3 km về phía Tây) các chuyên gia lại phát hiện thêm một thanh đàn đá, điều đó xác nhận đàn đá hẳn là loại hình văn hóa đặc thù của vùng văn hóa Nam Tây Nguyên - Đông Nam bộ từ 3,000 năm trước (theo Đỗ Quyên).